Sinh lực của đời sống Đa Minh
1. Thách đố nào của thế giới hôm nay?
1.1 Thách đố về “lượng tính”
Sau 30 năm đất nước đi vào kinh tế thị trường, Giáo hội cũng như các dòng tu tại Việt Nam mới bắt đầu nếm cảm sự đe dọa của trào lưu tục hóa. Dù sao đó cũng là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa dành cho Giáo hội Việt Nam, nếu chúng ta so sánh với tình hình Giáo hội tại những nước Đông Âu và Tây phương nói chung. Nhưng có lẽ Thiên Chúa không muốn mãi bao bọc nâng niu đứa con kém may mắn vì vận nước đen đủi; Ngài muốn Giáo hội Việt Nam bước vào thế giới hiện đại như một người trưởng thành…
Trong 30 năm được hưởng một chút văn hóa kinh tế thị trường, Giáo hội Việt Nam có điều kiện để xây dựng lại cả vật chất và tinh thần. Những cơ ngơi hạ tầng cơ sở đã tạm ổn định, phép tắc để xây nhà thờ, mở chủng viện, đặt những cơ sở tôn giáo, trung tâm đào tạo của các dòng tụ… đã không còn mấy khó khăn; mối tương quan với Giáo hội toàn cầu đã dễ dàng, việc gửi người đi du học hoặc những chương trình hội thảo, hội nghị, giao lưu văn hóa,… cũng có thể thực hiện được…
Sau 30 năm… rồi những khó khăn trong nội bộ bắt đầu hiển lộ rõ ràng hơn: thiếu ơn gọi, thiếu sinh lực sống, những lủng củng về quyền bính, những xi-căng-đan luân lý, những cung cách ứng xử chướng kỳ … Tạm gọi chung những thách đố bên ngoài là trào lưu thế tục hóa; nhưng thật ra trào lưu thế tục hóa chỉ là cơ hội làm lộ diện những bất ổn trong chính nội bộ của đời sống Giáo hội nói chung và các dòng tu nói riêng. Thước đo xã hội học về tình trạng gọi là khủng hoảng gồm trong hai yếu tố chính: sự thay đổi và khả năng chống đỡ. Đó là sự khủng hoảng do sự tác động lượng tính mà người ta có thể “đo đếm được”. Sự khủng hoảng trong cách nhìn triết học lại là sự sai lệch giữa “siêu hình” và “luân lý”, nghĩa là sự sai lệch giữa những giá trị nền tảng với những biểu hiện cụ thể trong cuộc sống. Đây là khủng hoảng về chính ý nghĩa, khủng hoảng về “lý do hiện hữu”.
Người dân trong một quốc gia kém phát triển thì chỉ thấy nhu cầu cơm áo. Nhưng một khi đã đủ ăn đủ mặc, người ta mới lại nhận ra những nhu cầu cao hơn, khát vọng được tự do di lại, tự do tư tưởng, tự do lập hội… Cũng thế, nếu những quan tâm của Giáo hội trước đây nhằm để đòi được sống thì bây giờ lại là lúc cần phải nhận ra thách đố của ý nghĩa, thách đố của lý do hiện hữu trong chính cấu trúc và dáng dấp của mình. Đây là thách đố về phẩm tính.
1.2 Thách đố về phẩm tính
1.2.1 Văn hoá nhanh và sự đa dạng chuyên ngành
Thế giới hiện đại đang diễn ra như một cuộc chạy đua. Người ta đã từng nói sự tiến bộ của một năm trong thế kỷ XX bằng mười năm trong những thế kỷ trước. Đến thế kỷ XXI của chúng ta, sự tiến bộ lại càng nhanh hơn và nhanh hơn nữa…
Hiện nay, thứ văn hoá nhanh ấy đã thấm nhập vào hầu hết các quốc gia trên thế giới và đến mọi giai tầng xã hội. Văn hoá nhanh làm biến đổi mọi sinh hoạt xã hội bên ngoài cũng như chi phối sâu xa đến tâm thức bên trong của con người.
Văn hoá nhanh thúc bách con người phải chạy và không ai có thể dừng lại hoặc phản kháng mà không bị bầm dập te tua. Người ta luôn phải thăng tiến và luôn phải bảo vệ vị thế của mình; người ta chẳng thể yên ổn với cuộc sống hiện tại vì bao mối đe doạ hiển hiện trên từng lãnh vực: không tiến tức là lùi, không tiến bộ sẽ bị kẻ khác qua mặt và loại bỏ, không tiến bộ sẽ có nguy cơ mất hết cả những gì mình đã đạt được…. Trẻ con cũng chạy đua, người lớn cũng chạy đua, người người cùng chạy đua… Ngày nay, không còn chuyện “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Người ta có nhiều cơ hội để đổi đời, nhưng khát vọng đổi đời cũng xô đẩy biết bao người vào vòng xoáy nghiệt ngã. Cuộc chạy đua thăng tiến ấy ra như không bao giờ đủ và vì thế, lòng người cũng chẳng thể yên… Con người ngày nay luôn sống trong tâm trạng “bài toán cuộc đời chưa có đáp số”.
Thêm vào đó, nếu cuộc khủng hoảng văn hóa nhanh nằm ở chiều kích “lịch đại” thì sự đa dạng chuyên ngành lại tạo nên một sự khoảng hoảng mang tính “đồng đại”. Thế giới càng phát triển thì càng phải có sự phân chia đa ngành và càng phải tạo nên những con người chuyên môn. Ở thế kỷ XX, cuộc cạnh tranh giữa văn hóa Âu châu và văn hóa Mỹ vẫn còn là một chín một mười. Khi ấy, nền văn hóa Âu châu vẫn còn muốn đào tạo những con người toàn diện, vừa có khả năng chuyên môn nghề nghiệp, nhưng lại vừa được phát triển để sống phong phú chính bản thân của mình. Nền văn hóa Mỹ thì thúc đẩy tiến trình chuyên môn hóa đến độ có những vị “tiến sĩ lốp xe”[1], vì ngoài lốp xe ra, anh ta không còn biết đến chuyện gì khác. Từ những thập niên cuối thế kỷ XX cho đến thế kỷ XXI này, văn hóa Mỹ đã thống trị thế giới. Vấn đề này, ở Việt Nam, lộ rõ trong các “trường chuyên lớp chọn”, được vận hành như một “trường luyện gà” cho những cuộc thi… Vấn đề ấy cũng đã được bàn cãi râm ran trên mạng xã hội,… nhưng thật không dễ gì chống lại được dòng chảy mãnh liệt của thế giới…
Với những biến động như thế, trong tâm thức con người hiện đại, khuynh hướng thích nghi trở thành một yêu cầu bức thiết; người ta cần phải thích nghi và không ngừng thích nghi, thích nghi đến độ dễ dàng bỏ quên nhiều giá trị tinh thần căn bản và thân thương trong tâm hồn. Nhu cầu thích ứng bên ngoài trở nên quan trọng hơn là nhu cầu sống an hòa với chính mình ở bên trong và trung tín sáng tạo đối với truyền thống. Một khi người ta chỉ thấy nhu cầu thích nghi, nghĩa là giải quyết vấn đề trước mắt, là đối phó “theo thời vụ” chứ không phải là tìm giải quyết tận căn bản của vấn đề. Thích nghi là điều hợp pháp và cần thiết, nhưng một khi “nguyên lý thích nghi” phá vỡ “nguyên lý toàn vẹn” thì người ta đi tới lập trường chống lại chân lý ở tận gốc rễ nguyên lý, chẳng hạn lập trường “vô độc bất trượng phu”, mục đích biện minh cho phương tiện, vẫn ngấm ngầm chi phối các quyết định quan trọng tại Trung Quốc, mà thí dụ điển hình nhất của thời hiện đại là lựa chọn của Đặng Tiểu Bình trong vụ Thiên An Môn[2].
Cuộc sống “chạy” quá nhanh, nên người ta không còn cảm nhận được chính niềm vui của cuộc sống. Cuộc sống “chạy” quá nhanh nên người ta không còn đọng lại một giá trị nhân bản, hoặc một ý nghĩa thân thương, hay một một giá trị “thiêng liêng” nào cho tâm hồn mình. Đức Gioan Phaolô II nói: “Quả thực, người ta không thể chối được là, thời kỳ của thay đổi mau lẹ và phức tạp này đã làm cho những thế hệ trẻ phải cảm thấy mất những điểm tựa chính thức”[3].
Cuộc sống có quá nhiều lãnh vực nên người ta càng ngày càng xa rời các nguyên lý căn bản. Giới trẻ biết quá nhiều chuyện nên cũng chẳng còn có nổi một cái nhìn toàn diện về ý nghĩa cuộc đời của mình. Trong mỗi lãnh vực, nhu cầu thích nghi, những kỹ năng chụp giật trở nên quan trọng hơn thần thái, … Người ta nói mọi vấn đề đều diễn tiến như một quả lắc đong đưa giữa “trung tâm” và “ngoại biên”, và quả thật thế giới hiện nay đang nằm ở “nhịp ngoại biên” mà không biết bao giờ mới trở lại “nhịp trung tâm”.
Chúng ta cũng nhận ra rằng bầu khí chung của thế giới và xã hội như thế cũng đang bao trùm cả những hoạt động của Giáo hội Việt Nam…
1.2.2 Tình trạng mất căn tính
Tình trạng mất căn tính của xã hội diễn ra trong rất nhiều lãnh vực: sự đảo lộn giữa cái là và cái có; giữa an cư và lạc nghiệp; giữa giá trị tuyệt đối và tương đối, giữa phẩm giá và chức năng; giữa phẩm tính và hiệu năng; giữa bên trong và bên ngoài[4]…
Và chúng ta cũng thấy tình trạng mất căn tính diễn ra trong đời sống Giáo hội nói chung và các dòng tu nói riêng, đó là tình trạng đảo lộn giữa “trung tâm” và “ngoại biên”, hoặc nói theo kiểu bóng gió, đó là sự đảo ngược giữa “chân tu” và “đầu tu”. Một cách cụ thể, ta thấy hầu hết các trung tâm đào tạo trong Giáo hội Việt Nam đều phải áp dụng phương thức tạo áp lực để các thành viên của mình có thể tham gia vào cuộc chạy đua trong nền văn hóa nhanh, nhằm đạt được hiệu năng trong “nghề tu”…
Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa là phải chọn giải pháp trở lại với “thế giới cũ”, kêu than về sự tiến bộ lệch lạc, chọn phương cách “quát nạt những con trâu già” để buộc trâu già phải đi nhanh cho kịp máy cày… Hơn lúc nào hết, trước sự khủng hoảng từ nền văn hóa nhanh và văn hóa đa dạng chuyên ngành, con người hiện nay có nhu cầu tìm lại một chỗ đứng vững chắc. Những khuynh hướng “bảo căn” hay chủ nghĩa “cơ yếu” (fondamentalisme), những hình thức đa dạng và đôi khi kỳ dị của nhiều tín ngưỡng mới cũng nẩy sinh ào ạt…, đó chính là những phản ứng cho thấy con người muốn tìm lại được một căn tính vững vàng hơn… Nói chung, trong triết học, từ giữa thế kỷ XX, con người cảm nhận được sự vô nghĩa và phi lý của cuộc sống hiện đại, và những câu hỏi căn bản, cổ xưa nhất lại trở thành nóng bỏng: Con người là gì? Cuộc sống có ý nghĩa nào không?...
Đặt vấn đề trong khung cảnh ấy, ta mới thấy rõ căn nguyên của những khủng hoảng và nhận ra điểm mấu chốt trong phương cách giải gỡ. Có lẽ mấu chốt của vấn đề là phải tìm lại được cấu trúc toàn vẹn và nắm chắc được những gì là nguyên lý. Chỉ khi đó người ta mới xác định được “lý do hiện hữu” và tìm lại được nguồn sinh lực trong thế giới ngổn ngang hời hợt này.
2. Cấu trúc toàn vẹn và nguyên lý sinh động
Nếu cấu trúc toàn vẹn của cuộc sống con người phải gồm chứa đủ “ba cuốn sách”: sách của Chúa, sách của tư tưởng con người và sách của thực tại; nếu bộ môn triết học tôn giáo khẳng định cuộc sống con người chỉ có thể quân bình khi dung hòa được ba yếu tố: tôn giáo, triết học và điều kiện sống; nếu bước đi chân chính của con người phải dựa trên “Đức Tin - Lý trí Triết học – Lý trí Khoa học” như đức Gioan Phaolô II trình bày trong thông điệp Đức Tin và Lý trí,…. thì có lẽ cấu trúc toàn vẹn của một dòng tu là ba khía cạnh tương đương: “đặc sủng – linh đạo – hoạt động”; và nguyên lý tạo nên sức sống của một dòng tu chính là mối liên kết sống động, phong phú giữa những khía cạnh ấy.
2.1 “Sinh vật dị dạng”
Hầu hết các tôn giáo, các nền thần học cũng như triết học đều đi vào kết cục trở nên “đầu đẹp – đít dị dạng”. Những nhà sáng lập thường đã khởi đầu sứ điệp với một cảm thức chân thật của một lương tri ngay thẳng. Lương tri ngay thẳng ấy đã nhận ra và phản ứng lại cái “đít dị dạng” của những học thuyết đi trước và muốn đề ra một giải pháp chân thật hơn. Nhưng rồi, có khi chính nhà sáng lập hoặc có khi các “hậu sinh khả ố” đã tìm đủ mọi lý sự để triển khai cái trực giác tinh tuyền ban đầu, bằng cách tạo nên một hệ thống “lý sự cùn” đầy những thứ méo mó, dị dạng, có khi là kinh dị hoặc quái dị nữa. Đó là cám dỗ chung luôn có trong lịch sử nhân loại.
Ngay trong Giáo hội, người ta cũng thấy hiện tượng thay đổi từ một “mô thức ơn cứu độ” trở thành “mô thức tín điều”[5]. Điều này cũng giống như việc học lịch sử triết học mà chỉ thấy các giải đáp của triết gia mà không nhận ra thách đố nào đã khiến các triết gia đưa ra giải pháp của mình. Việc học lịch sử triết học mà không đi lại quá trình từ thách đố đến giải pháp dễ kiến người ta chết dí trong những giải pháp đã xong, rơi vào tình trạng giáo điều, và không có khả năng khai mở những giải pháp khác… Trong các dòng tu, người ta luôn thấy có hiện tượng các “hậu sinh” chỉ giữ lấy phần đuôi và làm nên hình hài của sinh vật kỳ dị, “hậu sinh” lo làm những điều giống như Đấng Sáng Lập đã làm mà không còn thấy ý nghĩa đích thực, không còn thấy giá trị giải thoát của thuở ban đầu… Có lẽ chính vì thế mà vào thế kỷ XX, người ta mới hiểu ra “đổi mới là về nguồn”…
Thực tế, một khi chỉ tập trung vào phần đuôi của sự sống, người ta sẽ đánh mất lý do hiện hữu của “cái là” mà chỉ giản lược ơn gọi và sứ mệnh của mình vào “cái có”; người ta sẽ chỉ nghĩ làm sao tìm được một công việc, chỉ tìm thấy niềm vui khi có một vị trí danh giá trong công việc, chỉ thấy công việc của mình thành công khi có kết quả rõ ràng…. Những điều này luôn bấp bênh theo thời cuộc và cũng có thể bị mất đi hoàn toàn, bởi vì chúng thuộc lãnh vực “cái có” .
Người ta nói rằng một bác sĩ dở thì giết chết vài người, nhà giáo dục sai lạc thì giết chết cả một thế hệ…; nhưng triết học mà sai lầm thì giết chết nhiều thế hệ. “Nghề tư tưởng” thực sự là lãnh vực nguy hiểm nhất trong đời sống nhân loại. Tội ghê gớm nhất chính là “tội triết học”, vì nó tạo ra những tên “quỉ bố”, tạo ra những học thuyết nguy hiểm được khoác lớp áo cứu độ, những “quả bom bọc đường” có sức công phá vô cùng mãnh liệt, so với những thứ “quỉ con” chỉ cám dỗ về hành vi luân lý và “quỉ mẹ” nhằm che mờ lương tâm. Những triết học sai lầm chính là những hệ thống đã cắt đứt mối tương quan sống động với thế giới bên trên hoặc là biến tôn giáo thành một công cụ chính trị. Một nền khoa học không được hướng dẫn do triết học và tôn giáo chân chính thì sẽ kềm kẹp con người trong gọng kềm của tất yếu luận, và đưa đẩy con người thành sinh vật hưởng thụ thuần túy, như tình hình của xã hội Tây phương vào thế kỷ XIX… Đó là những hình thức của “đít dị dạng”…
Một dòng tu đảm nhận sứ mạng giáo dục mà các thành viên hậu sinh lại không thấy được những hệ quả đau thương của tình trạng thiếu giáo dục thì sẽ chỉ tìm thăng tiến trong phương thức dạy học và sẽ dễ đi tới tình trạng giáo dục ưu tuyển; một dòng tu “được đặc biệt kêu gọi để vun trồng khuynh hướng của con người là tìm chân lý” (HP 77,II) nhưng lại không thấy những khủng hoảng chân lý lan tràn[6] thì khó tìm được lý do hiện hữu cho công việc, khó tìm được sức mạnh của ơn gọi và sứ mệnh, khó lòng khám phá ra được những lãnh vực sứ vụ mới đang kêu mời,… và sẽ dễ trở thành những người “lao động trí thức”[7] thuần túy…
2.2 “Sinh vật duyên dáng”
“Cái dáng” của một sự sống không phải là “cái vẻ” hời hợt bấp bênh theo dòng đời, nhưng là nét duyên của cấu trúc toàn vẹn, mang lại “cái hồn”, “cái thần” của sự sống chân thật…
“Sinh vật duyên dáng” là người có một sự sống duy nhất và toàn diện, có khả năng thâu hóa những yếu tố khác vào chính sự sống của mình và trổ sinh hóa trái chứ không phải đặt chúng bên cạnh nhau. “Sinh vật duyên dáng” biểu lộ nét “toàn thể” có khả năng làm nổi bật giá trị riêng của từng thành phần, chứ không phải chỉ làm nên cái “tổng số”, bằng cách biến những thành phần trở nên những đơn vị đồng nhất và cộng các đơn vị lại để thành nên cái “tổng số”. Thí dụ cụ thể là nhiều bạn trẻ ngày nay có số lượng kiến thức vượt trội hơn các thế hệ đi trước trong cùng độ tuổi, thế nhưng số kiến thức vượt trội ấy lại chỉ là “những đống gạch ngoài sân” chứ không có một cấu trúc, không có được hình hài nào cả.
Đối với đức Tin Kitô giáo, nét duyên ấy chỉ có thể tỏ lộ khi đời sống thực sự được thấm nhuần trong ơn gọi và sứ mạng của Chúa dành cho mình, khi bản chất của ơn gọi và sứ mạng ấy mang lại niềm thú vị trong tâm hồn và được diễn tả ra như một sự sống luôn phong phú vô tận…
Quả thật, cấu trúc “tôn giáo-triết học-khoa học” làm nên dáng đi căn bản của thân phận con người. Cũng vậy, cấu trúc “đặc sủng-linh đạo-hoạt động” vẫn luôn phải là dáng đi căn bản của một hội dòng cũng như phải là dáng đi của mỗi một thành viên trong cộng đoàn. Mỗi người đều phải đi lại cuộc hành trình của Đấng sáng lập, khởi đi từ đặc sủng, tìm lại ý nghĩa của linh đạo và thể hiện trong hoạt động của mình. Không ai được quyền đi tắt về ngang.
Một đặc sủng vẫn còn được Thiên Chúa nuôi dưỡng thì chắc chắn vẫn luôn khai mở được vô vàn ý nghĩa phong phú trong tâm hồn, và vẫn luôn có khả năng sáng tạo để tìm thấy những chân trời sứ mệnh mới ngay trong nếp sống cụ thể hiện tại của mình.
3. Sinh Lực của đời sống Đa Minh
Trong những biến động của thế giới hiện đại, không ít những ông bố bà mẹ tưởng rằng mình sinh con và dưỡng dục con cái giống như ông bà mình ngày xưa là được… và đã phải lãnh nhận những hậu quả đau thương về con cái. Có quá nhiều những thách đố mới đối với đời sống đức Tin Kitô giáo Việt Nam, nhất là khi bước vào nền kinh tế thị trường, nhưng các đấng bậc hình như vẫn chưa có được một chiến lược toàn diện và vững bền nào cả.
Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam cũng đang sống trong bối cảnh chung của thế giới và đất nước Việt Nam, và cũng đang phải đối diện với những thách đố gay gắt… Đã chín mùi đủ chưa để tỉnh hội 2023 này dám nhìn nhận thẳng vào sự thật và dám đề ra những chiến lược cần thiết?
3.1 Nhìn lại cội nguồn ơn gọi và sứ mạng Đa Minh
Những biến động của thế kỷ XIII vừa tạo nên một sự tiến triển về nhiều mặt như đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu học hành gia tăng, sự giao lưu “toàn cầu” trở thành phổ biến, phong trào “di dân” ồ ạt từ thôn quê lên đô thị…, nhưng đồng thời cũng làm lộ ra những nỗi cùng khốn của những người nghèo, sự bơ vơ của những người không được hướng dẫn về đạo lý…
Đối diện với nội tình của Giáo hội và được gợi hứng từ phương cách của anh em lạc giáo vào thế kỷ XIII, thánh Đa Minh nhận ra nhu cầu tìm lại lối sống của các tông đồ. Lối sống này không còn được hiểu như là sự từ bỏ như các ẩn sĩ, hoặc sự từ bỏ trong tình huynh đệ như các đan sĩ, nhưng là sự ra đi rao giảng Tin Mừng.
Thánh Đa Minh thành lập Dòng như một thể chế và đây là một thể chế nối tiếp truyền thống của Giáo hội để có được sự vững vàng bền bỉ, nhưng không coi nề nếp tu trì như chuẩn mực để hoàn thiện bản thân, mà là một nếp sống linh động để vừa nuôi dưỡng được tinh thần trở về với Tin Mừng, lại vừa có khả năng lắng nghe được tiếng kêu than của thời đại.
Cha Regamey[8] tóm lại “cấu trúc” của Dòng trong ba yếu tố: nền nếp tu trì - tinh thần Tin mừng - và sự nhạy bén với nhu cầu của con người thời đại. Ba yếu tố này mang “dáng dấp” của đời sống các tông đồ[9], nghĩa là vừa thể hiện một sư trung tín với Tin Mừng, vừa là một ngọn lửa thôi thúc lên đường loan báo ơn cứu độ.
Có phải không chính đời sống đúng đắn theo cấu trúc và dáng dấp ấy đã làm nên một thời kỳ đầy sinh lực của Dòng trong những thế kỷ đầu tiên? và sự lệch lạc nào đó trong cấu trúc và dáng dấp đã làm cho hình tượng của người Đa Minh trở nên như “những con chó săn trong Giáo hội”?[10]
3.2 Sinh lực đời sống Đa Minh
Sinh lực của đời sống Đa Minh nằm ở chỗ tìm lại nối kết được những yếu tố căn bản:
- 00. Một nề nếp tu trì mở, đúng với linh đạo quản trị Đa Minh.
- 01. Qua “dự án cộng đoàn”, cộng đoàn giúp nhau liên tục tìm lại tinh thần Tin Mừng,
- 02. Cùng nhau lắng nghe được nhu cầu thời đại và thực hiện “tác vụ Lời” một cách chân chính.
+ Linh đạo quản trị Đa Minh hướng tới một “nề nếp tu trì mở”, nghĩa là không lấy chính chuẩn mực của mình làm mục tiêu (được đánh số 00), nhưng nối kết được đời sống cộng đoàn và sứ vụ, chiều dọc và chiều ngang, cá nhân và cộng đoàn… nhất là có khả năng nuôi dưỡng và triển khai một đời sống cộng đoàn hướng tới mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (Sống Ba lời Khuyên Tin Mừng) và nhằm tới sứ vụ ngôn sứ cho thế giới…
+ Đời sống cộng đoàn Đa Minh được chung đúc lại trong “propositum của thánh Đa Minh”, nghĩa là một “dự án cộng đoàn như một câu chuyện”. Đây không phải chỉ là những buổi họp để lên kế hoạch chung, nhưng là tìm về tận nguồn của những kế hoạch chung, từ những câu chuyện huynh đệ hằng ngày. Một dự án cộng đoàn như thế, theo cha B. Cadoré, nguyên bề trên tổng quyền, có khả năng vừa đưa chúng ta về tận nguồn của “ký ức Tin Mừng” vừa mở ra với thế giới…
+ Đón nhận được nhu cầu thời đại, khám phá nét phong phú vô tận của chân lý, thực hiện được việc “giảng thuyết thích hợp Lời Mạc Khải”… Điều này được tóm lại trong “tác vụ Lời”, nghĩa là nhờ Lời Chúa trong chiêm niệm để phân tích và biến cải thực tại. Lối nói “tác vụ Lời” cho thấy đây là một thứ “văn hóa động từ” nhằm một vận hành của ơn cứu độ chứ không phải là “văn hóa danh từ” chỉ để nhằm xác định được bản chất của thực tại mà thôi…
Tạm kết
Nếu quả thật sinh lực của đời sống Đa Minh được khởi đi từ linh đạo quản trị mở, hướng tới một dự phóng cộng đoàn phong phú và một sứ vụ chân thật của tác vụ Lời, thì Tỉnh hội 2023 cần phải đề ra được những chiến lược mang tính toàn diện, chẳng hạn:
- Cần phải có sự quan tâm nhiều hơn tới tinh thần Dòng, không chỉ là một bộ môn trong năm tập, nhưng cần có thêm những hình thức khác để tiếp lửa cho toàn bộ đời sống Đa Minh.
- Thật ra chiều sâu của quản trị Đa minh không là gì khác hơn một nền quản trị mang tính Tin Mừng, và chính thể chế ấy đã cung cấp cho thánh Đa Minh cũng như những anh em tiên khởi một nền tảng để sống “như những con người của Tin Mừng”. Ta có dám đặt vấn đề tại sao trong lối sống và lời giảng của chúng ta hiện nay chưa thấy có tính Tin Mừng không!
- Hình thành được một thứ “văn hóa phòng hội” để vừa củng cố tình huynh đệ chiều ngang như tinh thần Đa Minh, vừa giúp nhau làm sống động “ký ức Tin Mừng” trong tâm hồn mỗi người.
- Các môn học trong thời gian đào tạo hoặc nội dung của chương trình thường-huấn cần có những chuyên mục giúp anh em thường xuyên nhận ra tính cấp bách của ơn gọi “vun trồng khuynh hướng con người là tìm chân lý” (HP. 77, II) trong xã hội và thế giới hôm nay.
- Nhờ sự đối thoại thông thoáng và hữu ích, các cộng đoàn, nhất là các giáo xứ Dòng, cần đồng thuận với nhau và công bố một nội dung cụ thể, theo từng mùa Phụng vụ, như sứ điệp của “lời giảng cộng đoàn” đối với xã hội và Giáo hội.
Sinh Nhật Đức Maria 08-09-2023
【Nguyễn Trọng Viễn, OP.】
[1] Lời của một giáo sư dạy về “Civilisation francaise” mà tôi được học, nhưng không nhớ lại được tên giáo sư.
[2] Trong vụ thảm sát Thiên An Môn 1989, một viên tướng đã nói với Đặng Tiểu Bình điều này: "Giết 200 ngàn người sẽ mang lại cho chúng ta 20 năm ổn định".
[3] Gioan Phaolô II, Thông điệp Đức Tin và Lý trí, số 6.
[4] X. Nguyễn Trọng Viễn, Ảnh hưởng của Xã hội trên người trẻ, báo Logos 7.
[5] X. J. Ratzinger, Đức Tin Kitô giáo, Hôm qua và Hôm nay, bản dịch của Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam. NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2009, trang 355-356.
[6] Thật sự ngày nay có quá nhiều những tên “quỉ bố” đang “cười vào mũi” nhưng “môn sinh chân lý”.
[7] Theo cách phân biệt được nhiều người chấp nhận hiện nay (trừ ra cách hiểu của một số “nhà trí thức XHCN”, nhất là những “nhà trí thức XHCNVN sau biến cố Nhân Văn Giai Phẩm): người “trí thức” là người, qua kiến thức chuyên môn của mình, khám phá những vấn đề xã hội và đảm nhận trách nhiệm đánh thức xã hội như một kẻ sĩ; người “lao động trí thức” là người đóng khung kiến thức trong nghề chuyên môn, dửng dưng với trách nhiệm xã hội, và có nguy cơ trở thành công cụ cho những thế lực chính trị, kinh tế…. Người ta cũng nhận ra “người trí thức” là người đi tìm cái toàn thể, khao khát chân lý, trong khi “người lao động trí thức” bị coi người thoái thác trách nhiệm… X. Paul Alexandre Baran, Thế nào là người trí thức?, người dịch: Phạm Trọng Luật, tri-thuc-la-ai-4416071.
[8] Pie Régamey, O.P. Linh Đạo Đa Minh, bản photo, không rõ nhà xuất bản.
[9] HPNT IV: “khi tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta cũng nhận lấy nếp sống của các Tông Đồ theo thể thức đã được thánh Đa Minh cưu mang…”
[10] Người ta đặt ra từ “Dominicani” hoặc “Domini-canes” để nhạo báng anh em Đa Minh, X. Phan Tấn Thành, Tìm Hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2013, tr. 23-24.