▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Hiệp thông và sứ vụ

Cùng đồng hành với toàn thể Giáo hội, hướng tới thượng hội đồng giám mục sống tinh thần hiệp hành, và cùng với Giáo hội Việt Nam củng cố sự hiệp thông, qua thư chung 2023 gởi toàn thể dân Chúa, Hội đồng giám mục viết : “Mối hiệp thông giữa các tính hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời Chúa thấm nhập cuộc sống. Đối với các linh mục, nhiệm vụ quan trọng nhất là loan báo Lời Chúa. Ước mong các vị chủ chăn quan tâm dành thời gian chuẩn bị bài giảng trong các cử hành Phụng vụ, mở các lớp học Kinh Thánh và giúp anh chị em tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống”.

Dẫn nhập

Cùng đồng hành với toàn thể Giáo hội, hướng tới thượng hội đồng giám mục sống tinh thần hiệp hành, và cùng với Giáo hội Việt Nam củng cố sự hiệp thông, qua thư chung 2023 gởi toàn thể dân Chúa, Hội đồng giám mục viết : “Mối hiệp thông giữa các tính hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời Chúa thấm nhập cuộc sống. Đối với các linh mục, nhiệm vụ quan trọng nhất là loan báo Lời Chúa. Ước mong các vị chủ chăn quan tâm dành thời gian chuẩn bị bài giảng trong các cử hành Phụng vụ, mở các lớp học Kinh Thánh và giúp anh chị em tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống”.[1]

Để thực hiện được điều này, chúng ta nghe bài giảng Mùa Chay cho giáo triều 2022 của Đức Hồng y Cantalamessa: “để trở thành giảng thuyết, trước hết ngồi vào bàn, và sau khi chuẩn bị chủ đề, cầu xin Chúa chúc lành. Nhưng để trở thành ngôn sứ cần phải thực hiện bước ngược lại: đầu tiên cần phải quỳ gối hỏi Chúa đâu là Lời mà Người muốn vang lên cho dân Người. Thiên Chúa đều có lời cho mỗi trường hợp, và Người không thể không mặc khải cho thừa tác viên của Người, nếu họ khiêm tốn cầu xin.”[2]

Để chuẩn bị Tỉnh Hội, có lẽ mỗi anh em chúng ta cũng cần khiêm tốn quỳ gối, để hỏi Chúa: đâu là Lời mà Chúa muốn vang lên cho anh em Đa Minh trong hoàn cảnh này ? Khởi đi từ Ga 21, chúng ta cùng nhau khiêm tốn thân thưa: Chúa muốn lời nào của Chúa vang lên cho Dòng của chúng con trong thời đại này ? Chính sứ điệp Lời Chúa sẽ giúp ta hiểu sống tinh thần hiệp thông và sứ vụ như thế nào. Từ nền tảng là Lời Chúa, chúng ta xem lại hiến pháp và các công vụ tổng hội cũng như tỉnh hội muốn chúng ta sống tinh thần hiệp thông và sứ vụ như thế nào ?

1. Khởi đi từ cộng đoàn hiệp thông của Ga 21

Đức Kitô phục sinh hiện diện giữa các môn đệ của Người. Người quy tụ họ thành một cộng đoàn có tổ chức.[3]

a. Cộng đoàn hiệp thông thiếu Chúa

Mở đầu chương 21, tác giả liệt kê một danh sách tên của các môn đệ “đang ở với nhau” (c.2), liền đó Phêrô lên tiếng: “tôi đi đánh cá đây” (c.3), nhóm môn đệ ở với ông đều ủng hộ ý tưởng đó và cùng đi với ông (c.3). Qua đó, chúng ta thấy hình ảnh của một cộng đoàn hiệp thông, cho dẫu sự hiệp thông đó chưa hoàn hảo, bởi lẽ lúc đó các ông đang buồn phiền và lo âu vì mất Thầy. Phải chăng, chính vì thiếu Thầy mà “đêm ấy họ không bắt được gì cả” (c.3).

Chuyện gì đến sẽ đến, Đức Giêsu đến, quy tụ cộng đoàn nhỏ này trong sự hiệp thông của bữa ăn. Người muốn dùng hình ảnh bữa ăn để nói với chúng ta rằng, sự thành toàn chỉ có thể xảy đến qua việc trao ban và lãnh nhận lòng thương xót vô điều kiện, chỉ có hiệp thông trong tình yêu mến mới làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Có lẽ, một cử chỉ khá quen thuộc với con người là những cử chỉ hiệp thông trong bàn ăn. Vì “ngày nào mà chúng ta không phải ăn. Có những bữa ăn thông thường hàng ngày trong gia đình, lại có những bữa ăn ngày vui, để chia sẻ và thông cảm với nhau. Thành ra bữa ăn cũng là một dấu hiệu chứng tỏ tình thân mật gần gũi với nhau”.[4]

Chính những cử chỉ đơn giản của bữa ăn, được đem vào cử hành trong phụng vụ, nói lên tính hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người, đồng thời cũng nói lên tinh thần hiệp thông giữa con người với nhau.

Chúng ta cùng nghe đức thánh cha Phanxicô nói về sự hiệp thông và không hiệp thông với Chúa bằng ngôn ngữ rất hay: “Ai sống trong nhà Chúa thì đều là người tự do, và là những người thiết nghĩa cùng Ngài. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng sử dụng từ ngữ “con của người nô lệ”. Ðó là những Kitô hữu không dám đến gần Chúa, không dám làm quen với Chúa. Họ trở thành con cái của nô lệ, vì họ luôn giữ khoảng cách với Chúa.

Còn những ai thân quen với Chúa, thiết thân với Chúa, thì trở thành những vị thánh vĩ đại. Các vị thánh ấy là người ở bên Chúa, nhìn Chúa, lắng nghe Lời Chúa, cố gắng thực hành Lời Chúa, và luôn nói chuyện với Chúa. Những cuộc nói chuyện ấy chính là cầu nguyện.”[5]

b. Cộng đoàn có Chúa đồng hành

Nếu nói sự hiệp thông của cộng đoàn các môn đệ ở đầu chương 21 chưa hoàn hảo vì thiếu Thầy, thì khi gặp Thầy ở biển hồ Tibêria, được Thầy quy tụ trong bàn ăn, sự hiệp thông của nhóm môn đệ này trở nên hoàn hảo, một sự hiệp thông được thành toàn, bởi Chúa đã hiện diện giữa họ (x. Ga 21,4). Cho nên, chúng ta thấy thật chí lý khi Công đồng Vatican II nói về Giáo hội có Chúa đồng hành: “vì Giáo hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, nên, dựa trên giáo huấn của các Công đồng trước, Giáo hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho các tín hữu và toàn thế giới”.[6]

Như thế, chúng ta có thể nói, ý nghĩa của Giáo hội, đó là một Giáo hội có Chúa phục sinh cùng hiện diện, một cộng đoàn các môn đệ gặp khủng hoảng đang ở với nhau trong nhà tiệc ly.[7]

Thật vậy, Đức Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ ở biển hồ Tibêria được tác giả giới thiệu như một sự “tỏ mình ra” (Ga 21,1.14). Đây là một sự tỏ mình rất gần gũi và đầy tình thương của một vị Thầy rất tầm thường, xét về phương diện con người, đồng thời cũng là một vị Thầy đầy quyền uy, xét về khía cạnh Thiên Chúa. Đến đây, chúng ta có thể nói, cũng chính vì có Thầy hiện diện mà các môn đệ kéo được một mẻ “lưới đầy những cá” (c.6).

2. Sứ vụ của cộng đoàn Ga 21

a. Cộng đoàn lắng nghe 

Đức Giêsu vẫn hiện diện giữa các môn đệ như một “dấu chỉ” bằng lời nói và hành động, thế nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể nghe và nhận ra được tiếng nói cũng như hành động của Người. Cũng thế, không phải cứ là người lãnh đạo trong Giáo hội là đương nhiên nhận ra được tiếng Chúa, hay nói cách khác, không phải tất cả những người mục tử đại diện Chúa Kitô ở trần gian đều nhận ra được tiếng của Thầy mình là vị Mục tử tối cao, mà chỉ những ai nhận ra dấu chỉ của thời đại mới nhận ra được tiếng Thầy.

Theo Ga 21, Phêrô là được coi là người lãnh đạo trong Giáo hội, ông đã trực tiếp nghe được tiếng của Đức Giêsu, ông đáp lời (c.5) và làm theo (c.6), nhưng ông không nhận ra đó là tiếng của Thầy, vì thế ông không nhận ra Thầy. Phêrô chỉ thật sự nhận ra được Thầy là nhờ vào lời nhắc bảo của người môn đệ được Đức Giêsu thương mến (x. Ga 21,4-7). Thật vậy, muốn nhận ra được tiếng của Thầy cần phải tập lắng nghe bằng một tình yêu. Đọc lại Tin Mừng Gioan, nhiều lần “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến phải đứng ra làm trung gian giữa Phêrô và Đức Giêsu (Ga 13,23-24; 18,16; 21,7)”.[8]

Chúng ta có thể hình dung lần hiện ra của Đức Giêsu ở biển hồ Tibêria ngày đó, Người hiện ra dưới hình dạng một con người. Như thế, chúng ta có thể nói rằng, tất cả nhóm môn đệ trên thuyền đánh cá hôm đó đều nhìn thấy và nghe được tiếng nói của Người, ấy thế mà đâu có ai nhận ra “Thầy”, ngoài một mình người môn đệ được Đức Giêsu thương mến.

Chúng ta cũng có thể tưởng tượng, lúc đó, người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói nhỏ vào tai Phêrô: “Chúa đó!”, hay có thể, ông hô to cho các bạn chài cùng nghe: “Chúa đó!”. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nhận ra Thầy không phải vì nghe Người nói, nhưng có lẽ, ông nhận ra Người nhờ mẻ cá kỳ lạ. Ông đã đọc ra được dấu chỉ.

Như thế, để nhận ra Chúa, những người lãnh đạo trong Giáo hội không những chỉ lắng nghe tiếng nói của Chúa mà còn phải lắng nghe tiếng nói của người bạn đồng hành. Cũng thế, để chu toàn nhiệm vụ Chúa trao, người lãnh đạo hôm nay, ngoài việc lắng nghe tiếng Chúa và tiếng của đồng loại, còn phải biết lắng nghe những dấu chỉ của thời đại, đồng thời cần đọc và giải thích dấu chỉ đó dưới ánh sáng của Tin Mừng.

Trong cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính hiệp hành có viết : “Lời kêu gọi tất cả những ai thuộc về dân Chúa – giáo dân, người được thánh hiến và giáo sĩ – hãy dấn thân vào cuộc thao luyện lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng. Việc lắng nghe này tạo ra một không gian để chúng ta cùng nhau lắng nghe Chúa Thánh Thần, và dẫn lối cho những khát vọng của chúng ta đối với Hội thánh trong thiên niên kỷ thứ ba.”[9]

b. Cộng đoàn học yêu mến

Nhiệm vụ mà Đức Kitô đặt trên vai của Phêrô là mục tử chăn dắt đoàn chiên của Người, thật không đơn giản chút nào (Ga 21,15-17). Đó là một nhiệm vụ phải thực hiện bằng tình yêu chứ không phải bằng quyền hành hay bất cứ bằng cách thức nào khác. Bởi lẽ, người mục tử đúng nghĩa như Đức Kitô muốn phải là một con người dám sống và dám chết vì tình yêu và cho tình yêu. Thật vậy, chính Người đã đi bước trước và đã thực hiện điều đó. Người đã yêu đến độ “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

Hơn nữa, trước khi ủy thác cho Phêrô nhiệm vụ coi sóc đoàn chiên của Người, Đức Kitô phục sinh đã phỏng vấn Phêrô về tình yêu của ông đối với Người. “Ba lần vặn hỏi về tình yêu mến nhắc lại ba lần chối Thầy của Phêrô (Ga 13,38; 18,15-27)”.[10] Đức Giêsu hỏi Phêrô đến ba lần về tình yêu, điều đó làm cho ông buồn (Ga 21,17). Có lẽ thánh Âutinh cũng cảm nhận được Phêrô buồn vì chuyện Chúa hỏi, nên trong một bài giảng, ngài nói: “Thưa thánh Phêrô, xin ngài đừng buồn: xin hãy đáp lời Chúa một lần, đáp lần thứ hai nữa, rồi lần thứ ba. Ước chi lời tuyên xưng vì yêu mến thắng thế ba lần, bù lại lòng quá tự tin đã thất vọng ba lần vì sợ hãi. Ngài đã ba lần cột trói, thì cũng phải ba lần tháo cởi. Ngài đã cột trói vì sợ hãi, thì hãy tháo cởi vì yêu mến”.[11]

Cũng thế, nói như đức hồng y Carlo Maria Martini, nhiệm vụ của Phêrô được xây dựng trên tình yêu, thì chúng ta có thể chấp nhận nhiệm vụ đó là nhiệm vụ của tình yêu. Phêrô không những chỉ được đặt lên để chăn dắt đoàn chiên của Thầy, nhưng ngài còn được kêu gọi để phục vụ tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh em. Đức Kitô phục sinh muốn công việc của Người được tiếp tục trong Giáo hội theo dòng lịch sử”.[12]

Thật ra, trong lãnh vực tình yêu, người môn đệ được Đức Giêsu thương mến luôn đi bước trước Phêrô (x. Ga 20,4). Cũng thế, trong bữa tiệc ly, Phêrô đã nhờ người môn đệ đó hỏi Đức Giêsu (Ga 13,25). “Rõ ràng Phêrô có trách nhiệm cao cả nhất chỉ nhờ ân sủng thuần túy mà thôi, hoàn toàn không do công lao của ông tý nào”.[13]

Theo Ga 21, 15-17, khi Đức Giêsu thẩm vấn Phêrô về lòng yêu mến, bản văn diễn ta cho ta thấy, hai lần đầu ông rất tự tin: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”, nhưng đến lần thứ ba, Phêrô không những buồn vì Chúa hỏi đến ba lần, mà hơn thế nữa, hình như ông cảm thấy thiếu tự tin, đến lúc này, ông mới hoàn toàn phó thác vào Thầy: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Như thế, đến đây, chúng ta có thể nói, chính thánh Phêrô đã cảm nghiệm và sống nhiệm vụ cao cả của người mục tử là yêu và được yêu, có nghĩa là, ngài dám sống cho tình yêu và dám chết cho tình yêu. Cho nên, ngài đã khuyên nhủ những người có nhiệm vụ lãnh đạo trong Giáo hội rằng: “Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,1-3).

c. Cộng đoàn học cách phục vụ

“Truyền thống vẫn dành cho đôi bạn Phêrô và Gioan một ý nghĩa đặc biệt. Có nhiều cách giải thích: thánh Âutinh nhận định là hai Tông đồ tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm và hoạt động, tác giả D’Aelred de Rievaux thì viết: Đức Giêsu trao cho Phêrô nhiệm vụ quản trị Giáo hội, còn Người chia sẻ cho Gioan những bí ẩn của lòng người. Một điều chắc chắn là đôi bạn này mời chúng ta đừng phân loại một cách cứng nhắc các anh em trong cộng đoàn. Đã có cộng đoàn thì phải có phẩm trật, nhưng là để phục vụ. Phục vụ hết sức hết lòng”.[14]

Theo gương Phêrô và Gioan, chúng ta sẽ học được nhiều cách phục vụ Đức Giêsu, mà sau này, chính Phaolô đã bị giằng co giữa việc ra đi và ở lại, ngài tâm tình: “Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1,23-24). Phêrô phục vụ bằng việc đi theo Đức Kitô, còn Gioan phục vụ Người bằng việc ở lại để bảo vệ cộng đoàn.[15]

Bản văn cho thấy, khi nhận ra người khách lạ chính là Thầy, Phêrô bỏ công việc lại cho anh em khác làm và đến với Thầy (Ga 21,7-8). Chúng ta thử hỏi, nếu lúc đó, tất cả các môn đệ khác đều bỏ công việc để đến với Thầy như Phêrô, thì ai sẽ đưa thuyền với chiếc lưới đầy cá vào bờ. Nhưng thực tế, tác giả cho chúng ta thấy rõ, khi Phêrô nhảy xuống biển, thì “các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá” (Ga 21,8), tuy nhiên, chính “Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ” (Ga 21,11). Như vậy, phục vụ có nghĩa là mỗi người hoàn thành tốt công việc của mình.

“Một mục tử tốt phải sẵn sàng bước xuống, hoàn toàn từ bỏ mọi quyền vị trong giáo hội của mình, chứ không phải là rút lui phần nào mà thôi.

Mọi mục tử đều phải bước xuống. Đến lúc, Chúa sẽ bảo “đi đến kia, lại đây, đến chỗ đó.” Và người mục tử phải làm như thế, phải sẵn sàng bước xuống cho thích đáng, chứ không phải bám víu vào quyền vị của mình. Một mục tử không biết được cách làm như thế là bởi mối quan hệ giữa người đó với đoàn chiên không phải là quan hệ tốt lành, một mối quan hệ không hoàn toàn là vì Thập giá Chúa Giêsu.”[16]

Thật vậy, trong thực tế, khi cần giúp đỡ người khác, chúng ta thường không tìm ra lời nào để an ủi và cũng chẳng biết làm gì. Chúng ta không có những phương tiện để hàn gắn, chúng ta không phải là thợ chuyên môn để có thể sửa chữa mọi thứ. Nhưng chúng ta có thể nói ra điều mà mình không có: chúng ta có thể nói với những người bất lực về sự bất lực của mình. Nếu chúng ta không nao núng trong sự trống rỗng của mình, thì luôn luôn chúng ta có thể giúp người khác khóc. Cũng giống như phụ nữ tội lỗi, chúng ta luôn luôn có thể rửa chân người khác bằng nước mắt của mình (x. Lc 7,38). Để rồi, trong lúc phục vụ người khác, chúng ta sẽ ngạc nhiên khám phá ra rằng, chính chúng ta đang được người khác phục vụ. Hình ảnh này là tâm điểm Giáo hội Chúa Kitô và cách riêng là của mỗi người Kitô hữu. Phải chăng đó cũng là hình ảnh của các môn đệ ở Ga 21 đã làm?

Cũng thế, trong kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta đọc thấy: “Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc: xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, tìm kiếm và tha thứ”.[17]

d. Cộng đoàn làm chứng

Theo Alain Marchadour, Ga 21,24-25 thêm vào như một cách thức làm chứng về Tin Mừng của cộng đoàn Gioan. Như thế, cộng đoàn đó muốn tuyên bố rằng, người môn đệ Đức Giêsu thương mến chính là người chịu trách nhiệm về Tin Mừng. Ta có thể tưởng tượng, người môn đệ này vừa qua đời không được bao lâu, thì Giáo hội của Gioan nhận được lời chứng của ông như một lời chứng của nhân chứng trực tiếp của Đức Giêsu. Cụm từ “chúng tôi biết” hàm chứa một ý nghĩa nào đó, khiến ta có thể hiểu, có một cộng đoàn khác biệt với những cộng đoàn đang muốn gắn với tường thuật Tin Mừng đầy uy tín của người mộn đệ Đức Giêsu thương mến.[18]

Cũng thế, khi dùng cụm từ “chúng tôi biết” (Ga 21,24), tác giả muốn nói cho chúng ta biết có một cộng đoàn nào đó đã khẳng định rằng, “chứng của người ấy là xác thực” (Ga 21,24), bởi vì “chính môn đệ này đã làm chứng về những điều đó và đã viết ra” (Ga 21,24).

Hơn nữa, tác giả cho thấy số lượng cá bắt được là 153 con, điều này nói lên quyền năng của Đức Giêsu và bảo vệ tính xác thực của lời chứng, một sự chính xác như vậy thì không thể bịa đặt.[19]

Đến đây, chúng ta cũng có thể liên tưởng đến “tính xác thực” ở Ga 21 với “chân lý” mà đức giáo hoàng Phaxicô đề cập trong Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Chân lý đầu tiên của Giáo hội là tình yêu Chúa Kitô. Giáo hội muốn trở thành nữ tỳ và người trung gian của tình yêu ấy, một tình yêu tha thứ và tự hiến. Vì thế, nơi đâu có Giáo hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải được tỏ hiện. Trong giáo xứ, các cộng đoàn, hiệp hội và phong trào, nói chung, ở đâu có các Kitô hữu hiện diện, thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một tụ điểm chan hòa lòng thương xót”.[20]

3. Cộng đoàn Đa Minh: hiệp thông và sứ vụ

a. Khởi đi tư hiến pháp

Hiến Pháp 2,1: “Như tu luật dạy, sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa.” Và 2,2: “Đời sống đồng tâm nhất trí của chúng ta, bén rễ sâu trong lòng mến Thiên Chúa, phải cho thấy mẫu gương hoà giải phổ quát trong Đức Ki-tô mà chúng ta giảng thuyết bằng lời nói” [21]

Hiến pháp số 3,1 : “Như trong Hội thánh của các Tông đồ, sự hiệp thông giữa chúng ta cũng phải được đặt nền, xây dựng và củng cố trong cùng một Thánh Thần, trong Người, chúng ta đón nhận Ngôi Lời bởi Thiên Chúa Cha bằng một đức tin, chúng ta chiêm ngưỡng bằng một tâm hồn và chúng ta ca tụng bằng một miệng lưỡi; trong Người, chúng ta trở nên một thân thể vì thông phần cùng một bánh; sau hết, trong Người, chúng ta để mọi sự làm của chung và được cắt cử vào cùng một việc loan báo Tin Mừng”.

Hiến pháp số 6 : “Để sự cộng tác tông đồ và hiệp thông huynh đệ đem lại kết quả phong phú hơn, thì sự đồng tâm nhất trí tham gia của mọi anh em rất quan trọng : ‘vì điều thiện được mọi người chấp thuận sẽ được xúc tiến mau lẹ và dễ dàng’. Vì thế, trong mọi tu viện, phải tổ chức những cuộc hội họp để cổ võ đời sống tông đồ và tu trì”.

b. Các công vụ tổng hội

Tổng hội Biên Hoà số 54 viết: “Khi lắng nghe lời cầu nguyện của Đức Giê-su: ‘Để tất cả nên một, vì vậy, thế gian tin’ (Ga 17,21), chúng tôi nhận thấy rằng tính khả tín trong lời giảng của chúng ta dựa trên sự hiệp thông của chúng ta với Ba Ngôi Chí Thánh, cũng như trong tình hiệp thông của chúng ta với nhau. Chính tâm tình nhất trí đồng tâm thôi thúc chúng ta tìm kiếm sự hiệp trợ giữa đời sống và sứ vụ của mình”[22].

Tổng hội Tultenango số 149: “Tiến trình hiệp hành do ĐGH Phanxicô khởi xướng trong toàn Giáo Hội, - khẳng định mối liên kết nội tại giữa cách thức Giáo Hội tổ chức đời sống các cộng đoàn Hội Thánh và sự dấn thân của các cộng đoàn ấy trong việc loan báo Tin Mừng,- mạnh mẽ kêu gọi chúng ta làm chứng cụ thể về truyền thống của dòng Anh em Thuyết Giáo, theo đó con đường Tin Mừng và đời sống tông đồ là hai mặt của cùng một ơn gọi.” Và 150 : “Thánh Đa Minh đã muốn rằng Dòng là một cộng đoàn các anh em theo lối sống của các tông đồ, trong đó Chúa Kitô, Lời của Thiên Chúa nhập thể, là Thầy. Con đường tông đồ Đa Minh trong Giáo Hội như thế được nuôi dưỡng nhờ đời sống cộng đoàn năng động, bao gồm việc cử hành chung các bí tích, phụng vụ các giờ kinh, đọc kinh Mân Côi, thống hối, gặp gỡ quanh bàn ăn và chia sẻ kinh nghiệm tông đồ.”

Tổng hội Biên Hoà, số 58 : “Trong đời sống Đa Minh, có một mối tương quan mật thiết giữa đời sống và sư vụ đến nỗi khó có thể tìm được ranh giới giữa hai yếu tố này. Đời sống và sứ vụ được ví như hai mặt của một đồng xu. cả hai cùng tác động và ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Một khi sứ vụ được thực hiện một cách sống động, thì đời sống của anh em cũng như cộng đoàn được thêm sinh động. Sứ vụ đạt kết quả tốt sẽ làm sinh động mọi yếu tố của đời sống Đa Minh : đời sống cầu nguyện, việc cử hành phụng vụ,học hành nghiên cứu thánh khoa, suy tư mang tính cộng đoàn, những câu chuyện trao đổi thân thiện, chia sẻ đời sống thường ngày… Khi sứ vụ không còn tồn tại, hoặc trở nên mỏng dòn yếu thế, lúc đó sẽ khó mà làm sinh động những khía cạnh khác của đời sống cộng đoàn, cũng như của các thành viên trong cộng đoàn.”

số 59 : “Tương tự, nếu nếp sống của các cộng đoàn cũng như của các thành viên trở nên mong manh và tầm thường, thì sứ vụ cũng như thế. Trước hết, nhiệm vụ đầu tiên trong sứ vụ của các nhà giảng thuyết là làm chứng cho nếp sống theo Tin Mừng. Thiếu điều này thì không có chứng nhân Tin Mừng. Kế đến, sứ vụ loan báo Tin Mừng, dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng chỉ có thể đạt hiệu quả khi phát xuất từ chiều kích đối thần, từ kinh nghiệm đức tin, từ chiều kich chiêm niệm, từ đam mê vì Đức Ki-tô và đam mê vì nhân loại. Chiều kích kép của đam mê này thiết lập chiều kích huyền nhiệm của nhà giảng thuyết”.

c. Các công vụ tỉnh hội

Công vụ tỉnh hội 2011 số 107: “Là tu sĩ của thời đại hôm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải nỗ lực “trở thành dấu chỉ trung thực về Đức Ki-tô trong thế giới. Lối sống của chúng ta phải phản ánh lý tưởng mình tuyên xưng, khi tự giới thiệu như những dấu chỉ sống động của Thiên Chúa và là những nhà rao giảng Tin Mừng đầy sức thuyết phục, cho dù thường là trong thinh lặng.” (Tông huấn đời sống thánh hiến, số 25). Và số 110: “Theo tu luật

 thánh Augustino và theo yêu cầu mà Cha thánh Đa Minh đã nói với anh em là hãy sống ‘cộng đoàn và vâng phục’, chúng tôi nhắc lại rằng đời sống chung là một yếu tố thiết yếu và bất khả nhượng trong đoàn sủng giảng thuyết của chúng ta” (Rôma 2010, số 65).

Công vụ tỉnh hội 2019 số 120 : “Nét nổi bật nơi cha thánh Đa Minh là kết hợp mật thiết giữa đời sống và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Do đó, “tính hiệp lực giữa đời sống và sứ vụ” của anh em sẽ củng cố và làm rõ nét căn tính Đa Minh, trong sự hài hoà giữa đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ của Dòng.

Propositum vitae (dự án đời sống) mà thánh Đa Minh đã ấp ủ chủ yếu nhằm phục vụ ơn cứu độ cho nhân loại qua sứ điệp loan báo Tin Mừng, khởi đi từ nếp sống chung huynh đệ, đời sống cầu nguyện, cử hành phụng vụ chung, nghiên cứu học hành, kỷ luật tu trì … (x. Biên Hoà 2019, số 60). Hiến pháp nhắc nhở rằng: “Những yếu tố ấy một khi liên kết chặt chẽ với nhau, giữ được quân bình và làm phong phú lẫn nhau, thì làm nên tổng thể đời sống riêng của Dòng…” (HPNT IV)”.

Kết luận

Để kết luận, tôi muốn trưng dẫn hai văn thư bổ nhiệm của giáo phận và của dòng, qua đó, chúng ta cùng đọc lại và so sánh :

- Văn thư bổ nhiệm của giáo phận :
“… do nhu cầu của giáo phận, qua văn thư này, tôi bổ nhiệm … nên xin cha tận tuỵ hơn trong mục vụ với tình yêu của một mục tử tốt lành (nếu là cha phó: xin cha tích cực cộng tác với cha quản xứ và hội đồng giáo xứ cùng các đoàn thể) và nhiệt tình hơn trong truyền giáo, cho vinh danh Chúa và phần rỗi mọi người”.

- Văn thư bổ nhiệm trong dòng:
“… xét các nhu cầu của tỉnh dòng và xét lợi ích của chính anh trong Đức Ki-tô, do hiệu lực của văn thư này, … tôi bổ nhiệm anh một cách đơn thuần vào … và truyền cho bề trên … này đón tiếp niềm nở và đối xử bác ái với anh…”.

- Văn thư phê chuẩn tu viện trưởng:
“… do hiệu lực của văn thư này, tôi phê chuẩn … . tôi cũng truyền cho tất cả và mỗi anh em … đón nhận anh…”

Như thế, qua văn thư bổ nhiệm của giáo phận, chúng ta thấy người bổ nhiệm đến để làm việc và thiết lập tương quan; còn văn thư bổ nhiệm trong dòng, người bổ nhiệm đến để sống tinh thần hiệp thông, chữ “đơn thuần” cho thấy, chúng ta đến để sống và làm theo chương trình của cộng đoàn.

Thưa anh em, hiến pháp, công vụ tổng hội và tỉnh hội, luôn nhắc nhở sống căn tính Đa Minh, nhưng có lẽ, chúng ta cần xét lại. Bởi lẽ, anh em chúng ta khi được bổ nhiệm, câu đầu tiên sẽ là: về đó để làm gì? Căn tính của Dòng chúng ta được thể hiện rất rõ qua văn thư bổ nhiệm là “đón nhận niềm nở và sống bái ái với nhau”.

Fx. Nguyễn Thanh Phong, O.P


[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa về Giáo hội hiệp hành, số 5a.
[2] Đức hồng y Cantalamessa, Bài giảng Mùa Chay cho giáo triều 11/3/2022
[3] Xc. Carlo Maria Martini, Đọc Tin Mừng Thánh Gioan, tr.92.
[4] Đỗ Xuân Quế, Bí Tích Nhập Môn, tr.73.
[5] ĐGH Phanxicô, Bài giảng 26 tháng 9 năm 2017, tại Santa Marta.
[6] Thánh Công Đồng Chung Vatican II, Lumen Gentium, số 1.
[7] Xc. Carlo Maria Martini, Đọc Tin Mừng Thánh Gioan, tr.91.
[8] Alain Marchodour, Tin Mừng Gioan, tr.401.
[9] Cẩm nang cho thượng hội đồng về tính hiệp hành, 1.4 tham gia.
[10] Alain Marchodour, Tin Mừng Gioan, tr.406.
[11] Xc. Carlo Maria Martini, Bài Đọc Kinh Sách, bài đọc 2, ngày 29 tháng 6.
[12] Xc. Carlo Maria Martini, Đọc Tin Mừng Thánh Gioan, tr.92.
[13] H. Schurmann, Khi Thần Khí chỗi dậy, tr.78.
[14] Hành Trình Thiêng Liêng Theo Tin Mừng Gioan, tr.172.
[15] Xc. H. Schurmann, Khi Thần Khí chỗi dậy, tr.77.
[16] ĐGH Phanxicô, Bài giảng 30 tháng 5 năm 2017 tại nhà nguyện Marta.
[17] ĐGH Phanxicô, Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót.
[18] Alain Marchodour, Tin Mừng Gioan, tr.407.
[19] Alain Marchodour, Tin Mừng Gioan, tr.402.
[20] ĐGH Phanxicô, Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 12.
[21] Sách Hiến Pháp và Chỉ Thị, 2,1&2
[22] Tổng Hội Biên Hoà, số 54.
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url