▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Trăn trở và mong đợi về sứ mạng học hành hôm nay

“Việc chuyên cần học hỏi nuôi dưỡng chiêm niệm, giúp chu toàn các lời khuyên Tin mừng một cách trung thành nhưng sáng suốt, là hình thức khổ chế do tính cách kiên trì và cam go của nó, cũng như là nếp sống tu trì tuyệt hảo, vì là yếu tố cốt yếu của toàn thể đời sống chúng ta.”
“Việc chuyên cần học hỏi nuôi dưỡng chiêm niệm, giúp chu toàn các lời khuyên Tin mừng một cách trung thành nhưng sáng suốt, là hình thức khổ chế do tính cách kiên trì và cam go của nó, cũng như là nếp sống tu trì tuyệt hảo, vì là yếu tố cốt yếu của toàn thể đời sống chúng ta.”[1]

1. Ơn gọi và sứ mạng học hành hiện nay


Nếu phải chọn ra điểm đặc trưng của Dòng Giảng thuyết thì có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chuyện học hành. Thật vậy, ngay từ đầu, thánh Đa Minh đã muốn anh em hiện diện ở các thành phố lớn để thuận tiện cho việc học hành, giảng thuyết và thiết lập tu viện. Nhưng việc học hành trong Dòng chúng ta không quy hướng về bản thân hay cộng đoàn, mà “phải nhắm hết sức chính yếu và mạnh mẽ vào điểm này là để chúng ta trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân.”[2] Như thế, đối với anh em Đa Minh, ơn cứu độ các linh hồn mới chính là mục đích cuối cùng của sứ vụ học hành.

Nhưng phải học như thế nào để đạt tới mục đích đó? Truyền thống Dòng không tách rời việc học khỏi sứ vụ tông đồ. Đừng kể việc nhiều tác giả trong Dòng đồng hóa học hành như một sứ vụ tông đồ, việc nối kết hai lĩnh vực này còn hàm ý rằng sứ vụ học hành không được xa lìa thực tế cuộc sống. Nói cách khác, anh em được mời gọi nhạy bén với các dấu chỉ thời đại để sứ vụ học hành và giảng thuyết của mình phù hợp với sự biến đổi của xã hội ở mỗi thời kỳ. Điều này đã được các công hội trong Dòng, từ cấp trung ương cho đến địa phương, đặc biệt lưu tâm và nhắc nhở:

Công vụ Tỉnh hội 2019 của Tỉnh dòng chúng ta khẳng định: “Trước những nền văn hóa đương đại đang khủng hoảng về chân lý, việc học thánh khoa và các khoa học khác giúp nhà giảng thuyết có khả năng đối thoại và trả lời hữu hiệu cho những thách đố của thời đại chúng ta.”[3]

- Các Công vụ Tổng hội Biên Hòa 2019 và Tultenango 2022 mở rộng mối dây liên kết của việc học trong Dòng: không chỉ gắn liền với nếp sống cộng đoàn của anh em (đời sống huynh đệ, việc cầu nguyện, sự thinh lặng của tâm hồn) mà còn gắn với sứ mạng rao giảng và chăm sóc những người được Giáo hội ủy thác cho chúng ta.[4] Dưới viễn tượng này, Tultenango 2022 nêu lên bốn chiều kích của việc học hành trong Dòng: 1/ Chiều kích cá nhân: việc học được đồng hóa như một tập quán (habitus) mà mọi anh em cần thủ đắc.[5] 2/ Chiều kích cộng đoàn: chúng ta tìm kiếm, sống và nhận ra chân lý trong sự hiệp thông huynh đệ. 3/ Chiều kích giáo hội: qua lời rao giảng mang tính ngôn sứ, chúng ta loan báo “Tin mừng Nước Thiên Chúa đã đến gần”.[6] 4/ Chiều kích phổ quát: vì trong tình liên đới với toàn thể nhân loại, chúng ta có khả năng tìm thấy chân lý (capax veritatis) và do đó cũng có khả năng tìm thấy Thiên Chúa (capax Dei [7]).

Như thế, việc học nhằm mục đích ơn cứu độ các linh hồn chắc hẳn không dừng lại ở những kiến thức thánh khoa mà còn phải mở rộng đến những môn khoa học khác nữa. Thật vậy, những thách đố của thời đại đòi hỏi chúng ta không chỉ hiểu biết vững chắc đạo lý Kitô giáo mà còn phải bắt kịp các trào lưu tư tưởng và nhịp sống đương đại, ngõ hầu có khả năng liên đới với toàn thể nhân loại trong hành trình tìm kiếm Chân lý.

Quy chế Học vấn chung nhắc nhở chúng ta rằng, truyền thống về tri thức của anh em Đa Minh còn phải hướng đến sự đối thoại mang tính liên ngành. Ngay trong môi trường đào tạo hiến định, anh em đã được mời gọi “phải học các kỹ năng cần thiết để đối thoại với các nhánh Kitô giáo khác, với các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới, với văn hóa đương đại và với khoa học hiện đại. Các sinh viên phải có cơ hội nghiên cứu liên ngành, khám phá các lãnh vực học thuật và hệ thống tri thức khác. Trong động lực của sự đối thoại này, anh em chúng ta cần phát triển khả năng tạo lập những mối liên hệ giữa thần học và các hoàn cảnh mục vụ thực tiễn, đồng thời nhận ra mối liên hệ hỗ tương giữa chúng.”[8]

Tóm lại, việc học trong Dòng chúng ta tuy lấy thánh khoa làm nền tảng nhưng không loại trừ các ngành khoa học khác. Trước sự phát triển và những thách đố của nền văn hóa và khoa học kỹ thuật đương đại, mỗi người Đa Minh được mời gọi bước ra khỏi vùng an toàn của mình để hướng tới việc học một cách đa lĩnh vực hơn, ngõ hầu chúng ta có thể dấn thân nhiều hơn vào các thực tại trần thế.

2. Một thoáng nhìn về việc học và thách đố của Tỉnh dòng


Phải ghi nhận một cố gắng rất đáng khích lệ của các vị hữu trách trong nhiệm kỳ Tỉnh hội hiện tại (2019-2023) đó là thúc đẩy nhiều anh em dấn thân cho sứ vụ học hành ở mức cao hơn sau giai đoạn đào tạo sơ khởi. Các vị đã nỗ lực tìm kiếm học bổng, các nguồn tài trợ hay những sự hợp tác để giúp anh em có cơ hội du học. Đây là sự chuẩn bị nhân sự rất cần thiết cho Tỉnh dòng khi mà Trung tâm Học vấn Đa Minh đang từng bước được nâng cấp để mở rộng quy mô đào tạo chương trình S.T.B. và hướng tới cấp bằng S.T.L., cũng như cho những sứ vụ khác của Tỉnh dòng.

Tuy nhiên, những lãnh vực du học của anh em dường như cũng chỉ ở trong “vùng an toàn” của lãnh vực thánh khoa. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ xa hơn và dấn thân nhiều hơn vào các môi trường Đại học, Cao đẳng hay các trung tâm nghiên cứu khoa học của nước nhà. Để làm được điều đó, mỗi anh em cần tự mình (và cũng cần được ủng hộ) phát triển những chuyên môn riêng mà mình đã học được trước khi vào Dòng, nếu người anh em ấy thật sự mong muốn. Về điểm này, xem ra các nữ tu thuộc các Hội dòng Đa Minh hoạt động đi trước chúng ta.

Mặt khác, các trách nhiệm đào tạo và quản trị trong Tỉnh dòng cũng đòi hỏi anh em hữu trách cần đạt được một mức độ hiểu biết và kỹ năng nhất định, nếu không muốn nói là phải có chuyên môn. Chẳng hạn, đối với những vấn đề về đạo tạo con người, chúng ta không thể chỉ dựa vào những kiến thức thánh khoa để làm việc, nhưng cần có thêm kiến thức và kỹ năng về tâm lý, xã hội, giáo dục, tâm linh,… Sứ vụ quản trị và bài toán kinh tế cũng đòi hỏi chúng ta phải có chuyên môn, không phải chỉ để làm việc với nhau mà còn để tương tác với xã hội bên ngoài nữa.

Những mong đợi trên đây chỉ có thể thành hiện thực khi chúng ta có sự chuẩn bị chu đáo và có tầm nhìn. Ước mong trong Tỉnh hội sắp tới sẽ có thêm nhiều dự phóng cho anh em phát triển những chuyên ngành riêng của mình, ngoài lãnh vực thánh khoa; và ước mong anh em Đa Minh Việt Nam, trong một ngày không xa, sẽ hiện diện với tư cách là “giáo sư” tại các trường Đại học và các trung tâm khoa học của nước nhà.

3. Một điều trăn trở


“Nhiều anh em trẻ ngày nay mất lửa”. Khi bước vào năm tập, chúng tôi đã được một cha giáo nêu lên nhận định này. Khi kết thúc giai đoạn đào tạo sơ khởi, một lần nữa chúng tôi lại được nghe từ một cha giáo khác. “Mất lửa” ở đây không chỉ là thiếu nhiệt huyết và tinh thần dấn thân, mà còn thiếu khả năng xông pha và sáng tạo trong các sứ vụ.

Có thể một số anh em lớp lớn hơn cũng nhìn thấy như vậy. Riêng bản thân tôi, một người vừa hoàn tất chương trình đào tạo sơ khởi, tôi cảm nhận được lửa nhiệt huyết của anh em trong lớp và rất nhiều anh em trong học viện. Đối với anh em lớp chúng tôi, ngọn lửa ấy được thể hiện rõ qua việc chờ đợi sự bổ nhiệm đầu tiên sau giai đoạn học viện. Chúng tôi cũng thường chia sẻ với nhau những tâm tư, khao khát và mong đợi khi thi hành sứ vụ. Sự thiếu nhiệt huyết nếu có thì phần nhiều xuất hiện sau đó, khi mà anh em được sai đến những nơi anh em không muốn, hoặc vì chưa bắt kịp nhịp sống của đời sống mới, hoặc vì những đổ gãy trong đời sống chung, hoặc vì những thất bại trong sứ vụ… Nói chung, sự “mất lửa” do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan, mà đôi khi nếu chỉ có mỗi đương sự cố gắng vượt qua mà thôi thì vẫn chưa đủ: cần phải có cố gắng, thậm chí là thay đổi, của cả tập thể nữa.

Thay vì đi tìm nguyên nhân “mất lửa” hay cố thắp lên ngọn lửa đã tắt, chúng tôi muốn nói đến việc duy trì ngọn lửa cho anh em trẻ. Học viện Đa Minh Việt Nam có rất đông anh em sinh viên. Việc tìm kiếm sứ vụ cho anh em sau khi ra trường quả là một thách đố đối với các bề trên. Vì thế, rất nhiều lần, vị giám tỉnh và các vị hữu trách đã mời gọi anh em chọn lấy cho mình một sứ vụ để dấn thân nhiều hơn, nhất là sau khi đã tuyên khấn Trọng thể. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, có một khoảng cách nhất định giữa ước muốn của anh em và nhu cầu của Tỉnh dòng. Một khi khoảng cách ấy không thể lấp đầy bằng con đường đối thoại, nguy cơ đánh mất sự nhiệt huyết là điều không thể tránh khỏi.

Chính vì thế, chúng tôi mong muốn có sự đối thoại nhiều hơn giữa anh em thụ huấn với các vị hữu trách. Trong những cuộc đối thoại như thế, anh em trẻ sẽ có dịp để trình bày ước vọng của mình và phân định nó sau khi lắng nghe nhu cầu của Tỉnh dòng, các vị hữu trách cũng có cơ hội để hiểu biết anh em nhiều hơn trước khi cắt đặt các sứ vụ. Nhưng làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa anh em trẻ với các vị hữu trách, ngõ hầu anh em không chỉ chia sẻ với các ngài về chuyện học hành mà còn có thể tìm kiếm sự đồng hành cả về đời sống tâm linh cũng như tin tưởng nói lên khát vọng của mình, thì quả là một thách đố. Nhưng nếu vượt qua thách đố đó, chúng ta sẽ có nhiều người trẻ nhiệt huyết và hăng say cho sứ vụ.

Cách riêng đối với những sứ vụ học hành cao hơn, anh em trẻ cũng cần được cho biết tiến trình tuyển chọn và những yêu cầu kèm theo (ngoại ngữ, văn hóa, kỹ năng sống…) càng sớm càng tốt, thậm chí từ những năm thần 3-4, ngõ hầu anh em không bị động và giữ được ngọn lửa dấn thân của mình. Cuối cùng, mỗi anh em thụ huấn cũng cần được cho biết các đánh giá về họ từ phía những vị hữu trách (vị giám sư, ban giáo sư, ban đào tạo…) sau mỗi năm học, ngõ hầu anh em có thể tự điều chỉnh bản thân phù hợp với nếp sống của Dòng.

Kết luận


Việc học trong Dòng Đa Minh không phải chỉ là ơn gọi, mà còn là sứ vụ nữa. Ơn gọi là cửa ngõ mời gọi anh em bước vào nếp sống Đa Minh, còn sứ vụ là điều mà anh em sẽ sống suốt đời. Chính vì thế mà Dòng không ngừng nhắc nhở anh em: “Chính anh em là người chịu trách nhiệm trước hết và chủ yếu về việc học tập của mình. Do đó anh em cần chủ động và sáng tạo trong quá trình học tập.”[9] Dưới viễn tượng này có thể nói rằng, người Đa Minh không phải chỉ học lấy kiến thức mà còn phải trở nên con người học hành: học hỏi trong mọi hoàn cảnh, không kể không gian và thời gian.

Những thách đố của thời đại mời gọi chúng ta dấn thân nhiều hơn trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội, ngõ hầu Lời Chúa sẽ được gieo vãi rộng khắp hơn.

Tuy nhiên, việc học của mỗi anh em chỉ đạt tới hiệu quả cao nhất trong sứ vụ khi có sự đồng bộ với nhu cầu chung của Tỉnh dòng và toàn Dòng. Sự đồng bộ ấy có được nhờ những sự đồng hành của các vị giám sư, cũng như những cuộc đối thoại và gặp gỡ với các vị hữu trách.

Cuối cùng, phải nói rằng mọi nỗ lực của chúng ta sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì nếu thiếu sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa. Xác tín như thế, mỗi người Đa Minh được mời gọi không ngừng tìm kiếm thánh ý Chúa ngang qua các vị hữu trách, nhất là khi mong đợi của tôi chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Cậy dựa vào ân sủng Chúa, khiêm tốn trong đời sống và từ bỏ ý riêng để đón nhận dự án chung sẽ là những trợ lực giúp chúng ta thăng tiến trong đời sống học hành và sứ vụ của mình.

Cầu mong Thiên Chúa tuôn đổ dồi dào ân sủng của Người trên các nghị huynh của Tỉnh hội sắp tới, để anh em có thể đưa ra những dự phóng phù hợp với nhu cầu của Tỉnh dòng trong bối cảnh xã hội hiện nay.

[1] X. Hiến pháp và Chỉ thị Dòng Anh em Giảng thuyết, số 83.
[2] Hiến pháp tiên khởi, Tự ngôn.
[3] Công vụ Tỉnh hội 2019, số 148.
[4] X. Công vụ Tổng hội Biên Hòa, số 303 và Tultenango, số 220.
[5] X. Quy chế Học vấn chung 2017 (Ratio Studiorum Generalis), số 8.
[6] X. Ibid., “Thư ban hành Quy chế” và số 9.
[7] X. Ibid., số 2.
[8] Ibid., số 22.
[9] X. Hiến pháp và Chỉ thị Dòng Anh em Giảng thuyết, số 156; Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội dòng, số 29.
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url