▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Những nhà giảng thuyết trong thân thể Đức Kitô

Bài chia sẻ thứ ba này dựa trên nội dung của các số Tultenango, từ 77 đến 85. Synodality - hiệp hành là chủ để trọng tâm được các nghị huynh Tổng hội trình bày trong các số này. Mục đích của việc đào tạo tông đồ không chỉ bắt chước Đức Kitô, mà còn cảm nghiệm nơi chính mình điều thánh Phaolô diễn tả: “không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,2). Chúng ta học sống trong Đức Kitô, và để Đức Kitô sống trong chúng ta – nghĩa là chúng ta học cách trở thành chi thể của Thân thể Đức Kitô. Trong Nhiệm thể đó, những người tu sĩ Đa Minh được trao nhiệm vụ giảng thuyết Tin Mừng với tư cách là chi thể của Chúa Kitô, vì thế chúng ta học gương vị Tông Đồ để trở thành “những sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thế chính Thiên Chúa dùng chúng ta mà khuyên dạy” (2 Cr 5,20). (Tultenango 78).
(Bài chia sẻ thứ ba này dựa trên nội dung của các số Tultenango, từ 77 đến 85. Synodality - hiệp hành là chủ để trọng tâm được các nghị huynh Tổng hội trình bày trong các số này.)

Hiệp hành trong sứ vụ trong Giáo hội và trong Gia đình Đa Minh


Mục đích của việc đào tạo tông đồ không chỉ bắt chước Đức Kitô, mà còn cảm nghiệm nơi chính mình điều thánh Phaolô diễn tả: “không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,2). Chúng ta học sống trong Đức Kitô, và để Đức Kitô sống trong chúng ta – nghĩa là chúng ta học cách trở thành chi thể của Thân thể Đức Kitô. Trong Nhiệm thể đó, những người tu sĩ Đa Minh được trao nhiệm vụ giảng thuyết Tin Mừng với tư cách là chi thể của Chúa Kitô, vì thế chúng ta học gương vị Tông Đồ để trở thành “những sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thế chính Thiên Chúa dùng chúng ta mà khuyên dạy” (2 Cr 5,20). (Tultenango 78).

“Vì giảng thuyết là nhiệm vụ thuộc về toàn thể Gia đình Đa Minh, mỗi người chúng ta chu toàn nhiệm vụ đó theo vai trò riêng biệt của mình trong thân thể Đức Kitô: cách thức giảng thuyết của giáo dân khác với các đan sĩ, các anh em khác với các nữ tu, anh em trợ sĩ khác với anh em linh mục. Mỗi vai trò này là duy nhất… Mỗi thành phần trong Gia đình Đa Minh cần có nhau để việc rao giảng Chúa Kitô được nên trọn vẹn.”

Vì thế, nếu chúng ta, những người Đa Minh, muốn rao giảng Tin Mừng một cách hiệu quả, chúng ta phải cùng nhau bước theo Con Đường Đức Kitô, Nhà Giảng Thuyết. Theo ý nghĩa này, chúng ta thấy được hình thức hiệp hành của Đa Minh, được phản ánh trong Hiến pháp Nền tảng của Dòng, §VII :

“Sự hiệp thông và tính cách phổ quát của Dòng chúng ta cũng làm nên thể thức quản trị của Dòng. Trong đó, điểm nổi bật là sự cộng tác hữu cơ và quân bình của tất cả các thành phần nhằm theo đuổi mục đích riêng của Dòng.”

Sự liên đới sứ vụ này không giới hạn giữa các anh em, mà còn mở rộng trong Gia đình Đa Minh, và mở rộng đến toàn thể Hội thánh, chúng ta cùng nhau bước đi và cộng tác với mọi thành phần của Hội thánh (x. HPNT §VI và SHC 101). (x. Tultenango 79)

Chúng ta cùng đọc lại số SHC 101 dưới đây:
I. - Bất cứ ở đâu, khi thi hành tác vụ, anh em hãy cộng tác với các giám mục trong việc thảo kế hoạch tông đồ hoặc của một giáo phận hoặc của quốc gia.

II. - Cộng tác với các linh mục và các tu sĩ khác là việc rất đáng khuyến khích, nhất là trong những vấn đề có liên hệ hơn với đoàn sủng của chúng ta, sao cho trách vụ tông đồ của chúng ta và của những người khác bổ túc cho nhau để cùng phục vụ Hội thánh.

III. - Vì người giáo dân, nhờ phép Rửa tội và Thêm sức, đã được đặc cử làm việc tông đồ, nên chúng ta phải cùng với họ cố gắng hướng tới điều này là Hội thánh được hiện diện và tồn tại như một bí tích cứu rỗi trong mọi lãnh vực xã hội.

IV. - Sau cùng, khi nhìn nhận nơi mọi người thiện chí hình ảnh của Thiên Chúa sáng tạo và niềm hy vọng cứu độ, anh em đừng do dự cộng tác với họ, mặc dầu chưa thể loan báo Tin Mừng cho họ.

Anh em phải quan tâm đến những đức tính nhân bản cũng như những phương pháp tranh luận và đối thoại là những điều đặc biệt cần thiết trong việc cộng tác với những người có xác tín khác với mình.

SHC 145. - Bởi đó, các anh em và các chị em hãy cùng nhau cộng tác và soạn thảo kế hoạch tông đồ.

Hiệp hành trong sứ vụ và đào tạo giữa các thành phần của Dòng


Tổng hội Tultenango dành các số 80 đến 83 đề cập đến sự hiệp hành (synodality) giữa các phần tử (các anh em với nhau, anh em linh mục và anh em trợ sĩ) và giữa các thực thể của Dòng (giữa các tỉnh dòng, các tu viện/tu xá, các đơn vị đào tạo).

Thứ nhất, giữa các Tỉnh dòng cần có sự cộng tác chặt chẽ hơn trong sứ vụ và trong việc đào tạo.

“Giống như các thành phần của một cơ thể, mỗi tỉnh dòng có quyền tự trị riêng, nhưng nó chỉ sống động nếu được liên kết với 50 tỉnh dòng khác, mỗi tỉnh dòng là một phần của toàn Dòng. Chi thể này cần sự giúp đỡ của chi thể khác để hoàn thành chức năng của mình” (Tultenango 80).

Đặc biệt sự hợp tác đào tạo được chú ý trong hai Tổng hội gần đây. Một số tỉnh dòng tại các nước đang phát triển có đông đảo ơn gọi, như lại thiếu nhân lực, tài lực trong việc đào tạo; trong khi nhiều tỉnh dòng kỳ cựu ở châu Âu có những điều kiện tốt cho việc đào tạo lại không có ơn gọi và tu sĩ trẻ. Tổng hội Biên Hoà, số 228 chỉ thị thiết lập một quỹ liên đới hỗ trợ việc đào tạo sơ khởi, dưới sự quản trị và điều động của Văn phòng Spem Miram International. Nên chăng cần bàn trong Tỉnh hội, có thể hình thành một quỹ hỗ trợ đào tạo tương tự trong Tỉnh dòng. Việc quyên góp xây dựng nhà thờ, công trình hay đóng góp bác ái thì dễ, trong khi kêu gọi đóng góp cho đào tạo không được hưởng ứng bao nhiêu!

Thứ hai, sự hiệp hành giữa các tu viện trong một tỉnh dòng, vì tu viện được xem như tế bào cơ bản làm nên tỉnh dòng. Tu viện có quyền bầu tu viện trưởng, vị này sẽ là đại diện của anh em chứ không phải là đại diện của vị giám tỉnh. Tu viện trưởng là tham dự Tỉnh hội do chức vụ.

Tultenango không bàn rộng về sự hợp tác giữa các tu viện. Tuy nhiên, đây có lẽ là điểm cần phải lưu ý trong Tỉnh hội sắp tới. Mỗi khu vực nếu đã có sự hiện diện đông đảo của anh em, thì cần phải có ít nhất một tu viện. Các tu viện phải tổ chức và điều hành có tính cách tự lập, tự chủ hơn theo như SHC đã xác định, v.v.. Thay vì mở thêm nhiều cộng đoàn nhỏ, nên chăng cần tập trung vào việc thiết lập tu viện cho mỗi khu vực? Việc bổ nhiệm những anh em thích hợp cho sứ vụ của tu viện tại đó cũng là điều cần phải lưu tâm.

Ví dụ sự hiện diện của anh em ở Đà Lạt chẳng hạn, gần 70 năm, nhưng cuối cùng không thấy sứ vụ gì cả, chỉ có 1 ngôi nhà to được xây cũng đã 3 năm.

Hôm qua anh em được nghe đọc đoạn trong cuốn sách Những người Đa Minh của cha Benedict Asley nói đến tổ chức các tu viện thời kỳ đầu của Dòng : tối thiểu 50 anh em, đông hơn 200-300 anh em. Cần con số tối thiểu anh em này để duy trì :
1. Đời sống chung như một đan viện (tự cung, tự tiêu),
2. Đời sống cầu nguyện,
3. Việc học hành và đào tạo (thỉnh viện, tập viện, học viện),
4. Sứ vụ giảng thuyết : nhiệm vụ giảng thuyết cho dân Thiên Chúa theo đặc sủng riêng, nhiệm vụ đối với Hội thánh địa phương và toàn cầu, nhiệm vụ truyền giáo.


SHC trao việc soạn thảo kết hoạch tông đồ và việc thường huấn cho tu viện. Quy chế đào tạo chung số 178 xác định nhiệm vụ của vị khuyến học liên quan đến thường huấn của tu viện như sau :

Ngoài những gì đã được nêu trong Hiến Pháp, khuyến học tu viện còn có nhiệm vụ :

- Trình bày cho cộng đoàn kế hoạch hằng năm về thường huấn.

- Cổ võ suy tư thần học về kinh nghiệm tông đồ cụ thể của cộng đoàn.

- Khuyến khích anh em tham gia các cuộc họp hay khoá học liên quan đến thường huấn, trong tu viện cũng như Tỉnh Dòng, tại giáo phận hay những trung tâm khác.

Khó khăn là chúng ta đã quen với trung ương lãnh đạo, các tu viện mới thành lập chưa cho thấy được khả năng lên kế hoạch tông đồ, việc thường huấn cũng rất yếu. v.v..

Một điểm nữa cũng cần lưu ý trong tỉnh hội là sự liên đới giữa ba thực thể sau: 1) Các tu viện/tu xá – 2) các đơn vị đào tạo (Trung tâm Học vấn, học viện, tập viện, thỉnh viện) – 3) các giáo xứ Dòng. Chú ý đến sự cộng tác về 3 lãnh vực: đào tạo sơ khởi, giảng thuyết, thường huấn.

Thứ ba, sự cộng tác và liên đới giữa các anh em trong cộng đoàn tu viện/tu xá. Điểm này Tultenango nhấn mạnh và khai triển ở số 81. Mỗi anh em ý thức trách nhiệm phát triển tài năng riêng để đóng góp cho sứ vụ giảng thuyết chung của Dòng. Do lời khấn, những ân huệ Thánh Thần ban cho cá nhân cũng là để mưu ích cho Dòng, là tài sản chung của cộng đoàn.

“Vì chúng ta là chi thể của Thân thể Đức Kitô, và các chi thể phụ thuộc lẫn nhau, nên mỗi người chúng ta phải trung tín và chịu trách nhiệm với vai trò được giao cho. Xét cho cùng, Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta những hồng ân để chúng ta phục vụ, những hồng ân mà chúng ta là người quản lý, và “Ai được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều” (Lc 12,48).” (Tultenango 83).

Và cũng do việc tuyên khấn tuân phục, chúng ta sẵn sàng đóng góp thời giờ, sức lực, tài năng, v.v. cho công ích theo sự sắp xếp của bề trên và của công hội (x. Tultenango 81).

Trong tường trình cuối nhiệm kỳ của mình, cha Regard Francisco Timomer III lấy ý tưởng tựa đề cuốn sách “Hát lên bài ca mới” của cha Timothy Radcliffe để nói về nhiệm vụ của Tổng hội như sau:

“Chúng ta không cần phải ‘tái thiết’ Dòng mỗi khi cử hành Tổng hội”. Đúng vậy, sẽ rất thú vị để ‘hát lên một bài ca mới’, nhưng đôi khi, chúng ta có thể chỉ cần hát cùng một bài hát, nhưng với một ‘khoá nhạc khác’ hoặc với sự hoà âm tốt hơn (Relatio 2022, số 15).

Bài ca chúng ta cùng hát với nhau chính là propositum vitae - kế hoạch của đời sống Đa Minh, theo cách nói của Tổng hội Biên Hoà. Bài ca ấy với những nhịp phách và ca từ, theo Tultenango, đã được Sách Hiến pháp và Chỉ thị cũng như các Công vụ (thêm nữa là Quy chế chung và riêng) soạn sẵn rồi, “chúng ta chỉ cần đơn giản là hát lên bài ca đó với khoá nhạc ‘trách nhiệm’ (accountability) đối với nhau, với tư cách là những người anh em.” (Tultenango 84).

Kết luận. Cùng nhau hát lên bài ca Đa Minh với khoá nhạc mới


Trách nhiệm trả lẽ với Chúa vì những ân huệ mỗi anh em đã nhận, trách nhiệm đối với chính ơn gọi giảng thuyết của mình, trách nhiệm đối với anh em, ít là xét đến sự công bằng. Bài ca mới được hát lên với khoá nhạc “trách nhiệm” này hẳn là sẽ rất tuyệt vời.

Mời anh em đọc thêm và tập thử hát với nhau “bài ca mới” của kế hoạch đời sống Đa Minh đã được Quy chế Đào tạo chung 2016 soạn sẵn cho anh em chúng ta (tr. 80-108 của tập này).
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url