▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Đề án Cộng đoàn: Thánh Đa Minh và đời sống Huynh đệ trong Cộng đoàn

Những biến chuyển lịch sử, trong niềm tin của chúng ta, không phải chỉ là những biến chuyển ngẫu nhiên và đưa đến những kết quả ngẫu nhiên, nhưng có thể là dịp để tỏ lộ những phẩm tính sâu xa, căn cốt, vẫn ẩn chứa trong lòng thực tại, những phẩm tính đã được chính Thiên Chúa ghi khắc…

1. Chuyển biến lịch sử và ý định của Thiên Chúa

Những biến chuyển lịch sử, trong niềm tin của chúng ta, không phải chỉ là những biến chuyển ngẫu nhiên và đưa đến những kết quả ngẫu nhiên, nhưng có thể là dịp để tỏ lộ những phẩm tính sâu xa, căn cốt, vẫn ẩn chứa trong lòng thực tại, những phẩm tính đã được chính Thiên Chúa ghi khắc…

1.1 Thời đại của thánh Đa Minh

Thế kỷ V tcn, thời hoàng kim của thời Thượng cổ; thế kỷ XIII, thời thánh Đa Minh; và thời đại của chúng ta có nhiều nét tương đồng mà nói chung là “chiều ngang” trở thành quan trọng hơn “chiều dọc”, những vấn đề của cuộc sống con người trở nên nổi cộm so với những khúc mắc về vũ trụ, về thần thánh trên cao.

Vào khoảng thế kỷ V tcn, thành phố Athens sau cuộc chiến với Ba Tư, phát triển việc buôn bán bằng tầu thuyền trong biển Địa Trung Hải, đã trở nên giầu có. Bầu khí Athens khi ấy đã tạo nhiều yếu tố thuận lợi để hình thành nên một thời hoàng kim của triết học Thượng Cổ: một tầng lớp những người tự do, thoát khỏi sự ràng buộc của cơm áo gạo tiền; một nền chính trị dân chủ đầu tiên trên thế giới tạo cho những người dân tự do ấy có một niềm đam mê chính trị; sự rộng mở của tướng Périclès đối với những người trí thức nhập cư (những người làm nên nhóm quen gọi là các triết gia “nguỵ biện”), những cuộc tranh luận “tự do” của những trường phái tư tưởng khác nhau… Những điều ấy chấp cánh cho một niềm khao khát căn bản của người Hy Lạp, khao khát episteme (khoa học), khao khát hiểu biết thế giới của thần thánh như là thế giới của những quy luật phù hợp với lý trí hiểu biết, thế giới của trật tự, chứ không phải là thế giới những ý muốn trái chứng trở trời của thần thánh…

Khi ấy, Athens là nơi tạo điều kiện cho những tranh luận đa chiều, nơi mà người ta đồng thuận với nhau về thái độ triết học, triết học không còn là sự nắm bắt sự khôn ngoan của thần thánh (sophia) nhưng chỉ là lòng yêu mến chân lý (philo – sophia). Thái độ ấy mang một ý nghĩa sâu xa và chân thực, đó là con người đứng vào đúng “đẳng cấp” của thân phận con người, đẳng cấp của tầng “doxa” (ý kiến), chứ không phải rơi vào ảo tưởng đứng ở đẳng cấp “aletheia” (chân lý). “Phép lạ Hy Lạp” đã được tạo nên khi mà người ta không còn chấp nhận thứ “chân lý ăn sẵn” nơi thần thánh hoặc nơi quyền lực của quân vương, nhưng dám khởi đi từ những ý kiến bập bẹ của chính người dân tự do. Chính trong giai đoạn này, nhãn giới triết học thay đổi, từ mối bận tâm về vũ trụ luận người ta chuyển sang những tranh luận về nhân sinh quan[1].

Châu Âu vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII là thời gian tương đối ổn định về chính trị và người ta bắt tay vào việc phát triển đời sống kinh tế và văn hoá. Sự phục hưng về văn hoá, bắt đầu từ thời Carolo, đã hình thành nên các trường “cao đẳng” và đạt đến cao điểm là các trường đại học vào thế kỷ XIII; lòng ham mê học hỏi bùng phát; mối giao lưu của các nhà trí thức tại các nước khác nhau được thuận lợi nhờ cùng sử dụng ngôn ngữ la tinh và khơi mào một bầu không khí “toàn cầu hoá”; học thuyết Aristote vốn bị coi là “duy vật” trở nên hấp dẫn hơn với những nhà trí thức…

Thế kỷ XIII cũng là cao trào của một thời kỳ gia tăng dân số đã bắt đầu từ thế kỷ XI[2], kéo theo hiện tượng đô thị hoá, cùng với những biến chuyển về kinh tế. Hiện tượng người nông dân ồ ạt lên thành thị làm việc trở thành nổi cộm. Khi ấy, có nhiều nỗ lực phát triển kinh tế kéo theo sự ham mê tiền bạc, những vấn đề công bằng xã hội, những nghiệp đoàn “công nhân” liên kết với nhau để bảo vệ quyền lợi cho nhau; sự chuyển biến kinh tế này cũng xô đẩy một số đông những người nghèo vào vòng khốn cực và thực trạng xã hội trở nên một “chướng kỳ” lồ lộ trước mắt…

1.2 Trong nhãn giới Tin Mừng

Những biến chuyển của thời đại thế kỷ XIII đã làm lộ ra những lỗ hổng của đời sống Giáo hội. Đối diện với một xã hội mới, đầy những bất công và nghèo khổ, lối sống quen thuộc của các tu sĩ và giáo sĩ thời đó lại trở nên những chướng kỳ cho tâm thức người Kitô hữu. Quả vậy, lối sống của hàng giáo sĩ và các tu sĩ không diễn tả được sự mới mẻ của Tin Mừng, nên chính những người giáo dân đã thổi bùng lên một phong trào trở về nguồn, khơi dậy lòng khao khát tìm lại sức năng động của Tin Mừng giống như thời Giáo hội sơ khai. Cha Pie Regamey[3] ghi nhận “phong trào tông đồ” phát sinh từ cuộc khủng hoảng ấy đã nẩy sinh từ trước khi xuất hiện hai dòng tu Đa minh và Phan Sinh khoảng một thế kỷ.

Như thế, vào thế kỷ XIII, những vấn đề của đời sống con người trong thời đại trở nên vừa phong phú vừa gay gắt hơn. Hai dòng tu Phan Sinh và Đa Minh dần dần bị cuốn hút bởi đô thị, đối diện trực tiếp với thực trạng xã hội, nhìn lại lý tưởng nghèo khó Kitô giáo và, kẻ trước người sau, cả hai đều bước vào lãnh vực trí thức như một phương thức để rao giảng Tin Mừng.

Sự nghèo khó và lòng nhiệt thành truyền bá Tin Mừng là hai đặc điểm của phong trào tông đồ ấy; và hai vị thánh của thời đại này đã cùng chia sẻ khát vọng ấy của thời đại, mỗi người một cách khác nhau nhưng cùng bổ sung cho nhau. Thánh Phan Sinh đã tìm thấy nẻo đường sống đơn sơ nghèo khó từ cảm hứng về chính Chúa Giêsu nghèo khó, rồi sau đó, vào năm 1232, anh em Phan Sinh mới chính thức lãnh nhận sứ mạng giảng dạy chân lý đức Tin. Thánh Đa Minh là một giáo sĩ và là một con người gắn bó sâu xa với Giáo hội, ngài tha thiết với sứ mệnh của Giáo hội là cứu rỗi các linh hồn, và tìm thấy con đường loan báo Tin Mừng bằng cách sống giống như đức Giêsu, đặc biệt là đời sống nghèo khó, đến độ dám ra khỏi “pháo đài giáo sĩ” để đến được với những kẻ lạc đường.

1.3 Nề nếp tu trì

Trước những biến động của xã hội và sự lạc lõng của đời sống Giáo hội như thế, người ta dễ rơi vào hai thái cực, hoặc là dứt khoát loại trừ những gì khác biệt với truyền thống hoặc là lựa chọn phản ứng bằng cách loại trừ tất cả những gì cũ kỹ và trì trệ. Một phản ứng hời hợt về thách đố này sẽ dễ dàng khiến người ta tìm giải pháp bằng những cảm hứng bốc đồng hoặc mang tính đối phó có nhiều nguy cơ phá hoại hơn là xây dựng.

Có lẽ, với tài tổ chức thiên bẩm, và dĩ nhiên, với đặc sủng của Thánh Thần, Đa Minh nhận ra cần tìm giải pháp trong một thể chế vững chắc và ngài can đảm tìm cách sắp xếp lại lối tổ chức quen thuộc của Giáo hội, một đàng là các tu sĩ chuyên lo cầu nguyện, đàng khác là các giáo sĩ kiêm nhiệm toàn bộ việc tông đồ. Đa Minh muốn tách việc tông đồ càng ngày càng khẩn thiết ra khỏi sứ vụ mục vụ; đồng thời ngài cũng triển khai một cách thức để các tu sĩ có thể đảm nhận sứ vụ tông đồ như hoa trái phong phú của sự sống tâm linh.

Như thế, để xây dựng một thể chế cho một dòng tu mới, một đàng, thánh Đa Minh là chọn nề nếp đan tu vốn đã có một bề dày lịch sử trong đời sống Giáo hội và có khả năng nuôi dưỡng một đời sống tâm linh bắt rễ vững chắc nơi Thiên Chúa; đàng khác, ngài canh tân nếp sống ấy để có khả năng đáp ứng những nhu cầu tông đồ của thời đại mới. Nếp sống đan tu giúp cho đời sống thánh hiến được quy củ hơn, nhưng để đáp ứng được những đòi hỏi của việc tông đồ thời đại mới, thánh Đa Minh đã đưa việc học hỏi để thay thế cho việc lao động chân tay, đưa phép chuẩn để có thể xử lý những tình huống khó khăn cách linh động hơn; đồng thời, một cách độc đáo, ngài cũng làm rõ sự phân biệt giữa “toà trong” và “toà ngoài”, khi khẳng định luật Dòng không buộc thành tội, để người tông đồ có được một sự tự do của con cái Chúa, một sự tự do chẳng những cần thiết để đáp ứng nhu cầu tông đồ, nhưng hơn nữa, còn là sự tự do cần thiết để sống giá trị Tin Mừng một cách chân thật.

1.4 Một tổng hợp mới mẻ của cha Đa Minh

Như thế, cha Régamey tóm lại sức sống của Dòng Đa Minh phát sinh từ sự tổng hợp ba yếu tố căn bản:

- tinh thần Tin Mừng và tông đồ,

- lối sống theo qui luật,

- nhạy bén với đặc tính của thời đại.

Đó là một tổng hợp, theo cha Régamey, làm nên vận mạng của Dòng:

“Kết hợp cả ba yếu tố đó lại là khá đáng sợ. Kết quả sẽ là một thứ hỗn hợp vang như sấm, là sứ điệp tiên tri. Tiếng vang lên chính là lời rao giảng. Chỉ có thể duy trì cả ba yếu tố đó cùng một lúc, nếu ta sống khá cao, khá sâu và khá rộng. Bằng không thì thật là mạo hiểm. Đúng vậy, nguy cơ nghiêm trọng đến mức bắt buộc ta phải sống đời cao sâu như thế. Khi các tu sĩ Đa Minh bỏ nề nếp sống đó, thì ta thấy gì? Kẻ thì tỏ ra tầm thường do thói quen dùng những thoả hiệp thấp kém và dễ dãi, thay thế những tổng hợp cao siêu; một số vì trung thành với khuynh hướng thứ hai, nên sốt sắng giữ một thứ qui luật chết, trong khi ngược lại ta thấy một số khác cư xử như những khối chất nổ nguy hiểm; biết bao kẻ, vì muốn theo thời đại của mình mà tục hoá, tan biến ra mây khói!... Tuy nhiên, phải chấp nhận thực tế. Ngay từ lúc sáng lập Dòng Đa Minh, ba khuynh hướng ấy gặp nhau, hòa hợp với nhau. Cả ba cùng thiết yếu”[4].

Cha Régamey có cường điệu quá không?

Quả thật, để sống triệt để mỗi một yếu tố trong tổng hợp của thánh Đa Minh đã là một thách đố lớn lao. Tuy vậy lịch sử Dòng đã cho chúng ta những chứng tá về một lối sống Đa Minh như thế.

a/ Có lẽ chúng ta cần lưu ý đặc biệt đến yếu tố đầu tiên, yếu tố tinh thần Tin Mừng và tông đồ. Dù sao cũng phải thán phục những anh em lạc giáo thời thánh Đa Minh. Những người giáo dân ấy đã nhạy bén hơn các giáo sĩ và tu sĩ, đã khám phá lại nét mới mẻ của Tin Mừng mà nếp sống Giáo hội khi ấy đã bỏ quên hoặc làm tan loãng trong vô vàn những lề thói mà thực chất chỉ là “ước lệ xã hội” mà thôi. Có lẽ ta có thể mường tượng tình trạng ấy phần nào giống với điều đức Giêsu nói về những người Biệt Phái: “Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.” (Mt 15,6); hoặc một cách tệ hại hơn nếu chúng ta liên tưởng đến những lề thói theo phong cách quí tộc mà Molière đã từng chế diễu…

Nhờ chuyên chăm nghiền ngẫm Sách Thánh và nhờ một thái độ khiêm tốn, thánh Đa Minh đã tiếp nối hứng khởi Tin Mừng của những anh em lạc giáo, cả về tinh thần lẫn phong cách, mặc dù ngài nỗ lực rao giảng chống những điểm sai lạc về giáo thuyết và lập trường tách rời khỏi Giáo hội. Không phải là ngẫu nhiên hoặc chỉ do lễ nghĩa mà người ta gọi thánh Đa Minh là “con người của Tin Mừng”, và ngài cũng không ngừng nhắc nhở con cái luôn phải sống như những “con người Tin Mừng”. Trong sứ mạng giảng thuyết, không phải ngẫu nhiên mà truyền thống ca ngợi ngài là “Vị Giảng Thuyết của Ân Sủng”….

b/ Về yếu tố nhạy bén với thời đại, chúng ta cũng thấy một sự thiếu hụt nào đó. Cha Régamey cho rằng “cấu trúc đan tu và kinh sĩ của Dòng cũng như tinh thần kinh viện hình như làm cho Dòng khó thích nghi hơn. Khi thử thích nghi, phải chăng (điều đó) là phương hại đến tính chất truyền thống của Dòng? Chính Dòng chỉ tỏ ra xuất sắc trong đặc nhiệm tông đồ ở lúc đầu thôi. Ngay từ cuối thế kỷ đầu tiên, tinh thần của Dòng đã mất đi phần nào tính cách cởi mở và mềm dẻo, cùng lúc với khả năng sáng tạo và niềm phấn khởi…[5].

Quả thật, thời sơ khai của Dòng, anh em thường cư ngụ ở cổng thành để có thể tự do hơn trong việc rao giảng[6]. Dữ kiện thể lý ấy chắc chắn cũng tác động tới cảm thức và ý nghĩa của sứ vụ. Ở cổng thành là nơi anh em tiếp xúc đồng thời với dân quê và dân thành thị, tiếp xúc với người nghèo, người di dân và người ngoại đạo. Vị thế ấy giúp cho ý thức tông đồ của người Đa Minh mang tính “biên cương”, nói theo từ ngữ mà tổng hội Avila (1986) đã dùng và đã gợi lại phần nào niềm phấn khởi dấn thân khi ấy.

Sau thế kỷ đầu tiên thật phong phú, người ta nhận thấy, bẩy thế kỷ sau đó, sức sống của Dòng bộc lộ mối do dự giữa thái độ co rút để trung thành với quá khứ và thái độ dám mạo hiểm để đón nhận những thách đố mới của thời đại[7].

Do đó, không lạ gì khi biệt danh “Dominicani” hoặc “Domini-canes”, (những con chó của Chúa) được đặt ra để diễn tả hình ảnh thánh Đa Minh như con chó ngậm bó đuốc, lại được hiểu một cách nhạo báng để chỉ những tu sĩ Đa Minh như những con “chó săn” của Giáo hội, chuyên lùng bắt những kẻ rối đạo[8].

Về điều này, có lẽ một lần nữa, ta lại phải nói vể một thách đố không phải chỉ trong Dòng Đa Minh, nhưng đối với toàn thể Giáo hội và đặc biệt là Giáo hội Việt Nam. Theo đức Benedicto XVI, thách đố lớn của Giáo hội là ngôn ngữ thần học của chúng ta vẫn còn giống như anh hề của gánh xiếc[9]. Thần học công bố thực tại (rạp xiếc bị cháy) nhưng lại trong bộ dạng một anh hề, khiến người nghe tưởng đó chỉ là chiêu trò câu khách. Nói cách khác, chúng ta vẫn không nối kết được nội dung tín lý Kitô giáo với kinh nghiệm người, và do đó cũng không nối kết được với ưu tư và thách đố của thời đại. Mầu nhiệm cứu độ Kitô giáo bị cải biến thành một thứ luân lý của tôn giáo “dạy người ta ăn ngay ở lành”.

c/ Về yếu tố sống theo qui luật, chúng ta gặp thấy một thách đố muôn thuở của phận người. Ở đây ta gặp lại tầm quan trọng của một yếu tố có vẻ tuỳ phụ, có vẻ mang tính “phương pháp”, nhưng lại là yếu tố mang tầm quan trọng lớn. Điều quan trọng là yếu tố có vẻ tuỳ phụ và mang tính phương pháp ấy cần phải được hiểu và được thực hiện với một ý nghĩa đúng đắn.

Đời sống Đa minh là “một” và thể hiện trong “sáu” yếu tố căn bản. Tuy nhiên, sáu yếu tố ấy không phải là một “tổng số” mà là “toàn thể”. Tổng số là kết quả đơn giản do việc cộng các thành phần; còn toàn thể lại là một sự tương tác hoà điệu của các thành phần, làm nên cái dáng, dáng thần, cái hồn, cái duyên riêng. Cái toàn thể mới có thể làm nổi bật lên nét duyên của những con người của Tin Mừng, thiết tha công bố Tin Mừng Triều Đại của Thiên Chúa. 

Khi tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta nhận lấy nếp sống của các tông đồ, theo thể thức đã được thánh Đa Minh cưu mang, là chung sống đồng tâm nhất trí, trung thành tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, sốt sắng cử hành phụng vụ, đặt biệt là việc cử hành Thánh Thể và kinh Thần vụ cũng như việc cầu nguyện, chuyên cần học hỏi, kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì…và việc giảng thuyết…” (HPNT IV). 

Cái “một” trong đời sống Đa Minh là “nếp sống của các tông đồ”; được thể hiện trong sáu yếu tố. Trong sáu yếu tố ấy, nếp sống tu trì là yếu tố có ít giá trị tự tại nhất, vì không ai giữ kỷ luật vì kỷ luật, nhưng đó lại là yếu tố, trong thực hành, có tầm quan trọng như là mức độ tối thiểu mà nếu không có thì mọi sự sẽ vỡ toang. Tuy nhiên, nếu nếp sống tu trì như là “chất thể” cần thiết thì chính yếu tố sống các lời khuyên Tin Mừng mới là “mô thể”, là đường nét tinh thần làm nên “phẩm tính siêu hình” của đời sống chiêm niệm Đa Minh.

Nhờ mối giây nối kết của nề nếp tu trì, ba yếu tố - đời sống chung, việc học hành và việc cử hành phụng vụ - được ổn định để hướng tới Các Lời Khuyên Tin Mừng. Đời sống cộng đoàn thăng tiến từ sống-chung, đến sống-huynh-đệ, và đến mức thuộc-về-nhau. Việc học hành được thăng tiến từ kiến-thức đến giá-tri-nhân-bản và đến sự-khôn-ngoan-muôn-mặt-của-Thiên-Chúa. Đời sống phụng vụ được thăng tiến từ nghi-thức đến sự-hiệp-thông-trong-lời-cầu-nguyện và đến phụng-vụ-thiên-quốc. Một khi ba yếu tố này được vươn tới các lời khuyên Tin Mừng, thì đời sống Đa minh sẽ trở thành dấu chỉ Nước Trời. Chính vì thế mà người tu sĩ Đa minh được nhắc nhở sống phải “như những người con của Tin Mừng” (HPNT II); và khi ấy, đời sống mang chất Tin Mừng mới có thể ứa tràn nên lời giảng Ân Phúc như thánh Đa minh (praedicator gratiae). Dáng dấp Đa Minh - là đời sống theo Tin Mừng và lời giảng Ân Phúc – bộc lộ nét duyên, nét thần, nét toàn thể của linh đạo Đa minh.

Nói một cách nào đó, ta có thể nhìn vào chính cách thức sống nề nếp tu trì để nhận ra một đời sống Đa Minh quân bình và chân chính, đó là lối sống vừa không dễ dàng bỏ qua kỷ luật nhân danh một thứ giá trị tinh thần cao cả nào đó, vừa không bám vào lối sống kỷ luật chuẩn mực như thang điểm đánh giá phẩm tính của đời tu.

2. Đề án của cha Đa Minh

Dĩ nhiên chúng ta có thể trình bày đề tài “Thánh Đa Minh và đời sống hiệp thông huynh đệ” bằng những sự tích về nhân đức của thánh Đa Minh, chẳng hạn ta có thể khám phá đường nét linh đạo “sống với ai” trong toàn bộ đời sống của thánh Đa Minh, với Chúa, với anh em và với những người ngài gặp gỡ; chẳng hạn chúng ta có thể ấn tượng về tâm hồn đơn sơ chân thật của thánh Đa Minh, dễ dàng vui với người vui, khóc với người khóc; chẳng hạn chúng ta có thể kể thái độ “dịu hiền” biểu lộ một tâm hồn thánh thiện, hoặc nói về những cách xử lý có lý có tình của thánh Đa Minh với con cái trong Dòng….

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với chúng ta là cha Đa Minh không chỉ để lại những mẫu gương, hoặc những bài huấn dụ, nhưng là để lại một thể chế. Sử sách luôn khẳng định về nhân đức khiêm nhường của thánh Đa Minh, và sự khiêm nhường ấy được cha Guy Beduelle O.P diễn tả là một khuôn mặt “khuất trong ánh sáng”. Quả thật muốn khám phá ra khuôn mặt của thánh Đa Minh chúng ta chỉ có thể nhận ra những dấu ấn của ngài trong đời sống anh em và nhất là trong thể chế mà ngài để lại cho anh em. Nói như cha T. Radcliffe, tinh thần của thánh Đa Minh biểu lộ rõ ràng và căn bản nhất trong một thứ “linh đạo quản trị”.

2.1 Bước chuyển biến quan trọng

Sở dĩ chúng ta đã phải dài dòng so sánh thế kỷ XIII ở Châu Âu với thành phố Athens vào thế kỷ thứ V tcn, là vì từ đó chúng ta mới có thể nhận ra một chiều hướng trong lịch sử tu tưởng của nhân loại và có lẽ nhận ra chiều hướng trong lịch sử tôn giáo mạc khải. Khi đó chúng ta “định vị” nề nếp cộng đoàn trong tính toàn thể.

Trong bước biến chuyển của lịch sử, vào thời thánh Đa Minh, chúng ta cũng nhận ra mối tương quan chiều ngang trở nên quan trọng. Dĩ nhiên không ai có thể hiểu đó là một thứ “chiều ngang” chống lại chiều dọc, nhưng là một thứ “chiều ngang” như hoa trái đích thực của “chiều dọc”. Với chiều ngang ấy, con người được dự phần cách tích cực vào thế giới siêu việt.

Người Hy Lạp đã sớm chuyển mình từ một một “siêu hình học thần thánh”, nghĩa là quy chiếu trực tiếp ý muốn, nhiều khi trái chứng trở trời, của thần thánh vào mọi sinh hoạt của con người, để chuyển thành một thứ “siêu hình học tự nhiên”, nghĩa là khám phá ý muốn của thần thánh qua những qui luật hợp lý của lý trí. Đó là một yếu tố giúp cho người Hy Lạp đã sớm đạt được một thứ episteme (khoa học) trong mọi lãnh vực[10].

Trong nhiệm cục cứu độ, chúng ta có thể chiều hướng ấy trong sự chuyển tiếp từ Cựu Ước sang Tân Ước, chuyển từ một hình ảnh Thiên Chúa Cao cả và uy quyền đến hình ảnh một Thiên Chúa gần gũi và thân thương… và nhiệm cục cứu độ được tỏ lộ một cách mới mẻ:

“Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người (…) Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 7.9)

Đức Giêsu, chẳng những nối kết hai điều răn mến Chúa và yêu người, nhưng, qua cái chết và sự Phục Sinh, Ngài còn ban một Điều Răn Mới:“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (X. Ga 13,34). Qua tình yêu lớn hơn mọi tình yêu mà đức Giêsu ban cho các môn đệ, dòng chảy của tình yêu trở nên một, một nguồn cội duy nhất, tuôn tràn đến con người và chan hoà giữa con người với nhau. Vì đó, Giáo hội hiểu hai giới răn mến Chúa yêu người chỉ là một mà thôi. Lời nguyện nhập lễ tuần XXV thường niên là:

Lạy Chúa, Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người; xin giúp chúng con hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy để sau này đạt đến phúc trường sinh”.

Đời sống đức Tin trong Tân Ước tìm thấy một chuẩn mực mới, không phải khác biệt, nhưng là một hình thái mang tính bí tích, đúng với quy chế hiện hữu của con người:

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 19)

Chúng ta có thể đọc trình thuật phán xét Mt 25, 31-46, hoặc tìm thấy rất nhiều dẫn chứng khác trong Kinh Thánh[11].

Dĩ nhiên không ai có thể hiểu đây là một thứ “chiều ngang” loại bỏ hay chống lại “chiều dọc”, nhưng là một hình thái sống đức Tin đúng theo “quy chế hiện hữu” của con người, qui chế mang tính bí tích. Như thế, trong nhiệm cục mới, học cách sống với Chúa cũng là học cách sống với anh em, yêu mến Chúa cũng là yêu mến anh chị em, hoà giải với Chúa cũng là hoà giải với anh chị em mình… Cha Régamey nhận xét:

Dù đáng thán phục đến đâu, linh đạo đan tu thế kỷ XII không phát ra âm vang độc đáo nhất của Tin Mừng. Cái thiếu sót của linh đạo ấy là đã không hiểu vai trò số một, thực sự có tính cách cấu trúc của giới răn mới trong tất cả nhiệm cuộc của Kitô giáo” (trong footnote ở chữ “vai trò số một”, cha Régamey trích dẫn Gioan 13,34: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em)[12].

Chúng ta chỉ có thể hiểu được thể chế của Dòng trong bầu không khí nghiêng về “chiều ngang” ấy: tinh thần dân chủ trong việc chọn lựa những người lãnh đạo, vai trò của người lãnh đạo như là “anh trưởng” (prior chứ không phải superior), việc trao đổi trong “tu viện hội” của đời sống cộng đoàn, thái độ tôn trọng thiên tư riêng của mỗi người anh em, việc tuyên khấn trong tay anh-trưởng chứ không phải trước Thánh Thể… Chúng ta cũng hiểu được, chính trong thể chế nặng tính chiều ngang ấy mà thánh Anberto đã nhận ra cần phải đặt nền tảng của thần học trên nền triết học của Aristote chứ không phải trê học thuyết Platon; chúng ta hiểu được học thuyết của thánh Tôma mang tính “cận nhận tình” và dễ bị hiểu lầm là mang tính duy nhiên…

Những điều ấy chắc hẳn giúp chúng ta nhận ra tầm giá trị của đời sống cộng đoàn trong thể chế Đa Minh, vì cộng đoàn như là nơi bộc lộ ý muốn của Thiên Chúa. Lời khấn Vâng Phục Đa Minh không đơn thuần là vâng lời bề trên, không phải là giản lược Ý Chúa vào ý bề trên, nhưng trong thực chất, chính là tìm ý Chúa trong đời sống cộng đoàn qua việc vâng phục người anh-trưởng (prior). 

2.2 “Đề án cộng đoàn” trong thể chế Đa Minh

Cha Régamey đã phân tích thật thú vị để khám phá những yếu tố từ cội nguồn đã hình thành nên linh đạo Đa Minh. Tuy nhiên, hình như lối nhìn ấy, ít nhiều, có mùi vị đề cao những con người cao cả đặc biệt, mang dáng dấp của một thứ chủ nghĩa ưu tuyển[13]. Yếu tố mà cha Régamey gọi là “sống theo qui luật”, thì những năm sau này, Dòng như tìm thấy một yếu tố cụ thể, gần gũi và sống động hơn, nhất là yếu tố này nhằm tới “mặt bằng” hơn là “ngôi sao”, đó chính là “đề án cộng đoàn”[14].

2.2.1 “Cử hành” đời sống cộng đoàn

Chúng ta đã dõi theo “tiểu sử” của sự sống Đa Minh, đi từ một chân trời bao la của Tin Mừng, đến với những biến động nóng bỏng của thời đại, thông qua một yếu tố mang dáng vẻ một phương pháp là “sống theo qui luật”. Giờ đây, yếu tố mang dáng vẻ phương pháp ấy lại được chắt lọc thêm một lần nữa để gồm tóm trong một sinh hoạt khá cụ thể là “đề án cộng đoàn”, điều đó có kỳ cục lắm không?

Có lẽ điều trước tiên cần thiết là phải khám phá ra rằng việc sống theo quy luật hoặc việc tổ chức tu viện hội để đề ra “đề án cộng đoàn” mang một ý nghĩa lớn hơn và vượt xa hơn tính phương pháp. Để tạm hiểu điều đó, ta có thể hình dung ra phương thức “thiền”, nghĩa là tìm lại ý nghĩa chân thực của thế giới bằng cách thực hành những kỹ thuật để có được tình trạng “tâm thân hiệp nhất”. Hoặc nói cách khác, theo tinh thần Kitô giáo, đó chính là cách thức “sống bí tích”, là thực hành những nghi thức bên ngoài để công bố một thực tại bên trong; hoặc nói theo cách đời thường hơn, đó là phương thức “cử hành cuộc sống”. Chẳng hạn một cái bắt tay đúng nghĩa, một lời chào đúng nghĩa, một lời chúc mừng đúng nghĩa…. đó chính là việc “cử hành cuộc sống”. “Cử hành” nghĩa là thực hiện một hành vi cách “trang trọng”, nhưng sự trang trọng ấy, một cách chính thực, không phải thuần tuý do phương thức bên ngoài của cử điệu, mà là do nó gồm gói một nội dung ý nghĩa đậm đặc. Một cái bắt tay thật lịch sự vẫn có thể là một cái bắt tay hời hợt; và một cái bắt tay biến tấu vẫn có thể “trang trọng” khi nó gồm gói đậm đặc sự trao gởi tình thân… Nếu không như vậy, người ta sẽ rơi vào thái độ mà F. De La Rochefoucauld (1613-1629) tố cáo: trang trọng là một xảo thuật của thân xác để che dấu những khiếm khuyết của tâm hồn…

Quả thật, trong dòng đời nổi trôi, ý nghĩa đời người dễ bị tan lãng trong muốn vàn tình tiết nhỏ to. Cuộc đời ba chìm bẩy nổi ấy khiến cho những dự định, những giá trị dù cao cả đến đâu cũng dễ tan biến và trở thành tẻ nhạt nếu người ta không phân định được “thì mạnh” và “thì yếu”. Con người luôn cần những “nghi thức” như là một sự cử hành ý nghĩa của cuộc sống ở những “thì mạnh”. Chẳng hạn lời chúc Tết đầu năm sẽ chỉ là một nghi thức suông nếu nó là một “dị vật” trong quĩ đạo sống của con người, nhưng nếu nó là việc cử hành ý nghĩa như “thì mạnh” của toàn bộ đời sống thì sẽ trở nên những cột mốc nâng đỡ và gìn giữ bản chất đích thực của đời người.

Những hình ảnh ấy có thể giúp chúng ta hiểu hơn yếu tố sống theo quy luật hoặc thực hành tu viện hội như một “đề án cộng đoàn”. Yếu tố này, khi được thực hiện một cách chân thực, thì không còn thuần tuý là phương pháp nhưng chính là sự lộ diện của căn tính hay là sự trào vọt của một nguồn mạch sự sống phong phú.

2.2.2 Cộng đoàn và sứ vụ

Cha B. Cadoré đã mở đầu bức thư mang tựa đề “Từ ‘Đề xuất’ của Dòng đến các Đề án Đời sống Tông đồ Tu viện”[15], ngày 21-09-2015, bằng cách xác định nét căn bản của Dòng là mối tương quan giữa sứ vụ và sự hiệp thông huynh đệ:

Bằng cách phát biểu rằng ‘hình thái của Dòng, xét như một hội dòng, xuất phát từ sứ vụ và sự hiệp thông huynh đệ của Dòng’ (LCO số I,$VI), Hiến pháp nền tảng rõ ràng đã thiết lập nên mối liên hệ giữa sứ vụ và cộng đoàn, là hình thức định hình nên Dòng”.

Hiến Pháp Nền Tảng triệt $VI, khẳng định mối liên hệ giữa sứ vụ và cộng đoàn chính là hình thức định hình nên Dòng, khẳng định ấy là sự xác định thêm một lần nữa điều đã nói ngay ở triệt I của Hiến Pháp Nền Tảng như là cội nguồn và như là căn tính của Dòng:

Khi viết cho thánh Đa Minh và các anh em của ngài, đức Hônôriô III đã diễn tả chủ đích (propositum) của Dòng bằng những lời này: ‘Đấng làm cho Hội thánh không ngừng sinh thêm nhiều con cái, vì muốn cho thời hiện đại này hợp với thời tiên khởi và muốn truyền bá đức tin Công giáo, đã gợi lên cho anh em tâm tình đạo đức này là: nhờ ấp ủ đức thanh bần và khấn giữ nếp sống tu trì, anh em tận hiến cho việc công bố Lời Thiên Chúa, loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta trên toàn thế giới” {Sắc chỉ 19-01-1221}” (LCO, số I,$I)

Như thế, chúng ta có thể hiểu, một cách nào đó, “chìa khoá” của sự sống Đa Minh nằm ở mối tương quan giữa sứ mệnh và sự hiệp thông huynh đệ. Mối tương quan ấy, từ di sản của thánh Đa Minh được Giáo hội chuẩn y, không phải chỉ là một tâm tình luôn thăng trầm hay một phẩm tính luân lý cao thấp nơi người này người kia, mà là một thể chế hướng dẫn đời sống cộng đoàn. Tạm nói “chìa khoá của chìa khoá” để tìm thấy được và nuôi dưỡng được mối tương quan sinh tử của Dòng - mối tương quan giữa sứ mệnh và sự hiệp thông huynh đệ - lại là một qui định mang tính thực hành, đó là tu viện hội.

2.2.3 “Đề án[16] cộng đoàn” trong dòng sự sống Đa Minh

Thật ra, căn tính Đa Minh của toàn Dòng không phải chỉ được xác định một lần trong Hiến Pháp; hoặc, đối với mỗi người, khi quyết tâm chọn lựa đời sống Đa Minh. Căn tính ấy đích thực là dòng chảy của sự sống mà toàn Dòng cũng như mỗi người anh em cần liên tục ngụp lặn và được nuôi dưỡng trong đó. Cha Cadoré nói:

Chúng ta không được thiết lập chỉ một lần cho mãi mãi trong căn tính Đa Minh, căn tính sẽ được xác định bằng các giá trị, các phương thế thực hiện căn tính, các yếu tố làm nên lịch sử của truyền thống Dòng…” (trang 871)

Nếu căn tính Đa Minh được nuôi dưỡng một cách chủ yếu nơi “đề án cộng đoàn” thì đích thực “đề án cộng đoàn” cũng là một sự sống. Sự sống thì luôn vượt quá mọi định nghĩa. Quả thật, cha Cadoré đã tổng hợp nhiều cách giải thích của các tổng hội và xoay sở diễn tả thực tại ấy bằng nhiều cách thức, mà vẫn rất rối rắm…và đó là rối rắm chung của Dòng, vì chính tổng hội Trogir, khi lưu ý đến những lúng túng liên quan đến một vài vấn đề trong việc sử dụng khái niệm “đề án cộng đoàn” đã yêu cầu Bề trên Tổng quyền viết một lá thư về vấn đề này. Chúng ta ghi nhận một vài điều về ý nghĩa và những giá trị tương tác của “đề án cộng đoàn”:

* Qua các tổng hội:

- “Dự phóng cộng đoàn là một phương thức để dung hoà áp lực giữa đời sống huynh đệ và sứ vụ (Tổng Hội Mexico 1992, Caleruega 1995, Bogota 1998) nhằm đảm bảo rằng kế hoạch này thuộc về mọi thành viên, để toàn thể cộng đoàn đều rao giảng và làm chứng (LCO 311, $ 2)

- “Dự phóng cộng đoàn là một trong những cứ điểm quan trọng để thực thi lời khấn vâng phục, vì dựa trên tinh thần trách nhiệm cá nhân trong tương quan với cộng đoàn cũng như với sứ vụ của Dòng” (Caleruega 1995)

- Đó là cách thức mà các cộng đoàn tu viện trở nên những “ngôi nhà giảng thuyết” (Krakow 2004)

- Dự phóng này “là một phương cách để đào sâu các mối tương quan giữa chúng ta, củng cố sự trao đổi chân thành và sự dấn thân của tất cả mọi thành viên vào sứ vụ” (Bogota 2007)

- “Chính khi chia sẻ cho nhau sự dịu ngọt của nếp sống huynh đệ, niềm vui và ơn tha thứ, sẽ hình thành nên việc loan báo Tin Mừng tuyệt hảo nhất, giữa một thế giới bị tổn thương vì bạo lực, xung đột và khai trừ. Các cộng đoàn đầu tiên của chúng ta đã chẳng được gọi là ‘thánh thuyết cục’ đó sao” (Trogir 2013)

* Về phần mình, trong bức thư này, cha Cadoré lưu ý:

+ Một mặt, “đề án cộng đoàn” không phải chỉ là một chương trình sinh hoạt hay chỉ như một tổ chức thuần tuý và nhằm một mục tiêu chiến lược nào đó. Cha B. Cadoré nhắc đi nhắc lại rằng:

- “dự phóng cộng đoàn không chỉ đơn thuần là danh sách các hoạt động tông đồ riêng của mỗi cá nhân…” (tr. 870; x. tr.863, tr. 866).

- “Chúng tôi cho rằng dự phóng tông đồ tu viện không phải là một dự án mang tính chiến lược…”(trang 884; x. tr. 867).

+ Mặt khác, có lẽ điều quan trọng nhất là cha Cadoré sử dụng khái niệm của Paul Ricoeur về “căn tính thuật chuyện” để diễn tả những gì thuộc phạm vi của việc thiết lập đề án tông đồ nơi các cộng đoàn. Xin tạm ghi nhận vài ý nghĩa căn bản:

a/ Dự phóng cộng đoàn là cách thức thể hiện đề án của chính thánh Đa Minh thuở ban đầu:

- “thể hiện được, trong một thời điểm và không gian cụ thể, chính propositum của thuở ban đầu”;

- “đó là sự năng động nhờ đó, cộng đoàn các anh em giảng thuyết muốn trở thành một diễn tả cụ thể về ‘lời giảng thuyết thánh’ của Dòng”;

 - “Đối với tôi, đây là một thách đố đặt ra cho chúng ta: thiết lập đề án cho một ‘lời giảng thuyết thánh’”.

- tạo nên sự thống nhất trong lời giảng hướng tới việc loan báo Tin Mừng Nước Trời như lúc ban đầu… đó là sự hiệp thông mang tính cánh chung, hướng tới việc loan báo danh Chúa Giêsu Kitô cho khắp thế giới

- tạo nên một “sự quân bình chung của ‘hệ sinh thái’ Đa Minh”.

b/ Sâu xa hơn, đề án cộng đoàn không dừng lại ở cội nguồn của Dòng, nhưng dính dáng sâu xa hơn đến chính sứ điệp Tin Mừng của đức Giêsu:

- Các cộng đoàn “đang nỗ lực trở nên như những ‘giáo hội nhỏ’ trong lòng Giáo hội”, thực hiện một cuộc phiêu lưu của lời giảng thuyết thánh, qua đó, thời đại của chúng ta có thể nên giống như thời ban đầu nhờ ‘Đấng làm cho Hội thánh không ngừng sinh thêm nhiều con cái’.

- “tham dự và ‘tính năng động nền tảng” này, Dòng của thánh Đa Minh có thể đã được định nghĩa như ‘ký ức Tin Mừng” mà Giáo hội được hình thành qua việc giảng thuyết như là bí tích của cuộc đối thoại thân tình giữa Thiên Chúa với con người”. (tr. 886)

c/ “Đề án cộng đoàn” giúp cho các thành viên hiệp nhất với nhau và cùng hướng về sứ vụ:

- tạo nên “cảm thức thuộc về” (tr. 881)

- “…nơi đó, việc đối thoại giữa các anh em sẽ cho phép dành thời giờ để mọi người chia sẻ thông tin về các hoạt động hiện tại cho nhau, để trao đổi những quan điểm chung liên quan đến mối bận tậm về thế giới trong thời gian và không gian cụ thể, để đánh gía, điều chỉnh việc giảng thuyết hiện nay…” (tr. 884)

- “Thực hiện dự án chung, đó là phải nói với nhau về điều làm cho chúng ta sống, về những gì chúng ta được liên đới vào trong thế giới mà trong đó chúng ta rao giảng, và về những gì chúng ta hiểu nơi trật tự logic của việc ta làm, nơi những quan tâm của chúng ta với ơn cứu độ các linh hồn, nơi việc học hành và nơi những cuộc đối thoại của chúng ta với người vô tín” (tr. 879)

- “…Dòng được mời gọi hiện diện, vừa để đóng góp như những nhà giảng thuyết chăm sóc những vết thương do con người và xã hội gây ra bởi những gãy đổ tương quan trong thế giới, vừa để tham gia vào việc xây dựng những nhịp cầu nối kết, làm cho các biên giới này không còn là phải là nơi phân chia, nhưng là những cơ hội để tiến đến sự hiệp thông. Hãy nhớ lại những biên cương mà tổng hội Avila năm 1986 đã xác định…” (tr. 877)

Để thể hiện được những khía cạnh nêu trên, chắn chắn phải hiểu “đề án cộng đoàn” một cách linh động hơn, không phải chỉ như một tổ chức, nhưng là một dòng sự sống, được bộc lộ trong phẩm tính của đời sống cộng đoàn, để có thể cô đọng lại một cách phong phú trong tu viện hội. Do đó, cha B. Cadoré thích sử dụng một khái niệm của Paul Ricoeur về “căn tính thuật chuyện”. Nói cách khác “đề án cộng đoàn” không phải là một “bài toán” nhưng là “câu chuyện”, không phải bằng việc liệt kê những việc đang làm và phải làm như một “tổng số”, nhưng là một “toàn thể” với phẩm tính của tình huynh đệ cộng đoàn, và đó là một “toàn thể” đang triển nở không ngừng.

“Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý trong Thiên Chúa” (Tu luật th. Âu Tinh, số 1).

Từ triết gia Hégel, yếu tố thời gian được tìm lại trong dòng lịch sử triết học tây phương. Với Hégel và trong thế kỷ XIX này, thời gian như “sử học” (histoire) từ xa xưa được mặc thêm một ý nghĩa khác là “sử quan” (philosophie de l’ histoire). Nhưng rồi dần dần, thế kỷ XX, người ta tìm thấy một ý nghĩa sâu xa và căn bản hơn đối với con người, đó là “sử tính” (historicité). Heidegger cho thấy “chân tính của hữu thể nằm trong hiện hữu”, đó là một hiện hữu tại thế, chuyển mình và hình thành nên chính mình trong thời gian…

Trong thế kỷ XX, nhân loại tìm thấy một sự đồng thuận rộng rãi về chiều kích lịch sử như nền tảng của hữu thể người. Con người thiết yếu là một hữu thể có sử tính. Lịch sử trở nên bộ môn nền tảng trong mọi lãnh vực, nhất là trong các khoa học nhân văn (khoa học xã hội). Điều đó cũng thể hiện trong thần học nói chung, đặc biệt trong và sau Công đồng Vatican II, mà chiều kích cánh chung trở nên như xương sống của mọi ngành thần học.

Triết gia P. Ricoeur (1913-2005) diễn tả “căn tính thuật chuyện” (narrative Identity) là “một loại căn tính mà một người đạt được thông qua trung gian của chức năng trình thuật[17]. Để hiểu rõ hơn, chúng ta trở lại với cách P. Ricoeur phân biệt hai khái niệm idem và ipse: khái niệm “Idem” để diễn tả cái tôi vẫn luôn là chính tôi trong mọi thời điểm và mọi hoàn cảnh; và khái niệm “ipse” để diễn tả khía cạnh cái tôi hình thành mình qua dòng lịch sử, viết nên câu chuyện đời mình qua cách thức đối diện với những biến cố trong lịch sử đời mình… Trong khi viết câu chuyện đời mình, mỗi người sẽ thể hiện mình như một chủ thể, nỗ lực nối kết “những gì tôi đã kế thừa” với “những gì tôi mong đợi”; đó cũng là sự kết hợp giữa thực tại và “hư cấu”, và đây chính là một “đề án”.

Cũng theo cách thức ấy, một tập thể hình thành nên căn tính thuật chuyện của mình. Quả thật một cộng đoàn đích thực chính là một đề án, một dòng sự sống bắt rễ vào căn cội của mình để trở nên mình qua dòng lịch sử. Hiểu cộng đoàn như một “đề án”, đó là thể hiện đời sống và sứ vụ cộng đoàn như một hành trình vừa không ngừng tìm lại căn tính của mình, vừa không ngừng sáng tạo căn tính ấy. Cha
Cadoré nói rằng:

Thay vì đóng băng trong một khát vọng vô nghĩa về căn tính không thay đổi, thì cộng đoàn trở nên chính mình bằng cách phóng mình vào trong ý tưởng về Nước Trời đang đến. Theo một cách nào đó, cuộc phiêu lưu vào câu chuyện như thế là những gì cho phép một cộng đoàn luôn chấp nhận mình như ‘được thánh hiến’ cho Lời đang đến, và cho lòng xót thương. Một “cộng đoàn trong dự phóng” thì giống như một bí tích cho kế hoạch của Đấng đã sai Con Một mình đến để cứu độ nhân loại”  (tr. 869)

Nhìn “đề án cộng đoàn” như một câu chuyện, ta hiểu được mỗi thành viên được hình thành nên chính căn tính của mình khi “viết câu chuyện” đời mình trong tương quan với cộng đoàn. Đồng thời, chính cộng đoàn, qua đề án cộng đoàn, cũng đang viết câu chuyện cộng đoàn, cộng đoàn như một câu chuyện gắn liền với cội nguồn đời sống Đa Minh, và nhất là gắn liền, tiếp nối câu chuyện của một lịch sử ơn cứu độ… Một cách nào đó, trong khi cộng đoàn thực hiện một sự hiệp nhất mang tính “đồng đại” (synchronique) bằng cách tìm sự hợp nhất của các thành viên nên một, thì đồng thời cộng đoàn cũng thực hiện một sự hiệp nhất mang tính “lịch đại” (diachronique) để trung thành và sáng tạo đối với ơn gọi và sứ mạng của Dòng. 

Như vậy, người ta sẽ hiểu rằng sự thống nhất trong trong lời giảng của Dòng, của Tỉnh dòng, hay của một cộng đoàn, không quy hướng về sự đồng nhất ý nghĩa hay hình thức cho bằng sự sự thống nhất về mục tiêu cần hướng tới, mà việc loan báo Tin Mừng Nước Trời đã hướng tới từ lúc ban đầu…” (tr. 868)

Chúng ta hiểu rằng “dự phóng” (đề án) là một nét tư tưởng căn bản trong triết học hiện sinh. Con người luôn nằm trong trục thời gian quá khứ - hiện tại- tương lai, trong đó hiện tại không bao giờ chỉ là hiện tại đơn thuần, hiện tại như một sự can đảm đảm nhận quá khứ để nhẩy vào tương lai, con người luôn đứng trong sự giằng co giữa “nhớ” và “mơ”.

Hơn nữa, ý nghĩa câu chuyện diễn tả một cách chân thực hơn nhiều về ơn cứu độ trong truyền thống Do thái- Kitô giáo, được thể hiện rất rõ nét trong cấu trúc của Kinh Thánh, một cấu trúc trình bày Thiên Chúa cứu độ là Thiên Chúa của lịch sử, con người được cứu độ là con người trong lịch sử, tất cả làm nên một “lịch sử ơn cứu độ”.

Một đề án cộng đoàn như thế linh động, mền dẻo, vừa có khả năng hiệp nhất các thành viên một cách nhân bản, vừa trung tín với cội nguồn, vừa mở ra với tương lai trong tinh thần trung thành và sáng tạo.

Tạm kết

Thế kỷ của thánh Đa Minh khá giống với thế kỷ V tcn và cũng khá giống với thời hiện đại của thế giới này, thế giới toàn cầu hoá, thế giới di dân, thế giới phát triển kinh tế và kinh tế chất xám, thế giới của chủ nghĩa ưu tuyển làm lộ ra những thân phận bị đát của kiếp người…. Chúng ta có nhận ra được những thách đố của thời này không? Chúng ta bị thôi thúc đứng ở một thứ biên cương nào, chẳng hạn, trong những biên cương mà tổng hội Avila đã nêu ra không?

1/ Biên cương giữa sự sống và cái chết: thách đố của công lý và hoà bình thế giới;

2/ Biên cương giữa nhân bản và phi nhân bản: thách đố của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

3/ Biên cương của cảm nghiệm Kitô giáo: thách đố của những tôn giáo phổ quát;

4/ Biên cương của kinh nghiệm tôn giáo: thách đố của ý thức hệ thế tục;

5/ Biên cương của Giáo hội: thách đố của những hệ phái không Công giáo và các phong trào tôn giáo khác.

Những đổ vỡ về chân lý, những lệch lạc căn cội trong giá trị sống, những trò đời bất nhân trong đất nước Việt Nam này có thôi thúc chúng ta tìm lại hứng khởi Tin Mừng trong lời giảng của mình không?

Nết nhìn đời sống Đa Minh hiện tại một cách chân thành, có lẽ chúng ta nhận ra còn quá nhiều điều thiếu sót. Tinh thần Tin Mừng hình như đã bị bạc mầu trong đời sống của cả Giáo hội, tính cách nhạy bén với thời đại thì rõ ràng là một lỗ hổng lớn trong Giáo hội Việt Nam, trong đó có tỉnh dòng, và nếp sống đan tu-kinh sĩ thì bị méo mó xiên xẹo…

Tuy vậy, niềm hy vọng mà cha Đa Minh để lại cho chúng ta, niềm hy vọng O Spem mà chúng ta vẫn hát mỗi ngày, phải chăng đã được hứa ban trong một thể chế mà cha Đa Minh để lại trong “đề án cộng đoàn”.

Nguyễn Trọng Viễn, op.


[1] Dĩ nhiên, còn lâu người Hy Lạp mới thoát khỏi nhãn giới bao trùm của tôn giáo, và vận mạng của con người như một “tiểu vũ trụ” (microcosmos) vẫn luôn phải thuận theo “đại vũ trụ” (macrocosmos) với trật tự hài hoà như thần thánh. Vũ trụ, cụ thể là các tinh tú, lớn hơn con người.
[2] X. Guy Bedouelle OP, Thánh Đa Minh - Ân Sủng Lời Chúa, Tủ sách Đại Kết 1992, tr. 2-4.
[3] Pie Régamey, O.P. Linh Đạo Đa Minh, bản photo, không rõ nhà xuất bản, tr. 11.
[4] Regamey, Sđd, tr. 10-11.
[5] Régamey, Sđd, tr.3-4.
[6] X. Guy Bedouelle O.P. , Thánh Đa Minh, Ân Sủng Lời Chúa, Tủ Sách Đại Kết 1992, tr.16.
[7] X. Régamey, Sđd, tr. 4.
[8] X. Phan Tấn Thành, Tìm Hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh, 2013, tr. 23-24.
[9] X. Josep Ratzinger, Đức Tin Kitô giáo, Hôm qua và Hôm nay, người dịch Athanasio Nguyễn Quốc Lâm, NXB Tôn giáo, 2009, tr. 38.
[10] Không ai có thể phủ nhận bước tiến triển vượt bực của người Hy Lạp trong bước chuyển mình này. Tuy vậy, cũng trong thành quả ấy, không phải là không có mất mát, cụ thể là người ta biến khát vọng “sống với ai” trở thành lối “sống thế nào”.
[11] Về mối tương quan giữa chiều dọc và chiều ngang, có thể đọc những bài giảng Mùa Chay 2008 của Đức Hồng y Albert Vanhoye S.J tại giáo triều Roma, mang tựa đề: “Chúng ta hãy tin tưởng, đón nhận Đức Kitô, vị Thượng Tế của chúng ta”. Tư tưởng nói trên man mác trong toàn bộ những bài giảng ấy, nhưng rõ nhất trong bài “Đức Kitô, Đấng Trung Gian của giao ước mới trong bữa tiệc ly”: “Khi thiết lập giao ước Sinai, chiều kích bên ngoài rõ rệt nhất là chiều dọc…[…]…Trong bữa tiệc ly, chiều kích bên ngoài rõ rệt nhất là chiều ngang…”, trang 107-108, bản dịch của anh em Đa Minh, xuất bản mùa Chay 2016, nhân kỷ niệm 800 Dòng được phê chuẩn vào 50 năm Tỉnh Dòng được thành lập.
[12] Regamey, Sđd, tr. 12
[13] Thú thật tôi chỉ có trong tay một tập sách mỏng của cha Pie Régamey O.P., khoảng 40 trang, bằng tiếng Việt, mang tựa đề “Linh đạo Đa Minh”, không ghi dịch giả, không có ngày tháng và cũng không rõ được trích từ đâu, nên cũng không nắm bắt được toàn bộ tư tưởng của cha.
[14] Thuật ngữ “đề án phóng cộng đoàn” được đưa ra trong tổng hội Oakland (1989) và được nhắc lại nhiều lần trong các tổng hội khác sau đó.
[15] X. Tình Dòng Đa Minh Việt Nam, Can Đảm Hướng Tới Tương Lai, Thư gửi toàn Dòng của các Bề trên Tổng Quyền, Học Viện Đa Minh, 2017.
[16] Cha Bruno Cadoré cho rằng việc việc chuyển dịch từ ngữ propositum vừa cho thấy nhiều sắc thái (tiếng Anh: purpose/ tiếng Pháp: projet/ tiếng Tây Ban Nha: ideal) và cũng cho thấy rõ hơn những nguy cơ giản lược phẩm tính của “dự phóng cộng đoàn” vào một khía cạnh nào đó. Trong bài này tôi chưa thống nhất được cách dùng; có nhiều chỗ, nhất là khi trích dẫn, có các bản dịch thì vẫn phải dùng cách dịch của dịch giả là “dự phóng”. Tuy nhiên, trong mấy chữ “dự phóng”, “dự án”, “đề án”, tôi thích hiểu propositum như là một “đề án”, vì chữ “dự phóng hay “dự án” có vẻ như mọi sự còn ở trong tương lai …
[17] P Ricoeur, Esprit, 1998, trích lại trong B. Cadorés, Sđd tr. 868.
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url