▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Tu sĩ Đa Minh Guzman: Trường đồ tri mã lực!

Thánh Đa Minh rời bỏ trần thế chúng ta đã tám trăm năm và chúng ta đang sống ở thời khá xa với cha thánh với những khác biệt như thời gian, bối cảnh văn hóa, nhưng chúng ta vẫn vô cùng gần gũi với ngài vì những điều bối rối, mất cảm thức, căng thẳng, và như theo thiển ý của tôi đó là sự mất đi niềm tin thực sự và do vậy mất đi niềm hy vọng. Ngày nay, thánh Đa Minh vẫn dạy chúng ta rằng đừng xét đoán, nhưng với tất cả sự khiêm hạ hãy làm sao để giải thích tiếng kêu cứu trỗi dậy từ một nhân loại luôn bị cám dỗ, giống như tổ tiên của chúng ta (x. St 3,5), theo nhiều cách thức và đôi khi có những cách khó hiểu, tự biến mình thành một vị Thiên Chúa với những hậu quả mà tất cả chúng ta đều biết rõ, nhưng chúng ta giả vờ như không biết đó là những xung đột, chiến tranh, bóc lột, sử dụng vũ lực và mong muốn áp chế người khác. Đời sống của thánh Đa Minh và đặc sủng do Chúa Thánh Thần ban tặng cho ngài vì lợi ích của Hội thánh, đặc sủng này vẫn tiếp tục sống động trong Dòng do ngài thành lập và điều này nhắc nhở chúng ta rằng, trên hết không phải là để bảo vệ chúng ta khỏi Sự Thật, mà là Sự thật sẽ bảo vệ chúng ta; Sự Thật là Thiên Chúa (x. Ga 14,16), Đấng mà theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, vừa là cha vừa là mẹ của chúng ta, và cũng như tất cả các bậc cha mẹ tốt lành, Người vẫn luôn ấp ủ trong lòng niềm hạnh phúc của những đứa con mình, chấp nhận chúng như chúng là và hằng mong muốn cho chúng điều Tốt Lành lớn lao nhất và cao cả nhất.
Một vận động viên đặc biệt suốt tám trăm năm đã cầu bầu cho chúng ta là những người hành hương, để chúng ta có được món quà sự thật: Thánh Đa Minh Guzman (1170-1221).

Khi nghe nói về vận động viên, đặc biệt là trong thời đại chúng ta đang sống, chúng ta thường tưởng tượng ra hình ảnh một người nam hay nữ có thân hình đẹp như tượng, được huấn luyện chuyên nghiệp trong một môn thể thao nào đó, và khi thi đấu ở vòng đấu cao nhất, họ gần như trở thành một hình mẫu hay biểu tượng của vẻ đẹp, của sự thành đạt, được hầu hết mọi người ngưỡng mộ và noi theo. Thánh Đa Minh cũng là một vận động viên rất đặc biệt, thánh nhân đã rèn giũa và huấn luyện tinh thần của mình mỗi ngày, suốt cuộc đời trong một phòng tập đặc biệt, nơi đó có Lời Chúa, đời sống bí tích, và tình yêu thương dành cho con người khi thi hành tác vụ linh mục. Trong tất cả, thánh nhân đã không làm gì khác hơn ngoài thực hành những gì mà thánh Phaolô khuyên dạy: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát.” (1 Cr 9,25). Đó là lý do tại sao thi sĩ Dante gọi ngài là vận động viên của Chúa (Thiên Đường XII, 54). Thánh Catarina Siena trong cuốn Đối Thoại đã thuật lại những điều Chúa cho biết về thánh Đa Minh: “… cha đã bị cuốn hút bởi Lời - Con Một của Ta. Trong thế giới, cha như thể một tông đồ xua tan bóng tối và mang lại ánh sáng với đầy tràn sự thật và sự hiểu biết, đã loan truyền lời của Ta. Cha chính là ngọn đèn mà Ta đã đặt vào thế giới thông qua Đức Maria”. Lấy ý tưởng về một vận động viên, hình ảnh này sẽ cung cấp cho chúng ta một vài điều suy ngẫm: Các vị thánh không phải sinh ra đã là thánh, nhưng điều này cho thấy sự thánh thiện có thể đạt được đối với những ai cầu xin ơn Chúa trợ giúp với một đức tin vững vàng, và cho những ai cam kết nghiêm túc sống điều đó.

Đối với trào lưu tìm kiếm vẻ đẹp thể lý của nền văn hóa đại trà thì cuộc đời của thánh Đa Minh lại nhắc chúng ta về tính ưu việt của tinh thần, nó không già đi, không yếu đi và không bao giờ tàn lụi (để xác nhận thực tế này, bạn chỉ cần nhìn vào một bức ảnh của bạn từ vài năm trước), hiện hữu quan trọng hơn sở hữu, việc phục vụ người khác thì hơn việc thống trị họ. Cuộc sống của thánh nhân cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc sống một lần cuộc đời được ban tặng này, trong đó thì không có ‘hiệp phụ’; chúng ta không chú tâm vào những điều dù là cấp bách nhưng chóng qua, trái lại vào những gì thực sự cần thiết và vĩnh cửu, duy chỉ điều này mới làm thỏa mãn nhu cầu yêu thương và được yêu thương nơi chúng ta, như thánh Bênađô khẳng định: “Tâm hồn nào có Chúa sẽ không bao giờ thỏa mãn những gì khác ngoài Chúa”. Thánh Đa Minh không bao giờ cố gắng trở thành một người độc đáo hay một diễn viên luôn bị ám ảnh phải quảng cáo bản nhân, nhưng ngài luôn chấp nhận những khả thể do cuộc sống mang lại như những cơ hội do Thiên Chúa ban tặng để thực hiện kế hoạch yêu thương của Người đối với bản thân cũng như Giáo hội.

Thánh Đa Minh không để lại nhiều bài viết về ngài, nhưng chúng ta biết về ngài qua những chứng từ của biết bao người sống với ngài và những người bị tác động trước lòng tin vào Thiên Chúa và tình yêu của ngài đối với tha nhân. Từ những chứng từ này, tôi chọn ra hai trong số đó mang tính biểu tượng để cho những người khác có thể “thưởng thức”, với hy vọng rằng bất cứ ai đọc bài viết này có thể muốn khám phá thêm về vận động viên của chúng ta. Khi còn là một sinh viên trẻ, thánh Đa Minh đã quyết định bán tất cả tài sản của mình, thậm chí cả những cuộn da quý giá để giúp đỡ những nạn nhân nghèo khổ của nạn đói trong thành Palencia. Hành động này đã cho thấy tấm lòng vô cùng quảng đại của thánh nhân: một tâm hồn nhân ái, bén nhạy và cởi mở. Khi được hỏi lý do tại sao lại thực hiện hành động kinh ngạc như vậy thì thánh Đa Minh đã không ngần ngại đáp lại: “Làm sao tôi có thể nghiên cứu những tấm da chết khi biết bao nhiêu anh em của tôi đang chết vì thiếu lương thực?”. Với đức tin và lý trí, cho dẫu chỉ là một sinh viên đại học bình thường, ngài đã đưa ra quyết định đúng đắn, trong trường hợp cấp bách này ngài đã hành động cách táo bạo, với hoàn cảnh khác thường ngài đã đáp trả cách phi thường, vì biết rằng trong thời điểm như vậy ngài được mời gọi trở thành khí cụ chuyển thông lòng nhân ái của Thiên Chúa một cách cụ thể, không chần chừ; và không viện lý do yếu đuối nào để thoái thác cho Thiên Chúa (x. Mt 14, 16). Đây là một bài học thực tế cho mỗi người chúng ta: đừng khép kín nơi chính mình, nhưng luôn mở ra cho Thiên Chúa và cho những nhu cầu của mọi người chung quanh, ở đây và ngay bây giờ (x. Lc 10,33).

Những chứng từ của những người nam nữ cùng thời với ngài, cho thấy quãng đời còn lại của ngài khá đơn giản, bình dị nhưng luôn rõ ràng bởi ý thức rằng bổn phận của mình là thực thi bác ái trong sự thật (x. Ep 4,15). Nhận thức này khởi đầu khi thánh Đa Minh đến Tolouse, trong cuộc nói chuyện với chủ quán – người đã lạc mất đức tin, ngài đã nhận ra cần phải rao giảng đức tin Công giáo cách ân cần hơn, đặc biệt bằng chứng tá bản nhân ngang qua đời sống cầu nguyện sâu xa hay chiêm niệm. Có lẽ vào lúc đó, ngài bắt đầu cảm nhận được điều Chúa muốn nơi ngài và với ước muốn thực thi thánh ý của Thiên Chúa, vài năm sau đó, thánh nhân đã quy tụ một nhóm nữ đan sĩ, và rồi là thành lập Dòng, trong đó không phải để quy tụ các chuyên gia truyền thông, các nhà hùng biện tài ba, các giáo sư danh tiếng hay các điều tra viên thông thái mà là một Dòng gồm những nhà giảng thuyết để rao giảng Thiên Chúa tình yêu cho mọi người.

Trong cuộc trò chuyện về sự thật, cha lắng nghe người chủ quán với tinh thần tôn trọng, cha đã khám phá ra rằng, tất cả mọi người – ngay cả khi họ không nhận ra – điều họ cần không phải là sự thật mơ hồ nhưng là một Sự Thật cứu độ, đó là Đức Kitô (x. Mt 4,4), chính xác như họ cần không khí và của ăn cho thân thể. Và, sự thật này không phải là một thứ xa xỉ, hay một sở thích thừa thãi đối với những người không có việc gì khác để làm cũng không phải là một vật trang trí trong phòng, hay một thứ văn hóa trào lưu của thời Trung cổ giờ đây đã lỗi thời. Sự Thật là điều giúp cho con người đạt tới sự viên mãn của mình để không phản bội phẩm giá của bản thân cũng như của những người xung quanh. Đó là điều cho phép con người đạt đến cùng đích đích thực của đời mình và thoát khỏi những đắng cay đầy tủi hổ của sự vô nghĩa và tình trạng trầm cảm mà nó gây ra. Bác ái trong sự thật và sự thật trong bác ái tức là không sợ hãi gọi đích danh bằng tên thật của từng sự vật, đây là sứ điệp của thánh Đa Minh, một sứ điệp cao cả và cụ thể nhất trong tất cả, vì nó nhằm nuôi dưỡng điều không bao giờ hư hoại đó là một tình yêu đích thực hay chân chính, không phải là thứ tình yêu giả tạo hay việc bắt chước rẻ tiền mà ngày nay dễ dàng tìm thấy. Có lẽ ngày nay, hơn bao giờ hết, sự thật, sự trung thực và lòng bác ái thường ở dạng ngấm ngầm và hầu như không được gia đình, các cộng đoàn tu sĩ và giáo sĩ quan tâm. Bác ái trong sự thật thì không sợ những gì mới mẻ, nền văn hóa thịnh hành, hay tư tưởng của đa số, vì thế nó không tự cô lập cũng không áp đặt nhưng là luôn được gợi ra với chính mình bằng mọi giá, đặc biệt là với những người thân cận nhất. (x. Mt 19,21; Cv 5,29). Điều này cho chúng ta hiểu rằng, tình yêu đích thực chỉ có thể được thực hiện trong sự thật và thậm chí còn đòi hỏi cả sự hy sinh, bởi vì tình yêu tất yếu kéo theo đau khổ, và khi người ta không sẵn sàng chịu đau khổ thì có nghĩa là người ta đã ngừng yêu (x. H. Hesse).

Thánh Đa Minh rời bỏ trần thế chúng ta đã tám trăm năm và chúng ta đang sống ở thời khá xa với cha thánh với những khác biệt như thời gian, bối cảnh văn hóa, nhưng chúng ta vẫn vô cùng gần gũi với ngài vì những điều bối rối, mất cảm thức, căng thẳng, và như theo thiển ý của tôi đó là sự mất đi niềm tin thực sự và do vậy mất đi niềm hy vọng. Ngày nay, thánh Đa Minh vẫn dạy chúng ta rằng đừng xét đoán, nhưng với tất cả sự khiêm hạ hãy làm sao để giải thích tiếng kêu cứu trỗi dậy từ một nhân loại luôn bị cám dỗ, giống như tổ tiên của chúng ta (x. St 3,5), theo nhiều cách thức và đôi khi có những cách khó hiểu, tự biến mình thành một vị Thiên Chúa với những hậu quả mà tất cả chúng ta đều biết rõ, nhưng chúng ta giả vờ như không biết đó là những xung đột, chiến tranh, bóc lột, sử dụng vũ lực và mong muốn áp chế người khác. Đời sống của thánh Đa Minh và đặc sủng do Chúa Thánh Thần ban tặng cho ngài vì lợi ích của Hội thánh, đặc sủng này vẫn tiếp tục sống động trong Dòng do ngài thành lập và điều này nhắc nhở chúng ta rằng, trên hết không phải là để bảo vệ chúng ta khỏi Sự Thật, mà là Sự thật sẽ bảo vệ chúng ta; Sự Thật là Thiên Chúa (x. Ga 14,16), Đấng mà theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, vừa là cha vừa là mẹ của chúng ta, và cũng như tất cả các bậc cha mẹ tốt lành, Người vẫn luôn ấp ủ trong lòng niềm hạnh phúc của những đứa con mình, chấp nhận chúng như chúng là và hằng mong muốn cho chúng điều Tốt Lành lớn lao nhất và cao cả nhất.

Bruno Esposito, O.P.
Chuyển ngữ: Nguyễn Phú Quý, O.P.
Hiệu đính: Nguyễn Cao Luật, O.P.
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url