Tuyên khấn để thi hành sứ vụ
1. Những con số đẹp
∎ Những con số thế giới
Trong Tổng hội Tultenango, Mêxicô, năm 2022, Bề trên Tổng quyền đã cho biết về tình hình của Dòng như sau:
Theo thống kê năm 2020, Dòng có 5.117 anh em đã tuyên khấn. Trong đó, có 737 sinh viên tư giáo, 116 phó tế chuyển tiếp, 15 phó tế vĩnh viễn, 256 anh em tu huynh, 4.023 linh mục và 41 giám mục. Dòng có 164 tập sinh tư giáo, 5 tập sinh tu huynh.
Cùng năm này, 155 tu sĩ trong Dòng đã qua đời (trong đó có 42 tu sĩ qua đời vì COVID 19), 15 linh mục rời khỏi Dòng (tháo lời khấn và chuyển sang giáo phận), 12 anh em khấn trọng đã tháo lời khấn và 38 anh em khấn đơn rời khỏi Dòng. Có 49 anh em đang sống ngoại vi và 59 anh em vắng mặt không phép.
Về việc bổ nhiệm, có 78% số anh em sống trong 257 tu viện, 22% số anh em còn lại sống trong 281 tu xá. Theo độ tuổi, 11% số anh em ở độ tuổi từ 30 trở xuống, 18% số anh em ở độ tuổi từ 31-40, 19% số anh em ở độ tuổi từ 41-50, 15% số anh em ở độ tuổi từ 51-60, 13% số anh em ở độ tuổi từ 61-70, 24% số anh em ở độ tuổi trên 71.
Các anh em hiện diện trong 37 tỉnh dòng và 6 dự tỉnh. Trong đó, 2 tỉnh dòng ở châu Phi, 5 tỉnh dòng ở châu Á - Thái Bình Dương, 20 tỉnh dòng ở châu Âu (9 tỉnh dòng ở Bán đảo Iberia, Ý, Bohemia, Croatia, Malta, và Slovakia; 11 tỉnh dòng ở Tây Bắc châu Âu, Canada và Ba Lan), 6 tỉnh dòng ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, 4 tỉnh dòng ở Hoa Kỳ. Trong số 6 dự tỉnh có 2 dự tỉnh ở châu Phi, 2 dự tỉnh ở châu Á - Thái Bình Dương, 2 dự tỉnh ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe. Có 18 phụ tỉnh thuộc 10 tỉnh dòng đang hiện diện ở châu Phi (4), châu Á - Thái Bình Dương (4), châu Âu và Canada (6), châu Mỹ Latinh (4).
Năm 1921, vào ngày lễ kỷ niệm 700 năm sinh nhật trên trời của Thánh Đa Minh, Tập san Analecta ghi nhận Dòng có 4.737 anh em (con số này gồm các anh em tư giáo, các tập sinh tư giáo và tu huynh) và 946 anh em tu huynh (conversi). Con số này không thay đổi quá nhiều trong suốt 100 năm qua. Chỉ có sự thay đổi trong việc phân bố anh em giữa các miền, từ châu Âu và châu Mỹ sang châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương.
∎ Những con số Việt Nam
Tuyên khấn để thi hành sứ vụ
Trong bài chia sẻ nhân dịp lễ bổn mạng Tỉnh Dòng tại tu viện Mân Côi, Gò Vấp, ngày 16-9-2023, cha Giám Tỉnh cho biết hiện nay Tỉnh Dòng chúng ta có 471 anh em, trong đó có 310 linh mục, chưa tính thêm 17 tân linh mục của năm nay, mà phải là 18 mới đúng vì có một tân linh mục bên phụ tỉnh. Xem biểu đồ trong Niêm giám 2023, tr.108
So với thời điểm thành lập tỉnh Dòng năm 1967, khi ấy tỉnh Dòng có hai giám mục, 53 linh mục, 20 sinh viên, 23 tu huynh. Tổng cộng là 98. Thì cho đến hôm nay, con số ấy đã tăng lên xấp xỉ 5 lần. Một con số đáng tự hào và khích lệ. Nếu nói theo kiểu người anh em giám mục của chúng ta, là đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, thì nhân sự tỉnh Dòng chưa bao giờ nhiều như ngày nay!
Đúng vậy, nhưng điều đáng nói hơn là con số ấy chưa dừng lại, vẫn còn tăng thêm, có thể không nhiều, nhưng mỗi năm đều có thêm các tập sinh mới, cũng như các anh em ra trường. Nếu so với toàn Dòng thì ta có thể mường tượng như thế này. Cứ khoảng 10 tu sĩ Đa Minh thì trong đó có 1 anh em Việt Nam. Chúng ta đã và sẽ làm gì với con số này?
2. Ngụp lặn trong tính toàn thể
Trong một bài chia sẻ, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn đã viết: “Có lẽ không có dòng tu nào “tham lam” như Dòng Đa Minh trong cấu trúc của đời sống. Tại sao lại tham lam?
- Đời sống Đa Minh vừa bao gồm cả nếp sống chiêm niệm vừa mở ra cho hoạt động tông đồ; sáu yếu tố căn bản của Dòng bao gồm hầu hết những yếu tố căn bản của sự sống Kitô giáo.
Chúng ta đọc thấy trong Hiến pháp Nền tảng số1, khoản IV: “Khi tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta cũng nhận lấy nếp sống của các Tông Đồ theo thể thức đã được thánh Đa Minh cưu mang, là - chung sống đồng tâm nhất trí, - trung thành tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, - sốt sắng cử hành chung phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể và kinh thần vụ cũng như việc cầu nguyện, - chuyên cần học hỏi, - kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì.
Phải chăng cũng chính vì cấu trúc đời sống bao gồm nhiều khía cạnh như thế nên, từ trong lý thuyết, người Đa Minh khó xác định được linh đạo của mình, và trong thực tế, nhiều tu sĩ Đa Minh không biểu lộ rõ một lối sống đặc trưng nào cả? Linh đạo Đa Minh vốn mang tính chất “bàng bạc” hay “tổng quát” thế nào đó, khó mà xác định rõ ràng được.
∎ Khía cạnh tích cực
- Trừ ra vài thế kỷ đầu, Dòng chúng ta không phải là một Dòng tu mạnh do số lượng đông đảo so với các Dòng tu khác. Nhưng chính nhờ “ngụp lặn trong tính toàn thể”, Dòng chúng ta đã có thể cung cấp được những nhân vật có ảnh hưởng quyết định trong những khúc quanh của lịch sử. Cha Timothy nói rằng “tạ ơn Chúa vì đã có những Dòng tu khác có nhiều hiệu năng”, và chúng ta thì có sứ vụ khác.
- Ngụp lặn trong quá khứ hào hùng: tôi không có ý so sánh xem số các vị thánh trong dòng chúng ta với các dòng khác, nhưng chắc chắn dòng chúng ta thuộc vào số những dòng tu có nhiều vị thánh nhất, với nhiều thể loại khác nhau: từ những vị miệt mài trong học hành, âm thầm cầu nguyện, đến những vị dấn thân truyền giáo. Một lịch sử làm chúng ta choáng ngợp!
∎ Và khó khăn
- Thật ra, tính chất bàng bạc hoặc tổng quát như thế khiến người tu sĩ Đa Minh như thể ngụp lặn trong “tính toàn thể”.
Nói là “ngụp lặn” là bởi vì người Đa Minh cũng thường không dễ chu toàn một cách sít sao sáu yếu tố căn bản của Dòng;
Và ngược lại, một người nào quá chăm chú tỉ mỉ vào chỉ duy một hoặc vài yếu tố nào đó thì lại dễ đánh mất nét uyển chuyển tinh tế, đánh mất nét duyên của một sự hài hoà đích thực. Chính vì thế mà thánh Đa Minh đã phải tuyên bố Luật Dòng không buộc thành tội (Xc.HPNT VI) và đã dự trù điều khoản chuẩn chước…
Đã có một thời anh em chúng ta chỉ hiểu những yếu tố của đời sống Đa Minh trong khoản Hiến Pháp Nền Tảng IV gồm có 5 điều thuộc vế “chiêm niệm” mà quên đi vế loan báo Tin mừng. Nguy hiểm hơn nữa, có người còn giản lược yếu tố “các Lời khuyên Tin mừng” vào yếu tố “nề nếp tu trì”. Hiểu như thế là đánh mất “phần hồn” của đời sống thánh hiến (Tin mừng), đánh mất “động lực” của sứ vụ Đa Minh (giảng thuyết); và như thế là đánh mất hình thái căn bản, là chính “nếp sống của các tông đồ theo thể thức đã được thánh Đa Minh cưu mang”.
- Và nói ngụp lặn trong “tính toàn thể”, là bởi chính sự tham lam trong cấu trúc đời sống Đa Minh đặt người tu sĩ Đa Minh phải thường xuyên so chiếu và kín múc ý nghĩa với những khía cạnh căn bản của sự sống Kitô giáo. Mỗi một yếu tố, tự nó, đã gồm chứa cả một chân trời huyền nhiệm; nhưng chính mối tương tác giữa các yếu tố ấy thường dễ khai mở những cửa ngõ để mở ra chân trời huyền nhiệm một cách phong phú.
“Trò chơi” của đời sống Đa minh không giống với cách chơi bài cào, xác định đáp số trong việc cộng những con số của lá bài; cũng không giống với lối chơi xì-dách, mà kết quả nằm trong khả năng dám liều cho một lựa chọn nào đó. Trò chơi của đời sống Đa Minh giống hơn với lối chơi xập xám, trong đó mỗi người cần có khả năng tìm và thử những cách binh bài khác nhau và luôn có thể thay đổi để khám phá một tổng hợp tốt hơn… Nếu mỗi linh đạo đều là hoa trái từ dòng nhựa sống của Thần Khí, thì “linh đạo Đa Minh” lại giống như thái độ cứ rập rình ở chính dòng nhựa sống ấy hơn là đã định hình trong một thứ hoa, một loại trái nào đó.
- Và có lẽ, bởi vì ngụp lặn trong cái toàn thể lớn lao ấy, trong việc giảng thuyết rất đồ sộ và cao cả, chúng ta không có những việc cụ thể rõ ràng, hay những công việc chính xác, nên công việc giảng thuyết vẫn “bàng bạc” như tinh thần dòng vậy! Liệu chúng ta có nên xác định, hay tìm kiếm một việc làm cụ thể chăng?
Ta có thể thấy nét đặc trưng “Đa Minh” là tạo ra một môi sinh “lành mạnh” để có thể có được những con người nhìn ra được một đường nét chân lý trong những hoàn cảnh có nhiều thách đố. Nói cách khác, nếu chỉ dừng lại ở một thái độ “bàng bạc”, hay “tính toàn thể” thì đời sống Đa Minh cũng giống như một “ngân khoản” vẫn chưa được giải ngân để bắt đầu xây dựng một công trình nào đó. Linh đạo Đa Minh, nói chung thì như một dòng nhựa sống, không nhất thiết tạo ra một loại hoa nào, nhưng người Đa Minh luôn phải tìm tòi để “sáng tạo” ra một loài hoa nào đó, đáp ứng đúng nhu cầu cụ thể của hoàn cảnh lịch sử. Nếu không như thế, đời sống Đa Minh sẽ như một thứ “nước chấm” chung chung, nhạt nhẽo vì không thích hợp với từng loại “món ăn tinh thần” của thời đại.
Như thế, điều thiết yếu của đời sống Đa Minh là cần nhạy bén trước nhu cầu thời đại, cần tỉnh thức và sáng tạo trong việc loan báo sứ điệp Tin mừng. Nói cách khác, ta cần nhìn lại vấn đề “tuyên khấn để thi hành sứ vụ”.
3. Tuyên khấn để thi hành sứ vụ[1]
Trong một lá thư gửi cho toàn Dòng, năm 1994, mang tựa đề “Dấn thân thi hành sứ vụ”, cha Timothy Radcliffe đã nêu lên một số câu hỏi, cũng như những lời nhắc nhở mà thiết nghĩ, Tỉnh hội của chúng ta cũng nên tìm hiểu và nghiên cứu. Con số nhân sự của Tỉnh Dòng chúng ta hiện đông nhất trong toàn Dòng, tức là chúng ta có một điều thuận lợi nhất mà các đơn vị khác không có, đó là con người. Thuận lợi ấy có thực sự phát sinh hiệu quả chưa? Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ và trao đổi.
- Làm thế nào để lời chúng ta tuyên khấn có thể trở thành nguồn mạch đời sống và sức năng động, nâng đỡ việc giảng thuyết của chúng ta? Làm thế nào để con số đông đảo các anh em đã tuyên khấn của chúng ta có thể thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng? Sứ vụ giảng thuyết của chúng ta hôm nay sẽ là gì và như thế nào?
Một điều không thể hồ nghi là: ơn gọi làm nhà giảng thuyết Tin mừng ngày hôm nay cũng khẩn thiết như ngày xưa vậy (Avila 22). Chúng ta có thể đáp ứng những thách đố ấy, nếu chúng ta là những người can đảm dám tháo gỡ những ràng buộc cũ kỹ để có thể là những người tự do, đưa ra những sáng kiến mới, những con người dám thử nghiệm và dám liều thất bại. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ đáp ứng được điều đó nếu chúng ta không dâng hiến cho nhau lòng tin tưởng và sự quả cảm.
- Đôi khi yếu tố làm cho Dòng bị tê liệt và khiến chúng ta không dám thực hiện cái mới, đó là sợ trách nhiệm và sợ phải chấp nhận thất bại. Mỗi người chúng ta phải biết lãnh nhận trách nhiệm của chúng ta, thậm chí lắm khi phải đau đớn mà làm điều đó và liều mình đưa ra một quyết định sai lầm. Nếu không, chúng ta sẽ phải chết vì không thức thời.
- Một cấu trúc khá phức tạp như một dòng tu rất có thể vừa truyền thông cho nhau chủ nghĩa bi quan và cảm nghĩ thất bại, đồng thời cũng có thể là một mạng lưới chuyển thông niềm hy vọng, trong đó người này giúp người kia tưởng tượng và sáng tạo ra cái mới. Nếu Dòng phải chọn con đường thứ hai, khi ấy chúng ta phải đương đầu với nhiều vấn đề.
- Nếu chúng ta không thể thực sự dâng hiến bản thân chúng ta cho Dòng một cách vô điều kiện, thì chúng ta đơn thuần là những nhóm gồm những cá nhân độc lập, khi này khi khác cộng tác với nhau mà thôi; nếu đức tuân phục được coi như là sự áp đặt ý muốn của bề trên mà không tìm kiếm một tinh thần chung, thì lời khấn làm cho chúng ta trở thành vong thân và phi nhân bản.
Cách điều hành của chúng ta đôi khi có thể kém hiệu quả, nhưng nó làm nên những người giảng thuyết. Hình thức điều hành của chúng ta liên kết sâu xa với ơn gọi làm người giảng thuyết, vì chúng ta có thể nói một cách có uy tín về sự tự do của chúng ta trong Chúa Kitô nếu chúng ta đã sống sự tự do ấy với nhau. Nhưng truyền thống dân chủ và phân quyền của chúng ta không bao giờ có thể được coi là lời bào chữa cho sự án binh bất động và vô trách nhiệm. Đó không phải là một cách để chúng ta thoái thác những thách đố trong sứ vụ của mình.
Vâng, tất cả chúng ta đều đã tuyên khấn để thi hành sứ vụ. Chúng ta tuyên khấn không phải chỉ để mình thuộc về một dòng tu, nhưng thuộc về dòng tu ấy với một sứ mạng là loan báo Tin mừng đến tận cùng thế giới. Sứ mạng này được thể hiện qua việc giảng thuyết.
Tạm kết
Có lẽ vấn đề của chúng ta vẫn nằm trong thách đố chung của phận người. Con người “là người” nhưng còn phải “làm người”. Vận mạng của con người nằm trong tiến trình từ “cái là” đến “cái làm”. Chính Thiên Chúa, một khi đi vào nhiệm cục cứu độ con người, cũng đã chấp nhận quy luật sống của con người như vậy : Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể (là Chúa-người trong Giáng Sinh) rồi Người thể hiện trọn vẹn vận mạng ấy trong sứ mạng cứu độ (hoàn thành hành trình Chúa-người trong cuộc Thương khó – Phục sinh).
Cũng vậy, chúng ta tuyên khấn để đón nhận ơn gọi trở nên một tu sĩ Đa Minh, nhưng để hoàn thành sứ mạng của một tu sĩ Đa Minh thì cần phải thi hành sứ vụ. Điều đó thực sự là điều cha Timothy Radcliffe muốn nói khi ngài khẳng định “Tuyên khấn để thi hành sứ vụ”.
Mong rằng, mỗi anh em, mỗi cộng đoàn đều có thể tìm ra những cách thức cụ thể, tìm thấy những sứ điệp cấp thiết cho thời đại… để sống lời tuyên khấn của mình cách trọn vẹn qua việc thực thi sứ vụ giảng thuyết một cách đúng đắn và phong phú.
Tháng 10 năm 2023
【Giuse Nguyễn Cao Luật O.P】
[1] Timothy Radcliffe op, Dấn thân thi hành sứ vụ, trong Can đảm hướng tới tương lai, tr. 267-296 . Học viện Đa Minh, 2017.