▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Thiếu sót và bất toàn trong đời sống Đa Minh

Tha thứ không phải là giả vờ xem một việc gì đó vẫn chưa xảy ra, hoặc một điều gì đó chưa xảy ra nhưng mong nó sẽ xảy ra theo mình tưởng tượng. Tha thứ cũng không giống như giả vờ rằng chính bản thân mình không hề bị tổn thương gì cả; hoặc làm như mình hay quên, hoặc tẩy xóa khỏi tâm trí những điều phiền muộn ấy cách dễ dàng. Sự tha thứ cũng không phải là những bài tập luyện tinh thần nào đó. Tuy nhiên, ngay cả khi các bạn ý thức về sự tổn thương mà bản thân phải gánh chịu, hoặc mình không thích người ấy, thì tôi nghĩ các bạn vẫn có thể hành động làm cho người ta được tự do. Điều này cũng khá phức tạp vì người ấy phải hiểu rằng bạn đã bị tổn thương. Làm sao để khi các bạn đối thoại, người kia phải hiểu những sự xúc phạm mà chính người ấy đã gây ra, và được giải thoát khỏi sự cắn rứt lỗi lầm.


Ai nhục mạ, nói xấu hay vu khống người khác, phải lo sửa chữa càng sớm càng tốt; còn người bị xúc phạm phải tha thứ, đừng chấp nhất.

Lạy Chúa là Cha thương xót và giàu lòng nhân ái, trước mặt Chúa, chúng con là những con người đầy yếu đuối và bất toàn. Xin giúp chúng con và cộng đoàn luôn ý thức về những lầm lỗi và thiếu sót của mình. Xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm và lấy lòng khoan dung vô bờ của Ngài mà bao bọc chúng con. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Amen.

Đây là nội dung của khoản 6 trong Tu luật:
Cãi nhau, hoặc anh em đừng có bao giờ, hoặc anh em phải chấm dứt cho nhanh, kẻo cơn giận biến thành oán thù, cọng rơm biến thành cái xà làm cho linh hồn anh em thành ra như kẻ sát nhân. Vì các bạn đọc thấy: “Ai ghét người anh em mình thì là kẻ sát nhân.” Ai nhục mạ, nói xấu hay vu khống người khác, phải lo sửa chữa càng sớm càng tốt, còn người bị xúc phạm phải tha thứ, đừng chấp nhất. Nếu làm mất lòng nhau, thì phải tha thứ lẫn cho nhau, vì lời cầu nguyện của anh em, anh em càng siêng năng đọc bao nhiêu, thì càng phải thực hành bấy nhiêu.

Người mà hay giận nhưng mau xin người mình biết là đã xúc phạm tha thứ thì tốt hơn người chậm giận, nhưng chậm xin lỗi. Người không bao giờ muốn xin lỗi hoặc xin lỗi không thật lòng, dù không bị loại ra thì cũng chẳng có lý do ở lại trong Đan viện. Vì thế anh em hãy tránh dùng những lời nặng nề cứng cỏi. Ai lỡ miệng thốt ra lời cay đắng, thì đừng ngại dùng miệng của chính mình làm phương dược để chữa lành những vết thương đã gây ra.

Nhưng khi nhu cầu kỷ luật khiến anh em phải dùng những lời cứng rắn để sửa chữa cách ăn nết ở, thì dù có thấy mình quá lời cũng không đòi anh em phải xin bề dưới tha lỗi, kẻo hạ mình xuống quá sẽ mất uy tín, khó điều khiển những người dưới quyền mình. Nhưng thay vào đó, hãy xin lỗi Chúa của mọi người, Đấng biết rõ là dù anh em có sửa trách quá lời, cũng chỉ vì yêu thương mà thôi. Lòng yêu thương tha nhân nơi anh em không được theo tính xác thịt, nhưng phải theo Thần Khí.

Các bạn đánh giá lời xin lỗi và sự tha thứ trong đời sống chúng ta như thế nào? Có lẽ, các bạn còn nhớ chuyện phim Love Story, bộ phim khá ăn khách vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Một câu tôi nghe được từ bộ phim là “Tình yêu không bao giờ phải nói bạn có lỗi.” Tôi thấy thật buồn cười vì có lẽ câu này nên nói ngược lại. Tình yêu là phải luôn sẵn lòng xin lỗi, xin lỗi vì nhiều lý do. Giả sử, các bạn đến thăm một cộng đoàn dòng tu nào đó. Các tu sĩ cùng bạn nhâm nhi tách cà phê, nhìn các bạn rồi nói: “Chúng tôi là một cộng đoàn đầy thiếu sót.” Điều đó cũng không phải là quá lạ, và các bạn cũng sẽ nói thêm vào: “Thiếu sót à? Tất nhiên rồi, đâu mà chả thế, cộng đoàn nào cũng vậy.” Bởi vì, có ai đã thấy gia đình hay cộng đoàn nào hoàn hảo đâu. Chắc chắn là không có! 

Nhân vô thập toàn. Tôi không nói mỉa mai đâu, bởi đó là hậu quả rõ nhất của tội nguyên tổ. Tôi cho rằng cộng đoàn khiếm khuyết là khi chúng ta không thông tri rõ ràng với nhau. Chúng ta có thể làm gì? Một cách rập khuôn, chúng ta thường chia sẻ cho nhau những điều được rút ra từ Kinh Thánh, nhưng rồi, những chuyện bất ổn trong cộng đoàn vẫn cứ xảy ra. Có lẽ các bạn đã từng kinh nghiệm về điều đó, đúng không? Chúng ta thường không hiểu người khác. Cộng đoàn nào cũng vậy, chỉ hơn kém nhau ở mức độ mà thôi.

Tôi còn nhớ một cảnh trong bộ phim Love Stoty, Nữ hoàng Elizabeth mỉm cười nói: “Chúng tôi rất vui. Nhà chúng tôi mới đáng yêu làm sao!” Có lẽ trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng có những trải nghiệm thú vị tương tự như vậy, nhưng rồi theo thời gian, thực tế phũ phàng dần làm cho chúng ta thất vọng: “Tôi có phải đang sống trong vở kịch, hay trong bộ phim truyền hình tình cảm ủy mị đâu.” Thật ra, theo cách nhìn nào đó, chúng ta đều đang sống trong những vở kịch cuộc đời.

Bước vào đời sống hôn nhân là tham dự vào vở kịch mới của cuộc đời. Hoặc vẫn sống độc thân nhưng có những mối giao hảo với những người trong giáo xứ, thì cũng chính là ở trong màn kịch cuộc sống. Sớm muộn gì chúng ta cũng dần vỡ lẽ, thì ra là mình chẳng hiểu hết được người khác. Và đó là một trong những nguồn gốc sâu xa của sự cô đơn. Tôi cho rằng mọi người đều có những lúc cô đơn, và điều ấy cố hữu như là một đặc tính thiên bẩm vậy. Mọi người đều cô đơn vì họ không hiểu người khác, cũng như không được người khác thấu hiểu.

Chúng tôi có một nhà truyền giáo người Pakistan tuyệt vời trong tập viện, không biết các bạn đã gặp ngài chưa? Một trong những lời cầu nguyện tín hữu mà ngài luôn lặp lại là: “Cầu cho những ai bị hiểu lầm.” Tôi thích lời cầu nguyện này bởi nó thật đúng: Hầu hết mọi người đều bị hiểu sai. Chúng ta phải đối diện với thực tế rằng: Ta không thể thấu hiểu tha nhân và ngược lại. Hậu quả trước tiên của vấn đề này là chúng ta thường có những việc làm khiến người khác khó chịu. Chúng ta làm phiền lòng ai đó. Thông thường là do thiếu minh bạch khi truyền đạt tư tưởng cho nhau. Tôi đã thấy điều này diễn ra trong nhiều cộng đoàn Đa Minh. Và, chuyện tệ hại nhất là mọi người thất bại trong việc truyền đạt tư tưởng cho nhau. Thực tế, có nhiều lý do khiến chúng ta không truyền đạt, đối thoại với nhau. Lý do rõ nhất là chúng ta không nghĩ mình phải nói ra, nhưng nhiều khi nói lại làm cho người khác buồn lòng và suy diễn đủ điều: “Tại sao anh/chị không nói với tôi? Tại sao anh/chị không hỏi? Tại sao không xin phép? Tại sao không tham khảo ý kiến người khác?” Đó chính là khởi điểm cho những rắc rối.

Trong thực tế, chúng ta thường làm phiền lòng người khác. Do vậy, chấp nhận sự thật là điều trước hết phải làm khi ta sống gần anh chị em, những người mà ta chẳng bao giờ hiểu hết. Thứ nữa, ta cần xin lỗi ngay khi làm phiền lòng người khác. Xin lỗi là chân thành nhìn nhận sự phiền hà do mình đã gây ra: “Tôi đã làm tổn thương anh / chị.” “Tôi đã xúc phạm anh / chị.” Thái độ nhìn nhận khiếm khuyết có giá trị bằng cả ngàn lời xin lỗi kiểu như: Do tôi bận quá, vì tôi đã quá mệt mỏi, tôi bị áp lực quá sức, bà ngoại tôi đang ốm nặng. Những lý do đó chẳng có gì sai, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là: Tôi đã làm tổn thương anh chị em. Đó mới là điểm mấu chốt. 

“Tôi đã làm cho anh / chị phải bối rối” hoặc “Tôi đã làm cho anh / chị phải ngán ngẩm, khó chịu” đại loại như vậy... Kiểu nói khiêm tốn này quả là không dễ thốt ra, nhưng lại khá hiệu quả. Đã nhiều lần, tôi phải làm như vậy với anh em tập sinh. Tôi đã khiến anh em phải buồn phiền và thất vọng. Nhiều lúc tôi đã quên xin lỗi họ, lại còn làm ngược lại, để rồi sau đó tôi phải cố gắng nói ra: “Xin lỗi về tất cả những bất tiện và khó khăn tôi đã gây ra cho anh em.”

Tôi nghĩ rằng những trải nghiệm như vậy rất cần thiết cho đời thánh hiến. Chắc chắn cũng không dễ chịu gì, nhưng những trải nghiệm ấy lại là nền tảng xây dựng tính cách và góp phần quan trọng trong hành trình hoán cải của mỗi người. 

Trở lại với những điều rắc rối trong đời sống chung. Các bạn cũng biết rõ cộng đoàn rất phức tạp. Giả sử, chúng ta đưa những thứ rắc rối của đời sống cộng đoàn ra để thảo luận, liệu rằng có thể biến đổi những người tham dự, sau khi phân tích những rắc rối ấy? Không. Tôi không thể. Đó là phần đầu tiên trong mầu nhiệm tha nhân: tức là sự bất lực của chúng ta trong việc thay đổi người khác. Tôi không thể làm cho bạn thành một con người đầy sức sống mỗi sáng; hoặc làm cho bạn thành một con người biết ứng xử lịch thiệp..., đại loại như vậy. Tôi không thể làm tất cả những điều ấy. Nhưng tôi có thể chịu trách nhiệm về cuộc đời tôi, về cuộc sống của tôi. Nếu các thành viên đều ý thức tự sửa đổi những bất ổn của mình, ít nhất là ngay trước khi bị ai đó làm cho xấu hổ, thì sự việc sẽ theo chiều hướng tốt đẹp. Nếu một thành viên của cộng đoàn bắt đầu ý thức chịu trách nhiệm về bản thân, đó sẽ là khởi đầu của tiến trình đổi mới. Bởi vì mọi thứ rắc rối đã bắt đầu đan xen với nhau. Nếu một bạn nào đó tự mình chân thành thú nhận: “Tôi đã sai” thì điều ấy sẽ là một chân lý tựa lưỡi gươm sắc bén, đâm thấu những rắc rối, chia rẽ. Bởi thế, lời xin lỗi trong đời tu hay đời sống hôn nhân đều rất quan trọng.

Bây giờ, chúng ta hãy cùng bàn đến bí mật của lòng tha thứ. Tôi cho rằng tha thứ thường được xem như là việc tha phạt, không trả đũa. “Anh/chị nhăn mặt với tôi và vì thế anh/chị sẽ nhận được từ nơi tôi 10 điểm buồn lòng” đại khái thế. Sự tha thứ giống như là “Tôi sắp lấy đi những điểm buồn lòng, có lẽ là 5 điểm một lần. Tôi sẽ ghét anh/chị ít hơn 25% trong 4 tháng tới và thậm chí chúng ta sẽ trở lại bình thường. Bởi vì, chúng ta đều sẽ quên những điều “đụng chạm.” Nhưng nếu các bạn nhìn vào sự tha thứ, thì hãy nhìn vào những gì xảy ra với chúng ta trong lời thú nhận. Điều gì đã xảy ra với chúng ta trong lời thú nhận? Chúng ta mong đợi gì? Chúng ta kinh nghiệm về Chúa như thế nào?

Tôi kinh nghiệm rằng, tất cả những gì Chúa muốn khi ta đi xưng tội, là làm cho chúng ta được tự do. Những gì Chúa muốn, là thúc đẩy chúng ta đi vào con đường đúng đắn. Vì thế, sự tha thứ là những gì chúng ta có thể làm để mang lại tự do cho người khác, trên con đường tìm về với Chúa, chứ đừng làm cho người ta cảm thấy xấu hổ, sai quấy, bối rối, hay bất cứ điều gì khác - vốn dĩ sẽ ngăn cản người khác tìm về bến bình an.

Mặc dầu vậy, tha thứ không phải là giả vờ xem một việc gì đó vẫn chưa xảy ra, hoặc một điều gì đó chưa xảy ra nhưng mong nó sẽ xảy ra theo mình tưởng tượng. Tha thứ cũng không giống như giả vờ rằng chính bản thân mình không hề bị tổn thương gì cả; hoặc làm như mình hay quên, hoặc tẩy xóa khỏi tâm trí những điều phiền muộn ấy cách dễ dàng. Sự tha thứ cũng không phải là những bài tập luyện tinh thần nào đó. Tuy nhiên, ngay cả khi các bạn ý thức về sự tổn thương mà bản thân phải gánh chịu, hoặc mình không thích người ấy, thì tôi nghĩ các bạn vẫn có thể hành động làm cho người ta được tự do. Điều này cũng khá phức tạp vì người ấy phải hiểu rằng bạn đã bị tổn thương. Làm sao để khi các bạn đối thoại, người kia phải hiểu những sự xúc phạm mà chính người ấy đã gây ra, và được giải thoát khỏi sự cắn rứt lỗi lầm.

Đó chẳng phải là điều Chúa đã làm sao? Chúa nói: “Con là kẻ tội lỗi.” Thiên Chúa đã không ngừng chỉ cho ta thấy những tội lỗi của ta, phải không nào? Rồi, các ngôn sứ, thánh Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu, thánh Phaolô… đều chỉ cho ta thấy những lầm lỗi của chúng ta. Ngay khi Chúa chỉ ra những lồi lầm của ta, Người giải thoát ta khỏi lỗi lầm ấy. Điều này giống như một số ngôn sứ Cựu Ước nói: Các ngươi đã làm điều đó, do vậy, Ta sẽ xé các ngươi ra từng mảnh! Và rồi, Ta sẽ lại trở nên dịu dàng. Người đã làm như vậy đó. Vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta vào Dòng để trở nên giống Chúa, nên ta hãy noi theo gương mẫu Lòng thương xót của Chúa Kitô. Tôi không có ý nói ta phải trở nên ngây ngô dễ chịu, nhưng chỉ muốn diễn tả rằng bạn và tôi có thể trở nên khoan dung cách phi thường, làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.

Tôi xin lặp lại lần nữa, tha thứ không phải là sự ngây ngô, lúc nào cũng mang lăng kính màu hồng, hoặc trở nên giống như tấm thảm đẹp ở bề nổi. Tha thứ là nhận diện được vấn đề và xử lý nó theo gương mẫu của Chúa. Tôi xác tín rằng mẫu gương mà ta nên bắt chước là Thánh Tâm Chúa. Việc chúng ta theo đuổi đời tu hay tiến tới đời sống hôn nhân, hoặc thi hành tác vụ linh mục, về cơ bản là để nhận ra Lòng thương xót của Thiên Chúa, ân sủng của Người, và để rồi mang Lòng thương xót ấy cho những người sống quanh chúng ta.

Thật chẳng dễ dàng gì để yêu và ngưỡng mộ những người mà ta không biết rõ, đúng không thưa các bạn? Không phải dễ gì để gặp các tu sĩ ở một cộng đoàn khác và nói: “Ồ, họ thật tuyệt! Những tu sĩ ở cộng đoàn ấy rất tốt!” Bởi vì các bạn không biết gì về họ. Chúng ta thường là như vậy cả. Tôi xác tín rằng Tin Mừng Kitô giáo, mặc dù chính yếu là được loan truyền từ mầu nhiệm Nhập Thể và Giao ước của Israel, nhưng cũng dựa trên những gì đã rất quen thuộc với cuộc sống thường nhật, trong việc nhìn nhận người anh chị em, với những kinh nghiệm thất vọng, bối rối, bất an và rồi dẫn đến sự bất đồng với nhau.

Tôi nghĩ rằng đó là những gì mà chúng ta đang phải đối diện trong cuộc sống hằng ngày. Đây là một trong những thách đố cam go nhất, nhưng cũng là một trong những khía cạnh tự do nhất trong cuộc đời của chúng ta. Bạn và tôi được mời gọi hãy đến và sống trong huyền nhiệm của lời xin lỗi và tha thứ, vốn gắn liền với niềm tin. Và càng gắn bó với huyền nhiệm này, chúng ta càng thanh thoát hơn và đạt đến sự tự do đích thực là con cái Thiên Chúa.

Ts. Walter Wager, O.P.
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url