▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Chuyện cháo và cơm

Hôm qua tình cờ lang thang trên đường phố Sài Gòn tấp nập, phía bên kia đường có một số cô ấm cậu chiêu đang ồn ào tranh cãi nhau về một vấn đề gì đó có vẻ rất gay gắt. Đang ồn ào như thế, đột nhiên một cô tiến đến trước mặt của một anh chàng trông cũng có vẻ sành điệu nhưng không được tự tin và thốt lên một câu lớn tiếng và gắt gỏng: “Không có tiền thì cạp đất mà ăn. Tui thà khóc trên xe hơi còn hơn là cười trên xe đạp.” Oh câu này hay thật, chưa nghe bao giờ. Với óc tò mò, chị Google sẽ giúp ta nhiều hơn ta nghĩ. Thực ra câu nói chính thức là: “Tôi thà khóc trên một chếc Rolls-Royce còn hơn cười trên một chiếc xe đạp.” Câu nói này là của quý bà “Lady Gucci” đã được chuyển tải thành một bộ phim do cô ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga thủ vai với nhan đề “House of Gucci.” Với người đã đứng tuổi, một cái lắc đầu ngao ngán có lẽ không tránh khỏi vì thế hệ trẻ sao mà thực dụng quá. Với lớp trẻ sẽ là “vỗ tay,” quá đỉnh, vì đó là thực tế cuộc sống mà.

Hôm qua tình cờ lang thang trên đường phố Sài Gòn tấp nập, phía bên kia đường có một số cô ấm cậu chiêu đang ồn ào tranh cãi nhau về một vấn đề gì đó có vẻ rất gay gắt. Đang ồn ào như thế, đột nhiên một cô tiến đến trước mặt của một anh chàng trông cũng có vẻ sành điệu nhưng không được tự tin và thốt lên một câu lớn tiếng và gắt gỏng: “Không có tiền thì cạp đất mà ăn. Tui thà khóc trên xe hơi còn hơn là cười trên xe đạp.” Oh câu này hay thật, chưa nghe bao giờ. Với óc tò mò, chị Google sẽ giúp ta nhiều hơn ta nghĩ. Thực ra câu nói chính thức là: “Tôi thà khóc trên một chếc Rolls-Royce còn hơn cười trên một chiếc xe đạp.” Câu nói này là của quý bà “Lady Gucci” đã được chuyển tải thành một bộ phim do cô ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga thủ vai với nhan đề “House of Gucci.” Với người đã đứng tuổi, một cái lắc đầu ngao ngán có lẽ không tránh khỏi vì thế hệ trẻ sao mà thực dụng quá. Với lớp trẻ sẽ là “vỗ tay,” quá đỉnh, vì đó là thực tế cuộc sống mà.

Tiền bạc


Soren Kierkegaard trong cuốn sách: “Thời nay và sự khác biệt giữa một thiên tài và một tông đồ” đã đi đến kết luận: Cuối cùng, tiền bạc sẽ là điều mà người ta ước muốn, nó chỉ là một sự đại diện hoặc sự trừu tượng. Ngày nay một cậu trai trẻ không ghen tức với người khác vì quà tặng, nghệ thuật hay tình yêu với một cô gái đẹp, anh ta chỉ ghen tức với người khác vì tiền của anh ta. Hãy cho tôi tiền và mọi thứ được giải quyết. Kierkegaard cho thấy sức mạnh của đồng tiền, nó được đặt lên trên tất cả các giá trị của con người. Dường như nó rất chính xác cho não trạng của người thời nay hoặc chí ít cho các cô cậu trẻ. Authur Schopenhauer cũng nhận thức rằng: Tiền là hạnh phúc của con người trong cách trừu tượng: khi đó anh ta không có khả năng tận hưởng hạnh phúc con người cụ thể nữa, anh ta sẽ dành trọn trái tim cho tiền bạc. Cả hai triết gia này đều công nhận rằng tiền bạc mang tính trừu tượng. Ấy thế mà nó lại cuốn hút con người đến mức làm cho con người quên đi những giá trị cao quý hơn và là cùng đích của con người.

Michael J. Sandel trong quyển “Những gì tiền không thể mua được” đã có câu nói khá hay: “Chúng ta đang chuyển đổi từ một nền kinh tế thị trường đến một xã hội thị trường.” Nền kinh tế thị trường là một công cụ hữu ích và hiệu quả dành cho hoạt động sản xuất của con người (ví dụ như đồ ăn thức uống, dịch vụ...) Trong khi xã hội thị trường chính là đời sống con người, là giá trị của con người (Ví dụ như quyền con người, phẩm giá, đời sống gia đình, giáo dục...) Ý tưởng của Sandel chính là: xã hội loài người đang biến nền kinh tế thị trường vốn dĩ phục vụ cho các giá trị của con người trở thành căn tính hay yếu tố then chốt của xã hội loài người. Nói nôm na biến phương tiện trở thành cùng đích. Chính điều này làm biến đối các giá trị đạo đức vốn có của con người. Cụ thể hơn, chính nền kinh tế thị trường đã mang những yếu tố tư duy thị trường, và giá trị thị trường vào trong những địa hạt không phải là của nó.

Ai cũng biết tiền bạc là cần thiết nhưng nó không thể được xem như hay đặt ngang bằng trong cùng đích của con người. Sách Giảng viên nói: Nếu ngươi yêu tiền của, ngươi sẽ chẳng bao giờ được thỏa mãn; nếu ngươi hướng về sự giàu có, ngươi sẽ chẳng bao giờ có được thứ ngươi muốn. Nó chỉ là vô ích. (Gv 5:9). Có lẽ đã có một sự lầm tưởng nào đó cho cùng đích của con người vì các yếu tố xã hội tác động. Chính bản thân mỗi người chúng ta, những người đang theo đuổi một hạnh phúc và cùng đích là Nước Trời có thể cũng đang rơi vào trong tâm thức như thế.

Lao động


Ngay từ ban đầu Kinh thánh đã nói với chúng ta: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.” (St 2:15). Con người được sáng tạo giống hình ảnh của Thiên Chúa ở mức độ họ biết lao động như chính Thiên Chúa là luôn luôn làm việc (Ga 5:17). Lao động trở nên như yếu tính của con người và nhiệm vụ của con người là làm việc và sáng tạo để tạo ra giá trị mới để duy trì công trình sáng tạo. Với tất cả những ai sống đời thánh hiến, lao động là việc làm cho một vương quốc đang dần được tỏ hiện vì có lẽ các “sản phẩm” chúng ta làm ra không thuộc phạm trù kinh tế của thế giới thực tại này nhưng là một “sản phẩm” của vương quốc Nước Trời, không loại trừ ngay cả các anh em đi làm mục vụ giáo xứ và được giáo phận trả lương. (Điều đó không có nghĩa là những người giáo dân không đóng góp vào trong vương quốc của Thiên Chúa. Họ và chính họ sẽ đóng góp vào trong vương quốc ấy với một hình thức khác với chúng ta sẽ được trình bày ở phần sau của bài viết). Xin được dùng một số chứng cứ để chứng minh cho luận điểm này.

Kinh tế là một hình thức trao đổi, theo các nhà kinh tế học. Ví dụ điển hình khi người ta lấy vật để trao đổi vật: người ta gọi là kinh tế hàng hóa, khi người ta lập ra nơi để trao đổi: người ta gọi là kinh tế thị trường, tất cả những hình thức trên phải quy về một mối chung, tìm ra vật trung gian để trao đổi chính là tiền: người ta gọi là kinh tế tiền tệ. Làm gì thì làm sản phẩm cuối cùng là để trao đổi và thu được lợi nhuận hầu có nhiều tiền. Đó là chu trình làm kinh tế hiện nay. Thế nhưng, làm kinh tế của Tỉnh dòng chúng ta chưa và sẽ không đi theo chu trình này, chí ít là trong một hay hai thập kỷ tới.

Dựa vào những lời tự sự của quý cha anh đi trước, cho đến hiện nay (2023) Tỉnh Dòng của chúng ta chưa bán một “sản phẩm” nào theo đúng nghĩa để mang về cho chúng ta kinh tế và để nuôi sống Tỉnh dòng. Vào những lúc khó khăn nhất, nghĩa là lúc đói kém nhất, anh em chúng ta vẫn có cháo để ăn và duy trì sự sống. Tạ ơn Chúa chưa ai trong Tỉnh dòng bị chết vì đói. Mặc dù quý cha anh đã vô cùng vất vả phải bôn ba làm những công việc ngoài đời, rồi cả việc lập nên những cơ xưởng để làm kinh tế (đôi khi thất bại) trong thời buổi khó khăn, nhưng tất cả lợi ích thu về cũng chưa được xem là làm kinh tế đúng nghĩa – nghĩa là chính những hoạt động đó nuôi sống toàn bộ Tỉnh dòng. Vậy kinh tế của Tỉnh dòng hay nói cách chính xác hơn “TIỀN” của Tỉnh dòng ở đâu mà có?

Như đã trình bày ở bài trước Tỉnh dòng như một Giáo hội mang hai chiều kích: Huyền nhiệm và cơ cấu. Tuy nhiên, cần nên nhớ rằng chiều kích huyền nhiệm luôn luôn và ắt phải đi trước chiều kích cơ cấu. Nghĩa là chiều kích của ân sủng đi trước chiều kích tổ chức và cơ cấu hoạt động cũng như kinh tế của chúng ta. Cụ thể hơn nữa phải nói rằng để có cháo cho chúng ta ăn trong thời gian khó khăn, ngoài công sức của quý cha anh, chiều kích của ân sủng chính là bàn tay góp sức của ÂN NHÂN – BẠN HỮU để nuôi sống chúng ta. Nói cách chính xác hơn, anh em chúng ta đã NHẬN ân sủng trước khi có cơ cấu kinh tế - chúng ta đã NHẬN trước khi chúng ta có sản phẩm. Điều này trái ngược hoàn toàn với các lý thuyết của kinh tế học.

Yếu tố này đã bắt đầu ngay những ngày Thánh Đaminh lập Dòng – một dòng hành khất, dòng ăn mày – sống đời sống bấp bênh từ sự trao ban của người khác. Khi mới chập chững bước chân vào thỉnh viện, các anh em chúng ta đã được nghe câu chuyện phép lạ của Thánh Đaminh khi anh em đến nhà cơm mà không có đồ ăn. Hãy làm việc của chúng ta là cầu nguyện còn lại để Chúa lo qua tay các vị ân nhân và bạn hữu. Còn nhớ trong một lần kinh lý của các cha phụ tá Bề trên tổng quyền (không biết năm nào), các vị đã khuyến cáo Tỉnh dòng chúng ta cần hoạch định đường hướng kinh tế cho Tỉnh dòng hơn là sống nhờ vào bổng lễ và sự trợ giúp ân nhân. Có lẽ các vị lấy ý hướng ở bên Tây để mong muốn anh em chúng ta không bấp bênh. Tuy nhiên, bên Ta khác bên Tây – sống đạo của Ta khác sống đạo kiểu Tây. Trong lúc khó khăn, Chúa đóng cửa này nhưng ngài lại mở cho chúng ta cánh cửa to hơn cánh cửa bị đóng. Khi anh em chúng ta không thể làm kinh tế cách đúng nghĩa, anh em chúng ta lại trở về đúng với bản chất của Dòng hành khất và NHẬN gấp bội phần từ ân sủng qua quý ÂN NHÂN so với việc làm kinh tế may rủi trong thời đại hôm nay. Mọi cơ sở vật chất của anh em chúng ta hôm nay là do thành quả của việc giỏi kinh doanh và làm kinh tế của chúng ta? Câu trả lời chắc hẳn anh em chúng ta cũng đã biết.

Vàng ở trong dân


Từ năm 2011 đến nay, thống đốc ngân hàng nước ta luôn khẳng định một khối lượng vàng rất lớn đang được dự trữ trong dân. Khi nhận thức được điều này, rất nhiều các chuyên gia kinh tế đều đi tìm giải pháp để huy động ước lượng 500 tấn vàng trong dân. Nhiều giải pháp được nêu ra, tuy nhiên giải pháp có lẽ được nhiều người đồng tình và cũng là khó thực hiện nhất chính là LÒNG TIN.

Hạn từ “dân” có thể hiểu theo 2 nghĩa: dân có thể hiểu là những người không phải là anh em ta bao gồm hết mọi thành phần, nhưng dân đây cũng có thể hiểu là toàn thể anh em ta hiểu theo nghĩa cơ cấu. Tuy nhiên, bài viết này chỉ nhắm đến cách hiểu đầu tiên, dân là những người không phải anh em ta. Cách hiểu thứ hai sẽ được khai triển trong một bài viết khác có thể là chuyện nghèo khó và khó mà nghèo.

Hiện nay anh em chúng ta đang nhận được sự đóng góp rất lớn từ các vị ân nhân trong và ngoài nước cho Tỉnh dòng. Các ân nhân này bao gồm đủ các thành phần và từ khắp nơi. Mặc dù chúng ta chưa có được một mạng lưới hay một hệ thống để “chăm lo” cho quý vị ân nhân, nhưng vì tình thương và từ sự quen biết, quý vị ân nhân đã đến với chúng ta. Câu hỏi được đặt ra cho chúng ta: làm thế nào chúng ta xây dựng và kiến tạo một hệ thống mạng lưới ân nhân cho từng cộng đoàn và cho toàn Tỉnh dòng. Làm thế nào để xây dựng được một lực lượng hùng hậu anh chị em Huynh đoàn trở thành cánh tay đắc lực cho anh em chúng ta. Trả lời cho hai câu hỏi này nghĩa là chúng ta đang xác định con đường làm kinh tế của chúng ta.

Như trên đã trình bày, kinh tế của chúng ta dựa chủ yếu vào sự trao tặng từ quý ân nhân. Tại sao quý ân nhân lại trao tặng cho chúng ta nhiều như thế, trong khi ở ngoài đời người ta có hò hét có quảng bá rầm rộ nhưng “vàng vẫn ở trong dân?” Câu trả lời chính là do ân sủng và “LÒNG TIN” Ân nhân và bạn hữu tin tưởng chúng ta vì chúng ta đang hoạt động không phải vì tiền của thế gian nhưng hoạt động theo đúng chức năng của chúng ta: làm cho vương quốc Nước Trời được thể hiện. Nói đúng hơn, dân Chúa mong muốn để nhìn thấy anh em chúng ta không rơi vào vòng xoáy của cơn lốc thị trường: chạy theo đồng tiền mà quên mất giá trị cùng đích.

Có một cha xứ nọ của dòng anh em chúng ta khi quyên góp xây dựng một cộng đoàn mới cho anh em Đaminh kể lại một vài câu hội thoại ngắn nhưng cảm động như sau. Tôi đang nói về nhu cầu của anh em để có được ngôi nhà trong vùng đất mới này, đột nhiên có hai vợ chồng kia chạy lại trao vào tay tôi một bọc nho nhỏ và không quên căn dặn: Vợ chồng chúng con giúp quý cha quý thầy, hãy để chúng con làm công việc của chúng con và các cha các thầy làm công việc của các cha các thầy. Có gì xin cha liên lạc theo số điện thoại và địa chỉ con để trong túi này. Trong vội vã họ đã ra đi mà tôi không kịp để nói tiếng cám ơn. Chia sẻ ngắn gọn của người anh em chúng ta đáng để chúng ta suy gẫm. Thứ nhất, trong vương quốc của Thiên Chúa mỗi người một việc, mỗi người làm phần việc của mình. Thứ hai, khi làm công việc của mình trong vương quốc ấy, tôi không đòi hỏi hay giả định phải có người tung hô hay trả cho tôi những gì tôi làm; người trả chính là ông chủ vườn nho theo sự thỏa thuận 1 quan tiền theo sự nhân từ của ông chủ. Và ông chủ đã trả cho tôi trước khi tôi thực sự bắt tay vào làm. Nói cách cụ thể hơn, anh em chúng ta không đòi buộc và ấn định việc người khác cho chúng ta như một trách nhiệm và bổn phận của họ. Bên cạnh đó, cũng cần phải loại bỏ ngay ý nghĩ theo kiểu “anh em chúng tôi tạo cơ hội cho các anh chị có cơ hội để lập công với Chúa.” Suy nghĩ như thế sai cả về mặt đời sống con người lẫn yếu tố thần học.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, chúng ta nên đặt câu hỏi: chúng ta đã làm gì cho các ân nhân – bạn hữu của chúng ta là những người do ân sủng của Chúa ban tặng cho chúng ta?

Anh em hãy cho họ ăn (Lc 9:13)


Trong Tin mừng theo thánh Gioan, ta không thấy có mệnh lệnh của Đức Giêsu dành cho các môn đệ cho đám đông dân chúng ăn. Tuy nhiên, Đức Giêsu dường như muốn đặt các môn đệ vào trong sự lo lắng theo kiểu người đời: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” (Ga 6:7). Anh em chúng ta cũng lo lắng về tài chính cũng như các môn đệ xưa kia, nhưng lo lắng xong không giải quyết được gì cả nhưng chính Chúa mới là người giải quyết vấn đề cho chúng ta. Quay trở lại với Tin mừng nhất lãm, Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ cho đám đông dân chúng ăn. Trong nỗi lo lắng về kinh tế, chúng ta cũng đòi buộc phải cho đám đông dân chúng ăn, ngay cả khi chúng ta nghĩ chúng ta không có gì để cho. Tuy nhiên, cũng như Phê-rô hẳn chúng ta cũng có cái để cho: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3:6).

Với nguyên tắc Giáo hội bao gồm ân sủng và cơ cấu. Ân sủng đi trước cơ cấu làm cho nó được vững mạnh, sau đó đến lượt nó cơ cấu làm triển nở ân sủng được trao ban. Cách cụ thể, chúng ta đã nhận lãnh từ quý vị ân nhân như ân sủng của Thiên Chúa, đến lượt chúng ta làm cho ân sủng đó lan tỏa đến quý vị ân nhân. Làm cách nào để thực hiện điều này? Sau đây là một vài kiến nghị cá nhân:

  1. Mỗi cộng đoàn cần phải ghi rõ và thông báo cách công cộng (nếu có giáo dân tham dự) ngày nào trong tuần dâng lễ cầu nguyện cho các ân nhân. Nếu có thể được, cho quý vị ân nhân biết để hiệp thông trong mỗi thánh lễ và giờ kinh. Không thể biện minh cho việc ngày nào cộng đoàn chẳng dâng lễ cho ân nhân. Đúng, đây là bổn phận hàng ngày không phải chỉ trong thánh lễ nhưng trong kinh nguyện, nhưng ta hãy quay về với nguyên tắc giáo hội bao gồm cả chiều kích hữu hình, nghĩa là của thực tại trần thế. Nguyên tắc này đòi buộc chúng ta phải làm gì đó cách hữu hình dành cho quý vị ân nhân.
  2. Mỗi cộng đoàn anh em chung sống cần phải có sổ ân nhân (không phải chỉ để kiểm soát tiền đóng góp nhưng quan trọng nhất vẫn là danh xưng của họ) để anh em đến sau biết và ghi ơn các vị ân nhân ngay cả lúc họ không còn có khả năng giúp đỡ chúng ta. Sổ này cần phải được cập nhật thường xuyên và trình cho cộng đoàn mỗi 6 tháng và lữu giữ trong công hàm của cộng đoàn.
  3. Mỗi cộng đoàn tìm cách thức thích hợp để ghi dấu ân nhân trong cộng đoàn để quý vị ân nhân đến thăm cộng đoàn có thể thấy những ai đã từng đóng góp cho cộng đoàn. (Hầu hết các nhà mà anh em chúng ta đang thụ hưởng hầu hết không hề biết ai đã đóng góp cho chúng ta).
  4. Ở cấp độ cộng đoàn (Tu viện, tu xá) và cấp độ Tỉnh dòng cần thiết lập một ban (gồm ít nhất 3 anh em nếu là tu viện, 5 anh em nếu ở cấp độ Tỉnh Dòng) để chăm lo cho quý vị ân nhân. Điều này không chỉ dừng lại ở việc cắt đặt một anh em làm việc theo kiểu “nhân viên thu tiền” tháng nhưng phải có chương trình, hoạch định và chăm sóc cho quý vị ân nhân bao gồm: trao gửi thông tin liên lạc nhất là những dịp hiếu hỉ, thăm hỏi khi cần thiết... Nếu cần thiết có thể mời anh chị em giáo dân vào trong ban này để giúp đỡ anh em chúng ta trong những vấn đề tiền bạc luôn mang tính nhạy cảm.
  5. Khuyến khích và cổ võ tinh thần sống BIẾT ƠN không chỉ trong suy nghĩ nhưng mang tính thực hành.
  6. Cần có một dự án và hoạch định rõ ràng và chi tiết để trình bày với hệ thống mạng lưới ân nhân.
  7. Hệ thống mạng lưới ân nhân cần phải thống nhất từ cấp độ cộng đoàn lên đến cấp độ Tỉnh dòng để tránh sự trùng lặp.

Tạm kết - để có cơm


“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát” (Ga 6:27). Làm kinh tế trong Tỉnh dòng chúng ta trong giai đoạn hiện nay không phải tập trung vào sản phẩm để mang lại dòng tiền. Nhưng quan trọng hơn hết chính là củng cố và gia tăng “LÒNG TIN” của dân Chúa được thể hiện qua thái độ và tinh thần phục vụ của từng anh em chúng ta. Lòng tin ấy xuất phát từ việc giảng thuyết: giảng những gì anh em chúng ta tin và thi hành những gì anh em chúng ta giảng. Có vẻ hơi lý thuyết nhưng thực tế chúng ta không cần phải suy nghĩ quá nhiều để có cơm, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui với dân Chúa. Anh em chúng ta và tất cả anh chị khác đều xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trong hai lĩnh vực khác nhau như trên đã trình bày. Nỗ lực của chúng ta chính là làm đúng việc và mở ra một mối tương quan mang tính hữu cơ giữa mỗi anh em chúng ta với người giáo dân. Mối tương quan đó là hai mặt của một thực tại: một mặt đó việc liên đới vô hình trong việc cầu nguyện, mặt khác là liên đới cách hữu hình trong việc gặp gỡ bằng nhiều hình thức khác nhau. Chính các công cụ kỹ thuật hiện đại của chúng ta hiện nay sẽ giúp chúng ta đạt được việc liên đới cách hữu hình một cách thiết thực và chính xác hơn.


Người anh em Đaminh

Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url