▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Để bài giảng hay hơn…

Để có một bài giảng hay, trước hết chúng ta hãy quy chiếu vào một “nguyên mẫu giảng thuyết gia” vĩ đại nhất qua mọi thời đại là Đức Giêsu Kitô. Sau đây là một vài đặc điểm về phương pháp rao giảng tuyệt vời và khác biệt của Người so với các kinh sư và Phariseu mà tôi cảm nhận được.

I. Chúa Giêsu, một nhà giảng thuyết vĩ đại qua mọi thời đại.

Để có một bài giảng hay, trước hết chúng ta hãy quy chiếu vào một “nguyên mẫu giảng thuyết gia” vĩ đại nhất qua mọi thời đại là Đức Giêsu Kitô. Sau đây là một vài đặc điểm về phương pháp rao giảng tuyệt vời và khác biệt của Người so với các kinh sư và Pharisêu mà tôi cảm nhận được.

Có thể nói Chúa Giêsu là bậc thầy về khả năng thu hút và quy tụ nhiều người đi theo Người một cách tự nhiên và không chán nản. Họ có thể là tri thức hay dân thường (Mc 8, 31; Mt 5, 1-12 ); thành thị hay nông thôn (Lc 19, 28-40; Mc 4, 26-34); dân Do thái hay dân ngoại (Mt 15, 24; Mt 15, 28); người già hay trẻ nhỏ (Mc 12, 38-44; Mt 13-15); người giàu hay kẻ nghèo (Mc 10, 17-22; Lc 16, 19-31); người mạnh khỏe hay bệnh nhân (Mc 1, 40-42), người lành hay kẻ dữ (Mt 13, 30; Mc 2, 17). Trước hết, không giống với các Kinh sư giải thích Kinh thánh thời bấy giờ khi họ toàn dùng lề luật để dạy bảo và bắt bớ, thêm gánh nặng cho dân (Mt 11, 28-30), Chúa Giêsu dùng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, lại đầy uy quyền và sự hiểu biết (Lc 4, 31-37). Người dùng những hình ảnh, con người, sự vật và hiện tượng gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn ông chủ, đầy tớ, người làm vườn, cái cuốc, lưới cá, con chiên, hạt cải, v.v.. Thứ hai, Chúa Giêsu thỉnh thoảng gọi tên, chẳng hạn Na-tha-na-en, Gia-kêu, hoặc chị Samari bên giếng nước, như thể Người đã quen biết họ từ lâu và thấu hiểu hoàn cảnh của họ, khiến họ hoàn toàn bất ngờ (Ga 1, 45-51, Ga 4, 4-26). Vì vậy Người cho họ cảm giác bất ngờ, thú vị dễ thu phục lòng người. Ngoài ra, trên hành trình rao giảng, Người còn có thể làm cho cử tọa tham gia vào câu chuyện cách tự nhiên và họ không ý thức về điều đó. Cả người nói và người nghe đi vào cuộc hội thoại lúc nào không hay, và cứ thế, cho đến lúc người lạ thành quen, không tin thành tin, không yêu mến thành yêu mến rất nhanh chóng và trọn vẹn. Lại nữa, Chúa Giêsu thường xuyên có những phát ngôn được đúc kết, nêu lên như một châm ngôn, một chân lý sống; đi vào lòng người qua mọi thế hệ mà không lẫn vào bất cứ ai, chẳng hạn: “Lúa chin đầy đồng thợ gặt lại ít” (Mt 9, 32-38), “Con Người đến không phải để được phục vụ” (Mc 10, 45), “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7, 7-12),v.v.. rất dễ nghe, dễ hiểu, dễ thuộc và có ý nghĩa vững bền. Điểm cuối cùng, Chúa Giêsu trên đường rao giảng làm nhiều phép lạ, chẳng hạn như hóa bánh ra nhiều cho người ta ăn no nê (Mt 15, 29-37), người bệnh được chữa lành (Mc 10, 46-53; Lc 7, 18-23), ngay cả người chết sống lai (Ga 11, 1-14). Người luôn tỏ tình thương yêu và quan tâm người nghèo và ốm đau. Người nói chính các môn đệ phải cho họ ăn (Mt 14, 13-21) và chữa lành cho họ, nhờ đó lời rao giảng đi đôi với việc làm của Chúa Giêsu tạo thêm uy tín và củng cố lòng tin, yêu cho muôn dân. Vậy chúng ta học được gì từ một nhà sư phạm đại tài này? Phải chăng đó là sự giản dị, gần gũi, hiểu biết, đầy lòng trắc ẩn và quyền năng (Lc 4, 31-37)? Với cách rao truyền này, Chúa Giêsu muốn hướng đến sứ vụ sai đi cho các môn đệ. [1] Truyền thống này cần phải tiếp tục hiệp hành sống động trong Giáo hôi và sứ vụ Đa Minh chúng ta hôm nay.

II. Vậy làm thế nào để một bài giảng được gọi là một một bài giảng hay?

Đến nhà thờ, giáo dân muốn nghe bài giảng như thế nào từ các linh mục? Một bài giảng ngắn gọn súc tích vài ba phút hay một bài dài lê thê, “sốt ruột”, phải liếc đồng hồ liên tục? Một bài giản với nhiều kiến thức uyên thâm hay nhiều câu chuyện tiếu lâm, hài hước? Một bài giảng mộc mạc hay là một tác phẩm nghệ thuật với nhiều kỹ xảo ngôn ngữ và phong cách chỉnh chu? Và trên tất cả điều này, còn gì khác không?

Tôi nhớ khi còn ngồi ghế giảng đường đại học, thầy giáo hỏi: “Một bài thơ như thế nào được gọi là một bài thơ hay hở trò?” Tôi trả lời, “bài thơ được xem là hay không chỉ hay về bố cục (bài thơ), thể thơ, gieo vần, và câu chữ, nhưng nội dung bài thơ phải “nói dùm” và chuyển tải được cái ý và hồn của độc giả muốn diễn tả giống như thế mà loay hoay không toát ra được. Ví tựa như nàng thơ khẽ gỏ vào hồn thơ của mình, khiến tâm trí vui sướng thỏa mãn ngập tràn tình- ý, vì như có ai đó hiểu và nói hộ cõi lòng mình.” Thực ra, văn học Việt Nam trước 1945 chú trọng nghệ thuật vị nghệ thuật, và chỉ sau 1945 mới có xu hướng vị nhân sinh hơn[2]; xu hướng phục vụ cho nhu cầu con người nhiều hơn, có lẽ vì thế nó vẫn đang phát triển phong phú và đa dạng tới hôm nay.[3]

Cũng tương tự như thế, nhà giảng thuyết không chỉ áp dụng tốt nghệ thuật và phương pháp rao giảng, nhưng cốt yếu giúp cử tọa hiểu biết, khám phá Tin Mừng, đồng thời khả năng giúp người nghe liên tưởng ý nghĩa bài Tin Mừng tới cuộc sống thực của họ, một cuộc sống với bao biến cố thăm trầm hỉ nộ ái ố khó tránh khỏi. Như cha Timothy Radcliffe đã dự báo cách đây gần 20 năm, chúng ta sẽ đến lúc phải đối diện với một sự chọn lựa có tính cách dung hòa giữa “nhu cầu công bố đức tin và nhu cầu đối thoại chân thực với người khác”[4] Rao giảng Tin Mừng là giúp cả người nói lẫn nghe có dịp ngẫm nghĩ, thao thức và khơi gợi những gì chưa được hiểu biết hoặc ý thức, cùng hiệp hành với nhau trong việc chuyển tải đức tin, khả năng đối thoại chân lý và cùng nhau hoán cải. Chắc chắn nhà giảng thuyết sẽ là người truyền cảm hứng, trình bày cảm thức đức tin, để rồi việc thánh hóa tâm hồn con người luôn luôn là công việc của Chúa Thánh Thần.

Tôi tin rằng để có một bài giảng hay, điều kiện căn bản là nhà giảng thuyết phải thật sự thích giảng. Sự thích thú rao giảng sẽ khiến họ dành nhiều giờ cho việc học hỏi, đọc sách, suy gẫm, cầu nguyện, thậm chí chịu khó học hỏi những bài giảng của các nhà giảng thuyết uy tín và nổi tiếng trong và ngoài nước, cả ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ khác (nếu có thể), trên các phương tiện truyền thông.

Để có bài giảng hay, trước nay chúng ta cứ nghĩ rằng đây là thế mạnh của người có năng khiếu. Chẳng hạn, giảng hay là phải có khả năng hùng biện hoặc giọng nói ấm áp hoặc ngọt ngào đi vào lòng người; giảng hay là phải trình bày nhiều kiến thức, thông tin và lung linh hình ảnh, nhiều câu chuyện kể; giảng hay phải là không cầm giấy, thuộc lòng từng câu chữ như đứa học trò trả bài với thầy cô trước lớp; hoặc giảng hay là phải “chua” được nhiều ngôn ngữ cổ xưa Hipri, Hy lạp, Latin, hay Anh- Mỹ. Chắc không hẳn vậy, tôi nghĩ một bài giảng sẽ là không hay nếu nó không có sức chuyển tải, tiếp nhận và giúp hoán cải. Một bài giảng sẽ là không hay nếu chỉ để thưởng thức tài năng hùng biện, kiến thức uyên bác của nhà giảng thuyết để rồi khi ra khỏi nhà thờ người nghe không nhớ gì nữa. Một bài giảng sẽ là không hay nếu chỉ chú trọng trưng diện các ý tưởng gây hiềm khích, truyền tải năng lượng tiêu cực về sự xung đột nào đó, đấu tranh ý thức hệ về chính trị, kinh tế, hoặc gây chia rẽ, hiềm thù, không phản ánh đúng giá trị Tin Mừng; điều đó không giúp ích gì cho việc thăng tiến nhân đức mến-Chúa-yêu-người, lòng độ lượng cảm thông, khiêm tốn, bình an, niềm an ủi và hy vọng nào cho bất cứ ai. Tuy nhiên, một bài giảng sẽ là hay và hay nhất nếu mục đích cuối cùng quy hướng về hai yếu tố duy nhất: vinh quang Thiên Chúa và cứu độ các linh hồn.

Để kết thúc bài viết này, tôi không dám quên nhắc tới thánh tổ phụ Đa Minh, đấng đã lấy nguồn cảm hứng từ việc hoán cải ông chủ quán trọ ăn năn trở lại cho việc sáng lập Dòng.[5] Và không còn nghi ngờ gì nữa trong sứ vụ của anh em Đa Minh, những con người rao giảng kế thừa di sản của cha thánh, tiếp tục hoán cải chính mình và lẫn nhau, đồng thời cộng tác vào công cuộc cứu rỗi các linh hồn, hầu làm vinh danh Chúa. 

Ts. Trần Anh Long, OP.


[1] Tham khảo Lê Minh Thông, Ba Cách Thức Rao Giảng Tin Mừng Của Chúa Giêsu, 10. 03.2013.

[2] Nghệ thuật vị nghệ thuật chú trọng cái đẹp sáng tạo của cá nhân, bất chấp vấn đề nguyên tắc, thậm chí sự áp đặt luật lệ, luân lý, và chuẩn mực chung. Nghệ thuật vị nhân sinh trái lại tập trung vào luân lý, kinh tế, đấu tranh chính trị giai cấp. X. Nguyễn Đình Đăng, Nghệ Thuật Vị Nghệ Thuật, Nghệ Thuật Vị Nhân Sinh, https://nguyendinhdang.wordpress.com/2011/10/17/art-for-art-sake/

[3] Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh vấn đề nhân văn, luân lý và sức sáng tạo nghệ thuật phục vụ sự tốt lành tâm hồn con người mà thôi; không có ý đấu tranh giai cấp hay hoạt động chính “chị”, chính “em” như ý nghĩa ban đầu của nó đâu nhé!

[4] Timothy Radcliffe, Hãy Đi và Giảng Thuyết, thư gửi các anh chị em trẻ các Tỉnh dòng nói tiếng Pháp, 1996.

[5] Guy Bedouelle, Thánh Đa-Minh Ân Sủng Lời Chúa, tr. 62.

Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url