“Cuộc đối thoại trên đường Emmau” (Bài 4)
(TĨNH TÂM THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI)
Lm. Timothy Radcliffe, O.P., nguyên Tổng Quyền Dòng Đa Minh
Chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường đồng nghị trong tình bằng hữu. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu. Tình bằng hữu với Thiên Chúa và với nhau, bắt nguồn từ niềm vui được ở bên nhau nhưng cần phải có “lời nói”. Tại Xêdarê Philípphê cuộc đối thoại bị phá vỡ. Đức Giêsu đã gọi Phêrô là “Xatan”, kẻ cản đường. Trên ngọn núi cao, Phêrô vẫn không biết phải nói gì nhưng các môn đệ bắt đầu lắng nghe Đức Giêsu và cuộc trò chuyện lại bắt đầu trong cuộc hành trình lên Giêrusalem.
Trên đường đi, các môn đệ cãi nhau, các ông không hiểu những lời Đức Giêsu nói và rồi chạy trốn, bỏ rơi Người. Sự im lặng trở lại. Nhưng Chúa Phục Sinh hiện ra và ban cho các môn đệ những lời chữa lành để họ đối thoại với nhau. Chúng ta cũng cần những lời chữa lành vượt qua những ranh giới chia rẽ: ranh giới ý thức hệ giữa cánh tả và cánh hữu; những ranh giới văn hóa phân chia lục địa này với lục địa khác, và cả những căng thẳng đôi khi làm chia rẽ giữa người nam và người nữ. Những lời nói có tính chia sẻ là huyết mạch của Giáo hội. Giữa một thế giới mà người ta thiếu lắng nghe nhau gây nên những xung đột thì chúng ta cần tìm ra những lời nói có tính chia sẻ này. Việc đối thoại dẫn đến sự biến đổi.
Cuộc đối thoại nên bắt đầu như thế nào? Trong sách Sáng Thế, sau phần trình thuật về cuộc sa ngã, có một sự im lặng khủng khiếp. Sự im lặng giữa hai người trong vườn Eden đã trở thành sự im lặng của sự xấu hổ. Ađam và Evà đã lẩn trốn. Thiên Chúa đã vượt qua vực thẳm của sự im lặng đó như thế nào? Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi hai ông bà kết lá vả che thân để che giấu sự bối rối. Bây giờ họ đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại đầu tiên trong Kinh Thánh. Thiên Chúa đã phá vỡ sự im lặng bằng một câu hỏi đơn giản: “Ngươi ở đâu?” Đây không phải là một câu hỏi nhằm tìm kiếm thông tin, nhưng đó là một lời mời gọi hai ông bà bước ra ánh sáng và đứng trước mặt Thiên Chúa.
Có lẽ đây là câu hỏi đầu tiên mà chúng ta nên dùng để phá vỡ sự im lặng ngăn cách chúng ta; không phải những câu hỏi đại loại như: “Tại sao bạn có những quan điểm khác thường về phụng vụ?” Hoặc “Tại sao bạn đi ngược lại quan điểm Giáo Hội, tại sao bạn lại là con quái vật dị thường?” hoặc “Tại sao bạn giả điếc với tôi?” Thế nhưng nên đặt những câu hỏi “Bạn đang ở đâu?” “Bạn đang lo lắng về điều gì?” Đây chính là con người tôi. Thiên Chúa mời Ađam và Evà ra khỏi nơi ẩn náu và trình diện trước Chúa. Nếu mỗi người cũng bước ra ánh sáng và để mọi người nhìn nhận chúng ta như chúng ta là, thì mỗi người sẽ tìm được “lời đối thoại” với nhau. Trong tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng này, chính các giáo sĩ thường là những người ngần ngại trong việc bước ra ánh sáng và chia sẻ những lo lắng và nghi ngờ của mình. Có lẽ chúng ta sợ mình bị nhìn thấy đang trần truồng. Làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích nhau không sợ trần truồng?
Sau khi Chúa Phục Sinh, những câu hỏi đã phá vỡ sự im lặng của ngôi mộ trống. Trong Tin Mừng Gioan, “Tại sao chị khóc?” Trong Tin Mừng Luca, “Tại sao các chị lại tìm người sống giữa những kẻ chết?” Khi các môn đệ trên đường về Emmau, họ đầy phẫn nộ và thất vọng. Những người phụ nữ khẳng định đã nhìn thấy Chúa, nhưng họ chỉ là phụ nữ. Ngay cả ngày nay, đôi khi phụ nữ dường như không được tính đến! Các môn đệ đang rời bỏ khỏi cộng đoàn Giáo Hội, giống như rất nhiều người ngày nay. Đức Giêsu không chặn đường họ hay lên án họ. Người hỏi “Các anh đang trao đổi về chuyện gì vậy?” Những hy vọng và thất vọng đang khuấy động trong lòng các anh là gì? Các môn đệ đang nói một cách buồn rầu. Tiếng Hy Lạp có nghĩa đen là: “Những lời mà các anh đang ném vào nhau là gì vậy?” Vì vậy, Đức Giêsu mời họ chia sẻ sự phẫn nộ của họ cho Người. Họ đã hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ là người cứu chuộc Israel, nhưng họ đã lầm. Người đã chết. Vì vậy, Đức Giêsu bước đi cùng họ và mở lòng đón nhận sự phẫn nộ và sợ hãi của họ.
Thế giới của chúng ta đầy dẫy sự thất vọng. Chúng ta nói về chính trị của phẫn nộ. Một cuốn sách gần đây có tên là Sự thịnh nộ của người Mỹ. Sự phẫn nộ này cũng ảnh hưởng đến Giáo Hội của chúng ta. Một sự phẫn nộ chính đáng trước việc lạm dụng tình dục trẻ em. Phẫn nộ trước vị trí của phụ nữ trong Giáo hội. Phẫn nộ với những người quá bảo thủ hoặc quá tự do. Chúng ta có dám hỏi nhau, như Chúa Giêsu hỏi: “Anh em đang trao đổi về chuyện gì vậy? Tại sao bạn phẫn nộ?” Chúng ta có dám nghe câu trả lời không? Đôi khi tôi cảm thấy chán nản khi phải nghe những lời giận dữ này. Tôi không thể chịu đựng khi phải nghe thêm về những điều tương tự như thế. Nhưng tôi phải lắng nghe, như Chúa Giêsu đã làm, đồng hành cùng các môn đệ về Emmau.
Nhiều người hy vọng Thượng Hội đồng này sẽ lắng nghe tiếng nói của họ. Họ cảm thấy bị phớt lờ và không có tiếng nói. Họ đúng. Chúng ta sẽ không thể đối thoại nếu trước tiên chúng ta không lắng nghe. Chúa gọi đích danh con người. Ápraham, Ápraham; Môsê, Samuen. Các ngài trả lời bằng một từ Do Thái hoa mỹ “Hinneni”, “Con đây”. Chúng ta được hiện hữu dựa trên nền tảng Thiên Chúa gọi tên từng người chúng ta và chúng ta lắng nghe lời Người. Không phải kiểu của triết gia Descartes “Tôi suy tư nên tôi hiện hữu” nhưng phải là “tôi lắng nghe nên tôi hiện hữu”. Chúng ta ở đây để lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe nhau. Như người ta thường nói rằng chúng ta có hai tai nhưng chỉ có một cái miệng! Chỉ sau khi lắng nghe mới có lời nói.
Chúng ta lắng nghe không chỉ những gì mọi người đang nói mà cả những gì họ đang muốn nói. Chúng ta lắng nghe cả những lời chưa được nói ra, những lời mà họ tìm kiếm. Người Sicile có một câu nói thế này: “La miglior parola è quella che non si dice”[1]. “Lời hay nhất là lời chưa được nói ra”. Chúng ta lắng nghe khi họ nói đúng, hay khi chỉ đúng một phần nào đó, và ngay cả khi họ nói là sai. Chúng ta lắng nghe với niềm hy vọng chứ không phải khinh thường. Dòng Đa Minh chúng tôi có một quy định về Tổng Hội. Những gì anh em nói không bao giờ là vô nghĩa. Lời ấy có thể là thông tin sai, phi logic, hay thực sự không đúng. Nhưng đâu đó trong lời nói sai lầm của họ là một sự thật tôi cần được nghe. Chúng ta là những người hành khất đi tìm sự thật. Các anh em tiên khởi đã nói về thánh Đa Minh rằng “ngài hiểu mọi sự nhờ trí khôn ngoan đầy khiêm nhường của ngài”[2].
Có lẽ các Dòng tu có điều gì đó để hướng dẫn Giáo Hội về nghệ thuật đối thoại. Thánh Biển Đức dạy chúng ta tìm kiếm sự đồng thuận; Thánh Đa Minh thích thảo luận, Thánh Catarina Siena thích trò chuyện, và Thánh Inhaxiô Lôyôla dạy về nghệ thuật phân định. Thánh Philiphê Nêri cho thấy vai trò của tiếng cười.
Nếu chúng ta thực sự lắng nghe, những câu trả lời mà chúng đã chuẩn bị sẵn trong đầu sẽ không còn nữa. Chúng ta sẽ im lặng và không nói nên lời, giống như Dacaria trước khi ông cất lên tiếng hát. Nếu tôi không biết phải trả lời thế nào trước nỗi đau hoặc sự bối rối của anh chị em mình, tôi phải hướng về Chúa và cầu xin Chúa cho tôi biết phải nói những gì. Sau đó cuộc đối thoại có thể bắt đầu.
Cuộc đối thoại cần một bước nhảy đó là hình dung về kinh nghiệm của người khác. Nhìn bằng mắt, nghe bằng tai. Chúng ta cần đi vào nội tâm của họ. Lời nói của họ xuất phát từ kinh nghiệm nào? Họ mang theo nỗi đau hay hy vọng gì? Họ đang đi trên hành trình nào?
Đã có một cuộc tranh luận sôi nổi trong Tổng Hội của Dòng Đa Minh về bản chất của việc rao giảng, đó luôn là một chủ đề nóng bỏng đối với các tu sĩ Đa Minh! Tài liệu được đề xuất cho Tổng Hội hiểu việc rao giảng như một cuộc đối thoại: chúng ta tuyên xưng đức tin của mình bằng cách bước vào cuộc đối thoại. Nhưng một số nghị huynh quyết liệt không đồng ý, cho rằng điều này gần giống với thuyết tương đối. Họ nói “Chúng ta phải rao giảng về chân lý một cách mạnh dạn”. Dần dần, người ta thấy rằng những anh em đang tranh luận về vấn đề này đang nói về những trải nghiệm rất khác nhau.
Tài liệu mà tôi nói ở trên được viết bởi một người anh em ở Pakistan, nơi mà Kitô giáo nhất thiết phải đối thoại thường xuyên với Hồi giáo. Ở Châu Á, không có việc rao giảng mà không có đối thoại. Những anh em phản ứng quyết liệt với tài liệu này chủ yếu là người thuộc Liên Xô cũ. Đối với họ, ý tưởng đối thoại với những người đã cầm tù họ chẳng có ý nghĩa gì. Để vượt qua sự bất đồng, lập luận hợp lý là điều cần thiết nhưng chưa đủ. Bạn phải hình dung được tại sao người khác lại giữ quan điểm của họ. Kinh nghiệm nào đã dẫn họ đến quan điểm này? Họ phải chịu những vết thương gì? Niềm vui của họ là gì?
Điều này đòi hỏi phải lắng nghe bằng tất cả trí tưởng tượng của một người. Tình yêu luôn là chiến thắng của trí tưởng tượng, còn hận thù là sự thất bại của trí tưởng tượng. Hận thù là trừu tượng. Tình yêu phải cụ thể. Trong cuốn tiểu thuyết Vinh Quang và Quyền Lực của Graham Greene, một người anh hùng, một linh mục nghèo hèn, nói: “Khi bạn nhìn thấy những nếp nhăn ở khóe mắt, hình dáng của cái miệng, cách mà mái tóc mọc ra, bạn không thể ghét được. Sự căm ghét chỉ là sự thất bại của trí tưởng tượng mà thôi.”
Chúng ta cần vượt qua các ranh giới không chỉ giữa cánh tả và cánh hữu, hay ranh giới văn hóa, mà cả ranh giới thế hệ. Tôi có đặc ân được sống với các tu sĩ Đa Minh trẻ, những người có hành trình đức tin khác với tôi. Nhiều tu sĩ và linh mục thuộc thế hệ của tôi lớn lên trong những gia đình Công giáo mạnh mẽ. Đức tin thấm sâu vào đời sống hằng ngày của chúng tôi. Công đồng Vatican II mang đầy tính phiêu lưu khi tiếp cận với thế giới trần tục. Các linh mục người Pháp đến làm việc trong các nhà máy. Chúng tôi để lại chiếc áo dòng và đắm mình vào thế giới. Một chị tức giận khi thấy tôi mặc chiếc áo dòng đã nói: “Sao em vẫn mặc bộ đồ cũ đó?”
Ngày nay, nhiều người trẻ lớn lên trong một thế giới trần tục, theo thuyết bất khả tri hoặc thậm chí là vô thần, đặc biệt là ở phương Tây nhưng ngày càng gia tăng ở khắp mọi nơi. Cuộc phiêu lưu của họ là khám phá Tin Mừng, Giáo Hội và truyền thống. Họ vui vẻ mặc chiếc áo dòng. Cuộc hành trình của chúng tôi trái ngược nhau nhưng không mâu thuẫn nhau. Giống như Chúa Giêsu, tôi phải đồng hành với họ và tìm hiểu điều gì khiến tâm hồn họ phấn khởi. “Bạn đang nói về cái gì vậy?” “Bạn thường hay xem phim gì?” “Bạn yêu thích thể loại nhạc gì?” Rồi chúng ta sẽ trao cho nhau những lời nói.
Tôi phải hình dung xem họ nhìn tôi như thế nào! Tôi là ai trong cái nhìn của họ? Có lần tôi đạp xe quanh Sài Gòn với một nhóm sinh viên Đa Minh Việt Nam. Chuyện này đã rất lâu rồi trước khi khách du lịch trở nên phổ biến. Chúng tôi chạy vòng qua góc đường thì thấy có một nhóm du khách người Tây. Họ trông thật to lớn, mập mạp và có màu da kỳ lạ. Thật là kỳ quặc. Sau đó tôi nhận ra rằng trông tôi cũng giống như vậy!
Khi các môn đệ trên đường về Emmau, họ lắng nghe một người lạ mặt gọi họ là những kẻ chẳng biết gì và thật khác biệt với họ. Người này cũng đang phẫn nộ! Nhưng họ bắt đầu thích thú với lời nói của người lạ mặt này. Trong thâm tâm, trái tim họ bừng cháy. Trong Thượng Hội đồng, chúng ta có thể học được niềm vui ngây ngất khi sự bất đồng dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc không? Hugo Rahner, em trai của Karl (và dễ hiểu hơn nhiều!) đã viết một cuốn sách On homo ludens - nhân loại vui tươi[3]. Chúng ta hãy học cách nói chuyện với nhau một cách vui tươi! Như Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên bờ giếng trong Gioan chương 4.
Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, chúng ta nghe rằng trong thời gian viên mãn, “Tại các quảng trường trong thành phố, đông đảo thiếu nhi nam nữ tới vui đùa” (Dcr 8,5) Tin Mừng mời gọi tất cả chúng ta hãy trở nên trẻ nhỏ: “Thật, Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Chúng ta chuẩn bị cho Nước Trời bằng cách trở nên vui tươi, trẻ thơ nhưng không trẻ con. Đôi khi chúng ta ở trong Giáo Hội chịu đau khổ bởi sự quá nghiêm túc mang tính nặng nề và buồn tẻ. Chẳng trách người ta chán!
Vào đêm của thiên niên kỷ mới, trong khi chờ đợi ở Cote d'Ivoire để bắt chuyến bay tới Angola, tôi ngồi trông một chỗ tối với các sinh viên Đa Minh, cùng uống bia và thoải mái trò chuyện về những gì thân thương nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi vui mừng vì được trở nên khác biệt, có những trí tưởng tượng khác nhau. Niềm vui trong sự khác biệt! Tôi sợ mình sẽ lỡ chuyến bay nhưng đã trễ ba ngày! Sự khác biệt mang tính phong nhiêu, có tính nảy nở. Mỗi người chúng ta là kết quả của sự khác biệt tuyệt vời giữa nam và nữ. Nếu chúng ta trốn tránh sự khác biệt, chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi và không có con cái, trong gia đình và trong Giáo Hội của mình. Một lần nữa, chúng tôi xin cảm ơn tất cả các bậc cha mẹ tại Thượng Hội đồng này! Các gia đình có thể dạy Giáo Hội rất nhiều về cách đối phó với sự khác biệt. Cha mẹ học cách tiếp cận những đứa trẻ khi chúng đưa ra những lựa chọn khó hiểu nhưng vẫn biết rằng chúng còn có một mái ấm gia đình.
Nếu chúng ta có thể khám phá ra niềm vui khi tưởng tượng tại sao anh chị em chúng ta lại có những quan điểm mà chúng ta thấy là kỳ quặc, thì một mùa xuân mới sẽ bắt đầu trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta món quà nói được các ngôn ngữ khác.
Hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu không cố gắng kiểm soát cuộc trò chuyện. Người hỏi các môn đệ đang nói về điều gì; Người đi đến nơi mà hai môn đệ này muốn đi chứ không phải nơi Người muốn đi; Người chấp nhận lòng hiếu khách của họ. Một cuộc trò chuyện thực sự không thể bị kiểm soát. Một người đầu hàng bởi chính định hướng của mình. Chúng ta không thể đoán trước được cuộc đối thoại này sẽ dẫn chúng ta tới Emmau hay Giêrusalem. Thượng Hội đồng này sẽ dẫn Giáo Hội đến đâu? Nếu biết trước thì có cũng chẳng ích gì! Chúng ta hãy để mình ngạc nhiên!
Do đó, cuộc đối thoại đích thực có nhiều rủi ro. Nếu chúng ta cởi mở với người khác trong cuộc đối thoại không bị ràng buộc, chúng ta sẽ được biến đổi. Mỗi tình bạn sâu sắc mang lại cho cuộc sống của tôi một kiểu mẫu và bản sắc của tôi, mà điều đó chưa từng tồn tại trước đây. Tôi trở thành một người mà tôi chưa bao giờ trở thành trước đây. Tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo sống đạo tuyệt vời. Khi trở thành một tu sĩ Đa Minh, tôi kết bạn với những người thuộc hoàn cảnh khác, nền chính trị hoàn toàn khác, điều mà gia đình tôi cảm thấy lo lắng! Khi về nhà ở với gia đình, tôi sẽ là ai? Làm thế nào tôi có thể dung hòa con người mà tôi đã từng là với những người thân trong gia đình và con người mà tôi đang trở thành với các tu sĩ Đa Minh?
Mỗi năm tôi làm quen với những tu sĩ Đa Minh mới gia nhập với những xác tín khác nhau và những cách nhìn thế giới khác nhau. Nếu tôi mở lòng với họ trong tình bạn, tôi sẽ trở thành ai? Ngay cả khi tôi đã cao tuổi, danh tính của tôi vẫn phải luôn được để ngỏ. Trong cuốn tiểu thuyết Đừng nói chúng ta không có gì của Madeleine Thiên viết về người Hoa nhập cư ở Mỹ, một nhân vật đã nói: ‘Đừng bao giờ cố gắng trở thành một điều gì đó duy nhất, một con người hoàn hảo. Nếu có rất nhiều người yêu bạn, liệu bạn có thể thật sự là một điều duy nhất ấy không?’[4] Nếu chúng ta cởi mở với nhiều tình bạn, bản sắc của chúng ta sẽ không được xác định một cách gò bó, đơn điệu. Nếu chúng ta cởi mở với nhau trong Thượng Hội đồng này, tất cả chúng ta sẽ được biến đổi. Sẽ phải qua cái chết để được phục sinh.
Cha Giám sư Tập sinh Dòng Đa Minh người Philippines có một mẩu thông báo trước cửa phòng: “Hãy tha thứ cho tôi. Tôi đang tiến hành một công việc.” Sự gắn kết còn ở phía trước, trong Nước Trời. Khi đó, tính “sói” và “chiên” trong mỗi chúng ta sẽ hòa thuận với nhau. Nếu bây giờ chúng ta mang những bản sắc cố định, khép kín được viết trên đá, chúng ta sẽ không bao giờ biết được những khía cạnh mới về con người chúng ta, nếu không mở ra với những cuộc phiêu lưu của tình bằng hữu. Chúng ta sẽ không thể mở ra với tình bằng hữu rộng lượng của Chúa.
Khi họ đến Emmau, chuyến hành trình từ Giêrusalem dừng lại. Chúa Giêsu có vẻ như muốn đi xa hơn, nhưng nghịch lý thay, các môn đệ mời vị Chúa của ngày Sabát ở lại với họ. “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24,29). Chúa Giêsu chấp nhận lòng hiếu khách của họ giống như ba người xa lạ trong Sáng Thế chương 18 đã chấp nhận lòng hiếu khách của Ápraham. Chúa là khách của chúng ta. Chúng ta cũng phải có lòng khiêm nhường để làm những vị khách. Bản đệ trình của người Đức nói rằng chúng ta phải rời bỏ ‘vị thế thoải mái của người tiếp đón để cho phép mình được đón tiếp vào trong sự hiện diện của những người đồng hành với chúng ta trên hành trình nhân loại’.
Marie-Dominique Chenu OP, nghị phụ uyên bác trong Công đồng Vatican II, thường ra ngoài vào buổi tối, ngay cả khi ngài đã tám mươi tuổi. Ngài đi ra để lắng nghe tiếng nói của những người lãnh đạo công đoàn, giới học giả, nghệ sĩ, gia đình và chấp nhận lòng hiếu khách của họ. Vào buổi tối, chúng tôi gặp nhau uống bia và ngài hỏi: “Hôm nay anh học được gì? Anh đã ngồi ở bàn của ai? Anh đã nhận được những món quà nào?’ Giáo Hội ở mọi châu lục đều có những món quà dành cho Giáo Hội hoàn vũ. Chỉ lấy một ví dụ, các anh em của tôi ở Châu Mỹ Latinh đã dạy tôi phải lắng nghe tiếng nói của người nghèo, đặc biệt là người anh em yêu quý của chúng tôi, Gustavo Gutiérrez. Chúng ta có nên nghe những người này trong các cuộc tranh luận của chúng ta trong tháng 10 này không? Chúng ta sẽ học được gì từ anh chị em chúng ta ở Châu Á và Châu Phi?
“Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24,30-31). Đôi mắt của họ đã được mở ra. Trong đoạn trên, chúng ta nghe cụm từ đó là khi Ađam và Evà hái trái từ Cây Sự Sống, mắt họ mở ra và họ biết mình trần truồng. Đây là lý do tại sao một số nhà chú giải cổ xưa cho rằng hai người môn đệ ấy là Clêôpát và vợ ông, một cặp vợ chồng, một Ađam và Evà mới. Bây giờ họ ăn bánh sự sống.
Một suy nghĩ nhỏ cuối cùng: Khi Chúa Giêsu biến mất, họ nói: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32) Dường như chỉ sau khi gặp Chúa họ mới trở nên như vậy, nhận thức được niềm vui mà họ có được khi bước đi với Chúa. Thánh John Henry Newman nói rằng chỉ khi nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta mới nhận ra Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta như thế nào. Tôi cầu nguyện rằng đây cũng sẽ là trải nghiệm của chúng ta.
Trong Thượng Hội đồng này, chúng ta sẽ giống như những môn đệ trên. Đôi khi chúng ta không nhận thức được ân sủng của Chúa đang hành động trong chúng ta và thậm chí có thể nghĩ rằng tất cả điều đó chỉ là lãng phí thời gian. Nhưng tôi cầu xin Chúa để sau này nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa luôn ở bên chúng ta và lòng chúng ta bừng cháy.
【Chuyển ngữ: Raymunđô Lê Hoài Thanh O.P】
【Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật O.P】
[1] “La megliu parola è chiddra chi nun si dici”
[2] ‘humili cordis intelligentia’
[3] Man at Play or Did you ever pratice eutrapelia?Translated by Brian Battershaw and Edward Quinn, Compass Books, London, 1965.
[4] Granta, London, 2016, p.457
Lm. Timothy Radcliffe, O.P., nguyên Tổng Quyền Dòng Đa Minh
Chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường đồng nghị trong tình bằng hữu. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu. Tình bằng hữu với Thiên Chúa và với nhau, bắt nguồn từ niềm vui được ở bên nhau nhưng cần phải có “lời nói”. Tại Xêdarê Philípphê cuộc đối thoại bị phá vỡ. Đức Giêsu đã gọi Phêrô là “Xatan”, kẻ cản đường. Trên ngọn núi cao, Phêrô vẫn không biết phải nói gì nhưng các môn đệ bắt đầu lắng nghe Đức Giêsu và cuộc trò chuyện lại bắt đầu trong cuộc hành trình lên Giêrusalem.
Trên đường đi, các môn đệ cãi nhau, các ông không hiểu những lời Đức Giêsu nói và rồi chạy trốn, bỏ rơi Người. Sự im lặng trở lại. Nhưng Chúa Phục Sinh hiện ra và ban cho các môn đệ những lời chữa lành để họ đối thoại với nhau. Chúng ta cũng cần những lời chữa lành vượt qua những ranh giới chia rẽ: ranh giới ý thức hệ giữa cánh tả và cánh hữu; những ranh giới văn hóa phân chia lục địa này với lục địa khác, và cả những căng thẳng đôi khi làm chia rẽ giữa người nam và người nữ. Những lời nói có tính chia sẻ là huyết mạch của Giáo hội. Giữa một thế giới mà người ta thiếu lắng nghe nhau gây nên những xung đột thì chúng ta cần tìm ra những lời nói có tính chia sẻ này. Việc đối thoại dẫn đến sự biến đổi.
Cuộc đối thoại nên bắt đầu như thế nào? Trong sách Sáng Thế, sau phần trình thuật về cuộc sa ngã, có một sự im lặng khủng khiếp. Sự im lặng giữa hai người trong vườn Eden đã trở thành sự im lặng của sự xấu hổ. Ađam và Evà đã lẩn trốn. Thiên Chúa đã vượt qua vực thẳm của sự im lặng đó như thế nào? Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi hai ông bà kết lá vả che thân để che giấu sự bối rối. Bây giờ họ đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại đầu tiên trong Kinh Thánh. Thiên Chúa đã phá vỡ sự im lặng bằng một câu hỏi đơn giản: “Ngươi ở đâu?” Đây không phải là một câu hỏi nhằm tìm kiếm thông tin, nhưng đó là một lời mời gọi hai ông bà bước ra ánh sáng và đứng trước mặt Thiên Chúa.
Có lẽ đây là câu hỏi đầu tiên mà chúng ta nên dùng để phá vỡ sự im lặng ngăn cách chúng ta; không phải những câu hỏi đại loại như: “Tại sao bạn có những quan điểm khác thường về phụng vụ?” Hoặc “Tại sao bạn đi ngược lại quan điểm Giáo Hội, tại sao bạn lại là con quái vật dị thường?” hoặc “Tại sao bạn giả điếc với tôi?” Thế nhưng nên đặt những câu hỏi “Bạn đang ở đâu?” “Bạn đang lo lắng về điều gì?” Đây chính là con người tôi. Thiên Chúa mời Ađam và Evà ra khỏi nơi ẩn náu và trình diện trước Chúa. Nếu mỗi người cũng bước ra ánh sáng và để mọi người nhìn nhận chúng ta như chúng ta là, thì mỗi người sẽ tìm được “lời đối thoại” với nhau. Trong tiến trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng này, chính các giáo sĩ thường là những người ngần ngại trong việc bước ra ánh sáng và chia sẻ những lo lắng và nghi ngờ của mình. Có lẽ chúng ta sợ mình bị nhìn thấy đang trần truồng. Làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích nhau không sợ trần truồng?
Sau khi Chúa Phục Sinh, những câu hỏi đã phá vỡ sự im lặng của ngôi mộ trống. Trong Tin Mừng Gioan, “Tại sao chị khóc?” Trong Tin Mừng Luca, “Tại sao các chị lại tìm người sống giữa những kẻ chết?” Khi các môn đệ trên đường về Emmau, họ đầy phẫn nộ và thất vọng. Những người phụ nữ khẳng định đã nhìn thấy Chúa, nhưng họ chỉ là phụ nữ. Ngay cả ngày nay, đôi khi phụ nữ dường như không được tính đến! Các môn đệ đang rời bỏ khỏi cộng đoàn Giáo Hội, giống như rất nhiều người ngày nay. Đức Giêsu không chặn đường họ hay lên án họ. Người hỏi “Các anh đang trao đổi về chuyện gì vậy?” Những hy vọng và thất vọng đang khuấy động trong lòng các anh là gì? Các môn đệ đang nói một cách buồn rầu. Tiếng Hy Lạp có nghĩa đen là: “Những lời mà các anh đang ném vào nhau là gì vậy?” Vì vậy, Đức Giêsu mời họ chia sẻ sự phẫn nộ của họ cho Người. Họ đã hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ là người cứu chuộc Israel, nhưng họ đã lầm. Người đã chết. Vì vậy, Đức Giêsu bước đi cùng họ và mở lòng đón nhận sự phẫn nộ và sợ hãi của họ.
Thế giới của chúng ta đầy dẫy sự thất vọng. Chúng ta nói về chính trị của phẫn nộ. Một cuốn sách gần đây có tên là Sự thịnh nộ của người Mỹ. Sự phẫn nộ này cũng ảnh hưởng đến Giáo Hội của chúng ta. Một sự phẫn nộ chính đáng trước việc lạm dụng tình dục trẻ em. Phẫn nộ trước vị trí của phụ nữ trong Giáo hội. Phẫn nộ với những người quá bảo thủ hoặc quá tự do. Chúng ta có dám hỏi nhau, như Chúa Giêsu hỏi: “Anh em đang trao đổi về chuyện gì vậy? Tại sao bạn phẫn nộ?” Chúng ta có dám nghe câu trả lời không? Đôi khi tôi cảm thấy chán nản khi phải nghe những lời giận dữ này. Tôi không thể chịu đựng khi phải nghe thêm về những điều tương tự như thế. Nhưng tôi phải lắng nghe, như Chúa Giêsu đã làm, đồng hành cùng các môn đệ về Emmau.
Nhiều người hy vọng Thượng Hội đồng này sẽ lắng nghe tiếng nói của họ. Họ cảm thấy bị phớt lờ và không có tiếng nói. Họ đúng. Chúng ta sẽ không thể đối thoại nếu trước tiên chúng ta không lắng nghe. Chúa gọi đích danh con người. Ápraham, Ápraham; Môsê, Samuen. Các ngài trả lời bằng một từ Do Thái hoa mỹ “Hinneni”, “Con đây”. Chúng ta được hiện hữu dựa trên nền tảng Thiên Chúa gọi tên từng người chúng ta và chúng ta lắng nghe lời Người. Không phải kiểu của triết gia Descartes “Tôi suy tư nên tôi hiện hữu” nhưng phải là “tôi lắng nghe nên tôi hiện hữu”. Chúng ta ở đây để lắng nghe tiếng Chúa và lắng nghe nhau. Như người ta thường nói rằng chúng ta có hai tai nhưng chỉ có một cái miệng! Chỉ sau khi lắng nghe mới có lời nói.
Chúng ta lắng nghe không chỉ những gì mọi người đang nói mà cả những gì họ đang muốn nói. Chúng ta lắng nghe cả những lời chưa được nói ra, những lời mà họ tìm kiếm. Người Sicile có một câu nói thế này: “La miglior parola è quella che non si dice”[1]. “Lời hay nhất là lời chưa được nói ra”. Chúng ta lắng nghe khi họ nói đúng, hay khi chỉ đúng một phần nào đó, và ngay cả khi họ nói là sai. Chúng ta lắng nghe với niềm hy vọng chứ không phải khinh thường. Dòng Đa Minh chúng tôi có một quy định về Tổng Hội. Những gì anh em nói không bao giờ là vô nghĩa. Lời ấy có thể là thông tin sai, phi logic, hay thực sự không đúng. Nhưng đâu đó trong lời nói sai lầm của họ là một sự thật tôi cần được nghe. Chúng ta là những người hành khất đi tìm sự thật. Các anh em tiên khởi đã nói về thánh Đa Minh rằng “ngài hiểu mọi sự nhờ trí khôn ngoan đầy khiêm nhường của ngài”[2].
Có lẽ các Dòng tu có điều gì đó để hướng dẫn Giáo Hội về nghệ thuật đối thoại. Thánh Biển Đức dạy chúng ta tìm kiếm sự đồng thuận; Thánh Đa Minh thích thảo luận, Thánh Catarina Siena thích trò chuyện, và Thánh Inhaxiô Lôyôla dạy về nghệ thuật phân định. Thánh Philiphê Nêri cho thấy vai trò của tiếng cười.
Nếu chúng ta thực sự lắng nghe, những câu trả lời mà chúng đã chuẩn bị sẵn trong đầu sẽ không còn nữa. Chúng ta sẽ im lặng và không nói nên lời, giống như Dacaria trước khi ông cất lên tiếng hát. Nếu tôi không biết phải trả lời thế nào trước nỗi đau hoặc sự bối rối của anh chị em mình, tôi phải hướng về Chúa và cầu xin Chúa cho tôi biết phải nói những gì. Sau đó cuộc đối thoại có thể bắt đầu.
Cuộc đối thoại cần một bước nhảy đó là hình dung về kinh nghiệm của người khác. Nhìn bằng mắt, nghe bằng tai. Chúng ta cần đi vào nội tâm của họ. Lời nói của họ xuất phát từ kinh nghiệm nào? Họ mang theo nỗi đau hay hy vọng gì? Họ đang đi trên hành trình nào?
Đã có một cuộc tranh luận sôi nổi trong Tổng Hội của Dòng Đa Minh về bản chất của việc rao giảng, đó luôn là một chủ đề nóng bỏng đối với các tu sĩ Đa Minh! Tài liệu được đề xuất cho Tổng Hội hiểu việc rao giảng như một cuộc đối thoại: chúng ta tuyên xưng đức tin của mình bằng cách bước vào cuộc đối thoại. Nhưng một số nghị huynh quyết liệt không đồng ý, cho rằng điều này gần giống với thuyết tương đối. Họ nói “Chúng ta phải rao giảng về chân lý một cách mạnh dạn”. Dần dần, người ta thấy rằng những anh em đang tranh luận về vấn đề này đang nói về những trải nghiệm rất khác nhau.
Tài liệu mà tôi nói ở trên được viết bởi một người anh em ở Pakistan, nơi mà Kitô giáo nhất thiết phải đối thoại thường xuyên với Hồi giáo. Ở Châu Á, không có việc rao giảng mà không có đối thoại. Những anh em phản ứng quyết liệt với tài liệu này chủ yếu là người thuộc Liên Xô cũ. Đối với họ, ý tưởng đối thoại với những người đã cầm tù họ chẳng có ý nghĩa gì. Để vượt qua sự bất đồng, lập luận hợp lý là điều cần thiết nhưng chưa đủ. Bạn phải hình dung được tại sao người khác lại giữ quan điểm của họ. Kinh nghiệm nào đã dẫn họ đến quan điểm này? Họ phải chịu những vết thương gì? Niềm vui của họ là gì?
Điều này đòi hỏi phải lắng nghe bằng tất cả trí tưởng tượng của một người. Tình yêu luôn là chiến thắng của trí tưởng tượng, còn hận thù là sự thất bại của trí tưởng tượng. Hận thù là trừu tượng. Tình yêu phải cụ thể. Trong cuốn tiểu thuyết Vinh Quang và Quyền Lực của Graham Greene, một người anh hùng, một linh mục nghèo hèn, nói: “Khi bạn nhìn thấy những nếp nhăn ở khóe mắt, hình dáng của cái miệng, cách mà mái tóc mọc ra, bạn không thể ghét được. Sự căm ghét chỉ là sự thất bại của trí tưởng tượng mà thôi.”
Chúng ta cần vượt qua các ranh giới không chỉ giữa cánh tả và cánh hữu, hay ranh giới văn hóa, mà cả ranh giới thế hệ. Tôi có đặc ân được sống với các tu sĩ Đa Minh trẻ, những người có hành trình đức tin khác với tôi. Nhiều tu sĩ và linh mục thuộc thế hệ của tôi lớn lên trong những gia đình Công giáo mạnh mẽ. Đức tin thấm sâu vào đời sống hằng ngày của chúng tôi. Công đồng Vatican II mang đầy tính phiêu lưu khi tiếp cận với thế giới trần tục. Các linh mục người Pháp đến làm việc trong các nhà máy. Chúng tôi để lại chiếc áo dòng và đắm mình vào thế giới. Một chị tức giận khi thấy tôi mặc chiếc áo dòng đã nói: “Sao em vẫn mặc bộ đồ cũ đó?”
Ngày nay, nhiều người trẻ lớn lên trong một thế giới trần tục, theo thuyết bất khả tri hoặc thậm chí là vô thần, đặc biệt là ở phương Tây nhưng ngày càng gia tăng ở khắp mọi nơi. Cuộc phiêu lưu của họ là khám phá Tin Mừng, Giáo Hội và truyền thống. Họ vui vẻ mặc chiếc áo dòng. Cuộc hành trình của chúng tôi trái ngược nhau nhưng không mâu thuẫn nhau. Giống như Chúa Giêsu, tôi phải đồng hành với họ và tìm hiểu điều gì khiến tâm hồn họ phấn khởi. “Bạn đang nói về cái gì vậy?” “Bạn thường hay xem phim gì?” “Bạn yêu thích thể loại nhạc gì?” Rồi chúng ta sẽ trao cho nhau những lời nói.
Tôi phải hình dung xem họ nhìn tôi như thế nào! Tôi là ai trong cái nhìn của họ? Có lần tôi đạp xe quanh Sài Gòn với một nhóm sinh viên Đa Minh Việt Nam. Chuyện này đã rất lâu rồi trước khi khách du lịch trở nên phổ biến. Chúng tôi chạy vòng qua góc đường thì thấy có một nhóm du khách người Tây. Họ trông thật to lớn, mập mạp và có màu da kỳ lạ. Thật là kỳ quặc. Sau đó tôi nhận ra rằng trông tôi cũng giống như vậy!
Khi các môn đệ trên đường về Emmau, họ lắng nghe một người lạ mặt gọi họ là những kẻ chẳng biết gì và thật khác biệt với họ. Người này cũng đang phẫn nộ! Nhưng họ bắt đầu thích thú với lời nói của người lạ mặt này. Trong thâm tâm, trái tim họ bừng cháy. Trong Thượng Hội đồng, chúng ta có thể học được niềm vui ngây ngất khi sự bất đồng dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc không? Hugo Rahner, em trai của Karl (và dễ hiểu hơn nhiều!) đã viết một cuốn sách On homo ludens - nhân loại vui tươi[3]. Chúng ta hãy học cách nói chuyện với nhau một cách vui tươi! Như Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari bên bờ giếng trong Gioan chương 4.
Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, chúng ta nghe rằng trong thời gian viên mãn, “Tại các quảng trường trong thành phố, đông đảo thiếu nhi nam nữ tới vui đùa” (Dcr 8,5) Tin Mừng mời gọi tất cả chúng ta hãy trở nên trẻ nhỏ: “Thật, Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Chúng ta chuẩn bị cho Nước Trời bằng cách trở nên vui tươi, trẻ thơ nhưng không trẻ con. Đôi khi chúng ta ở trong Giáo Hội chịu đau khổ bởi sự quá nghiêm túc mang tính nặng nề và buồn tẻ. Chẳng trách người ta chán!
Vào đêm của thiên niên kỷ mới, trong khi chờ đợi ở Cote d'Ivoire để bắt chuyến bay tới Angola, tôi ngồi trông một chỗ tối với các sinh viên Đa Minh, cùng uống bia và thoải mái trò chuyện về những gì thân thương nhất đối với chúng tôi. Chúng tôi vui mừng vì được trở nên khác biệt, có những trí tưởng tượng khác nhau. Niềm vui trong sự khác biệt! Tôi sợ mình sẽ lỡ chuyến bay nhưng đã trễ ba ngày! Sự khác biệt mang tính phong nhiêu, có tính nảy nở. Mỗi người chúng ta là kết quả của sự khác biệt tuyệt vời giữa nam và nữ. Nếu chúng ta trốn tránh sự khác biệt, chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi và không có con cái, trong gia đình và trong Giáo Hội của mình. Một lần nữa, chúng tôi xin cảm ơn tất cả các bậc cha mẹ tại Thượng Hội đồng này! Các gia đình có thể dạy Giáo Hội rất nhiều về cách đối phó với sự khác biệt. Cha mẹ học cách tiếp cận những đứa trẻ khi chúng đưa ra những lựa chọn khó hiểu nhưng vẫn biết rằng chúng còn có một mái ấm gia đình.
Nếu chúng ta có thể khám phá ra niềm vui khi tưởng tượng tại sao anh chị em chúng ta lại có những quan điểm mà chúng ta thấy là kỳ quặc, thì một mùa xuân mới sẽ bắt đầu trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta món quà nói được các ngôn ngữ khác.
Hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu không cố gắng kiểm soát cuộc trò chuyện. Người hỏi các môn đệ đang nói về điều gì; Người đi đến nơi mà hai môn đệ này muốn đi chứ không phải nơi Người muốn đi; Người chấp nhận lòng hiếu khách của họ. Một cuộc trò chuyện thực sự không thể bị kiểm soát. Một người đầu hàng bởi chính định hướng của mình. Chúng ta không thể đoán trước được cuộc đối thoại này sẽ dẫn chúng ta tới Emmau hay Giêrusalem. Thượng Hội đồng này sẽ dẫn Giáo Hội đến đâu? Nếu biết trước thì có cũng chẳng ích gì! Chúng ta hãy để mình ngạc nhiên!
Do đó, cuộc đối thoại đích thực có nhiều rủi ro. Nếu chúng ta cởi mở với người khác trong cuộc đối thoại không bị ràng buộc, chúng ta sẽ được biến đổi. Mỗi tình bạn sâu sắc mang lại cho cuộc sống của tôi một kiểu mẫu và bản sắc của tôi, mà điều đó chưa từng tồn tại trước đây. Tôi trở thành một người mà tôi chưa bao giờ trở thành trước đây. Tôi lớn lên trong một gia đình Công giáo sống đạo tuyệt vời. Khi trở thành một tu sĩ Đa Minh, tôi kết bạn với những người thuộc hoàn cảnh khác, nền chính trị hoàn toàn khác, điều mà gia đình tôi cảm thấy lo lắng! Khi về nhà ở với gia đình, tôi sẽ là ai? Làm thế nào tôi có thể dung hòa con người mà tôi đã từng là với những người thân trong gia đình và con người mà tôi đang trở thành với các tu sĩ Đa Minh?
Mỗi năm tôi làm quen với những tu sĩ Đa Minh mới gia nhập với những xác tín khác nhau và những cách nhìn thế giới khác nhau. Nếu tôi mở lòng với họ trong tình bạn, tôi sẽ trở thành ai? Ngay cả khi tôi đã cao tuổi, danh tính của tôi vẫn phải luôn được để ngỏ. Trong cuốn tiểu thuyết Đừng nói chúng ta không có gì của Madeleine Thiên viết về người Hoa nhập cư ở Mỹ, một nhân vật đã nói: ‘Đừng bao giờ cố gắng trở thành một điều gì đó duy nhất, một con người hoàn hảo. Nếu có rất nhiều người yêu bạn, liệu bạn có thể thật sự là một điều duy nhất ấy không?’[4] Nếu chúng ta cởi mở với nhiều tình bạn, bản sắc của chúng ta sẽ không được xác định một cách gò bó, đơn điệu. Nếu chúng ta cởi mở với nhau trong Thượng Hội đồng này, tất cả chúng ta sẽ được biến đổi. Sẽ phải qua cái chết để được phục sinh.
Cha Giám sư Tập sinh Dòng Đa Minh người Philippines có một mẩu thông báo trước cửa phòng: “Hãy tha thứ cho tôi. Tôi đang tiến hành một công việc.” Sự gắn kết còn ở phía trước, trong Nước Trời. Khi đó, tính “sói” và “chiên” trong mỗi chúng ta sẽ hòa thuận với nhau. Nếu bây giờ chúng ta mang những bản sắc cố định, khép kín được viết trên đá, chúng ta sẽ không bao giờ biết được những khía cạnh mới về con người chúng ta, nếu không mở ra với những cuộc phiêu lưu của tình bằng hữu. Chúng ta sẽ không thể mở ra với tình bằng hữu rộng lượng của Chúa.
Khi họ đến Emmau, chuyến hành trình từ Giêrusalem dừng lại. Chúa Giêsu có vẻ như muốn đi xa hơn, nhưng nghịch lý thay, các môn đệ mời vị Chúa của ngày Sabát ở lại với họ. “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24,29). Chúa Giêsu chấp nhận lòng hiếu khách của họ giống như ba người xa lạ trong Sáng Thế chương 18 đã chấp nhận lòng hiếu khách của Ápraham. Chúa là khách của chúng ta. Chúng ta cũng phải có lòng khiêm nhường để làm những vị khách. Bản đệ trình của người Đức nói rằng chúng ta phải rời bỏ ‘vị thế thoải mái của người tiếp đón để cho phép mình được đón tiếp vào trong sự hiện diện của những người đồng hành với chúng ta trên hành trình nhân loại’.
Marie-Dominique Chenu OP, nghị phụ uyên bác trong Công đồng Vatican II, thường ra ngoài vào buổi tối, ngay cả khi ngài đã tám mươi tuổi. Ngài đi ra để lắng nghe tiếng nói của những người lãnh đạo công đoàn, giới học giả, nghệ sĩ, gia đình và chấp nhận lòng hiếu khách của họ. Vào buổi tối, chúng tôi gặp nhau uống bia và ngài hỏi: “Hôm nay anh học được gì? Anh đã ngồi ở bàn của ai? Anh đã nhận được những món quà nào?’ Giáo Hội ở mọi châu lục đều có những món quà dành cho Giáo Hội hoàn vũ. Chỉ lấy một ví dụ, các anh em của tôi ở Châu Mỹ Latinh đã dạy tôi phải lắng nghe tiếng nói của người nghèo, đặc biệt là người anh em yêu quý của chúng tôi, Gustavo Gutiérrez. Chúng ta có nên nghe những người này trong các cuộc tranh luận của chúng ta trong tháng 10 này không? Chúng ta sẽ học được gì từ anh chị em chúng ta ở Châu Á và Châu Phi?
“Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24,30-31). Đôi mắt của họ đã được mở ra. Trong đoạn trên, chúng ta nghe cụm từ đó là khi Ađam và Evà hái trái từ Cây Sự Sống, mắt họ mở ra và họ biết mình trần truồng. Đây là lý do tại sao một số nhà chú giải cổ xưa cho rằng hai người môn đệ ấy là Clêôpát và vợ ông, một cặp vợ chồng, một Ađam và Evà mới. Bây giờ họ ăn bánh sự sống.
Một suy nghĩ nhỏ cuối cùng: Khi Chúa Giêsu biến mất, họ nói: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32) Dường như chỉ sau khi gặp Chúa họ mới trở nên như vậy, nhận thức được niềm vui mà họ có được khi bước đi với Chúa. Thánh John Henry Newman nói rằng chỉ khi nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta mới nhận ra Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta như thế nào. Tôi cầu nguyện rằng đây cũng sẽ là trải nghiệm của chúng ta.
Trong Thượng Hội đồng này, chúng ta sẽ giống như những môn đệ trên. Đôi khi chúng ta không nhận thức được ân sủng của Chúa đang hành động trong chúng ta và thậm chí có thể nghĩ rằng tất cả điều đó chỉ là lãng phí thời gian. Nhưng tôi cầu xin Chúa để sau này nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa luôn ở bên chúng ta và lòng chúng ta bừng cháy.
【Chuyển ngữ: Raymunđô Lê Hoài Thanh O.P】
【Hiệu đính: Giuse Nguyễn Cao Luật O.P】
[1] “La megliu parola è chiddra chi nun si dici”
[2] ‘humili cordis intelligentia’
[3] Man at Play or Did you ever pratice eutrapelia?Translated by Brian Battershaw and Edward Quinn, Compass Books, London, 1965.
[4] Granta, London, 2016, p.457