▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Quyền bính trong Ơn gọi Đa Minh

Tôi thực sự vui mừng khi được rảo qua một vòng Tu luật thánh Augustinô cùng với các bạn. Tôi nhận thấy rằng bản thân mình khám phá ra nhiều điều thú vị từ Tu luật hơn trước kia, thời còn làm việc với các tập sinh. Tôi từng chia sẻ với các tập sinh rằng: "Một trong những thử thách lớn nhất của đời sống Đa Minh là thánh Đa Minh đã mâu thuẫn với Tu luật trong Hiến pháp của riêng ngài (ít nhất là đối với các anh em tu sĩ), là xem vị bề trên cũng như một người anh em mà thôi." Bề trên cũng là người anh em của ta. Tôi đã nói: "Anh em thân mến, chính tôi cũng phải sống như một người anh em giữa chúng ta." Làm thế nào thực hiện công việc đó? Ý tôi là, một mẫu quyền bính về đan viện trưởng thì dễ hơn nhiều, vì ít mơ hồ. Viện phụ là cha, viện mẫu là mẹ, điều đó rất rõ ràng. Nhưng trong cơ cấu, tổ chức của đời sống chúng ta, thì mọi thành viên đều là anh chị em. Tôi nghĩ rằng có một vài hàm ý nào đó, mà toàn thể thành viên thực sự phải đối diện với tinh thần huynh đệ như thế này.
“Người điều khiển anh em đừng nghĩ mình có phúc vì được quyền thống trị, nhưng vì được yêu mến phục vụ anh em. Anh em phải tôn kính bề trên, còn bề trên, vì kính sợ Thiên Chúa, phải đặt mình dưới chân anh em.”

Lạy Chúa, xin ban xuống trên chúng con Thần Khí của Chúa, xin giúp cộng đoàn chúng con nên mạnh mẽ như cộng đoàn Hội Thánh trong ngày Lễ Ngũ tuần xưa. Xin giúp chúng con nhận ra muôn ân huệ Chúa ban cho từng anh chị em. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen. 


Hôm nay, chúng ta cùng nhau ôn lại khoản 7 của Tu luật:
Anh em hãy vâng lời bề trên, nhất là bề trên thượng cấp, là người coi sóc mọi anh em. Vậy trách nhiệm của bề trên là quan tâm lo lắng để tất cả những điều trên đây được tuân thủ, và nếu có điều nào ít được tuân giữ thì không được lơ là bỏ qua, nhưng phải lo sửa chữa nhiều nhất có thể, còn những điều gì vượt quá quyền hạn hay sức lực của mình, thì phải trình lên bề trên cao cấp hơn. Nhưng chính người điều khiển anh em đừng nghĩ mình có phúc vì được quyền thống trị, nhưng vì được thương yêu phục vụ anh em. Anh em phải tôn kính bề trên, còn bề trên, vì kính sợ Thiên Chúa, phải đặt mình dưới chân anh em. Bề trên hãy nêu gương sáng về các việc lành cho mọi người. Hãy sửa phạt những kẻ khuấy động, ủi an những người nhát đảm, nâng đỡ những người yếu đau, phải kiên nhẫn vì mọi người. Phải mau mắn giữ kỷ luật và dùng quyền cho anh em sợ mà tuân giữ. Tuy cả hai điều đó đều cần thiết, nhưng bề trên phải ao ước được anh em yêu mến hơn là sợ hãi, phải luôn nghĩ rằng mình sẽ phải thưa lại với Thiên Chúa về các anh em của mình. Do đó, khi vâng lời bề trên, không những là anh em thương mình, nhưng còn là thương bề trên nữa, vì trong anh em, càng ở địa vị cao hơn thì càng gặp nguy hiểm lớn hơn.”
Thánh Augustinô

Trước khi bắt đầu, xin cho phép tôi chia sẻ điều này: Tôi thực sự vui mừng khi được rảo qua một vòng Tu luật thánh Augustinô cùng với các bạn. Tôi nhận thấy rằng bản thân mình khám phá ra nhiều điều thú vị từ Tu luật hơn trước kia, thời còn làm việc với các tập sinh. Tôi từng chia sẻ với các tập sinh rằng: “Một trong những thử thách lớn nhất của đời sống Đa Minh là thánh Đa Minh đã mâu thuẫn với Tu luật trong Hiến pháp của riêng ngài (ít nhất là đối với các anh em tu sĩ), là xem vị bề trên cũng như một người anh em mà thôi.” Bề trên cũng là người anh em của ta. Tôi đã nói: “Anh em thân mến, chính tôi cũng phải sống như một người anh em giữa chúng ta.” Làm thế nào thực hiện công việc đó? Ý tôi là, một mẫu quyền bính về đan viện trưởng thì dễ hơn nhiều, vì ít mơ hồ. Viện phụ là cha, viện mẫu là mẹ, điều đó rất rõ ràng. Nhưng trong cơ cấu, tổ chức của đời sống chúng ta, thì mọi thành viên đều là anh chị em. Tôi nghĩ rằng có một vài hàm ý nào đó, mà toàn thể thành viên thực sự phải đối diện với tinh thần huynh đệ như thế này. 

Tiên vàn, mọi anh chị em cần có trách nhiệm với cộng đoàn, dù là các tập sinh non trẻ, những người trung niên, hay những bậc cao niên. Không ai được quyền nói như sau: “Ồ, đó là vấn đề của bề trên mà.” Điều đó không bao giờ được phép, ngay cả trong suy nghĩ. Nếu có chuyện xảy ra, thì đó là vấn đề của tất cả chúng ta, và chỉ được giải quyết tốt nhất khi mọi người cùng nhau góp sức. Điều này có nghĩa là: trong đời sống Đa Minh, chúng ta đã từ bỏ thế gian, hoá ra lại đi tìm thế gian một lần nữa, bởi vì, tất cả chúng ta phải quan tâm về chuyện tiền nong, về tình trạng khánh kiệt tài sản, hay về tình trạng vật chất của tu viện, v.v… Nếu để cho đời sống Đa Minh trở thành ảo tưởng đối với những người đang thực hiện đời sống này, thì chúng ta đang phạm sai lầm rất nghiêm trọng.

Theo tôi, một sai lầm của cộng đoàn là khi còn trong giai đoạn đào tạo, chúng ta không được nghe nói về tiền bạc. Thực tế, chúng ta được nghe giảng về sự khó nghèo, nhưng không ai nói với chúng ta về vấn đề tiền bạc, về cách làm thế nào để kiếm tiền và chi tiêu trong cộng đoàn, hoặc làm thế nào để quản lý tài sản chung. Không ai nói những điều này cho chúng ta, và do vậy, rất nhiều người thực sự thiếu ý thức về những vấn đề của cộng đoàn. Điều này khá ngớ ngẩn, vì không có nhiều người đủ khả năng đáp ứng hay đảm trách công việc. Chẳng hạn, nếu một ai đó quá mệt mỏi vì công tác quản lý hay thủ quỹ, mà chúng ta không tìm ra người khác để thay thế, thì thật nguy hại. Vì thế, tôi thiết nghĩ, mọi người phải được biết các vấn đề của cộng đoàn. 


Trước hết, điều đó không chỉ cần thiết vì tình trạng nhân sự trong cộng đoàn, mà còn cần thiết cho đời sống chiêm niệm nữa. Đời sống chiêm niệm là sự nhận thức và suy nghĩ. Đời sống chiêm niệm là không phải cứ nhìn vào khoảng không trống rỗng mà suy nghĩ. Nhưng ngày nay, có quá nhiều thứ để nhận thức, và chúng ta đã nói về công nghệ, về đào tạo, có quá nhiều thứ đi vào đầu óc chúng ta. Thực sự là quá ồn ào. Nhưng đồng thời, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhận thức thực tế cuộc sống hôm nay. Chúng ta đã nói về việc các tập sinh nấu ăn. Vào thời của tôi, các tập sinh nấu ăn một tuần một lần. Một trong những tu sĩ lớn tuổi, không thuộc cộng đoàn chúng tôi, nói rằng: “Sao buồn cười thế! Chúng ta sẽ luôn có anh nuôi!” Không phải là chúng ta luôn có các đầu bếp đâu. Theo tôi, ý thức về tình trạng kinh tế cơ bản, ý thức về những nơi xảy ra các chuyện này, thực sự là một phần quan trọng trong đời sống huynh đệ.

Điều thứ hai, có lần tôi nghe ai đó nói rằng: “Ồ, bề trên ấy, bề trên sẵn đó mà”. Như vậy, cách nói chuyện cho thấy có một sự thật nhất định, nhưng cũng có một thái độ tránh né nào đó.

Có người nói: bề trên đại diện cộng đoàn, nên phải chăm lo mọi sự, còn cộng đoàn không chịu trách nhiệm gì cả. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Mỗi thành viên trong cộng đoàn phải chịu trách nhiệm về tình trạng tinh thần của tu viện. Mỗi người góp phần vào tình trạng đó, nên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những thất bại của cộng đoàn. Cơ cấu của chúng ta là cộng đoàn huynh đệ. Các bạn thường bầu chọn ra vị bề trên và nói rằng: “Xin chúc mừng nhé! Em hoàn toàn ủng hộ anh/chị! Em quý mến anh/chị.” Nhưng những lời xã giao ấy chỉ tồn tại 24 giờ mà thôi, rồi sau đó là những lời chỉ trích và phê bình. Tôi thực sự tin rằng: một trong những điều tiêu cực nhất mà chúng ta làm là bỏ phiếu bầu chọn cho một anh em nào đó làm bề trên của cộng đoàn. Đó là một vấn nạn có thực trong Dòng.

Vì thế, một khía cạnh khác của đời sống huynh đệ là cùng đảm đương trách nhiệm vì người anh em chúng ta là bề trên. Như tôi đã nói, những vị bề trên này được phép là tu sĩ chứ? Chẳng phải là họ cũng có đời tu của riêng mình sao? Tôi xin đưa ra một ví dụ về điều này. Các bạn biết rằng chúng ta có trường Providence College, và có người đảm trách chức vụ hiệu trưởng trường học này. Bây giờ, người anh em đó không phải là bề trên của cộng đoàn. Như các bạn biết, chúng tôi không còn đọc sách trong giờ ăn nữa, chúng tôi thường nói chuyện, đàm thoại với nhau (về mọi chủ đề). Nhưng khi các anh em làm hiệu trưởng, mới đầu luôn cố gắng về hiện diện, dùng bữa chung với anh em trong tu viện, rồi sau đấy, họ cũng phải từ bỏ điều ấy. Tại sao vậy? Thưa, vì những anh em khác nói với họ về những công việc bận rộn ở trường học, trong lúc cùng ăn sáng với nhau. Điều đó thật không công bằng. Mọi người có quyền thức dậy và uống cà phê giống như bất kỳ anh em nào khác chứ. Vì vậy, họ từ bỏ thói quen đến dùng bữa chung với anh em. Thế rồi, mọi người phàn nàn: “Chúng tôi không khi nào nhìn thấy anh ấy.” Đúng, không còn thấy anh ấy bởi vì mọi người không tôn trọng những chân trời riêng của anh ấy.

Tôi nghĩ, một điều “trớ trêu” trong cuộc sống (ắt hẳn, trong cộng đoàn các bạn không có chuyện như vậy, vì các bạn thinh lặng khi dùng bữa, nhưng có lẽ các bạn cũng có những chuyện tương tự, đại loại như thế), là bàn việc tại bàn ăn. Thật kinh khủng! Tôi không thể tin rằng chúng ta làm điều đó, nhưng thực tế chúng ta đã làm như vậy. Một ví dụ khác: tu viện trưởng, giám tỉnh và một cha xứ, cùng ngồi ăn sáng và một vị nói rằng: “Tiện đây, anh đã nhận được hoá đơn chưa? Anh có nhận được thư báo của tôi không?” Và họ tự hỏi tại sao anh lại vắng mặt! Các bạn có thể hình dung những chuyện tương tự như thế trong đời sống tu viện. Thử hỏi, công việc gì mà bề trên phải quán xuyến mọi khía cạnh theo một cách thích hợp, trong khi những anh chị em khác không phải bề trên, thì chỉ phần nào sẵn lòng cộng tác mà thôi? 

Đôi khi, chúng ta cần phải giống như các cháu nhỏ vậy. Thử đến thăm một phòng học dành cho các cháu lớp Một, rồi bất ngờ đưa ra câu hỏi. Các bạn sẽ thấy, các cháu nhốn nháo: “Cô ơi! Cô! Xin cô hãy gọi con! Con nè, cho con trả lời đi! Hãy gọi con đi!” Ôi chao, các cháu thật dễ thương. Chúng hành động như thế chỉ mong sao mình được trả lời ngay lập tức, nếu không được gọi để trả lời, chúng sẽ rất buồn và oà khóc. Vâng, đôi khi chúng ta cần phải biểu lộ như các cháu nhỏ vậy, sẵn sàng đối với các vị bề trên. Nếu không được nói ra mối bận tâm của mình ngay lập tức, dường như chúng ta sẽ chết mất.

Trong đời tu, tôi đã học biết rằng hãy làm những bản kê khai. Tôi có một danh sách các việc phải nói với bề trên, và ghi chú những gì mình muốn nói. Sau đó, tôi đưa tờ giấy ra và trình bày, “Anh John, đây là bản kê khai của tôi. Có một số việc tôi muốn trình bày.” Bạn xin một cuộc hẹn và hãy tôn trọng rằng, vị bề trên ấy phải có một mức độ thinh lặng nhất định, và có thời gian cầu nguyện, bởi nếu không, vị ấy đã ngã gục. Tôi đã thấy một vài vị giám tỉnh buông xuôi. Tôi nghĩ rằng, chính nhờ sự quan tâm của mọi người mà vị giám tỉnh mới có thể phục vụ trong hai nhiệm kỳ. Bởi vì, chúng ta không có nhiều người để luân chuyển hay thay thế. Thế nên, mọi người đều muốn vị giám tỉnh này tiếp tục đảm nhận trách vụ. Thực tế bây giờ, điều đó không diễn ra. Nhưng sẽ tốt hơn nhiều, nếu điều đó diễn ra trước mắt chúng ta. 

Vào năm 1955, người ta cho rằng có tới 20 người khác nhau đủ khả năng trở thành giám tỉnh, và rồi, không có ai! Do đó, chỉ khi tất cả mọi thành viên đều quan tâm và nỗ lực cộng tác thì các bề trên mới có thể thành công, nói cách khác, các vị ấy mới chu toàn được phận vụ cộng đoàn giao phó. Chúng ta đang làm việc với những nguồn lực tốt nhất. Bạn và tôi, những tu sĩ Đa Minh, là học trò của thánh Tôma, thế nên chúng ta khẳng định mình là những người theo trường phái Aristotle. Tôi cho rằng, trường phái Aristotle cố gắng phân biệt và tìm thấy bản chất hay hình thái của sự vật trong chính sự vật, có nghĩa là chúng ta chấp nhận sự đa dạng. Nhưng, trong thực tế, tôi thấy tu sĩ Đa Minh lại thường tỏ ra mình thuộc trường phái Platon. Trường phái Platon nghĩ rằng cái thực hữu thì ở trên trời (còn sự vật ta thấy đây chỉ là hoạ ảnh của cái thực hữu thôi). Hình ảnh trên trời là cái mà vị Giám sư tập sinh phải gắng trở nên. Đại loại như thế này: Tôi đang ngồi đây nhâm nhi café và nghĩ tưởng ra: “Một vị Giám sư tập sinh phải như thế này chứ. Bạn là Giám sư tập sinh ư? Bạn không giống như một vị Giám sư mà tôi suy nghĩ. Vì vậy, tôi cho rằng bạn không thích hợp.” Anh chị em tỏ ra theo một kiểu riêng, còn tôi thì có sẵn trong đầu những hình ảnh về một vị bề trên, một người quản lý, tôi cứ đinh ninh họ phải trở nên đúng như những gì tôi có trong đầu óc của mình. Tuy nhiên, hãy bỏ lối suy tưởng đó đi, các bạn là một ngôi vị thực sự, rất riêng trong vị trí của mình và không hoàn toàn giống ai. Tôi vẫn luôn nhận ra điều này trong đời sống Đa Minh. Thật vậy, có người làm bề trên theo hướng này, người khác lại không giống như thế. Ắt hẳn, các bạn cũng thấy trong tu viện có những thành viên cùng một chức vụ nhưng lại có những đường lối hoàn toàn khác nhau. 

Vì vậy, dường như điều mà một cộng đoàn phải làm là hãy nói: “Vâng, chúng ta có những chức vụ như tu viện trưởng, phó tu viện trưởng, quản lý, thư ký; các anh chị đang đảm trách những chức vụ này đích thực là những thành viên mà chúng ta có trong cộng đoàn. Chúng ta hiểu họ nhờ những cách thức mà họ đảm trách, chu toàn phận vụ. Nhờ đó, mọi việc của cộng đoàn mới được điều hành và diễn ra suôn sẻ. Chúng ta hãy gìn giữ và bảo đảm cuộc sống của những người đang đảm trách các chức vụ.” Điều này nghĩa là: về phía mọi thành viên khác, phải có sự uyển chuyển tối đa; về phía các vị bề trên, phải biết hãm dẹp cái tôi và phục vụ vì cộng đoàn. Các bạn không thể vẽ những dòng chữ trên đống cát, rồi nói rằng, “tôi là..., tôi là…, và đây là việc của tôi.” Thực vậy, giả sử các bạn nói, “Tôi là bề trên mà, và đây là việc của tôi”, nhưng vị phó bề trên lại thực hiện điều đó tốt hơn vị bề trên. Vậy, tại sao bề trên không nói rằng, “Tôi trao công việc đó cho anh, vì anh có thể làm tốt hơn tôi?” Tôi thấy rằng khi làm như vậy, mọi điều tốt đẹp sẽ đến.

Chẳng hạn, tôi đã thấy các linh mục lớn tuổi, những người sống nề nếp, trật tự, thường nói với linh mục phụ tá rằng: “Nhờ cha dâng những lễ lớn và giảng luôn nhé, tôi sẽ lo vấn đề sách vở và lên chương trình, đảm bảo cho sức khoẻ.” Ở đâu các linh mục sống như thế, ở đó mọi chuyện đều tốt đẹp, nhưng nơi nào không biết sống chia sẻ, ở đó đổ vỡ tất sẽ xảy ra.

Vì thế, tôi nghĩ điều mình đang muốn hướng tới là: thánh Augustinô miêu tả vị bề trên của cộng đoàn - bề trên thực sự là ai vậy? Thưa, bề trên là cả cộng đoàn. Cộng đoàn mới là bề trên thực sự. Điều này cho phép tôi nói rõ rằng: rốt cuộc bề trên là người vâng lời nhất trong nhà, bởi vì bề trên vâng theo sự đa dạng của chân lý nơi mọi thành viên, và cố gắng cộng tác với anh em. Các bề trên nhất thiết phải là những người theo quan điểm của Aristotle. Mỗi năm, tôi phải thêm nhiều sáng kiến trong tập viện, vì có những tập sinh khác bước vào năm tập. Nếu tôi cứ bám chặt vào quan niệm Platon về tập viện, thì ắt sẽ có tất cả các loại người hư hỏng quanh đây. Tôi nghĩ, điều này giúp chúng ta nhận ra rằng các bề trên thi hành trách vụ được trao nhờ có anh chị em trong cộng đoàn, như những người quản lý. Họ không trở thành những lãnh chúa quyền lực, họ không trở thành những nền tảng của thói tự tôn, nhưng bề trên vẫn là một tu sĩ và được phép làm như vậy.

Nếu chúng ta sống được như thế, thì quả là một cuộc cách mạng Tin Mừng. Bởi vì, chúng ta biết rằng: Tin Mừng có thể “tái định hướng” cách sử dụng quyền lực, nhờ ân sủng của Đức Kitô. Trong thế giới này, do hậu quả của tội nguyên tổ, phải nói rằng quyền lực đã trở thành sự thống trị (tôi thống trị người khác) và trở thành gốc rễ của sự tha hoá. Vì thế, cụm từ “Con Người” trở nên ý nghĩa và vĩ đại biết chừng nào. Nó mô tả ai đó có quyền lực trên tôi. 

Mặt khác, với ân sủng Chúa ban, mọi cách thế quyền lực đều có thể trở thành một sự cộng tác phong nhiêu nhất giữa các thành viên. Quyền lực đó thực sự là biểu hiện của ngày Lễ Ngũ tuần. Mọi người đều biết chia sẻ của cải cho nhau. Ở đây, của cải có thể là ân huệ, tài năng, nhưng cũng có thể là một khiếm khuyết nghèo túng, vì chính khiếm khuyết nghèo túng cũng là một thứ của cải. Nếu bạn nhận thức và gọi tên được những khiếm khuyết đó thì cũng là của cải giúp đỡ người khác. Vậy, mỗi người hãy chia sẻ của cải của bản thân cho thực tại của Công hội và cho những điều nảy sinh từ đó. Khi ấy, các bạn sẽ thấy một Lễ Hiện Xuống. Ba năm sau, các bạn lại thấy một Lễ Hiện Xuống mới nữa, và muôn ân huệ lại được trao ban. Đây chính là điều mà cộng đoàn phải làm. Vậy, nhìn lại, chúng ta đang cố gắng xây đắp hay phá đổ điều đó.

Sẽ có ơn giải thoát nếu chúng ta thực sự tin rằng sự quan phòng của Thiên Chúa, cũng như ơn linh hứng của Thánh Linh, đang hoạt động qua những cách thức rất thông thường trong cuộc sống chúng ta. Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể trở thành những tu sĩ Đa Minh, và có khả năng khắc phục sự tha hoá của chính mình và những quan điểm mâu thuẫn về cuộc sống. Chúng ta có thể thực hiện được, tôi không nói rằng điều đó là tự động hay tự nhiên xuất hiện, nhưng nói rằng chúng ta có thể. Vì vậy, hãy ý thức những điều này vẫn còn tồn tại nơi cộng đoàn, vẫn có lối sống tha hoá, vẫn có kiểu đùn đẩy trách nhiệm, sống qua ngày, vẫn còn phân biệt “bề trên,” kẻ thù bị ghét bỏ. Ở bất kỳ đâu còn tiêu chuẩn sống này, chúng ta đừng bằng lòng hay chiều theo lối sống như vậy. Tuy rằng, chuyện tệ hại đó mang tính cách rất con người, dễ hiểu thôi, nhưng chúng ta đừng bao giờ bằng lòng với điều đó.

Tôi tin rằng, đúng là thử thách khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể, nguồn lương thực thần linh giúp bạn và tôi mở rộng tấm lòng nhân ái, cảm thông với hết thảy mọi người. Nó không giống như chuyện chúng ta ra như quá thoải mái, dễ chịu với người khác, nhưng là một thái độ cảm thông sâu xa, vốn xây dựng nên tình kết đoàn, hiệp nhất mà cha thánh Đa Minh đã khởi xướng. Vì thế, bạn và tôi hãy để cho bản thân mình sẵn lòng chia sẻ của cải khi làm việc trong cộng đoàn, rồi từ cộng đoàn, hãy đón lấy nguồn của cải phong phú, vì Thánh Thần quyết định xếp đặt, thông ban tài sản ấy trong suốt đời tu của chúng ta.

Ts. Walter Wagner, O.P.
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url