Quản trị: Vấn đề giáo sĩ trị
Tỉnh Hội 2023: “Hiệp thông Đa Minh: thăng tiến đời sống huynh đệ cộng đoàn”
Quản trị: vấn đề giáo sĩ trị
Công Vụ Tỉnh Hội 2019, số 123 đã đưa ra một lời nhắc nhở rằng “…chúng tôi nhắc nhở anh em về những xung khắc được kể sau đây có thể bào mòn đời sống huynh đệ,” đó là “kiểu sống ‘giáo sĩ trị’ (clericalism): Anh em linh mục tự coi mình như một giai cấp ưu tuyển hơn các anh em không linh mục.” Tỉnh hội 2019 đã trích lại vấn đề này từ Tổng Hội Biên Hoà số 91. Tuy nhiên, bản văn Tổng Hội Biên Hoà không chỉ giới hạn với anh em “không linh mục” mà còn mở rộng ra toàn thể gia đình Đa Minh. Thật vậy, vấn đề giáo sĩ trị là một vấn nạn nguy hiểm đang tồn tại trong Giáo hội nói chung và trong Dòng của chúng ta nói riêng. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi lối sống hay chủ nghĩa giáo sĩ trị là căn bệnh nguy hiểm cho thân thể của Đức Kitô.[1] Vào tháng Tư năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các linh mục trở nên những người phục vụ, và trong tháng Sáu, tại một buổi diễn văn khác, ngài nhắc đến lối sống giáo sĩ trị đang “huỷ hoại thiên chức linh mục.”[2] Vậy chủ nghĩa hay lối sống giáo sĩ trị là gì? Nó nguy hại như thế nào với thiên chức linh mục? Đâu là đường hướng canh tân? Bài viết này cố gắng trả lời cho những câu hỏi đó dưới ba đề mục chính: lối sống giáo sĩ trị, những hiểm hoạ, và hướng đến sự canh tân.
Lối sống giáo sĩ trị
Lối sống giáo sĩ trị thực sự là gì? Lối sống hay chủ nghĩa giáo sĩ trị là một cơ chế quyền lực vốn tách hẳn hàng giáo sĩ ra khỏi thành phần Dân Chúa và đề cao họ trên hết mọi thành phần, ban cho họ quyền lực, sự tin tưởng, các quyền lợi, và trách nhiệm quá mức đang khi hạn chế vai trò của những người không có chức thánh.[3] Khi bước vào cơ chế quyền lực này, một bầu khí tiềm ẩn đã tạo cho các ứng sinh linh mục một tâm thức ưu tuyển, tức là, mình ở trên tất cả mọi người khác trong cộng đoàn Dân Chúa. Lời của họ không được chất vấn. Hành vi của họ không được đặt vấn đề. Lối sống của họ không được quyền đụng vào.[4]
Lối sống giáo sĩ trị là thứ “văn hoá” mà người tín hữu Công giáo gặp phải khi họ thường không được nghe và hiểu rõ những làn sóng khủng hoảng về việc lạm dụng tình dục vốn bị che đậy vào năm 2002.[5] Lối sống này thường được xét như là yếu tố chính gây ra những vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội.[6] Ở đây người viết xin nói thêm một chút. Ở tại nước Mỹ, có ba làn sóng về cuộc lạm dụng tình dục: Làn sóng thứ nhất xảy ra vào năm 1985 khi những câu chuyện về lạm dụng đã bắt đầu được đăng tải trên tạp trí National Catholic Reporter. Làn sóng thứ hai xảy ra vào năm 2002 khi người ta cho đăng tải tài liệu khoảng 10,000 trang của Đức Hồng Hy Bernard Law đệ trình lên vị thẩm phán của tiểu Bang Boston, mở đường cho cuộc điều tra tất cả sự bao che của giám mục và của các bề trên kể từ năm 1985 đến 2002; và làn sóng thứ ba nhắm vào phẩm chật cao nhất trong Giáo hội vào năm 2018, khi mà rất nhiều các vụ tai tiếng liên quan đến lạm dụng tình dục lại là chính các giám mục.[7]
Nhìn rộng hơn, lối sống giáo sĩ trị có thể tồn tại ở trong rất nhiều tổ chức tôn giáo. Lối sống ấy có khuynh hướng cho phép một nhóm nhỏ gồm những nhà lãnh đạo cấp cao, đặc biệt có thẩm quyền và đặc ân để đưa ra tất cả những quyết định quan trọng cho nhóm người đó. Những quyết định này thường được thực hiện mà không hề có sự đóng góp quan trọng nào từ những người bên trong hay bên ngoài tổ chức tôn giáo đó. Đang khi những vị lãnh đạo có thể đón nhận sự đóng góp hay cộng tác, thì nó chủ yếu là để cho có hoặc bề trên ra vẻ lắng nghe để thể hiện tính tự do dân chủ. Chủ nghĩa giáo sĩ trị tự nó cho thấy những cách thực hành và niềm tin rằng chỉ có những người có chức thánh mới có thẩm quyền thực sự để đưa ra những quyết định và có thể làm vậy mà không cần sự cộng tác của những người không có chức thánh. Những quyết định này liên quan đến vấn đề trong cộng đoàn như phụng vụ, bí tích, tài chánh, vân vân. Vì thế, những người, mà được phép và đặc ân khoác trên mình chiếu áo giáo sĩ, cho thấy tình trạng, vị trí, và quyền lực của họ, sẽ quyết định tất cả những điều quan trọng nhằm duy trì quyền lực của mình. Nói tóm lại, lối sống giáo sĩ trị nhấn mạnh đến lối suy nghĩ và thực hành rằng chỉ những người có chức thánh ở vào vị thế đặc biệt và cao hơn những người không có chức thánh, và rằng thẩm quyền cũng như những lời công bố của họ về tất cả các vấn đề phải được đón nhận và thực hiện mà không hề được phép chất vấn hay đóng góp.[8]
Những hiểm hoạ
Từ một lối sống như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ý thức sâu xa về những mối hiểm hoạ tiềm ẩn từ lối sống giáo sĩ trị. Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Ngài viết:
Giáo dân, hiểu một cách đơn giản, chiếm đại đa số của Dân Chúa. Thành phần thiểu số—các thừa tác viên có chức thánh—là để phục vụ các anh chị em tín hữu. Ngày càng có một sự ý thức nhiều hơn về căn tính và sứ mạng của giáo dân trong Hội Thánh. Chúng ta có thể cậy dựa vào nhiều giáo dân, tuy hầu như vẫn chưa đủ, là những người có một ý thức cộng đoàn sâu xa và một sự trung thành lớn lao đối với các công việc bác ái, dạy giáo lý và cổ vũ đức tin. Nhưng đồng thời, không phải ở mọi nơi đều có một sự ý thức rõ ràng về trách nhiệm này của giáo dân, vốn được đặt trên nền tảng phép rửa tội và thêm sức. Trong một số trường hợp, lý do là vì người giáo dân đã không được cung cấp một sự đào luyện cần thiết để đảm đương những trách nhiệm quan trọng. Trong những trường hợp khác, lý do là vì trong các giáo hội địa phương, người ta đã không dành chỗ để họ lên tiếng và hành động, do một chủ trương giáo sĩ trị thái quá khiến họ không được tham gia vào việc đưa ra các quyết định.[9]
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định rằng chủ trương giáo sĩ trị đã tìm cách thay thế, hoặc im lặng hoặc thờ ơ hoặc giản lược Dân Thiên Chúa thành một nhóm nhỏ gồm những người ưu tuyển, và hệ quả là chúng ta không thể kiến tạo một cộng đoàn có sự sống, đa dạng, và huynh đệ. Ngài còn nhấn mạnh rằng lối sống giáo sĩ trị không chỉ được “dưỡng nuôi” bởi chính các linh mục mà con bởi giáo dân.[10] Thực vậy, về phía giáo dân, họ luôn đề cao và “tâng bốc” các cha, thậm chí muốn đưa các cha lên “bệ thờ.”[11] Với những người này, các cha luôn luôn đúng; hãy để các cha giải quyết mọi việc; cha thì toàn năng; cha luôn phải là người hướng dẫn cầu nguyện; hay con lệ thuộc vào Cha, xin dẫn con lên thiên đàng! Đây là liều thuốc “bổ” giúp “tăng cường” tình trạng giáo sĩ trị trong Giáo hội nói chung và trong cộng đoàn nói riêng.[12]
Bởi vì lối sống giáo sĩ trị cổ xuý rằng mình là thượng cấp hay mình là nhất, nên nó cũng dẫn đến việc coi thường lề luật.[13] Chúng ta giảng cho người khác, nhưng cách nào đó lời giảng ấy chẳng liên quan gì đến đời sống của chúng ta. Điều này rất rõ ràng từ sự khủng hoảng lạm dụng tình dục. Những hành động sai trái của các giáo sĩ liên quan đến việc lạm dụng xem ra chẳng hề bị quy trách nhiệm. Thậm chí tệ hơn, các giám mục và các bề trên cấp cao của họ đã bao che cho hành vi thuộc cấp của mình. Bên cạnh đó, lối sống giáo sĩ trị làm nguy hại đến sứ vụ của Giáo hội hơn là thăng tiến nó. Chủ nghĩa giáo sĩ trị thu hẹp nhãn quan sứ mạng của Giáo hội. Nó hạn chế sự đóng góp mà các tín hữu có thể tham gia nhờ vào chức vụ ngôn sứ, tư tế, và vương giả từ bí Tích Rửa Tội.[14]
Nhìn từ góc độ tâm lý và hành vi, lối sống giáo sĩ trị nguy hiểm cho cả giáo sĩ lẫn giáo dân. Nó ngăn cản hình thức quản trị lành mạnh cũng như những phản hồi góp ý xây dựng nhằm có thể duy trì sự liên đới và đưa ra những quyết định có hiệu quả cao. Lối sống giáo sĩ trị cổ xuý cho một lối sống khác giữa các hàng giáo sĩ: tính tự mãn (narcissism) và sự độc tài (authoritarianism). [15]
Hơn thế nữa, khi các giáo sĩ gặp phải những vấn đế rất tự nhiên của con người như sự cô đơn, nghiện ngập, sự bất an về cảm xúc hay hành vi, họ cảm thấy hoang mang và không thể đến với người khác để xin giúp đỡ và hỗ trợ, bởi vì họ được coi là những thành phần ưu tuyển và hoàn hảo. Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề tính dục, điều mà Giáo hội có những tiêu chuẩn rất cao về đạo đức và hành vi tính dục, các hàng giáo sĩ có thể thực sự yếu đuối khi họ không giữ được những lý tưởng khiết tịnh như Giáo hội mong đợi.[16]
Những nguy cơ điển hình mà các hàng giáo sĩ gặp phải liên quan đến lối sống giáo sĩ trị và tính dục bao gồm cả những thách đố khó cưỡng với việc sử dụng phim ảnh khiêu dâm, thủ dâm, quan hệ tình dục, thường với những người cùng làm việc chung hoặc những người đồng thuận. Hệ quả là, những người này không sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn cũng như cố gắng phủ nhận và bào chữa nhằm duy trì hình ảnh lý tưởng và hoàn hảo của một vị linh mục.[17]
Hướng đến sự canh tân
Những hạt mầm của lối sống giáo sĩ trị đã bắt đầu được gieo trong thời gian huấn luyện, và vì thế chúng ta cần bắt đầu từ đây. Như Sắc Lệnh Đại Kết đã khẳng định, “Mọi sự canh trong Giáo hội cốt yếu nhắm đến sự gia tăng lòng trung tín với ơn kêu gọi của mình.”[18] Việc chữa lành cộng đoàn tu sĩ khỏi lối sống giáo sĩ trị đòi hỏi chúng ta ngày càng trung tín hơn với căn tính Đa Minh của mình xét như là một Giáo hội cùng đi với dân tư tế. Ở đây, trong giới hạn của bài viết này, người viết xin đưa ra bốn đề nghị sau.
Thứ nhất, các giám mục, linh mục và phó tế được mời gọi để phục vụ. Bí Tích Rửa Tội đã mang lại cho họ tất cả phẩm giá mà họ cần. Nhiều người đã nhận ra điều này. Nhiều người khác vẫn không. Vì thế, môi trường học viện hướng dẫn các ứng sinh thiên chức linh mục xác tín rằng ơn gọi tông đồ từ bí Tích Rửa Tội là nền tảng cho sứ vụ tư tế. Do đó, rất cần tái khám phá lại thần học lành mạnh về chức linh mục.[19] Tân Ước không bao giờ gọi các thừa tác viên là những tư tế. Trong thư Hebrews, Đức Kitô được xác định là thượng tế độc nhất của chúng ta, đấng duy nhất vốn có thể giúp ta xem xét lại tất cả những quan niệm về chức linh mục đang được hiểu hiện nay. Trong thư thứ hai của Phêrô, phạm trù tư tế được áp dụng cho toàn thể Dân của Thiên Chúa. Điều này không có nghĩa ám chỉ rằng chức vụ linh mục thừa tác không phù hợp hoặc loại bỏ chức tứ tế thừa tác, nhưng đúng hơn muốn ám chỉ rằng việc nhìn nhận chức vụ linh mục thừa tác phải được xem xét dưới ánh sáng ưu tiên mà chứng từ Kinh Thánh quy chiếu đến chức vụ tư tế duy nhất của Đức Kitô và chức tư tế của toàn tín hữu. Một trong những đóng góp quan trọng của Công Đồng Vatican II giúp hiểu rõ đặc tính thiên chức linh mục. Trước hết, chỉ có một tư tế độc nhất và duy nhất thuộc về Đức Kitô; thứ hai, mọi tín hữu đều có chức tư tế được đặt nền trên chức tư tế của Đức Kitô qua bí Tích Rửa Tội; thứ ba, chức vụ tư tế thừa tác, cũng được đặt nền trên chức tư tế của Đức Kitô và chỉ tồn tại là để phục vụ chức vụ tư tế của mọi tín hữu.[20]
Thứ đến, cần xem lại khâu nhận tuyển. Cộng đoàn cùng tham gia vào việc lượng giá tiêu chí hiện thời của việc thâu nhận các ứng sinh tư giáo. Trong bối cảnh Việt Nam còn đông ơn gọi, chúng ta không ngần gại đánh giá lại những tiêu chí thâu nhận của chúng ta sao cho phù hợp với sứ vụ linh mục. Chẳng hạn, đang khi việc biện phân sự thánh thiện ở nơi ứng sinh vẫn giữ vai trò quan trọng, thì sự thánh thiện thực sự tự nó không thể diễn tả hay biểu lộ ở những hình thức siêng năng hay đạo đức nhắm đến sự hoàn hảo vô hình hoặc chẳng để tâm đến cuộc sống xung quanh nơi mà Thánh Thần đang làm việc. Một sự thánh thiện thực sự sẽ được biểu lộ bằng việc phát triển con người toàn diện. Thật đáng buồn phải nhìn nhận rằng việc thiếu trưởng thành trong tâm lý tính dục cũng như khuynh hướng lạm dụng hay hành vi che đậy liên quan đến tính dục đã tạo điều kiện thuận lợi cho những hành vi tình dục bất xứng. Bởi vì xu hướng văn hoá ngày nay thường coi sự khiết tịnh như là một điều bất bình thường, chúng ta phải nhìn nhận rằng chính sự thiếu trưởng thành về tâm lý tính dục là nguyên nhân chính cho việc lạm dụng tình dục, chứ không phải do tình trạng đời sống khiết tịnh. Không có bằng chứng nào cho thấy người sống đời khiết tịnh thường có khuynh hướng lạm dụng tình dục trẻ em hơn người lấy vợ. Hơn nữa, chúng ta phải nhìn nhận rằng đời sống khiết tịnh, mà Giáo hội Công Giáo nhấn mạnh từ bao đời nay, vẫn là lối sống đích thực xét như là một đặc sủng để sống trung tín hơn là một đòi hỏi của lề luật dành cho những ai muốn theo đuổi ơn gọi linh mục nhưng lại không nhận ra đó như là một đặc sủng cho đời sống khiết tịnh thực sự. Khi đời sống khiết tịnh bị đặt nặng bởi lề luật hơn là một tặng phẩm đích thực để đón nhận, thì những cơ chế cảm xúc và tâm lý có thể nảy sinh nhằm đối phó với lề luật đó để rồi có thể dẫn đến tương quan không lành mạnh và không thể phát triển mối tương quan thực sự với người khác. Do đó, xét vì nhu cầu cho việc các ứng sinh linh mục trở thành những người cộng tác hăng hái trong mục vụ, chúng ta phải tìm kiếm các ứng sinh có khả năng sống tương quan tốt với anh chị em như là những người bình đẳng trong sứ vụ của cộng đoàn. Chúng ta cần tìm kiếm những ứng sinh vui tương đón nhận tài năng của người khác.[21]
Thứ ba, xem xét lại bầu khí của học viện. Liệu rằng cơ cấu tổ chức quản lý học việc có tạo ra một bầu khí tốt nhất để chuẩn bị cho các ứng sinh linh mục tham gia một cách trọn vẹn vào sứ vụ của cộng đoàn để trở thành “men giữa lòng thế giới” (Gaudium et spes, 40)? Nếu mục đích của thiên chức linh mục tồn tại để hướng dẫn đoàn chiên Thiên Chúa nhờ sứ mạng thừa tác của họ, thì việc huấn luyện các ứng sinh tách biệt với thực tại bên ngoài xem ra cần phải được nhìn lại. Một cuộc hội thảo của trường Đại Học Boston đã ghi nhận rằng sự khép kín của học viện hay chủng viện, thường cách ly với thế giới hằng ngày của gia đình hay với cuộc sống xung quanh, có thể tạo cho các ứng sinh linh mục một cảm thức cô lập.[22] Chúng ta có thể tự hỏi liệu những hình thức cấm đoán tách biệt như vậy có tạo ra một bầu khí tốt nhất để thăng tiến sự trưởng thành tâm sinh lý. Việc đạt được sự trưởng thành đó không thể có được ở môi trường mà tính dục của ứng sinh không được thảo luận một cách chân thành.
Cuối cùng, văn hoá xưng hô. Rất nhiều “các đấng bậc” hay xưng mình bằng tước hiệu, như Cha hay Đức Ông. Các bề trên cấp cao muốn được nhắc đến với những danh xưng kính trọng như: Ngài hoặc Đấng. Mặc dù các chức danh đều có mục đích, nhưng không nhất thiết phải câu nệ trong việc đó. Đặc biệt là với dòng Đa Minh, khi tất cả đều được gọi là anh em. Chính chúng ta thường tỏ vẻ khó chịu và mỉa mai với một người hay gọi mình với chức danh là Bác sĩ hay Giáo sư. Việc gọi là Bác sĩ phù hợp trong môi trường bệnh viện hay tư vấn sức khoẻ, và cũng thế, gọi một vị chủ chăn là Cha phù hợp ở trong bối cảnh giáo xứ. Nhưng hầu hết người ta sẽ cảm thấy khó chịu khi một ai đó lúc nào cũng xưng hô bằng chức danh của mình.[23]
Trên đây là một vài suy tư về vấn nạn tình trạng giáo sĩ trị mà Tổng Hội Biên Hoà 2019 đã cảnh báo chúng ta. Đã đến lúc chúng ta cần chân thật nhìn nhận lại ơn gọi của mình và cùng nhau canh tân. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở, giám mục, linh mục, phó tế hoăc các bề trên cao cấp là những người được kêu gọi để phục vụ, chứ không phải được phục vụ. Vì thế, chúng ta hãy mang trong mình “một quả tim truyền giáo không bao giờ khép kín chính mình, không bao giờ tìm sự an toàn, không bao giờ cố chấp hay phòng vệ. Một quả tim truyền giáo nhận thức rằng nó không ngừng học hỏi tin mừng và biết phân định những con đường của Thần Khí, và nhờ đó nó có thể luôn làm bất cứ điều thiện hảo nào mà nó có thể, thậm chí trong hành trình này, đôi chân của nó có thể bị vấy bẩn vì bùn.”[24] Do đó, hãy cùng nhau loại bỏ lối sống giáo sĩ trị và theo gương Đức Giêsu, Đấng là vị Tư Tế Duy Nhất. Tất cả chúng ta là những thừa tác của lòng thương xót, với đôi chân bị lấm bùn.
【Ninh Tú Toàn】
[1] Kathleen Hattrup, “5 of the Many Times Pope Francis Has Warned against Clericalism,” Aleteia (August 8, 2018), http://aleteia.org/2018/08/23/5-of-the-many-times-pope-francis-has-railed-against-clericalism.
[2] Hannah Brockhas, “Rigid Priests Are a Manifestation of Clericalism,” Catholic News Agency (June 10, 2021), http://www.catholicnewsagency.com/news/247958/pope-francis-rigid-priests-are-a-manifestation-of-clericalism.
[3] Julie Hanlo Rubio and Paul J. Schutz, “Beyond Bad Apples: Understanding Clergy Perpetrated Sexual Abuse as a Structural Problem & Cultivating Strategies for Change” (2022): 1.
Các định nghĩa về lối sống hay chủ nghĩa giáo sĩ trị (clericalism) rất rộng, nhưng phần lớn đều có chung một ý tưởng là các giáo sĩ có được một địa vị cao trọng hơn người không có chức thánh. Marie Keenan, “Hindsight, Foresight and Historical Judgement: Child Sexual Abuse and the Catholic Church,” in The Routledge Handbook of Irish Criminology, eds. D. Healy, C. Hamilton, Y. Daly, and M. Butler (Routledge, 2015), 525-540.
[4] Peter Daly, “Tackle Clericalism First When Attempting Priesthood Reform,” National Catholic Reporter (August 13, 2019), http://www.ncronline.org/news/opinion/priestly-diary/tackle-clericalism-first-when-attempting-priesthood-reform.
[5] Có rất nhiều định nghĩa về hạn từ “văn hoá.” Ở đây, người viết xin hiểu “văn hoá” xét như là lối sống, những khuôn mẫu hành vi, sự tương tác, nhận thức, và cảm xúc vốn được hấp thụ nhờ tiến trình xã hội hoá. Những đặc tính chung này sẽ cho thấy sự khác biệt giữa những người thuộc một nhóm văn hoá này với nhóm khác. Xc, https://carla.umn.edu/culture/definitions.html.
[6] Sarah Salvadore, “Clericalism Cited as Root Cause of Sex Abuse Crisis,” National Catholic Reporter (Feb. 4, 2020), https://www.ncronline.org/news/clericalism-cited-root-sex-abuse-crisis; Jason Blakely, “Sexual Abuse and the Culture of Clericalism,” America, Aug. 23, 2018, https://www.americamagazine.org/faith/2018/08/23/sexual-abuse-and-culture-clericalism; Donald B. Cozzens, The Changing Face of the Priesthood: A Reflection on the Priest’s Crisis of Soul (Collegeville, Minn: Liturgical Press, 2000); Thomas P. Doyle, “Clericalism: Enabler of Clergy Sexual Abuse,” Pastoral Psychology 54 (2006): 189-213; Marie Hildago, Sexual Abuse and the Culture of Catholicism: How Priests and Nuns Become Perpetrators (NY: Haworth, 2007).
[7] “Timeline of a Crisis,” National Catholic Reporter (July 6, 2015), https://www.ncronline.org/blogs/ncr-today/timeline-crisis.
[8] Thomas G Plante, “Clericalism Contributes to Religious, Spiritual, and Behavioral Struggles among Catholic Priests,” Religions 11 (May, 2020): 2.
[9] Pope Francis, Evengelii gaudium, no. 102, https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium.html.
[10] Pope Francis, “Letter to the People of God” (20 August 2018), https://www.vatican.va/content/francesco/en/letters/2018/documents/papa-francesco_20180820_lettera-popolo-didio.html.
[11] Donald B. Cozzens, “Don’t Put Priests on a Pedestal, ” U.S. Catholic 80, no. 10 (October 2015): 33.
[12] Association of U.S. Catholic Priests, “Confronting the Systemic Dysfunction of Clericalism,” (June 2019), 5, 4%20A%20-AUSCP%20White%20Paper-Systemic%20Dysfunction%20Clericalism.pdf https://www.futurechurch.org/sites/default/files/Model%20 4%20A%20-AUSCP%20White%20Paper-Systemic%20Dysfunction%20Clericalism.pdf.
[13] Ronald D Witherup,. “FATHER Knows Best?: Reflections on Clericalism in the Priesthood.” The Priest 76, no. 1 (January 2020): 27.
[14] Witherup,. “FATHER Knows Best,” 27.
[15] Thomas G. Plante, “How Clericalism Contributes to Sexual Problems among Priests,” Psychology Today (June 3, 2019), https://www.psychologytoday.com/us/blog/do-the-right-thing/201906/how-clericalism-contributes-sexual-problems-among-priests.
[16] Plante, “How Clericalism Contributes.”
[17] Plante, “How Clericalism Contributes.”
[18] Vatican II, Decree on Ecumnism, no. 6, https://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_decree_19641121_unitatis-redintegratio_en.html.
[19] Cozzens, “Don’t Put Priests,” 34.
[20] Richard R. Gaillardetz, “A Church in Crisis: How Did We Get Here? How Do We Move Forward?” Worship 93 (July 2019): 213.
[21] Gaillardetz, “A Church in Crisis,” 216; Tulternango Mexico 2022, no. 374.
[22] Boston College Priesthood Seminar, "To Serve the People of God: Renewing the Con- versation on Priesthood and Ministry," Origins 48:31 (December 27, 2018): 490.
[23] Cozzens, “Don’t Put Priests,” 35.
[24] Pope Francis, Evengelii gaudium, no. 45.