▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Tự do của tôi kết thúc khi tự do của người khác bắt đầu?

Ngày nọ, một anh chàng lái chiếc Maserati mạnh mẽ bước vào đường cao tốc và một lúc sau anh bật rađiô, rồi sau khi chọn đài Isoradio, anh kinh ngạc khi nghe phát thanh viên hồi hộp cất tiếng: "Hãy đặc biệt chú ý đến tuyến A1 vì có một tài xế mất kiểm soát đang đi ngược chiều!" Người đàn ông ngước nhìn và bực tức la lên: "Một thôi à??? Có hàng ngàn người điên đấy!!!"

Chủ nghĩa chủ quan, Chủ nghĩa tương đối, Chủ nghĩa cơ yếu: Bài học cuộc đời mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua thánh Catarina Siêna

Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện hài hước… nhưng đừng nhiều quá…


Ngày nọ, một anh chàng lái chiếc Maserati mạnh mẽ bước vào đường cao tốc và một lúc sau anh bật rađiô, rồi sau khi chọn đài Isoradio, anh kinh ngạc khi nghe phát thanh viên hồi hộp cất tiếng: “Hãy đặc biệt chú ý đến tuyến A1 vì có một tài xế mất kiểm soát đang đi ngược chiều!” Người đàn ông ngước nhìn và bực tức la lên: “Một thôi à??? Có hàng ngàn người điên đấy!!!”

Tôi nghĩ rằng câu chuyện hài hước cũ kỹ này dường như minh họa khá rõ bối cảnh chúng ta đang sống, và thật không may, nó cũng đồng thời xác nhận rằng, hiện thực thường vượt xa tưởng tượng: chúng ta ngày càng đưa ra nhiều lựa chọn chủ quan mà không nghĩ đến người khác, đến thế giới thụ tạo, đến con người thật của chúng ta; và nếu người khác không chấp nhận những lựa chọn của chúng ta thì chúng ta cho rằng chính họ mới là người có vấn đề, thiếu hiểu biết, “điên”!

Trên thực tế, ngày càng có nhiều người trong chúng ta, sớm hay muộn, cũng trải qua những thái độ và hành vi khởi đi từ tính ích kỷ hoặc tự cho mình là trung tâm một cách bệnh lý. Những người này thậm chí còn không ý thức được điều đó. Đối với họ, đó chỉ là biểu hiện chính đáng của một thứ “tự do bất khả xâm phạm” đầy mơ hồ, để làm bất cứ điều gì họ cảm thấy muốn hoặc mong muốn làm, để bác bỏ mọi quy tắc hoặc chuẩn mực chung về hành vi vốn có một cách tự nhiên trong trái tim mọi người và không thể không tuân theo vì lợi ích của mọi người. Do đó, những quy tắc hoặc chuẩn mực này được coi là những hạn chế quá mức đối với quyền lợi của một người, ngoại trừ việc nếu làm như thế thì người ta thật sự áp đặt lợi ích cá nhân và các chuẩn mực riêng của mình lên người khác. Hãy nghĩ đến những người đang nắm giữ bất kỳ vai trò nào trong xã hội, từ thấp kém nhất đến quan trọng nhất, những người lợi dụng địa vị của mình để thống trị người khác, tìm cách thăng quan tiến chức, thống trị đến mức nô dịch và hạ nhục người ta, thay vì phải biết ơn vì có cơ hội giúp ích cho đồng loại (x. Pl 2,3-5).

Tôi có thể đưa ra rất nhiều ví dụ trong mọi lĩnh vực, mọi loại và cấp độ của các mối quan hệ, nhưng tôi muốn để độc giả kể ra; và tôi cũng chắc chắn rằng, những người theo trường phái tân-Freud hay tân-Jung sẽ có nhiều điều để chẩn đoán. Tôi không phán xét các ý hướng, nhưng thành thật mà nói, ở đâu có sự gia tăng các hành vi cực đoan nơi người trẻ và vượt xa sự thiếu giáo dục đơn thuần, thì nơi ấy thật sự coi thường phẩm giá và sự tôn trọng mà một người buộc phải có đối với người khác, coi thường phẩm giá chung của nhân loại. Phẩm giá ấy vốn là di sản của tất cả mọi người chứ không phải đặc quyền của một số người. Người nào vẫn cố gắng tuân thủ các quy tắc, từ đó biết tôn trọng và quan tâm tới người khác trong những bối cảnh và thời gian nào đó, thì có thể bị coi là “cố chấp”, cứng nhắc, làm tổn hại đến quyền tự do của tôi –một thứ tự do để làm những gì tôi muốn.

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quan điểm về tự do của Kant, vốn đã đi vào DNA của văn hóa hiện đại; cụ thể là, tự do của tôi kết thúc khi tự do của người khác bắt đầu. Thoạt nhìn, quan điểm này có vẻ là sự tôn trọng và hiểu biết, nhưng trên thực tế lại hạn chế phẩm giá tự do của con người. Thật vậy, vì mang bản tính xã hội và có lý trí, con người chỉ thực sự tự do khi xét trong tương quan với người khác. Vì lý do này, tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta, bắt đầu từ chính tác giả bài viết này, phải nghiêm túc kiểm điểm lương tâm hằng ngày, ghi nhớ Khuôn Vàng Thước Ngọc mà Đức Kitô để lại cho chúng ta: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Sở dĩ cần thực hành Khuôn Vàng Thước Ngọc là để không trở thành độc đoán và không biện bạch về những gì đáng ra mình làm được cho người khác mà lại không làm.

Hãy tiếp tục với một phân tích ngắn gọn


Thành thật mà nói, thời hiện đại và đặc biệt là thời đại của chúng ta khác rất nhiều so với các thời kỳ trước đây, bởi vì để đạt tới sự hài hòa là điều ngày càng khó khăn, đến độ có sự tương phản rõ rệt giữa một mặt là xu hướng con người lấy mình làm trung tâm và mặt khác là sự tôn trọng (chứ không chỉ là sự chịu đựng, như người ta có thể chịu đựng một điều khó chịu) chủ nghĩa đa nguyên về văn hóa và đạo đức, vốn thường dẫn tới chủ nghĩa tương đối thực sự. Nhìn chung, đặc biệt nơi một số nhóm trong giáo hội, chủ nghĩa tương đối về văn hóa và chủ nghĩa đa nguyên về đạo đức được cho là những vấn đề thực sự của ngày nay, nhưng nếu xem xét vấn đề cẩn thận hơn, chúng ta sẽ thấy rằng những vấn đề này chẳng qua chỉ là hệ quả của một điều khác nữa.

Vấn đề thực sự là, chủ thể tính của cá nhân (soggettività individualistica) ngày càng được đề cao tới mức tuyệt đối và không khoan nhượng, ngày càng biến thành chủ nghĩa chủ quan về đạo đức (soggettivismo etico). Chính chủ nghĩa chủ quan về đạo đức này dẫn đến một thứ chủ nghĩa tương đối (relativismo) trong đánh giá, và chủ nghĩa cơ yếu (fondamentalismo) mà không cần quan tâm đến người khác. Những ai tuyên bố, như tất cả chúng ta đều làm, rằng cần phải khẳng định tính trung tâm của con người và sự tôn trọng họ, thì cũng phải tự vấn về chính vấn đề ấy và tính đến chuyện người ta sẽ xây dựng tính trung tâm này một cách chủ quan như thế nào, với mối nguy thực sự là họ dễ bị thuyết phục về “chân lý” và “các giá trị” của mình. Trong cuộc tìm kiếm này, và thực tế đã xác nhận nó, một lần nữa chúng ta có nguy cơ rơi vào một thứ chủ nghĩa chủ quan thực sự về đạo đức vốn làm tổn hại nghiêm trọng bản tính xã hội của con người. Đây chính là mối nguy hiểm thực sự. Đó là sự lặp lại của tội nguyên tổ: con người từ chối nhìn nhận bản chất thụ tạo của mình và tự lừa dối mình là người tạo dựng chính mình (x. St 3,5), từ chối chấp nhận khách quan tính (oggettività) của một bản tính được Thiên Chúa tạo dựng với những quy luật riêng và nhu cầu nội tại của bản tính ấy, bất khả biến trừ khi chúng ta tìm được một bản tính khác và quên lời cảnh báo của ngôn sứ Isaia: “Khốn thay kẻ chỉ là mảnh sành giữa đồ sành đồ gốm mà lại muốn tranh cãi với Đấng nặn ra mình! Đất sét mà dám nói với thợ nhào nặn mình: ‘Ông làm cái gì vậy? Tác phẩm của ông làm không khéo tay!’” (Is 45,9 và Gr 18,6).

Trên thực tế, những tác động có hại và có sức tàn phá mà chúng ta nhận thấy ở mọi cấp độ và trong mọi môi trường xã hội, không khởi đi nhiều từ chủ nghĩa đa nguyên về đạo đức và tôn giáo, nhưng từ một thứ chủ thể tính cá nhân được quan niệm là tuyệt đối và vô hạn, đến độ trở thành chủ nghĩa chủ quan về đạo đức, một thứ chủ nghĩa giam hãm chính nó, làm hư hỏng hoặc ăn mòn mọi mối quan hệ. Do đó, chúng ta nhanh chóng đi tới chỗ biện minh cho một điều phi lý: con người, một hữu thể hữu hạn, lại đòi có quyền tự do vô hạn! Vì thế, nếu khẳng định tính trung tâm của con người, vị thế hàng đầu của nó, thì chúng ta cũng phải xem xét điều này có thể đưa tới điều gì, đặc biệt khi nó không được trình bày một cách chính xác hoặc vì chúng ta không tính đến việc làm thế nào để đa số mọi người có thể chấp nhận nó. Tính trung tâm này của con người có thể dẫn đến thực tế là mỗi cá nhân xây dựng trong chủ thể tính nội tại của mình một sự tìm kiếm và chọn lựa nào đó về mặt đạo đức, theo cách hoàn toàn tự quy chiếu về mình mà không cần tham chiếu đến chân lý khách quan (dù ở cấp độ lý trí hay đức tin). Do đó, đến cuối cùng, mỗi người sẽ tự “tạo ra” chân lý và quyết định điều gì là đúng và điều gì là sai, điều gì là phải và điều gì là trái, điều gì là tốt và điều gì là xấu, điều gì là hợp pháp và điều gì là tùy tiện. Và vì tinh thần con người sống trong thời gian, nên chân lý mà nó tạo ra sẽ thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh, do đó, cần phải khẳng định vị thế hàng đầu của chủ nghĩa tương đối, và nhất là vị thế hàng đầu của chủ nghĩa lịch sử.

Trên thực tế, ngày nay ý tưởng về chân lý đã được thay thế bằng ý tưởng về sự thay đổi, tiến bộ, đồng thuận, ước muốn, tình cảm, và cảm xúc. Niềm tin chắc chắn rằng con người không thể đạt tới chân lý, chân lý thì khách quan và không thể tránh khỏi việc nó trở thành một thuật ngữ để so sánh, thực tế đã dẫn đến việc, ở mọi cấp độ, thiếu chú ý đến nội dung cũng như sai lầm nghiêm trọng trong việc xem xét mọi thứ trong cuộc sống chỉ theo sự hoạt động máy móc và hình thức bề ngoài. Nền văn hóa chiếm ưu thế của ngày nay không ngừng cố gắng thuyết phục chúng ta rằng, lương tâm không gì khác hơn là một thứ chủ nghĩa chủ quan (soggettivismo), còn chân lý thì biến thành chủ nghĩa tương đối (relativismo) thực sự, cốt để đương đầu với những hậu quả cuối cùng của chủ nghĩa cơ yếu (fondamentalismo) và những xung đột không thể tránh khỏi mà nó tạo ra. Do đó, chủ đề về lương tâm luân lý, hơn bao giờ hết, là chủ đề dễ bị hiểu lầm, xuyên tạc đến mức biếm họa trong thực tế, và lợi dụng nó để phục vụ cho ý thức hệ.

Trong nền văn hóa đương đại, nơi mọi thứ ngày càng có xu hướng trở nên “chủ quan” hơn, theo nghĩa sự tự do lựa chọn được hiểu là một điều gì tuyệt đối (= tôi chỉ làm những gì tôi muốn, những gì tôi cảm nhận, những gì tôi khao khát, những gì mang lại cho tôi “dễ chịu”, mà quên rằng điều ấy khác với điều thiện thực sự: “ma túy” chắc hẳn mang lại cảm giác dễ chịu trong một thời điểm nhất định, nhưng liệu nó có phải là điều thiện cho người dùng nó không?), chúng ta cần ghi nhớ và hiểu rằng, “chủ thể” là sự biểu hiện của một người có bản tính được ban cho chứ không phải tự mình tạo ra dù trong bất cứ trường hợp nào, với tất cả các đặc tính và nhu cầu thiết yếu của nó nhưng không chấp nhận “chủ nghĩa chủ quan”, trừ khi các cá nhân và cộng đồng chấp nhận trả giá cao để có được thứ chủ nghĩa chủ quan đó. Nói cách khác, cần phải nhấn mạnh rằng, mỗi người không phải và không thể trở thành “luật cho chính mình”, đồng thời họ cũng không thể hành động với những khát vọng vô hạn và tuyệt đối vốn trái với quyền lợi của người khác, khép kín bản thân khỏi người khác như thể thực sự là một “đơn tử” (monade). Vì thế, vấn đề thực sự của ngày nay không phải là tái khẳng định tính trung tâm của con người, nhưng là việc chúng ta phải tự vấn: làm thế nào chúng ta có thể theo đuổi và vun trồng chủ thể tính của một người theo cách thực sự tôn trọng phẩm giá của người đó và của người khác?

Kết luận: với vị thánh ở Fontebranda


Chắc hẳn chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi của mình trong giáo huấn mà Chúa đã mặc khải cho thánh Catarina, và qua thánh nữ, cũng là mặc khải cho chúng ta. Câu trả lời nằm ở chân lý giản đơn nhưng hùng hồn và có sức hướng dẫn, được người viết tiểu sử đầu tiên của thánh nữ ghi lại: “Con là hư không; còn Ta là Đấng Hằng Hữu”.[1] Đây là chân lý mà chúng ta tìm thấy trong Cựu ước và Tân ước (Xh 3,14; Ga 18,6). Chúng ta hiện hữu vì được Thiên Chúa kêu gọi bước vào sự hiện hữu và trao cho chúng ta một dự án phải hoàn thành, ban cho chúng ta những công cụ cần thiết để thực hiện nó; và đó là lý do thánh Phaolô Tông đồ mời gọi chúng ta tự vấn: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1 Cr 4,7). Vì vậy, nếu không có Người, chúng ta không thể làm gì được (Ga 15,5). Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, đều là món quà của Thiên Chúa, Đấng duy trì sự hiện hữu của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để hành động trong mọi khoảnh khắc: Bạn là hư không và mọi thứ đều là ân huệ đến từ Thiên Chúa, và chúng ta chỉ thực sự sống khi mỗi người sống “…với những ân huệ đã nhận được, để phục vụ người khác, như những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10). Hãy nhớ rằng, những người quản lý phải có lòng trung thành (x. 1 Cr 4,2). Chúng ta hãy suy niệm những chân lý sâu sắc này và hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh Catarina, ban cho mỗi người sức mạnh để thực thi những chân lý ấy trong cuộc sống hằng ngày, ngõ hầu các mối quan hệ hỗ tương của chúng ta có thể phù hợp với bản tính đã được ban cho chúng ta, nhờ đó chúng ta cũng xứng đáng hơn với địa vị của một nhân vị, và không bị lây nhiễm bởi cơn mê sảng của sự toàn năng vốn chỉ gây ra xung đột và cuối cùng trở thành một chủ nghĩa vị kỷ cô độc, nghiệt ngã mà không một nỗ lực nào của con người có thể giúp vượt qua được. Xét vì quả là chúng ta có thể làm nhiều việc, nhưng không phải mọi thứ đều có ích cho thiện hảo đích thực của chúng ta (1 Cr 10,23), và trên hết, không có sự “thay thế” hoặc “đền bù” nào có thể bóp nghẹt ơn gọi hướng tới Tình yêu đích thực của chúng ta. “Ai có tai thì nghe!” (Mc 4,23).

Vương cung thánh đường Catarina, Siena, ngày 28 tháng Tám năm 2023
Lễ kính thánh Augustinô

【Bruno Esposito, O.P.
【Chuyển ngữ: Nguyễn Long Quân, op.

[1] Raimondo di Capua, S. Caterina da Siena, Siena 1978, Lib. I, Cap. X, p. 105.
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url