▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Tỉnh hội

Tỉnh hội (x. SHC 351. §I) là cuộc hội họp của các anh em nhằm bàn thảo và quyết định về những vấn đề liên quan đến: 1. Thiện ích của chính anh em, sự hoàn thiện Kitô giáo (chiều kích cá nhân); 2. Thiện ích của cộng đoàn, Tỉnh dòng, toàn Dòng, Hội thánh địa phương và Hội thánh toàn cầu, (chiều kích hiệp thông); cũng có thể xét như phương tiện cho hai thiện ích kia. 3. Thiện ích tối hậu và phổ quát nhất là ơn cứu độ cho con người (chiều kích sứ vụ).

I. Tỉnh hội là gì?


Tỉnh hội (x. SHC 351. §I) là cuộc hội họp của các anh em nhằm bàn thảo và quyết định về những vấn đề liên quan đến:
1. Thiện ích của chính anh em, sự hoàn thiện Kitô giáo (chiều kích cá nhân);
2. Thiện ích của cộng đoàn, Tỉnh dòng, toàn Dòng, Hội thánh địa phương và Hội thánh toàn cầu, (chiều kích hiệp thông); cũng có thể xét như phương tiện cho hai thiện ích kia.
3. Thiện ích tối hậu và phổ quát nhất là ơn cứu độ cho con người (chiều kích sứ vụ).

II. Vai trò lập pháp và lãnh đạo của Tỉnh hội


Tỉnh hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của một Tỉnh dòng, chia thành 2 nhóm (Toàn thể Nghị huynh và Ban Giám định viên) có thẩm quyền:
1. Soạn thảo, tu chính Quy chế Tỉnh dòng, Quy chế Phụ tỉnh,
2. Thiết lập phụ xá, các cơ quan, chức vụ trong Tỉnh dòng.
3. Xác định đường hướng và ưu tiên sứ vụ,
4. Đưa ra chỉ thị (nhiều cấp độ pháp lý) cho toàn Tỉnh dòng, tu viện, tu xá, các anh em, cho huynh đoàn và các thành viên huynh đoàn trong lãnh thổ Tỉnh dòng.

Khi Tỉnh hội đang diễn ra, thường quyền thuộc Ban Giám định viên (tập thể). Ngoài Tỉnh hội, thường quyền thuộc vị Giám tỉnh (cá nhân) [x. SHC 360 và 362]

III. Chu kỳ tổ chức Tỉnh hội và thời gian họp

1. Thông thường, Tỉnh hội được tổ chức 4 năm 1 lần.


– Theo thông lệ trước đây của Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, Tỉnh hội diễn ra vào các tháng hè, thông thường bắt đầu vào ngày áp lễ Chúa Thánh Thần và kéo dài 2 tuần (Tỉnh hội 2019 do bầu Giám tỉnh 3 lần mới xong, nên kéo dài gần 3 tuần).

– Tỉnh hội 2019 đã thay đổi thông lệ này, được tổ chức vào tháng 12. Tỉnh hội 2023 cũng vậy sẽ bắt đầu vào ngày 4/12 và dự kiến kết thúc vào 16/12.

2. Bất thường, chỉ để bầu Giám tỉnh.


IV. Những vấn đề chính thường được bàn trong Tỉnh hội


Theo QCTD 26, §IV. 1, có 6 vấn đề chính nên được bàn trong Tỉnh hội:
1. Đời sống thánh hiến: cộng đoàn, lời khấn, phụng vụ và cầu nguyện
2. Đào tạo, học vấn và sinh hoạt trí thức
3. Tông đồ - truyền giáo
4. Quản trị - nhân sự, tu chính Quy chế
5. Kinh tế
6. Gia đình Đa Minh
[Xt. XIV. Phụ thêm, A. Giải thích Số IV ở cuối bài]

V. Con số nghị huynh tham dự Tỉnh hội 2023


Có 45 vị (10% trên tổng số anh em) gồm:

1. Vị giám tỉnh vừa mãn nhiệm.

2. Bề trên Phụ tỉnh Vinh Sơn Liêm, Canada.

3. Các Tu viện trưởng: Tu viện Rất thánh Mân Côi, Thánh Anbetô, Mai Khôi, Thánh Máctinô, Thánh Đa Minh-Calgary, Thánh Vinh Sơn Liêm, Thánh Vinh Sơn, Thánh Giuse. Tổng cộng: 8 Tu viện trưởng.

4. Các phụ tá tu viện trưởng (anh em khấn trọng, có quyền đầu phiếu bầu chọn).

[SHC 490 §I-II: Tu viện có 8 tu sĩ khấn trọng, bầu 1 phụ tá TVT, tu viện có 16 tu sĩ khấn trọng bầu 2 phụ tá,; tu viện có 24 tu sĩ khấn trọng bầu 3 phụ tá và tu viện có 32 tu sĩ khấn trọng trở lên bầu 4 phụ tá.]

Tv. Mân Côi, Tv. Máctinô [4 phụ tá]; Tv. Anbetô, Tv. Mai Khôi, Tv. Vinh Sơn Liêm, Tv. Giuse [2 phụ tá]; Tv. Đa Minh, Calgary, Tv. Vinh sơn [1 phụ tá]. Tổng cộng: 18 Phụ tá Tu viện trưởng.

5. Các đại biểu của các anh em sống tại các tu xá, giáo xứ, các điểm truyền giáo, du học và làm việc ở nước ngoài. Tổng cộng 17 Đại biểu.

VI. Chuẩn bị cho Tỉnh hội


1. Khoảng 6 tháng trước khi Tỉnh hội dự trù sẽ diễn ra, vị Giám tỉnh sẽ ra Văn thư triệu tập Tỉnh hội. Trong văn thư triệu tập, vị Giám tỉnh:

– Xác định thời gian cụ thể họp Tỉnh hội (còn địa điểm họp thường do Tỉnh hội trước xác định).

– Phân chia các anh em sống tại các tu xá, giáo xứ và các điểm truyền giáo thành những nhóm (tối thiểu là 8 anh em và không quá 16 anh em) để các anh em này tiến hành bầu đại biểu.

– Chỉ định Ban tổ chức Tỉnh hội, gồm có 6 người (có 3 vị theo chức vụ: Tu viện trưởng, nơi tổ chức Tỉnh hội, Tổng quản lý và Thư ký Văn phòng Tỉnh dòng, 3 vị do Giám tỉnh chỉ định, với sự đồng ý của Ban Cố vấn).

2. Sau khi nhận được Văn thư triệu tập, trong vòng 1 tháng, các tu viện tiến hành bầu phụ tá tu viện trưởng và các nhóm bầu cử tiến hành bầu đại biểu tham dự tỉnh hội.

3. Sau khi các tu viện và các nhóm bầu cử đã hoàn tất công việc và trình kết quả bầu cử cho Văn phòng Tỉnh dòng, vị Giám tỉnh sẽ chỉ định các Uỷ ban chuẩn bị Tỉnh hội tương ứng với 6 vấn đề thường được bàn trong Tỉnh hội, như đã đề cập ở số IV.

4. Sau khi các Uỷ ban chuẩn bị được thành lập, Ban tổ chức tỉnh hội sẽ phối hợp với các Uỷ ban này để tổ chức việc thu thập ý kiến của các anh em và các thành phần trong gia đình Đa Minh bằng những hình thức khác nhau như phát bản thăm dò ý kiến, tổ chức diễn đàn nói và viết, v.v..

5. Theo SHC 356, 2o, CVTH2019, các số 15-35 và QCTD, số 27, sẽ có 53 bản tường trình cho Tỉnh hội 2023, trong đó 23 bản sẽ phải được gửi đến các tu viện/tu xá (xem XIV. Phụ thêm, B. Giải thích Số VI. 5 ở cuối bài).

6. “Tại mỗi tu viện của Tỉnh dòng, phải tổ chức cuộc bàn thảo dưới sự chủ toạ của tu viện trưởng nhằm cứu xét các bản tường trình được nói ở số 2o và quyết định gửi những kiến nghị hoặc thỉnh nguyện lên Tỉnh hội vì lợi ích cho Tỉnh dòng hay cho tu viện.” (SHC 356, 2o). Quy định này cũng có hiệu lực đối với các tu xá (x. SHC 260, §2).

7. Căn cứ vào các tường trình nói ở trên và các ý kiến thu thập, các Uỷ ban chuẩn bị sẽ dự thảo các tài liệu làm việc cho Tỉnh hội.

8. Một tháng trước Tỉnh hội, các bản văn dự thảo sẽ được gửi cho các nghị huynh nghiên cứu trước.

VII. Diễn biến chính trong Tỉnh hội


1. Thông thường ngày đầu tiên của Tỉnh hội các Nghị huynh sẽ tiến hành phiên họp sơ bộ để:
– kiểm tra chứng minh thư (các Bề trên có văn thư phê chuẩn hoặc chỉ định chức vụ, các Phụ tá Tu viện trưởng và các Đại biểu có chứng thư do công hội bầu cử chứng nhận: gồm chủ tịch, thư ký cuộc bầu cử và 2 nhân chứng ký tên);
– chỉ định (các) thư ký cho Tỉnh hội;
– duyệt xét các tường trình của vị Giám tỉnh, các bề trên và các chức vụ;
– phân chia các Uỷ ban Tỉnh hội tương ứng với các vấn đề sẽ được bàn trong Tỉnh hội;
– việc cuối cùng, quan trọng nhất là “phải quyết định xem có nên bàn về người sẽ được bầu làm Giám tỉnh hay không” (QCTD, số 28). Nếu quyết định có, thì phải có lộ trình để bàn.

Vào ngày này, vị Giám tỉnh chấm dứt nhiệm vụ. Tu viện trưởng Tu viện nơi diễn ra tỉnh hội là Đại diện tỉnh dòng, chủ tọa điều hành cuộc họp sơ bộ này.

2. Ngày hôm sau, Tỉnh hội chính thức khai mạc với Lễ Chúa Thánh Thần.

3. Sau lễ Chúa Thánh Thần, các nghị huynh sẽ tiến hành bầu Giám tỉnh. Việc bầu Giám tỉnh phải đạt được quá bán số phiếu và không quá 7 vòng đầu phiếu, nếu không các nghị huynh sẽ mất quyền bầu cử, trong trường hợp này, chính Tổng quyền sẽ chỉ định vị Giám tỉnh. Nếu thỉnh cử thì phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu.

4. Kết quả bầu Giám tỉnh phải được gửi qua Trung ương Dòng để xin châu phê. Danh tánh vị giám tỉnh sẽ chỉ được công bố chính thức sau khi đã có châu phê của Tổng quyền và vị được bầu đã ký chấp thuận. Tuy nhiên, trong thời gian chờ châu phê của Tổng quyền, vị giám tỉnh được bầu đã có thể chủ trì các phiên họp của Tỉnh hội.

5. “Sau lần bầu cử thứ ba, được phê chuẩn, nhưng không được chấp nhận, bấy giờ vị Tổng quyền có thể, và sau lần thứ tư, phải chỉ định vị giám tỉnh” (SHC 512, §II). Chấp nhận ở đây là vị được bầu. Còn Tổng quyền không phê chuẩn, và do đó, chưa có vị giám tỉnh, thì không tính số lần.

6. Sau khi bầu Giám tỉnh, các nghị huynh sẽ tiến hành bầu 6 giám định viên. Vị giám tỉnh và các giám định viên này sẽ làm thành Ban Giám định viên, có quyền lãnh đạo Tỉnh dòng trong suốt thời gian diễn ra tỉnh hội.

7. Sau khi đã bầu xong Giám tỉnh và Giám định viên, các Uỷ ban bắt đầu làm việc riêng.

8. Sau đó, các bản văn của Uỷ ban sẽ được bàn thảo trong các phiên họp khoáng đại.

9. Căn cứ vào các bản văn đã được các nghị huynh trong các phiên họp khoáng đại thông qua, Ban Giám định viên sẽ tiến hành:
– soạn thảo các chỉ thị, khuyến cáo, khuyên nhủ, thỉnh nguyện, tuyên bố và uỷ nhiệm cho Công vụ Tỉnh hội.
– giới thiệu ứng viên để vị Tổng quyền chỉ định làm Giám đốc Học vụ.
– chấp thuận vị Phụ tá Giám tỉnh do vị Giám tỉnh đề cử,
– chỉ định các chức vụ trong Tỉnh dòng
– chỉ định địa điểm họp Tỉnh hội lần tới.

10. Sau khi các chức vụ trong Tỉnh dòng đã được chỉ định, các nghị huynh sẽ tiến hành bầu thêm tối đa ba vị Cố vấn của Tỉnh dòng (và 2 vị dự khuyết). Các vị Cố vấn này cùng với các Giám định viên sẽ làm thành Ban Cố vấn của Giám tỉnh trong suốt 4 năm.

11. Bầu các anh em làm Giám định viên hoặc Phụ tá Giám tỉnh tham dự Tổng hội.

12. Tỉnh hội sẽ kết thúc bằng Thánh lễ bế mạc.

13. Phần chính của Công vụ Tỉnh hội sẽ được gửi sang Trung ương Dòng để được vị Tổng quyền châu phê.

VIII. Cách thức để đạt đến sự đồng thuận trong Tỉnh hội.


Bằng lá phiếu biểu quyết, theo 2 cấp:

1. Các nghị huynh bỏ phiếu:

1.1. Trong các phiên họp sơ bộ
– chấp thuận chỉ định thư ký cho tỉnh hội do vị chủ toạ đề nghị.
– quyết định việc có bàn về người sẽ được bầu làm Giám tỉnh hay không.

1.2. Trong các phiên họp chính thức
– Bầu chọn: Giám tỉnh, các Giám định viên, các vị Cố vấn Tỉnh dòng (gồm cả dự khuyết), các Phụ tá Giám tỉnh và Giám định viên tham dự Tổng hội.
– Bỏ phiếu (thuận hay chống) nội dung các bản văn do các Uỷ ban soạn thảo cho Công vụ.

2. Các Giám định viên bỏ phiếu:
– Đề cử ứng viên Giám đốc Học vụ cho vị Tổng quyền chỉ định.
– Chấp thuận vị Phụ tá Giám tỉnh do vị Giám tỉnh đề cử (Giám tỉnh không bỏ phiếu. Nếu vị được đề cử cũng là Giám định viên, cũng không bỏ phiếu).
– Bổ nhiệm anh em.
– Chỉ định các chức vụ.
– Bỏ phiếu (thuận hay chống) nội dung các bản văn Công Tỉnh hội, đặc biệt các nội dung có tính pháp lý [Xt. Số dưới đây. Xt. XIV. Phụ thêm, C. Giải thích số VIII ở cuối bài].

IX. Những mức độ bó buộc pháp lý của Công vụ Tỉnh hội

1. Các chức vụ: Chỉ định có tính cách bó buộc nhân danh đức tuân phục.


Vào cuối mỗi Công vụ chỉ thị này luôn được lặp lại: “Nhân danh đức vâng lời, chúng tôi truyền cho các anh em đã được Tỉnh hội này cắt cử giữ chức vụ nào, phải kính cẩn lãnh nhận chức vụ ấy.

Bàn thêm:

Có thể vâng phục lãnh nhận nhưng làm ít hay không làm gì thì sao? Không làm gì thì dễ nhận ra. Làm ít hay nhiều thì khó nói, vì không chỉ xét số lượng mà còn phải xét phẩm chất, và cũng còn tuỳ thuộc cách thức chọn lựa để làm nữa.

2. Các công việc, phân biệt nhiều cấp độ:


Chỉ thị: buộc phải làm.
Khuyến cáo: phải làm.
Khuyên nhủ: cần làm (đối với điều không buộc phải làm) hoặc cần làm tốt hơn (đối với điều buộc phải làm).
Thỉnh nguyện: nên làm (đối với điều không buộc phải làm) hoặc nên làm tốt hơn (đối với điều phải làm).
Biểu dương: Khen ngợi những đóng góp chung của cá nhân hay tập thể.
Tuyên bố: 1/ Giải thích hoặc áp dụng một khoản luật; 2/ thiết lập phụ xá, các cơ quan, các chức vụ; 3/ đưa ra một quyết định có tính cách lâu dài, hoặc có thời hạn.
Uỷ nhiệm: Xác định một số nhiệm vụ cụ thể cho các chức vụ.

Kết thúc Công vụ luôn có chỉ thị tương tự như sau đây với những thay đổi thích hợp. Chỉ thị kết thúc CVTH2019: “Chiếu theo SHC 363 § I, chúng tôi chỉ thị phải đọc Công vụ Tỉnh hội này cách công khai ngay sau khi công bố, rồi mỗi năm một lần, phải đọc lại cùng với Quy chế Tỉnh dòng, và các phần chính của Công vụ Tổng hội Bolonia 2016 và Công vụ Tổng hội Biên Hòa 2019.

X. Các đòi buộc để Công vụ Tỉnh hội hiệu lực


Công vụ Tỉnh hội chỉ có hiệu lực sau khi được Tổng quyền phê chuẩn và Giám tỉnh công bố. Thời gian chờ có thể mất 1 đến 2 tháng. Thông thường, do tính cấp thiết của các chức vụ phải được bàn giao cho thuận tiện, vị giám tỉnh sẽ xin vị Tổng quyền phê chuẩn các chức vụ trước.

XI. Các phần của Công vụ Tỉnh hội


Công vụ Tỉnh hội bao gồm 2 phần:

1. Phần chính (được châu phê)


– Thông tin Tỉnh dòng trong 4 năm đã qua.

– Các soạn thảo của Ban Giám định viên nói ở số VII. 9.

2. Phần phụ lục


– Tiểu sử của các cha anh qua đời trong 4 năm qua (buộc phải có, nếu không vị Tổng quyền sẽ yêu cầu bổ sung).

– Các bài giảng khai mạc và kết thúc Tỉnh hội.

– Các văn bản quan trọng liên quan đến Tỉnh dòng đã được ký trong nhiệm kỳ trước của vị Giám tỉnh.

XII. Tỉnh hội với việc bầu cử và chỉ định chức vụ

1. Giám tỉnh:

a) Điều kiện: Mọi linh mục trong Dòng

– Về luật: 30 tuổi trọn, tuyên khấn được 10 năm, không phải là giám tỉnh của Tỉnh dòng đó 2 khóa 4 năm liền trước, không phải là Tổng kinh lý cũng một Tỉnh dòng đó;

– Về đời sống: khôn ngoan, bác ái, nhiệt thành với nếp sống tu trì và việc tông đồ.
b) Nhiệm vụ:
SHC 339. - Vị giám tỉnh có nhiệm vụ:
1o phải tận lực cổ võ tinh thần và đời sống đích thực của Dòng trong tỉnh dòng mình. Nhận ra những dấu chỉ thời đại, vị giám tỉnh phải khuyến khích anh em nhiệt tâm phục vụ dân Thiên Chúa bằng tác vụ Lời;
2o phải hết lòng tha thiết với công ích của Dòng. Vị giám tỉnh phải sẵn sàng báo cáo cho vị Tổng quyền về đời sống và sứ vụ tông đồ của anh em, và tăng cường sự hợp tác giữa các tỉnh dòng;
3o cổ võ sự cộng tác giữa tỉnh dòng với giáo quyền và giữa tỉnh dòng với các Hội dòng khác, nhằm hiểu biết sâu xa hơn và đáp ứng đầy đủ hơn những nhu cầu của Hội thánh địa phương.

c) Thực tế chọn lựa theo tiêu chuẩn nào?

Xem ra khi bầu Giám tỉnh, tiêu chuẩn để chọn thường là vị nào có khả quản trị hành chính tốt, chứ không quy chiếu nhiều đến nội dung SHC 339. Vị nào được việc, giải quyết được công việc trước mắt đang tồn đọng, làm được những việc được Tỉnh hội chỉ định trong 4 năm tới, v.v..
d) Đề xuất một vài tiêu chuẩn để bàn về vị sẽ được bầu:

Giám tỉnh và các bề trên nói chung:
– là nhân tố nối kết anh em làm nên sự hiệp thông;
– là người đi đầu, khích lệ anh em quan tâm đến công ích;
– là người có thẩm quyền nhắc nhở anh em trung tín với ơn gọi, đôi khi cũng phải ra kỷ luật;
– là người có quyền bính (đôi khi cần sự đồng ý của Ban Cố vấn) quyết định đâu là công ích ưu tiên để theo đuổi.

2. Các Giám định viên

Điều kiện: Mọi anh em có quyền đầu phiếu,
– không phải là Giám định viên của Tỉnh hội liền trước hay vị giám tỉnh vừa mãn nhiệm;
– được bổ nhiệm vào Tỉnh dòng, hoặc là con của Tỉnh dòng được bổ nhiệm vào tu viện trực thuộc vị Tổng quyền, miễn là không thuộc ban Tổng Cố vấn.

SHC 514, § II: “Cả những anh em không thuộc nhóm những người có quyền đầu phiếu của công hội cũng có thể được bầu làm giám định viên. Trong trường hợp ấy, họ có quyền trong mọi cuộc bầu cử của công hội, trừ cuộc bầu cử vị giám tỉnh, nếu phải bầu lại”.
Nhiệm vụ: “Cùng với vị chủ toạ, phân định những công việc chính yếu của tỉnh hội” (SHC 513).

– Nếu xem tất cả các Nghị huynh với các phiên họp toàn thể là quốc hội hạ viện, thì Ban Giám định viên sẽ như là quốc hội thượng viện (xác đường đường lối, chính sách), đồng thời cũng giữ nhiệm vụ hành pháp (chỉ định chức vụ, xác định công việc cụ thể) trong suốt thời gian Tỉnh hội.

Nếu chọn đại biểu hạ viện - nghị huynh, có thể mang tính đại diện Tỉnh dòng, thì chọn đại biểu thượng viện - giám định viên, nên phải lưu ý tính chuyên môn hoặc có kinh nghiệm. Giám định viên có thể được chọn trong số các anh em đã khấn trọng của Tỉnh dòng. Cần lưu ý điểm này để bầu chọn, chứ không nhất thiết là chọn trong số các nghị huynh tham dự, hoặc theo kiểu chia đều, hoặc cân đối vùng miền, thì nó rất yếu kém trong việc quản trị.

– Các Giám định viên sẽ là thành phần Ban Cố Vấn trong 4 năm tới.

3. Các Cố vấn Tỉnh dòng

– Điều kiện: Như Giám định viên
– Nhiệm vụ: Cố vấn cho vị Giám tỉnh

Các vị Cố vấn bầu thêm này nên có tính đại diện cho lãnh vực hoặc vùng miền.

Bàn thêm:
Nhiệm vụ cụ thể và tính chất công việc của Ban Cố vấn

– Chấp thuận chỉ định hoặc miễn nhiệm của vị Giám tỉnh đối với các chức vụ, hoặc vài quyết định khác của vị Giám tỉnh, theo quy định của SHC.

– Cùng với vị Giám tỉnh, thúc đẩy hoặc giám sát thi hành các quyết định của Tỉnh hội (công việc mang mang tính chất quốc hội hạ viện nhiều hơn, không còn mang nhiều tính cách của quốc hội thượng viện nữa)

– Các vị Cố vấn không những có nhiệm vụ cấp Tỉnh dòng, mà còn giữ những nhiệm vụ cụ thể ở địa phương, vì vậy rất khó cho các vị có thể giúp cho vị Giám tỉnh trong vai trò hành pháp.
Các chức vụ thuộc Văn phòng Tỉnh dòng

Công việc hành chánh cấp Tỉnh dòng với 500 anh em (Việt Nam và hải ngoại), cần có một nhóm anh em dành toàn thời gian:
– (Các) vị Phụ tá Giám tỉnh (do chức vụ đã là thành phần của Ban Cố vấn)
– Giám đốc Học vụ (do chức vụ đã là thành phần của Ban Cố vấn)
– Tổng quản lý (Ban Giám định viên chỉ định)
– Đặc trách tông đồ (Ban Giám định viên chỉ định)
– Thư ký Văn phòng Tỉnh dòng (vị Giám tỉnh chỉ định)

XIII. Đối thoại, bàn thảo trong Tỉnh hội

Vài yêu cầu tối thiểu:

Điều kiện: Cần rõ thông tin (minh bạch).
Mục đích: Nhằm đến công ích, không nhằm thỏa hiệp, thương lượng.
Cách thức: Dùng phán đoán của lý trí dựa trên căn cứ, lý lẽ, không cảm tính hoặc ý muốn.
Tinh thần: Tôn trọng sự thật, không công kích cá nhân – ad hominem.

XIV. Phụ thêm

A. Giải thích số IV


Tên các chương chính của Công vụ thường được đặt theo các vấn đề chính được bàn trước và trong Tỉnh hội.

Lược đồ các chương của CVTH2019 như sau:
– Chương I. Thông tin
– Chương II. Đời sống Thánh hiến
– Chương III. Đào tạo và học vấn
– Chương IV. Sứ vụ Tông đồ
– Chương V. Gia đình Đa Minh
– Chương VI. Quản trị
– Chương VII. Kinh tế
– Chương VIII. Tu chính Quy chế Tỉnh dòng

Với 6 Công vụ, từ 1999 đến 2019, thứ tự các chương không thay đổi. Tên các chương cũng gần như không thay đổi (Chương I, II, VI, VII, VIII) hoặc thay đổi rất ít (Chương III thay đổi phần sau: “học vấn” thành “việc học hành” hoặc “sinh hoạt trí thức”. Chương IV thêm “...và Truyền giáo”. CVTH1999 bỏ Chương V. Gia đình Đa Minh, và đưa nội dung vào chương IV).

Tỉnh hội năm nay, các Uỷ ban Trù bị được đặt tên như sau:
– 1. Uỷ ban Giảng thuyết
– 2. Uỷ ban Hiệp thông
– 3. Uỷ ban Đào tạo
– 4. Uỷ ban Học vấn
– 5. Uỷ ban Kinh tế
– 6. Uỷ ban Quản trị

2.1. Nội dung được bàn trong UB. Giảng Thuyết là gì? Có lấy tên Giảng thuyết đặt cho chương thay thế cho tên “Sứ vụ tông đồ” không? Nội dung và cách thức trình bày có thay đổi hay vẫn giữ như “Sứ vụ tông đồ”? Bàn về việc giảng thuyết? Nội dung giảng thuyết ? Cách thức giảng thuyết? Môi trường giảng thuyết? Đời sống giảng thuyết? Nếu đã thay đổi tên thì cùng phải thay đổi nội dung và cách thức trình bày.

2.2. Nội dung được bàn trong UB. Hiệp thông là gì? Vấn đề được bàn có giống như chương “Đời sống thánh hiến” trước đây không? Nếu thay đổi tên chương thành Hiệp thông, nhưng giữ nguyên nội dung, thì nhằm đến cái gì?

Bàn thêm:

Tên gọi Chương “Đời sống thánh hiến” có lẽ đã dựa vào SHC các số 2-55, với tựa đề “Thánh hiến tu trì” bàn về đời sống chung, các lời khấn, nếp sống tu trì; và SHC các số 56-74, với tựa đề “Phụng vụ thánh và cầu nguyện” bàn về đời sống phụng vụ và cầu nguyện.

Chương Sứ vụ tông đồ thường nhấn mạnh đến người làm tông đồ và việc tông đồ, mà dễ quên hoặc xem nhẹ nguồn mạch đưa đến cứu cánh là ơn cứu độ. SHC, các số 98-139, được đặt với tựa đề “Tác vụ Lời”. Tựa đề này giúp chúng ta tập trung hơn nội dung giảng thuyết, khuôn mẫu giảng thuyết là chính Đức Kitô, hơn là quá chú ý vào công việc giảng thuyết và cách thức giảng thuyết sao cho lôi cuốn, hấp dẫn.

B. Giải thích số VI. 5


Số bản tường trình cho tỉnh hội 2023 dựa vào 3 quy chiếu dưới đây:

– SHC 356, 2o: “Ba tháng trước khi khai mạc tỉnh hội, vị Giám tỉnh phải gửi bản tường trình về tình trạng Tỉnh dòng, cũng như về các vấn đề quan trọng trong tỉnh dòng, và các anh em giữ những chức vụ trong Tỉnh dòng (x. các số 376-381) cũng phải gửi bản tường trình về những vấn đề thuộc thẩm quyền, đến các nghị huynh và các tu viện.”

– CVTH2019, các số 15-35 chỉ định 18 chức vụ và đề cử 1 chức vụ (Giám đốc Học vụ) cho vị Tổng quyền bổ nhiệm.

– QCTD, số 27: “Ba tháng trước ngày khai mạc Tỉnh hội, bề trên phụ tỉnh, các Tu viện trưởng, Tu xá trưởng phải gửi về Văn phòng Tỉnh dòng bản tường trình theo mẫu của Tỉnh dòng.

Ngoài những điều đã quy định trong SHC 356, 2o, các chức vụ khác trong Tỉnh dòng cũng phải làm bản tường trình tương tự.”

“Các anh em giữ các chức vụ trong Tỉnh dòng (x. các số 376-381)” mà SHC 356, 2o đề cập, gồm những ai?

– Phụ tá Giám tỉnh (SHC 376), do giám tỉnh chỉ định, với sự chấp thuận của Ban Giám định viên.

– Quản lý Tỉnh dòng (SHC 378), do Ban Giám định viên chỉ định.

– Quản thủ Công hàm (SHC 381), do Ban Giám định viên chỉ định.

– Các anh em giữ những chức vụ theo SHC 380, do Ban Giám định viên Tỉnh hội 2019 chỉ định 18 chức vụ và đề cử 1 chức vụ (Giám đốc Học vụ) cho vị Tổng quyền bổ nhiệm.

Như vậy, quy chiếu vào SHC 365, 2o và CVTH2019, các số 15-35, sẽ có 23 bản tường trình gửi cho các nghị huynh và tu viện/tu xá.

“Các chức vụ khác trong Tỉnh dòng” mà QCTD, số 27 đề cập, gồm những ai?

– Văn phòng Tỉnh dòng xác định các anh em giữ các chức vụ cấp Phụ tỉnh là “các chức vụ khác trong Tỉnh dòng”.

– Bằng chứng dựa trên Mục lục “Các Tường trình” do Ban Tổ chức cung cấp cho các Uỷ ban Trù bị là 52 bản tường trình cho Tỉnh hội, trong đó có 10 bản của các anh em giữ các chức vụ cấp Phụ tỉnh: 1. Quản lý, 2. Giám đốc Học vụ, 3. Giám sư Sinh viên, 4. Giám đốc Ơn gọi, 5. Quản thủ Công hàm, 5. Phụng vụ trưởng, 7. Đặc trách Truyền thông, 8. Đặc trách Giới trẻ Bắc Mỹ & Phụ trách Công lý Hoà bình, 9. Đặc trách Hội nuôi dưỡng Ơn gọi thánh Máctinô vùng Hoa Kỳ, 10. Đặc trách Huynh đoàn Đa Minh tại Bắc Mỹ.

– Tổng kết các bản tường trình cho đến ngày 28/10: đã gửi 37 bản tường trình cuối nhiệm kỳ và 2 bản tường trình giữa nhiệm kỳ (có lẽ là thay cho bản cuối nhiệm kỳ), 13 tường trình chưa gửi (3 cấp Tỉnh dòng là Đặc trách Tông đồ, Đặc trách Mục vụ Giáo xứ và Đặc trách Nghiên cứu Phổ biến Học thuyết Tôma, và 10 bản của các chức vụ cấp Phụ tỉnh nêu ở trên).

Tổng kết và phân loại các tường trình cho Tỉnh hội 2023:

– 23 bản của các chức vụ theo SHC 356, 2o và CVTH2019, các số 15-35.

– 19 bản của bề trên phụ tỉnh và các bề trên địa phương: 8 tu viện trưởng (1 thuộc Phụ tỉnh) và 10 tu xá trưởng (2 thuộc Phụ tỉnh) theo QCTD, số 27, điểm thứ nhất. [xt. Thông tin về các tu viện, tu xá trong Niên giám 2023, tr. 10-14].

– 10 bản của các chức vụ cấp Phụ tỉnh, theo QCTD, số 27, điểm thứ hai.

Tổng cộng là 52 bản tường trình.

Mục lục “Các Tường trình” cũng là 52 bản, nhưng không có tường trình của Phụ tá Giám tỉnh, mà một chức vụ khác được thêm vào là Giám đốc Trung tâm Sedes Sapientiae (Nếu chức vụ này do Giám tỉnh chỉ định thì cũng sẽ phải báo cáo theo QCTD, số 27, điểm thứ hai).

Như vậy, nếu đầy đủ theo SHC 356, 2o và CVTH2019, các số 15-35; và QCTD, số 27, sẽ có 53 bản tường trình cho Tỉnh hội 2023, trong đó có 23 bản sẽ được gửi cho tu viện/tu xá.

Bàn thêm: Việc tường trình

1. Về các chức vụ phải tường trình:

1.1. Yêu cầu tất cả các chức vụ trong Tỉnh dòng gửi bản tường trình liệu có hợp lý không?

- Trả lời: Hợp lý. Các chức vụ bề trên liên quan đến quản trị chung. Các chức vụ khác cũng là tường trình cuối nhiệm kỳ, cần phải có để lưu hồ sơ và chuyển tiếp cho các anh em của nhiệm kỳ tới.

1.2. Yêu cầu 10 chức vụ cấp Phụ tỉnh phải gửi bản tường trình cho Tỉnh hội có hợp lý không?

- Trả lời: Có lẽ là không. Tuy nhiên, cần phải xem xét Quy chế Phụ tỉnh và cách thức chỉ định các chức vụ này mới có thể có câu trả lời chắc chắn. Hiện tại người viết chưa được tiếp cập với Bản Quy chế Phụ tỉnh này.

Quy chế Phụ tỉnh đã được soạn thảo trong CVTH2015, Chương X (tr. 81-90). Trong Văn thư Châu phê CVTH2019, vị Tổng quyền yêu cầu cập nhật Quy chế Phụ tỉnh và gửi cho ngài vào tháng Một năm 2021. Phụ tỉnh đã có Quy chế được Tổng quyền châu phê hay chưa?
2. Về người đọc tường trình:

2.1. Yêu cầu các nghị huynh đọc 53 bản tường trình liệu có khả thi không?

- Trả lời: Khả thi theo 2 cấp độ. Cá nhân chỉ có thể sơ lược. Các Uỷ ban có thể xem xét kỹ hơn các tường trình có liên quan.

2.2. Yêu cầu các tu viện/tu xá đọc 23 bản tường trình và góp ý kiến liệu có khả thi không?

- Trả lời: Quá nhiều, không khả thi.

Vậy bao nhiêu là đủ?

- Trả lời: 7 tường trình sau đây là đủ:
(1) Giám tỉnh (Tổng quát. Tập trung vào 3 vấn đề: đời sống thánh hiến, đào tạo, quản trị. Các vấn đề khác có thể nói ngắn và yêu cầu xem báo cáo của các vị từ 2-7 dưới đây)
(2) Phụ tá giám tỉnh (hơi khó cho vị này, có thể vị Giám tỉnh chỉ nhờ từng việc thì không biết phải tường trình thế nào, không lẽ liệt kê. Vị Giám tỉnh nên giao một lãnh vực nào đó trong quản trị: Ví dụ sắp xếp, trao đổi với các bề trên, anh em về việc bổ nhiệm và công tác sẽ được chỉ định. Ví dụ xem xét các kế hoạch của địa phương gửi lên để xin chấp thuận, v.v.. Phải chia việc theo lãnh vực đảm trách chứ không thể theo cách nhờ từng việc).
(3) Quản lý Tỉnh dòng (liên quan đến quản lý tài sản và tài chính của tỉnh dòng và của các địa phương).
(4) Giám đốc học vụ (liên quan đến việc học và giảng dạy).
(5) Đặc trách Tông đồ (liên quan đến mọi hoạt động sứ vụ, trừ sứ vụ giảng dạy).
(6) Quản thủ công hàm (liên quan đến lịch sử của Tỉnh dòng, rất cần thiết, không thì mất gốc).
(7) Thư ký Văn phòng Tỉnh dòng (liên quan đến hành chánh, giấy tờ, thông tin đến và đi).

Cách phân chia tường trình này giúp cho anh em dễ tiếp cận thông tin, đồng thời cho thấy cách thức quản trị của Dòng: vừa tập trung và thống nhất (Giám tỉnh nắm tổng quát), vừa tản quyền và chi tiết (các chức vụ khác theo lãnh vực của mình).

2.3. Các Uỷ ban chuẩn bị Tỉnh hội

Thông thường Uỷ ban chuẩn bị được thành lập với một nửa không phải là nghị huynh. Vậy, các anh em này có được tiếp cận với tất cả 53 tường trình không?

Trả lời: Có. Dựa trên phát biểu của QCTD, số 26 §IV, 2 như sau: “Các uỷ ban, dưới sự điều động của chủ tịch, phải xúc tiến ngay việc soạn các bản văn dự thảo về lãnh vực của mình, dựa trên các bản tường trình và ý kiến của anh em.”
3. Việc đọc tường trình có ích lợi gì?

Nắm được thông tin, đưa ra đánh giá, thảo luận, góp ý kiến, tham chiếu cho việc dự thảo và soạn thảo công vụ, theo 4 cấp độ.

– Tất cả anh em (không riêng rẽ, mà theo tính cách cộng đoàn: tu viện, tu xá) biết cách tổng quát về những vấn đề liên quan đến đời sống của Tỉnh dòng. Cái khó là nhiều anh em đang thi hành nhiệm vụ ngoài cộng đoàn, không dễ dàng tập trung, nhất là có sự xa xôi như miền Bắc. Ngay cả chỉ có 7 bản tường trình, anh em khó có thể đọc hết, nhưng có thể quan tâm đến những phần khác nhau. Vì vậy, khi bàn thảo công hội, chắc chắn sẽ có những kiến nghị giúp cho bản góp ý của cộng đoàn được phong phú.

– Các nghị huynh, được uỷ thác cho vai trò đại diện, tham gia vào các cuộc họp toàn thể, bỏ phiếu chung quyết cho toàn bản văn công vụ, cho nên phải đọc hết các tường trình liên quan đến uỷ ban, và ít là sơ lược những tường trình không thuộc uỷ ban, thì mới có thể tham gia ý kiến cho có căn cứ, còn không thì phó thác cho người khác, và bỏ phiếu thuận.

– Các giám định viên, được uỷ thác vai trò soạn thảo các tuyên bố, chỉ thị, v.v..., chỉ định chức vụ, thì phải đọc hết và lấy tham chiếu, nếu không thì không thể hoàn thành nhiệm vụ, hoặc là sẽ qua loa.

– Chỉ khuyến khích, không bó buộc: vài anh em quan tâm, nghiên cứu các bản văn của SHC, Quy chế, Công vụ, các bản văn hành chánh mọi loại để đưa ra những chỉ dẫn giúp cho các việc: soạn thảo, đọc, nhận định, phân tích, tóm tắt, tham chiếu, v.v.. một cách có khoa học.

C. Giải thích số VIII


Bàn thảo và bỏ phiếu là cách thức tốt nhất để đạt sự đồng thuận, thể hiện trách nhiệm làm chủ đối với đời sống và vận mạng của cá nhân cũng như của tập thể. Nhưng vượt trên cách thức được gọi là “dân chủ” này, Thiên Chúa mới là Chủ đích thực, dẫn dắt từng anh em và cộng đoàn bằng Thần Khí của Người.

– Thần Khí là Sự thật “dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Mỗi người chỉ có thể đón nhận khía cạnh nào đó của sự thật, sự đối thoại giúp soi sáng cho nhau và cuối cùng “sự thật toàn vẹn” luôn là ơn ban của Thần Khí.

– Thần Khí là Nguyên uỷ mang lại sự hiệp thông cộng đoàn (x. Ep 4,3), sự hiệp thông có được do lắng nghe và đối thoại, nhưng trên hết vẫn là ơn ban của Thần Khí.

– Thần khí là Tác nhân làm cho sứ vụ của cộng đoàn nên phong phú nhờ các đặc sủng, “Thần khí tỏ ra nơi mỗi người mỗi cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Anh em đón nhận và sống đặc sủng theo nếp sống Đa Minh vì ơn cứu độ, vì sự sống của con người.
Bàn thêm: Linh đạo quản trị

Cộng đoàn đồng thuận bằng phiếu kín để cắt cử một người đứng đầu, vị này có thẩm quyền đưa ra quyết định cho công ích. Trước khi bầu chọn, Tỉnh hội cử hành Lễ Chúa Thánh Thần để xin Người chỉ cho biết ai là người có sự trổi vượt hơn về ơn khôn ngoan để phân định công ích. Nếu anh em lắng nghe Thần Khí để bầu chọn, thì vị này cũng phải lắng nghe Thần Khí lên tiếng nơi anh em mình. Sau khi đã đối thoại, sự vâng phục của anh em đối với vị này dựa trên công ích, chứ không dựa trên ý muốn. Cả hai đều vâng phục Thánh ý, vâng phục Thần Khí.

Nếu anh em Dòng Tên đề cao việc lắng nghe Thần Khí qua linh thao, qua các vị linh hướng thay mặt Chúa, thì anh em Đa Minh lắng nghe Thần Khí qua đời sống cộng đoàn, qua sự đối thoại với Chúa và đối thoại với anh em, bằng trước hết là nói Lời Chúa và kinh nghiệm sống Lời Chúa cho nhau nghe. (HPNT §II: “Trở nên con người của Tin Mừng, theo chân Đấng Cứu độ, chỉ nó với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa, với mình hoặc cho tha nhân”)

Anh em Đa Minh vì đề cao ân sủng, nên có vẻ như ít trách nhiệm, ít nỗ lực và làm việc không nghiêm túc, ngược lại với anh em Dòng Tên. Nếu anh em Đa Minh học được từ Dòng Tên cách làm việc nghiêm túc, nhưng thông qua việc trao đổi, bàn bạc, quyết định và cùng làm, thì việc quản trị của Đa Minh còn cho thấy đó là một linh đạo.

Linh đạo quản trị là cùng nhau lắng nghe và theo sự hướng dẫn của Thần Khí trong Nếp sống Tông đồ do thánh Đa Minh vạch ra, để cùng thi hành một sứ vụ cho ơn cứu độ con người.

Năm 2023, nhân loại chứng kiến sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức. Người ta sẽ phải tổ chức đời sống và xã hội dựa vào, ngày càng nhiều hơn, trí tuệ nhân tạo. Theo tôi, sự thách thức lớn nhất, đó là chủ thể đang đối thoại và đưa ra cho người ta những giải đáp cho mọi vấn nạn này là ai. Thưa là cái máy (AI). Còn người làm ra nó, điều khiển nó, lọc thông tin cho học thì giấu mặt! Vì là cái máy, nó sẽ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về bất cứ thông tin hay tính đúng sai nào của câu trả lời.

Khi ta đối thoại với nhau, ta chịu trách nhiệm về lời nói của mình, ta không thể là “một người anh em” chung chung. Ta phát biểu và góp ý, thì phải có danh tánh, và chịu trách nhiệm về lời nói của mình, không thể nói theo kiểu ném đá giấu tay, gây tác động ngầm. Cách làm như vậy chỉ cung cấp tin đồn, tin hành lang, có thể tạo hiệu ứng dư luận, rất hấp dẫn, nhưng không phải là “sự thật được tin tưởng”. Chúng ta thử xem các fake news tạo hiệu ứng dư luận rất hiệu quả thế nào, thậm chí gieo rắc hoang mang, sợ hãi, và tạo sự lan truyền cũng rất nhanh nữa.

Trong khi đối thoại, bàn bạc với nhau, ta chịu trách nhiệm về thông tin, về lý lẽ của mình, và dám chấp nhận sự thật này là “tôi luôn có thể sai”, thì ta mới có thể nghe tiếng nói và lý lẽ của người đối thoại. Trong mọi công hội, chúng ta đối thoại để tìm kiếm chân lý và cho công ích. Theo đuổi công ích là tiêu chuẩn nói cho ta biết ta đang có chân thành trong đối thoại với anh em không. Khi đã tìm kiếm tư lợi, người ta rất dễ che giấu sự thật để đạt mục đích của mình.

Trong Tỉnh hội, chúng ta trao đổi thông tin, đối thoại, bàn bạc và bỏ phiếu, để theo đuổi công ích, và tất cả đều đặt dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, thì lúc đó Tỉnh hội của chúng ta đã trở thành một sứ vụ, một “lời giảng” rồi vậy.

Mong thay anh em Đa Minh có thể canh tân việc quản trị, không phải để cho có hiệu quả, mà là vì ơn cứu độ của mình và của tha nhân!

Phêrô Nguyễn Thế Truyền, O.P
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url