▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Quản trị của Tin Mừng: Hiệp nhất trong Tự do

Khi một đứa trẻ sống lang thang đầu đường xó chợ, nó được sống một cách “tự do”, nhưng nó sẽ dễ dàng bị lây nhiễm những thói hư tật xấu. Người ta đưa đứa trẻ về nhà, sống trong nhà để được giáo dục, để được biết những nét văn hóa tốt đẹp của cuộc sống; nhưng rất có thể, trong ngôi nhà đó, đứa trẻ không còn tự do. Thay vì niềm vui được sống trong gia đình, nó lại phải giữ lễ nghĩa một cách bó buộc. Chính điều đó làm cho đứa trẻ muốn bỏ gia đình để lại đi bụi đời. Có lẽ người ta thường chỉ giải gỡ tình trạng đứa trẻ trên bề mặt và không đi rốt ráo vấn đề. Muốn “giải quyết” vấn đề đứa trẻ, chẳng những cần đưa nó về nhà, nhưng cũng cần cho nó được sống tự do trong một bầu khi yêu thương thực sự của một đứa con trong nhà, chứ không phải là kẻ nô lệ. Lề luật nhiều khi lại làm có cho người ta thêm tội là như thế, nếu khi người ta không đạt đến được sự tự do Kitô giáo đích thực.

Tinh Thần Hiệp Thông trong quản trị Đa Minh

1. Sơ đồ “toán học” về tương quan


Xin tạm dùng một hình ảnh hình học để diễn tả một cách khái quát ý niệm hiệp nhất trong tự do:

Nếu chúng ta có hai điểm A và B bên cạnh nhau, thì từ hai điểm đó chúng ta có thể có những “vectơ” khác nhau:
- Hoặc là A và B chạy đến với nhau và sát nhập thành một;
- Hoặc là A và B chạy theo hai chiều hướng đối nghịch và càng ngày càng xa nhau;
- Hoặc là hai điểm A và B luôn gĩư mãi khoảng cách đúng và cố định bằng cách tuân theo một trục thẳng để trở thành hai dường song song chạy dài mãi.
- Cuối cùng, ta có thể cho hai điểm A và B ấy vẫn chạy song song, nhưng không phải là dựa theo một định luật cố định nào để thành hai đường thẳng song song, mà là một sự thuận tình trong “sáng tạo nghệ thuật”, để trở thành hai đường song song bay lượn, vòng lên và vòng xuống, qua phải và qua trái mà vẫn giữ được một sự liên đới đúng đắn.

❏ Trường hợp thứ nhất là lập trường của những người muốn thống trị người khác, tạo nên sự hiệp nhất bằng cách chinh phục và loại bỏ cái tôi của người khác. Nhưng đó thật sự không phải là hiệp nhất mà là độc nhất. Khi ta muốn người khác làm theo ý mình mà không đếm xỉa gì đến cảm nghĩ của họ, không cần biết đến sự thăng tiến bản thân họ, không tôn trọng phẩm giá của họ… thì ta đã, vô tình hay hữu ý, chọn giải pháp độc tài. Giải pháp đó xúc phạm đến phẩm giá con người, vì đã hy sinh một con người, hoặc hy sinh ý nghĩa làm người để ưu tiên cho một “sự vật” nào đó. Rất nhiều khi người ta, nhân danh ích chung, vì lý tưởng cao đẹp, hoặc tìm mọi cách để đạt được hiệu năng công việc nào đó. . . mà lại đánh mất chính ý nghĩa làm người của mình và người khác. Con đường trở thành bạo chúa là con đường khởi sự từ chỗ chỉ lấy mình làm tiêu chuẩn duy nhất đúng, không muốn trao đổi ý nghĩ với người khác, không muốn sửa đổi lập trường của mình. Trên con đường ấy, người ta muốn coi người khác chỉ là tay sai, phải làm và cứ việc làm một cách máy móc những điều mình ra lệnh. Bình thường nẻo đường đó sẽ vấp phải những trục trặc, vì tha nhân không phải là một cục đất sét. Tha nhân là người, là kẻ có suy nghĩ và có tự do,… những điều ấy thế nào rồi cũng trở thành những lực cản cho tiến trình thực hiện ý định riêng của chính mình. Thế là người ta lại phải tiếp tục đàn áp cái riêng tư và độc đáo của tha nhân cho đến khi tận diệt chính “sinh mạng phẩm giá” của họ. Hành trình trở nên bạo Chúa cũng có thể “thành đạt” ở chỗ tiêu diệt phẩm chất hiện hữu của tha nhân khi ta vui thích với sự vâng phục tối mặt, khoái chí với thực trạng: tao có mấy thằng lính mà tao nói gì nó cũng làm răm rắp....

❏ Trường hợp thứ hai là tình trạng “cá đối bằng đầu”, tình trạng vô chính phủ, mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy làm, không ai “mắc mớ” gì tới ai. Khi người ta đề cao một thứ tự do hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa, người ta cũng rơi vào tình trạng tự phá hủy chính phẩm giá của mình. Con người của thứ tự do ấy cũng lấy mình làm tiêu chuẩn duy nhất đúng, đóng kín trong bản thân mình để cũng “tận diệt” tha nhân, không phải bằng cách áp đặt ý muốn của mình, không phải bằng bạo lực trên tha nhân, nhưng bằng phương cách loại trừ tha nhân ra khỏi mối quan tâm của chính mình và “bạo lực” trên chính khát vọng yêu thương của bản thân mình. Một thứ tự do cá nhân mà không thể tạo nên được gặp gỡ, hiệp thông, chia sẻ với người khác, thì theo tinh thần Kitô giáo, đó không bao giờ là tự do thực sự, bởi vì thứ tự do đó không phải là môi trường thanh thản và chân thật để con người sống đúng khát vọng yêu thương sâu xa của mình, mà chỉ là một thứ nô lệ cho thế lực của ác thần.

❏ Trường hợp thứ ba diễn tả một sự “hiệp nhất”, nhưng lại là một sự hiệp nhất do một áp lực ở bên trên và bên ngoài. Người ta có thể an tâm khi A vẫn là A; và B vẫn là B; không có sự tận diệt sự hiện hữu của nhau như giải pháp thứ nhất. Người ta cũng có thể khoái chí vì A vẫn ở gần bên B như thể có một sự liên đới, hiệp thông nào đó chứ không phải sự xa lạ như giải pháp thứ hai. Thế nhưng đó cũng chỉ là một sự hiệp nhất bên ngoài. Có một thế lực khác kềm gĩư A và B để chúng không tiêu diệt nhau và cũng không xa nhau. Giải pháp này cũng không phải là hoàn hảo, vì một khi không còn áp lực nào, thì tình trạng cũ sẽ lại đâu vào đấy. Hơn nữa, cái áp lực làm cho A và B vẫn đi theo hai đường thẳng song song cũng lại là một thứ bạo lực, loại trừ tự do của con ngừơi và đánh mất phẩm giá chân chính của con người. Có người nhận xét rằng Nước Mỹ là một nước tự do, người ta dùng cả một hệ thống pháp luật tinh vi, kỹ lưỡng để bảo đảm cho tự do của người dân; nhưng cuối cùng, người dân lại phải làm nô lệ cho chính luật pháp. Phải chăng nước Mỹ chính là hình ảnh tiêu biểu của trường hợp thứ ba?

❏ Trong trường hợp thứ tư, ta thấy những giá trị căn bản của phẩm giá con người được bảo vệ: tôn trọng cá nhân mỗi người, để cho mỗi cá nhân sống trọn vẹn bản sắc riêng của mình. Nơi đây, người ta tìm thấy sự hòa hợp cộng đoàn trong một tinh thần tự nguyện, trong bầu khí tự do và rộng mở cho việc phát huy khả năng sáng tạo bản thân của mỗi người. Nơi đây, mối giây căn bản để nối kết A và B không là gì khác hơn đức ái. Đức ái chỉ có thể sống và phát triển thực sự trong bầu khí tự do, đó là khi người ta được tôn trọng, khi người ta được tin tưởng. Sự hiệp nhất như thế chỉ có được như một thành quả “thuần chất người”, vì nơi đó chỉ có nhân vị, chỉ có tự do, chỉ có tình nghĩa chân thành và tự nguyện chứ không có một thứ “tạp chất” của sự vật nào

Có lẽ điều làm cho người ta ngại với giải pháp thứ tư, đó là vì giải pháp này có vẻ phiêu lưu. Người ta sợ một kết cục không tốt sẽ xẩy ra khi trao trọn chìa khóa của vấn đề vào ý chí tự nguyện của cá nhân. Đó là căn bệnh nhát sợ, không dám tin vào con người, nhưng đặt niềm tin vào các phương pháp kỹ thuật, tin vào các biện pháp kỷ luật, tin vào các phương thức khoa học.

Có lẽ điều làm cho người ta ngại với giải pháp thứ tư này, đó là vì người ta mong có được một kết quả. Đó là căn bệnh “thực dụng”. Xin tạm hiểu từ ngữ thực dụng theo một nghĩa riêng ở đây: thực dụng là khi người ta tìm đạt tới một kết quả nào đó mà lại bỏ rơi mất phẩm tính của thực tại; thực dụng là khi người ta hy sinh tự do của con người để có được một điều gì không phải là sự phát triển thực sự của con người; thực dụng là người ta sử dụng con người như một phương tiện để đạt đến một mục đích nào khác. 

Có lẽ điều làm cho người ta ngại với giải pháp thứ tư là người ta không dám tin vào tình yêu, không dám tin vào sức mạnh của tình yêu, và người ta tìm mối mối tương quan của con người với nhau không bằng tình yêu nhưng bằng một nguyên lý khác.

Giải pháp sau cùng là một hình ảnh đẹp nhất, lý tưởng nhất của tình yêu chân chính. Mới tương quan ấy dựa trên nền tảng tín lý về Ba ngôi Thiên Chúa, nền tảng tín lý về sáng tạo, nền tảng lịch sử ơn cứu độ…; và giải pháp sau cùng ấy cũng là hình ảnh lý tưởng của tinh thần quản trị Đa Minh.

2. Những nền tảng từ Giáo lý Đức Tin

2.1 Dựa trên nền tảng tín lý về Ba Ngôi


Tín lý cho chúng ta biết rằng Ba Ngôi bằng nhau, không Ngôi nào hơn, không Ngôi nào kém, Ba Ngôi “một tính một phép”. Trong một nền tảng như thế, Ba Ngôi lại luôn hiệp nhất với nhau để vẫn luôn là một Thiên Chúa duy nhất chứ không phải ba Chúa. Có thể nói được rằng sự hiệp nhất được nhìn trong ánh sáng mạc khải của Ba Ngôi Thiên Chúa cho chúng ta thấy một mầu nhiệm, chẳng những là một mầu nhiệm nội tại của Ba Ngôi, nhưng là một mầu nhiệm diễn tả tính cách sống động, “phiêu lưu”, sáng tạo của tình yêu và sự hiệp nhất đích thực. Hiệp nhất đích thực dĩ nhiên không thể là thái độ mặc ai nấy sống như thể là ba Chúa khác nhau; nhưng hiệp nhất đích thực cũng không bao giờ có thể thực hiện được bằng sự triệt tiêu phía bên kia, để trở thành một ngôi duy nhất. Ngoài ra, ta cũng có thể khẳng định rằng chẳng có một định luật nào khác bên ngoài và cao trọng hơn Ba Ngôi để có thể bắt ép các Ngôi Vị Thiên Chúa phải chấp nhận một sự hiệp nhất theo kiểu hai đường thẳng song song. Như thế, theo cách nhìn của con người, chúng ta thấy chỉ có thể có một giải pháp duy nhất để tìm được sự hiệp nhất, đó là sự hiệp nhất của tự do dâng tặng, hiệp nhất trong hành trình sống động của một sự sáng tạo bản thân liên lỉ, hiệp nhất thể hiện trong một tình yêu bằng một thái độ tự nguyện dâng tặng chính bản thân của mình. Thiên Chúa là tình yêu, và chúng ta hiểu được rằng phẩm chất căn bản của thứ tình yêu chân chính ấy phải là: tuy Ba mà Một, tuy Một mà Ba.

2.2 Dựa trên nền tảng tín lý về sáng tạo


Giáo Hội phải đấu tranh để chống lại một thứ học thuyết sáng tạo theo kiểu lưu xuất. Cuộc đấu tranh ấy không phải là không có ý nghĩa cho thân phận con người, cho ý nghĩa làm người. Chân lý ấy không phải chỉ là một chân lý “duy tín” nhưng là một chân lý cứu độ. Vũ trụ và con người, theo tín lý Công giáo, không phải là một mảnh của Thiên Chúa lưu xuất ra khỏi bản thân Ngài; con người không phải là một kết quả của một giọt máu thần linh nào đó từ Thiên Chúa rơi ra…Tín lý Công giáo khẳng định vũ trụ và con người được sáng tạo tự hư vô; nghĩa là được Thiện Chúa sáng tạo như một sự mời gọi bước ra từ hư vô, để hình thành nên chính mình trong một quá trình lịch sử, để đi đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Như thế, con người không cùng bản chất thần linh với Thiên Chúa theo mức độ “hữu thể học”, nhưng con người chỉ được mời gọi hiệp nhất với Thiên Chúa trong tình yêu, nghĩa là hiệp nhất mà vẫn luôn là mình. Tín lý Công Giáo không chấp nhận kết quả của hiệp nhất như là một sự hòa tan vào trong Chúa để làm tan biến đi hoàn toàn bản ngã của bản thân mình. Lối hiệp nhất hòa tan ấy không diễn tả được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, thứ tình yêu có dáng dấp “hiệp nhất trong đa dạng”. Như thế, con người được xuất hiện để hình thành nên chính bản thân mình trong dòng lịch sử, và để mãi mãi, đời đời kiếp kiếp là mình như một con người độc đáo không gì có thể thay thế được. Chính cái tôi độc đáo như thế mới có khả năng đi vào mối tương quan yêu thương chân chính với Thiên Chúa theo kiểu “hiệp nhất trong đa dạng”.

2.3 Trên nền tảng của lịch sử cứu độ


Chúa Giêsu không chấp nhận đường lối cứu độ của Satan, đường lối cứu độ đầy hiệu năng nhưng lại đánh mất tự do của con người; đó là cứu độ bằng “bánh mì”, bằng sự lạ và bằng quyền bính thống trị (Xc. Mt 4,1-11). Những cách cứu độ ấy có thể mau chóng thu phục mọi người theo Chúa nhưng lại hàm chứa một thái độ coi thường con người và không đếm xỉa đến tự do của con người. Chúa Giêsu đi vào đường lối của Chúa Cha, nghĩa là trao ban một tình yêu lớn hơn mọi tình yêu, rồi kiên nhẫn chờ đợi sự đáp trả tự do của con người. Đó là đường lối tôn trọng con người và mong ước được đón nhận “đối tác” là những con người, tự do và tự nguyện tin tưởng và đáp lại tình yêu mến của Chúa bằng chính tình yêu của mình.

Không bao giờ con người tan biến bản ngã của mình trong Chúa, theo kiểu sự hợp nhất của pho tượng muối đối với đại dương, như Anthony de Mello đã kể; mà cũng chẳng có chuyện con người trong Nước Trời mai sau được sống lại sẽ sống như ở mãi tuổi 33 của đức Giêsu. Con người được sống lại cả hồn lẫn xác, nghĩa là con người được đi vào sự hiệp thông với Chúa bằng trọn vẹn cuộc đời mình, trọn vẹn hành trình lịch sử của mình. Khác với Phật giáo đi tìm sự siêu thoát, ơn cứu độ của đức Kitô không bao giờ có tính cách “qua sông bỏ lại đò”, mà là khám phá chính bến bờ mình đang khao khát đã có ngay trong những phiền lụy của chuyến đò; nghĩa là trân trọng từng niềm vui và nỗi buồn làm nên hành trình lịch sử của mỗi con người.

3. Tinh thần Đa Minh


Thánh Đa Minh không để lại một bản văn nào diễn tả linh đạo của mình. Đó là một điều hiếm thấy trong các Đấng lập dòng. Người ta chỉ còn giữ được một vài chứng thư của thánh Đa Minh cấp cho những người lạc giáo quay trở lại và một bức thư viết cho các nữ tu. Chúng ta có hai nguồn để khám phá linh đạo của thánh Đa Minh, đó là chính cuộc sống của ngài, được tường thuật lại qua các nhân chứng; và nhất là nhờ những dấu ấn của Ngài trong bản văn Hiếp Pháp sơ khai và trong đường lối quản trị của Ngài.

Trong cuốn “Thời Khai Nguyên của Dòng”, chân phước Jourdain de Saxe viết về cha thánh như sau:
“Người rộng lòng bác ái đón nhận mọi người và vì người yêu mến mọi người, nên cũng được mọi người mến yêu. ‘Vui với người vui, khóc với người khóc’, đó là điều người chọn làm tôn chỉ cho mình: giàu lòng từ bi, hết lòng săn sóc tha nhân và xót thương những người túng cực”.
Những mô tả đơn giản ấy, cùng với nhiều lời chứng khác, cho chúng ta thấy một dung mạo hết sức nhân bản của cha thánh: cha sống hồn nhiên với con người, cha thể hiện tình yêu với người khác chứ không phải chăm chăm với công việc. Cha không “làm việc” với anh em như những công cụ của việc tông đồ, nhưng trước tiên là như những người anh chị em của mình. Ngài cảm thông và hiệp thông với khó khăn, với niềm vui và nỗi buồn của người khác; rồi từ chính mối giây hiệp thông ấy, ngài khuyến khích và nâng đỡ anh em của mình vươn lên.

Tuy nhiên, nguồn mạch căn bản của tinh thần thánh Đa Minh chính là dấu ấn của ngài trong bản văn Hiến Pháp mà Dòng luôn muốn bảo tồn, đặc biệt trong những số Hiến Pháp Nền Tảng. Trong chín số ngắn ngủi của Híến Pháp Nền Tảng cô đọng những điều không thể thay đổi của tinh thần Đa Minh, ta thấy có hai số diễn tả nét hiệp thông Đa Minh, nét hiệp thông không phải do cơ chế nhưng từ tinh thần tự do, đó là số VI và số VII..

3.1 Tìm sự hiệp thông trong tinh thần


Đầu tiên, chúng ta thấy một nét rất đặc biệt của Dòng là khẳng định luật không buộc thành tội:
Cũng do chính sứ vụ của Dòng, trách nhiệm và ân sủng riêng của anh em được xác nhận và cổ võ theo một cách thế đặc biệt. Vì một khi hoàn tất việc đào tạo hiến định, mỗi anh em được kể như người trưởng thành, vì sẽ hướng dẫn những người khác và đảm đương những phận vụ khác nhau trong Dòng. Chính vì lý do này, Dòng đã muốn rằng các luật riêng của Dòng không buộc thành tội để anh em đón nhận những luật ấy một cách khôn ngoan, “không như nô lệ dưới ách luật, mà như con cái trong ân sủng[1]
Chúng ta thấy có hai lý do được nêu lên để giải thích khoản luật “kỳ lạ” này:
- Nhằm để anh em sống “không như nô lệ dưới ách luật, mà như con cái trong ân sủng” (Tu Luật Âu tinh, số 8.)
- Vì anh em, sau khi hoàn tất việc đào tạo hiến định, phải được coi như những người trưởng thành, cần phải khôn ngoan và tự do để đảm đương nhiều phận vụ khác nhau.

Điều khoản đó cho thấy một nỗi ưu tư của thánh Đa Minh là ưu tư về chính bản thân của mỗi người tu sĩ chứ không phải ưu tư về một nề nếp trật tự ổn định của cộng đoàn; đó cũng là mối ưu tư về một cách sống hiệp thông chân thực trong tinh thần chứ không phải là ưu tư về những hình thức đúng đắn bên ngoài. Quả thật, đó là một sự tin tưởng hết sức vào chính anh em của mình; tin tưởng không phải chỉ trong những điều mà mình chưa hiểu rõ về sự kiện bên ngoài, nhưng cả trong những điều đã rõ là ngược với những quy định của hiến pháp. Không muốn đồng nhất việc vi phạm Hiếp Pháp với tội, đó là khẳng định có một yếu tố khác có thể làm thay đổi bản chất của hành vi vi phạm bên ngoài. Đó không là gì khác hơn muốn tin tưởng vào tinh thần bên trong của anh em, tin tưởng và tạo điều kiện trong sự trưởng thành thật sự của anh em. Tinh thần tin tưởng nhau như thế nhằm loại trừ thái độ xầm xì dòm ngó nhau, cũng như loại bỏ kiểu giữ luật cho qua lần chiếu lệ đối với Chúa. Khi đó, ta mới có được một bầu không khí trong lành của một sự cảm thông thực sự giữa anh em với nhau cũng như của một tâm tình chân thành không tính toán đối với Chúa. Niềm tin tưởng ấy kêu mời, chất vấn, để người tu sĩ Đa Minh không phải chỉ sống với Chúa và sống với anh em mình bằng lớp vỏ của những qui định bên ngoài, nhưng bằng tinh thần tự do của con cái Chúa. Chính niềm tin tưởng như thế, có thể mở đường để anh em sống một sự trưởng thành thật sự. Thật sự, nhiều khi ta thấy không có gì làm cho người ta dốt hơn là làm học trò, nghĩa là nhiều khi chính hoàn cảnh làm cho người ta ấu trĩ.

Tinh thần tự do đối với lề luật như thế còn được nhấn mạnh thêm bằng một qui định luật pháp: luật chuẩn chước. Hiến Pháp nền tảng IV nói tiếp:
Cũng do mục đích của Dòng, bề trên có quyền miễn chuẩn “mỗi khi thấy thích hợp, nhất là trong những gì xem ra cản trở việc học hành, giảng thuyết và lợi ích của các linh hồn[2]
Như thế, chuẩn chước không còn là chuyện tối kỵ hoặc bất đắc dĩ nữa, nhưng là chuyện bình thường, đặc biệt là khi thấy cần thiết cho việc học và việc tông đồ. Ra Luật nhưng lại dự trù luật chuẩn chước, đó là một thái độ không phải là thượng tôn luật pháp bất cứ giá nào, mà là đặt ưu tiên cho bản thân người tu sĩ và ưu tiên cho sứ vụ mà Dòng đã lãnh nhận từ Hội Thánh.

Một cách nào đó, ta có thể thấy nơi đây một khẳng định vừa hết sức nhân bản, vừa hết sức Tin Mừng. Nhân bản vì bản thân con người có giá trị trên luật lệ xét như là luật lệ thuần túy; điều đó cũng có nghĩa là luôn hiểu rằng luật luôn luôn là luật chung cho mọi người, nhưng mỗi cá nhân con người lại có cứu cánh nơi bản thân mình. Con người được dựng nên vì chình mình, để sống trọn vẹn bản thân mình, để đạt được cứu cánh nơi bản thân mình và không bao giờ được biến bất cứ một con người nào trở thành một phương tiện hoặc trở thành “con dê tế thần”, cho dù cho Chúa hay cho một sự ổn định của tập thể.
Con người, tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến dâng” (MV 24)
Hơn nữa, mỗi con người có cứu cánh nơi chính mình, đó là nền tảng căn bản và độc đáo nhất của lập trường nhân bản Kitô giáo. Chính vì thế mà chúng ta hiểu được câu nói độc nhất vô nhị của Chúa Giêsu:
Người nói tiếp: "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.” (Mc 2,27)
Và cũng chính vì lẽ đó là chúng ta được mời gọi để sống sự tự do bát ngát của con con cái Chúa: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta.”(Gl 5,1).

William a Hinnebrusch O.P, trong tác phẩm Linh Đạo Đa Minh, có trích lại lời của Tổng Giám Mục Pascal Robinson, một sử gia dòng Phan Sinh nói về luật chuẩn chước như sau:
Tôi sẽ nêu lên một nét mới lạ nổi bật trong tu luật của thánh Đa Minh; và đây thực sự là nét đặc trưng đối với Dòng của ngài, đó là nguyên tắc chuẩn chước. Nguyên tắc chuẩn chước này được nói đến ở phần đầu của Hiến Pháp khi đề cập tới mục đích của Dòng. Điều này cho thấy rằng việc chuẩn chước, điều chỉnh và dung hòa việc ứng dụng các luật lệ, một điều hoàn toàn chưa hề có trong các tu luật trước đó. Hiểu một cách chính xác, việc chuẩn chước này đúng là kiệt tác của việc lập pháp Đa Minh. Hơn nữa, nó cho phép Dòng có thể đáp ứng nhứng nhu cầu mới mà vẫn duy trì được sự thống nhất. Nó cũng là một khí cụ hoàn hảo của tinh thần khổ chế, vì khi thực hiện nó, đòi hỏi một sự từ bỏ những cách nhìn hẹp hòi và những mục tiêu tầm thường ở mọi thời đại[3]
Về điều này, cha Timothy Radcliffe, trong bài “Tự do và trách nhiệm, hướng tới một linh đạo về quản trị” có một đoạn văn dài rất hay như sau:
“Mục đích mọi cuộc đào tạo của chúng ta đều nhằm giúp cho anh em thành những con người tự do và có trách nhiệm. Và đó là lý do tạo sao Hiến Pháp nói rằng người có trách nhiệm tiên quyết đối với việc đào tạo là chính ứng sinh (HP 156). Việc quản trị đặt căn bản trên lòng tin tưởng vào anh em. Chúng ta bày tỏ lòng tin tưởng của chúng ta khi nhận cho anh em tuyên khấn. Cũng một thái độ tin tưởng ấy hiện diện trong việc bầu cử các bề trên. Các bề trên cũng phải tin tưởng anh em, những người mà các ngài chỉ định vào các chức vụ. Đôi khi chúng ta có thất vọng, nhưng đó không phải là lý do để từ khước thái độ tin tưởng lẫn nhau như thế. Anh Simon Turgwell viết: “Nói cho cùng, nếu tu sĩ Đa Minh phải làm công việc của mình một cách đàng hoàng, thì phải sẵn sàng chấp nhận một số may rủi nào đó, và họ cần phải được tin tưởng để có thể đương đầu với những may rủi đó. Và Dòng cũng phải chấp nhận một số, có thể là nhiều, những cá nhân có thể lạm dụng sự tin tưởng ấy”
Một thái độ tin tưởng như thế, đòi chúng ta phải vượt thắng nỗi sự hãi, sợ điều có thể xảy ra nếu không kiểm soát anh em. Chúng ta phải đào tạo anh em biết sống với sự tự do của thánh Đa Minh như thế. Anh Felicissimo Martinez viết:
‘không có việc gì phục vụ con người vĩ đại hơn là giáo dục họ để họ biết sống tự do… Nỗi sợ hãi tự do có thể bắt nguồn từ thiện chí của những người cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác, và có thể được cho là hợp lý khi nại đến thực tế. Nhưng điều này lại cho thấy một cái nhìn thiếu tin tưởng vào năng lực và sức mạnh của kinh nghiệm Kitô giáo. Sợ hãi và thiếu đức tin thường đi đôi với nhau”[4].

3.2 Tính cách dân chủ như một cơ chế bảo đảm cho sự hiệp thông trong tự do


Cha Timothy Radcliffe cho rằng tính dân chủ là điểm trọng tâm của linh đạo Đa Minh trong Dòng[5]. Trong định chế dân chủ của chúng ta, nhiều người đã nói rồi, không thể hiện ở việc bỏ phiếu, theo luật chơi “đa số thắng thiểu số”. Thứ dân chủ ấy chỉ là một phương pháp giải quyết những xung đột hoặc những khác biệt bằng một luật chơi mà không phải là không có bất công. Tính dân chủ của Dòng, sâu xa hơn, chính là việc hội họp, trao đổi trong anh em để tìm một sự hiệp nhất thật sự, sự đồng tâm nhất trí, tình hiệp thông huynh đệ, sự cộng tác tông đồ . . .như tu luật Âu Tinh và Hiến Pháp Dòng đã nhắc nhở.
Để sự cộng tác tông đồ và hiệp thông huynh đệ đem lại kết quả phong phú hơn, thì sự đồng tâm nhất trí tham gia của mọi anh em rất quan trọng: “vì điều thiện được mọi người chấp thuận sẽ được xúc tiến cách mau lẹ và dễ dàng”. Vì thế, trong mọi tu viện, phải tổ chức những cuộc hội họp để cổ võ đời sống tông đồ và tu trì”.[6]
Quả thật, tinh thần dân chủ của Dòng thể hiện ở tầng sâu hơn trong cơ chế dân chủ, đó là: tạo điều kiện để có một sự bàn bạc, trao đổi một cách bình đẳng. Tinh thần Dân chủ Đa Minh không phải chỉ là bỏ phiếu nhưng là cả một hệ thống quản trị, trong đó, mỗi thành viên chính thức của Dòng đều được công nhận như một thành phần toàn vẹn của cộng đoàn. Mỗi thành viên đều có quyền được hội họp, được bàn bạc, nghĩa là mỗi người được chấp nhận như chính bản thân họ là, cho dù là tính tình hay trình độ hiểu biết thế nào. Mỗi thành viên là chủ thể của những quyết định trong cộng đoàn, có quyền và có nghĩa vụ đóng góp vào việc quản trị chung của cộng đoàn. Nền tảng sâu xa nhất của thể chế này cũng không là gì khác hơn một sự chân nhận phẩm giá của mỗi người trong tập thể, không lấy lợi ích trước mắt của tập thể để bắt một ai phải chịu, phải chấp nhận một cách miễn cưỡng. Nền tảng ấy “qui định” việc chấp nhận quyết định chung qua việc bỏ phiếu như một lời mời gọi mỗi người hãy chấp nhận bản thân người anh em của mình hơn là đặt ưu tiên cho hiệu năng của công việc.
“Việc quản trị hữu hiệu trong các cộng đoàn đòi chúng ta sống mối tương quan quyền lực theo đường lối này, đem lại quyền lực cho anh em hơn là làm cho anh em suy yếu. Điều này đòi chúng ta phải cam đảm dám chịu thương tổn[7]
“Việc quản trị hữu hiệu tiến hành suông sẻ khi chúng ta nhìn nhận và tôn trọng quyền bính mà mỗi anh em đều có, và từ chối tuyệt đối hóa bất cứ hình thức quyền bính nào. Nếu chúng ta tuyệt đối hóa quyền bính của các bề trên, thì Dòng chúng ta hết huynh đệ. Nếu chúng ta tuyệt đối hóa quyền bính của các nhà tư tưởng, thì Dòng chúng ta trở thành một viện hàn lâm kỳ quặc. Nếu chúng ta tuyệt đối hóa quyền bính của các mục tử, thì chúng ta phản bội lại sứ mạng của chúng ta trong Hội Thánh. Nếu chúng ta cho rằng quyền bính của những người cao niên là bất khả bàn luận, thì chúng ta sẽ không có tương lai. Nếu chúng ta cho rằng quyền bính chỉ thuộc về người trẻ, thì chúng ta sẽ mất gốc. Sự lành mạnh trong việc quản trị của chúng ta phụ thuộc vào việc để cho mọi tiếng nói ảnh hưởng qua lại để tạo nên cộng đoàn.[8]
Như thế, việc tìm ý Chúa trong quyết định chung được “phó dâng” cho niềm tin của tình huynh đệ; và như thế, đây thực sự là cuộc phiêu lưu của tình huynh đệ chứ không phải là biện pháp để nhằm hiệu quả. Cha Timothy Radcliffe nói:
“Thể chế dân chủ đáng yêu của chúng ta cần có thời giờ. Đó là thời giờ chúng ta mắc nợ lẫn nhau. Nó có thể làm cho chúng ta chán nản. Một số người, cũng như tôi, chán ngán những cuộc hội họp kéo dài, không hiệu quả. Tôi không tin rằng Dòng chúng ta sẽ là một trong những Dòng hiệu quả nhất trong Hội Thánh. Và tìm cách để được như thế là sai lầm. Cảm tạ Thiên Chúa vì có nhiều dòng hiệu quả hơn chúng ta. Cảm tạ Thiên Chúa vì chúng ta không cố gắng ganh đua với các dòng ấy. Một mức độ hiệu quả nào đó là cần thiết nếu chúng ta không đánh mất tự do vì tình trạng trì trệ của mình. Nhưng nếu chúng ta lấy hiệu quả làm mục đích theo đuổi, thì có thể chúng ta làm băng hoại sự tự do vốn là tặng phẩm chúng ta dành cho Hội thánh. Chúng ta có truyền thống cho mỗi anh em được quyền có tiếng nói, nhưng tiếng nói đó sẽ là chứng tá cho các giá tri Tin Mừng mà chúng ta cống hiến cho Hội Thánh và đó cũng là điều mà Hội thánh hiện nay cần hơn bao giờ hết[9]

3.3 Một sự hiệp nhất trong đa dạng


Tinh thần Đa Minh nói chung là một nỗ lực nối kết những điều tưởng chừng như đối nghịch. Những điều xem ra đối nghịch và thực sự cũng có nhiều đối nghịch trong một thực tế nào đó, thì tinh thần Đa Minh lại tin tưởng ở một sự hoà hợp sâu xa hơn và nếu ta đạt đến một mức độ “cao hơn”: tinh thần Đa Minh nối kết ân sủng với nỗ lực thực hành nhân đức, nối kết trí tuệ và đức ái, đề cao cộng đoàn nhưng lại áp dụng phương cách dân chủ . . và nhất là nối kết giữa sứ vụ chung với thiên tư của mỗi cá nhân anh em. Trong chiều hướng đó, thánh Thomas đã để lại một câu châm ngôn vàng, diễn tả một cách nào đó chính tinh thần Đa Minh mà ngài được sống, tinh thần “hòa điệu trong khác biệt”: “Ân sủng không phá hủy tự nhiên nhưng kiện toàn tự nhiên”.

Hiến Pháp Nền tảng VI nói:
Cũng do chính sứ vụ của Dòng, trách nhiệm và ân sủng riêng của mỗi anh em được xác nhận và cổ võ theo một cách thế đặc biệt. Vì một khi hoàn tất việc đào tạo hiến định, anh em được kể như những người trưởng thành...
Trong nền tảng của một đời sống Đa Minh mà yếu tố đầu tiên chính là “chung sống” (HPNT IV), thể chế quản trị Đa Minh lại nhắc nhở chúng ta một điều ra như trái nghịch: “Trách nhiệm và sứ vụ riêng của mỗi người anh em được xác nhận và cổ võ…”. Hai điều xem ra đối nghịch nhau như thế, được Hiếp Pháp khẳng định trong Hiếp Pháp nền tảng như là những yếu tố không thể thay thế được của Dòng; và Hiếp Pháp cũng tinh tế để nói lên một ngõ mở của sự hòa hợp thâm sâu bên trong rằng: “chung sống đồng tâm nhất trí” chứ không phải chỉ là cứ “chung sống” và không chỉ chung sống một cách hình thức. Cũng thế, Hiếp Pháp Nền Tảng nói: “Trách nhiệm và sứ vụ riêng... được cổ võ theo một cách thế đặc biệt”, chứ không phải là thứ cổ võ thứ cá nhân chủ nghĩa lệch lạc.

Có lẽ chúng ta khó tìm được điều gì rõ hơn để giải gỡ vấn đề một cách logíc. Có lẽ chúng ta không có một công thức hay một biện pháp để giải gỡ sự mâu thuẫn trên bình diện hữu hình, trừ khi là chúng ta phải xác định ưu tiên cho một bên nào đó, để rồi loại trừ bên kia và cũng loại bỏ cả nét linh diệu của tinh thần Đa Minh. Một sự hòa hợp giữa sứ vụ, ân điển riêng và chung sống đồng tâm nhất trí chỉ có thể có được ở một bình diện khác, bình diện tinh thần. Đúng hơn, việc chung sống và thể hiện tài năng riêng, chỉ có thể thể hiện được mà không bên nào tiêu diệt bên nào, khi chúng ta nhận ra cuộc sống là một cuộc phiêu lưu, sự hiệp nhất là một cuộc phiêu lưu, trong đó, mỗi cá nhân là một phẩm giá độc đáo và càng trở nên cao cả hơn trong phẩm giá cũng như trong sự độc đáo của mình khi dám tự nguyện chấp nhận hy sinh vì nhau; và ngay cả cộng đoàn cũng được mời gọi để dám hy sinh một thứ trật tự nề nếp đẹp đẽ nào đó để cho cá nhân được thể hiện trọn vẹn ân điển riêng của mình.

Hiến Pháp số 20, II nói:
Vì Chúa Thánh Thần cũng hướng dẫn Hội Thánh bằng những tài năng và những đặc sủng đặc biệt, nên các bề trên khi hành sử quyền bính, phải xem xét cẩn thận các ân huệ riêng của anh em cũng như thẩm định và sắp xếp những gì đã được Chúa Thánh Thần khơi lên trong Dòng, tùy theo thời đại và nhu cầu để mưu ích cho Hội Thánh. Vì thế cả khi thực hiện các phận vụ lẫn khi đưa ra những sáng kiến, trách nhiệm tương xứng của anh em phải được nhìn nhận và tự do được dành cho anh em trong những giới hạn của công ích và theo tài năng của mỗi người.

Kết luận


Khi một đứa trẻ sống lang thang đầu đường xó chợ, nó được sống một cách “tự do”, nhưng nó sẽ dễ dàng bị lây nhiễm những thói hư tật xấu. Người ta đưa đứa trẻ về nhà, sống trong nhà để được giáo dục, để được biết những nét văn hóa tốt đẹp của cuộc sống; nhưng rất có thể, trong ngôi nhà đó, đứa trẻ không còn tự do. Thay vì niềm vui được sống trong gia đình, nó lại phải giữ lễ nghĩa một cách bó buộc. Chính điều đó làm cho đứa trẻ muốn bỏ gia đình để lại đi bụi đời. Có lẽ người ta thường chỉ giải gỡ tình trạng đứa trẻ trên bề mặt và không đi rốt ráo vấn đề. Muốn “giải quyết” vấn đề đứa trẻ, chẳng những cần đưa nó về nhà, nhưng cũng cần cho nó được sống tự do trong một bầu khi yêu thương thực sự của một đứa con trong nhà, chứ không phải là kẻ nô lệ. Lề luật nhiều khi lại làm có cho người ta thêm tội là như thế, nếu khi người ta không đạt đến được sự tự do Kitô giáo đích thực.
 “Tôi thiết nghĩ: bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản. Nó phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định. Chúng ta cũng vậy, khi còn là thiếu niên, chúng ta phải làm nô lệ những yếu tố của vũ trụ. Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!" Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gl 4,1-7)
Có phải không, trong bầu không khí chung của Giáo hội hiện nay, người ta vẫn thấy nét nổi bật của đời sống Kitô hữu không phải là tinh thần tự do như con cái, nhưng vẫn là thái độ sợ sệt của người nô lệ?

Đời sống đức Tin mang tính Kitô giáo khác biệt căn bản với đời sống đức Tin của người Do Thái ở chỗ người Kitô hữu có Thần Khí Nghĩa Tử để không còn làm nô lệ cho lề luật, nhưng làm chủ lề luật; khi đóm người Kitô hữu không phải bị ép buộc giữ lề luật, nhưng chu toàn lề luật vì tình yêu trung tín với Chúa và vì đức ái với anh chị em mình… Ồ! Ta bỗng nhận ra chiều sâu của quản trị Đa Minh không là gì khác hơn một nền quản trị của Tin Mừng!!!

Nguyễn Trọng Viễn op.

[1] Hiến Pháp sơ khởi, tự ngôn; HPNT VI.
[2] HPNT. VI.
[3] Trang 60, bản dịch đầu tiên.
[4] Timothy Radcliffe, Hát Lên Bài Ca Mới, Tự do và trách nhiệm, hướng tới một linh đạo về quản trị, tr. 99.
[5] Timothy Radcliffe, Sđd tr. 105-106.
[6] Hiến pháp số 6.
[7] Timothy Radcliffe, Sđd tr. 99.
[8] Timothy Radcliffe, Sđd tr. 100-101.
[9] Timothy Radcliffe, Sđd tr. 109.

Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url