Anh em hãy đi!
(Mt 28,16-20, Bài giảng Bế mạc Tỉnh hội Đa Minh 2003)
▓ "Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ." (Lc 24,15)
1. Sự hiệp nhất
Tỉnh Hội đầu Thiên niên kỷ mới vừa kết thúc. Bắt đầu thời điểm đánh dấu một bước đi mới hướng về tương lai, hướng về ngàn năm mới. Tỉnh Hội này nhóm họp tại tu viện Mai Khôi như dấu chỉ cho thấy mối dây hiệp nhất bền chặt. Tỉnh Hội nhóm họp trong dịp lịch phụng vụ mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, lễ Chúa Ba Ngôi và lễ Mình Máu Thánh, những ngày lễ liên tiếp để diễn tả một Thiên Chúa cao cả nhưng cũng lại rất nâng niu cuộc sống con người, một Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp nhất với nhau trong công cuộc sáng tạo và cứu chuộc con người, một Thiên Chúa yêu thương và trung tín, tìm mọi cách để cho cuộc sống con người được sung mãn. Đó là nền tảng của cuộc đời chúng ta và của mọi công việc chúng ta làm.
Riêng tôi, tôi cảm thấy sự hiệp nhất được thể hiện thật cụ thể khi Tỉnh Hội thực hiện một điều được Hiến Pháp quy định, đó là: trong thánh lễ khai mạc Tỉnh Hội, phải nhắc đến danh tính của từng anh em đã qua đời kể từ Tỉnh Hội trước (HP 358, 4,II). Vâng, như thế dù sống, dù chết, chúng ta vẫn liên kết với nhau, vẫn thuộc về nhau và vẫn cùng nhau thi hành sứ vụ.
Đàng khác, chính tại bàn hội nghị, khi mọi vấn đề lớn nhỏ của Tỉnh Dòng được nêu lên, được bàn bạc, được góp ý và tìm phương hướng giải quyết, tôi còn nhận thấy rõ rệt hơn sự hiệp nhất của chúng ta được thể hiện trong cuộc sống thường ngày. Những bước đường anh em chúng ta đi, những công việc anh em chúng ta làm, những thành công lớn nhỏ của đời sống và sứ vụ, những ước mơ chưa thể trở thành hiện thực không còn là những chuyện riêng lẻ, không còn là những vấn đề của cá nhân, nhưng là của chung, của Tỉnh Dòng, được cụ thể hoá nơi từng lời khuyên nhủ, khuyến cáo, chỉ thị của Tỉnh Hội... Chính lúc hội nghị, chúng tôi cảm nhận được rằng: tất cả đều thuộc về đời sống chung huynh đệ, sứ vụ chung, tất cả đều liên can mật thiết đến sức sống chung của Dòng và của Tỉnh Dòng, tất cả những chi tiết nhỏ nhặt của đời sống hằng ngày cũng diễn tả sự gắn bó với nhau, hiệp nhất với nhau một cách sống động, nhằm vào một đời sống và một sứ vụ chung.
2. Tính liên tục
Chúng ta cũng thấy rằng, Tỉnh Hội sau thường nhắc lại ít nhiều khuyên nhủ, khuyến cáo, chỉ thị của Tỉnh Hội trước. Có những điều chúng ta đã ước mơ, đã dự tính nhưng chưa thực hiện được, nên vẫn cần nhắc lại. Điều này, trước tiên cho chúng ta thấy rằng những bước chân của chúng ta, của cộng đoàn chúng ta cũng như của Giáo Hội, dường như vẫn còn nặng nề...
- Nặng nề, vì chúng ta mang trong trái tim mình những vết thương của tội lỗi, vết thương của chính mỗi người chúng ta cũng như vết thương của những người đang cùng đồng hành với chúng ta.
- Nặng nề, vì chúng ta đang sống thân phận con người, thực hiện vận mạng đời mình qua một cuộc hành trình, qua những trăn trở, lúc nào cũng vẫn là một cuộc vượt qua, từ " cõi chết" đến " cõi sống".
- Và không những thế, nặng nề vì chúng ta còn phải đảm nhận một sứ vụ. Hành trình của chúng ta vốn đã không phải là một cuộc rong chơi, nhưng còn là lên đường và cùng lên đường với anh chị em chúng ta nữa.
Nhưng chúng ta cũng lại thấy rằng chính việc nhắc lại những điều đã một thời quyết tâm, làm lại những điều vẫn còn là mơ ước cho thấy một sự liên tục trong đời sống chúng ta:
- Đó là một sự liên tục của đời sống thật. Bởi vì đời sống của chúng ta không từ trên trời rơi xuống, với những hoàn cảnh lý tưởng, những con người cũng lý tưởng, những phương tiện siêu đẳng, nhưng là một cuộc đời được ban tặng và còn phải mọc lên và lớn mạnh từ gai góc, từ bụi bặm trần gian. Sự liên tục ấy cho chúng ta cơ hội sống liên lụy với nhau, liên đới với nhau, sống với cá tính và tài năng của mỗi con người, mỗi hoàn cảnh cụ thể của quê hương đất nước. Đó là một sự liên tục của một hành trình, kẻ trước người sau, người đi sau đón nhận hành trang của người đi trước để tiếp tục hành trình với sức sáng tạo của mình.
- Đó là một sự liên tục diễn tả lòng can đảm bắt đầu lại. Việc nhắc đi nhắc lại như thế cho thấy chúng ta không đứng yên một chỗ. Chúng ta vẫn không ngừng đưa chân tiến bước, cho dù là những bước nhỏ bé, hoặc thậm chí là những bước trượt ngã. Những bước chân tiến tới mãi như thế diễn tả niềm tin và niềm hy vọng trên hành trình sứ vụ của chúng ta.
3. Cuộc đối thoại
Trên bàn họp, các nghị huynh đã đối thoại với nhau suốt hai tuần lễ vừa qua, những cuộc đối thoại vui tươi, triệt để và đôi lúc cũng khá gay gắt. Những cuộc đối thoại ấy phản ảnh, thể hiện những khác biệt và những trao đổi tương tác trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, tại các cộng đoàn, các giáo xứ và trên mọi bước đường rao giảng Tin Mừng. Những quan niệm khác nhau, những đường hướng khác nhau, những cách sống, cách xử lý khác nhau... của cuộc sống hằng ngày được cắt xén, được uốn nắn trên bàn hội nghị, cũng chính là cuộc sống hằng ngày như một cuộc đối thoại của chúng ta. Quả thật cuộc sống cộng đoàn là một cuộc đối thoại không ngừng để hiệp nhất và để liên tục. Nói cách khác, sự hiệp nhất và tính liên tục thật sự chỉ có thể có qua đối thoại, và ngược lại cuộc đối thoại thực sự chỉ có thể diễn ra trong lý tưởng hiệp nhất và trong tính liên tục của những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.
Cũng trên bàn hội nghị, chúng ta còn có thể đọc ra một sự thật sâu xa hơn: cuộc đối thoại trong hiệp nhất và liên tục của chúng ta chỉ có thể có trên nền tảng của lòng tin: tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, vì sứ vụ chung của Dòng, tin tưởng vào tình anh em trong Tỉnh Dòng. Chính vì thế, các nghị huynh đã có thể lắng nghe nhau, sửa đổi ý kiến của mình và chấp nhận ý kiến chung. Điều đó diễn tả một sự thật sâu xa hơn: ở nền tảng của mọi cuộc đối thoại giữa chúng ta với nhau, có một cuộc đối thoại khác, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người, hay nói cách cụ thể, cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với Tỉnh Dòng chúng ta.
Quả thật, ơn gọi và sứ vụ của chúng ta không là gì khác hơn một cuộc đối thoại hiệp nhất, liên tục với Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi, con người đáp lại; Thiên Chúa thánh hiến, con người tận hiến; Thiên Chúa thôi thúc, con người nói lời xin vâng. Đó là một cuộc đối thoại đã dàn trải trong lịch sử thánh, đang thể hiện trong đời sống thường ngày của ơn cứu độ.
Các nghị huynh đã đại diện tất cả anh em trong Tỉnh Dòng để đi vào cuộc đối thoại với nhau và với Thiên Chúa trong lòng tin. Đó chính là " biểu tượng", là " nghi thức" diễn tả chính cuộc đối thoại hằng ngày của tất cả anh em: đối thoại với nhau và với Thiên Chúa, Đấng hằng ngày vẫn đang ngỏ lời cùng chúng ta. Điều ấy giúp chúng ta vững vàng hơn trong hành trình của ơn gọi và sứ vụ.
4. Cung cách quản trị
Trên bàn hội nghị, hình như mọi lãnh vực đều quan trọng và đều muốn trở thành lựa chọn ưu tiên. Đã có anh em nói đùa rằng: để thực hiện kế hoạch đào tạo, chúng tôi chỉ thị cho ban Tông Đồ tạm " đóng cửa" trong bốn năm. Nhưng ơn gọi và sứ vụ của chúng ta là một tổng hợp hữu cơ mà yếu tố nào cũng cần thiết, yếu tố nào cũng góp phần vào ơn gọi và sứ vụ một cách thiết yếu.
Do vậy, yếu tố quan trọng để làm cho tổng hợp ấy được hài hoà, được bồi bổ lẫn nhau, chính là yếu tố quản trị. Tỉnh Hội đã quyết tâm thực hiện những cải thiện về phương cách cũng như tinh thần của việc quản trị trong thời gian sắp tới. Mỗi người trong anh em chúng ta hình như đều quá nhiều việc. Và những công việc ấy làm cho chương trình chung đôi khi bị thả nổi, hoặc được giải quyết theo kiểu đáp ứng tình huống hơn là thực hiện tuần tự và chắc chắn một kế hoạch chung. Tỉnh Hội mong ước mỗi cộng đoàn, mỗi ban ngành đều phác thảo kế hoạch và chương trình làm việc dài hạn và ngắn hạn. Các kế hoạch và chương trình ấy lại cần được duyệt xét, đôn đốc phù hợp với tình hình thực tế.
Nhưng dĩ nhiên đó phải là cung cách quản trị Đa Minh, nghĩa là được thực hiện trong tinh thần dân chủ, tự do, ý thức trách nhiệm; tất cả đều vì công ích: " Điều thiện được cộng đoàn đồng tâm nhất trí thì sẽ được thực hiện mau chóng và dễ dàng" (HP 6).
⚜ ⚜ ⚜
Anh em thân mến trong thánh phụ Đa Minh,
Sau khi đã trải qua cuộc Thương Khó và Phục Sinh, Đức Giêsu khẳng định về quyền bính của Người:
- Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất...
- Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...
- Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em...
- Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Bốn yếu tố cho thấy quyền năng tuyệt đối của Đức Giêsu Kitô Phục sinh, về chủ thể [Thầy đã được trao]; về đối tượng [làm cho muôn dân], về nội dung [mọi điều Thầy truyền] và bao trùm tất cả lịch sử [mọi ngày cho đến tận thế]. Bốn yếu tố ấy cho thấy nhân loại không thể tìm được ơn cứu độ ở đâu khác ngoài quyền năng của Đức Giêsu Kitô, Đấng chúng ta đã dành trọn cuộc đời để sống cho Người, để tham gia vào sứ vụ của Người.
Đàng khác, quyền năng trọn vẹn của Thầy Giêsu chỉ được thể hiện sau cuộc Thương Khó và Phục Sinh, nghĩa là dựa trên tình yêu lớn hơn mọi tình yêu (x. Ga 15, 13) mà Thầy đã thực hiện qua cái chết, nghĩa là quyền bính chỉ có thể là quyền bính chân chính khi được đặt nền trên tình yêu hy sinh, khi quyền bính là một quyền bính để phục vụ và phục vụ anh em như một người hầu bàn (x. Lc 22, 27).
Sau cùng, trên nền tảng quyền bính trọn vẹn của Đức Giêsu, dựa vào tình yêu hiến mạng sống của Đức Giêsu, các môn đệ được sai đi " vậy, anh em hãy đi" (Mt 28, 19).
Thưa anh em,
Một trong những câu nói quen thuộc của nguyên Bề Trên Tổng Quyền Vincent de Couesnongle là: " Can đảm hướng tới tương lai". Thiết nghĩ đó cũng là cách thức đáp trả của chúng ta trước mệnh lệnh lên đường của Thầy Giêsu. Sứ vụ vẫn còn ở phía trước với nhiều thách thức và hy vọng, hứa hẹn nhiều phiêu lưu và trắc trở. Nhưng niềm hy vọng và niềm vui vẫn ở trong chúng ta, vì " Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20).
Có một hình ảnh quen thuộc về thánh Đa Minh, đó là tấm hình người ngồi yên lặng chăm chú nhìn những trang sách. Đó là hình ảnh người tu sĩ Đa Minh chiêm niệm, là hình ảnh đời sống Đa Minh kiên trì học hỏi, bền tâm cầu nguyện và sống đời sống chung huynh đệ. Đó cũng là hình ảnh những buổi hội họp để tìm Thánh ý Thiên Chúa. Nhưng cũng có một hình ảnh khác về thánh Đa Minh, đó là bức tượng bán thân diễn tả người đang hiên ngang nhìn về phía trước. Đây lại là hình ảnh người tu sĩ Đa Minh lên đường, hiên ngang lên đường vì tin tưởng vào quyền năng và tình yêu của Đức Giêsu, Đấng ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Thực tại cứu độ được công bố trong đoạn kết Tin Mừng thánh Mátthêu cũng được thể hiện ngày hôm nay, trong đời sống chúng ta. Chúng ta qui tụ lại bên Chúa Giêsu, tin tưởng vào quyền năng và tình yêu của Người, đón nhận lời sai đi của Người và cùng Người lên đường với lòng tin tưởng.
Ts. Giuse Nguyễn Cao Luật, op.
Giám tỉnh
(Bài giảng Bế mạc Tỉnh hội Đa Minh 2003)