▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

14/12/2023: "Đi ra biên cương mới" - bài giảng sát sườn của nghị huynh đang hoạt động tại "xứ sở kim chi"

Trong tông huấn "Niềm Vui Tin Mừng" và các Sứ Điệp Truyền Giáo hằng năm, Đức Thánh Cha Phanxicô thường lặp đi lặp lại lời mời gọi "hãy đi ra các vùng ngoại biên" hoặc các "biên cương mới". Vậy, chúng ta phải hiểu "vùng ngoại biên" này là gì? Và ai là người có thể đi ra vùng ngoại biên này? Ai là người thích hợp để làm việc này? "Vùng ngoại biên" này có thể được hiểu theo hai nghĩa: địa lý và thể lý.
Trong Thánh lễ sáng 14/12, do cha Giuse Nguyễn Tất Trung chủ tế (2 cha đồng tế: F.X Trần Minh Châu, Phêrô Lê Chí Thời), cùng với ý chỉ "Cầu cho anh em đang dấn thân ở vùng ngoại biên luôn đầy tràn nghị lực và xác quyết trong Thánh Thần", cha F.X Trần Minh Châu đã có một bài chia sẻ phải nói là rất thấm thía, sát sườn với thực trạng của Tỉnh dòng. Chúng con đã xin phép cha Minh Châu, để được đăng lại nguyên văn bài giảng của ngài.

Trong tông huấn "Niềm Vui Tin Mừng" và các Sứ Điệp Truyền Giáo hằng năm, Đức Thánh Cha Phanxicô thường lặp đi lặp lại lời mời gọi "hãy đi ra các vùng ngoại biên" hoặc các "biên cương mới". Vậy, chúng ta phải hiểu "vùng ngoại biên" này là gì? Và ai là người có thể đi ra vùng ngoại biên này? Ai là người thích hợp để làm việc này? "Vùng ngoại biên" này có thể được hiểu theo hai nghĩa: địa lý và thể lý.

Về mặt địa lý, có nghĩa là mỗi người Kitô hữu phải cố gắng ra khỏi ngôi nhà riêng của mình, để đi ra ngoài xã hội nơi mà có nhiều người đang gặp đau khổ, bệnh tật, hay chịu bất công, bị đàn áp, thất vọng, bị lạc mất niềm tin và lẽ sống, hoặc chưa từng được nghe biết Tin Mừng. Bước ra khỏi nhà riêng, khỏi phòng làm việc, khỏi tu viện hoặc cộng đoàn tu trì để gặp gỡ đủ mọi hạng người, thì đó chính là "biên cương mới" của chính mình. Nếu chịu khó đi xa, rong ruổi trên các nẻo đường để gặp gỡ người khác và chia sẻ cho họ niềm vui Tin Mừng của mình, thì đó chính là "vùng ngoại biên". Nếu chúng ta sẵn sàng buông lỏng để cho Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đi tới những vùng đất mới, nơi có nhiều người đang sống trong khổ cực, lầm than, thiếu ăn, thất học, chưa nghe biết Tin Mừng... thì đó cũng chính là "vùng ngoại biên" của chúng ta. Và chắc chắn "vùng ngoại biên" thường làm cho chúng ta có cảm giác thiếu an toàn, phải ăn uống ngủ nghỉ thất thường, thậm chí phải sống nghèo như những người ở vùng ngoại biên, phải thiếu thốn như họ, phải lao động như họ, phải chịu cảnh bị đối xử bất công như họ,... Nhưng những nơi này lại cần sự hiện diện của chúng ta và giúp chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn, bắt gặp khuôn mặt của Ngài dễ hơn, khám phá ra sự hiện diện của Ngài giữa dân chúng cách thiết thực hơn, bởi vì chính Chúa Giêsu là người tiên phong đi tới vùng ngoại biên trước chúng ta. Về mặt thể lý hoặc tâm linh, "vùng ngoại biên" chính là việc thay đổi lối suy nghĩ và lối sống cũ trong con người của chúng ta; hay nói cách khác, đó là việc "ra khỏi chính mình", chế ngự thói quen xấu (cố thủ ở một nơi, ngại đi ra, ngại gặp gỡ, ngại kết thân với người khác), vượt thắng nỗi sợ hãi khi phải dấn thân và đối diện thách đố, loại bỏ những quyến luyến lệch lạc và bám víu vào những sự thế gian (tiền của, danh vọng, địa vị,...), chiến thắng lối sống hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân. Chiều kích thể lý hoặc tâm linh của ý niệm "vùng ngoại biên" thách đố con người chúng ta nhất, bởi lẽ nó ăn sâu vào tiềm thức, lối nghĩ, cách sống, kiểu huấn luyện; nó hình thành nên văn hóa, cung cách hành xử và cách hiện hữu của chúng ta. Vì thế, không dễ để ngày một ngày hai có thể thoát ra khỏi chính mình, để đi ra vùng ngoại biên. Hơn thế nữa, có thể khẳng định rằng: chúng ta chỉ có thể can đảm đi ra "vùng ngoại biên" khi để Chúa dẫn dắt đời mình, khi kín múc tràn ngập tình yêu và ơn sủng Chúa qua việc cầu nguyện lâu giờ, khi cảm nhận sự thúc đẩy của Lời Chúa trong sâu thẳm cõi lòng mình.


Như thế chúng ta có thể nói "vùng ngoại biên" chính là việc mà người tu sĩ Đa Minh sẽ phải ra khỏi chính mình và căn phòng của mình để lên đường, đi đến bất cứ nơi đâu, gặp bất cứ ai vào bất cứ lúc nào để san sẻ niềm vui Tin Mừng cho người mình gặp, chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa cho người khác để giúp họ cũng trở thành môn đệ của Chúa Kitô.

Vậy ai là người phù hợp đi tới "vùng ngoại biên"? Trước hết tất cả mỗi người Kitô Hữu chúng ta, nhưng với một người tu sĩ Đa Minh thì càng phải mạnh dạn và quyết liệt hơn nữa, Người tu sĩ Đa Minh phải coi đó là bổn phận và trách nhiệm của mình. Việc lên đường cũng nói lên việc sống đúng với căn tính và sứ vụ của anh em Đa Minh chúng ta. Nếu Giáo Hội từng khẳng định rằng: việc lên đường loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo hội. Ngày nào Giáo hội đóng cửa ở nhà, thì ngày đó Giáo hội không còn là chính mình, thậm chí Giáo hội đang chết dần chết mòn. Người ta không thể chấp nhận được một tu sĩ của Dòng truyền giáo mà lại sợ lên đường truyền giáo, một Dòng luôn tôn trọng sự thật và chân lý mà lại sợ nói về chân lý về sự thật.

Dù biết rằng không phải tất cả mọi anh em chúng ta đều phải rong ruổi trên khắp mọi nơi để loan báo Tin Mừng và mở mang Nước Chúa, nhưng không có nghĩa là chúng ta không có nghĩa vụ và bổn phận phải loan báo Tin Mừng. Đến với "vùng ngoại biên" là lời mời gọi ra khỏi chính mình, ra khỏi căn phòng của mình, ra khỏi cộng đoàn của mình, để gặp gỡ những anh chị em đang sống quanh mình, đang có những cảnh đời khổ đau cùng khốn, đang chịu nhiều bất công bởi xã hội gian dối. Trong hoàn cảnh của Giáo hội Việt Nam hôm nay, những tu sĩ Đa Minh phải là những người tiên phong đi đến các vùng ngoại biên như chính Chúa Giêsu đã làm gương trong vai trò là người mục tử. Nhìn vào con số gia tăng của anh em Đa Minh tại Việt Nam, quả thực với các Tỉnh Dòng khác thì đây là điều đáng mơ ước, nhưng số lượng nhân sự nhiều không phản ánh được hiệu năng công việc, nếu anh em vấn cứ co cụm ở Tu viện, trong căn phòng với đầy đủ tiện nghi của mình.

Một số anh em ngại dấn thân, sẽ dẫn tới tình trạng sống co cụm, dần dà thiên chức linh mục và ơn gọi đời dâng hiến trở thành một "ngành nghề" hoặc giống như các nhân viên văn phòng. Thậm chí, nhiều anh em ở trong tình trạng "nhàn cư vi bất thiện", và trong tương lai nhiều Tu viện có thể phải giải quyết hậu quả đáng tiếc của sự "nhàn rỗi" này! Trong khi có nhiều nơi đang rất cần sự hiện diện của anh em, cần được anh em đồng hành và nâng đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Có nhiều nơi có thể phát triển thành giáo điểm nhưng lại thiếu người sẵn sàng hiện diện để hình thành và phát triển.

Nên không có cách nào tốt hơn, đó là anh em chúng ta phải ra khỏi chính mình để đi tới những "biên cương mới" là nơi có Chúa Giêsu đang hiện diện, đang chờ đợi chúng ta gặp Ngài, để cùng Ngài đưa nhiều con cái Cha về đoàn tụ trong ngôi nhà chung là Hội Thánh, cùng nhau ngợi khen, tôn kính và phụng sự Chúa Cha trong Thần Khí của Người.

Hiện nay đã có một số anh em chúng ta đang có mặt trên những vùng đất khác nhau, chung sức chung lòng, tiếp bước và tiếp sức với mọi người trên các cánh đồng truyền giáo, và vẫn chưa bao giờ biết mệt mỏi là gì, tất cả là vì sứ vụ và niềm vui của Tin Mừng thúc đẩy anh em dấn thân. Từ những nẻo đường của vùng đất Kontum, Buôn Mê Thuột hoang sơ, nay đang dần trổ sinh hoa trái, cho đến những vùng sông nước Miền Tây, tới những bờ biển miền Trung, Kẻ Động, Thiên Cầm, cũng như núi rừng Tây Bắc Hưng hóa, Lạng sơn những con đường tràn đầy ân sủng.

Khi sống giữa bà con dân tộc thiểu số trên vùng Tây nguyên như Banar, GiaRai, Hơmông hay người dân tộc Lào, Thái lan hay Hàn quốc, có lẽ cảm nhận đầu tiên là thấy Thiên Chúa dựng đạo cho con người từ thủa xa xưa nào đó, và vui thích ở với con người, đặc biệt những người nghèo hèn khốn khổ. Ngạc nhiên khi thấy bàn tay Chúa nâng đỡ che chở người môn đệ trên đường khi thi hành sứ vụ, ngạc nhiên trước quyền năng và ý muốn của Thiên Chúa đã định trước và đã dự liệu tất cả. Ngạc nhiên trước những đôi chân của anh em hăng hái lên đường và cũng bàng hoàng trước những đôi chân vẫn mãi rụt rè e ngại. Đường sứ vụ, đường của tình Chúa dành cho nhân thế đến nỗi đã trao ban Con Một; đường của con Thiên Chúa làm người với con tim hiếu thảo vâng phục đến cùng; đường của người môn đệ mở rộng con tim đón nhận nước và máu, dòng máu xót thương đang tuôn trào từ con tim của Đấng chịu đóng đinh, và một khi người môn đệ, người tu sĩ Đa Minh chúng ta dám dấn bước với con tim của lòng xót thương, thì lúc đó cũng sẽ có sức lôi cuốn nhân thế tội lỗi vào dòng xoáy của lòng thương xót Thiên Chúa.

F.X Trần Minh Châu
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url