Tình bạn theo thánh Tôma
▓ Bìa sách "St. Thomas Aquinas and the Preaching Beggars" (Brendan Larnen, op. & Milton Lomask)
Thỉnh thoảng trong các buổi nói chuyện hoặc trong các sách báo, một câu hỏi được đặt lên như thế này: “Có nên đề cập đến tình bạn trong đời tu không?” Lập tức nhiều bàn tay giơ lên xin phát biểu và phản đối: Không được, tình bạn đi ngược với tình huynh đệ cộng đoàn! Tình yêu phải mở rộng cho tất cả mọi người, chứ không được phép giới hạn vào một vài người hợp tính khí với mình! Tình bạn có thể là chiêu bài để che giấu khuynh hướng “đồng tính”; tình bạn cũng có thể là chiêu bài để kết bè với nhau, gây ra các phe phái trong cộng đoàn! Mặt khác, không ai chối được rằng không phải lúc nào mình cũng có thể bộc lộ tâm sự với tất cả mọi người trong cộng đoàn, mà chỉ có thể chia sẻ với người tín cẩn. Liệu chúng ta có thể tìm được người ấy trong cộng đoàn hay không? Phải chăng cộng đoàn chỉ là một nhóm những con người cô đơn sống cạnh nhau, vì thế đôi khi chúng ta buộc lòng phải đi tìm người nào khác ở bên ngoài để tâm sự?
Thực ra, như thường xảy ra trong các cuộc tranh luận, một nguyên nhân gây ra sự bất đồng ý kiến nằm ở chỗ “ông nói gà bà nói vịt”. Phải hiểu tình bạn như thế nào? Đó là một danh từ “độc nghĩa” (univocum), hay “loại suy” (analogicum), hay “dị nghĩa” (equivocum)? Nhân dịp kỷ niệm 750 năm tuyên thánh cho anh Tôma Aquinô, chúng ta hãy nhờ anh lý giải giùm. Điều độc đáo của anh là dám dùng tình bạn để định nghĩa đức mến (caritas amicitia quaedam est hominis ad Deum: ST II-II, q.23, a.1). Tuy nhiên, như thói quen, trước khi đi đến kết luận, anh đã sử dụng cái mẹo “phân biệt” (distinguo) nhiều góc cạnh khác nhau của vấn đề. Cụ thể, trước khi đi vào định nghĩa đức mến, anh đã phân biệt ba ý niệm “tình yêu” (amor), “tình bạn” (amicitia), “tình mến” (caritas). Anh không rành tiếng Hy-lạp, cho nên không quen với lối phân biệt khá thời nay giữa “eros, philia, agape”, nhưng anh đã nắm bắt được khái niệm khi đọc truyền thống triết học (đặc biệt của Aristote), truyền thống giáo phụ và đan tu (chẳng hạn như Augustino, Aelred de Rielvaux), và nhất là Tân ước. Đạo lý cua anh về tình bạn cho thấy sự hòa hợp tuyệt vời giữa lý trí và đức tin: Tôma sử dụng các dữ liệu suy tư do Aristote cung cấp, nhưng đồng thời cũng lấy Tin mừng để mở rộng chân trời cho ông. Chúng ta hãy theo dõi cuộc đối thoại thú vị này, qua việc khảo sát ba khái niệm: Amor, Amicitia, Caritas. Có một sợi chỉ nối kết ba khái niệm ấy, nhưng chúng không phải là ba từ đồng nghĩa; ngoài ra, mỗi từ ngữ còn bao hàm nhiều phân loại khác nhau. Đó là ba mục của bài viết, và chúng ta sẽ rút vài kết luận thực tiễn. Tư tưởng của anh Tôma được trình bày trong các quyển chú giải Đạo đức học gửi Nicomaco của Aristote (quyển VIII và IX), chú giải Sententiae của Lombardus (III Sent., d.27, q.2), và nhất là trong Summa Theologiae (viết tắt: ST)
Chúng ta không thể dừng lại ở đề tài này vì nó rất bao la. Động từ amare có thể dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ ngữ khác nhau: yêu, thương, mến, thích, từ đó danh từ amor có thể dịch là tình yêu, tình thương, tình nghĩa, lòng mến, vv. Thực ra, ngay trong tiếng Latinh, thánh Tôma cũng phân biệt nhiều cấp độ amor (appetitus, desiderium, dilectio, amicitia, caritas). Khuôn khổ bài này chỉ cho phép ghi vài nhận xét vắn tắt đề dẫn vào đề tài tình bạn. Nên biết là trong bộ ST, tình yêu (amor) được đề cập ở các quaestiones 26-28 của Prima Secundae, như là một loại passio (cảm xúc), đối lại với ghét (odium).
Thật là thú vị khi thánh Tôma nhận xẻt rằng tình yêu hiện diện nơi tất cả mọi loài thụ tạo, được gọi là “tình yêu tự nhiên”, hay nói đúng hơn, “ham muốn tự nhiên” (appetitus naturalis), nghĩa là hướng tới mục đích mà Đấng Tạo hóa dựng nên (ST I-II, q.26, a.2). Thực ra, đó chỉ là “ham muốn” chứ chưa đáng gọi là “tình yêu”. Tình yêu giả thiết hành động của lý trí (appetitus intellectivus, tức là voluntas). Căn nguyên của tình yêu là một điều tốt (thiện). Chủ thể bị thu hút bởi điều thiện cho nên ham thích nó.
Tình yêu cũng có nhiều loại. Một sự phân biệt khá quen thuộc là “yêu thương” (amor concupiscentiae) và “yêu quý” (amor benevolentiae) (x. ST I-II, q.26, a.4). Yêu thương (hoặc yêu thích) là yêu một đối tượng vì thấy nó tốt đối với mình và muốn chiếm hữu. Yêu quý (hoặc quy mến) là yêu cái gì tốt vì nó, và muốn cái tốt cho người mình yêu (amare est velle alicui bonum). Tình yêu này cũng là tình bạn (amor amicitiae).
Tình bạn là một thứ tình yêu, nhưng không phải bất cứ tình yêu nào cũng là tình bạn. Trong tiếng Hy-lạp, tình bạn được gọi là philia. Tình bạn là một yêu sách của cuộc sống: con người ta không thể nào sống mà không có tình bạn. Tình bạn gắn liền với bản tính xã hội của con người: con người cần đến các tương quan trong cuộc sống. Con người là một animal rationale và đồng thời cũng là animal sociale. Ở đây, chúng tôi không muốn lặp lại những trang ca ngợi tình bạn trong văn chương nhân loại (và trong Kinh thánh), mà chỉ dừng lại ở vài khái niệm cơ bản cũng như những phân loại chính.
Như vừa nói, tình bạn là một loại tình yêu, nhưng không phải tình yêu nào cũng là tình bạn. Tình bạn bao gồm ba đặc tính cơ bản là: ý thức, hỗ tương, chia sẻ.
1/ Điều kiện thứ nhất là ý thức, có nghĩa là tôi nhận ra một điều tốt và yêu nó. Như đã nói trên, tôi có thể yêu điều tốt nơi tha nhân vì người ấy (vị tha) hay vì tôi (vị kỷ, muốn chiếm đoạt cho mình). Tình yêu vị tha mới thực là tình bạn đúng nghĩa.
2/ Điều kiện thứ hai là sự hỗ tương, nghĩa là có trao đổi giữa hai chủ thể. Vì thế, không thể nói đến tình bạn đối với loài vô tri giác. Tôi thích rượu, thuốc lá, cho đến nỗi đâm nghiện, và không thể sống mà không có chúng! Thế nhưng, không thể nói là tôi làm bạn với chúng, bởi vì chúng không thể “đáp trả” tình yêu mà tôi dành cho chúng.
3/ Điều kiện thứ ba là giữa đôi bên có một sự chia sẻ nào đó, chẳng hạn như những điều thiện (ST II-II, q.26, a.2), sự chung sống (II-II, q.75, a.3), nhân đức (II-II, q.106, a.1 ad 3).
Tình bạn là một đòi hỏi của bản tính con người, và là nền tảng của đời sống xã hội. Thế nhưng ai cũng biết là có nhiều loại và cấp độ tương quan, xét dưới cái nhìn tâm lý cũng như dưới cái nhìn luân lý. Từ đó, chúng ta có nhiều hạng cũng như nhiều cấp độ tình bạn khác nhau.
1/ Ba cấp độ tình bạn theo Aristote
Dựa trên nền tảng cấu thành, Aristote đã phân biệt ba loại tình bạn, được phân tích dưới góc độ tâm lý cũng như luân lý: đức hạnh (honesta), lợi ích (utilis), lạc thú (delectabilis).
a) Tình bạn cao quý được xây dựng trên đức hạnh (nhân đức). Người ta kết nghĩa với nhau vì quý trọng đức độ của nhau. Đây là tình bạn trọn hảo nhất, mặc dù phải thú nhận là rất hiếm.
b) Loại thứ hai dựa trên ích lợi: ta quý bạn không vì chính người bạn, nhưng vì tiện ích gì đó mà họ mang lại cho ta.
c) Loại thứ ba dựa trên lạc thú mà ta nhận thấy nơi người bạn.
Loại thứ nhất được Aristote đánh giá là trọn hảo. Hai loại sau được coi là bất toàn, không chỉ về mặt đạo đức mà cá về mặt tâm lý nữa. Những thứ tình nghĩa dựa trên lợi ích hay khoái lạc sẽ chóng tan khi nền tảng không còn nữa. Dĩ nhiên, đó là nói trên nguyên tắc. Trên thực tế, cả ba loại vẫn trà trộn với nhau, chứ khó tách rời loại thứ nhất khỏi hai thứ kia.
2/ Những bình diện tình bạn
Tình bạn là yếu tố xây dựng xã hội, nghĩa là sự sống chung với nhau. Nhưng ta có thể nói đến bốn bình diện của xã hội: gia đình, nghề nghiệp, quốc gia, Giáo hội. Từ đó thánh Tôma phân biệt bốn thứ tình bạn:
a) Tình bạn huyết nhục, giữa cha mẹ con cái và bà con họ hàng.
b) Tình bạn lao động, giữa những người cùng tham gia hoạt động sản xuất.
c) Tình bạn giữa các công dân, vì cùng tham gia vào hoạt động chính trị.
d) Tình bạn giữa các Kitô hữu, dựa trên sự thông hiệp thần linh, nhờ đó họ trở nên phần tử Hội thánh (III Sent., d. 29, q. 1, a. 6). Điều này đưa đến tình bạn của đức mến, khiến ta yêu thương cả thù địch.
Những kiểu nói này xem ra hơi lạ tai đối với chúng ta, bởi vì chúng ta thường giới hạn tình bạn vào một ít người quen biết. Lối nhìn của thánh Toma đặt nền tảng cho một luân lý xã hội. Xã hội được xây dựng và tồn tại dựa trên việc tìm kiếm điều thiện chung (bonum commune: tiếng Việt dịch là “ích chung” thì chưa sát, bởi vì điều hữu ích chưa hẳn là điều tốt, và ngược lại), cổ vũ tình liên đới và tôn trọng lẫn nhau. Điều này dẫn chúng ta vào lãnh vực luân lý đạo đức. Dù sao, như chúng ta đã biết, sự vận hành đạo đức của xã hội đòi hỏi không những tình yêu mà còn công bình nữa. Sự phân biệt giữa tình yêu và công bình thường được ví như sau: tình yêu coi tha nhân như chính mình (mình với ta tuy hai mà một); công bình đối xử với tha nhân như là người khác.
Đến đây, ta nên ghi nhận “tình bạn” là một thuật ngữ “loại suy” chứ không phải là “độc nghĩa” đâu! Lối phân chia thứ nhất được hiểu về tình bạn nghĩa thiết (amicitia particularis); lối phân chia thứ hai có thể gọi là tình bạn xã hội (amicitia socialis, politica).
Như vừa nói, trong ba loại tình bạn, Aristote đánh giá loại thứ nhất, vì dựa trên đức hạnh. Từ đó, chúng ta có thể rút ra một hệ luận: không phải tình bạn nào cũng là nhân đức, nhưng tình bạn dựa trên nhân đức mới là tình bạn đích thực, hay nói khác đí, cần vun trồng “nhân đức tình bạn” (virtus amicitiae). Nhân đức này đòi hỏi đôi bên phải yêu nhau, hợp tác với nhau, chia sẻ với nhau. Những hành vi của nhân đức này có thể tóm lại trong ba điều: đồng tâm (concordia), mong muốn điều tốt cho nhau (benevolentia), hợp tác với nhau (beneficia). Nên biết là sự đồng tâm được hiểu về “nhất chí” (hợp nhất về ý muốn: idem velle vel nolle) hơn là “nhất trí”, theo nghĩa là đồng ý kiến, bởi vì giữa bạn bè với nhau vẫn có thể có khác biệt ý kiến, nhưng điều quan trọng là không mất hòa khí (ST II-II, q. 28, a. 3, ad 2; q. 37, a. 1, c.). Thánh Tôma dùng những suy tư của Aristote về tình bạn tự nhiên và áp dụng cho tình mến, nghĩa là tình yêu xây dựng trên đức mến, như sẽ thấy dưới đây (x. ST II-II, q. 25, a. 7, c.; q. 27, a. 2, ad 3; q. 31, a.1,c.).
Như chúng ta đã biết, caritas tiếng Latinh được dùng để chuyển ngữ từ agape tiếng Hy-lạp. Đây là một từ ngữ độc đáo của Tân ước (bởi vì không có trong văn chương Hy-lạp cổ thời). Điều độc đáo của agape nằm ở chỗ là thánh Gioan sử dụng để định nghĩa bản tính Thiên Chúa: “Thiên Chúa là agape” (1 Ga 4, 8.16). Như vừa nói, agape được chuyển sang tiếng Latinh là caritas (và các ngôn ngữ Âu châu khác: charité, charity), nhưng theo dòng thời gian, ý nghĩa đã bị thu hẹp vào các lòng bác ái dành cho tha nhân, chứ không áp dụng cho Thiên Chúa. Việc chuyển dịch sang tiếng Việt cũng rắc rối không kém. Caritas được dịch là “đức mến” (đức ái, lòng mến) nếu là nhân đức, “bác ái” nếu là hoạt động, và “tinh yêu, tình thương” khi áp dụng cho Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta để ý đến nhân đức, được bàn trong ST II-II, q.23-46.
Điều muốn nêu bật ở đây là thánh Tôma đã dùng phạm trù “tình bạn” để định nghĩa caritas. Tuy nhiên, hai danh từ không hoàn toàn đồng nghĩa: một đàng, không phải mọi tình bạn đều là caritas; đàng khác, caritas vượt hơn tình bạn tự nhiên. Chúng ta hãy phân tích các mệnh đề ấy.
1/ Caritas là một thứ tình bạn
Mở đầu khảo luận về đức mến, thánh Tôma định nghĩa đức mến như là một thứ tình bạn của con người với Thiên Chúa (caritas amicitia quaedam est hominis ad Deum: ST II-II, q.23, a.1). Khi bàn về điểm này, một đàng Toma dựa trên Tân ước (x. Ga 15,15), một đàng dựa trên khái niệm của Aristote về tình bạn. Thực vậy, để tình yêu trở thành tình bạn, cần có bốn yếu tố, và tất cả đều hội đủ trong caritas.
a) tình yêu (amor), xét vì là sức mạnh thúc đẩy ý chí kết hiệp với điều thiện;
b) tình yêu vị tha (amor benevolentiae) bởi vì là yêu điều thiện nơi tha nhân vì chính họ chứ không phải là yêu vì mình;
c) tình yêu hỗ tương (mutua amatio), bởi vì đưa hai người yêu bước ra khỏi mình để đến với nhau;
d) tình yêu được xây dựng trên một nền tảng chung mà đôi bên chia sẻ cho nhau (communicatio).
2/ Tuy nhiên, caritas vượt lên trên tình bạn tự nhiên.
Lý do là vì caritas bắt nguồn từ Thiên Chúa. Không phải là chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài yêu mến chúng ta trước (x.1Ga 4,7-11). Giữa con người với Thiên Chúa có một khoảng cách ngàn trùng. Chúng ta chỉ là thụ tạo chứ đâu có ngang hàng với Thiên Chúa. May thay, chính Ngài đã hạ mình xuống đế nâng chúng ta lên. Nói cách khác, caritas mang tính cách siêu nhiên xét về nguồn gốc cũng như về động lực. Caritas do Thánh Linh đổ xuống tâm hồn chúng ta (Rm 5,5), và mở rộng nó đến chân trời bao la của tình yêu Thiên Chúa. Không lạ gì mà caritas cũng mở rộng đối tượng tình bạn
Khi bàn đến đối tượng của caritas ở quaestio 25, Thánh Toma đã liệt kê một danh sách khá dài. Sau khi thiết lập nguyên tắc là ta phải “yêu mến Thiên Chúa và những kẻ Chúa yêu”, thánh nhân kể ra vài thí dụ: yêu các thụ tạo vô trí giác, yêu bản thân, yêu các tội nhân, yêu kẻ thù, yêu các thiên thần và các thánh trên trời. Cũng cần thêm rằng trong quaestio 26 liền đó, tác giả cũng đã thiết lập một hệ trật giữa những người yêu.
Đến đây, ta có thể thấy sự khác biệt giữa tình bạn theo cái nhìn của Aristote và theo Tân ước. Aristote cho rằng tình bạn dựa trên nhân đức thì chỉ bao gồm một ít người thôi, và không thể nào yêu kẻ thù được. Quan điểm Tân ước thì ngược lại, bởi vì nhìn tất cả trong viễn ảnh của Thiên Chúa. Tình bạn, hiểu như tình mến, giúp cho con người đạt đến mục đích tối hậu của cuộc đời, đó là sự kết hợp với Thiên Chúa, hạnh phúc chân thật của nhân sinh.
Xin đưa ra hai nhận xét, đi từ lý thuyết sang thực hành. Nhận xét thứ nhất liên quan đến bản thân thánh Tôma, nhận xét thứ hai liên quan đến chúng ta.
1/ Thánh Tôma có bạn không?
Chúng ta không bàn đến những người bạn “trong Chúa” (đặc biệt là các anh em cùng Dòng), nhưng là những người bạn theo nghĩa thông thường. Câu trả lời là có. Trong số những người bạn đặc biệt phải kể đến thầy Albertô Cả, nổi tiếng với khẩu hiệu sống là “In dulcedine societatis, quaere veritatem” (in VIII Politicorum). Một người bạn rất thân của Tôma là anh Reginaldo Piperno (hay Priverno), từ năm 1259 được cử làm socius, kẻ đồng hành (hiểu cả về nghĩa đen), cho đến khi qua đời. Tôma đã viết tặng anh tác phẩm Compendium theologiae.
2/ Hãy là người bạn tốt
Ai tìm được người bạn tốt là tìm được kho tàng quý hơn vàng bạc (x. Hc 6,16-17). Nhưng tìm đâu ra người bạn tốt? Làm thế nào kiếm được người bạn tốt? Câu hỏi này khó trả lời, và chỉ biết cầu xin Chúa ban cho ta một người bạn tốt. Tuy nhiên, thánh Tôma cũng khuyên ta hãy lật ngược câu hỏi. Thay vì vạch ra thủ thuật tìm người bạn tốt, chúng ta hãy đành gắng trở thành một người bạn tốt đối với người khác. Về điểm này, chúng ta có thể gặp thấy một lời chỉ dẫn quý báu ở đoạn văn 1Cr 13,4-7 (được đặt tên là bài ca agape, tức là bí quyết sống tình bạn): “Agape thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Agape tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.
Ta có thể xem đó như là những đặc điểm của tình bạn; nhưng ta cũng có thể coi đó là những điều kiện để phát triển tình bạn. Nói cách khác, sự phát triển “nhân đức tình bạn” đòi hỏi phải vun trồng nhiều nhân đức khác nữa, tựa như: thành thực, đơn sơ, khiêm tốn, vv.
【Phan Tấn Thành】
Thư mục
Thư mục về đề tài tình bạn theo thánh Tôma rất dồi dào, có thể tìm trong: Daniel Schwartz, Aquinas on Friendship, Clarendon Press, Oxford 2007, 208 pages, tải từ địa chỉ: https://isidore.co/CalibreLibrary/Schwartz,%20Daniel/Aquinas%20on%20Friendship%20(5592)/Aquinas%20on%20Friendship%20-%20Schwartz,%20Daniel.pdf
Thỉnh thoảng trong các buổi nói chuyện hoặc trong các sách báo, một câu hỏi được đặt lên như thế này: “Có nên đề cập đến tình bạn trong đời tu không?” Lập tức nhiều bàn tay giơ lên xin phát biểu và phản đối: Không được, tình bạn đi ngược với tình huynh đệ cộng đoàn! Tình yêu phải mở rộng cho tất cả mọi người, chứ không được phép giới hạn vào một vài người hợp tính khí với mình! Tình bạn có thể là chiêu bài để che giấu khuynh hướng “đồng tính”; tình bạn cũng có thể là chiêu bài để kết bè với nhau, gây ra các phe phái trong cộng đoàn! Mặt khác, không ai chối được rằng không phải lúc nào mình cũng có thể bộc lộ tâm sự với tất cả mọi người trong cộng đoàn, mà chỉ có thể chia sẻ với người tín cẩn. Liệu chúng ta có thể tìm được người ấy trong cộng đoàn hay không? Phải chăng cộng đoàn chỉ là một nhóm những con người cô đơn sống cạnh nhau, vì thế đôi khi chúng ta buộc lòng phải đi tìm người nào khác ở bên ngoài để tâm sự?
Thực ra, như thường xảy ra trong các cuộc tranh luận, một nguyên nhân gây ra sự bất đồng ý kiến nằm ở chỗ “ông nói gà bà nói vịt”. Phải hiểu tình bạn như thế nào? Đó là một danh từ “độc nghĩa” (univocum), hay “loại suy” (analogicum), hay “dị nghĩa” (equivocum)? Nhân dịp kỷ niệm 750 năm tuyên thánh cho anh Tôma Aquinô, chúng ta hãy nhờ anh lý giải giùm. Điều độc đáo của anh là dám dùng tình bạn để định nghĩa đức mến (caritas amicitia quaedam est hominis ad Deum: ST II-II, q.23, a.1). Tuy nhiên, như thói quen, trước khi đi đến kết luận, anh đã sử dụng cái mẹo “phân biệt” (distinguo) nhiều góc cạnh khác nhau của vấn đề. Cụ thể, trước khi đi vào định nghĩa đức mến, anh đã phân biệt ba ý niệm “tình yêu” (amor), “tình bạn” (amicitia), “tình mến” (caritas). Anh không rành tiếng Hy-lạp, cho nên không quen với lối phân biệt khá thời nay giữa “eros, philia, agape”, nhưng anh đã nắm bắt được khái niệm khi đọc truyền thống triết học (đặc biệt của Aristote), truyền thống giáo phụ và đan tu (chẳng hạn như Augustino, Aelred de Rielvaux), và nhất là Tân ước. Đạo lý cua anh về tình bạn cho thấy sự hòa hợp tuyệt vời giữa lý trí và đức tin: Tôma sử dụng các dữ liệu suy tư do Aristote cung cấp, nhưng đồng thời cũng lấy Tin mừng để mở rộng chân trời cho ông. Chúng ta hãy theo dõi cuộc đối thoại thú vị này, qua việc khảo sát ba khái niệm: Amor, Amicitia, Caritas. Có một sợi chỉ nối kết ba khái niệm ấy, nhưng chúng không phải là ba từ đồng nghĩa; ngoài ra, mỗi từ ngữ còn bao hàm nhiều phân loại khác nhau. Đó là ba mục của bài viết, và chúng ta sẽ rút vài kết luận thực tiễn. Tư tưởng của anh Tôma được trình bày trong các quyển chú giải Đạo đức học gửi Nicomaco của Aristote (quyển VIII và IX), chú giải Sententiae của Lombardus (III Sent., d.27, q.2), và nhất là trong Summa Theologiae (viết tắt: ST)
I. Amor
Chúng ta không thể dừng lại ở đề tài này vì nó rất bao la. Động từ amare có thể dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ ngữ khác nhau: yêu, thương, mến, thích, từ đó danh từ amor có thể dịch là tình yêu, tình thương, tình nghĩa, lòng mến, vv. Thực ra, ngay trong tiếng Latinh, thánh Tôma cũng phân biệt nhiều cấp độ amor (appetitus, desiderium, dilectio, amicitia, caritas). Khuôn khổ bài này chỉ cho phép ghi vài nhận xét vắn tắt đề dẫn vào đề tài tình bạn. Nên biết là trong bộ ST, tình yêu (amor) được đề cập ở các quaestiones 26-28 của Prima Secundae, như là một loại passio (cảm xúc), đối lại với ghét (odium).
Thật là thú vị khi thánh Tôma nhận xẻt rằng tình yêu hiện diện nơi tất cả mọi loài thụ tạo, được gọi là “tình yêu tự nhiên”, hay nói đúng hơn, “ham muốn tự nhiên” (appetitus naturalis), nghĩa là hướng tới mục đích mà Đấng Tạo hóa dựng nên (ST I-II, q.26, a.2). Thực ra, đó chỉ là “ham muốn” chứ chưa đáng gọi là “tình yêu”. Tình yêu giả thiết hành động của lý trí (appetitus intellectivus, tức là voluntas). Căn nguyên của tình yêu là một điều tốt (thiện). Chủ thể bị thu hút bởi điều thiện cho nên ham thích nó.
Tình yêu cũng có nhiều loại. Một sự phân biệt khá quen thuộc là “yêu thương” (amor concupiscentiae) và “yêu quý” (amor benevolentiae) (x. ST I-II, q.26, a.4). Yêu thương (hoặc yêu thích) là yêu một đối tượng vì thấy nó tốt đối với mình và muốn chiếm hữu. Yêu quý (hoặc quy mến) là yêu cái gì tốt vì nó, và muốn cái tốt cho người mình yêu (amare est velle alicui bonum). Tình yêu này cũng là tình bạn (amor amicitiae).
II. Amicitia
Tình bạn là một thứ tình yêu, nhưng không phải bất cứ tình yêu nào cũng là tình bạn. Trong tiếng Hy-lạp, tình bạn được gọi là philia. Tình bạn là một yêu sách của cuộc sống: con người ta không thể nào sống mà không có tình bạn. Tình bạn gắn liền với bản tính xã hội của con người: con người cần đến các tương quan trong cuộc sống. Con người là một animal rationale và đồng thời cũng là animal sociale. Ở đây, chúng tôi không muốn lặp lại những trang ca ngợi tình bạn trong văn chương nhân loại (và trong Kinh thánh), mà chỉ dừng lại ở vài khái niệm cơ bản cũng như những phân loại chính.
A. Khái niệm cơ bản
Như vừa nói, tình bạn là một loại tình yêu, nhưng không phải tình yêu nào cũng là tình bạn. Tình bạn bao gồm ba đặc tính cơ bản là: ý thức, hỗ tương, chia sẻ.
1/ Điều kiện thứ nhất là ý thức, có nghĩa là tôi nhận ra một điều tốt và yêu nó. Như đã nói trên, tôi có thể yêu điều tốt nơi tha nhân vì người ấy (vị tha) hay vì tôi (vị kỷ, muốn chiếm đoạt cho mình). Tình yêu vị tha mới thực là tình bạn đúng nghĩa.
2/ Điều kiện thứ hai là sự hỗ tương, nghĩa là có trao đổi giữa hai chủ thể. Vì thế, không thể nói đến tình bạn đối với loài vô tri giác. Tôi thích rượu, thuốc lá, cho đến nỗi đâm nghiện, và không thể sống mà không có chúng! Thế nhưng, không thể nói là tôi làm bạn với chúng, bởi vì chúng không thể “đáp trả” tình yêu mà tôi dành cho chúng.
3/ Điều kiện thứ ba là giữa đôi bên có một sự chia sẻ nào đó, chẳng hạn như những điều thiện (ST II-II, q.26, a.2), sự chung sống (II-II, q.75, a.3), nhân đức (II-II, q.106, a.1 ad 3).
B. Phân loại
Tình bạn là một đòi hỏi của bản tính con người, và là nền tảng của đời sống xã hội. Thế nhưng ai cũng biết là có nhiều loại và cấp độ tương quan, xét dưới cái nhìn tâm lý cũng như dưới cái nhìn luân lý. Từ đó, chúng ta có nhiều hạng cũng như nhiều cấp độ tình bạn khác nhau.
1/ Ba cấp độ tình bạn theo Aristote
Dựa trên nền tảng cấu thành, Aristote đã phân biệt ba loại tình bạn, được phân tích dưới góc độ tâm lý cũng như luân lý: đức hạnh (honesta), lợi ích (utilis), lạc thú (delectabilis).
a) Tình bạn cao quý được xây dựng trên đức hạnh (nhân đức). Người ta kết nghĩa với nhau vì quý trọng đức độ của nhau. Đây là tình bạn trọn hảo nhất, mặc dù phải thú nhận là rất hiếm.
b) Loại thứ hai dựa trên ích lợi: ta quý bạn không vì chính người bạn, nhưng vì tiện ích gì đó mà họ mang lại cho ta.
c) Loại thứ ba dựa trên lạc thú mà ta nhận thấy nơi người bạn.
Loại thứ nhất được Aristote đánh giá là trọn hảo. Hai loại sau được coi là bất toàn, không chỉ về mặt đạo đức mà cá về mặt tâm lý nữa. Những thứ tình nghĩa dựa trên lợi ích hay khoái lạc sẽ chóng tan khi nền tảng không còn nữa. Dĩ nhiên, đó là nói trên nguyên tắc. Trên thực tế, cả ba loại vẫn trà trộn với nhau, chứ khó tách rời loại thứ nhất khỏi hai thứ kia.
2/ Những bình diện tình bạn
Tình bạn là yếu tố xây dựng xã hội, nghĩa là sự sống chung với nhau. Nhưng ta có thể nói đến bốn bình diện của xã hội: gia đình, nghề nghiệp, quốc gia, Giáo hội. Từ đó thánh Tôma phân biệt bốn thứ tình bạn:
a) Tình bạn huyết nhục, giữa cha mẹ con cái và bà con họ hàng.
b) Tình bạn lao động, giữa những người cùng tham gia hoạt động sản xuất.
c) Tình bạn giữa các công dân, vì cùng tham gia vào hoạt động chính trị.
d) Tình bạn giữa các Kitô hữu, dựa trên sự thông hiệp thần linh, nhờ đó họ trở nên phần tử Hội thánh (III Sent., d. 29, q. 1, a. 6). Điều này đưa đến tình bạn của đức mến, khiến ta yêu thương cả thù địch.
Những kiểu nói này xem ra hơi lạ tai đối với chúng ta, bởi vì chúng ta thường giới hạn tình bạn vào một ít người quen biết. Lối nhìn của thánh Toma đặt nền tảng cho một luân lý xã hội. Xã hội được xây dựng và tồn tại dựa trên việc tìm kiếm điều thiện chung (bonum commune: tiếng Việt dịch là “ích chung” thì chưa sát, bởi vì điều hữu ích chưa hẳn là điều tốt, và ngược lại), cổ vũ tình liên đới và tôn trọng lẫn nhau. Điều này dẫn chúng ta vào lãnh vực luân lý đạo đức. Dù sao, như chúng ta đã biết, sự vận hành đạo đức của xã hội đòi hỏi không những tình yêu mà còn công bình nữa. Sự phân biệt giữa tình yêu và công bình thường được ví như sau: tình yêu coi tha nhân như chính mình (mình với ta tuy hai mà một); công bình đối xử với tha nhân như là người khác.
Đến đây, ta nên ghi nhận “tình bạn” là một thuật ngữ “loại suy” chứ không phải là “độc nghĩa” đâu! Lối phân chia thứ nhất được hiểu về tình bạn nghĩa thiết (amicitia particularis); lối phân chia thứ hai có thể gọi là tình bạn xã hội (amicitia socialis, politica).
C. Nhân đức tình bạn
Như vừa nói, trong ba loại tình bạn, Aristote đánh giá loại thứ nhất, vì dựa trên đức hạnh. Từ đó, chúng ta có thể rút ra một hệ luận: không phải tình bạn nào cũng là nhân đức, nhưng tình bạn dựa trên nhân đức mới là tình bạn đích thực, hay nói khác đí, cần vun trồng “nhân đức tình bạn” (virtus amicitiae). Nhân đức này đòi hỏi đôi bên phải yêu nhau, hợp tác với nhau, chia sẻ với nhau. Những hành vi của nhân đức này có thể tóm lại trong ba điều: đồng tâm (concordia), mong muốn điều tốt cho nhau (benevolentia), hợp tác với nhau (beneficia). Nên biết là sự đồng tâm được hiểu về “nhất chí” (hợp nhất về ý muốn: idem velle vel nolle) hơn là “nhất trí”, theo nghĩa là đồng ý kiến, bởi vì giữa bạn bè với nhau vẫn có thể có khác biệt ý kiến, nhưng điều quan trọng là không mất hòa khí (ST II-II, q. 28, a. 3, ad 2; q. 37, a. 1, c.). Thánh Tôma dùng những suy tư của Aristote về tình bạn tự nhiên và áp dụng cho tình mến, nghĩa là tình yêu xây dựng trên đức mến, như sẽ thấy dưới đây (x. ST II-II, q. 25, a. 7, c.; q. 27, a. 2, ad 3; q. 31, a.1,c.).
III. Caritas
Như chúng ta đã biết, caritas tiếng Latinh được dùng để chuyển ngữ từ agape tiếng Hy-lạp. Đây là một từ ngữ độc đáo của Tân ước (bởi vì không có trong văn chương Hy-lạp cổ thời). Điều độc đáo của agape nằm ở chỗ là thánh Gioan sử dụng để định nghĩa bản tính Thiên Chúa: “Thiên Chúa là agape” (1 Ga 4, 8.16). Như vừa nói, agape được chuyển sang tiếng Latinh là caritas (và các ngôn ngữ Âu châu khác: charité, charity), nhưng theo dòng thời gian, ý nghĩa đã bị thu hẹp vào các lòng bác ái dành cho tha nhân, chứ không áp dụng cho Thiên Chúa. Việc chuyển dịch sang tiếng Việt cũng rắc rối không kém. Caritas được dịch là “đức mến” (đức ái, lòng mến) nếu là nhân đức, “bác ái” nếu là hoạt động, và “tinh yêu, tình thương” khi áp dụng cho Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta để ý đến nhân đức, được bàn trong ST II-II, q.23-46.
Điều muốn nêu bật ở đây là thánh Tôma đã dùng phạm trù “tình bạn” để định nghĩa caritas. Tuy nhiên, hai danh từ không hoàn toàn đồng nghĩa: một đàng, không phải mọi tình bạn đều là caritas; đàng khác, caritas vượt hơn tình bạn tự nhiên. Chúng ta hãy phân tích các mệnh đề ấy.
1/ Caritas là một thứ tình bạn
Mở đầu khảo luận về đức mến, thánh Tôma định nghĩa đức mến như là một thứ tình bạn của con người với Thiên Chúa (caritas amicitia quaedam est hominis ad Deum: ST II-II, q.23, a.1). Khi bàn về điểm này, một đàng Toma dựa trên Tân ước (x. Ga 15,15), một đàng dựa trên khái niệm của Aristote về tình bạn. Thực vậy, để tình yêu trở thành tình bạn, cần có bốn yếu tố, và tất cả đều hội đủ trong caritas.
a) tình yêu (amor), xét vì là sức mạnh thúc đẩy ý chí kết hiệp với điều thiện;
b) tình yêu vị tha (amor benevolentiae) bởi vì là yêu điều thiện nơi tha nhân vì chính họ chứ không phải là yêu vì mình;
c) tình yêu hỗ tương (mutua amatio), bởi vì đưa hai người yêu bước ra khỏi mình để đến với nhau;
d) tình yêu được xây dựng trên một nền tảng chung mà đôi bên chia sẻ cho nhau (communicatio).
2/ Tuy nhiên, caritas vượt lên trên tình bạn tự nhiên.
Lý do là vì caritas bắt nguồn từ Thiên Chúa. Không phải là chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài yêu mến chúng ta trước (x.1Ga 4,7-11). Giữa con người với Thiên Chúa có một khoảng cách ngàn trùng. Chúng ta chỉ là thụ tạo chứ đâu có ngang hàng với Thiên Chúa. May thay, chính Ngài đã hạ mình xuống đế nâng chúng ta lên. Nói cách khác, caritas mang tính cách siêu nhiên xét về nguồn gốc cũng như về động lực. Caritas do Thánh Linh đổ xuống tâm hồn chúng ta (Rm 5,5), và mở rộng nó đến chân trời bao la của tình yêu Thiên Chúa. Không lạ gì mà caritas cũng mở rộng đối tượng tình bạn
Khi bàn đến đối tượng của caritas ở quaestio 25, Thánh Toma đã liệt kê một danh sách khá dài. Sau khi thiết lập nguyên tắc là ta phải “yêu mến Thiên Chúa và những kẻ Chúa yêu”, thánh nhân kể ra vài thí dụ: yêu các thụ tạo vô trí giác, yêu bản thân, yêu các tội nhân, yêu kẻ thù, yêu các thiên thần và các thánh trên trời. Cũng cần thêm rằng trong quaestio 26 liền đó, tác giả cũng đã thiết lập một hệ trật giữa những người yêu.
Đến đây, ta có thể thấy sự khác biệt giữa tình bạn theo cái nhìn của Aristote và theo Tân ước. Aristote cho rằng tình bạn dựa trên nhân đức thì chỉ bao gồm một ít người thôi, và không thể nào yêu kẻ thù được. Quan điểm Tân ước thì ngược lại, bởi vì nhìn tất cả trong viễn ảnh của Thiên Chúa. Tình bạn, hiểu như tình mến, giúp cho con người đạt đến mục đích tối hậu của cuộc đời, đó là sự kết hợp với Thiên Chúa, hạnh phúc chân thật của nhân sinh.
Kết luận
Xin đưa ra hai nhận xét, đi từ lý thuyết sang thực hành. Nhận xét thứ nhất liên quan đến bản thân thánh Tôma, nhận xét thứ hai liên quan đến chúng ta.
1/ Thánh Tôma có bạn không?
Chúng ta không bàn đến những người bạn “trong Chúa” (đặc biệt là các anh em cùng Dòng), nhưng là những người bạn theo nghĩa thông thường. Câu trả lời là có. Trong số những người bạn đặc biệt phải kể đến thầy Albertô Cả, nổi tiếng với khẩu hiệu sống là “In dulcedine societatis, quaere veritatem” (in VIII Politicorum). Một người bạn rất thân của Tôma là anh Reginaldo Piperno (hay Priverno), từ năm 1259 được cử làm socius, kẻ đồng hành (hiểu cả về nghĩa đen), cho đến khi qua đời. Tôma đã viết tặng anh tác phẩm Compendium theologiae.
2/ Hãy là người bạn tốt
Ai tìm được người bạn tốt là tìm được kho tàng quý hơn vàng bạc (x. Hc 6,16-17). Nhưng tìm đâu ra người bạn tốt? Làm thế nào kiếm được người bạn tốt? Câu hỏi này khó trả lời, và chỉ biết cầu xin Chúa ban cho ta một người bạn tốt. Tuy nhiên, thánh Tôma cũng khuyên ta hãy lật ngược câu hỏi. Thay vì vạch ra thủ thuật tìm người bạn tốt, chúng ta hãy đành gắng trở thành một người bạn tốt đối với người khác. Về điểm này, chúng ta có thể gặp thấy một lời chỉ dẫn quý báu ở đoạn văn 1Cr 13,4-7 (được đặt tên là bài ca agape, tức là bí quyết sống tình bạn): “Agape thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Agape tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.
Ta có thể xem đó như là những đặc điểm của tình bạn; nhưng ta cũng có thể coi đó là những điều kiện để phát triển tình bạn. Nói cách khác, sự phát triển “nhân đức tình bạn” đòi hỏi phải vun trồng nhiều nhân đức khác nữa, tựa như: thành thực, đơn sơ, khiêm tốn, vv.
【Phan Tấn Thành】
Thư mục
Thư mục về đề tài tình bạn theo thánh Tôma rất dồi dào, có thể tìm trong: Daniel Schwartz, Aquinas on Friendship, Clarendon Press, Oxford 2007, 208 pages, tải từ địa chỉ: https://isidore.co/CalibreLibrary/Schwartz,%20Daniel/Aquinas%20on%20Friendship%20(5592)/Aquinas%20on%20Friendship%20-%20Schwartz,%20Daniel.pdf