Tường trình BTTQ: Tổng hội Tultenango 2022
TƯỜNG TRÌNH CỦA BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN
GỬI TỔNG HỘI TULTENANGO MÊHICÔ 7/2022
Prot. n. 50/20/485 Tultenango 2022
Thời kì của Ân sủng
- Tôi viết bản tường trình này (SHC 417 § II, 3°) trong bầu khí ân sủng của dịp mừng 800 năm sinh nhật trên trời của thánh Đa Minh. Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa về ân huệ Thánh Đa Minh thành Caleruega, về cuộc đời thánh thiện và sứ vụ có một không hai mà Chúa đã tặng ban cho người. Như Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV đã viết thông điệp Fausto appetente die (Ngày đại lễ đang đến) nhân dịp kỉ niệm 700 năm sinh nhật trên trời của thánh Đa Minh năm 1921, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng viết cho Dòng một bức thư (24/5/2021) trong năm hồng phúc này. Trong đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “trong số những danh hiệu của thánh Đa Minh, nổi bật hơn cả là Praedicator gratiae, nhà giảng thuyết của ân sủng vì đã diễn tả cách thích hợp về đoàn sủng và sứ vụ của Dòng do cha thánh sáng lập” (PG 1).
- Năm hồng phúc kính thánh Đa Minh này cũng liên hệ mật thiết với dịp kỉ niệm 800 năm các Tổng hội đầu tiên được tổ chức vào lễ Hiện Xuống năm 1220 và 1221. Chúng ta biết rằng thánh Đa Minh muốn các anh em ấp ủ nếp sống của các tông đồ, bao gồm cả việc đưa ra những quyết định cho toàn Dòng theo cách thức tông đồ: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định[1]… (Cv 15,28). Hình thức quản trị mang tính cộng đoàn được thánh Đa Minh đề ra cho toàn Dòng (SHC VI) cũng hữu ích cho Giáo hội, vì sứ vụ của Dòng là góp phần xây dựng Giáo hội, nhiệm thể của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nhìn nhận thể thức quản trị của chúng ta “mang tính đồng nghị, nhờ đó thúc đẩy Dòng thích ứng đời sống và sứ vụ của mình với những hoàn cảnh lịch sử thay đổi đang khi vẫn duy trì đời sống cộng đoàn” (PG, 6). Lời khẳng định này càng trở nên ý nghĩa hơn trong bối cảnh Thượng Hội đồng Giám mục (2021-2023) đang diễn ra với chủ đề “Hướng tới một Hội Thánh Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”.
Thời kì của Thách đố, Cơ hội và Hy vọng
- Thêm nữa, bản tường trình này cũng nhắm đến một thời kì được đánh dấu bằng những thách đố bất ngờ và vô tiền khoáng hậu. Cơn đại dịch đã làm đảo lộn cuộc sống và những hoạch định của chúng ta. Chúng ta tự vấn rằng: Làm thế nào để rao giảng trong cơn đại dịch? Chúng ta làm sao có thể rao giảng về một Thiên Chúa gần gũi đang khi chúng ta giữ khoảng cách an toàn với người khác? Chúng ta làm sao có thể rao giảng về Thiên Chúa đang cận kề với những người bị cách ly? Sau khi đã cung cấp lương thực tinh thần cho anh chị em qua các phương tiện trực tuyến, bằng cách nào chúng ta có thể mời gọi họ từ mối tương quan ảo trở về với cộng đoàn thực, để cử hành đức tin và bí tích cách trực tiếp? Chúng ta làm thế nào để rao giảng về niềm hi vọng trong một thời kì tuyệt vọng?
Trong nhiều gia đình và cộng đoàn, kể cả một vài tu viện của chúng ta, nhiều chỗ ngồi và phòng ngủ nay trống vắng, nhắc chúng ta nhớ đến những thành viên yêu quý đã ra đi trong hai năm vừa qua. Chúng ta làm thế nào để rao giảng về niềm vui của Tin Mừng ở ngay giữa sự mất mát này?
- Trong những giai đoạn đầy nỗ lực hiện nay, chúng ta đã nhận ra rất nhiều hình thức rao giảng khác nhau. Anh chị em của chúng ta đã nỗ lực nuôi dưỡng những “người đói khát” ngày một gia tăng do đại dịch: đói bí tích Thánh Thể (và các bí tích khác), đói sự liên đới và lòng thương cảm, đói khát lương thực. Nhiều thành viên của Gia đình Đa Minh đã gây quỹ trợ giúp bệnh nhân và người chăm bệnh. Nhiều anh chị em đã gửi trao những lời động viên và niềm hy vọng qua các cuộc tư vấn điện thoại. Đa số anh chị em của chúng ta đã rao giảng và cầu nguyện với tha nhân thông qua nhiều sáng kiến kỹ thuật số. Có những anh em đã can đảm chấp nhận nguy cơ bị lây nhiễm khi đi mục vụ bệnh nhân, đang khi vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan virút trong cộng đoàn. Anh em chúng ta ở khắp nơi trên thế giới đã phổ biến những suy tư thần học cũng như Kinh Thánh về nhiều khía cạch khác nhau của cơn đại dịch này, đưa ra những hướng dẫn phụng vụ cho việc cử hành Tam Nhật Thánh tại nhà, những chỉ dẫn cho việc cử hành các bí tích cách xứng hợp và an toàn v.v. Thậm chí, một vài anh em đã sử dụng kiến thức chuyên môn về y học và khoa học để lo việc chăm sóc y tế hoặc phát triển vắc-xin giá rẻ và có hiệu lực bền vững. Chúng ta cùng nhớ lại những gì anh Timothy Radcliffe đã viết trong tập The Wellspring of Hope (Suối nguồn Hy vọng):[2] “Học hỏi tự nó là một hành vi hy vọng, bởi vì nó diễn tả lòng tin tưởng của chúng ta, tin rằng đời sống chúng ta và những đau khổ của dân chúng có một ý nghĩa. Ý nghĩa đến với chúng ta như một hồng ân, một Lời Hy vọng hứa hẹn sự sống.” Sứ vụ trí thức của Dòng và sứ mệnh rao truyền Veritas – Chân lý là phương thuốc giải độc quan trọng đối với một thứ đại dịch nguy hại khác – đó là vấn nạn tin giả và sự thật nửa vời.
- Thế nhưng, không chỉ đại dịch COVID-19 mới gây đau đớn cho thế giới. Giáo hội, nhiệm thể của Đức Kitô, cũng bị thương tích bởi những chia rẽ. Vậy, làm thế nào để rao giảng về tình bằng hữu nơi Thiên Chúa trong khi chúng ta vẫn nghe người ta khích động bất hòa và chia rẽ? Chúng ta sẽ giảng thuyết ra sao trong thời kì đầy rẫy những đại dịch nguy hiểm về thái độ thờ ơ, thói giáo sĩ trị, sự chia rẽ, thông tin giả và sự tuyệt vọng?
- “Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12,21). Đây là khao khát của người nghe chúng ta rao giảng, những người đến với các đền thánh và nhà thờ, tham dự các lớp học, đọc sách, truy cập website và nghe podcasts của chúng ta, những người gia nhập huynh đoàn và các hội đoàn do chúng ta phụ trách, và những anh em bày tỏ ước muốn gia nhập Dòng. Chúng ta tin rằng, “chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” là khát vọng sâu thẳm của nhân loại ở mọi thời và mọi nơi, và của chính chúng ta. Bằng nếp sống và hoạt động tông đồ của mình (vita apostolica) – chúng ta nỗ lực đồng hành với tha nhân trong hành trình gặp gỡ Thiên Chúa, như xưa các tông đồ đã sống.
- “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” (Ga 20,13). Đáng buồn thay, lời than vãn của chị Maria Mađalêna cũng rất có thể là tiếng lòng của những ai đang xa rời Giáo hội, hoặc của những ai đang dửng dưng và không quan tâm gì đến Giáo hội. Bài diễn giải về công cuộc Phúc Âm hóa đương thời của anh Francisco de Vitoria vẫn còn mang tính thời sự cho đến nay: “Tôi nghe biết về nhiều tai tiếng, tội ác tàn nhẫn và những hành vi vô đạo. Dường như, Kitô giáo đã không được rao giảng như là một tôn giáo với đầy đủ những giá trị chuẩn mực và đạo đức để người ta tin theo. Mặc dù nhiều tu sĩ và giáo sĩ dường như đã sẵn sàng chấp nhận nhiều gian khổ để dấn thân cho công cuộc truyền giáo, bằng cả đời sống, gương sáng và sự nhiệt thành rao giảng; những vị này cũng không thể bị cản trở trong sứ vụ bởi những người đang gặp vấn đề bất ổn về sứ vụ”[3]. Anh Vitoria ngụ ý rằng không thể đổ lỗi cho những người cố chấp không tin khi mà Tin Mừng không được rao giảng cách thuyết phục.
Tái cấu trúc, Hiệp lực giữa Đời sống và Sứ vụ
- Làm thế nào để lời rao giảng của chúng ta có sức thuyết phục trong thời đại này? Chắc chắn là các tổng hội trước đây đã đề ra nhiều cách thức để Dòng rao giảng Tin Mừng một cách hiệu quả, đã cung cấp các phương thức giúp chúng ta đồng hành với tha nhân để tiến đến cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa.
- Từ năm 2010, Dòng đã bắt đầu tái cấu trúc để thăng tiến đời sống và sứ vụ của chúng ta. Từ đó, nhiều thực thể đã được sáp nhập và hợp nhất với nhau. Những kinh nghiệm và bài học quý báu từ quá trình tái cấu trúc này đã hướng dẫn cho các thực thể khác đang đi trên con đường tương tự. Trong khi đã rút lui khỏi một số vùng, Dòng cũng lại phát triển tại những nơi khác. Cũng từ 2010, chúng ta được chứng kiến sự ra đời của nhiều tỉnh dòng và nhiều dự tỉnh mới. Hiện nay, chúng ta cẩn trọng đồng hành với các anh em đang trong tiến trình trở thành dự tỉnh với những tiêu chuẩn đã được Tổng hội ấn định (CVTH Biên Hòa, 275).
- Một yếu tố quan trọng khác trong tiến trình tái cấu trúc là sự tái cấu trúc nội tại được đề ra trong Quy chế Đào tạo Chung (Ratio Formationis Generalis, 2016), xác lập toàn bộ quá trình huấn luyện một nhà giảng thuyết theo nếp sống tông đồ, chính là một hành trình đào tạo liên tục từ giai đoạn sơ khởi đến giai đoạn thường huấn; và trong Quy chế Học vấn Chung (Ratio Studiorum Generalis, 2017), nhằm cổ võ “truyền thống tri thức phong phú của Dòng, vốn coi học tập là hoạt động mang tính chiêm niệm, đa diện, bám sát thực tế và đặt nền trên lý lẽ của đức tin”.
- Việc canh tân các cấu trúc ngoại tại và nội tại vì công cuộc tân Phúc Âm hóa nhằm gặt hái nhiều hoa trái hơn là một tiến trình liên tục. Tổng hội Biên Hòa vừa qua đã tiếp nối và phát huy những thành quả này bằng việc suy tư và tìm kiếm cách thức để tăng cường tính hiệp lực (συνέργια) giữa đời sống và sứ vụ Đa Minh. Như các nghị huynh đã ghi nhận: “Trong đời sống Đa Minh, mối tương quan giữa đời sống và sứ vụ mật thiết đến nỗi hầu như không tồn tại ranh giới giữa hai yếu tố này. Đời sống và sứ vụ được ví như hai mặt của cùng một đồng xu. Cả hai cùng tác động và ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Một khi sứ vụ được thực hiện cách sống động thì đời sống của anh em cũng như cộng đoàn được thêm sinh động” (CVTH Biên Hòa 2019, 58-59). Anh Bruno nhấn mạnh rằng, sức mạnh của một tỉnh dòng không chỉ dựa trên một lịch sử huy hoàng, một truyền thống vẻ vang hay số tu sĩ của tỉnh dòng đó mà quan trọng hơn hết là “nhưng còn phải hiệp lực với chứng tá của đời sống huynh đệ mang tính Tin Mừng, thường là giữa nhiều thế hệ” (Bản tường trình 2019, 15).
Tầm nhìn và Nhiệm vụ cho Tương lai
- Chúng ta nên làm gì hơn nữa? Thật ra, việc tái cấu trúc, đào tạo và sứ vụ, sự hiệp lực giữa chiều kích chiêm niệm và tông đồ của đời sống chúng ta là những nhiệm vụ không có điểm dừng. Tuy nhiên, chúng ta nên đi tiếp đến đâu từ vị trí hiện tại của chúng ta? Chúng ta nên mường tượng thế nào về Dòng trong trách vụ đối với Giáo Hội và thế giới trong ba đến sáu năm nữa? Một tầm nhìn sáng tỏ là điều kiện cần thiết để đạt tới sự thống nhất và mục tiêu trong những quyết nghị của chúng ta tại các Tổng hội 2022 và 2025. (Hãy nhớ rằng “mục đích là điều sau cùng trong việc thực thi nhưng là điều trước tiên trong ý hướng của tác nhân” - TLTH I-II, q.1, resp.1). Tầm nhìn hay mục tiêu này sẽ quyết định lộ trình chúng ta sẽ thực hiện trong những năm sắp tới. Tầm nhìn này sẽ gắn kết các chương trình và các dự án mà chúng ta sẽ thực hiện, tạo nên một cơ sở khách quan để lượng giá xem các quyết nghị và các phương thế được áp dụng có giúp chúng ta đạt được mục tiêu không, hay là chúng ta cần xem lại hoặc làm điều gì hơn nữa.
- Bản tường trình này, và cả những tổng hội trước đây, đề cập đến các anh em, các cấu trúc và đường hướng tác động đến đời sống cũng như tác vụ Đa Minh. Nói cách khác, các văn bản này nhắc nhiều đến đời sống và sứ vụ của chúng ta và những điều kiện khả thi chứ không nhắm đến những đối tượng của lời giảng, những người được chúng ta phục vụ, hay những hiệu quả của chứng tá và lời giảng của chúng ta. Hẳn là “không phải tất cả những gì có thể đong đếm được đều quan trọng”, nhưng chắc chắn sẽ giúp “những người đề ra chính sách” - tỉnh hội và tổng hội - có được một “hệ thống lượng giá” để xem xét nghiêm túc về những đối tượng được chúng ta rao giảng. Tôi tin rằng, sẽ rất khác biệt nếu chúng ta “chủ tâm” phục vụ hay rao giảng cho mọi người để chính họ cũng trở thành chủ thể, hay tác nhân của công cuộc Phúc Âm hóa (x. CVTH Biên Hòa 2019, 140). Để minh họa, chúng ta có thể quan sát số lượng người (quantity) trên các hàng ghế trong các nhà thờ của tu viện và giáo xứ, hoặc nhìn xem những người đến các nhà thờ của chúng ta đã được tăng trưởng trong đức tin và chính họ trở thành những “môn đệ - thừa sai” như thế nào. Ngoài ra, chúng ta có thể xem sự gia tăng số lượng sinh viên tại các phân khoa giáo hội, trường học và đại học của chúng ta trong vài năm qua, để thấy được uy tín mà chúng ta đã có; đồng thời, chúng ta có thể chú ý đến cách mà các chương trình và học trình của chúng ta đã đóng góp vào việc đào tạo những học viên tốt nghiệp trở thành những nhà giảng thuyết Tin Mừng đáng tin cậy thế nào. Đó không phải là việc chạy theo một kiểu “cách mạng Copernic”, tức là chuyển trọng tâm từ chúng ta sang những người được chúng ta phục vụ, mà là lời mời gọi sự quan tâm đúng mức đến cả hai trọng tâm: chúng ta và những người được chúng ta phục vụ.
- Ơn cứu độ các linh hồn là mục tiêu bất biến trong sứ vụ giảng thuyết của chúng ta. Việc giáo dục Kitô giáo mà chúng ta thực hiện ở các trường học, các giáo xứ, các trung tâm tông đồ và các tác vụ giảng thuyết khác là nhằm mục đích làm cho Chúa Kitô được thành hình nơi tất cả chúng ta: “donec formetur Christus in vobis [nobis]” (Gl 4,19). Tuy vậy, chúng ta chắc chắn sẽ có được những định hướng rõ ràng cho việc rao giảng, cho học trình đào tạo, các chương trình và dự án trong nỗ lực tông đồ, nếu chúng ta xác định mục tiêu cụ thể hơn nữa, tức là điều mà chúng ta hy vọng sẽ đến với người giáo dân, học viên v.v. của chúng ta, để họ không chỉ là người tiếp thu một cách thụ động nhưng còn trở nên những tác nhân Phúc Âm hóa: “các môn đệ - thừa sai” hoặc “những người chiêm niệm - loan báo Tin Mừng”, v.v.
- Chúng ta biết rằng không cần thiết phải “cách tân” Dòng mỗi khi họp tổng hội. Thật vậy, “hát lên một bài ca mới” quả là thú vị; tuy nhiên, đôi khi ta chỉ cần hát một bản nhạc quen thuộc với một “giai điệu mới” hay một cách hòa âm hoành tráng hơn. Chúng ta cần tìm ra những viễn tượng mới về việc rao giảng cùng một Tin Mừng trong những bối cảnh và nền văn hóa không ngừng thay đổi. Đã qua 44 năm từ Tổng hội Quezon xác định Bốn Ưu tiên của Dòng (Quezon, 1977); 35 năm từ Tổng hội Avila chỉ ra Năm Biên cương của công cuộc Phúc Âm hóa (Avila, 1986); 11 năm từ Tổng hội Rôma mô tả chi tiết Các Ủy Nhiệm Sứ vụ (Rôma, 2010) mà hiện tại đã phát triển thành Những Diễn đàn (fora) về Đời sống Tông đồ. Phải chăng giờ là lúc xét lại và cập nhật những sứ vụ ưu tiên của Dòng? Hay có lẽ, chúng ta chỉ cần nhắc cho Dòng nhớ về những sứ vụ ưu tiên hiện có để anh em quan tâm một cách nghiêm túc trong những hoạt động tông đồ khác nhau của chúng ta. Làm cách nào để những mối ưu tiên này được quan tâm như là “những ưu tiên thực sự” trong mỗi Diễn đàn về Đời sống Tông đồ? Ví dụ, vấn đề Công lý và Hòa bình rõ ràng là một ưu tiên trọng tâm của diễn đàn về Tiến trình Salamanca, nhưng làm thế nào để vấn đề này được trở thành “mối ưu tiên” trong diễn đàn về Mục vụ Giáo xứ hoặc về Giới nghệ thuật, v.v.? Còn về những “biên cương của công cuộc Phúc Âm hóa” – liệu chúng còn hợp thời? Liệu có những biên cương mới nào được gợi lên trong những tổng hội trước mà chúng ta chưa xác định rõ ràng là một “biên cương” không? Ngày nay, tại nhiều vùng trên thế giới, nơi thực thi sứ vụ không còn chỉ là một nơi xa xôi, mà còn ở ngay cạnh nhà chúng ta! Chỉ cần bước qua ngưỡng cửa (“biên cương”) của tu viện, chúng ta sẽ gặp ngay “nhiều người nam, người nữ và trẻ em chưa biết đến niềm vui trong tình bạn với Chúa Giêsu”.
Các anh em
- Theo thống kê năm 2020, Dòng có 5.117 anh em đã tuyên khấn. Trong đó, có 737 sinh viên tư giáo, 116 phó tế chuyển tiếp, 15 phó tế vĩnh viễn, 256 anh em tu huynh, 4.023 linh mục và 41 giám mục. Dòng có 164 tập sinh tư giáo, 5 tập sinh tu huynh.
- Cùng năm này, 155 tu sĩ trong Dòng đã qua đời (trong đó có 42 tu sĩ qua đời vì COVID 19), 15 linh mục rời khỏi Dòng (tháo lời khấn và chuyển sang giáo phận), 12 anh em khấn trọng đã tháo lời khấn và 38 anh em khấn đơn rời khỏi Dòng. Có 49 anh em đang sống ngoại vi và 59 anh em vắng mặt không phép.
- Về việc bổ nhiệm, có 78% số anh em sống trong 257 tu viện, 22% số anh em còn lại sống trong 281 tu xá. Theo độ tuổi, 11% số anh em ở độ tuổi từ 30 trở xuống, 18% số anh em ở độ tuổi từ 31-40, 19% số anh em ở độ tuổi từ 41-50, 15% số anh em ở độ tuổi từ 51-60, 13% số anh em ở độ tuổi từ 61-70, 24% số anh em ở độ tuổi trên 71.
- Các anh em hiện diện trong 37 tỉnh dòng và 6 dự tỉnh. Trong đó, 2 tỉnh dòng ở châu Phi, 5 tỉnh dòng ở châu Á - Thái Bình Dương, 20 tỉnh dòng ở châu Âu (9 tỉnh dòng ở Bán đảo Iberia, Ý, Bohemia, Croatia, Malta, và Slovakia; 11 tỉnh dòng ở Tây Bắc châu Âu, Canada và Ba Lan), 6 tỉnh dòng ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, 4 tỉnh dòng ở Hoa Kỳ. Trong số 6 dự tỉnh có 2 dự tỉnh ở châu Phi, 2 dự tỉnh ở châu Á - Thái Bình Dương, 2 dự tỉnh ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe. Có 18 phụ tỉnh thuộc 10 tỉnh dòng đang hiện diện ở châu Phi (4), châu Á - Thái Bình Dương (4), châu Âu và Canada (6), châu Mỹ Latinh (4).
- Năm 1921, vào ngày lễ kỷ niệm 700 năm sinh nhật trên trời của Thánh Đa Minh, Tập san Analecta ghi nhận Dòng có 4.737 anh em (con số này gồm các anh em tư giáo, các tập sinh tư giáo và tu huynh) và 946 anh em tu huynh (conversi). Con số này không thay đổi quá nhiều trong suốt 100 năm qua. Chỉ có sự thay đổi trong việc phân bố anh em giữa các miền, từ châu Âu và châu Mỹ sang châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương.
- Về sự thay đổi trong việc phân bố theo vùng miền, vài lần tôi được chất vấn rằng liệu các tỉnh dòng có đông tu sĩ có thể giúp duy trì sự hiện diện và sứ vụ giảng thuyết của Dòng nơi lãnh thổ của các tỉnh dòng có ít tu sĩ hơn được không. Tôi đã chỉ ra số 391, 5 và 6 trong sách Hiến pháp và Chỉ thị (về các tu viện liên tỉnh dòng và việc bổ nhiệm theo “providence”[4]), quy định những điều kiện cho khả năng trên. Tuy nhiên, việc chuẩn bị chu đáo cho những anh em sẽ dấn thân vào những kế hoạch hợp tác liên tỉnh dòng phải bao gồm sự chuẩn bị toàn diện về mặt ngôn ngữ và tính liên văn hóa, cụ thể là năng lực và tinh thần sẵn sàng vượt qua những ranh giới, “thoát khỏi” những tập quán văn hóa của mình để có cơ hội học biết thêm về nền văn hóa khác, sẵn lòng hòa nhập trọn vẹn con người anh em vào đời sống và sứ vụ nơi cộng đoàn anh em được bổ nhiệm. Tính liên văn hóa trước tiên được thể hiện qua sự tôn trọng nền văn hóa riêng biệt của nhau, nhưng còn nên tiến xa hơn tới sự cởi mở và sự tương trợ. Sự cởi mở nhắm tới một cách sống (modus vivendi) liên đới và tương trợ, giúp làm triển nở đời sống chung huynh đệ giữa những khác biệt. Sự tương trợ nghĩa là ta phải đủ quảng đại để cho đi, nhưng cũng đủ khiêm tốn để nhận lãnh.
Trung ương Dòng
- Trung ương Dòng là cộng đoàn phục vụ cho sứ vụ của Dòng và lãnh đạo bằng cách đồng hành với Gia đình Đa Minh trong việc phục vụ và thực hiện một sứ vụ chung. Sứ vụ duy nhất của Dòng trong lòng Giáo hội đã được xác định rõ ràng ngay từ thời điểm thành lập Dòng, khi cha Đa Minh cử anh em ra đi học hành, giảng thuyết và lập tu viện[5]. Do đó, cốt lõi của việc phục vụ tập thể (diakonia) của Trung ương Dòng là cổ võ sứ vụ liên ba này, ngay cả khi có những anh em được trao phó một sứ vụ đặc thù theo chức vụ tương ứng của họ.
- Để bảo đảm vận hành hiệu quả, Trung ương Dòng đã soạn thảo cuốn Cẩm nang Quản trị, tập hợp nhiều quy chế, điều khoản và thủ tục khác nhau, được áp dụng nhiều năm qua; đồng thời bổ sung thêm biểu đồ (xem phụ lục), các bản mô tả công việc và các tài liệu liên quan khác nhằm giúp xác định phạm vi công việc cũng như các lãnh vực hợp tác giữa các thành viên tại trung ương. Đây được coi là cuốn cẩm nang (vademecum) mà chúng tôi hy vọng sẽ giúp các thành viên thi hành việc phục vụ đối với Dòng một cách kiên định và hiệu quả. Cuốn cẩm nang này cũng nhằm giúp cho việc chuyển giao nhiệm vụ giữa thành viên đang tại nhiệm và thành viên sẽ kế nhiệm được dễ dàng. Ấn bản Hiến pháp và Chỉ thị năm 2021, với tất cả những sửa đổi cho đến Tổng hội Biên Hòa 2019, đã được xuất bản.
- Trong bản tường trình cuối nhiệm kỳ, anh Bruno Cadorè cho rằng cần phải xem lại việc phân bổ các phụ tá (socii)miền. Các giám tỉnh châu Âu đã được hỏi ý kiến trong cuộc họp liên châu Âu của Dòng (IEOP) năm 2020. Các anh em này đề nghị giảm số vị phụ tá tại châu Âu từ ba xuống hai vị và đề nghị thảo luận cụ thể hơn về cách thức hai vị phụ tá có thể chia sẻ trách nhiệm đối với châu Âu. Để áp dụng đường hướng chung do các giám tỉnh châu Âu đề xuất, Dòng đã không bổ nhiệm vị phụ tá đặc trách miền Trung và Đông Âu vào cuối nhiệm kỳ của anh Krzysztof Poławski; anh Alain Arnould và anh Miguel Àngel del Rio vẫn là hai vị phụ tá miền tại châu Âu, và được giao đảm nhiệm thêm một số tỉnh dòng.
- Đại dịch đã mở ra triển vọng tổ chức các cuộc họp trên các nền tảng thuần kỹ thuật số hay kết hợp. Dĩ nhiên, những cuộc họp trực tiếp vẫn là cách tốt nhất để thảo luận và đưa ra các quyết định. Tuy nhiên, một số cuộc họp của các ủy ban và những cơ cấu hợp tác khác có thể được tiến hành trên các nền tảng kỹ thuật số, sẽ giúp giảm chi phí và lượng khí nhà kính mà không đánh mất tính hiệu quả. Những cuộc họp cấp miền của tập sinh ở tất cả các miền chưa từng diễn ra trước đây; việc hội họp này không thể hình dung được cho đến khi chấp nhận hình thức họp trực tuyến.
Đời sống Huynh đệ và Đào tạo
- Một trong những quyết định quan trọng được thực hiện trong hai Tổng hội gần đây là điều khoản về vị Phụ tá Đặc trách Đời sống Huynh đệ và Đào tạo. Tôi đặc biệt đề xuất phê chuẩn (confirmatio) quyết định này trong Tổng hội tới [SHC 425, § II (B 306); SHC 427-bis (B 307); SHC 429, § II (B 308)].
Anh em Tu huynh
- Theo Công vụ Tổng hội Biên hòa 2019, số 199, Dòng đã thiết lập Ủy ban Thần học về Ơn gọi Tu huynh trong Dòng và trong Giáo hội. Ủy ban này sẽ tập trung vào việc suy tư thần học về ơn gọi đặc thù của các thành phần của Gia đình Đa Minh trong bối cảnh rộng lớn của Giáo hội vốn là một hiệp thông có trật tự. Việc chuyển đổi hướng tập trung này sẽ giúp tránh lặp lại những nghiên cứu quan trọng của các ủy ban trước về anh em tu huynh. Quan trọng hơn, sự thay đổi này tập trung vào việc làm thế nào để sự phong phú của ơn gọi Đa Minh, được thể hiện theo những cách riêng bởi các thành phần khác nhau của Gia đình Đa Minh, có thể phục vụ Giáo hội và thế giới. Anh Vivian Boland, chủ tịch ủy ban, đã soạn thảo “Các điều khoản tham chiếu cho Công việc của Ủy ban”, mặc dù ủy ban dự kiến sẽ hoàn thành công việc sau Tổng hội Tultenango, Mexico.
- Ủy ban Thường trực về Ơn gọi Anh em Tu huynh (Công vụ Tổng hội Biên Hòa 2019, 194) đã tổ chức vài cuộc họp với vị Phụ tá Đặc trách Đời sống Huynh đệ và Đào tạo, theo chức vụ của vị này do Tổng hội chỉ định. Cuộc họp của ủy ban với các vị đặc trách cổ võ ơn gọi cấp tỉnh dòng đã cho thấy nhiều nguyên nhân khiến cho việc cổ võ ơn gọi tu huynh bị xem nhẹ; một trong những nguyên nhân trên là sự ưu tiên dành cho ơn gọi tư giáo, vì nhu cầu cần đến các anh em linh mục cho các hoạt động tông đồ của các tỉnh dòng.
Thường huấn
- Trên tinh thần “chia sẻ những giải pháp tốt nhất”, Ủy ban Thường huấn (Công vụ Tổng hội Biên Hòa 2019, 100) đã thu thập các chương trình và chính sách từ một số tỉnh dòng về cách xử lý những anh em “phá hoại đời sống huynh đệ, vì lối sống vô tổ chức, tật nghiện rượu, v.v.” và về phương pháp chữa lành và hoà giải (Công vụ Tổng hội Biên Hòa 2019, 96-97). Những tài liệu này sẽ được dịch sang các ngôn ngữ chính của Dòng và sẽ sớm được chuyển tới các tỉnh dòng. Kế hoạch sắp tới của uỷ ban là chương trình nhằm “tạo điều kiện giao tiếp trong các cộng đoàn và giữa anh em”.
- Tôi tin chắc rằng nhiệm vụ kế tiếp của Ủy ban Thường trực về Đào tạo là xem xét những giải pháp tốt nhất của các tỉnh dòng liên quan đến Quy chế Đào tạo Chung số 18: “Vào mỗi giai đoạn trong quá trình đào tạo sơ khởi, cũng như từng thời điểm trong quá trình thường huấn, cần phải suy tư và chia sẻ nghiêm túc về đời sống tình cảm, sự trưởng thành, phái tính, độc thân và tình yêu khiết tịnh (Bologna 1998, 90). Tổng hội Providence đã đưa ra một nội dung hoàn chỉnh hơn (Providence 2001, 348-349) và Tổng hội Trogir đã phê chuẩn vấn đề này (Trogir 2013, 142). Tôi tin rằng chúng ta cần phải suy tư thường xuyên về những chủ đề đào tạo con người để phổ biến cho mọi anh em thuộc quá trình thường huấn, phù hợp với nhóm tuổi của họ, và cần lưu ý đến “những giai đoạn chuyển tiếp trong đời sống”, chẳng hạn như một chương trình thường huấn cho các anh em tu huynh đã khấn trọng 10, 20, 30 năm; hay chương trình thường huấn về chủ đề đại loại như “tuổi cao niên hướng tới sự khôn ngoan” (from ageing to sage-ing) dành cho những bậc đàn anh trong độ tuổi thất tuần, v.v..
- Làm sao chúng ta có thể đồng hành với những anh em phải trải qua thời điểm “chán chường” (acedia) mà thánh Tôma, khi dẫn lời của Đamascô, mô tả là “trạng thái u sầu nặng trĩu đè nặng lên tâm trí một người đến độ khiến họ không còn hứng thú với bất kỳ hoạt động nào” (Summa Theologiae II-II, q.35, a.1), hay như Gioan Cassianô gọi là “quỷ giờ ngọ” (hay là “sự quá độ trong tuổi trung niên”)? Giáo hội nhìn nhận rằng với “sự trợ giúp của tâm lý học, được khoa nhân học về ơn gọi Kitô hữu và về ân sủng soi sáng và hoàn thiện”[6], chúng ta có thể đạt tới sự trưởng thành trong ơn gọi và đời tu. Một số tỉnh dòng đã thực hiện những chương trình thường huấn theo sát với những đường hướng trên. Vị phụ tá đặc trách Thường huấn đang làm nhiệm vụ cung cấp các phương tiện hỗ trợ cho việc “chia sẻ những giải pháp hữu hiệu nhất” giữa các tỉnh dòng. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi cần có một sự cởi mở nhất định để chia sẻ và nhận lãnh nơi các vị đặc trách cổ võ thường huấn cấp tỉnh dòng nói riêng và tất cả anh em nói chung.
Hợp tác trong tiến trình Đào tạo Sơ khởi
- Khi được Dòng đón nhận, tất cả những anh em trong tiến trình đào tạo đều có quyền và trách nhiệm trải nghiệm một đời sống Đa Minh trọn vẹn nhất, để anh em có thể hướng tới cuộc dấn thân vĩnh viễn cho đời sống này. Trong quá trình đào tạo, chúng ta được dạy để hiểu rằng các yếu tố của đời sống Đa Minh như cầu nguyện chung, đời sống chung huynh đệ, quản trị mang tính cộng đoàn, v.v., chính là những yếu tố cấu thành nên căn tính và sứ vụ của chúng ta như thế nào. Chúng ta biết rằng con số anh em trong một tu viện đơn thuần không đảm bảo về một đời sống Đa Minh đúng nghĩa, nhưng chính những anh em thường xuyên hiện diện trong cùng một tu viện mới làm nên điều kiện quan trọng khả dĩ hình thành lối sống của nhà giảng thuyết. Tôi tin rằng, xét ở mức độ quan trọng nào đó, việc cung cấp một điều kiện như thế là vấn đề công bằng - tất cả những anh em đã được Dòng đón nhận đều có quyền hưởng một nền đào tạo Đa Minh đích thực.
- Làm sao chúng ta có thể cung cấp một nền đào tạo Đa Minh đích thực nếu thiếu đi một hay nhiều yếu tố của đời sống Đa Minh? Làm sao một tập sinh có thể cảm nghiệm được sự phong phú của kinh nguyện phụng vụ chung của chúng ta, nếu cộng đoàn có tập viện không đủ số tu sĩ? Làm sao để một anh em tư giáo khấn trọng có thể trải nghiệm lối quản trị mang tính cộng đoàn một cách đầy đủ hơn, nếu anh không được sống trong một tu viện, nhưng trong một tu xá có vị bề trên được chỉ định chứ không phải được bầu chọn, và tu xá hội cũng là ban cố vấn hội? Làm thế nào để một anh em sinh viên có thể được đắm chìm trong sự phong phú của truyền thống triết học và thần học Đa Minh, nếu họ theo học các chuyên ngành trong Giáo hội tại các phân khoa không thuộc về Dòng? Theo số liệu thống kê năm 2020, trong số 737 sinh viên tư giáo của chúng ta, có 498 anh em đang theo học tại các trung tâm học vấn dưới sự bảo trợ của Dòng, nghĩa là có đến 309 anh em đang hưởng rất ít nguồn lợi từ truyền thống trí thức của Dòng. Vì lý do này, chúng ta cần phải có những trung tâm đào tạo giữa các vùng. Tôi tin rằng, việc hợp tác trong tiến trình đào tạo là một trong những hoạt động hiệu quả nhất ở Châu Phi, đáng để cho các vùng khác áp dụng theo. Nên chăng một tỉnh dòng cần thực hiện nghĩa vụ gửi những anh em đang trong tiến trình đào tạo sơ khởi đến những trung tâm đào tạo khác, nếu tỉnh dòng này, trong hai năm, không cung ứng đủ những yếu tố cần thiết cho trung tâm đào tạo của họ (x. SHC 254, 2)?
Ủy ban Phụng vụ
- Ngoài nhiệm vụ cổ võ đời sống phụng vụ và cầu nguyện trong Dòng, Ủy ban Phụng vụ còn được giao nhiệm vụ hợp tác với vị Tổng Thỉnh viên để cung cấp cho Dòng những văn bản phụng vụ riêng về các vị hiển thánh và chân phước mới như: Thánh Bartolomeu dos Mártires (Bartholomew Braga), Chân phước Jean Joseph Lataste và các bạn, và thảo luận với vị Thỉnh viên về những bước cần thiết để hoàn tất nhiệm vụ này.
- Tiểu ban hánh nhạc có nhiệm vụ hỗ trợ Ủy ban Phụng vụ cổ võ sự phong phú đa dạng của âm nhạc Đa Minh trong toàn Gia đình Đa Minh, và đặc biệt là hợp tác với các tỉnh dòng Pháp ngữ để bảo tồn và quảng bá “Thánh nhạc Phụng vụ của Dân Chúa” (Liturgie Chorale du Peuple de Dieu) của tu sĩ Andre Gouzes (Công vụ Tổng hội 2019, 102).
Đời sống Trí thức và Học hành
- Thông tin tổng quát về đời sống học hành và trí thức của Dòng hiện có thể truy cập trực tiếp qua website https://studium.op.org. Nhờ vào công sức của vị Phụ tá Đặc trách Đời sống Trí thức, chúng ta có thể tìm thấy: (a) thông tin về các Trung tâm Học vấn và các Viện Hàn lâm của Dòng; (b) danh bạ nhân sự đang hoạt động cổ võ đời sống trí thức trong nhiều thực thể khác nhau của Dòng (Ủy ban Thường trực về cổ võ học hành trong Dòng, ban đời sống trí thức, các vị giám đốc học vụ, các vị giám đốc trung tâm học vấn, các giáo sư, các anh em thực tập giảng dạy và những anh em nhận được danh hiệu Tôn sư thần học (magistri in sacra theologia); (c) hợp tác giữa các vùng; (d) học bổng; (e) ấn phẩm, v.v.. Trang web cũng dành một phần để thông báo về các vị trí giảng dạy còn trống, nhằm cung cấp thông tin cho các anh em quan tâm và đủ điều kiện.
- Mạng lưới các trường Đại học Đa Minh đã tổ chức cuộc họp trực tuyến đầu tiên vào ngày 27 và 28 tháng 7 năm 2021. Kết quả của cuộc họp và các câu trả lời cho bảng khảo sát đã được trình bày trước Ban Tổng Cố vấn. Ngay sau đó, các thành viên thuộc nhóm làm việc cho mạng lưới các trường Đại học của Dòng (UNOP-RUOP) được chỉ định với những nhiệm vụ sau: (a) duyệt lại và hoàn thiện bản phác thảo về Quy chế của Mạng lưới, để sớm đệ trình cho Bề trên Tổng quyền và Ban Tổng Cố vấn phê chuẩn, hạn chót là ngày 11 tháng 02 năm 2022 (thử nghiệm trong 5 năm); (b) xác định những Lãnh vực Hợp tác Chính của các thành viên thuộc mạng lưới và trình bày rõ ràng hệ thống/ thủ tục cơ bản cho việc thực hiện sự hợp tác cho mỗi lãnh vực.
Hiện tại, Dòng có 12 trường đại học, 11 phân khoa thần học (trong đó có 8 phân khoa tự trị [sui juris]), 7 viện cao học, 9 viện nghiên cứu hàn lâm.
Các Trung tâm và các Viện Hàn lâm dưới sự điều hành trực tiếp của Bề trên Tổng quyền
- Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma (PUST Angelicum)
Quy chế sửa đổi của Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma đã được Tòa Thánh phê chuẩn, được phổ biến và có hiệu lực ngày 14 tháng 9 năm 2021. Cùng ngày, tu sĩ Thomas Joseph White, tân Viện trưởng, đã chính thức đảm nhận chức vụ sau khi tuyên xưng đức tin. Những thành viên trong Hội đồng Quản Trị (Consiglio di Amministrazione) cũng được chỉ định chiếu theo quy chế mới.
Những dự án phát triển do anh Bruno khởi xướng đang đạt nhiều kết quả và gợi hứng cho sự uy tín mới của trường. Trong niên khóa 2021-2022, 58 tu sĩ đã ghi danh vào trường. Các anh em này đến từ 22 tỉnh dòng và dự tỉnh ở khắp nơi trên thế giới. Kể từ năm 2019, năm giáo sư dòng Đa Minh đã được bổ nhiệm vào Đại học Angelicum.
Trong kế hoạch chiến lược, Đại học Angelicum chú trọng phát triển và tăng cường vai trò của một trung tâm hàn lâm ưu tú trong giảng dạy, nghiên cứu và huấn luyện tâm linh theo truyền thống Đa Minh. Những suất học bổng của trường đều nhằm xây dựng các Giáo hội đặc thù và những thực thể của Dòng tại nhiều vùng trên thế giới, bằng cách huấn luyện những nhà lãnh đạo, những giảng viên và những thừa tác viên tương lai, để họ có khả năng phát triển sứ vụ loan báo Tin Mừng và đối thoại hiệu quả với các nền văn hóa và các tôn giáo.
- Trường Kinh Thánh và Khảo cổ Pháp (École Biblique et Archéologique Française, EBAF)
Từ năm 2019, hai giáo sư của dòng Đa Minh đã được bổ nhiệm vào Trường Kinh Thánh và Khảo cổ Pháp (EBAF). Trường đã khởi thảo Kế hoạch Chiến lược; chúng tôi hy vọng sẽ xem kỹ bản kế hoạch này trong cuộc kinh lý vào tháng 1 năm 2022. Trường này vẫn tiếp tục là một trung tâm nghiên cứu Kinh thánh có danh tiếng, gợi hứng và hỗ trợ cho những anh em chuyên nghiên cứu về Thánh kinh.
- Phân khoa Thần học Fribourg/ Albertinum
Từ năm 2019, một giáo sư Đa Minh đã được bổ nhiệm vào trường Albertinum, và còn có thể bổ nhiệm thêm một vị khác khi trường chỉ định vị giáo sư kia vào vị trí quản trị. Dự án thành lập một Học viện Đa Minh thuộc Phân khoa Thần học đã dần dần được hình thành và hy vọng sẽ được sự chấp thuận từ các thẩm quyền có liên quan.
- Ủy ban Leonine
Từ năm 2019, một anh em đã được chỉ định làm thành viên mới của Ủy ban Leonine. Một bản ghi nhớ về sự hợp tác giữa Ủy ban với Viện Lịch sử của Dòng đang thực hiện. Ủy ban Leonine sẽ thiết lập những mối liên kết rộng mở hơn với các Viện nghiên cứu học thuyết thánh Tôma của một số tỉnh dòng.
Đời sống Tông đồ
- Ban Đời sống Tông đồ, gồm có các vị tổng đặc trách và vị Phụ tá Đời sống Tông đồ làm chủ tịch, đang hợp tác chặt chẽ với nhau qua những cuộc họp thường kỳ.
Các Diễn đàn về Đời sống Tông đồ đang được sôi động trở lại nhờ vào rất nhiều buổi họp cấp miền của các anh em trong từng diễn đàn chuyên biệt. Diễn đàn nhằm cổ võ hoạt động tông đồ qua việc chia sẻ những kinh nghiệm giữa các anh em cùng tham gia, đưa truyền thống đặc thù của Dòng vào những hoạt động tông đồ, và thúc đẩy sự đối thoại giữa các mục tử và các nhà thần học của Dòng (x. Tường trình BTTQ, Công vụ Tổng hội Bologna 2016, 104). Hiện nay, đã có 13 diễn đàn tông đồ. Dòng đang thực hiện tiến trình xây dựng mạng lưới liên kết các anh em đang cùng thi hành sứ vụ trong những lãnh vực giống nhau hoặc tương tự nhau, để thực thi sự ủy nhiệm của Tổng hội Trogir năm 2013 (số 109). Vị Phụ tá đặc trách Đời sống Tông đồ và các vị Phụ tá miền tiếp tục tổ chức một chuỗi hội họp trực tuyến của các anh em làm việc trong lãnh vực truyền thông, huynh đoàn Đa Minh, cổ võ kinh Mân Côi và mục vụ giáo xứ.
- Nhiệm vụ tạo ra một bản mô tả chi tiết về sứ vụ tông đồ của các thực thể trong Dòng đang được tiến hành, dù rất khó khăn. Từ những thông tin của các Tỉnh dòng và các Dự tỉnh gửi đến cho Trụ sở Trung ương, nghĩa là qua các danh mục, các bản tin và các phương thức truyền thông khác, một cơ sở dữ liệu về nhân sự và cơ cấu tổ chức đang được xây dựng, làm công cụ cơ bản để thiết lập mạng lưới liên kết các anh em và các cơ sở nơi họ thi hành sứ vụ. Hơn nữa, các nền tảng liên lạc và cộng tác mới (workplace, google suite) hiện đang được sử dụng trong các diễn đàn: (1) Mân Côi, Đền thánh và Hành hương; (2) Đặc trách Huynh đoàn Giáo dân; (3) Mục vụ Giáo xứ; và (4) Đặc trách Truyền thông. Các nền tảng này cũng sẽ được sử dụng ở những diễn đàn khác trong những tháng sắp tới.
- Tôi tin rằng một khía cạnh quan trọng trong việc phát triển hơn nữa các diễn đàn tông đồ là phải lưu tâm nghiêm túc về cách mà đặc sủng của chúng ta làm phong phú một diễn đàn tông đồ chuyên biệt. Chẳng hạn như, cách làm cho một giáo xứ được trao cho chúng ta coi sóc thực sự mang “tính Đa Minh”? Đó có phải chỉ là sự phô bày những biểu tượng Đa Minh hay việc tổ chức các đại lễ theo truyền thống Đa Minh ở giáo xứ? Liệu có khó hình dung khi cộng đoàn có một anh em linh mục coi xứ thì cả cộng đoàn cùng “chăm sóc mục vụ” cho giáo xứ đó (x. Tổng hội Rôma 2010, 183; Tổng hội Bologna 2016, 114)? Theo hướng nhìn này, điều quan trọng là cần lưu tâm đến bản Huấn thị Hoán cải mục vụ của cộng đồng giáo xứ để phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội do Tòa Thánh công bố: “Sự đóng góp mà các anh chị em sống đời thánh hiến có thể mang lại cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của cộng đoàn Giáo xứ, tiên vàn phải xuất phát từ “căn tính” của họ, nghĩa là, từ chứng tá của việc đi theo Đức Kitô cách triệt để qua việc khấn giữ các lời khuyên Tin Mừng; thứ đến phải là từ “hoạt động” của các tu sĩ, tức là, từ các công việc theo đặc sủng của mỗi Tu hội[7]. Nhận thức về tầm quan trọng của các đặc sủng đời sống thánh hiến trong việc làm phong phú mục vụ giáo xứ là rất cần thiết, bởi vì có nhiều giáo xứ đã được trao phó cho Dòng coi sóc: 30 giáo xứ ở Châu Phi và 80 giáo xứ ở Châu Á – Thái Bình Dương (vị Phụ tá Đời sống Tông đồ đang thu thập thông tin từ các vùng khác).
Công lý, Hòa bình và Chăm sóc Công trình Tạo dựng
- Làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Đức Kitô qua các hoạt động cho Công lý, Hoà bình và Chăm sóc Công trình Tạo dựng là một phần của sứ vụ loan báo Tin Mừng, đòi buộc phải có “sự tổ chức”. Chúng ta nhớ lại rằng khi Thánh Đa Minh động lòng trắc ẩn đối với những người đau khổ trong nạn đói, ngài không chỉ bán những cuốn sách quý của mình, mà còn “thành lập trung tâm bác ái…” khích lệ người khác cũng làm như vậy (Libellus, 10). Cũng tinh thần đó, “Vai trò của các vị Đặc trách Cổ võ Công lý, Hòa bình và Chăm sóc Công trình Tạo dựng trong Dòng” được xác định theo chỉ thị của Công vụ Tổng hội Biên Hòa, số 175.
- “Điều phối viên của Chương trình Gắn kết Học thuật” thuộc Phái đoàn Liên Hiệp Quốc được chỉ định là thành viên của nhóm làm việc chung theo Công vụ Tổng hội Biên Hòa 2019, số 317. Và vị này có nhiệm vụ thông tri về hoạt động của Dòng tại Liên Hiệp Quốc cho các viện và học viện; đồng thời, khuyến khích các đơn vị này đưa ra những suy tư - cá nhân và cộng đoàn, để gia tăng khả năng vượt qua tình trạng phân cực nảy sinh từ xung đột về các quyền, và các vấn đề khác về nhân quyền, dưới ánh sáng của Tiến trình Salamanca.
- Những Thông điệp xã hội gần đây đã chỉ rõ mối liên hệ giữa việc cổ võ Công lý, Hòa bình và Chăm sóc Công trình Tạo dựng: “Cũng như các nhân đức nhân bản liên hệ với nhau và sự yếu kém của một nhân đức cũng làm suy yếu các nhân đức khác, cũng thế, hệ thống môi sinh cũng được đặt nền trên sự tôn trọng một chương trình có ảnh hưởng đến cuộc sống chung lành mạnh giữa xã hội cũng như mối liên hệ tốt đẹp với thiên nhiên” (Caritas in Veritate, 51). Do đó, “tiếp cận sinh thái thực sự luôn luôn là một cách tiếp cận mang tính xã hội; hội nhập các vấn đề về công lý vào trong những cuộc đấu tranh về môi trường, để có thể nghe được cả tiếng than khóc của trái đất và tiếng than khóc của người nghèo” (Laudato si', 49). Một trong những thách đố chính của các vị đặc trách là làm thế nào cổ võ Công lý, Hòa bình và Chăm sóc Công trình Tạo dựng ngay trong Dòng.
- Tuy nhiên, có vẻ như một số anh em không thích thú với hoạt động vì Công lý và Hòa bình. Phải chăng vì chúng ta không tìm thấy “niềm vui Tin mừng - Evangelii Gaudium”, trong việc giảng thuyết về công lý và hòa bình? Rõ ràng, những hoàn cảnh bất công khiến chúng ta lo lắng, khơi lên những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, thậm chí, kích động sự tức giận hoặc phẫn nộ trong lòng chúng ta. Tiếc thay, trong khi chăm sóc mục vụ cho những người phải chịu sự bất công khủng khiếp, có những tu sĩ và giáo sĩ đã bị hao mòn trong cảm xúc giận dữ. Có lẽ, viễn tượng tiêu cực về một cảm xúc giận dữ có thể lấn át niềm vui của Tin mừng khiến chúng ta tháo lui khỏi việc vãn hồi công lý và đạt đến nền hòa bình thực sự trong thế giới của chúng ta.
- Một “nỗi băn khoăn” nữa mà một số anh em Đa Minh có thể cảm thấy khi tham gia vào hoạt động vì Công lý và Hòa bình, đó là, các hoạt động này chắc chắn lôi kéo anh em phải “xuống phố”, lao vào một thế giới hỗn độn và trần tục, khiến xa rời đời sống tu viện. Đúng là đã có một vài trường hợp đáng tiếc về các anh em bị khuất phục bởi “chủ nghĩa hoạt động”, và do đó xa rời đời sống cộng đoàn; thì chúng ta cũng không đơn giản cho rằng hoạt động tích cực vì công lý và hòa bình là đi ngược lại đời sống chiêm niệm. Thật thú vị khi nhận ra những nhân vật biểu tượng của Dòng chúng ta về hoạt động vì công lý và hòa bình, những anh em đã đến đảo Hispaniola vào năm 1510, “có nguồn gốc từ các anh em nhiệm nhặt của tỉnh Castilla, là những người chống lại sự tục hóa từ năm 1450, và mong muốn khôi phục lại đặc sủng ban đầu của Dòng”[8]. Quả thực, những anh em đó có một đời sống cộng đoàn nhiệm nhặt, trung thành với nếp sống tu trì, nhưng không sống khép kín. Họ rất ý thức, quan tâm và động lòng trước những đau khổ của người khác.
Cổ võ Kinh Mân Côi
- Vị tổng đặc trách cổ võ Kinh Mân Côi tổ chức họp trực tuyến với các vị đặc trách của các tỉnh dòng khác nhau. Vị này đang tích cực đẩy mạnh sự phát triển của các Hội Mân Côi và đã nhận được những hưởng ứng tích cực từ vùng Bắc Mỹ. Có khoảng 100 người tham dự các giờ đọc Kinh Mân Côi trực tuyến hàng tuần. Gần đây, vị tổng đặc trách đã xuất bản sách về cầu nguyện kinh Mân Côi với nghệ thuật thánh.
Santa Maria Maggiore
- Tu viện Santa Maria Maggiore cũng là một cộng đoàn các cha giải tội. Các anh em, với thừa tác vụ chính yếu là giữ cho “cánh cửa của lòng thương xót” luôn rộng mở, thực thi một công việc phục vụ quan trọng của Dòng cho Giáo hội. Cuối năm 2021, một anh em sẽ được bổ nhiệm vào tu viện này, và hy vọng sẽ có thêm hai anh em nữa được bổ nhiệm trong năm tới.
Truyền thông
- Khả năng hiển thị của Dòng trên internet qua trang web đã cải thiện nhiều trong năm qua. Tài nguyên và các đường dẫn trên trang web cung cấp những thông tin hữu ích và liên quan đến Dòng. Vị đặc trách đang cộng tác chặt chẽ với Ban Biên tập, dựa theo một bản quy chuẩn biên tập rõ ràng để đảm bảo sự nhất quán trên các nền tảng truyền thông của Dòng. Vị tổng đặc trách truyền thông cũng tích cực duy trì khả năng hiện thị của Dòng trên các mạng truyền thông xã hội. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động trực tuyến của Dòng được duy trì bởi nhiều anh chị em trên khắp thế giới thông qua việc đăng tải các đoạn ghi âm bài giảng, phát trực tiếp các buổi cử hành phụng vụ, các bài giảng dạy trực tuyến, và các hình thức tương tự. Chúng ta làm sao có thể hình dung ra sự hợp tác nào tuyệt vời hơn thế giữa anh chị em chúng ta, những người rao giảng trên lục địa kỹ thuật số? (Dĩ nhiên, “bổ nhiệm Providence” thì không còn cần thiết đối với hình thức hợp tác này).
Các thành viên của Gia đình Đa Minh
- Trong lá thư Nhà Giảng thuyết Ân sủng (Praedicator Gratiae), Đức Thánh Cha ghi nhận về các thành phần của Gia đình Đa Minh: “các phần tử của đại Gia đình Đa Minh, bao gồm cả đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ của các nữ đan sĩ và nữ tu, các huynh đoàn linh mục và giáo dân, các tu hội đời và các phong trào giới trẻ (PG, 1)”. Cũng trong lá thư này, Đức Thánh Cha tỏ lòng trân trọng đến “những chứng tá thầm lặng của hàng ngàn đoàn viên Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh và các thành viên của Phong trào Giới trẻ Đa Minh, những người phản ánh vai trò quan trọng và thực sự không thể thiếu của người giáo dân trong công cuộc loan báo Tin mừng” (PG, 7).
Các Nữ Đan sĩ Đa Minh
- Có khoảng 2.512 nữ đan sĩ Đa Minh đang sống tại 185 đan viện; và tổng cộng 63 tập sinh và 69 thỉnh sinh đang tìm hiểu đời sống đan tu. Ngày 26/06/2021, đan viện mới nhất của Dòng được thành lập tại Ilorin, Nigeria với 11 đan sĩ khấn trọng và 4 đan sĩ khấn đơn. Đan viện mới này, do anh Bruno khởi xướng thành lập, là một dấu chỉ hy vọng cho đời sống chiêm niệm Đa Minh; đặc biệt, khi chúng ta phải thừa nhận rằng Tòa thánh đã ra sắc lệnh giải thể 13 đan viện kể từ năm 2017. Ủy ban Xét duyệt Sách Hiến pháp của các nữ Đan sĩ (LCM), do anh Benjamin Earl chủ trì, đã gửi bản thảo cho các đan viện để tham khảo. Việc xét duyệt này là nhằm canh tân Hiến pháp của họ, đặc biệt theo ánh sáng của Huấn thị Cor Orans, gồm những hướng dẫn để áp dụng Tông hiến Vultum Dei Quaerere.
Giáo dân Đa Minh và Phong trào Giới trẻ
- Theo số liệu thống kê của tháng 06 năm 2021, có 2.212 Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh với 128.287 đoàn viên ở 75 quốc gia. So với năm 2020, có sự gia tăng 32 huynh đoàn và 749 đoàn viên trong năm 2021. Ở Châu Âu, có 5.377 giáo dân Đa minh thuộc 372 huynh đoàn, hiện diện tại 25 quốc gia; ở Mỹ Latinh và vùng Caribbean, có 1.862 đoàn viên thuộc 156 huynh đoàn, hiện diện ở 23 quốc gia; ở Mỹ và Canada, có 2.749 đoàn viên thuộc 164 huynh đoàn, hiện diện ở 2 quốc gia; ở châu Á Thái Bình Dương, có 117.749 đoàn viên thuộc 1.491 huynh đoàn, hiện diện ở 12 quốc gia; và ở châu Phi, có 550 đoàn viên thuộc 29 huynh đoàn, hiện diện ở 13 quốc gia.
- Có 4.010 thành viên thuộc 144 nhóm ở 27 quốc gia tham gia Phong trào Giới trẻ Đa Minh Thế giới. Các anh chị em tu sĩ đặc trách giới trẻ đồng hành với các bạn trẻ này.
- Các đoàn viên của các huynh đoàn giáo dân được kêu gọi trở thành những người thông truyền chân lý của đức tin. Tông thư thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên (Antiquum Ministerium - AM, 2021) dường như đã mở ra cơ hội để khuyến khích các giáo dân Đa Minh, đặc biệt là những anh chị em có thiên hướng giảng dạy, được trao tác vụ giáo lý viên. Tông Thư này mô tả về những người thích hợp cho tác vụ là “những người nam và nữ có một đức tin sâu xa và sự trưởng thành về nhân bản, tham dự tích cực vào đời sống cộng đoàn Kitô hữu, có khả năng tiếp đón người khác, quảng đại và sống một đời sống hiệp thông huynh đệ” (AM, 8). Đây chẳng phải là những ưu điểm rất giống với những phẩm chất của người giáo dân Đa Minh sao?
Huynh đoàn Giáo sĩ Thánh Đa Minh
- Hiện nay, Dòng có 410 thành viên Huynh đoàn Giáo sĩ Thánh Đa Minh, hiện diện ở 22 quốc gia. Các phó tế, linh mục và giám mục giáo phận thuộc về 19 tỉnh dòng, 15 tỉnh trong số đó đã thành lập 34 huynh đoàn hoặc các nhóm thử nghiệm, trong khi 4 tỉnh còn lại chỉ có các thành viên linh mục riêng lẻ, chưa có nhóm địa phương được tổ chức quy củ. Trong năm thánh này, có hai Hồng y, một giám mục giáo phận và một thành viên của Giáo triều Rôma đã gia nhập huynh đoàn. Các huynh đoàn trong Dòng đã duy trì việc quy tụ các thành viên cách đều đặn vào những dịp có nghi thức gia nhập hoặc tuyên hứa dành cho các linh mục. Tuy nhiên, các hoạt động này đã bị gián đoạn kể từ khi xảy ra đại dịch toàn cầu. Do việc hội họp trực tiếp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng hạn chế đi lại và các quy định bảo vệ sức khỏe, nên các cuộc gặp gỡ thường lệ của các đoàn viên huynh đoàn phải tạm dừng hoặc chuyển sang một nền tảng trực tuyến.
Nữ tu Đa Minh Quốc tế
- Liên hiệp Nữ tu Đa Minh Quốc tế (The Dominican Sisters International Confederation, DSIC) là một tổ chức hợp tác giữa các nữ tu hoạt động tông đồ trên khắp thế giới. Liên hiệp này được công nhận bởi Thánh bộ về các Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Tu đoàn Tông đồ vào tháng 02/2019. Văn phòng của Liên hiệp được đặt tại Santa Sabina, Rôma.
Liên hiệp này (DSIC) bao gồm 19.407 chị em có mặt tại 109 quốc gia. Trụ sở tổng quyền của các hội dòng này hiện diện ở tất cả các vùng: 6 nhà ở Châu Phi, 22 nhà ở Châu Á – Thái Bình Dương, 80 nhà ở Châu Âu, 19 nhà ở Châu Mỹ Latinh và Caribe, và 20 nhà ở Bắc Mỹ.
Tổng Thỉnh nguyện
- Nhờ ơn Chúa, nguồn mạch mọi sự thánh thiện, hai thành viên trong Dòng chúng ta đã được nâng lên bậc hiển thánh trong ba năm qua: Thánh Bartolomeu dos Martires, “vị Thánh Giám mục của Công đồng Trentô”, tuyên thánh ngày 10/11/2019 tại Braga, Bồ Đào Nha (chấp thuận tuyên thánh tương đương vào ngày 05/07/2019) và Thánh Magarita Castello, quan thầy của những người khiếm thị và khuyết tật, tuyên thánh ngày 19/09/2021 tại Castello (chấp thuận tuyên thánh tương đương vào ngày 24/04/2021).
- Đến nay, Dòng Đa Minh có 74 vị thánh (trong đó có 51 vị tử đạo) và 315 vị chân phước (trong đó có 222 vị tử đạo); như vậy Dòng có tổng cộng 389 vị thánh và chân phước. Lịch phụng vụ riêng của chúng ta hầu như dày kín các ngày lễ và kỷ niệm, vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục cổ võ các tiến trình phong thánh? Chúng ta làm như vậy bởi vì: “Sự thánh thiện của những anh chị em này là dấu hiệu hữu hình cho thấy sức sống và sự liên đới của Dòng!”, như anh Bruno Cadoré và anh Gianni Festa, cựu Tổng thỉnh viên phong chân phước và hiển thánh, đã nhắn nhủ chúng ta. Việc tuyên phong các vị thánh mới một lần nữa minh chứng cho tất cả chúng ta rằng đời sống Đa Minh, với tất cả sự sung mãn và phong phú trong linh đạo, thực sự là một con đường dẫn đến sự thánh thiện.
Kết luận
- Bản tường trình này nối tiếp bản tường trình tổng hợp của anh Bruno Cadoré, vị tiền nhiệm của tôi, đã gửi cho Dòng khi kết thúc nhiệm kỳ của anh. Bản tường trình này cũng được bổ sung với các bản báo cáo của các vị phụ tá và các vị tổng đặc trách đệ trình lên Tổng hội. Vì trở ngại trong việc hạn chế đi lại, tôi và các thành viên của Trụ sở Trung ương không thể thực hiện các chuyến viếng thăm như thường lệ để có cơ hội hiểu sâu hơn về các anh em cũng như sứ vụ tông đồ của họ. Chắc chắn, hạn chế này ảnh hưởng đến tính toàn diện cần có của bản báo cáo.
Tu sĩ Gerard Fransisco Timoner III, OP
Bề trên Tổng quyền
Tu viện Santa Sabina, Rôma
Đại Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
Ngày 08 tháng 12 năm 2021
[1] Tuy có một bản dịch sát chữ là “Đối với Thánh Thần và chúng tôi, điều xem ra là tốt đó là không đặt trên anh em bất cứ gánh nặng nào lớn hơn những điều thiết yếu này”, bản văn Hy Lạp diễn đạt một sự phân định được Thánh Thần hướng dẫn và một quyết định bởi các tông đồ cho thấy một chút uyển chuyển chưa rõ ràng, đó là “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”
[2] Thư gửi toàn Dòng, 21/11/1995 (Tập san Analecta, 103, III, tháng 11-12, 1995, tr. 385-405).
[3] Francisco de Vitoria, Relecciones sobre los indios y el derecho de guerra (Madrid: Espasa Calpe, 1975, 3º ed.), pp. 77-78. “Tengo noticias de muchos escándalos, de hechos inhumanos y de actos de impiedad perpetrados en esas regiones. No se ve, en consecuencia, que les haya sido predicada la religión de Cristo lo bastante piadosa y convenientemente para que estén obligados a asentir. Pues si bien es cierto que muchos religiosos y eclesiásticos, con su vida y ejemplos y diligente predicación hubieran consagrado a esta tarea el trabajo e industria necesarios, no pudieron hacerlo, estorbados por otros cuyos intereses son muy ajenos a eso.” Bản dịch tiếng Anh của James Scott Brown, The Spanish Origin of International Law (New Jersey: Lawbook Exchange, 2000), p. xxx.
[4] Chú thích của người dịch: Việc bổ nhiệm chỉ được thực hiện với những lý do cụ thể nhằm hỗ trợ sứ vụ giảng thuyết và phải có thời hạn nhất định, không quá 5 năm, có thể được xét lại và đổi mới.
[5] Jordan of Saxony, Libellus, 51; Bruno Cadorè OP, Relatio 2019, 25.
[6] Bộ Giáo dục Công giáo, “Những hướng dẫn Áp dụng Tâm lý học vào việc Đón nhận và Đào tạo các Ứng viên tiến chức Linh mục”, 29/06/2008, số 9.
[7] Bộ Giáo sĩ, “Hoán cải mục vụ của cộng đồng giáo xứ để phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội” (29 tháng 7 năm 2020), số 84.
[8] Mariano Delgado, A Stumbling Block: Bartolome de las Casas as Defender of the Indians (Adelaide: ATF Publishing, 2019) p. 7.