▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Đức Giêsu đào tạo nhà giảng thuyết

Tultenango sô 71 lấy sự kiện Đức Giêsu ngay khởi đầu sứ vụ, Người đã kêu gọi các môn đệ đi theo Người, và sau đó Người tuyển chọn trong số các môn đệ để lập ra nhóm Mười Hai, hay còn gọi là Tông đồ. Đây là một phần thiết yếu của toàn bộ sứ mạng của Người, chứ không phải là phương án hai một kế hoạch dự phòng. Thánh Máccô nêu rõ mục đích của việc thành lập này: “Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” (Mc 3,14)
(Tổng hội Tultenango dành 6 số của Chương Hai, từ 71 đến 76 để nói đến tầm quan trọng của việc đạo tạo trong Dòng.)

Đức Giêsu kêu gọi và đào tạo các tông đồ.


Tultenango sô 71 lấy sự kiện Đức Giêsu ngay khởi đầu sứ vụ, Người đã kêu gọi các môn đệ đi theo Người, và sau đó Người tuyển chọn trong số các môn đệ để lập ra nhóm Mười Hai, hay còn gọi là Tông đồ. Đây là một phần thiết yếu của toàn bộ sứ mạng của Người, chứ không phải là phương án hai một kế hoạch dự phòng. Thánh Máccô nêu rõ mục đích của việc thành lập này: “Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” (Mc 3,14)

Theo Tin Mừng Gioan, năm môn đệ đầu tiên được Đức Giêsu kêu gọi là Gioan, Anrê, Phêrô, Philípphê và Nathanael. Gioan và Anrê được Gioan Tẩy giả giới thiệu đến với Đức Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”. Ba môn đệ còn lại được hai môn đệ kia dẫn đến với Đức Giêsu với lời giới thiệu: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia, chúng tôi đã gặp Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới”. Đức Giêsu, Đấng giải thoát mà các ngôn sứ loan báo, Người là chính niềm hy vọng của dân Chúa, giờ đây các môn đệ đã gặp được. Cuộc gặp gỡ mang chiều kích tâm linh này sẽ dần dần định hình sứ vụ của các ông.

Các Tin Mừng Nhất Lãm, việc Đức Giêsu kêu gọi và tuyển chọn Tông đồ mang tính sứ vụ nhiều hơn. Tin Mừng Nhất Lãm ra như đã bỏ qua hành trình tâm linh của các môn đệ, mà trực tiếp ngay một ân huệ khác dành cho các ông là được kêu gọi tham gia vào sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu. Trong Cựu Ước, sứ vụ ngôn sứ, nói lời Thiên Chúa dành một vài cá nhân được tuyển chọn. Rao giảng “Nước trời đã đến gần”, Đức Giêsu khai mở một thời đại mới của ơn cứu độ, khi cho các môn đệ được dự phần vào sứ vụ cứu độ, sứ vụ rao giảng của Người. Các môn đệ vừa được khai mở tâm trí để nhận biết Thầy là ai, vừa được huấn luyện để tiếp nối sứ vụ của Người.

Đức Giêsu đã đã dành nhiều thời gian và sức lực để huấn luyện các tông đồ trở thành những người tiếp nối sứ vụ của Người, trở thành những nhà giảng thuyết rao giảng và làm chứng “Nước Trời đã đến gần” – thế lực sự dữ bị đập tan và vương quyền Thiên Chúa đang tỏ hiện.

Đức Giêsu đào tạo các môn đệ đầu tiên này như thế nào? Người chia sẻ đời sống và đồng hành cùng họ, Người giải thích và soi sáng cho họ hiểu các giáo huấn của Người. Người sai họ đi rao giảng cũng chính sứ điệp mà Người rao giảng – Nước trời đã đến gần; Người cũng chỉ dẫn cách thức rao giảng mà họ phải tuân theo để hoàn thành sứ vụ (x. Mt 10,5-15). Và trước khi rời bỏ thế gian này để về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu Phục sinh sai các tông đồ tiếp tục rao giảng, lần này không chỉ là đến với các chiên lạc nhà Isreael mà còn lo cho muôn dân được lãnh nhận ơn cứu độ (Ga 20,21; Mt 28,18-20). Nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Kitô tiếp tục sự hiện diện và sứ vụ của Người qua việc rao giảng của các tông đồ cho đến ngày tận thế (Cv 1,8; 2,1-42; Ga 20,21-23).

Dự án đời sống tông đồ của cha Đa Minh


Có vẻ như Tổng hội Tultenango hơi táo bạo khi lấy việc Đức Giêsu xây dựng nhóm Tông đồ làm quy chiếu cho việc đào tạo Đa Minh (x. Mc 3,13-19). Để làm rõ sự quy chiếu nền tảng và có tính Tin Mừng này, Tultennago số 72 nhắc lại 3 điểm của truyền thống Dòng:

- Thứ nhất, ý hướng thiết lập Dòng của vị Tổ phụ: “Cha Thánh Đa Minh của chúng ta – người đã nhận từ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô sứ mạng “Hãy ra đi rao giảng”, đã thành lập Dòng để đảm nhận sứ vụ tông đồ đặc biệt là “rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất.” Điểm này lấy lại điển tích của cuộc đời vị Tổ phụ được ghi lại trong Legenda (các bài đọc về cuộc đời thánh Đa Minh được Tổng hội phê chuẩn làm bài đọc giờ Kinh Sách)

- Thứ hai về nền tảng pháp lý, Hiến pháp Nền tảng §IV minh định : “Khi tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta cũng nhận lấy nếp sống của các Tông Đồ theo thể thức đã được thánh Đa Minh cưu mang”.

- Thứ ba, truyền thống đạo đức: Dòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu “Nữ Vương Các Tông Đồ” (x. SHC 67 §2) và nhận thánh Maria Mađalêna, với tước hiệu Tông đồ của các tông đồ, làm một trong những vị thánh bổn mạng của Dòng.

“Vì theo đuổi cùng một sứ vụ và một nếp sống Tông đồ, sứ vụ rao giảng của anh em Đa Minh cũng đòi phải được huấn luyện. Việc đào tạo này, giống như mục đích Đức Giêsu đào tạo các tông đồ, là nhằm cho các anh em trở nên giống Đức Giêsu, Nhà Giảng Thuyết – Vì nếu muốn rao giảng sứ điệp của Người, chúng ta phải trở nên giống như Người. Và như các tông đồ, sự đào tạo đến từ việc chúng ta sống hằng ngày với Người.” (Tultenango 72).

Đức Giêsu đào tạo các tông đồ không chỉ bằng bằng lời giáo huấn và còn bằng cả đời sống để các ông noi theo. Chính nơi gương mẫu Đức Giêsu, chúng ta học biết trở nên những con người cầu nguyện: tránh sự ồn ào của đám đông, dành thời giờ sống thinh lặng với Chúa (x. Mc 1,35; 6,31) – chiều kích cá nhân, hay họp nhau cầu nguyện nhân danh Người (x. Mt 18,20) – chiều kích cộng đoàn. Từ tình yêu Đức Giêsu dành cho các tông đồ, chúng ta học cách yêu thương và phục vụ tha nhân: “Nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12-15); học cách quan tâm đến nhau và mang gánh nặng cho nhau (x. Gl 6,2); học “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày” (Lc 9,23) để sống cho Thiên Chúa (x. Tultenango 73).

Các nhà thần học tu đức coi việc bắt chước Đức Kitô là điều cốt yếu của đời sống Kitô hữu, cách riêng với những người sống đời thánh hiến. Trong các tác phẩm của mình, thánh Tôma dành nhiều đoạn bàn về việc bắt chước Đức Kitô. Thánh nhân phân biệt việc bắt chước Đức Giêsu theo ba khía cạnh, ba mức độ khác nhau:

  1. Bắt chước Đức Kitô” (imitatio Christi),
  2. Đi theo Đức Kitô (sequela Christi),
  3. Trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (conformitas Christo).

Cha Amadeo Cencini, một đan sĩ người Ý, là người có thâm niên trong lãnh vực đào tạo ơn gọi, đề xướng một tiến trình xây dựng căn tính đời tu với 3 bước. Ngài dùng 3 từ latinh: educare, formare và transformare để diễn tả một cách cô đọng ý nghĩa của 3 bước này:

– Thứ nhất, educare – giáo dục : nhấn mạnh đến sự soi sáng để ứng sinh nhận ra cái tôi thật của mình, đâu là những động lực ơn gọi, đâu là những điểm mạnh, điểm yếu của mình, đâu là những gì còn ẩn khuất, sâu kín trong nội tâm. Có nhiều phương pháp sư phạm để soi sáng cho ứng sinh biết chính mình, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là yếu tố Lời Chúa và đời sống cầu nguyện.

– Thứ hai, formare – huấn luyện : nhấn mạnh đế việc uốn nắn, định hình theo khuôn mẫu. Mà khuôn mẫu của đời tu là chính Đức Kitô. Người tu sĩ bắt chước, học theo Đức Kitô từ thái độ, lời nói, cách hành xử đối với tha nhân và sứ vụ. Sự bắt chước này đòi hòi những nỗ lực đáng kể, thậm chí ứng sinh chỉ cảm thấy bó buộc như một bổn phận phải làm, chứ chưa cảm nhận được ý nghĩa sâu xa.

– Thứ ba, transformare – biến đổi : tức là để cho tư tưởng, ước muốn và hành động của mình trở nên một, đồng nhất với tư tưởng, ý chí và hành động của Đức Kitô, như thánh Phaolô nói: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Ga 2,20). Một khi đã có sự hoà nhập này với Đức Kitô, mọi hành động của tu sĩ không còn phải là sự cố gắng nữa, mà đã trở thành nhân đức.

Xét về mặt sư phạm, nhất là ở giai đoạn đào tạo sơ khởi, tiến trình này phải diễn ra theo trật tự như trên. Nếu ứng sinh không có giáo dục để nhận biết, khám phá chính mình, thì sẽ không thể hoặc không có động lực huấn luyện – bắt chước Đức Kitô, và lại càng không thể biến đổi để trở nên một với Đức Kitô.

Thánh Đa Minh hiểu rõ nhu cầu đào tạo anh em trở nên những nhà giảng thuyết, nên ngay từ khai nguyên Dòng, người đã gửi các anh em đến các đại học để được đào tạo trở thành những nhà giảng thuyết. Việc đào tạo này, đòi hỏi có sự đầu tư về nguồn lực, thời giờ, tài năng, v.v.. của mỗi anh em và của toàn Dòng, thậm chí phải hy sinh những nhu cầu hiện tại để đầu tư cho tương lai.

“Chúng ta phải cưỡng lại sự cám dỗ chỉ tập trung vào những nhu cầu hiện tại, những nhu cầu này thường quá lớn đến mức che khuất tương lai. Sứ vụ của chúng ta chỉ phát triển được chỉ khi chúng ta sẵn sàng đầu tư vào việc đào tạo các anh em của chúng ta.” (Tultenango 74)

Hơn nữa, việc đào tạo tông đồ không chỉ giới hạn vào đào tạo hiến định, nhưng là sự đào tạo trường kỳ (thường huấn) và nhất là theo đuổi một nếp sống tông đồ – vita apostolica Thánh Đa Minh đã cưu mang và vạch ra cho Dòng. Bằng lời khấn, chúng ta cam kết theo đuổi nếp sống này, có nghĩa mỗi anh em Đa Minh trước hết chịu trách nhiệm tự đào tạo chính mình trở thành nhà giảng thuyết theo khuôn mẫu Đức Kitô.

“Cả sứ vụ và nếp sống của chúng ta đều là tông đồ, và chúng ta không thể hy vọng bắt tay vào sứ vụ rao giảng của các tông đồ nếu trước hết chúng ta không cố gắng sống như các tông đồ. ” (Tultenango 75).

Hiệp lực của đời sống và sứ vụ (Tultenango 76)

Tổng hội Tultenango lấy lại ý tưởng của Tổng hội Biên Hoà đặc biệt nhấn mạnh đến mối tương quan giữa các yếu tố của nếp sống Đa Minh. Tổng hội Biên Hoà dùng từ synregy – hiệp lực để nói lên tầm quan trọng của mối tương quan giữa các yếu tố của đời sống Đa Minh, hiệp lực làm nên nét hài hoà của đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ của Dòng. Chúng ta cùng đọc lại ba số của của TH. Biên Hoà, 58-60:

  1. Trong đời sống Đa Minh, có một mối tương quan mật thiết giữa đời sống và sứ vụ đến nỗi khó có thể tìm được ranh giới giữa hai yếu tố này. Đời sống và sứ vụ được ví như hai mặt của một đồng xu. Cả hai cùng tác động và ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Một khi sứ vụ được thực hiện cách sống động, thì đời sống của anh em cũng như cộng đoàn được thêm sinh động. Sứ vụ đạt kết quả tốt sẽ làm sinh động mọi yếu tố của đời sống Đa Minh: đời sống cầu nguyện, việc cử hành phụng vụ, học hành nghiên cứu thánh khoa, suy tư mang tính cộng đoàn, những câu chuyện trao đổi thân thiện, chia sẻ đời sống thường ngày... Khi sứ vụ không còn tồn tại, hoặc trở nên mỏng dòn yếu thế, lúc đó sẽ khó mà làm sinh động những khía cạnh khác của của đời sống cộng đoàn, cũng như của các thành viên trong cộng đoàn.
  2. Tương tự, nếu nếp sống của các cộng đoàn cũng như của các thành viên trở nên mong manh và tầm thường, thì sứ vụ cũng như thế. Trước hết, nhiệm vụ đầu tiên trong sứ vụ của các nhà giảng thuyết là làm chứng cho nếp sống theo Tin Mừng. Thiếu điều này thì không có chứng nhân Tin Mừng. Kế đến, sứ vụ loan báo Tin Mừng, dù dưới bất kỳ hình thức nào, cũng chỉ có thể đạt hiệu quả một khi phát xuất từ chiều kích đối thần, từ kinh nghiệm đức tin, từ chiều kích chiêm niệm, từ đam mê vì Đức Kitô và đam mê vì nhân loại. Chiều kích kép của đam mê này thiết lập chiều kích huyền nhiệm đích thực của nhà giảng thuyết.
  3. Tính hiệp trợ giữa đời sống và sứ vụ là cách thức làm cho căn tính Đa Minh thêm vững mạnh. Đó cũng là cách thức hữu hiệu nhất giúp làm cho hài hoà đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ của Dòng. Xuyên suốt lịch sử của Dòng, cho đến hôm nay, sức căng giữa hai khuynh hướng này đã từng dẫn đến xung khắc nghiêm trọng trong đời sống chung của chúng ta.Propositum vitae mà thánh Đa Minh đã cưu mang chủ yếu nhắm phục vụ ơn cứu độ của nhân loại qua sứ mạng loan báo Tin Mừng từ một nếp sống cầu nguyện, nghiên cứu học hành và sống chung huynh đệ.

Tổng hội Biên Hoà 2019 (số 75-77) nêu lên ba điều kiện để đạt được sự hiệp lực này: 1/ việc đào tạo sơ khởi và trường kỳ, 2/ xây dựng và củng cố đời sống huynh đệ, 3/ tái cấu trúc hoặc duyệt xét lại cách thức tổ chức đời sống Đa Minh và kế hoạch tông đồ của các tu viện/tu xá.

  1. Điều kiện tiên quyết để đạt được nét hài hoà giữa đời sống và sứ vụ hệ tại việc đào tạo kỹ lưỡng những người giảng thuyết. Nhiệt thành cho việc giảng thuyết, cũng như có cảm thức thuộc về cộng đoàn, khả năng và nét tinh tế phù hợp cho nếp sống chung, đó phải là những tiêu chí trong việc biện phân ơn gọi. Mặt khác, trong đào tạo, cần vun trồng chiều kích đối thần này. Cảm nghiệm đức tin là nền tảng của đời sống tâm linh và của nét huyền nhiệm nơi người giảng thuyết, cảm nghiệm về sứ vụ loan báo Tin Mừng cũng vậy. Đó là lý do vì sao chúng ta cần củng cố đời sống cộng đoàn, và cùng nhau thi hành sứ vụ. Chiều kích chiêm niệm thúc bách chúng ta nuôi dưỡng nếp sống thinh lặng sâu, trong một thế giới “vừa ồn ào vừa câm lặng” này, vừa đầy dẫy tiếng ồn nhưng lại khan hiếm những thông điệp có nội dung. Và thế giới ép chúng ta phải chăm chú lắng nghe Thiên Chúa, lắng nghe những dấu chỉ của thời đại, và trên tất cả, lắng nghe tiếng kêu than của những người nghèo cũng như của tất cả các nạn nhân. Sáng kiến không ngừng trong hoạt động tông đồ, ngay từ giai đoạn huấn luyện sơ khởi, sẽ giúp anh em chúng ta có khả năng hoàn thiện nét hài hoà giữa chiều kích chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Cũng sáng kiến này sẽ đồng thời cho phép chúng ta đạt được tập quán biết phối hợp những yêu sách của cộng đoàn với hoạt động tông đồ. Nét quân bình giữa đời sống và sứ vụ cũng ấp ủ mọi lãnh vực học hành nghiên cứu vốn đòi hỏi tính đoàn kết trong học hành, cũng như trong việc nghiên cứu chung, như một số anh em đã thực hiện: Thánh Tôma với các vị thư ký, và với các môn đệ của ngài; hoặc như cha Marie Joseph Lagrange và các cộng sự viên của ngài đã chứng tỏ cho chúng ta điều đó trong dòng lịch sử.
  2. Điều kiện thứ hai là việc củng cố đời sống chung cho mạnh mẽ. Để cổ võ nét hài hoà này, cần lên kế hoạch chung trong một tinh thần đồng ý hướng. Đây chính là phương thế hữu hiệu để hài hoà những yếu tố khác nhau của đời sống chung với những đòi hỏi của hoạt động tông đồ. Thực hiện đều đặn và lượng giá kế hoạch chung của Cộng Đoàn là cách bảo vệ tuyệt vời chống lại chủ thuyết cá nhân, và cũng là cách bảo vệ tốt nhất đời sống chung. Đến lượt mình, kế hoạch chung của Cộng Đoàn cho phép những trách nhiệm tông đồ được điều chỉnh tuỳ vào số lượng anh em có khả năng và sẵn sàng cho sứ vụ.
  3. Điều kiện thứ ba nhằm cổ võ nét hài hoà giữa đời sống và sứ vụ chính là tái cấu trúc cách phù hợp. Đó không chỉ gồm việc gộp các thực thể lại với nhau. Nhưng còn phải làm cho các công việc và sự hiện diện của anh em cho phù hợp, để cổ võ việc phát triển sứ vụ Đa Minh. Việc tái cấu trúc cần tìm cách làm cho các cộng đoàn thêm mạnh. Đối tượng căn bản của việc này là tạo nên những điều kiện mang tính thiết định nhằm cổ võ chất lượng của đời sống anh em cũng như hiệu quả của việc loan báo Tin Mừng. Để đạt được mục đích này, điều quan trọng là hình thành các cộng đoàn có khả năng thực hành những yếu tố thiết yếu của đời sống Đa Minh cách xứng hợp: cầu nguyện chung, cử hành và sống chung các mầu nhiệm đức tin, nghiên cứu chung, hoạt động tông đồ chung, ... Trong bối cảnh này, rất đáng để chúng ta nhắc lại những chức năng chính yếu mà Thánh Đa Minh đã kết nối với cộng đoàn: bảo đảm tính thường hằng của việc giảng thuyết, duy trì nâng đỡ người giảng thuyết, nhất là khi rơi vào thời điểm suy yếu, loan báo và củng cố niềm tin vào Tin Mừng bằng tình hiệp thông huynh đệ. Cộng đoàn là nơi trình bày ở cấp độ đầu tiên tinh thần hợp tác và đoàn kết.

Sách Hiến pháp và Chỉ thị, các Quy chế chung và riêng, các Công vụ đã có những chỉ dẫn cụ thể để cá nhân và cộng đoàn thực hiện 3 việc này. Vấn đề là chúng ta có tuân thủ và thực hiện hay không!

Kết luận. Hiệp lực của cá nhân và hiệp lực của cộng đoàn.


Nếp sống tông đồ do thánh Đa Minh đã vạch ra, và các yếu tố của đời sống ấy được xác định trong HPNT §IV là:

“Chung sống đồng tâm nhất trí, trung thành tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, sốt sắng cử hành chung phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể và kinh thần vụ cũng như việc cầu nguyện, chuyên cần học hỏi, kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì. Tất cả những việc đó không những tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá chúng ta, mà còn trực tiếp phục vụ ơn cứu độ con người, bởi những việc ấy chuẩn bị và thúc đẩy một cách hài hoà việc giảng thuyết, làm cho việc giảng thuyết có một hình thể riêng và ngược lại, các việc đó cũng có được thể thức riêng nhờ việc giảng thuyết. Những yếu tố ấy một khi liên kết chặt chẽ với nhau, giữ được quân bình và làm phong phú lẫn nhau, thì làm nên tổng thể đời sống riêng của Dòng : một đời sống tông đồ theo nghĩa trọn vẹn, nghĩa là việc giảng thuyết và dạy đạo lý phải phát sinh từ sự sung mãn của việc chiêm niệm.”

Liệu một cá nhân có thể chu toàn cách hài hoà các yếu tố của đời sống Đa Minh như thế hay không? Thật sự sẽ rất khó nếu ta làm một mình. Nhưng nếu chúng ta tìm kiếm sự hiệp lực (synergy), sức mạnh của cùng làm thì sao? Cùng làm (working together) chia sẻ phần của mình vào propositum vitae - kế hoạch của đời sống Đa Minh, để bổ túc và bù đắp những thiếu sót mà cá nhân không thể chu toàn một mình.

Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url