▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Những con người của Tin Mừng: Sứ mạng Đa Minh trong thế giới hiện đại

Trong suốt hơn 800 năm hiện diện trong dòng lịch sử, truyền thống Đa Minh đã tỏ lộ một năng lực tìm chân lý, nhất là ở những khúc quanh quan trọng của lịch sử. Chẳng hạn, vào thế kỷ XIII, đường lối của thánh Tôma xuất hiện như một giải pháp mới mẻ trong cơn khủng hoảng chân lý giữa hai khuynh hướng duy linh và duy vật. Vào thế kỷ XVI, trong sự nhiễu nhương của một thế giới mới do phong trào thực dân của những đế quốc Tây phương gây nên, nhà thần học Francisco de Victoria đưa ra giải đáp về quyền sở hữu của con người, và Bartolomeo de Las Casas đấu tranh để giải phóng người nô lệ dựa trên nhân quyền. Vào thế kỷ XIX, khi mà vấn đề chân lý của Kinh Thánh bị lung lay tận gốc do khuynh hướng muốn áp dụng phương pháp giải thích thuần tuý khoa học của trào lưu khoa học thực nghiệm, các cha anh trong trường Kinh Thánh Giêrusalem đã là những người tiên phong trong Giáo hội Công giáo dám đối diện thẳng thắn với thách thức đó một cách can đảm…

1. “Gia sản” của Dòng


Trong suốt hơn 800 năm hiện diện trong dòng lịch sử, truyền thống Đa Minh đã tỏ lộ một năng lực tìm chân lý, nhất là ở những khúc quanh quan trọng của lịch sử. Chẳng hạn, vào thế kỷ XIII, đường lối của thánh Tôma xuất hiện như một giải pháp mới mẻ trong cơn khủng hoảng chân lý giữa hai khuynh hướng duy linh và duy vật. Vào thế kỷ XVI, trong sự nhiễu nhương của một thế giới mới do phong trào thực dân của những đế quốc Tây phương gây nên, nhà thần học Francisco de Victoria đưa ra giải đáp về quyền sở hữu của con người, và Bartolomeo de Las Casas đấu tranh để giải phóng người nô lệ dựa trên nhân quyền. Vào thế kỷ XIX, khi mà vấn đề chân lý của Kinh Thánh bị lung lay tận gốc do khuynh hướng muốn áp dụng phương pháp giải thích thuần tuý khoa học của trào lưu khoa học thực nghiệm, các cha anh trong trường Kinh Thánh Giêrusalem đã là những người tiên phong trong Giáo hội Công giáo dám đối diện thẳng thắn với thách thức đó một cách can đảm…

Năng lực tìm kiếm chân lý như thế chắc chắn không phải là chuyện tình cờ, hay chỉ là tài năng của cá nhân, nhưng còn là hoa trái từ một thể chế và thái độ tinh thần trong truyền thống của Dòng. Ngay từ khởi đầu, tinh thần của cha Đa Minh đã là thái độ dám nhìn lại một cách can đảm về thực trạng của đời sống Giáo hội và dám chấp nhận những điều tốt đẹp của anh em lạc giáo… Trong nếp sống của thể chế Đa Minh, những phẩm tính như tinh thần tự do, dân chủ, tinh thần Tin Mừng, trao đổi cộng đoàn, sứ vụ ngôn sứ… đã và đang nhào nặn nên vóc dáng Đa Minh như những người đi tìm chân lý.

Gia sản của Dòng chắn chắn là những thành tựu do cha anh chung ta đã để lại, những học thuyết và những giải pháp, nhưng điều có lẽ còn quý báu hơn và căn bản hơn, đó chính là sự phong phú xuất phát từ một thế chế và những đường nét tinh thần đã đưa đẩy các cha anh trên hành trình tìm chân lý. Một sự trung tín đích thực không phải chỉ là gìn giữ kỹ càng, tỉ mỉ những thành quả đã xong của cha anh, nhưng căn bản hơn chính là trung tín với một thế chế đúng đắn của Dòng và sống những đường nét tinh thần vẫn luôn chảy ngầm trong dòng truyền thống của Dòng. Chính đường nét ấy đã giúp các cha anh mạnh dạn lên đường tìm kiếm chân lý, thẳng thắn đối diện với thách đố của thời đại, sáng tạo cách nhìn mới mẻ, táo bạo và chân thực. … 

Thể chế nào và tinh thần nào đã, đang chảy ngầm trong đời sống Đa Minh? Ta thử khám phá lại thứ “Gia Sản của các gia sản” ấy để có thể đảm nhận được sứ mạng Đa minh trước thế giới hiện đại.

2. Ngụp lặn trong tính toàn thể


Có lẽ không có dòng tu nào “tham lam” như Dòng Đa Minh trong cấu trúc của đời sống. Đời sống Đa Minh vừa bao gồm cả nếp sống chiêm niệm vừa mở ra cho hoạt động tông đồ; sáu yếu tố căn bản của Dòng bao gồm hầu hết những yếu tố căn bản của sự sống Kitô giáo. Phải chăng cũng chính vì cấu trúc đời sống bao gồm nhiều khía cạnh như thế nên, từ trong lý thuyết, người Đa Minh khó xác định được linh đạo của mình, và trong thực tế, nhiều tu sĩ Đa Minh không biểu lộ rõ một lối sống đặc trưng nào cả. Linh đạo Đa minh vốn mang tính chất “bàng bạc” hay “tổng quát” thế nào đó, khó mà xác định rõ ràng được.

Thật ra, tính chất bàng bạc hoặc tổng quát như thế khiến người tu sĩ Đa Minh như thể ngụp lặn trong “tính toàn thể”. Nói là “ngụp lặn” là bởi vì người Đa Minh cũng thường không dễ chu toàn một cách sít sao sáu yếu tố căn bản của Dòng; và ngược lại, một người nào quá chăm chú tỉ mỉ vào chỉ duy một hoặc vài yếu tố nào đó thì lại dễ đánh mất nét uyển chuyển tinh tế, đánh mất nét duyên của một sự hài hoà đích thực. Chính vì thế mà thánh Đa Minh đã phải tuyên bố Luật Dòng không buộc thành tội (Xc.HPNT VI) và đã dự trù điều khoản chuẩn chước…

Và nói ngụp lặn trong “tính toàn thể”, là bởi chính sự tham lam trong cấu trúc đời sống Đa Minh đặt người tu sĩ Đa Minh phải thường xuyên so chiếu và kín múc ý nghĩa với những khía cạnh căn bản của sự sống Kitô giáo. Mỗi một yếu tố, tự nó, đã gồm chứa cả một chân trời huyền nhiệm; nhưng chính mối tương tác giữa các yếu tố ấy thường dễ khai mở những cửa ngõ để mở ra chân trời huyền nhiệm một cách phong phú. “Trò chơi” của đời sống Đa minh không giống với cách chơi bài cào, xác định đáp số trong việc cộng những con số của lá bài; cũng không giống với lối chơi xì-dách, mà kết quả nằm trong khả năng dám liều cho một lựa chọn nào đó. Trò chơi của đời sống Đa minh giống hơn với lối chơi xập xám, trong đó mỗi người cần có khả năng tìm và thử những cách binh bài khác nhau và luôn có thể thay đổi để khám phá một tổng hợp tốt hơn… Nếu mỗi linh đạo đều là hoa trái từ dòng nhựa sống của Thần Khí, thì “linh đạo Đa minh” lại giống như thái độ cứ rập rình ở chính dòng nhựa sống ấy hơn là đã định hình trong một thứ hoa, một loại trái nào đó.

3. Sức mạnh của “âm tính”


Có thể nói, cấu trúc đời sống Đa Minh không thuận lợi để dễ dàng xác định một thái độ, xác định một lối sống hoặc đưa ra mô mẫu linh đạo nào đó,… nhưng lại chính là môi trường thường xuyên mời gọi phải duyệt xét lại, thường xuyên tìm lại một cấu trúc thật hơn, căn bản hơn, đúng đắn hơn nhờ ánh sáng của những thách đố mới theo thời đại. Một cấu trúc mở ta với tính toàn thể giúp người tu sĩ Đa Minh bớt nguy cơ rơi vào thái độ thái độ giáo điều, thái độ bảo hoàng hơn vua, thái độ cuồng tín,… Một cấu trúc tham lam như thế quả thật là cấu trúc nhằm nuôi dưỡng “linh đạo tìm chân lý”, đó là thứ “linh đạo” chấp nhận tình trạng chưa hoàn thành, thứ linh đạo của lòng khao khát, thứ “linh đạo âm tính”…

Nếp sống của người Đa Minh, trong đời sống hằng ngày, đã mang dáng dấp của một cuộc đối thoại, và đó là cuộc đối thoại mở, một cuộc đối thoại trong tinh thần tôn trọng và lắng nghe. Các vấn đề của cuộc sống, của xã hội hay Giáo hội, của phận người muôn thuở hay của đời sống đức Tin... được khơi lên một cách thông thoáng trong những cuộc trao đổi bình đẳng; được thông chuyển qua lại với nhau trong một chiều ngang thông thoáng; và những vấn đề ấy, bình thường, cũng không được giải quyết dứt khoát do một biện pháp cụ thể nào, chẳng hạn từ bề trên… Đời sống Đa Minh, trong hệ quả thực tế, tự nó, đã tạo nên một thái độ tôn trọng và lắng nghe trên hành trình đi tìm chân lý. Bầu khí tôn trọng và lắng nghe đưa đời sống cộng đoàn vào một cuộc đối thoại mở và tạo nên bầu khí “âm tính”, có một sức hút mãnh liệt đối với chân lý…

Bầu khí tôn trọng và lắng nghe như thế sẽ đặt đời sống cộng đoàn vào thái độ cùng nhau đi lại hành trình tìm kiếm, nghĩa là chấp nhận đứng vào đúng “đẳng cấp” của thân phận con người, đẳng cấp của “doxa” (ý kiến) chứ không phải rơi vào ảo tưởng đứng ở đẳng cấp “aletheia” (chân lý). Quả thật, nhìn vào đời sống Đa minh, ta không thể không liên tưởng đến vận mạng của thành phố Athens vào khoảng thế kỷ V tcn, nơi đầu tiên áp dụng thể chế dân chủ, nơi tạo điều kiện cho những tranh luận đa chiều, nơi mà người ta đồng thuận với nhau về thái độ triết học, triết học không còn là sự nắm bắt sự khôn ngoan của thần thánh (sophia) nhưng chỉ là lòng yêu mến chân lý (philo – sophia). Phép lạ Hy Lạp đã được tạo nên khi mà người ta không còn chấp nhận thứ “chân lý ăn sẵn” nơi thần thánh hoặc nơi quyền lực của quân vương, nhưng dám khởi đi từ những ý kiến bập bẹ của chính người dân tự do. 

4. Tìm lại thứ ‘phẩm tính siêu hình’


Đứng trước một sự kiện xã hội, có người chỉ thấy đó hoàn toàn là một sự kiện đơn lẻ và sẽ đưa ra những nhận xét hoặc đề nghị một giải pháp cụ thể để giải quyết. Nhưng đứng trước chính sự kiện ấy, người thứ hai lại có thể nhìn thấy một “vấn đề xã hội” sâu xa hơn mà sự kiện ấy chỉ là một hiện tượng bùng phát, người ấy đã bắt đầu liên kết nhiều sự kiện với nhau, tìm ra giá trị tư tưởng nào đang chi phối ở tầng sâu đời sống tinh thần trong xã hội ấy. Đó là cách thức muốn khám phá thứ “phẩm tính luân lý” ở mức độ phổ quát hơn,. Nhưng sâu xa hơn, người thứ ba lại có thể khám phá, không phải thứ phẩm tính luân lý của một xã hội cụ thể, trong một không gian và thời gian cụ thể, nhưng là thứ phẩm tính dính dáng tới thách đố muôn thuở của phận người. Người thứ ba này đã đụng tới vấn đề thuộc “phẩm tính siêu hình” của sự kiện, đã đặt vấn đề từ góc nhìn mang tính triết học chứ không phải chỉ dừng lại ở mức độ xã hội học hoặc tâm lý học.

Thật ra, hầu hết những “sự kiện” lẻ tẻ đều gắn liền với “vấn đề”; và các vấn đề thì dính dáng đến “thách đố muôn thuở của phận người”. Một khi triết lý về con người bị lệch lạc, sẽ nẩy sinh vấn đề và sẽ lây lan thành những sự kiện. Ở tầng sâu của thách đố muôn thuở, ở tầng sâu của triết lý, ta hiểu được tầm quan trọng của chân lý.

Chính ở tầng sâu này, người ta có thể khám phá ra một thứ khủng hoảng chân lý chứ không phải chỉ là khủng hoảng xã hội hoặc chỉ là khủng hoảng tâm trạng của một con người đặc thù. Chỉ khi nhận ra khủng hoảng ở tầng chân lý thì người ta mới có thể “làm triết học” hay “làm thần học” chứ không phải chỉ nghiên cứu hay giảng dạy triết học và thần học.

Làm sao có thể lặn tới tầng siêu hình của thế giới?

Đoạn dẫn nhập Tin Mừng Gioan cho chúng ta biết: Thiên Chúa sáng tạo mọi sự trong Lời vĩnh cửu – Logos, nghĩa là mọi sự đều có thứ “hình ảnh Ngôi Lời”, có liên hệ với Ngôi Lời trong chính cội nguồn, trong cấu trúc căn bản của nó. Cấu trúc Lời trong thế giới bị tội lỗi làm biến dạng, trật tự vũ trụ bị đảo lộn. Ngôi Lời Nhập Thể, là chính bản thân đức Giêsu không phá huỷ thế giới “thiên nhiên” ấy, cũng không phải sáng tạo một điều gì hoàn toàn mới, nhưng giống như một chương trình cao cấp có khả năng đón nhận, sửa đổi, và nâng cấp và hoàn thành cấu trúc của Lời trong vũ trụ. Chân lý Kito giáo là đức Giêsu Kitô, và chỉ trong sự giao tiếp với Ngài, vũ trụ, con người mới có thể tìm được căn tính, phục hồi chân lý và thành toàn trong vận mạng của mình. Sứ điệp đức Giêsu Kitô đón nhận, thanh lọc, nâng cấp và hoàn bị chính những gì đã được ghi dấu trong bản tính tự nhiên của thế giới và con người, mọi nơi mọi thời…

Đường lối ấy không là gì khác hơn châm ngôn vàng của thánh Tôma: “ân sủng không phá hủy nhưng kiện toàn bản tính tự nhiên" (ST I,q.1,a.8,ad 2). Kitô giáo chắc chắn không phải chỉ là một học thuyết luân lý, nhưng sâu xa hơn phải là một nẻo đường “siêu hình” nhằm giải quyết toàn diện thân phận con người mà xác tín của đức Tin Kitô giáo tìm thấy trong sự hoà hợp căn bản giữa Logos Vĩnh Cửu và Logos Nhập Thể.

Nếu trở lại những đường nét tinh thần trong đời sống Đa minh, chúng ta sẽ nhận ra một yếu tố xuyên suốt: sự tôn trọng. Tôn trọng thực tại nghĩa là không dễ dàng áp đặt lối suy nghĩ hay kế hoạch hành động của mình lên thực tại; không bẻ quặt vấn đề, nhưng có khả năng lắng nghe, thấu cảm và đồng hành… Tôn trọng ai đó, nghĩa là thiết lập người ấy như một chủ thể chứ không phải như một đối tượng. Chỉ có thái độ tôn trọng tha nhân như một chủ thể mới có thể vận hành được một cuộc đối thoại liên chủ thể. Đó mới là cuộc đối thoại mở và phong phú. Thái độ tôn trọng con người và tôn trọng thực tại có thể giúp ta khám phá ra ngay trong chính thực tại hình ảnh “logos Vĩnh Cửu” đã được Thiên Chúa ghi dấu và có một sự hoà hợp căn bản với Tin Mừng đức Giêsu Kitô, là “Logos Nhập Thể”.

Yếu tố tôn trọng, ta có thể thấy khá rõ trong thái độ của thánh tổ phụ, trong Hiến Pháp, trong lập trường của thánh Tôma, cũng như trong truyền thống Dòng thể hiện trong đời sống các thánh Dòng và đời sống của chính chúng ta cho đến hiện nay. Thánh Đa Minh đã tôn trọng chính những anh em lạc giáo để khám phá những giá trị tích cực và không ngại bắt chước những điều ấy. Ấn dấu của thánh Đa Minh để lại trong Hiến Pháp cũng rõ ràng: muốn anh em giữ luật như con cái như không như nô lệ, tôn trọng thiên tư riêng, mãn chương trình đào tạo hiến định, anh em được kể là người trưởng thành (x. HPNT VI). Học thuyết thánh Tôma, tiếp nối tư tưởng của triết gia Aristote, vẫn mang đường nét chính yếu là thái độ tôn trọng thực tại, …

Thái độ tôn trọng thực tại chính là tìm ra chân thiện mỹ nơi chính địa tầng của thế giới tự nhiên, chứ không phải đưa những lý tưởng tốt đẹp ở “tầng trời cao xa” của “ý giới” để áp đặt trên thực tại. Chính thái độ ấy có thể dẫn dắt để tìm ra được phẩm tính siêu hình như là nền tảng sâu xa nhất của thực tại.

Mặt khác, ta cũng có thể thấy thái độ lặn xuống nền tảng của thực tại cũng nhờ tới thứ “lương tri cội nguồn” (synderesis) mà chỉ khi mỗi cá nhân được tôn trọng thì người ta mới có thể trở về được.

5. Chọn lựa sứ vụ ngôn sứ

5.1 Sứ vụ ngôn sứ trong dòng lịch sử


Khác với các tôn giáo khác, truyền thống Do Thái Kitô giáo là tôn giáo của lịch sử. Do đó, ngôn sứ luôn là những người gắn bó với vận mạng dân tộc. Dĩ nhiên, ngôn sứ là những người nói và hành sử nhân danh Thiên Chúa nên chắc chắn phải có đời sống thân tình với Chúa; nhưng đồng thời ngôn sứ cũng là những người dấn thân vào trong dòng lịch sử của dân tộc và sống hết mình với biến cố, với vận mạng dân tộc. Không có ngôn sứ ở những nơi “không có vấn đề”; không có ngôn sứ nơi những người dửng dưng với cuộc đời, không có ngôn sứ nơi những ai không tha thiết, không có tâm huyết với cuộc đời.... 

Ta cũng thấy, để nói lên ý nghĩa của lịch sử cứu độ, thường các ngôn sứ phải trăn trở, phải đau khổ và thường phải hy sinh cả mạng sống của mình. Cuộc đời của ngôn sứ như bãi chiến trường nơi mà hai thế lực đấu tranh, giằng co gay gắt nhất. Ngôn sứ là người loan báo ý định của Thiên Chúa và cũng là người lãnh đủ những phản ứng của dân chúng, lãnh đủ những khó khăn trong cuộc đối thoại đầy kịch tính giữa con người và Thiên Chúa. Cái bi kịch đó, Đức Giêsu, một ngôn sứ đích thực hơn hết mọi ngôn sứ, cũng đã đóng trọn vẹn.

Sự "hình thành" vai trò ngôn sứ không "thuần túy" là những mệnh lệnh từ trời xuống, nhưng phát xuất từ chính hoàn cảnh cụ thể. Ngôn sứ không phải là cái máy để Chúa nói những điều mà chính ông cũng không thấy gì là quan trọng, không cảm nhận được giá trị của sứ vụ. Không! Ngôn sứ là người cưu mang những tranh chấp trong hoàn cảnh sống của mình; Thiên Chúa cũng kêu gọi ngôn sứ từ trong hoàn cảnh đó, và sau khi đã tỏ bày ý định của Ngài một cách nào đó, Ngài lại gởi vị ngôn sứ về quê hương của mình.

Ngôn sứ là những người luôn tố cáo những kẻ thờ phượng một vị thần nào khác với Thiên Chúa; luôn chống đối những chính thể bao che cho bất công; luôn phản đối những chính sách chính trị không theo chương trình của Thiên Chúa. Ngôn sứ là những người luôn đối lập với những kẻ chỉ biết thi hành những nghi tiết mà không có tâm tình; biết làm tỏ lộ giá trị tinh thần trong chữ viết, biết phát giác ra thực tại siêu nhiên dưới mọi dáng vẻ bên ngoài.

Hiến Pháp Nền Tảng nói:

“Được trở nên những cộng tác viên của hàng giám mục qua việc truyền chức linh mục, chúng ta có phận vụ ngôn sứ là nhiệm vụ riêng” (HPNT V)

Ơn gọi Đa minh là chọn lựa sứ vụ ngôn sứ, và sứ vụ ấy luôn khởi đi từ một thái độ thiết tha với vận mạng của con người. Sứ mạng ấy không thể không mời gọi người tu sĩ Đa minh mở mắt ra trước thế giới, chăm chú vào những vấn đề của con người và khám phá ra những chân lý của thực tại.

5.2 Ngôn sứ Sự thật


Khi người ta hỏi điều gì lôi kéo con người sâu xa nhất, Thánh Âu Tinh trả lời: “Có điều gì linh hồn ao ước mãnh liệt cho bằng chân lý”[1].

Khát vọng chân lý ở đây không phải chỉ là đáp án cho một thắc mắc của lý trí, là một bài toán cân bằng (adaequatio), nhưng còn là khát vọng được sống đúng chân tính của bản thân. Đó là một “chân lý hiện sinh”. Hơn nữa, tự căn bản, truyền thống Do Thái Kito giáo vốn khao khát thứ chân lý cứu độ trong dòng lịch sử, đó là khao khát Đấng Mêsia là Đấng duy nhất có thể thực hiện ơn cứu độ cho con người.

Thật ra, thách đố của lịch sử ơn cứu độ không phải là thách đố như một cuộc chiến giữa thần này với thần kia, hoặc như thách đố của niềm tin độc thần với niềm tin đa thần, nhưng thiết yếu là thách đố: đâu là vị Thiên Chúa thật và đâu là những thần giả (không phải là thần thánh gì cả). Đó là thách đố về chân lý. Các ngôn sứ lớn trong lịch sử ơn cứu độ đã nỗ lực chống lại các thần giả để công bố một nẻo đường sống cho Dân. Các ngôn sứ công bố một vị Thiên Chúa của chân lý (aletheia), nghĩa là một vị Thiên Chúa có thật và là Thiên Chúa duy nhất.

Chân lý Kitô giáo chính là Đức Giêsu và chân Lý ấy được tỏ lộ trong sự tiếp cận với Người, để con người được sống tự do chân thật, để ta được thật là chính ta. Theo ý nghĩa ấy, chúng ta hiểu rõ hơn khẳng định của đức Giêsu “Chân Lý sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,31),

Như thế, Chân lý Kitô Gíao là lãnh vực của đức tin. Đức Tin là hành trình khám phá Lời, khám phá chân lý ẩn tầng trong vũ trụ và trong đời sống con người. Theo ĐGH Benedicto XVI, Tin là vượt qua lối nhìn thực nghiệm (duy vật) để nhận ra trong sự vật có một cấu trúc ý nghĩa, đó là “tinh thần khách thể”. Điều đó cho thấy trong tất cả mọi sự vật có ẩn dấu một huyền nhiệm. Lối nhìn thực nghiệm giống như ta ngắm một cây hoa giả, ta chỉ thấy vẻ đẹp bên ngoài của nó đụng đến giác quan, nhưng không có một điều gì ẩn chứa bên trong. Khi vượt qua lối nhìn thực nghiệm, người ta có thể khám phá dấn ấn của Lời, giống như ta ngắm nhìn một cây thật, gồm chứa một qui luật sống mà ta cần khám phá, cần tôn trọng như một “huyền nhiệm”. Lối nhìn này sẽ dẫn đưa tâm trí ta tới một thứ “Tinh Thần Chủ Thể”. “Ai đã làm ra nó?”, câu hỏi đó sẽ dẫn đến chân lý đức Tin: Chính Chúa là chủ thể của thế giới và con người...

Trong ánh sáng đức tin, vũ trụ và thế giới con người được Thiên Chúa mời gọi bước ra từ hư vô, bước vào vận hành hướng tới mọi sự được thành toàn trong Thiên Chúa. Hành trình ấy cũng là một cuộc chiến chống lại sự trì trệ, lệch lạc, hư hoại của sự ác. Hành trình ấy được soi sáng và dẫn dắt nhờ Thiên Chúa, đặc biệt qua các ngôn sứ mà Ngôn Sứ vĩ đại nhất chính là Đức Giêsu Kitô.

Bản chất của đời sống đức Tin không phải là một thái độ khiên cưỡng, áp bức thực tại, áp bức cuộc sống. Ngược lại, một khi gạt bỏ được ảnh hưởng của tội lỗi, con người sẽ cảm nhận những gì là Chúa sẽ rất am hợp với ta, đáp ứng khát vọng sâu xa trong tâm hồn của mình; nhận ra Chúa là cùng đích, là quê hương của chúng ta. Những gì ở gần Chúa sẽ tìm được sự an hòa, bởi vì nối vào được nguồn cội của sự sống, và sự sống chính là tình yêu, là ánh sáng cuộc đời, là chân lý.

Trong vũ trụ đã có “chân lý”. Chân lý được Thiên Chúa gieo vào thế giới, đó là bóng dáng Ngôi Lời Vĩnh Cửu và Ngôi Lời Nhập Thể sẽ thanh lọc thế giới bị hư hoại để hoàn tất vận mạng của toàn thể vũ trụ. Tầm nhìn ấy sẽ giúp con người vượt qua ảnh hưởng của tác động “tương tác thực nghiệm” và đưa ta vào hành trình khám phá ấn dấu của Lời.

Đức tin giúp chúng ta đặt mình vào chương trình của Thiên Chúa và sống cách chân chính. Chân Lý Kitô Gíao là tìm được sự an hòa giữa chân lý đức Tin và khát vọng hữu thể. Thái độ Tin có chiều hướng đảm nhận chứ không trốn tránh, có chiều hướng an hoà chứ không phải khiên cưỡng. Đó là sự sống tâm linh dễ thương chứ không phải thứ “đạo đức đáng kính (sợ)”; là sống chan hoà, vui tươi, chứ không phải là sự gồng mình lên để chịu đựng.

Sứ mạng Đa Minh đưa ta vào nẻo đường chân lý cứu như thế đó:

“Nhờ học hành, anh em nghiền ngẫm sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa và chuẩn bị phục vụ Hội Thánh và mọi người về phương diện đạo lý; hơn nữa, cần phải chuyên tâm học hỏi, vì theo truyền thống của Dòng, anh em được kêu gọi để vun trồng khuynh hướng của con người là tìm chân lý”[2]

5.3 Ngôn sứ Đa Minh và Tác vụ Lời


Chân lý Kitô giáo chỉ tỏ lộ trong sư “giao thoa” giữa Ngôi Lời Vĩnh Cửu và Ngôi Lời Nhập Thể, nên cũng có thể nói chân lý Kitô giáo chỉ có thể được tỏ lộ trong Tác vụ lời. Trọng tâm sứ vụ Đa minh là tác vụ Lời. Sứ vụ giảng thuyết Đa minh nhằm mang Lời Chúa soi sáng cho thực tại, và nhờ ân huệ Thánh Thần để biến đổi những gì do nỗ lực của con người trở thành sức mạnh của Thần Khí và biến đổi thế giới.

Từ ngữ “Tác vụ Lời” cho thấy đây không phải chỉ là việc nghiên cứu Thánh Kinh, nhưng là để cho Lời thể hiện sức mạnh như một sứ vụ. Tạm nói Lời ở đây được đặt trong nền “văn hóa động từ” chứ không phải nền “văn hóa danh từ”[3] . Cách dùng ấy cũng phần nào đáp ứng được quan niệm của Hiến chế Tín lý về Mặc Khải, theo đó, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài bằng Lời ngỏ và bằng Hành động[4].

Làm sao để thi hành “Tác vụ Lời”?

Lối giảng thuyết phổ biến hiện nay thường là biến Lời Chúa trở thành một giáo huấn luân lý, rồi áp dụng giáo huấn ấy vào hoàn cảnh cụ thể của con người hiện đại và cuối cùng là kêu gọi nỗ lực, quyết tâm của người nghe. Sơ đồ ấy có nguy cơ đánh mất yếu tố tinh túy nhất của truyền thống Do thái Kitô giáo, là mối tương quan ngã vị; do đó kéo theo nguy cơ biến Kitô giáo thành đạo luân lý, đạo dạy người ta ăn ngay ở lành chứ không còn là đạo cứu độ.

Nếu trở lại với Hiến chế Tín lý về Mạc Khải, sơ đồ giảng thuyết phải là: Lời Chúa công bố như lời ngỏ và hành động của chính Chúa với ai đó như ngã vị. Lời ngỏ và hành động ấy trở nên như một chứng tá để người nói và người nghe Lời Chúa hôm nay khám phá ra chính Chúa đang ngỏ lời và hành động cho chính mình. Theo cách này, người giảng thuyết cần trở lại với chính kinh nghiệm thật của mình, lắng nghe Lời Chúa để nhận ra kinh nghiệm ấy như là kinh nghiệm đức Tin và làm chứng về kinh nghiệm ấy[5]. Chính qua nẻo đường kinh nghiệm người mà người giảng thuyết đến với Lời một cách chân thật và cũng quan kinh nghiệm người mà người giảng thuyết làm cho “bản tính của chính con người được biểu lộ” (HP 99) và mới có được “nét giảng thuyết thích hợp với Lời Mạc khải”. Chính qua nẻo đường chứng tá của con người toàn diện chứ không phải nẻo đường lý trí thuần túy mà người giảng thuyết làm cho Lời thể hiện tác vụ soi sáng và biến đổi trần thế.

Nơi số 99 Hiến Pháp, khi nói về tác vụ Lời, ta thấy có ba triệt; trong đó, triệt thứ ba nói về tư cách của nhà giảng thuyết, là điều luôn luôn cần thiết; hai triệt đầu diễn tả hai chiều kích, tạm gọi là “về nguồn” và “điểm nóng”. Triệt một là chiều kích về nguồn với đường nét “Tinh thần Tin Mừng và đạo lý vững chắc; triệt hai là điểm nóng với đường nét giảng thuyết thích hợp Lời mặc khải, “nhận ra Thần Khí đang hoạt động giữa dân Thiên Chúa, và phân biệt những kho tàng ẩn giấu nơi các hình thức khác nhau của nền văn hóa nhân loại, qua đó bản tính của chính con người được biểu lộ cách đầy đủ hơn và những con đường mới dẫn tới chân lý được mở ra”.

Hình như não trạng chung của chúng ta bấy lâu nay thường để ý tới việc giảng thuyết có tính cách đạo lý vững chắc, còn tinh thần Tin Mừng như là một điều căn bản và là nét “đặc sắc” trong thời sơ khai của Dòng, để trở nên những những “con người của Tin Mừng” (HPNT II), thì không thấy bao nhiêu. Cũng thế, vế thứ hai trong triệt II là “điểm nóng” thì cũng khá mờ mịt, hòa lẫn trong một thứ não trạng chung của giáo hội Việt Nam, não trạng đạo thiêng liêng.

Có phải không lời giảng thuyết của chúng ta quá ít kinh nghiệm người, kinh nghiệm của chính mình cũng như kinh nghiệm về tha nhân trong hoàn cảnh hiện tại? Hai dòng tu hành khất, Phan Sinh và Đa Minh, lần đầu tiên trong Giáo hội, “bị” lối kéo vào nếp sống thành thị. Bằng một lối sống lê la với con người, tiếp xúc cụ thể và trực tiếp với những người nghèo và những người cùng khổ, hai vị đã khám phá lại chân tính Kitô giáo…

Tự điển bách khoa “Theo” mô tả linh đạo của thánh Đa Minh “xuất phát từ việc chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa và nỗi ưu tư về những người “tội lỗi”, ngài muốn chia sẻ với mọi anh em của mình việc khám phá sứ vụ về lòng thương xót của Chúa” [6].

Lời giảng thuyết của chúng ta vẫn chưa có đủ nétgiảng thuyết thích hợp Lời mặc khải”, chưa “mở rộng đón nhận đồng thời cả Thần Khí của Thiên Chúa lẫn tâm hồn của người đón nghe Lời” (Hp số 99, II), chưa khám phá những kho tàng “qua đó bản tính của chính con người được biểu lộ cách đầy đủ hơn và những con đường mới dẫn tới chân lý được mở ra”.

Tạm kết


Tinh thần ngôn sứ Đa minh mời gọi chúng ta khám phá dáng dấp của thế giới hiện đại và nhận ra đâu là sứ điệp Lời Chúa cho thế giới hôm nay. Hơn lúc nào hết, thế giới hiện đại hàm chứa quá nhiều lệch lạc và đang đưa đẩy nhân loại vào một chiều hướng hoàn toàn ngược với sứ điệp Tin Mừng, nhất là chiều hướng của chủ nghĩa ưu tuyển. 

Chính thái độ tôn trọng thực tại, khả năng khám phá địa tầng chân thiện mỹ sẽ có thể giúp người tu sĩ Đa minh dừng chân, thoát khỏi áp lực chạy đua của thế giới hiện đại và chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ trong thế giới hôm nay.

Nói chung, con người của thế giới hiện nay, thay vì phát triển bản thân mình một cách đúng đắn dựa trên căn tính của bản thân và của linh đạo trong tập thể mà mình gia nhập, thì lại được đưa vào một môi trường có nhiều đối kháng giả tạo, ngấm ngầm tạo nên những động lực phát triển do so sánh và canh tranh và phát triển một cách dị dạng.

Việc đào tạo anh em Đa Minh cũng như bầu khí chung của đời sống Đa minh Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong lãnh vực thi hành sứ vụ, hình như vẫn không thoát được ý thức so sánh và cạnh tranh… Chắc chắn đó là một động lực giả tạo và nguy hại. Làm thế nào để tìm được một động lực vừa chân chính vừa hữu hiệu cho việc đào tạo cũng như cho sứ vụ Đa minh trong thế giới và tại Việt Nam? 

Thiết nghĩ việc đào tạo anh em trong thời gian huấn luyện, cũng như việc nuôi dưỡng đời sống tu trì Đa minh cho những anh em khác qua việc thường huấn, chính là: tôn trọng mỗi cá nhân và tạo một bầu không khí đậm đặc về ý nghĩa của ơn gọi và sứ vụ Đa minh trong cộng đoàn. Động lực chân chính mang lại ý nghĩa cho ơn gọi và sứ mạng Đa minh chính là bắt mạch được cơn khát chân lý của con người, của thế giới hôm nay và của Giáo hội; chính là lắng nghe được tiếng kêu van khẩn nài của những con người “bơ vơ như đoàn chiên không có người chăn”; chính là tấm lòng thiết tha với “ơn cứu rỗi các linh hồn”…

Nguyễn Trọng Viễn op.
[1] In Johannis Evangelium, Tractatus, 26, 5: PL 35. 1609, Trích lại trong Tông Huấn Bí tích Tình Yêu của đức Benedicto XVI, s.2.
[2] Hiến Pháp 77, II
[3] Ngôn ngữ Do Thái vốn không có mấy danh từ trừu tượng. Để diễn tả một khái niệm trừu tượng, người ta dùng một loạt động từ cụ thể. Cũng thế, mối quan tâm của người Do Thái không phải chỉ là biết “Chúa là Ai”, nhưng luôn gắn liền ý nghĩa “Chúa làm gì”, đó là mối quan tâm đến lịch sử cứu độ chứ không phải quan tâm đến, dù chắc chắn không loại bỏ, tín lý thuần túy. Tạm gọi đó là “văn hóa động từ”, khác với mối quan tâm của người Hy Lạp, luôn muốn xác định bản chất của thực tại bằng một khái niệm trừu tượng, tạm gọi văn hóa Hy Lạp là “văn hóa danh từ”. Nền văn hóa Xê-mít như thế, trong não trạng con người hiện nay, cũng tỏ ra vượt quá tầm nhìn của người Hy Lạp, vì Thiên Chúa đi vào hành trình cứu độ con người theo quy chế hiện hữu của con người, quy chế của thời gian. Con người “là người” (triết học yếu tính) nhưng còn phải “làm người” (triết học hiện sinh); và “Thiên Chúa đã là” cũng là “Thiên Chúa sẽ là” trong một thái độ căn bản là lòng trung tín. Lòng trung tín của Thiên Chúa không thể phai lạt, vì Thiên Chúa không thể từ bỏ chính mình (x. 2 Tm 2,13). Để trọn vẹn hơn, ta cũng có thể nói tới một thứ “văn hóa tĩnh từ” khi mà người ta chẳng là gì mà cũng chẳng làm được gì, chỉ còn cách là tô vẽ mầu mè hoa lá bằng nhiều mỹ từ rỗng tuếch.
[4] X. Hiến chế Tín Lý về Mạc khải, số 2.
[5] Đường lối này khá giống với thứ “giải thích luận bản thể” theo khuynh hướng của Heidegger hoặc theo khuynh hướng dung hòa giữa chủ thể và khách thể như P. Ricoeur chứ không phải lối giải thích luận của Betty nhằm tôn trọng tuyệt đối ý nghĩa khách quan của bản văn…
[6] Théo, Nouvelle encyclopédie catholique Rédacteurer en chef: Michel Dubost, edition 1989, tra.757b
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url