▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Quản trị

Tôi mong muốn đóng góp bản văn này như một Phụ trương cho Bản văn Dự thảo Công vụ về Quản trị. Tôi cũng hy vọng các Uỷ ban khác cũng có thể sẽ tìm thấy những gợi ý hữu ích cho việc soạn thảo bản văn riêng của Uỷ ban. Bài này gồm hai đoạn: I) Phần thứ nhất bàn về Quản trị [như một gợi ý để (A) hiểu việc Quản trị nhằm xây dựng bản văn Quản trị; và (B) tổ chức Tỉnh hội]; II) Phần thứ hai bàn thêm về các bản văn thuộc lãnh vực Hiệp thông, Học vấn và Kinh tế.

Kính gửi: Quý anh em thuộc các Uỷ ban Dự thảo Công vụ
Thưa quý anh,


Tôi mong muốn đóng góp bản văn này như một Phụ trương cho Bản văn Dự thảo Công vụ về Quản trị. Tôi cũng hy vọng các Uỷ ban khác cũng có thể sẽ tìm thấy những gợi ý hữu ích cho việc soạn thảo bản văn riêng của Uỷ ban.

Bài này gồm hai đoạn: I) Phần thứ nhất bàn về Quản trị [như một gợi ý để (A) hiểu việc Quản trị nhằm xây dựng bản văn Quản trị; và (B) tổ chức Tỉnh hội]; II) Phần thứ hai bàn thêm về các bản văn thuộc lãnh vực Hiệp thông, Học vấn và Kinh tế.

I. PHẦN THỨ NHẤT: QUẢN TRỊ

A. QUẢN TRỊ NÓI CHUNG


1. Quản trị là gì?

Trả lời: Là việc người có thẩm quyền điều khiển, dẫn dắt tổ chức - Dòng Đa Minh (cụ thể là Tỉnh Dòng, Phụ tỉnh, Tu viện) đi, có trật tự, đúng mục đích.

2. Mục đích của Dòng là gì?

Trả lời: Là "ơn cứu độ của mình và của tha nhân" (HPNT §I-III):
2.1. Thiện ích cá nhân – việc nên thánh;
2.2. Thiện ích chung, thường gọi là công ích
2.2.1. Nên thánh của các anh em và sứ vụ của cộng đoàn, là sự hiệp thông trong ơn gọi và sứ vụ;
2.2.2. Sự nên thánh của tha nhân, lo cho sứ vụ ơn cứu độ của mọi người.

3. Ai là người có thẩm quyền điều khiển Dòng đi đúng mục đích?

Trả lời: Hai thẩm quyền
3.1. Chúa Thánh Thần qua ân sủng của Người.
3.2. Các vị được bầu hoặc được chỉ định làm người đứng đầu hoặc một nhóm đứng đầu, qua sự khôn ngoan con người, dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần.

3.2.1. Cấp Tu viện/Tu xá (SHC 298-337):
- Tất các anh em qua Tu viện hội: bầu tu viện trưởng, các cố vấn, khuyến học tu viện, đề ra quyết định cho công ích của tu viện.
- Cá nhân: chịu trách nhiệm tổng quát (tu viện trưởng/ tu xá trưởng, cùng với BCV) hoặc một lãnh vực (lector, phụng vụ trưởng, v.v..)
3.2.2. Cấp Tỉnh dòng (SHC 238-395):
- Tất cả anh em: tham gia bầu đại biểu và tham gia ý kiến, tức là trao quyền điều hành Tỉnh dòng cùng với ý kiến đóng góp của toàn dân.
- Tập thể: Các nghị huynh Tỉnh hội và Giám định đoàn.
- Cá nhân: chịu trách nhiệm tổng quát (Giám tỉnh, cùng với BCV) hoặc một lãnh vực (Giám đốc Học vụ, Giám sư Sinh viên, Đặc trách Tông đồ, v.v..).
3.2.2.bis. Cấp phụ tỉnh: tương tự như Tỉnh dòng, nhưng ở cấp thấp hơn.
3.2.3. Cấp Dòng (SHC 396-438bis):
- Tất cả anh em qua đại diện của mình là Giám tỉnh hoặc Giám định viên.
- Tập thể: các Tổng hội, gồm Tổng hội Bầu cử, Tổng hội Giám định viên, Tổng hội Giám tỉnh.
- Cá nhân: vị Tổng quyền (và ban Tổng cố vấn) và các Phụ tá, Đặc trách.

4. Nền tảng quy chiếu nào cho việc quản trị?

Trả lời: Ba nền tảng
4.1. Tin Mừng, nền tảng quy chiếu tối thượng (x. Perfectae Caritatis, số 2a).
4.2. Đặc sủng - Ân sủng Giảng thuyết hay Tác vụ Lời, được huấn quyền nhìn nhận; và Nếp sống tu trì tông đồ do thánh Đa Minh vạch ra (x. Perfectae Caritatis, số 2b, HPNT §I-IV).
4.3. Đạo lý, huấn quyền Hội thánh (xt. Perfectae Caritatis, số 3).

5. Phương tiện nào cho việc quản trị?

Trả lời: Hai phương tiện
5.1. Tổ chức, thể chế của Tỉnh dòng, Tu viện, các cơ quan (x. SHC 252-274, về tổ chức của Dòng).
5.2. Các bản văn pháp quy (Bộ Giáo luật, Sách Hiến pháp và chỉ thị, Quy chế, Công vụ, Nội quy, v.v..) quy định, chỉ dẫn cách thức vận hành, điều khiển tổ chức (x. SHC 275-297bis).

6. Các đối tượng của việc quản trị là gì?

Trả lời: Hai đối tượng
6.1. Con người [nhân lực, nhân sự]: bầu cử, chỉ định các anh em (x. SHC 439-536), chỉ định nhiệm vụ cụ thể.
6.2. Các phương tiện [tài lực, quản trị kinh tế: nguyên tắc, cách thức] (x. SHC 537-619).

B. TỈNH HỘI


Liên quan đến Tỉnh hội, sẽ phải có câu trả lời cho những câu hỏi sau:

7. Đâu là sự lượng giá toàn diện (đời sống tu trì, sứ vụ và việc quản trị) cho 4 năm của Tỉnh hội trước hoặc xa hơn?

Trả lời: Thẩm quyền dưới đây phải đưa ra.

8. Thẩm quyền nào đưa ra lượng giá?

Trả lời: Ba thẩm quyền
8.1. Các vị đứng đầu thông qua các tường trình.
8.2. Tất cả anh em thông qua ý kiến tu viện/tu xá, một nhóm hoặc cá nhân.
8.3. Các nghị huynh Tỉnh hội thẩm định các tường trình và đánh giá tình hình chung.

9. Đâu là các ưu tiên hoặc tầm nhìn trong 4 năm tới để thăng tiến việc quản trị trong Tỉnh dòng?

Trả lời: Thẩm quyền dưới đây phải đưa ra.

10. Thẩm quyền nào xác định các ưu tiên và chỉ định nhiệm vụ?

Trả lời: Hai thẩm quyền
10.1. Các nghị huynh
10.1.1. sau khi đã lượng giá, sẽ dựa trên những chỉ dẫn của các bản văn pháp quy, đề xuất Giám định đoàn đưa ra những khuyên nhủ, khuyến cáo, chỉ thị để điều chỉnh hoặc đôn đốc;
10.1.2. sau khi đã bàn bạc, sẽ thống nhất những ưu tiên, chiến lược cho 4 năm tới hoặc xa hơn.

10.2. Giám định đoàn
10.2.1. chỉ định hoặc uỷ nhiệm cho cơ nào thực hiện, hoặc thiết lập thêm cơ quan (uỷ ban) để thực hiện các ưu tiên cho 4 năm tới hoặc xa hơn do các nghị huynh xác định;
10.2.1. chỉ định các chức vụ để điều động, điều khiển nhân lực, tài lực thực hiện các ưu tiên.

11. Tiêu chí nào để bầu chọn, chỉ định chức vụ và giao nhiệm vụ?

Trả lời: Hai tiêu chí
11.1. Thiện ích của chính anh em: Xem xét khả năng, thiên hướng Thánh Thần ban cho anh, nhờ đó anh có thể đảm nhận một nhiệm vụ cụ thể. Khi dùng khả năng này để phục vụ công ích, anh hoàn thành ơn gọi nên thánh của mình.
11.2. Thiện ích chung : Vì sẽ là người đứng đầu lo cho việc chung, anh cũng cần một tinh thần hiệp thông và khả năng kêu gọi cộng tác của các anh em để cùng lo cho công ích.

Hai tiêu chí trên đều nhằm đến con người là ưu tiên, công việc chỉ là thứ yếu.

12. Công vụ Tỉnh hội có chức năng gì?

Trả lời: Công vụ Tỉnh hội (bao gồm nội dung công vụ, văn thư phê chuẩn, văn thư công bố, các phụ trương) là bản chỉ dẫn để thực hiện các ưu tiên của Tỉnh dòng cho 4 năm tới.

II. PHẦN THỨ HAI: BÀN THÊM


Tôi xin phép được đặt ra vài câu hỏi căn bản để soi sáng thêm cho việc soạn thảo bản văn công vụ trong những lãnh vực khác.

A. BẢN VĂN HIỆP THÔNG


1. Hiệp thông là gì? Có phải là chia sẻ với nhau về 1) cùng nguồn gốc (ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi thánh hiến), 2) cùng một cứu cánh (sự nên thánh và sứ vụ ơn cứu độ), 3) cùng các phương tiện (cộng đoàn sống đức tin, chia sẻ huynh đệ, v.v.., lời khấn, phụng vụ chung, học hành, thinh lặng, áo dòng, v.v...) nhằm đến cứu cánh không?

2. Nền tảng nào xây dựng sự hiệp thông? Có phải là ân sủng của Thánh Linh và sự cộng tác với ân sủng không?

3. Phương tiện nào xây dựng sự hiệp thông? Đâu là trật tự ưu tiên? Đâu là sự quân bình? Sự giải trí hay giờ cơm chung hay việc cầu nguyện chung, v.v., điều nào ưu tiên hơn? Họp mặt để lễ hội, vui chơi, thể thao hay để hội thảo, nghiên cứu, học hành, v.v., điều nào ưu tiên hơn?

4. Đã có sự xác định rõ nội dung được bàn trong bản văn Hiệp thông không?
4.1. Hoặc thiếu: Bản văn này có đề cập đến vấn đề chính thường bàn trong Tỉnh hội thuộc "đời sống thánh hiến" (x. QCTD 26 §IV.1): đời sống chung, các lời khấn, phụng vụ, cầu nguyện, kỷ luật tu trì, v.v. hay không?
4.2. Hoặc thừa: Nội dung có xâm lấn sang lãnh vực của Uỷ ban khác không? Ví dụ: Tuyên bố của Tutelnango, số 174 có thể trở thành một quy định đưa vào QCTD chứ không phải là một khuyến cáo của bản văn Hiệp thông.

B. BẢN VĂN HỌC VẤN


1. Học hành nhằm mục đích gì?
1.1. Có cần phải đưa ra một [Tuyên bố] hay chỉ đơn giản là [tự ngôn], nhắc lại mục đích đã được xác định rõ trong SHC và các Quy Chế là đủ? (Lưu ý: Tuyên bố là nhằm xác định điều gì chưa rõ trong những bản văn pháp quy).
1.2. Bản văn Học vấn có cần một [Tuyên bố] để xác định đối tượng sứ vụ, lãnh vực sứ vụ của Tỉnh dòng không?

2. Đâu là những ưu tiên (tầm nhìn và chiến lược) cho những 4 năm tới? Tỉnh hội phải đề ra chiến lược, chứ không thể uỷ nhiệm cho Giám tỉnh, BCV, Ban sinh hoạt trí thức và Ban cố vấn đào tạo làm điều này. Chỉ uỷ nhiệm cho những chức vụ và cơ quan này soạn thảo kế hoạch để thực hiện chiến lược đã được Tỉnh hội đề ra mà thôi.

3. Việc giảng dạy của các giáo sư có làm nổi bật sứ vụ giảng thuyết của Dòng hay chưa?

“Giảng dạy đạo lý thánh bằng lời nói và chữ viết cũng như những môn học khác giúp phổ biến và am hiểu đức tin là điều cốt yếu của ơn gọi Đa Minh” (SHC 102).

3.1. Khi thi hành nhiệm vụ cốt yếu của ơn gọi Đa Minh, các giáo sư đang có sự trao dồi đời sống Đa Minh toàn diện không? có cho thấy chứng tá của một đời sống tu trì và tông đồ theo linh đạo Đa Minh không?
3.2. Việc giảng dạy có nhằm giúp học viên hiểu biết và triển nở đức tin không hay chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức thánh khoa thôi?

4. Có cần xem xét và đôn đốc các phương tiện cho việc học hành không? Việc tổ chức các Trung tâm? Chất lượng giảng dạy của giáo sư tại các Trung tâm? Tinh thần và cách thức học hành của sinh viên? Thư viện? Giáo trình, sách báo tham khảo?

5. Các trung tâm học vấn có nên mở rộng sứ vụ tri thức của mình không? Có cách thức nào để có thể đóng góp và tạo sự liên kết với các điểm sứ vụ và truyền giáo hay không?

C. BẢN VĂN KINH TẾ


1. Ai có trách nhiệm trong quản trị kinh tế?
1.1. Có phải là chỉ một vài anh em có trách nhiệm hay "đòi tất cả và mỗi anh em chia sẻ phần trách nhiệm liên quan đến các tài sản vật chất của cộng đoàn, cả trong cách sử dụng của cải nữa, vì điều ấy liên quan thực sự tới đức thanh bần, và có thể nói đó là thực hành cụ thể đức thanh bần nữa" (SHC 537)?
1.2. Các bề trên và các vị quản lý có "chuyên cần quản lý các tài sản kinh tế như những người tôi tớ trung tín và khôn ngoan, nhằm phục vụ đức ái" (SHC 357) hay không?

2. Mục đích của quản trị kinh tế là gì?
2.1. Quản trị kinh tế có đúng đắn nhắm "chủ yếu vào đời sống thường nhật và cho việc tông đồ của anh em, rồi mở rộng đến những cơ sở, nơi cộng đoàn sinh sống và cầu nguyện, những trang thiết bị cũng như việc bảo trì những thứ đó" (SHC 538 §I) hay không?
2.2. Việc quản trị kinh tế có sự khôn ngoan dự liệu "một số vốn cho những trường hợp bất ngờ" (SHC 538 §I) hay không?

3. Nguồn lực tài chính, kinh tế đến từ đâu?
3.1. Nguồn tài chính có phải là từ vài anh em bị CHỈ THỊ phải lo tìm kiếm ân nhân, lo đầu tư kinh tế để có lợi nhuận hay "nguồn chính của tất cả các tài sản ấy vẫn là do công lao động chăm chỉ của anh em cũng như việc điều độ trong cách tiêu dùng, cả khi chúng ta đón nhận những trợ giúp của các vị ân nhân với lòng biết ơn" (SHC 536 §II)?
3.2. Nguồn tài chính của các cộng đoàn có được sự đóng góp từ lao động của anh em không hay chỉ dựa vào mỗi bổng lễ?

4. Những ưu tiên cho việc quản trị tế là gì?
4.1. Có phải là ưu tiên CHỈ THỊ cho các vị quản lý kinh tế, vị đặc trách cổ võ ân nhân lo kinh tài?
4.2. Hay ưu tiên KHUYẾN CÁO các anh em hãy đem của chung đang bị đang giữ riêng, nộp vào quỹ chung?

5. Điều gì đã cản trở anh em không thể sống điều này hay động lực nào có thể giúp anh em sống điều này: "Khi khấn, chúng ta hứa với Thiên Chúa không sở hữu của gì theo quyền tư hữu, nhưng để mọi sự làm của chung, và dùng những của cải ấy nhằm công ích của Dòng cũng như của Hội thánh theo sự sắp xếp của các bề trên. Vì thế, không ai trong anh em được giữ làm của riêng tiền bạc hay nguồn lợi mà mình có được bằng bất cứ cách nào, nhưng phải nộp tất cả cho cộng đoàn" (SHC 32 §I và II)?

6. Giải pháp điều chỉnh và chấn chỉnh việc quản trị kinh tế là gì?
6.1. Có cần phải đưa thêm nhiều quy định cho việc quản trị kinh tế không?
6.2. Hay chỉ đơn giản NHẮC LẠI quy định của SHC và QCTD là đủ? Và CHỈ THỊ cho các tu viện/tu xá thường xuyên đọc và kiểm thảo những gì đã được SHC và QCTD quy định về việc quản trị kinh tế là đủ?

Phêrô Nguyễn Thế Truyền, O.P.

Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url