Môi sinh của đời sống Đa Minh
1. Nhận diện thách đố của tinh thần Đa Minh
Cha Phan Tấn Thành có viết ở đâu đó rằng gien Đa Minh luôn đề cao tính khách quan. Đó là điều hợp lý, vì Dòng Đa Minh luôn muốn đi tìm chân lý và chân lý luôn dựa trên thực tại khách quan. Tuy nhiên, thái độ khách quan ấy không có nghĩa là bỏ quên hoặc coi nhẹ kinh nghiệm chủ quan. Tinh thần Đa Minh vốn có một sự tôn trọng đặc biệt với “tòa trong” như ta thấy trong lập trường rất rõ ràng và rất mạnh của thánh Đa Minh về việc “luật riêng của Dòng không buộc thành tội” (HPNT, VI). Truyền thống ấy thể hiện nơi thánh Tôma trong việc tôn trọng lương tâm, và còn ghi lại trong Hiếp Pháp số 55, triệt 1 :
“Phải căn cứ vào sự tổn thương đến công ích chứ đừng căn cứ vào tội đi kèm theo, nếu có, mà đo lường sự vi phạm”.
Hiến pháp số 281 cũng nhắc lại :
“Lề luật chúng ta và các chỉ thị của các bề trên không buộc thành tội, chỉ buộc chịu phạt, trừ khi vì lý do lệnh truyền chính thức hay vì khinh thường”
Dĩ nhiên đã có nhiều tranh luận và nhiều ý kiến khác nhau để giải thích chủ trương này[1], tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào chính lời Hiến Pháp Nền Tảng, số VI, nhắc lại tu luật của thánh Âu Tinh, để hiểu chủ trương này nhằm tới phẩm tính tự do trong đời sống nội tâm, theo cấu trúc đời sống đức Tin Tân Ước chứ không phải thái độ duy luật của thời Cựu Ước[2] :
“để anh em giữ luật “không như nô lệ dưới ách lề luật, nhưng như con cái trong ân sủng” (HPNT VI)
Hình như đây là điểm mấu chốt để chúng ta có thể nhận diện, phân tích hiện trạng của đời sống Đa Minh Việt Nam[3]. Biểu hiện cụ thể của vấn đề này có thể thấy trong cung cách tĩnh tâm của anh em Đa Minh. Việc giảng tĩnh tâm của anh em Đa Minh luôn là trình bày những chân lý khách quan và để lại việc đón nhận, suy gẫm và áp dụng những chân lý ấy cho cá nhân mỗi người. Thật sự truyền thống Đa Minh không có một “công nghệ cầu nguyện”, nghĩa là hướng dẫn chi tiết, “cầm tay” chỉ bảo cho từng người… nhưng để ngỏ việc gặp gỡ riêng tư của mỗi người với Chúa. Cung cách này có lợi điểm và khuyết điểm riêng. Nếu mỗi người tự mình tìm thấy được sự gặp gỡ riêng tư, thì sẽ khám phá ra nét độc đáo của bản thân mình trong tương quan với Chúa và điều quan trọng là cuộc gặp gỡ ấy có cơ may thoát khỏi những khuôn khổ tu đức có sẵn để đụng chạm đến được chân lý nhân sinh đích thực… Ngược lại, đối với những ai không có được sự sống mang tính chủ thể, thì cung cách Đa Minh như thế sẽ để lại một khoảng trống tâm linh trơ trụi hoặc sẽ tạo nên một sự sống tâm linh tạp nham như cỏ dại[4].
So sánh một chút đời sống tâm linh với cơ cấu kinh tế, ta thấy tinh thần Đa Minh không tạo nên môi sinh của nền kinh tế chỉ huy, được chỉ đạo và điều tiết sít sao; nhưng hình thành một môi sinh khá giống với nền kinh tế thị trường tự do, dám trao cho tư nhân việc khám phá nhu cầu thị trường và sáng tạo sản phẩm thích hợp.
So sánh một chút với việc giáo dục, ta thấy tinh thần Đa Minh giống như một trường đại học, tạo được những con người có thần thái dám vượt trên việc cung cấp những kiến thức đã ổn định của các lớp phổ thông, để khuyến khích mỗi người sinh viên đại học dám sáng tạo và đưa ra những giải pháp mới.
Cả trong hai lãnh vực kinh tế và giáo dục, ta đều thấy yếu tố quan trọng chính là sự trưởng thành của cá nhân, bản lãnh mang tính chủ thể… Nếu người dân trong kinh tế thị trường không có được một nền đạo đức cá nhân hướng dẫn thì sẽ tạo nên thứ “kinh tế thị trường hoang dã”, với quá nhiều sản phẩm giả và độc hại, với quá nhiều chiêu trò lừa đảo… như ta thấy hiển hiện tại Việt Nam và Trung Quốc. Nếu người sinh viên không có được sự trưởng thành, thì sự tự do ở đại học lại là duyên cớ cho sự lười nhác hoặc là học vẹt như lớp phổ thông, hoặc là giam hãm tư tưởng trong những khuôn khổ giáo điều…
Như thế, truyền thống đề cao tính khách quan biểu lộ tinh thần yêu mến chân lý, nhưng nếu đó là thứ “thuần túy khách quan”, thì chân lý ấy chỉ dừng lại ở tính lý thuyết, khuyến khích “văn hóa cãi vã” và làm thui chột tinh thần dấn thân.
Có lẽ dấu hiệu để ta có thể thẩm định phẩm tính của tinh thần Đa Minh, vừa yêu mến chân lý khách quan vừa tôn trọng “tòa trong” của mỗi người, đó là thái độ nhạy bén với “tội xét đoán”.
Việc nhận diện vấn đề, phân tích phải trái, là điều bình thường trong mọi tập thể, trong mọi xã hội. Nhưng người Kitô hữu sẽ phạm tội xét đoán khi dám suy diễn từ những chuyện bên ngoài để qui kết về thái độ bên trong của ai đó, dám nhảy vào lương tâm của ai đó một cách thô bạo… Những thứ tội xét đoán như thế đang tràn ngập trên mạng xã hội, cả trong lãnh vực đời sống Giáo hội… là một thực trạng đáng buồn, tiết lộ phẩm tính của thứ “đạo sinh hoạt” trong đời sống đức Tin tại Việt Nam… Tội xét đoán nẩy nở, đó là biểu hiện của khoảng trống nội tâm, sự lệch lạc trong đời sống tâm linh… Đây là thực trạng chung của văn hóa Á Châu và của người Việt Nam…
Bệnh xầm xì có hay không, có nhiều hay ít trong các cộng đoàn của chúng ta? Ta có thấy một khoảng trống tâm linh hoặc một sự sống tâm linh như cỏ dại trong đời sống anh em Đa Minh Việt Nam không[5]?
2. Tìm căn nguyên nơi vấn đề chủ thể tính
Văn hóa Ấn Độ, tinh thần Phật Giáo… rất đề cao sự sống nội tâm và đã tạo nên không ít những con người kiệt xuất. Nhưng đó là một thế giới nội tâm nhằm phủ định thế giới bên ngoài, và điều này những người bình thường và tầm thường, trẻ em cũng như giới trẻ khó có thể thực hành được… Mặt khác, văn hóa Trung Hoa, tinh thần Khổng giáo, cũng vẽ nên nhiều nét cao cả của chính nhân quân tử, nhưng lại ít làm rõ phẩm giá nền tảng của một hữu thể người đơn thuần. Có người nhận xét rằng cá nhân con người trong văn hóa Trung Hoa vẫn như một “bào thai” nằm trong cung lòng của một tổng thể thiên-địa-nhân… Cả hai truyền thống ấy, và có thể nói cả văn hóa Hy Lạp cũng như văn hóa La Tinh, không khuyến khích việc chân nhận quyền của cá nhân và phát triển cá nhân một cách trọn vẹn.
Một cách cụ thể, văn hóa ứng xử của người Việt Nam, từ trong gia đình, cho đến trường học, và tương quan xã hội, đều được hướng dẫn theo giá trị lễ giáo, thái độ vâng lời, cung cách nhường nhịn... nhiều hơn thái độ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… như một chủ thể.
Đời sống nội tâm Kitô giáo có một sự khác biệt về bản chất với truyền thống Á Châu. Đời sống nội tâm Kitô giáo nhằm củng cố thái độ sống như một chủ thể, có khả năng đón nhận thực tại và “đặt tên cho muôn vật” chứ không phải phủ định đơn thuần đối với thực tại hoặc hòa tan vào tổng thể xã hội. Đối với Kitô giáo, con người được Thiên Chúa trao sứ mạng khám phá và làm tỏ lộ chân lý của thực tại đã được Thiên Chúa ghi khắc. Tuy nhiên, đó không phải chỉ là một thứ trò chơi tìm mật thư, vì chân lý Thiên Chúa đặt trong thực tại không phải là một công thức cố định và đã hoàn thành, nhưng là một thứ chân lý có thể được triển nở phong phú nhờ khả năng sáng tạo mà chính Thiên Chúa ban cho con người. Một đức Giêsu lịch sử duy nhất nhưng lại được đón nhận trong kinh nghiệm đức Tin khác nhau qua bốn tác giả Tin Mừng, hoặc qua thánh Phaolô và thánh Phêrô… Sự phong phú ấy chẳng những không phá huỷ chân lý duy nhất khách quan, nhưng đúng là vận hành chân thực của sự sống, sao cho thực tại được chính con người nhân hoá và thánh hoá. Con người hiện diện trong thế giới không phải như một “chủ nhân” nhưng cũng không phải là “nô lệ”, mà là “quản gia” hoặc “tá điền”…
Sứ mạng ấy chỉ có thể có được khi con người có một thế giới nội tâm với những giá trị nhân bản và siêu nhiên chân thật, phong phú. Ngược lại, một khi bị lệch lạc trong giá trị, con người sẽ bóp méo thực tại, không tìm được ý nghĩa căn bản của thực tại và, hoặc rơi vào duy tâm, hoặc thường xuyên hơn, rơi vào thái độ duy-thực-tiễn, nghĩa là chỉ thấy những giá trị dính chặt vào mối tương tác thực nghiệm của thực tại thô. Một khi không được giáo dục những giá trị nhân bản đích thực, khi tính tập thể lấn át đời sống riêng tư, khi người ta không có hoặc thiếu hụt đời sống nội tâm, người ta dễ bị cuốn hút vào cái lợi ích, cái sung sướng bên ngoài. Không có đời sống nội tâm, con người dễ đánh mất khả năng phản tỉnh và cuộc sống chỉ là chạy theo những mục tiêu thực tiễn, thực dụng, theo từng vụ việc.
3. Tính chủ thể trong xã hội và thế giới hiện nay
Người ta mỉa mai rằng người Việt Nam đang “tiến bộ” bằng cách vượt qua thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt…để tiến tới thời kỳ “đồ giả”. Ta có thể thấy quá rõ tính chất “thị trường hoang dã” trong nền kinh tế Việt Nam, mà nguyên nhân sâu xa chính là sự thiếu hụt yếu tố “lương tâm nghề nghiệp”, hoặc nền đạo đức cá nhân; và sự thiếu hụt ấy hoặc vốn đã quá mỏng manh trong thời vận chiến tranh của đất nước, hoặc đã bị tiêu tan trong văn hóa tập thể thời bao cấp XHCN... Trong khi đó, giới lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo hình như vẫn chưa thấy phần trách nhiệm của Giáo hội đối với xã hội, vẫn coi người giáo dân như những con người chưa trưởng thành, cần phải dẫn dắt bằng luật pháp bên ngoài hơn là nỗ lực giáo dục một lương tâm trưởng thành bên trong (giống như lập trường của sách gọi là “Giáo huấn các Tông đồ” xuất hiện vào thế kỷ IV); và như thế là vô tình trở về với “cấu trúc đức Tin” của thời Cựu Ước, một đức Tin hoàn toàn qui chiếu vào lề luật, chưa có phần tác động của Thánh Thần, Đấng thánh hóa từ bên trong, để có được sự tự do của con cái Chúa[6].
Mặt khác, những tiến bộ mau lẹ của nền “văn minh 5.0”, nhất là sự phong phú đa dạng của mạng tin học toàn cầu, cùng với kỹ thuật trí khôn nhân tạo IA, đã làm thay đổi nhiều giá trị ưu tiên của xã hội cũ. Cụ thể, trong triết lý giáo dục, có ba yếu tố làm nên một con người có năng lực, đó là “thần thái” (Attitudes), “kiến thức” (Knowledge) và “kỹ năng” (Skills). Với đà tiến triển hiện nay, người ta không khó dự đoán yếu tố kỹ năng và kiến thức trở nên nhẹ nhàng, nhưng yếu tố thần thái lại càng trở nên yếu tố có tính quyết định. Thần thái giúp người ta có khả năng phân định giữa muốn ngàn giá trị và tạo nên một “dung môi” chân chính để kiến thức và kỹ năng có thể phát triển một cách đúng đắn.
4. Tinh thần Đa Minh và thái độ chân thật của người tín hữu
Về “thần thái” của anh em Đa Minh, chúng ta thấy những chỉ dẫn căn bản trong số VI của Hiến Pháp Nền Tảng, nơi đây chứa đựng những đường nét chính yếu về “Hình thái của Dòng”, hoặc cũng có thể nói là môi sinh của đời sống Đa Minh. Số Hiến pháp ấy khẳng định một sự tôn trọng “trách nhiệm và ân sủng riêng”, sau thời gian đào tạo hiến định thì “được kể như một người trưởng thành”, nhằm có thể sống “…cách khôn ngoan, “không như nô lệ dưới ách lề luật, mà như con cái trong ân sủng”…
Tin Mừng Luca mô tả thái độ của những “đất tốt” là : “Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8, 15). Rồi liền sau đó, Luca ghi nhận lời Chúa nhắc nhở về cách thức nghe : “Vậy, hãy để ý đến cách thức anh em nghe. Vì ai đã có thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất” (Lc 8, 18).
Ý nghĩa của “thần thái” hay “cách thức nghe” thực sự không phải chỉ là một kỹ thuật, một phương pháp thuần tuý, nhưng chính là hoa trái từ một thái độ trưởng thành biết xử lý và tìm kiếm chân tính của thực tại. Đó là cách thức lựa chọn của mỗi người trên nền tảng những chân lý khách quan gắn liền với phận người.
Người tu sĩ Đa Minh sống trong văn hóa Á Châu, cùng với những lề thói của người Việt và đối diện với thế giới hiện đại, chắc chắn phải có được một sự trưởng thành, một bản lãnh sáng tạo khởi đi từ chủ thể tính. Thách đố này chắc chắn không phải là nhỏ, nhưng đó lại là điều am hợp sâu xa với Tin Mừng và tinh thần Đa Minh. Nói cách khác, chúng ta có thể đặt câu hỏi về phẩm tính “bản lãnh tâm linh”, “bản lãnh suy tư”, “bản lãnh tông đồ”…của anh em Đa Minh để thẩm định phần nào phẩm tính của ơn gọi và sứ mạng Đa Minh.
Tạm kết
Đời sống tâm linh không đồng nhất với đời sống nội tâm hay chủ thể tính hoặc những thứ giống như vậy… Một bà nhà quê, buôn thúng bán bưng, chỉ biết cầu xin Chúa hằng ngày để được buôn bán được lấy tiền nuôi con, chẳng thấy gì là đời sống nội tâm hay chủ thể tính…nhưng ai dám nói rằng bà ấy không có đời sống tâm linh?
Ta cũng biết rằng nhiệm cục cứu độ Kitô giáo nhằm tới sự thành toàn của toàn thể thực tại trong dòng lịch sử, chứ không phải chỉ là sự kết hợp nhiệm mầu với Chúa của cá nhân nào đó[7]. Tuy nhiên, đây là sự thành toàn của cái “toàn thể” bao hàm sự phát triển trọn vẹn của cá thể, chứ không phải thứ “tập thể” hay “tổng số” vốn làm tiêu tan cá thể.
Thực sự, thái độ trông cậy của bà cụ nhà quê buôn thúng bán bưng… cũng hàm chứa một lựa chọn mang tính chủ thể… và thái độ ấy chắc chắn sẽ phong phú và sinh nhiều hoa trái hơn nếu bà lãnh nhận được sung mãn ơn Thánh Thần, có một đời sống nội tâm phong phú và một chủ thể tính vững mạnh, vì “cách thức nghe” giúp cho “ai đã có thì được cho thêm”.
Nhưng là một tu sĩ Đa Minh và là một nhà giảng thuyết Đa Minh, sống với châm ngôn “chiêm niệm và trao cho người khác điều mình chiêm niệm”, thì ta không thể không chăm chút vào đời sống nội tâm của mình, phát triển bản lãnh sáng tạo của mình…, và dĩ nhiên, trong mối tương quan sống động, chân thực, phong phú với chính Chúa.
【Nguyễn Trọng Viễn, op.】
[1] X. Phan Tấn Thành, OP, Tìm Hiểu Dòng Đa Minh, Angelicum – Roma, trang 210.
[2] Nói chung, so với Cựu Ước, Tân Ước là tiến trình cá nhân hóa và nội tâm hóa đời sống đức Tin.
[3] Cần đặt vấn đề trong “cấu trúc toàn vẹn” của đời sống Kitô giáo, gồm có : “thế giới bên trên”, “thế giới bên trong” và “thế giới bên ngoài” như nhãn quan căn bản của thời Trung cổ Kitô giáo. Do đó, chẳng hạn, một khi nói “chân lý là sự am hợp giữa lý trí và thực tại”, thì ai cũng phải hiểu đó là vì Chúa đã thiết kế vũ trụ và trao cho con người trách nhiệm tìm chân lý; hoặc khi nói “làm gương” thì đương nhiên phải hiểu gương sáng ấy là nhờ ơn Chúa, và tự căn bản đó là “làm chứng” cho quyền năng và tình yêu của Chúa chứ không phải do công sức của con người… Đức Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Đức Tin và lý trí, nói “Đức Tin và lý trí như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý”, và ngài phân biệt có lý trí triết học và lý trí khoa học…, thì ta cũng thấy có ba yếu tố cần thiết cho hành trình đời người, am hợp với ba lãnh vực trong cấu trúc toàn vẹn của đời sống Kitô giáo… Quả thật khi nhìn lại cấu trúc toàn vẹn của đời sống con người theo đức Tin Kitô giáo như thế, ta mới thấy rõ căn nguyên sâu xa của bao nhiêu đổ vỡ, bao nhiêu tai họa đau thương trong thế giới hiện đại xuất phát từ một sự lệch lạc trong cấu trúc, một thứ “lỗi hệ thống” mà những xoay sở vụn vặt không thể nào giải quyết rốt ráo được…; và điều này là lời kêu mời khẩn thiết về trách nhiệm của Kitô giáo đối với nhân loại … là lời kêu mời khẩn thiết về trách nhiệm của những ai đảm nhận sứ vụ chân lý.
[4] Điều này có lẽ sẽ tạo nên tranh luận, nên xin được lạm bàn một chút sang lãnh vực đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh trong truyền thống Do Thái Kitô giáo có những đường nét rất rất riêng, đó là “đời sống trong Thánh Thần” (vie spirituelle). Đời sống ấy không đồng nhất với cách hiểu về “đời sống thiêng liêng” trước đây, vốn chỉ dính dáng tới những hoạt động trong lãnh vực đạo thuần túy; và cũng không đồng nhất với “đời sống nội tâm” vốn chỉ là những tình tiết trong tâm và trí của con người. Dĩ nhiên, dù không đồng nhất, nhưng đời sống tâm linh Kitô gíao cũng không loại trừ hoặc đối lập với đời sống thiêng liêng hay đời sống nội tâm. Ta có thể xác định vài đường nét:
- Con người theo quan điểm của người Do Thái không phải là sự tách biệt và đối lập giữa linh hồn và thân xác như quan điểm của người Hy lạp, nhưng là một toàn thể duy nhất có ba khía cạnh : linh hồn, thần trí và xác thịt. Thái độ của con người chỉ có thể là một trong hai cách : hoặc là linh hồn hứng theo thần trí, hoặc là linh hồn hứng theo xác thịt. Yếu tố chính yếu làm nên chiều hướng chọn lựa ấy là tương quan chứ không phải do sự khôn ngoan hoặc đức độ cá nhân... Cần trở lại với quan điểm Do Thái như vậy ta mới hiểu được ý nghĩa của việc chuyển đổi từ “đời sống thiêng liêng” dựa trên não trạng Hy Lạp để trở thành “đời sống tâm linh Kitô giáo”. Đời sống tâm linh Kitô giáo là chọn lựa hứng theo thần trí nhờ có được mối tương quan thuận thảo (thường gọi là ngoan ngùy) với Thiên Chúa vì được ban tặng Thần Khí Nghĩa Tử… Trong truyền thống ấy, mối tương quan của con người với Chúa được đúc kết lại trong cấu trúc tin-cậy-mến; trong đó, Tin được hiểu như là sống với chính Chúa, Mến là thuộc về Chúa trọn bản thân và Cậy là đồng hành cùng với Chúa trên trọn hành trình cuộc đời…
- Theo Hiến chế Tín lý về Mạc khải, số 2, ta có thể thấy đời sống tâm linh như là lãnh nhận mạc khải chính Chúa, qua Lời ngỏ của Chúa và qua Hành động của Chúa (gesta chứ không phải facta)… Người ta gọi cách hiểu trước đây (Chúa mạc khải cho ta những chân lý bất khả ngộ) là mạc khải khách thể. Vatican II đã bổ xung bằng quan niệm “mạc khải chủ thể”, nghĩa là mạc khải chính Chúa. Như thế, dù là lời nói nào hoặc hành động nào của Thiên Chúa cũng là nhằm tỏ bày cho ta biết và gặp gỡ chính Chúa, nhằm đón nhận “ân sủng bất thụ tạo” chứ không dừng lại ở “ân sủng thụ tạo”…
- Theo ngôn ngữ hiện đại, ta có thể nói hai điểm đặc trưng của đời sống tâm linh Kitô giáo là “tính ngôi vị” và “tính lịch sử”; hiểu như là mối tương quan với chính Chúa như Ngôi vị, và sống những trăn trở của phận người cùng với Chúa…
Trong những cách hiểu như thế, chúng ta thấy yếu tố căn bản trong đời sống tâm linh Kitô giáo là nét tương quan, mối tương quan cụ thể và huyền nhiệm của mỗi cá nhân với Chúa chứ không phải chỉ là vấn đề “đẳng cấp đạo đức”. Kitô giáo không phải là đạo “dạy ta ăn ngay ở lành”, nhưng chính yếu là “có Chúa cùng đi trên con đường ăn ngay ở lành”… Tạm nói đời sống tâm linh Kitô giáo là một sự sống “tương tác ngôi vị”, (bao hàm thái độ tôn trọng để làm lộ ra ngã vị, thái độ khẩn cầu như cung cách đích thực của tương quan ngã vị, những “tâm tình của tương quan” như vui, buồn, tạ ơn, trách móc…với ai, vì ai khác, chứ không phải những tâm tình quay về với mình khi so chiếu với lề luật); và đó là một mối tương tác ngôi vị luôn phong phú qua những tình tiết mới của câu chuyện đời (tính lịch sử)…như một cuộc phiêu lưu với Ai khác… Trong đời sống tâm linh Kitô giáo, các khái niệm thần học tu đức thiết yếu phải được “đổ đầy” bằng “kinh nghiệm tâm linh”.
[5] Có lần cha Trần Phúc Nhân nói với tôi rằng ngài không hiểu được việc huấn luyện đời sống tâm linh trong Dòng Đa Minh thế nào!!!
[6] Xem, chẳng hạn, thư Galat chương 3.4.5….
[7] X. J Ratzinger, Đức Tin Kitô giáo Hôm qua và Hôm nay, trang 260-261.