Người Đa Minh: Nhà truyền giáo qua những hình thức giảng thuyết đa dạng
LINH ĐẠO ĐA MINH
Hầu hết mọi người đều sống bằng những câu chuyện. Và tôi, tôi sống bằng chính câu chuyện của tôi. Khi trở thành tu sĩ Đa Minh, tôi móc nối câu chuyện đời tôi với câu chuyện của Dòng ; kết quả là, câu chuyện của tôi đã chuyển sang một hướng đi mới, và tôi đã tiếp nối câu chuyện của Dòng theo cách của tôi. Vì vậy, cuộc sống tôi trở nên một phần trong câu chuyện của gia đình Đa Minh : một chương đoạn trong câu chuyện ấy. Qua đó, tôi có được căn tính của tôi. Những câu chuyện của Dòng đã gắn kết chúng tôi lại với nhau như những tu sĩ Đa Minh. Nếu không có những câu chuyện đó, có lẽ chúng tôi sẽ mất đi ký ức về quá khứ, không tìm được chỗ đứng trong hiện tại và cũng chẳng tìm được niềm hy vọng hay mong ước nào cho tương lai. Vì thế, như những tu sĩ Đa Minh, chúng tôi làm thành một cộng đoàn biết tự viết nên câu chuyện về truyền thống của mình xen vào giữa câu chuyện dài nhiều tập của các cộng đoàn tu trì và lồng trong cả một câu chuyện dài miên man, của cộng đoàn Hội Thánh, thậm chí còn lồng vào trong câu chuyện của cộng đoàn lớn lao hơn, tức là toàn thể nhân loại. Nó làm cho chúng tôi trở thành một gia đình đặc biệt, có thể phân biệt được dựa vào tất cả các nét đặc trưng của một gia đình. Những nét đặc trưng này có thể quan trọng hay tuỳ phụ, nhưng không cái nào có thể bị che khuất.
Khi nói điều này, tôi đã đả động ít nhiều đến linh đạo Đa Minh. Câu chuyện đời tôi chỉ có thể là câu chuyện của riêng tôi khi nó là một chương trong câu chuyện của Gia đình Đa Minh. Câu chuyện của tôi làm dài thêm và phong phú thêm cho lịch sử linh đạo Đa Minh, dù là một chương rất nhỏ, nhỏ đến độ gần như không đáng kể, nhưng nó vẫn là một chương, đồng thời nó bị tương đối hoá và bị cọ xát bởi toàn bộ câu chuyện lâu đời và bao trùm hơn của Gia đình Đa Minh. Điều này đã khiến tôi tự hỏi liệu tôi có làm cho lịch sử của gia đình này méo mó đi không. Vì vậy tôi thường nghi ngờ những ai lấy “quan niệm của mình” hoặc “kinh nghiệm của bản thân” mà nói cho người khác rằng đó là linh đạo Đa Minh. Hơn nữa, cũng cám ơn Chúa, vì đến nay vẫn còn tồn tại những người Đa Minh. Nói khác đi, câu chuyện của chúng ta chưa đến hồi kết, nghĩa là vẫn chưa được kể hết và vẫn còn nhiều điều để nói.
Từ đó, chúng ta có thể rút ra kết luận thứ nhất : không thể đưa ra một khái niệm rốt ráo và toàn diện về linh đạo Đa Minh. Chúng ta không thể đưa ra một lời chung thẩm cho một câu chuyện vẫn còn đang diễn tiến mạnh mẽ. Có chăng, chúng ta chỉ có thể phác ra một vài nét chính của cốt chuyện, một câu chuyện được lưu truyền bằng nhiều cách thức trong gần tám thế kỷ qua : một câu chuyện nền đã được kể bằng vô số ngôn ngữ cho ngàn ngàn triệu triệu thính giả. Nó được biến thái ít nhiều cho phù hợp với văn hoá, với hoàn cảnh lịch sử, với bản sắc của từng Giáo hội địa phương.
Câu chuyện nền này là nét quan trọng, nó đứng vững từ thuở ban sơ của dòng Đa Minh. Tuy nhiên, xuất xứ của bất kỳ một câu chuyện có liên quan nào cũng thường bị chìm khuất trong một quá khứ mù mịt mà chúng ta khó lòng dựng lại về mặt lịch sử. Thánh Đa Minh (1170-1223), khởi đầu của câu chuyện gia đình Đa Minh, đã không viết cuốn sách nào. Tuy nhiên, nhờ tái tạo lại lịch sử một cách cẩn thận, chúng ta có được một “chân dung Đa Minh thực” từ vô số những giai thoại (một loại văn rất thịnh hành thời Trung cổ), nhờ đó mà chúng ta có được một nền tảng khá vững vàng. Đặc biệt, dù không để lại văn phẩm hay tài liệu nào, nhưng cha Đa Minh đã để lại một gia tài sống động, đó là dòng Đa Minh, bao gồm những anh chị em mong muốn tiếp tục sự nghiệp của người. Câu chuyện Đa Minh được khởi đầu từ thánh Đa Minh và các anh em tiên khởi. Họ đã cùng nhau khai mào cho câu chuyện của gia đình Đa Minh. Họ đã tạo ra một nội dung và một sắc thái riêng.
Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn được kể lại, được viết lại bằng nhiều cách thức. Xét nguyên nó, câu chuyện này là một cách đặc thù, qua đó cái cốt lõi của một câu chuyện xa xưa hơn, câu chuyện của Đức Giêsu người Nazareth, đã được móc nối với hiện tại và được tiếp diễn một cách mới mẻ. Điều này đưa đến cho chúng ta kết luận thứ hai : Linh đạo Đa Minh chỉ mãi có ý nghĩa thực chất khi gắn kết với câu chuyện về cuộc đời Đức Giêsu và diễn tả lại câu chuyện đó bằng những đường nét mới. Trong sắc lệnh Canh tân thích nghi đời sống Dòng tu, Công đồng Vaticanô II đã viết : “Bước theo Chúa Kitô như Phúc Âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu, nên tất cả các Hội dòng phải coi tiêu chuẩn ấy như là quy luật tối thượng” (số 2a). Do vậy, linh đạo Đa Minh phải tuân thủ tiêu chí chung liên quan đến nguồn mạch của mọi đời sống Kitô hữu. Điều đó cũng có nghĩa là linh đạo của cha Đa Minh và các anh em tiên khởi không phải là luật trực tiếp tuyệt đối cho mọi người Đa Minh. Vì thế, một sự hiểu biết đầy đủ và sâu sắc hơn về Đức Giêsu (ví dụ như qua những cảm nghiệm mới dựa trên Kinh Thánh hoặc nhờ những tiến bộ mới của khoa chú giải Sách Thánh) có thể dẫn đưa chúng ta tới những điểm nhấn rất khác biệt so với những gì mà cha Đa Minh và các anh em của người đã quan niệm. Cũng theo sắc lệnh, canh tân trước tiên phải trở về “nguồn cội của đời sống Kitô hữu” (số 2), là chính Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô (Mc 1.1). Nguồn mạch này không bao giờ cạn và luôn luôn tuôn trào những khả thể mới. Ngay cả chính thánh Đa Minh cũng không thể đưa ra “chìa khoá vạn năng” cho tất cả những tình huống mới này.
Đồng thời, điều này cũng ngậm ý rằng mọi câu chuyện của các Dòng tu phải được coi là một phần hoặc là những biến tấu của một câu chuyện lớn hơn - “cộng đoàn Dân Chúa”, tức Giáo hội, (số 2c). Ở đây, Công đồng muốn nhấn tới “dự phóng hiện thời của Giáo hội” : Kinh Thánh, Phụng vụ, Giáo Lý, Mục vụ, đối thoại, sứ vụ, xã hội. Linh đạo Đa Minh giả thiết phải quan tâm đến mọi nhu cầu và những vấn đề hiện thời của Giáo hội trong những hoàn cảnh cụ thể. Linh đạo Đa Minh không thể chỉ vun quén riêng cho khu vườn Đa Minh của mình mà thờ ơ trước những gì đang diễn ra giữa lòng Giáo hội và xã hội.
Tuy nhiên, được Tin Mừng soi dẫn và cọ xát thường xuyên với những phê bình lịch sử do Tin Mừng khơi động, đồng thời lại được thể hiện như một đặc điểm lịch sử cụ thể của những dự phóng lớn lao và cần thiết của Giáo hội trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, “hứng khởi ban đầu của đấng sáng lập” vẫn là đường nét chính của câu chuyện gia đình Đa Minh, và do đó, đây là điểm quy chiếu. Ở đây, sắc lệnh nhắm tới không chỉ là dự phóng khởi thuỷ đặc biệt của người sáng lập (propria propossita) mà còn là truyền thống riêng (sanae traditiones) của Dòng, ít ra là những truyền thống lành mạnh. Đây phải là “gia sản tinh thần” hay linh đạo của Dòng.
Do đó, có kết luận thứ ba : linh đạo Đa Minh chỉ có giá trị thể hiện như là một cách thức đặc biệt để khi thực thi nhiệm vụ “theo Chúa Giêsu” của Giáo hội. Đặc biệt, với chúng ta đó là tiếp bước và sống theo hứng khởi của thánh Tổ phụ, một hứng khởi vẫn đem lại ánh sáng mới, đường hướng phù hợp cho mọi bối cảnh lịch sử của Dòng. Cho nên, chúng ta hằng phải ghi tâm khắc cốt câu chuyện nền tảng lịch sử này, vì trong quá khứ nhiều khi chúng ta đã đi quá xa với cội nguồn. Chẳng hạn, khi Toà tra đưa Gioana Arc lên giàn thiêu, các tu sĩ Đa Minh trong cuộc đã đi ngược lại với hứng khởi và ý hướng của Cha Đa Minh. Người ta đã nhắm mắt, bịt tai, làm ngơ trước sự khởi phát của một đoàn sủng mới, đó không phải là thái độ của một người Đa Minh chân chính.
Sắc lệnh đưa ra tiêu chuẩn thứ ba nhằm canh tân đời sống tu trì. Đó là những mối liên hệ giữa câu chuyện của Đức Giêsu và câu chuyện khởi thuỷ của Dòng (với chúng ta, đó là dòng Đa Minh) với những đổi thay của thời đại (số 22). Điều này ngậm hiểu rằng : linh đạo Đa Minh không thể được xác định chỉ đơn thuần nhờ vào việc trở về nguồn hoặc chỉ đơn thuần nhờ vào khả năng thích ứng với những đổi thay của lịch sử, cho dù đây là việc làm cần thiết. Linh đạo Đa Minh còn là cách chúng ta sống, chúng ta thể hiện câu chuyện của gia đình Đa Minh ngay lúc này, tại đây trong thời đại chúng ta. Linh đạo Đa Minh không chỉ đơn giản là những gì xảy ra “lúc khởi đầu” hay những diễn biến của lịnh sử Dòng. Vì nếu như thế chúng ta mới chỉ ghi lại một bản tường trình lịch sử về cách thức mà những người Đa Minh thời trước đã được khởi hứng. Những kiến thức về lịch sử chưa phải là linh đạo. Quả vậy, một sử gia uyên bác nào đó dù không phải là người Đa Minh cũng có thể tái tạo lại lịch sử của Dòng tốt hơn chúng ta. Nếu linh đạo Đa Minh không chỉ thuần tuý là lịch sử của một linh đạo, hay không là một hệ tư tưởng sáo rỗng, thì linh đạo Đa Minh là một thực tại sống động, nó được chính người Đa Minh đang sống, họ là những người nắn đúc lại câu chuyện của gia đình Đa Minh ngay tại đây và lúc này, bằng cách luôn quan tâm đến những hoàn cảnh của Giáo hội, xã hội và của những hiện trạng lịch sử văn hoá thời đại.
Kết luận thứ tư : nếu không có mối tương quan sống động với hiện tại, thì bất cứ điều gì nói về linh đạo Đa Minh cũng chỉ là những bận tâm thuần tuý lịch sử đến quá khứ của Dòng mà thôi. (Thường thì đó là cách biện hộ cho việc tránh né những nhiệm vụ khẩn thiết hiện nay). Linh đạo Đa Minh là một thực thể sống động cần phải được thực hiện giữa chúng ta. Chẳng vậy, chúng ta mới chỉ đơn giản lặp lại những câu chuyện mà người ta đã kể đi kể lại từ bao đời ; và như vậy, chúng ta chẳng viết thêm phần của riêng chúng ta vào trang lịch sử mà Dòng đã khởi đầu. Quả là chúng ta đang thực sự viết một chương mới, một chương vẫn chưa được xuất bản. Chương đó có đáng được coi là chương tiếp nối mạch chuyện của Dòng hay không tuỳ thuộc vào đánh giá của thế hệ hậu sinh. Thực tế, nếu chúng ta có thể, có khả năng viết nên một chương mới sống động, tôi tin chắc rằng nhiều bạn trẻ cả nam lẫn nữ sẽ được lôi kéo và tiếp tục phát huy truyền thống Đa Minh. Bất kỳ một câu chuyện nào có ý nghĩa tự nó có sức hấp dẫn, nó sẽ được kể đi kể lại, không gì ngăn cản nổi. Tuy nhiên, chuyện đó có xảy ra hay không còn tuỳ vào giọng điệu và kịch tính của chương mà chúng ta đã viết lên trong toàn bộ câu chuyện Đa Minh. Phải chăng nó chỉ là một đoạn ngắn tẻ nhạt và bị bỏ xó ? Hay phải chăng nó chẳng ăn nhập gì với câu chuyện đã được viết ra trước đó, làm cho câu chuyện Đa Minh bị lụi tàn vĩnh viễn ? Hay cũng có thể nó sẽ là một chương hấp dẫn, chỉ vì người đọc cảm thấy chúng ta đã ra sức tìm kiếm “cốt lõi chính” của câu chuyện về Dòng, cái cốt lõi mà lúc này đây chúng ta đang mất dấu ? Cả chương này nữa cũng có thể trở nên một phần rất quan trọng của câu chuyện gia đình Đa Minh.
Một “sợi chỉ đỏ” đã xuyên suốt câu chuyện dòng Đa Minh từ thời thánh Đa Minh đến nay. Nhiều khi sợi chỉ này được dệt vào tấm vải Kitô giáo – đó là điều chúng ta không được phép quên, đang khi viết phần của mình trong lịch sử của Dòng. Sợi chỉ đỏ này đan quyện vào câu chuyện của đời chúng ta, dù nội dung của câu chuyện này có đa dạng thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn đang thể hiện linh đạo Đa Minh. “Linh đạo” sẽ không còn là linh đạo bao lâu nó chỉ được mô tả, dù bằng một giọng điệu xác quyết độc đoán cũng vậy. Linh đạo phải được đưa ra thực hành như là trình tấu lại bản hoà tấu Đa Minh xưa theo cách hoàn toàn mới mẻ.
Bản hoà tấu xưa, tức là cái chủ đề thường xuyên tái hiện, hay câu chuyện nền tảng của dòng diễn ra như thế nào ?
Tôi muốn nói rằng đó là một câu chuyện có nhiều tình tiết ! Vào khoảng thế kỷ thứ XII, đầu thế kỷ XIII, có hai vấn đề lớn phát sinh : phải canh tân đời sống giới linh mục và phải canh tân đời sống giới đan sĩ. Năm 1215, Công đồng Latêranô IV nhóm họp đã giải quyết hai vấn đề này cách riêng rẽ, không thấy có một nối kết nào giữa hai vấn đề này. Công đồng đã gây tác động ít nhiều đến cha Đa Minh. Vốn là một kinh sĩ sống theo tu luật Âu Tinh ở nhà thờ chính toà giáo phận Osma, khi đi tới miền tây Nước Pháp, cha Đa Minh đã quy tụ một số anh em cùng làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ rất cấp bách trong địa phận Toulouse. Cha Đa Minh đã nhìn ra dấu chỉ thời đại. Vào thế kỷ XII, nhiều phong trào tu đức xuất hiện, và nhiều giáo dân hưởng ứng những phong trào này. Nội dung chính của những phong trào này là kết hợp tinh thần khó nghèo Tin Mừng với việc rao giảng, nhưng những phong trào này thường có khuynh hướng bài giáo sĩ. Những sa sút của hàng giáo sĩ làm nảy sinh vấn đề : việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô phải chăng cần có sự cho phép của Giáo hội (tức giám mục) và phải được Giáo hội uỷ thác và sai đi ? Một đời sống tu đức và một đời sống theo Tin Mừng như các thánh Tông đồ (thời gian đó gọi là đời sống tông đồ ‘Vita apostolita’), tự nó lại chẳng phải là một sự tô điểm cho việc rao giảng Tin Mừng đó sao ? Quan niệm này là lập trường của nhiều phong trào, tuy nhiên nhiều Công đồng đã coi đó là những phong trào “lạc giáo”. Chúng tôi cũng phải nói rằng những phong trào “lạc giáo” hồi đó lấy hứng khởi từ Tin Mừng và từ chính Chúa Kitô, trong khi đó những nhà giảng thuyết “chính thức”, dù có lập trường chính thống đi chăng nữa, nhưng lại có cuộc sống xa lạ với Tin Mừng, thậm chí ngay cả bề ngoài, và mang đậm dấu ấn phong kiến trưởng giả. Nhiều phong trào Tin Mừng xuất hiện, nhất là ở Pháp, Ý, Đức và Hà Lan (những nước giàu có thời đó) đều có chung một điểm (dù rằng những phong trào này độc lập với nhau) : sống Tin Mừng một cách triệc để – không thoả hiệp. Linh đạo đặc trưng của những phong trào này là rất mực đề cao nhân tính của Chúa Giêsu : bước theo một Đức Giêsu nghèo khó. (Những phong trào này phát sinh do ảnh hưởng của phong trào khổ tu Xi-tô và do cuộc canh tân của đức Grêgôriô)
Cũng vào thời điểm này, lối sống chiêm niệm Đông phương cũng gây nên một ảnh hưởng lớn (do những nhà thập tự chinh và các người buôn vải du nhập về). Tình thế càng trở nên nghiêm trọng hơn khi những phong trào Tin Mừng tiếp cận với những phong trào nhị nguyên Đông phương. Các phong trào này lan sang phương Tây qua vùng đất Slơ-va thuộc châu thổ sông Danub, và chúng ta vẫn quen gọi là lạc giáo Cathars ; tên gọi này được dùng chung cho cả nhóm ngộ đạo và nhóm theo xu hướng nhị nguyên. Kết quả là toàn bộ những phong trào Tin Mừng càng bị Giáo hội nghi ngờ nhiều hơn. Vấn đề đặt ra là làm sao giữ được những phong trào Tin Mừng này vẫn thuộc về Giáo hội đồng thời huy động được nó để chống lại lạc giáo. Chúng ta phải xem xét hiện tượng Đa Minh dựa trên hậu trường lịch sử của tất cả những phong trào phục hưng Tin Mừng này, là những phong trào bên lề Giáo hội cơ chế. Không phải chỉ một mình cha Đa Minh nhìn ra vấn đề này. Đức Innocentê III, giám mục Điêgô, và thánh Phanxicô Assisi đều nhìn ra vấn đề này. Với óc thực tế bén nhậy, cha Đa Minh đã thảo ra một kế hoạch. Cha thấy tiềm năng khổng lồ cho việc sống Tin Mừng đã vuột khỏi tay Giáo hội. Dù đã được đào luyện để sống đời linh mục theo lối kinh sĩ truyền thống, thánh Đa Minh lại rất cảm thông với những người dám khởi xướng thể nghiệm mới này. Đồng thời cha cũng thấy được nguyên nhân tại sao những người này hoặc trở thành lạc giáo, hoặc lại được sát nhập vào truyền thống đan tu (chẳng hạn phong trào premonstratesians). Người đã muốn những phong trào mới này trở thành dạng thức thay thế cho những lối sống Tin Mừng trong Giáo hội. Người muốn những phong trào này “sống như người lạc giáo”, nhưng “giảng dạy như Giáo hội”.
Phong trào sống Tin Mừng phải là một thách đố trong lòng Giáo hội, hay nói khác đi, nó phải là phong trào của Giáo hội chứ không phải một giáo phái. Lối nhìn của thánh Đa Minh càng gần với thực tế khi người tìm ra lối giải quyết bằng cách kết hợp vào trong một thể chế duy nhất, một bên là việc giảng thuyết mang tính tông đồ (đó là một lối giảng thuyết nhằm đáp ứng nhu cầu loan báo Tin Mừng được Đức Giáo hoàng và hàng giám mục hậu thuẫn) và một bên là lối sống tông đồ (theo chân Chúa Kitô như các thánh tông đồ xưa). Thánh nhân đã kết hợp hai vấn đề mà Công đồng Latran IV đã xem xét cách riêng rẽ. Trong Công đồng này, các nghị phụ đã không cho phép thành lập một Dòng tu nào mới và cấm rao giảng nếu chưa được phép, điều này xem ra đi ngược lại với những quan điểm riêng của đức Inôxentê III. Về phần cha Đa Minh, người đã kết hợp những tinh hoa của truyền thống đan tu với những đường hướng nền tảng của những phong trào lạc giáo đang nở rộ khắp châu Âu để hình thành nên một lối rao giảng Tin Mừng khả tín, đòi hỏi người rao giảng phải có một cuộc sống xứng với Tin Mừng. Như vậy, thánh nhân đã phá vỡ cơ cấu phong kiến của lối sống đan tu cổ điển để tạo nên một nếp sống tu trì mới –dòng Anh Em Giảng Thuyết. Thế là, bản hiến pháp tiên khởi ra đời phần lớn dựa trên những yếu tố của những dòng đan tu truyền thống đặc biệt là dòng thánh Norbertô và dòng Xitô (vào thời điểm đó, bản hiến pháp của hai Dòng này là tuyệt vời nhất). Tuy nhiên, cha Đa Minh và các anh em tiên khởi của người đã thay đổi một vài yếu tố sao cho phù hợp với mục đích của Dòng : tông đồ du thuyết. Thế là một tinh thần mới đã được thổi vào những gì là cách tân của thời đó : những phong trào sống Tin Mừng bằng con đường cảm nghiệm đã đi theo cùng một hướng nhìn với Giáo hội.
Thánh Đa Minh có được tinh thần này là nhờ tiếp xúc với nhiều nhóm lạc giáo ở miền Nam nước Pháp, bao gồm nhiều hạng người. Song cũng như trên, với cơ cấu của Dòng, thánh Đa Minh đã không đặt nặng thế ổn định về mặt kinh tế (một nguyên tắc cơ bản của cơ chế đan viện đương thời). Dựa trên tinh thần phê phán tích cực, thánh Đa Minh đã tấn công vào thành trì của hệ thống phong kiến (trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội). Hơn nữa, sự kết hợp yếu tố chiêm niệm đan tu với việc thuyết giảng lưu động tạo nên một nền tảng mới khác với truyền thống vốn có của đời sống đan viện. Ý tưởng mới về “cơ chế công quyền” (một kiểu tổ chức đặc thù) được đem áp dụng vào thể chế tu trì của Dòng : quyền bính áp đặt từ trên xuống theo lối quân chủ không còn lý do tồn tại nữa mà thay vào đó là một lối quản trị dân chủ. Lạ lùng thay, tính dân chủ trong lối sống Tin Mừng của cha Đa Minh đã được du nhập vào những cơ cấu thế tục, đặc biệt là những cấu trúc dân chủ của giai cấp tư sản đang hình thành ở thời Trung cổ.
Bằng những “sợi chỉ” đan xen đó, cha Đa Minh đã dệt lên một tấm vải mới, một kế hoạch tu trì mới. Như thế, dòng Đa Minh đã được khai sinh từ đoàn sủng của việc kết hợp những gia sản tinh thần chọn lọc từ truyền thống đan viện cổ và lối sống kinh sĩ với sự thể nghiệm đời sống tu đức theo hướng “cách tân” của thế kỷ XIII. Thánh Đa Minh đã rất nhạy cảm một đàng với những giá trị của đời sống tu trì xưa và đàng khác với những viễn cảnh đầy hứa hẹn về đời sống tâm linh, khởi phát từ những thể nghiệm mới trong thời đại của người. dòng Đa Minh đã được khai sinh từ đặc sủng với “hai chiều kích” này. Tôi muốn nói đây là “Gratia originalis”, đặc sủng khởi thuỷ của Dòng.
Bởi thế linh đạo Đa Minh trước tiên có thể được định nghĩa như là một linh đạo dựa trên những suy cứu về gia sản do những truyền thống tu trì xưa để lại, đồng thời và nắm bắt một cách có chọn lựa theo hướng tích cực những vận hội mới do hoàn cảnh mang lại. Vì thế linh đạo Đa Minh không thể là chuyện tái diễn lại y nguyên những gì mà các bậc tiền bối đã làm một cách vẻ vang, cũng chẳng phải là chạy theo cách mù quáng những “phong trào mới” (dù là tâm linh hay chính trị) đang diễn ra trong thời đại chúng ta. Với cha Đa Minh, vấn đề chính là truy tìm chân lý. Trong thâm tâm, cha thánh hoàn toàn ủng hộ những thể nghiệm tông đồ mới của việc rao giảng kết hợp với đời sống khó nghèo, nhưng vì ghi nhận những thành quả tốt đẹp mà những lối sống tu trì xưa đã để lại, người đã tuân thủ vô điều kiện những đường hướng về việc canh tân đời sống linh mục và tu trì mà Công đồng Latran (1215) đã vạch ra. Đặc sủng của người thể hiện ở hai khía cạnh : xét về mặt cấu trúc, người đã phối kết được hai đường hướng chỉ dẫn riêng biệt ; và như vậy, xét như một đóng góp cá nhân, người đã đẩy mục tiêu của Công đồng đi xa hơn.
Dựa trên nét căn bản của nền linh đạo được diễn tả trong Hiến pháp tiên khởi, người ta có thể hiểu được lịch sử tiến triển của nền linh đạo này. Hiến pháp đã tiếp nhận những đổi thay của lịch sử, những sự kiện chồng chéo, những yếu tố mới vào cốt lõi của linh đạo Đa Minh. Chẳng hạn Hiến pháp năm 1221-1231 quy định các tu sĩ không được đọc sách của các tác giả ngoại giáo (ám chỉ những sách của Aristốt), của các triết gia (ám chỉ những sách của triết gia Ảrập, được coi là khuynh hướng cách tân của thời Trung cổ), các tu sĩ lại càng không nên nghiên cứu những môn khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ 20 năm sau đó, thánh Albêtô và thánh Tôma Aquinô coi việc nghiên cứu các khoa học phần đời và đọc các sách triết học của các tác giả ngoại giáo là điều kiện cần thiết để đào tạo tinh thần tông đồ thích hợp với tu sĩ Đa Minh. Như vậy, dựa trên linh đạo Đa Minh đích thực, hai vị thánh này đã dám đi ngược lại một điều khoản trong bản Hiến pháp Đa Minh mà các anh em tiên khởi đã viết ra, và như thế là cũng đi ngược lại với những gì chính thức được coi là “linh đạo Đa Minh”. Được khởi hứng từ những gì thánh Đa Minh đã thực thi trong thời đại của người, hai vị đã thực hiện ý tưởng của mình thành công đến nỗi điều khoản Hiến pháp cũ này đã bị Tổng hội bãi bỏ ; hơn nữa, bản Hiến pháp sau đó còn coi thánh Tôma như là một “đại sư biểu”. (Cha Raymond Penafort đã thiết lập những trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ Ảrập ở vùng Nursia và Tunis). Đây quả là một bước tiến mang tính Đa Minh đúng nghĩa, theo đúng tinh thần của một Đa Minh đã cố gắng nối kết “quá khứ” với những “tiềm năng mới của tương lai”. Chính điều này cũng đã ngầm chứa một nguy cơ mới là sau này thánh Tôma rất có thể sẽ không còn là ngọn hải đăng chỉ hướng đến tương lai và có thể trở thành một thứ lằn ranh không thể vượt qua. Nếu như hậu duệ Đa Minh không dệt được sợi chỉ đỏ đan kết vào câu chuyện của Dòng, thì e rằng linh đạo Đa Minh sẽ có nguy cơ bị tàn lụi. Vấn đề còn tệ hại hơn nữa, nếu như dựa trên một thứ linh đạo Đa Minh “bất di bất dịch” – một điều mâu thuẫn ngay trong tên gọi – người ta lại nhắm mắt loại bỏ những thử nghiệm mới, coi đó như “nguỵ thư” ; thế mà chính những thử nghiệm đó đang đi theo đúng quỹ đạo của linh đạo Đa Minh đích thực. Những thời khắc vĩ đại nhất trong lịch sử dòng Đa Minh, đó là những lúc câu chuyện Dòng xem ra đi ngược lại với lịch sử, những lúc có những sợi chỉ liên kết đan vào tấm vải : cha Đa Minh, thánh Albêtô và thánh Tôma, chân phước Savonarola, tôn sư Eckhart, cha Las Casas, Lacordaire, Lagrande, Chenu, Congar… và còn nhiều gương mặt khác nữa. Tuy nhiên, thời kỳ của các vị này cũng đồng thời là những khoảng thời gian mà anh em đôi khi gặp phải khó khăn với chính câu chuyện của gia đình Đa Minh đã được thiết định ; đó là khi bằng một cách thức rất “phản Đa Minh” người ta từ chối không dệt những sợi chỉ mới đó vào câu chuyện của Dòng. Chúng ta không phủ nhận giá trị căn bản, nhờ đó tất cả chúng ta được sự nâng đỡ của nhiều anh em Đa Minh vô danh đã sống thành công đời sống Đa Minh trong âm thầm, (dù trong âm thầm, nhưng họ gây ra những ảnh hưởng lớn và tạo nên những sợi chỉ mới cho câu chuyện Dòng). Tuy nhiên, đời sống đó chỉ là một đời sống Đa Minh đặc trưng khi mà, theo gương cha thánh, anh em Đa Minh nắn đúc lại “cái cũ” đồng thời phối hợp nó với tính năng động của các hình thái luôn mới mẻ và đa dạng. Nếu không xảy ra như vậy vào lúc này hay lúc khác trong lịch sử của Dòng thì sẽ có nguy cơ là mối bận tâm truy tìm chân lý vốn là đặc tính tiêu biểu của anh em Đa Minh sẽ bị bêu diếu trong một toà tra và “nhiều tiềm năng Đa Minh mới” sẽ bị loại trừ. Những tiềm năng này trổ sinh ngoài Dòng. Tôi không muốn gộp câu chuyện ảm đạm này, cũng là một phần câu chuyện của Dòng, vào sợi chỉ xuyên suốt của câu chuyện gia đình Đa Minh. Bởi lẽ câu chuyện của Dòng hầu như lúc nào cũng sẵn sàng tiếp nhận thêm những sợi chỉ đan xen. Và những sợi chỉ mới này đảm bảo cho sự liên tục của Dòng. Lịch sử của những sợi chỉ đan xen chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt câu chuyện gia đình Đa Minh. Nó được dệt vào một tổng thể rộng lớn hơn và cũng an tịnh hơn. Chuyện thánh Inhaxiô Loyôla bị giam giữ trong một tu viện Đa Minh nào đó vì người đã gây sốc cho những người đương thời bằng một đặc sủng mới là một trong những câu chuyện cho thấy “linh đạo Đa Minh” đi ngược lại với chính mình một cách thật tệ hại ; ngày nay đã rõ là hành động như vậy chính là phạm phải sai lầm của thứ chủ nghĩa “lấy thịt đè người”, rất trái ngược với tinh thần Đa Minh. Hay nói cách khác, đó là những thời điểm tiêu biểu, mà những người Đa Minh đã mất đi căn tính ; họ dựa trên lập luận cố hữu của mình, họ đã chụp mũ cho những sợi chỉ mới “khác hệ” là tà thuyết. Những hình thái luôn luôn mới, là những hình thái mà linh đạo Đa Minh phải thâu nạp sao cho ăn khớp với câu chuyện nền tảng của Dòng ; những hình thái đó sẽ xuất hiện thậm chí còn rõ ràng hơn nữa, chính qua những thời điểm mà chúng ta đã thất bại trong quá khứ.
Cái cốt lõi của linh đạo Đa Minh đó là chú tâm nhận biết Thiên Chúa như Người đã tự biểu lộ cho chúng ta trong quá khứ và cẩn thận lắng nghe những dấu chỉ của thời đại hôm nay, qua đó, cũng một vị Thiên Chúa trung tín vẫn luôn mời gọi chúng ta dấn thân theo Người. Bất kỳ lối suy nghĩ một chiều nào, tức là lối phê phán phiến diện, thiếu suy xét hoặc đối với quá khứ hoặc đối với dấu chỉ cho tương lai thì đều không phải là tinh thần Đa Minh. Thánh Đa Minh đã đón nhận hiện tại với những tiềm năng thử nghiệm của nó, và bắt cái hiện tại này phải đối chất với “hồi ức nguy hiểm” về một số biến cố hay di sản nào đó đến từ quá khứ ; nhưng đồng thời người cũng mở toang toàn bộ quá khứ và đặt lên đó dấu chứng của cái hiện tại đang được cảm nhận như một sự đổi chiều. Chính từ thái độ này mà Dòng đã khai sinh. Cái “tinh tuý” của linh đạo Đa Minh là ở chỗ đó. Hiện diện trước nhan Chúa và hiện diện trước thế giới (theo kiểu nói của cha Lacordaire) diễn tả bản chất đích thực của linh đạo Đa Minh xuyên suốt lịch sử của Dòng. Và có lẽ cả ngày nay nữa, khi hồi niệm lại những sự kiện tôn giáo trong quá khứ, chúng ta sẽ thấy rõ rằng, sự hiện diện trước thế giới hay sự liên đới mang tính phê phán với thế giới nhân sinh là cách thế duy nhất để ta có thể diện diện trước Thiên Chúa. Đồng thời, quan điểm này cũng cho thấy cần phải có một hồi ức mang tính phê phán về quá khứ tôn giáo trong đó cũng một sự hiện diện trước Thiên Chúa luôn luôn được bày tỏ trong sự bắt nhịp được với những gì đang là dấu chỉ thời đại.
Tính “hiện đại” của Đa Minh dựa trên những phản tỉnh về quá khứ. Sau một giấc ngủ triền miên kéo dài nhiều thế kỷ, cha Lacordaire và Bề trên Tổng quyền Jandel là những người đầu tiên trong thế kỷ XIX đưa dòng Đa Minh trở về đặc sủng ban đầu và đưa Dòng thoát khỏi não trạng duy truyền thống vốn kéo theo một thứ “trật tự bất di bất dịch”. Danh xưng Lacordair cũng đồng nghĩa với việc Dòng tái khám phá lại chính mình. Vì phong trào Lacordaire đã được nuôi dưỡng nhờ đặc sủng ban đầu của Dòng, và vì thế một lần nữa lại khơi lên vấn đề “linh đạo Đa Minh”.
Từ đó, chúng ta có thể rút ra vài nét đặc trưng của linh đạo Đa Minh :
1 - Tin tưởng vào tính ưu việt tuyệt đối của ân sủng Thiên Chúa trong bất cứ hành động nào của con người : chẳng hạn, những định hướng thần học của đời sống Đa Minh, và những chương trình hành động liên hệ tới luân lý, thế giới, xã hội và việc thăng tiến con người. Không nên lúc nào cũng lo lắng đến bản thân nhưng hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa : Tôi tín thác vào Thiên Chúa hơn là vào chính bản thân. Từ đó đưa đến một lối linh đạo thanh thản và hạnh phúc. Thiên Chúa vẫn tạo nên một tương lai bất ngờ từ những hành động giới hạn của chúng ta.
2 - Đời sống tu trì dưới ánh sáng của Tin Mừng (vita apostolica) là môi trường sống mà trong đó người Đa Minh là nhà tông đồ qua những hình thức giảng thuyết đa dạng. Cứu độ các linh hồn là mục đích của mọi hoạt động của Dòng. Từ đó nảy sinh châm ngôn sống “chiêm niệm và thông chuyển cho người khác những điều đã chiêm niệm”. (Tức là cần có sự nhất quán giữa lời giảng và lối sống ; ở đây, thánh Tôma đối chiếu đặc tính của những tu sĩ khất thực với đặc tính của các dòng khác, và đồng thời nối kết đặc tính này với đức khó nghèo : trở nên tự do với của cải). Quan niệm chung này càng trở nên đặc trưng hơn khi dòng Đa Minh coi việc học hành như là yếu tố chính trong lối sống Tin Mừng của Dòng. Yếu tố này không phải là nét đặc trưng của những phong trào Tin Mừng thời Trung cổ. “Học hành không phải là mục tiêu của Dòng, nhưng là phương thế chính phục vụ cho công việc loan báo Tin Mừng. (Cha Humbertô viết như vậy khi chú giải Hiến Pháp). Do ít học mà nhiều phong trào Tin Mừng không mang lại hiệu quả. Hơn nữa, khi các trường Đại học tăng cường yếu tố nghiên cứu theo phong cách hàn lâm, thì đồng thời cũng trở thành trung tâm thu hút và tập trung các nhà trí thức, chứ không phải là các giáo phận như trước kia nữa. Nhận thấy điều này, thánh Đa Minh đã đưa việc học hành thành yếu tố mang tính thiết chế trong cơ cấu của Dòng. Người không muốn thành lập bất kỳ một tu viện nào mà ở đó chưa có lấy một “tiến sĩ thần học”, và mỗi tu viện phải là một “trường thần học” ; tức là nơi “thường huấn”. Lối phân biệt giữa tu viện học hành và tu viện mục vụ là một lối phân biệt phản Đa Minh. Mỗi tu viện phải có cả hai công việc đó. Thánh Tômas đã ra công bảo vệ một thể chế tu trì được “thành lập để học tập”.
3 - “Linh đạo Giêsu” của Dòng – tức dựa trên “nhân tính của Chúa Giêsu”. (Thánh Albêtô, thánh Tôma, tôn sư Éckha, Tauler, Susô đã trực tiếp nối kết linh đạo này với lòng sùng kính mà anh em Đa Minh dành cho đức Maria và thánh cả Giuse) nhưng nhân tính này được cảm nhận như là một sự thông ban niềm vui mà Thiên Chúa đích thân biểu lộ cho con người - là chính tâm điểm của linh đạo và trường phái thần bí Đa Minh mà không thiên về bất kỳ một hình thức sùng mộ kéo theo nào. Cùng với các đặc tính linh đạo khác, thì đây là một đặc tính tiêu biểu của dòng Đa Minh trong thế kỷ XII.
4 - Hiện diện trước thế giới (tức đặc sủng lắng nghe thời đại, như cha Lacordaire đã nói) : luôn luôn mở lòng ra với những đặc sủng mới do các hoàn cảnh khác nhau gợi lên. Vì thế, cần tránh những hệ thống cơ cấu cứng nhắc, gò bó, và thay vào đó là những cơ chế dân chủ, uyển chuyển, những cơ chế mà người Đa Minh có thể mở lòng đón nhận sự xuất hiện của những câu chuyện mới cho dù nó có gây khó chịu. Đây cũng là nét đặc trưng của Dòng, đó là anh em Đa Minh chưa bao giờ xin đức Thánh cha chuẩn y Hiến pháp Dòng. Có như vậy, người Đa Minh mới có thể thích ứng với những hoàn cảnh mới.
5 - (Rút ra từ đặc trưng thứ 4). Từ thời thánh Albêtô và thánh Tôma, linh đạo Đa Minh thêm phần phong phú nhờ vào việc ứng dụng nguyên tắc Kitô giáo về việc thế tục hoá vào trong những hướng đi tự bản chất mang tính Tin Mừng và tôn giáo (ban đầu Dòng bác bỏ nhưng sau lại chấp nhận nguyên tắc đó). Điều này trước tiên đưa người ta đến việc tìm hiểu sự vật (vật thể, mối tương quan liên vị, xã hội) trong bản chất và cơ cấu nội tại của chúng hơn là vội vàng xác định tương quan của chúng với Thượng đế. Vào thời hiện đại, điều này đã đem lại những tác dụng rất lớn nếu đem đối chiếu với những hình thức thần bí giả hiệu nhìn mọi sự dưới lăng kính siêu nhiên ; những hình thức này sớm muộn gì cũng lộ ra như một cảm thức tự tôn đội lốt lòng mộ đạo.
Thoạt tiên, Dòng đã phải lao đao mới đưa được “những nguồn tự nhiên” vào lời rao giảng của người Đa Minh. Thái độ thâm căn cố đế của các đan sĩ trong việc loại bỏ các “khoa học đời” vẫn còn có ảnh hưởng dù điều này đã bị chế giảm bởi nguyên tắc chuẩn chước trong dòng Đa Minh. Những tu sĩ Đa Minh tiên khởi là những người “chống đối triết học” (điều này đưa đến nguy cơ rao giảng một Tin Mừng theo hướng duy siêu nhiên). Cuốn “Vitae Fratrum” đầy chất “thánh thiện ngây thơ”. Thánh Tôma và thánh Albêtô đã sửa đổi đường hướng này, thánh Albêtô đã tranh luận gắt gao với người anh em của mình. Họ là những người một lần nữa muốn lên án tử cho triết gia Socrate. Cuộc tranh luận liên quan đến những hệ luận của việc truyền giảng Tin Mừng toàn diện, mà với thánh Tôma và thánh Albêtô điều đó phải được minh giải rạch ròi không theo kiểu vu vơ được. Trong Tổng hội diễn ra ở Valencia năm 1259, ý tưởng của hai vị đã được chấp nhận : các môn khoa học đời đã trở thành các môn học bắt buộc trong Dòng.
6 - Những yếu tố khác : đọc kinh Thần vụ, giữ kỷ luật tu trì, sống đời sống cộng đoàn là những nét của đời sống tu trì nói chung, và theo nghĩa đó chúng không phải là những nét đặc trưng của Đa Minh. Đó là “hồi ức nguy hiểm” về quá khứ đan tu và kinh sĩ mà thánh Đa Minh không ngừng diễn tả nó cho phù hợp với chương trình tu trì và tông đồ mới, dù với một thể thức có cân nhắc, thu hẹp và khiêm tốn hơn.
7 - Luật chuẩn chước (lịch sử của nó bắt nguồn từ thánh Đa Minh) là tôn trọng đặc sủng riêng của từng tu sĩ trong cộng đoàn Đa Minh, nhưng phải phù hợp với mục đích của Dòng. Hẳn nhiên, đây là một luật cực kỳ nguy hiểm, nếu như bị lạm dụng thì hậu quả sẽ khôn lường. Tuy nhiên, cha thánh thà rằng đánh liều còn hơn là khước từ ý nghĩa nhân bản và Kitô giáo của luật chuẩn chước. Việc đặt luật chuẩn chước thành một nguyên tắc chung là một khám phá hoàn toàn mới của dòng Đa Minh trong thời Trung cổ. Dù chuyên chú vào việc học hành để phục vụ phần rỗi tha nhân hay miệt mài với công tác tông đồ, nghịch lý thay, bạn luôn có thể là một tu sĩ Đa Minh mà không cần ai giám sát.
Điều này giả thiết rằng các anh em đã phải được đào luyện để trở thành những người Đa Minh thực sự. Khi đó, chuẩn chước không được hiểu là đi ra ngoài luật lệ ; trái lại, nó là một khoản luật hiến định của Dòng. Sự rập khuôn là một điều xa lạ với Hiến pháp nguyên thuỷ của Dòng. Thậm chí ngày nay, nguyên tắc khởi thuỷ này của Dòng vẫn mở ngỏ đón nhận mọi thử nghiệm mới, dù cho một số thử nghiệm có thể gây “sốc” cho một số anh em vốn đã quen với một linh đạo “đã được thiết lập”. Tuy nhiên, những cuộc thử nghiệm này luôn cần phải xảy ra từ trong lòng “hồi ức nguy hiểm” về một truyền thống đã kéo dài nhiều thế kỷ. Truyền thống này luôn dự báo những viễn ảnh thường trực đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Chẳng vậy, những thử nghiệm sẽ thất bại về mặt tôn giáo.
Dù có vô số những ví dụ minh hoạ cho đặc trưng này trong văn khố phong phú của gia đình Đa Minh, tôi chỉ muốn trưng dẫn ra đây một sự kiện trong lần đầu tiên soạn thảo Hiến pháp của Dòng. Các chuyên viên về quản trị cho rằng cơ cấu “dân chủ” của Dòng là hiện tượng độc nhất trong các thể chế đan tu Công giáo. Điều này được hiểu chính xác như là kết quả của một nền linh đạo mang tính đột phá tiêu biểu của Dòng (đi đôi với sự kính trọng các thành quả trong truyền thống). Hiến pháp được “rà soát lại” mỗi khi có một luật gia nổi tiếng từ đại học gia nhập Dòng (chẳng hạn cha Raymond de Penafort). Sự tu chính này khởi từ Tổng hội Bologna. Ngay trước và trong thời gian diễn ra Tổng hội, có những sự phản kháng xã hội nổ ra trong trường đại học và thành phố Bologna, thêm vào đó là các cuộc tranh cãi giữa nhóm Ghibelline (bảo thủ) và nhóm Guelphs (cấp tiến). Các tu sĩ Đa Minh, với vai trò cố vấn, đã bị lôi vào những cuộc tranh cãi này. Tinh thần “đồng trách nhiệm” của mọi người mà đảng cấp tiến đòi hỏi có ảnh hưởng lớn trên Hiến pháp của Dòng. “Điều gì ảnh hưởng tới tất cả mọi người, thì phải được mọi người giải quyết”. Vào thời đó, nguyên tắc dân sự này đã thu hút sự chú ý và được các tu sĩ Đa Minh ủng hộ, sau đó được thừa nhận và đưa vào Hiến pháp của Dòng (do ảnh hưởng và là kết quả của kinh nghiệm dân sự ở Bologna). Kinh nghiệm trần thế này đã gây một ảnh hưởng rất lớn trên Hiến pháp tiên khởi của Dòng. Những phong trào giải phóng xã hội này đã ghi đậm trên Hiến pháp của Dòng, hoàn toàn khác với mô hình quản trị truyền thống đang được hình thành thời đó. Theo gương của cha Thánh, các tu sĩ Đa Minh đã không chỉ giơ tay phản đối hoặc quyết tâm gìn giữ những gì có từ thuở ban sơ, nhưng lắng nghe tiếng Chúa từ những phong trào tiến bộ của xã hội dân sự (dù phải chấp nhận những xáo trộn). Từ những kinh nghiệm này, các anh em đã viết lại một cơ chế đan tu Đa Minh, đúng hai mươi năm sau thánh Đa Minh. Đó là một trong muôn ngàn thí dụ cho thấy “sợi chỉ góc” mà câu chuyện gia đình Đa Minh vẫn tiếp tục trình bày như là “chủ đề ruột” của mình trải qua bao thế hệ.
Tôi mới chỉ nêu ra một số rất ít nét đặc trưng của dòng Đa Minh, và còn nhiều điều có thể trình bày nữa. Hơn nữa, thiết tưởng tôi phải khẳng định rõ ràng rằng không phải chỉ những người Đa Minh mới làm như vậy. Trong trường hợp này, linh đạo Đa Minh có thể phấn khởi mà nói rằng : như thế lại càng hay ! Chúng ta chẳng cần phải lo gìn giữ tính độc quyền của linh đạo này. Là tu sĩ Đa Minh, vấn đề đặt ra là lúc này chúng ta phải làm gì trong bất cứ hoàn cảnh nào theo đoàn sủng của Dòng và sự cam kết của lời khấn. Nếu như người khác cũng làm như vậy, thì chúng ta có thể yên tâm khẳng định về tính đúng đắn của linh đạo chúng ta. Nếu một quan niệm đặc thù trở nên phổ biến, thì nó chẳng mất đi giá trị ; ngược lại là đàng khác.
Thánh Đa Minh, một người đã từng sống như một kinh sĩ theo tu luật thánh Âu Tinh, nhưng đang khi vẫn tín nhiệm thiên hướng ban đầu, đã đưa ra một hành trình mới (khởi đầu cho dòng Đa Minh) nhờ việc tiếp xúc sống động với những nhu cầu của con người và Giáo hội, mà trước đó người đã chẳng nhận ra. Chẳng ai có thể trách người Đa Minh là đã phản bội lại với ơn gọi ban đầu. Chuyện thay đổi hành trình của thánh nhân chỉ là đưa ra một lối sống mới (để bắt nhịp được với những gì mà thánh nhân cho là những khả thể tốt đẹp hơn) nhờ đó người vẫn giữ được lòng trung thành với cảm nhận sâu xa về ơn gọi của mình đang khi phải đối diện với những nhu cầu mới. (Theo những nhà sử học, thánh nhân cảm động đến rơi lệ khi thấy những nhu cầu của tha nhân. Thánh nhân đã khao khát, một niềm khao khát kéo dài trong suốt cuộc đời là được đi đến Cumani, một vùng ở Balkans, nơi giao lộ từ Đông sang Tây của lạc giáo theo phái nhị nguyên). Từ sự đổi thay kỳ diệu trong tín thành đó, mà Dòng đã hình thành. Sự đổi thay trong tính thành đó là một yếu tố của đoàn sủng Đa Minh.
Chẳng có một thần học gia, luật gia, tâm lý gia chuyên nghiệp hay nhà xã hội học nào từ bàn giấy của mình có thể đề ra những điều chúng ta phải hành động bây giờ. Điều này phải được dò dẫm bằng những trải nghiệm cụ thể, bằng những ý thức tôn giáo được khơi gợi thông qua những đoàn sủng mới, dù phải luôn nhớ đến yếu tố đan xen đôi khi khá hiểm nghèo – tức sợi chỉ vàng - trong câu chuyện của gia đình Đa Minh chúng ta. Có như vậy, chúng ta mới biết nhận định và xem xét lại những thành quả của quá khứ và làm cho chúng sinh hoa trái trong những chương trình mới. Cùng với thánh Tôma, vị thánh theo sát óc thực tế và khí chất đặc biệt của thánh Đa Minh, chúng ta có thể nói rằng “điều tuyệt hảo của một thể chế tu trì sẽ không hệ tại ở tính chặt chẽ của lề luật, mà hệ tại sự kiện khéo léo này là các luật lệ đó được soạn thảo một cách uyển chuyển nhằm đáp ứng được mục đích của đời sống tu trì”. Trong thời đại hôm nay, điều này đòi hỏi chúng ta phải có một quyết định mới và chín chắn trong đó bất luận là bề trên hay bề dưới có sự liên đới trách nhiệm để cho chính hệ thống cơ cấu luôn mở ngỏ đón tiếp những sợi chỉ mới.
Vấn đề này là trách nhiệm của chúng ta. Vì trong lời khấn, chúng ta đã chọn lựa sống trong một cộng đoàn cụ thể, một cộng đoàn Đa Minh với những lý tưởng riêng. Có thể có những sai phạm, những thiếu sót trong cộng đoàn đó (hoặc do phản bội lại câu chuyện của gia đình Đa Minh, hoặc do câu chuyện đó không có đất sống, hoặc bị lỗi thời, hoặc chết trong cộng đoàn ấy). Những sai phạm và thiếu sót đó có thể sẽ khiến cho những tu sĩ đã khấn, do muốn trung thành với lý tưởng Đa Minh vẫn ôm ấp, đành phải từ bỏ cộng đoàn theo sự thúc đẩy của lương tâm (hoặc đến khi phải buộc phải ra khỏi Dòng) bởi vì cộng đoàn đó đã không mang lại cho họ sự trợ giúp mà họ có quyền được hưởng do hiệu lực của lời khấn. Thật là nguy hiểm và nghịch lý khi mang nhãn hiệu Đa Minh, nhưng lại chẳng sống trong “đoàn sủng Đa Minh”.
Câu chuyện gia đình Đa Minh vẫn gợi cho chúng ta những ý tưởng thích hợp nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa qua những dấu chỉ thời đại hầu làm phong phú và kéo dài câu chuyện đó bằng một chương mới tiếp theo. Nhiều người nghĩ rằng câu chuyện gia đình Đa Minh đang đến giai đoạn kết, chẳng còn mấy ai cảm nhận được vẻ hấp dẫn của nó. Những người Đa Minh hôm nay, nam cũng như nữ, là những người có thể tạo ra một bước chuyển để rồi câu chuyện đó tiếp tục triển nở (chứ không còi cọc), và rồi những người khác đến lượt mình lại tiếp tục gia nhập vào một cộng đoàn Đa Minh và lại tiếp tục câu chuyện này. Chúng ta có thể thoải mái lưu truyền những câu chuyện dân dã mà mỗi Dòng đều có bên cạnh câu chuyện vĩ đại : những câu chuyện dân dã này chỉ đơn giản cho thấy một điều là câu chuyện vĩ đại của gia đình Đa Minh đã được gầy dựng và kể lại bởi những con người hết sức bình dị, mặc dầu họ đã vượt lên trên chính mình nhờ vào sức mạnh của ân sủng nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên sẽ thật tai hại cho câu chuyện của gia đình Đa Minh nếu như câu chuyện vĩ đại cuối cùng lại bị thu hẹp và giảm thiểu thành câu chuyện về những sự tích dân dã gắn liền với những cộng đoàn tu viện.
Tôi e rằng tôi đã nói quá nhiều mà chẳng chuyển tải được bao nhiêu, nhưng cũng có thể quá ít. Có lẽ đây là điều rất phù hợp cho một chương mà lúc này đây chúng ta đang thêm vào câu chuyện của đại gia đình Đa Minh. Tôi hy vọng rằng nó sẽ trở nên câu chuyện nhiều tập sống dai hơn những bộ phim đang trình chiếu trên truyền hình nhưng vô phương làm thay đổi cục diện thế giới. Mong sao những câu chuyện của gia đình Đa Minh sẽ trở nên những dụ ngôn không diễn tả bằng ngôn từ nhưng hấp dẫn và được kết bằng những lời của Chúa Giêsu : “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37)
Vào năm 1206, trước khi có ý định lập Dòng, cha thánh đã thành lập một đan viện ở Prouille. Tuy nhiên, mục đích thành lập thì không khác mục đích của Dòng sau này : cha Đa Minh muốn đưa phong trào tu sĩ sống Tin Mừng (mà có cả người phụ nữ tham gia) thành một phong trào của Giáo hội nghĩa là đưa Tin Mừng vào Giáo hội và đưa Giáo hội đến với những phong trào Tin Mừng của các giáo phái. Rao giảng Tin Mừng mà không có Giáo hội, hoặc Giáo hội mà không có Tin Mừng thì tự bản chất đi ngược lại với tinh thần Đa Minh, đi ngược lại với đặc sủng mà từ đó Dòng được thành lập.
Vào thời đại thánh Đa Minh, những hứng khởi Tin Mừng hầu hết xuất hiện trong những phong trào “lầm lạc”. Vì vậy, thánh Đa Minh đã rao giảng giữa những người lạc giáo. Cha đã tuyển một số chị em theo lạc giáo (trong số họ, những người mệnh danh là ‘người công giáo nghèo’ thì còn theo giáo lý chính thống), quy tụ lại và sống ở Prouille. Người đã đem đến một bầu khí Giáo hội cho Tin Mừng mà trước đó họ đã cảm nghiệm khi ở “ngoài Giáo hội”. Năm 1219, thánh nhân thành lập nữ đan viện ở Madrid, và Roma (thánh Sisto) và đã viết Hiến pháp cho các chị em, về sau Hiến pháp này là cơ sở cho Hiến pháp của Dòng. Sau nhiều trở ngại, tu viện thánh Agnese cũng được thành lập ở Bologna dưới sự yểm trợ về tài chính của cô gái 18 tuổi tên là Diana of Andalo (sau là bạn của Bề trên Tổng quyền thứ hai của Dòng, Jordan), nhưng chỉ sau khi thánh Đa Minh qua đời tu viện này mới được thành lập.
Tuy nhiên, có một điều rất đáng ghi nhận, đó là vào những ngày cuối đời của thánh Đa Minh, nhất là sau khi người qua đời, hầu hết anh em đều chống đối lại chuyện sát nhập các các đan viện mới vào Dòng. Sự phản ứng này đã dẫn đến nhiều bất đồng giữa anh em và các đức Thánh cha mãi cho đến năm 1259. Từ những tư liệu lưu trữ, chúng ta thấy rõ sự phản ứng này nảy sinh từ chính mục đích của Dòng : việc chăm lo cho các chị em sẽ làm cho công việc rao giảng Tin Mừng bị lu mờ đi. Đặc biệt, Tổng hội diễn ra ở Paris năm 1228 cấm tất cả tu sĩ Đa Minh đảm trách việc mục vụ và linh hướng cho các đan viện (trừ bốn đan viện lớn đầu tiên), nếu vi phạm sẽ bị trục xuất khỏi Dòng. Tuy nhiên, miền Bắc Âu, sự phát triển của phong trào Đa Minh đã tiếp cận với nhiều phong trào Tin Mừng lớn mạnh của nữ giới ở đây ; bỗng chốc hầu hết đều trở thành thành viên Đa Minh (một số theo dòng Phanxicô). Chỉ sau một thời gian, có tới hàng trăm tu viện, mỗi tu viện có hơn 100 nữ tu Đa Minh. Trước đó chẳng có ai trù liệu chuyện này, mà đây chỉ là hệ quả ngẫu nhiên của sự gặp gỡ giữa việc giảng thuyết Đa Minh và những phong trào Tin mừng của nữ giới thời đó. Vì vậy, các tu sĩ Đa Minh nam đã phản đối việc phải chăm lo cho các nữ tu, vì việc này sẽ làm lu mờ đi sứ vụ của Dòng. Nhiều sắc lệnh của các đức Thánh cha yêu cầu Dòng cung cấp những trợ giúp cả về tài chính lẫn tinh thần cho các nữ tu. Vào năm 1252, trong tổng hội Bologna, Dòng đã chống lại những sắc lệnh liên tiếp đó (phần lớn các sắc lệnh do lời thỉnh cầu của các nữ tu ở Roma). Trong một sắc lệnh đề ngày 15-7-1252, đức Innôcentê IV đã chịu nhượng bộ đôi chút : Toà thánh sẵn sàng ngừng ban bố sắc lệnh, nhưng các đan viện hiện có phải được các tu sĩ Đa Minh coi sóc. Tuy nhiên, các tu sĩ Đa Minh đã không chấp nhận điều kiện này, và rồi cuối cùng các vị cũng đã khiến đức Thánh cha phải rút lại quyết định trên. Người đã viết cho anh em như sau : Cha tự nghĩ rằng rao giảng Tin Mừng là nghĩa vụ tiên quyết của người Đa Minh. Mục đích này có thể bị phai nhạt đi vì phải chăm lo cho các tu viện nữ. Nên các anh em không phải lo cho các chị nữa…. trừ hai tu viện Prouille và tu viện thánh Sistô.
Tuy nhiên, các tu viện nữ vẫn cứ nài nỉ đức Thánh cha. Bị đặt vào thế kẹt giữa hai mặt trận của Đa Minh : một bên là các anh em với một bên là các chị em. Đức Thánh cha biết các nam tu sĩ phản đối đúng theo nguyên tắc. Ít lâu sau, Bề trên Tổng quyền Jobannes Teutonicus qua đời (1252), đức Hồng y Hugo a Santo Cara, vốn là tu sĩ Đa Minh và rất quan tâm tới phong trào Tin Mừng của nữ giới, đã được Đức Thánh Cha trao quyền đi dàn xếp với Dòng. Trước tiên, người muốn xua tan sự chống đối của các anh em bằng những “giải pháp ngầm” cho tới khi có bề trên Tổng quyền mới (tức Humberto Romans), anh em tu sĩ ít nhất phải có nhiệm vụ chăm lo về tinh thần cho các chị em. Dòng vẫn không chịu chấp nhận, và đến tổng hội nhóm họp tại Milan vào năm 1255, các nghị huynh đã đề ra giải pháp là : phải cần đến ba Tổng hội liên tiếp mới quyết định được về việc liệu một nữ đan viện có được đặt dưới sự hướng dẫn của các anh em hay không. Giải pháp ban đầu được chấp nhận trong Tổng hội Paris (1256) rồi trong tổng hội Florence 1257, và sau đó trở thành luật của anh em. Năm 1259, một giải pháp cuối cùng được thông qua : các tu viện nữ đã được thành lập có quyền được các linh mục Đa Minh săn sóc về phần thiêng liêng. (Sự kết thúc cuộc chống đối này là kết quả của vai trò trung gian của đức Hồng y thuộc dòng Đa Minh, Hugo a Santo Caro. Người đã kết hợp được quan điểm chính thức của Dòng Đa Minh và quan điểm của chính Hội thánh. Trong Dòng, từ thánh Đa Minh trở đi, tính chất đặc trưng của Dòng thường là sự thoả hiệp giữa đức Giáo hoàng và quan điểm của anh em Đa Minh ; cả hai bên đều biết cách đạt được nhiều điểm chính yếu trong lập trường của mình). Sau 30 năm chống đối, anh em Đa Minh đã phải nhượng bộ. Còn giải pháp đối với những tu viện mới thiết lập vẫn giữ nguyên hiệu lực sau khi đã được ba tổng hội liên tiếp phê duyệt. Sự phối hợp giữa Toà thánh và các chị em nữ tu đã thắng thế. Hơn thế nữa, Dòng lại phải soạn thảo Hiến pháp cho các chị em. Tổng hội năm 1259 nhóm họp ở Valencia, Cha Humberto đã phê chuẩn bản Hiến pháp vốn dựa trên Hiến pháp của anh em nhưng đã được sửa đổi cho phù hợp với các chị em. Anh em cũng phải lo lắng cho các chị em về mặt kinh tế, để các chị em có thể chuyên chú vào đời sống học hành và chiêm niệm (vì nếu để họ tự lo thì các chị em sẽ phải thường xuyên sống trong điều kiện quá túng bấn - đó cũng là kết quả của sự quá tải về nhân số). Mối liên hệ chặt chẽ giữa các anh em và các chị em Đa Minh đã tạo ra một phong trào thần bí Đa Minh. Phong trào này nở rộ trong thế kỷ XIV nhờ vào sự hướng dẫn về mặt thần học và tu đức của anh em và nhờ vào sự hưởng ứng từ phía các chị em (1300-1480). Nạn dịch đen cắt đứt đi sự tiến triển này khi cướp đi mạng sống của hơn một ngàn tu sĩ Đa Minh. Hơn nữa cũng trong thời kỳ này, Dòng bị chia rẽ bởi cuộc ly giáo : Avignon và hai Giáo hoàng.
Sau này, đặc biệt vào thế kỷ XIX, nhiều cộng đoàn chị em được thành lập ngoài Dòng, nên Dòng không có trách nhiệm với họ ; vả lại, cũng không có cộng đoàn nào quan tâm đến linh đạo Đa Minh đúng nghĩa, mà thường theo trào lưu của thế kỷ XIX khởi hứng đi từ những hoạt động bác ái.
Với tư cách là người Đa Minh, chúng ta cần nhớ rằng trong thời đại hiện nay có rất nhiều những sự phát triển mà trong đó chúng ta, những người nam nữ đang cùng nhau tìm kiếm một dạng thức mới cho linh đạo Đa Minh trong một cuộc canh tân đời sống hiện đại sao cho phù hợp với Tin Mừng, và đi chung một nhịp với những thao thức của xã hội. Dù vẫn đang trên đường tìm kiếm, nhưng chúng ta không được phép loại bỏ khả năng này của đời tu Đa Minh. Tinh thần cộng đoàn và sự liên kết giữa các anh chị em có lẽ giúp chúng ta hiểu được phong trào thần bí Đa Minh trong thế kỷ XIV (đỉnh cao của linh đạo Đa Minh). Từ bài học lịch sử của Dòng, chúng ta không được để vuột mất những ân điển mới khỏi tay chúng ta. “Những sự lựa chọn” mới của anh em Đa Minh mà thoạt đầu có vẻ gây xáo trộn lại là những triển vọng cho tương lai và chúng không dễ gì tự mai một ; tuy nhiên, chúng ta vẫn phải để ý tới sự nguy hiểm của những đối chiếu với đời tu trong quá khứ.
【Adward Schillebeeckx】
Hầu hết mọi người đều sống bằng những câu chuyện. Và tôi, tôi sống bằng chính câu chuyện của tôi. Khi trở thành tu sĩ Đa Minh, tôi móc nối câu chuyện đời tôi với câu chuyện của Dòng ; kết quả là, câu chuyện của tôi đã chuyển sang một hướng đi mới, và tôi đã tiếp nối câu chuyện của Dòng theo cách của tôi. Vì vậy, cuộc sống tôi trở nên một phần trong câu chuyện của gia đình Đa Minh : một chương đoạn trong câu chuyện ấy. Qua đó, tôi có được căn tính của tôi. Những câu chuyện của Dòng đã gắn kết chúng tôi lại với nhau như những tu sĩ Đa Minh. Nếu không có những câu chuyện đó, có lẽ chúng tôi sẽ mất đi ký ức về quá khứ, không tìm được chỗ đứng trong hiện tại và cũng chẳng tìm được niềm hy vọng hay mong ước nào cho tương lai. Vì thế, như những tu sĩ Đa Minh, chúng tôi làm thành một cộng đoàn biết tự viết nên câu chuyện về truyền thống của mình xen vào giữa câu chuyện dài nhiều tập của các cộng đoàn tu trì và lồng trong cả một câu chuyện dài miên man, của cộng đoàn Hội Thánh, thậm chí còn lồng vào trong câu chuyện của cộng đoàn lớn lao hơn, tức là toàn thể nhân loại. Nó làm cho chúng tôi trở thành một gia đình đặc biệt, có thể phân biệt được dựa vào tất cả các nét đặc trưng của một gia đình. Những nét đặc trưng này có thể quan trọng hay tuỳ phụ, nhưng không cái nào có thể bị che khuất.
Khi nói điều này, tôi đã đả động ít nhiều đến linh đạo Đa Minh. Câu chuyện đời tôi chỉ có thể là câu chuyện của riêng tôi khi nó là một chương trong câu chuyện của Gia đình Đa Minh. Câu chuyện của tôi làm dài thêm và phong phú thêm cho lịch sử linh đạo Đa Minh, dù là một chương rất nhỏ, nhỏ đến độ gần như không đáng kể, nhưng nó vẫn là một chương, đồng thời nó bị tương đối hoá và bị cọ xát bởi toàn bộ câu chuyện lâu đời và bao trùm hơn của Gia đình Đa Minh. Điều này đã khiến tôi tự hỏi liệu tôi có làm cho lịch sử của gia đình này méo mó đi không. Vì vậy tôi thường nghi ngờ những ai lấy “quan niệm của mình” hoặc “kinh nghiệm của bản thân” mà nói cho người khác rằng đó là linh đạo Đa Minh. Hơn nữa, cũng cám ơn Chúa, vì đến nay vẫn còn tồn tại những người Đa Minh. Nói khác đi, câu chuyện của chúng ta chưa đến hồi kết, nghĩa là vẫn chưa được kể hết và vẫn còn nhiều điều để nói.
Từ đó, chúng ta có thể rút ra kết luận thứ nhất : không thể đưa ra một khái niệm rốt ráo và toàn diện về linh đạo Đa Minh. Chúng ta không thể đưa ra một lời chung thẩm cho một câu chuyện vẫn còn đang diễn tiến mạnh mẽ. Có chăng, chúng ta chỉ có thể phác ra một vài nét chính của cốt chuyện, một câu chuyện được lưu truyền bằng nhiều cách thức trong gần tám thế kỷ qua : một câu chuyện nền đã được kể bằng vô số ngôn ngữ cho ngàn ngàn triệu triệu thính giả. Nó được biến thái ít nhiều cho phù hợp với văn hoá, với hoàn cảnh lịch sử, với bản sắc của từng Giáo hội địa phương.
Câu chuyện nền này là nét quan trọng, nó đứng vững từ thuở ban sơ của dòng Đa Minh. Tuy nhiên, xuất xứ của bất kỳ một câu chuyện có liên quan nào cũng thường bị chìm khuất trong một quá khứ mù mịt mà chúng ta khó lòng dựng lại về mặt lịch sử. Thánh Đa Minh (1170-1223), khởi đầu của câu chuyện gia đình Đa Minh, đã không viết cuốn sách nào. Tuy nhiên, nhờ tái tạo lại lịch sử một cách cẩn thận, chúng ta có được một “chân dung Đa Minh thực” từ vô số những giai thoại (một loại văn rất thịnh hành thời Trung cổ), nhờ đó mà chúng ta có được một nền tảng khá vững vàng. Đặc biệt, dù không để lại văn phẩm hay tài liệu nào, nhưng cha Đa Minh đã để lại một gia tài sống động, đó là dòng Đa Minh, bao gồm những anh chị em mong muốn tiếp tục sự nghiệp của người. Câu chuyện Đa Minh được khởi đầu từ thánh Đa Minh và các anh em tiên khởi. Họ đã cùng nhau khai mào cho câu chuyện của gia đình Đa Minh. Họ đã tạo ra một nội dung và một sắc thái riêng.
Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn được kể lại, được viết lại bằng nhiều cách thức. Xét nguyên nó, câu chuyện này là một cách đặc thù, qua đó cái cốt lõi của một câu chuyện xa xưa hơn, câu chuyện của Đức Giêsu người Nazareth, đã được móc nối với hiện tại và được tiếp diễn một cách mới mẻ. Điều này đưa đến cho chúng ta kết luận thứ hai : Linh đạo Đa Minh chỉ mãi có ý nghĩa thực chất khi gắn kết với câu chuyện về cuộc đời Đức Giêsu và diễn tả lại câu chuyện đó bằng những đường nét mới. Trong sắc lệnh Canh tân thích nghi đời sống Dòng tu, Công đồng Vaticanô II đã viết : “Bước theo Chúa Kitô như Phúc Âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu, nên tất cả các Hội dòng phải coi tiêu chuẩn ấy như là quy luật tối thượng” (số 2a). Do vậy, linh đạo Đa Minh phải tuân thủ tiêu chí chung liên quan đến nguồn mạch của mọi đời sống Kitô hữu. Điều đó cũng có nghĩa là linh đạo của cha Đa Minh và các anh em tiên khởi không phải là luật trực tiếp tuyệt đối cho mọi người Đa Minh. Vì thế, một sự hiểu biết đầy đủ và sâu sắc hơn về Đức Giêsu (ví dụ như qua những cảm nghiệm mới dựa trên Kinh Thánh hoặc nhờ những tiến bộ mới của khoa chú giải Sách Thánh) có thể dẫn đưa chúng ta tới những điểm nhấn rất khác biệt so với những gì mà cha Đa Minh và các anh em của người đã quan niệm. Cũng theo sắc lệnh, canh tân trước tiên phải trở về “nguồn cội của đời sống Kitô hữu” (số 2), là chính Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô (Mc 1.1). Nguồn mạch này không bao giờ cạn và luôn luôn tuôn trào những khả thể mới. Ngay cả chính thánh Đa Minh cũng không thể đưa ra “chìa khoá vạn năng” cho tất cả những tình huống mới này.
Đồng thời, điều này cũng ngậm ý rằng mọi câu chuyện của các Dòng tu phải được coi là một phần hoặc là những biến tấu của một câu chuyện lớn hơn - “cộng đoàn Dân Chúa”, tức Giáo hội, (số 2c). Ở đây, Công đồng muốn nhấn tới “dự phóng hiện thời của Giáo hội” : Kinh Thánh, Phụng vụ, Giáo Lý, Mục vụ, đối thoại, sứ vụ, xã hội. Linh đạo Đa Minh giả thiết phải quan tâm đến mọi nhu cầu và những vấn đề hiện thời của Giáo hội trong những hoàn cảnh cụ thể. Linh đạo Đa Minh không thể chỉ vun quén riêng cho khu vườn Đa Minh của mình mà thờ ơ trước những gì đang diễn ra giữa lòng Giáo hội và xã hội.
Tuy nhiên, được Tin Mừng soi dẫn và cọ xát thường xuyên với những phê bình lịch sử do Tin Mừng khơi động, đồng thời lại được thể hiện như một đặc điểm lịch sử cụ thể của những dự phóng lớn lao và cần thiết của Giáo hội trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, “hứng khởi ban đầu của đấng sáng lập” vẫn là đường nét chính của câu chuyện gia đình Đa Minh, và do đó, đây là điểm quy chiếu. Ở đây, sắc lệnh nhắm tới không chỉ là dự phóng khởi thuỷ đặc biệt của người sáng lập (propria propossita) mà còn là truyền thống riêng (sanae traditiones) của Dòng, ít ra là những truyền thống lành mạnh. Đây phải là “gia sản tinh thần” hay linh đạo của Dòng.
Do đó, có kết luận thứ ba : linh đạo Đa Minh chỉ có giá trị thể hiện như là một cách thức đặc biệt để khi thực thi nhiệm vụ “theo Chúa Giêsu” của Giáo hội. Đặc biệt, với chúng ta đó là tiếp bước và sống theo hứng khởi của thánh Tổ phụ, một hứng khởi vẫn đem lại ánh sáng mới, đường hướng phù hợp cho mọi bối cảnh lịch sử của Dòng. Cho nên, chúng ta hằng phải ghi tâm khắc cốt câu chuyện nền tảng lịch sử này, vì trong quá khứ nhiều khi chúng ta đã đi quá xa với cội nguồn. Chẳng hạn, khi Toà tra đưa Gioana Arc lên giàn thiêu, các tu sĩ Đa Minh trong cuộc đã đi ngược lại với hứng khởi và ý hướng của Cha Đa Minh. Người ta đã nhắm mắt, bịt tai, làm ngơ trước sự khởi phát của một đoàn sủng mới, đó không phải là thái độ của một người Đa Minh chân chính.
Sắc lệnh đưa ra tiêu chuẩn thứ ba nhằm canh tân đời sống tu trì. Đó là những mối liên hệ giữa câu chuyện của Đức Giêsu và câu chuyện khởi thuỷ của Dòng (với chúng ta, đó là dòng Đa Minh) với những đổi thay của thời đại (số 22). Điều này ngậm hiểu rằng : linh đạo Đa Minh không thể được xác định chỉ đơn thuần nhờ vào việc trở về nguồn hoặc chỉ đơn thuần nhờ vào khả năng thích ứng với những đổi thay của lịch sử, cho dù đây là việc làm cần thiết. Linh đạo Đa Minh còn là cách chúng ta sống, chúng ta thể hiện câu chuyện của gia đình Đa Minh ngay lúc này, tại đây trong thời đại chúng ta. Linh đạo Đa Minh không chỉ đơn giản là những gì xảy ra “lúc khởi đầu” hay những diễn biến của lịnh sử Dòng. Vì nếu như thế chúng ta mới chỉ ghi lại một bản tường trình lịch sử về cách thức mà những người Đa Minh thời trước đã được khởi hứng. Những kiến thức về lịch sử chưa phải là linh đạo. Quả vậy, một sử gia uyên bác nào đó dù không phải là người Đa Minh cũng có thể tái tạo lại lịch sử của Dòng tốt hơn chúng ta. Nếu linh đạo Đa Minh không chỉ thuần tuý là lịch sử của một linh đạo, hay không là một hệ tư tưởng sáo rỗng, thì linh đạo Đa Minh là một thực tại sống động, nó được chính người Đa Minh đang sống, họ là những người nắn đúc lại câu chuyện của gia đình Đa Minh ngay tại đây và lúc này, bằng cách luôn quan tâm đến những hoàn cảnh của Giáo hội, xã hội và của những hiện trạng lịch sử văn hoá thời đại.
Kết luận thứ tư : nếu không có mối tương quan sống động với hiện tại, thì bất cứ điều gì nói về linh đạo Đa Minh cũng chỉ là những bận tâm thuần tuý lịch sử đến quá khứ của Dòng mà thôi. (Thường thì đó là cách biện hộ cho việc tránh né những nhiệm vụ khẩn thiết hiện nay). Linh đạo Đa Minh là một thực thể sống động cần phải được thực hiện giữa chúng ta. Chẳng vậy, chúng ta mới chỉ đơn giản lặp lại những câu chuyện mà người ta đã kể đi kể lại từ bao đời ; và như vậy, chúng ta chẳng viết thêm phần của riêng chúng ta vào trang lịch sử mà Dòng đã khởi đầu. Quả là chúng ta đang thực sự viết một chương mới, một chương vẫn chưa được xuất bản. Chương đó có đáng được coi là chương tiếp nối mạch chuyện của Dòng hay không tuỳ thuộc vào đánh giá của thế hệ hậu sinh. Thực tế, nếu chúng ta có thể, có khả năng viết nên một chương mới sống động, tôi tin chắc rằng nhiều bạn trẻ cả nam lẫn nữ sẽ được lôi kéo và tiếp tục phát huy truyền thống Đa Minh. Bất kỳ một câu chuyện nào có ý nghĩa tự nó có sức hấp dẫn, nó sẽ được kể đi kể lại, không gì ngăn cản nổi. Tuy nhiên, chuyện đó có xảy ra hay không còn tuỳ vào giọng điệu và kịch tính của chương mà chúng ta đã viết lên trong toàn bộ câu chuyện Đa Minh. Phải chăng nó chỉ là một đoạn ngắn tẻ nhạt và bị bỏ xó ? Hay phải chăng nó chẳng ăn nhập gì với câu chuyện đã được viết ra trước đó, làm cho câu chuyện Đa Minh bị lụi tàn vĩnh viễn ? Hay cũng có thể nó sẽ là một chương hấp dẫn, chỉ vì người đọc cảm thấy chúng ta đã ra sức tìm kiếm “cốt lõi chính” của câu chuyện về Dòng, cái cốt lõi mà lúc này đây chúng ta đang mất dấu ? Cả chương này nữa cũng có thể trở nên một phần rất quan trọng của câu chuyện gia đình Đa Minh.
Một “sợi chỉ đỏ” đã xuyên suốt câu chuyện dòng Đa Minh từ thời thánh Đa Minh đến nay. Nhiều khi sợi chỉ này được dệt vào tấm vải Kitô giáo – đó là điều chúng ta không được phép quên, đang khi viết phần của mình trong lịch sử của Dòng. Sợi chỉ đỏ này đan quyện vào câu chuyện của đời chúng ta, dù nội dung của câu chuyện này có đa dạng thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn đang thể hiện linh đạo Đa Minh. “Linh đạo” sẽ không còn là linh đạo bao lâu nó chỉ được mô tả, dù bằng một giọng điệu xác quyết độc đoán cũng vậy. Linh đạo phải được đưa ra thực hành như là trình tấu lại bản hoà tấu Đa Minh xưa theo cách hoàn toàn mới mẻ.
Bản hoà tấu xưa, tức là cái chủ đề thường xuyên tái hiện, hay câu chuyện nền tảng của dòng diễn ra như thế nào ?
Tôi muốn nói rằng đó là một câu chuyện có nhiều tình tiết ! Vào khoảng thế kỷ thứ XII, đầu thế kỷ XIII, có hai vấn đề lớn phát sinh : phải canh tân đời sống giới linh mục và phải canh tân đời sống giới đan sĩ. Năm 1215, Công đồng Latêranô IV nhóm họp đã giải quyết hai vấn đề này cách riêng rẽ, không thấy có một nối kết nào giữa hai vấn đề này. Công đồng đã gây tác động ít nhiều đến cha Đa Minh. Vốn là một kinh sĩ sống theo tu luật Âu Tinh ở nhà thờ chính toà giáo phận Osma, khi đi tới miền tây Nước Pháp, cha Đa Minh đã quy tụ một số anh em cùng làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ rất cấp bách trong địa phận Toulouse. Cha Đa Minh đã nhìn ra dấu chỉ thời đại. Vào thế kỷ XII, nhiều phong trào tu đức xuất hiện, và nhiều giáo dân hưởng ứng những phong trào này. Nội dung chính của những phong trào này là kết hợp tinh thần khó nghèo Tin Mừng với việc rao giảng, nhưng những phong trào này thường có khuynh hướng bài giáo sĩ. Những sa sút của hàng giáo sĩ làm nảy sinh vấn đề : việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô phải chăng cần có sự cho phép của Giáo hội (tức giám mục) và phải được Giáo hội uỷ thác và sai đi ? Một đời sống tu đức và một đời sống theo Tin Mừng như các thánh Tông đồ (thời gian đó gọi là đời sống tông đồ ‘Vita apostolita’), tự nó lại chẳng phải là một sự tô điểm cho việc rao giảng Tin Mừng đó sao ? Quan niệm này là lập trường của nhiều phong trào, tuy nhiên nhiều Công đồng đã coi đó là những phong trào “lạc giáo”. Chúng tôi cũng phải nói rằng những phong trào “lạc giáo” hồi đó lấy hứng khởi từ Tin Mừng và từ chính Chúa Kitô, trong khi đó những nhà giảng thuyết “chính thức”, dù có lập trường chính thống đi chăng nữa, nhưng lại có cuộc sống xa lạ với Tin Mừng, thậm chí ngay cả bề ngoài, và mang đậm dấu ấn phong kiến trưởng giả. Nhiều phong trào Tin Mừng xuất hiện, nhất là ở Pháp, Ý, Đức và Hà Lan (những nước giàu có thời đó) đều có chung một điểm (dù rằng những phong trào này độc lập với nhau) : sống Tin Mừng một cách triệc để – không thoả hiệp. Linh đạo đặc trưng của những phong trào này là rất mực đề cao nhân tính của Chúa Giêsu : bước theo một Đức Giêsu nghèo khó. (Những phong trào này phát sinh do ảnh hưởng của phong trào khổ tu Xi-tô và do cuộc canh tân của đức Grêgôriô)
Cũng vào thời điểm này, lối sống chiêm niệm Đông phương cũng gây nên một ảnh hưởng lớn (do những nhà thập tự chinh và các người buôn vải du nhập về). Tình thế càng trở nên nghiêm trọng hơn khi những phong trào Tin Mừng tiếp cận với những phong trào nhị nguyên Đông phương. Các phong trào này lan sang phương Tây qua vùng đất Slơ-va thuộc châu thổ sông Danub, và chúng ta vẫn quen gọi là lạc giáo Cathars ; tên gọi này được dùng chung cho cả nhóm ngộ đạo và nhóm theo xu hướng nhị nguyên. Kết quả là toàn bộ những phong trào Tin Mừng càng bị Giáo hội nghi ngờ nhiều hơn. Vấn đề đặt ra là làm sao giữ được những phong trào Tin Mừng này vẫn thuộc về Giáo hội đồng thời huy động được nó để chống lại lạc giáo. Chúng ta phải xem xét hiện tượng Đa Minh dựa trên hậu trường lịch sử của tất cả những phong trào phục hưng Tin Mừng này, là những phong trào bên lề Giáo hội cơ chế. Không phải chỉ một mình cha Đa Minh nhìn ra vấn đề này. Đức Innocentê III, giám mục Điêgô, và thánh Phanxicô Assisi đều nhìn ra vấn đề này. Với óc thực tế bén nhậy, cha Đa Minh đã thảo ra một kế hoạch. Cha thấy tiềm năng khổng lồ cho việc sống Tin Mừng đã vuột khỏi tay Giáo hội. Dù đã được đào luyện để sống đời linh mục theo lối kinh sĩ truyền thống, thánh Đa Minh lại rất cảm thông với những người dám khởi xướng thể nghiệm mới này. Đồng thời cha cũng thấy được nguyên nhân tại sao những người này hoặc trở thành lạc giáo, hoặc lại được sát nhập vào truyền thống đan tu (chẳng hạn phong trào premonstratesians). Người đã muốn những phong trào mới này trở thành dạng thức thay thế cho những lối sống Tin Mừng trong Giáo hội. Người muốn những phong trào này “sống như người lạc giáo”, nhưng “giảng dạy như Giáo hội”.
Phong trào sống Tin Mừng phải là một thách đố trong lòng Giáo hội, hay nói khác đi, nó phải là phong trào của Giáo hội chứ không phải một giáo phái. Lối nhìn của thánh Đa Minh càng gần với thực tế khi người tìm ra lối giải quyết bằng cách kết hợp vào trong một thể chế duy nhất, một bên là việc giảng thuyết mang tính tông đồ (đó là một lối giảng thuyết nhằm đáp ứng nhu cầu loan báo Tin Mừng được Đức Giáo hoàng và hàng giám mục hậu thuẫn) và một bên là lối sống tông đồ (theo chân Chúa Kitô như các thánh tông đồ xưa). Thánh nhân đã kết hợp hai vấn đề mà Công đồng Latran IV đã xem xét cách riêng rẽ. Trong Công đồng này, các nghị phụ đã không cho phép thành lập một Dòng tu nào mới và cấm rao giảng nếu chưa được phép, điều này xem ra đi ngược lại với những quan điểm riêng của đức Inôxentê III. Về phần cha Đa Minh, người đã kết hợp những tinh hoa của truyền thống đan tu với những đường hướng nền tảng của những phong trào lạc giáo đang nở rộ khắp châu Âu để hình thành nên một lối rao giảng Tin Mừng khả tín, đòi hỏi người rao giảng phải có một cuộc sống xứng với Tin Mừng. Như vậy, thánh nhân đã phá vỡ cơ cấu phong kiến của lối sống đan tu cổ điển để tạo nên một nếp sống tu trì mới –dòng Anh Em Giảng Thuyết. Thế là, bản hiến pháp tiên khởi ra đời phần lớn dựa trên những yếu tố của những dòng đan tu truyền thống đặc biệt là dòng thánh Norbertô và dòng Xitô (vào thời điểm đó, bản hiến pháp của hai Dòng này là tuyệt vời nhất). Tuy nhiên, cha Đa Minh và các anh em tiên khởi của người đã thay đổi một vài yếu tố sao cho phù hợp với mục đích của Dòng : tông đồ du thuyết. Thế là một tinh thần mới đã được thổi vào những gì là cách tân của thời đó : những phong trào sống Tin Mừng bằng con đường cảm nghiệm đã đi theo cùng một hướng nhìn với Giáo hội.
Thánh Đa Minh có được tinh thần này là nhờ tiếp xúc với nhiều nhóm lạc giáo ở miền Nam nước Pháp, bao gồm nhiều hạng người. Song cũng như trên, với cơ cấu của Dòng, thánh Đa Minh đã không đặt nặng thế ổn định về mặt kinh tế (một nguyên tắc cơ bản của cơ chế đan viện đương thời). Dựa trên tinh thần phê phán tích cực, thánh Đa Minh đã tấn công vào thành trì của hệ thống phong kiến (trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội). Hơn nữa, sự kết hợp yếu tố chiêm niệm đan tu với việc thuyết giảng lưu động tạo nên một nền tảng mới khác với truyền thống vốn có của đời sống đan viện. Ý tưởng mới về “cơ chế công quyền” (một kiểu tổ chức đặc thù) được đem áp dụng vào thể chế tu trì của Dòng : quyền bính áp đặt từ trên xuống theo lối quân chủ không còn lý do tồn tại nữa mà thay vào đó là một lối quản trị dân chủ. Lạ lùng thay, tính dân chủ trong lối sống Tin Mừng của cha Đa Minh đã được du nhập vào những cơ cấu thế tục, đặc biệt là những cấu trúc dân chủ của giai cấp tư sản đang hình thành ở thời Trung cổ.
Bằng những “sợi chỉ” đan xen đó, cha Đa Minh đã dệt lên một tấm vải mới, một kế hoạch tu trì mới. Như thế, dòng Đa Minh đã được khai sinh từ đoàn sủng của việc kết hợp những gia sản tinh thần chọn lọc từ truyền thống đan viện cổ và lối sống kinh sĩ với sự thể nghiệm đời sống tu đức theo hướng “cách tân” của thế kỷ XIII. Thánh Đa Minh đã rất nhạy cảm một đàng với những giá trị của đời sống tu trì xưa và đàng khác với những viễn cảnh đầy hứa hẹn về đời sống tâm linh, khởi phát từ những thể nghiệm mới trong thời đại của người. dòng Đa Minh đã được khai sinh từ đặc sủng với “hai chiều kích” này. Tôi muốn nói đây là “Gratia originalis”, đặc sủng khởi thuỷ của Dòng.
Bởi thế linh đạo Đa Minh trước tiên có thể được định nghĩa như là một linh đạo dựa trên những suy cứu về gia sản do những truyền thống tu trì xưa để lại, đồng thời và nắm bắt một cách có chọn lựa theo hướng tích cực những vận hội mới do hoàn cảnh mang lại. Vì thế linh đạo Đa Minh không thể là chuyện tái diễn lại y nguyên những gì mà các bậc tiền bối đã làm một cách vẻ vang, cũng chẳng phải là chạy theo cách mù quáng những “phong trào mới” (dù là tâm linh hay chính trị) đang diễn ra trong thời đại chúng ta. Với cha Đa Minh, vấn đề chính là truy tìm chân lý. Trong thâm tâm, cha thánh hoàn toàn ủng hộ những thể nghiệm tông đồ mới của việc rao giảng kết hợp với đời sống khó nghèo, nhưng vì ghi nhận những thành quả tốt đẹp mà những lối sống tu trì xưa đã để lại, người đã tuân thủ vô điều kiện những đường hướng về việc canh tân đời sống linh mục và tu trì mà Công đồng Latran (1215) đã vạch ra. Đặc sủng của người thể hiện ở hai khía cạnh : xét về mặt cấu trúc, người đã phối kết được hai đường hướng chỉ dẫn riêng biệt ; và như vậy, xét như một đóng góp cá nhân, người đã đẩy mục tiêu của Công đồng đi xa hơn.
Dựa trên nét căn bản của nền linh đạo được diễn tả trong Hiến pháp tiên khởi, người ta có thể hiểu được lịch sử tiến triển của nền linh đạo này. Hiến pháp đã tiếp nhận những đổi thay của lịch sử, những sự kiện chồng chéo, những yếu tố mới vào cốt lõi của linh đạo Đa Minh. Chẳng hạn Hiến pháp năm 1221-1231 quy định các tu sĩ không được đọc sách của các tác giả ngoại giáo (ám chỉ những sách của Aristốt), của các triết gia (ám chỉ những sách của triết gia Ảrập, được coi là khuynh hướng cách tân của thời Trung cổ), các tu sĩ lại càng không nên nghiên cứu những môn khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ 20 năm sau đó, thánh Albêtô và thánh Tôma Aquinô coi việc nghiên cứu các khoa học phần đời và đọc các sách triết học của các tác giả ngoại giáo là điều kiện cần thiết để đào tạo tinh thần tông đồ thích hợp với tu sĩ Đa Minh. Như vậy, dựa trên linh đạo Đa Minh đích thực, hai vị thánh này đã dám đi ngược lại một điều khoản trong bản Hiến pháp Đa Minh mà các anh em tiên khởi đã viết ra, và như thế là cũng đi ngược lại với những gì chính thức được coi là “linh đạo Đa Minh”. Được khởi hứng từ những gì thánh Đa Minh đã thực thi trong thời đại của người, hai vị đã thực hiện ý tưởng của mình thành công đến nỗi điều khoản Hiến pháp cũ này đã bị Tổng hội bãi bỏ ; hơn nữa, bản Hiến pháp sau đó còn coi thánh Tôma như là một “đại sư biểu”. (Cha Raymond Penafort đã thiết lập những trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ Ảrập ở vùng Nursia và Tunis). Đây quả là một bước tiến mang tính Đa Minh đúng nghĩa, theo đúng tinh thần của một Đa Minh đã cố gắng nối kết “quá khứ” với những “tiềm năng mới của tương lai”. Chính điều này cũng đã ngầm chứa một nguy cơ mới là sau này thánh Tôma rất có thể sẽ không còn là ngọn hải đăng chỉ hướng đến tương lai và có thể trở thành một thứ lằn ranh không thể vượt qua. Nếu như hậu duệ Đa Minh không dệt được sợi chỉ đỏ đan kết vào câu chuyện của Dòng, thì e rằng linh đạo Đa Minh sẽ có nguy cơ bị tàn lụi. Vấn đề còn tệ hại hơn nữa, nếu như dựa trên một thứ linh đạo Đa Minh “bất di bất dịch” – một điều mâu thuẫn ngay trong tên gọi – người ta lại nhắm mắt loại bỏ những thử nghiệm mới, coi đó như “nguỵ thư” ; thế mà chính những thử nghiệm đó đang đi theo đúng quỹ đạo của linh đạo Đa Minh đích thực. Những thời khắc vĩ đại nhất trong lịch sử dòng Đa Minh, đó là những lúc câu chuyện Dòng xem ra đi ngược lại với lịch sử, những lúc có những sợi chỉ liên kết đan vào tấm vải : cha Đa Minh, thánh Albêtô và thánh Tôma, chân phước Savonarola, tôn sư Eckhart, cha Las Casas, Lacordaire, Lagrande, Chenu, Congar… và còn nhiều gương mặt khác nữa. Tuy nhiên, thời kỳ của các vị này cũng đồng thời là những khoảng thời gian mà anh em đôi khi gặp phải khó khăn với chính câu chuyện của gia đình Đa Minh đã được thiết định ; đó là khi bằng một cách thức rất “phản Đa Minh” người ta từ chối không dệt những sợi chỉ mới đó vào câu chuyện của Dòng. Chúng ta không phủ nhận giá trị căn bản, nhờ đó tất cả chúng ta được sự nâng đỡ của nhiều anh em Đa Minh vô danh đã sống thành công đời sống Đa Minh trong âm thầm, (dù trong âm thầm, nhưng họ gây ra những ảnh hưởng lớn và tạo nên những sợi chỉ mới cho câu chuyện Dòng). Tuy nhiên, đời sống đó chỉ là một đời sống Đa Minh đặc trưng khi mà, theo gương cha thánh, anh em Đa Minh nắn đúc lại “cái cũ” đồng thời phối hợp nó với tính năng động của các hình thái luôn mới mẻ và đa dạng. Nếu không xảy ra như vậy vào lúc này hay lúc khác trong lịch sử của Dòng thì sẽ có nguy cơ là mối bận tâm truy tìm chân lý vốn là đặc tính tiêu biểu của anh em Đa Minh sẽ bị bêu diếu trong một toà tra và “nhiều tiềm năng Đa Minh mới” sẽ bị loại trừ. Những tiềm năng này trổ sinh ngoài Dòng. Tôi không muốn gộp câu chuyện ảm đạm này, cũng là một phần câu chuyện của Dòng, vào sợi chỉ xuyên suốt của câu chuyện gia đình Đa Minh. Bởi lẽ câu chuyện của Dòng hầu như lúc nào cũng sẵn sàng tiếp nhận thêm những sợi chỉ đan xen. Và những sợi chỉ mới này đảm bảo cho sự liên tục của Dòng. Lịch sử của những sợi chỉ đan xen chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt câu chuyện gia đình Đa Minh. Nó được dệt vào một tổng thể rộng lớn hơn và cũng an tịnh hơn. Chuyện thánh Inhaxiô Loyôla bị giam giữ trong một tu viện Đa Minh nào đó vì người đã gây sốc cho những người đương thời bằng một đặc sủng mới là một trong những câu chuyện cho thấy “linh đạo Đa Minh” đi ngược lại với chính mình một cách thật tệ hại ; ngày nay đã rõ là hành động như vậy chính là phạm phải sai lầm của thứ chủ nghĩa “lấy thịt đè người”, rất trái ngược với tinh thần Đa Minh. Hay nói cách khác, đó là những thời điểm tiêu biểu, mà những người Đa Minh đã mất đi căn tính ; họ dựa trên lập luận cố hữu của mình, họ đã chụp mũ cho những sợi chỉ mới “khác hệ” là tà thuyết. Những hình thái luôn luôn mới, là những hình thái mà linh đạo Đa Minh phải thâu nạp sao cho ăn khớp với câu chuyện nền tảng của Dòng ; những hình thái đó sẽ xuất hiện thậm chí còn rõ ràng hơn nữa, chính qua những thời điểm mà chúng ta đã thất bại trong quá khứ.
Cái cốt lõi của linh đạo Đa Minh đó là chú tâm nhận biết Thiên Chúa như Người đã tự biểu lộ cho chúng ta trong quá khứ và cẩn thận lắng nghe những dấu chỉ của thời đại hôm nay, qua đó, cũng một vị Thiên Chúa trung tín vẫn luôn mời gọi chúng ta dấn thân theo Người. Bất kỳ lối suy nghĩ một chiều nào, tức là lối phê phán phiến diện, thiếu suy xét hoặc đối với quá khứ hoặc đối với dấu chỉ cho tương lai thì đều không phải là tinh thần Đa Minh. Thánh Đa Minh đã đón nhận hiện tại với những tiềm năng thử nghiệm của nó, và bắt cái hiện tại này phải đối chất với “hồi ức nguy hiểm” về một số biến cố hay di sản nào đó đến từ quá khứ ; nhưng đồng thời người cũng mở toang toàn bộ quá khứ và đặt lên đó dấu chứng của cái hiện tại đang được cảm nhận như một sự đổi chiều. Chính từ thái độ này mà Dòng đã khai sinh. Cái “tinh tuý” của linh đạo Đa Minh là ở chỗ đó. Hiện diện trước nhan Chúa và hiện diện trước thế giới (theo kiểu nói của cha Lacordaire) diễn tả bản chất đích thực của linh đạo Đa Minh xuyên suốt lịch sử của Dòng. Và có lẽ cả ngày nay nữa, khi hồi niệm lại những sự kiện tôn giáo trong quá khứ, chúng ta sẽ thấy rõ rằng, sự hiện diện trước thế giới hay sự liên đới mang tính phê phán với thế giới nhân sinh là cách thế duy nhất để ta có thể diện diện trước Thiên Chúa. Đồng thời, quan điểm này cũng cho thấy cần phải có một hồi ức mang tính phê phán về quá khứ tôn giáo trong đó cũng một sự hiện diện trước Thiên Chúa luôn luôn được bày tỏ trong sự bắt nhịp được với những gì đang là dấu chỉ thời đại.
Tính “hiện đại” của Đa Minh dựa trên những phản tỉnh về quá khứ. Sau một giấc ngủ triền miên kéo dài nhiều thế kỷ, cha Lacordaire và Bề trên Tổng quyền Jandel là những người đầu tiên trong thế kỷ XIX đưa dòng Đa Minh trở về đặc sủng ban đầu và đưa Dòng thoát khỏi não trạng duy truyền thống vốn kéo theo một thứ “trật tự bất di bất dịch”. Danh xưng Lacordair cũng đồng nghĩa với việc Dòng tái khám phá lại chính mình. Vì phong trào Lacordaire đã được nuôi dưỡng nhờ đặc sủng ban đầu của Dòng, và vì thế một lần nữa lại khơi lên vấn đề “linh đạo Đa Minh”.
Từ đó, chúng ta có thể rút ra vài nét đặc trưng của linh đạo Đa Minh :
1 - Tin tưởng vào tính ưu việt tuyệt đối của ân sủng Thiên Chúa trong bất cứ hành động nào của con người : chẳng hạn, những định hướng thần học của đời sống Đa Minh, và những chương trình hành động liên hệ tới luân lý, thế giới, xã hội và việc thăng tiến con người. Không nên lúc nào cũng lo lắng đến bản thân nhưng hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa : Tôi tín thác vào Thiên Chúa hơn là vào chính bản thân. Từ đó đưa đến một lối linh đạo thanh thản và hạnh phúc. Thiên Chúa vẫn tạo nên một tương lai bất ngờ từ những hành động giới hạn của chúng ta.
2 - Đời sống tu trì dưới ánh sáng của Tin Mừng (vita apostolica) là môi trường sống mà trong đó người Đa Minh là nhà tông đồ qua những hình thức giảng thuyết đa dạng. Cứu độ các linh hồn là mục đích của mọi hoạt động của Dòng. Từ đó nảy sinh châm ngôn sống “chiêm niệm và thông chuyển cho người khác những điều đã chiêm niệm”. (Tức là cần có sự nhất quán giữa lời giảng và lối sống ; ở đây, thánh Tôma đối chiếu đặc tính của những tu sĩ khất thực với đặc tính của các dòng khác, và đồng thời nối kết đặc tính này với đức khó nghèo : trở nên tự do với của cải). Quan niệm chung này càng trở nên đặc trưng hơn khi dòng Đa Minh coi việc học hành như là yếu tố chính trong lối sống Tin Mừng của Dòng. Yếu tố này không phải là nét đặc trưng của những phong trào Tin Mừng thời Trung cổ. “Học hành không phải là mục tiêu của Dòng, nhưng là phương thế chính phục vụ cho công việc loan báo Tin Mừng. (Cha Humbertô viết như vậy khi chú giải Hiến Pháp). Do ít học mà nhiều phong trào Tin Mừng không mang lại hiệu quả. Hơn nữa, khi các trường Đại học tăng cường yếu tố nghiên cứu theo phong cách hàn lâm, thì đồng thời cũng trở thành trung tâm thu hút và tập trung các nhà trí thức, chứ không phải là các giáo phận như trước kia nữa. Nhận thấy điều này, thánh Đa Minh đã đưa việc học hành thành yếu tố mang tính thiết chế trong cơ cấu của Dòng. Người không muốn thành lập bất kỳ một tu viện nào mà ở đó chưa có lấy một “tiến sĩ thần học”, và mỗi tu viện phải là một “trường thần học” ; tức là nơi “thường huấn”. Lối phân biệt giữa tu viện học hành và tu viện mục vụ là một lối phân biệt phản Đa Minh. Mỗi tu viện phải có cả hai công việc đó. Thánh Tômas đã ra công bảo vệ một thể chế tu trì được “thành lập để học tập”.
3 - “Linh đạo Giêsu” của Dòng – tức dựa trên “nhân tính của Chúa Giêsu”. (Thánh Albêtô, thánh Tôma, tôn sư Éckha, Tauler, Susô đã trực tiếp nối kết linh đạo này với lòng sùng kính mà anh em Đa Minh dành cho đức Maria và thánh cả Giuse) nhưng nhân tính này được cảm nhận như là một sự thông ban niềm vui mà Thiên Chúa đích thân biểu lộ cho con người - là chính tâm điểm của linh đạo và trường phái thần bí Đa Minh mà không thiên về bất kỳ một hình thức sùng mộ kéo theo nào. Cùng với các đặc tính linh đạo khác, thì đây là một đặc tính tiêu biểu của dòng Đa Minh trong thế kỷ XII.
4 - Hiện diện trước thế giới (tức đặc sủng lắng nghe thời đại, như cha Lacordaire đã nói) : luôn luôn mở lòng ra với những đặc sủng mới do các hoàn cảnh khác nhau gợi lên. Vì thế, cần tránh những hệ thống cơ cấu cứng nhắc, gò bó, và thay vào đó là những cơ chế dân chủ, uyển chuyển, những cơ chế mà người Đa Minh có thể mở lòng đón nhận sự xuất hiện của những câu chuyện mới cho dù nó có gây khó chịu. Đây cũng là nét đặc trưng của Dòng, đó là anh em Đa Minh chưa bao giờ xin đức Thánh cha chuẩn y Hiến pháp Dòng. Có như vậy, người Đa Minh mới có thể thích ứng với những hoàn cảnh mới.
5 - (Rút ra từ đặc trưng thứ 4). Từ thời thánh Albêtô và thánh Tôma, linh đạo Đa Minh thêm phần phong phú nhờ vào việc ứng dụng nguyên tắc Kitô giáo về việc thế tục hoá vào trong những hướng đi tự bản chất mang tính Tin Mừng và tôn giáo (ban đầu Dòng bác bỏ nhưng sau lại chấp nhận nguyên tắc đó). Điều này trước tiên đưa người ta đến việc tìm hiểu sự vật (vật thể, mối tương quan liên vị, xã hội) trong bản chất và cơ cấu nội tại của chúng hơn là vội vàng xác định tương quan của chúng với Thượng đế. Vào thời hiện đại, điều này đã đem lại những tác dụng rất lớn nếu đem đối chiếu với những hình thức thần bí giả hiệu nhìn mọi sự dưới lăng kính siêu nhiên ; những hình thức này sớm muộn gì cũng lộ ra như một cảm thức tự tôn đội lốt lòng mộ đạo.
Thoạt tiên, Dòng đã phải lao đao mới đưa được “những nguồn tự nhiên” vào lời rao giảng của người Đa Minh. Thái độ thâm căn cố đế của các đan sĩ trong việc loại bỏ các “khoa học đời” vẫn còn có ảnh hưởng dù điều này đã bị chế giảm bởi nguyên tắc chuẩn chước trong dòng Đa Minh. Những tu sĩ Đa Minh tiên khởi là những người “chống đối triết học” (điều này đưa đến nguy cơ rao giảng một Tin Mừng theo hướng duy siêu nhiên). Cuốn “Vitae Fratrum” đầy chất “thánh thiện ngây thơ”. Thánh Tôma và thánh Albêtô đã sửa đổi đường hướng này, thánh Albêtô đã tranh luận gắt gao với người anh em của mình. Họ là những người một lần nữa muốn lên án tử cho triết gia Socrate. Cuộc tranh luận liên quan đến những hệ luận của việc truyền giảng Tin Mừng toàn diện, mà với thánh Tôma và thánh Albêtô điều đó phải được minh giải rạch ròi không theo kiểu vu vơ được. Trong Tổng hội diễn ra ở Valencia năm 1259, ý tưởng của hai vị đã được chấp nhận : các môn khoa học đời đã trở thành các môn học bắt buộc trong Dòng.
6 - Những yếu tố khác : đọc kinh Thần vụ, giữ kỷ luật tu trì, sống đời sống cộng đoàn là những nét của đời sống tu trì nói chung, và theo nghĩa đó chúng không phải là những nét đặc trưng của Đa Minh. Đó là “hồi ức nguy hiểm” về quá khứ đan tu và kinh sĩ mà thánh Đa Minh không ngừng diễn tả nó cho phù hợp với chương trình tu trì và tông đồ mới, dù với một thể thức có cân nhắc, thu hẹp và khiêm tốn hơn.
7 - Luật chuẩn chước (lịch sử của nó bắt nguồn từ thánh Đa Minh) là tôn trọng đặc sủng riêng của từng tu sĩ trong cộng đoàn Đa Minh, nhưng phải phù hợp với mục đích của Dòng. Hẳn nhiên, đây là một luật cực kỳ nguy hiểm, nếu như bị lạm dụng thì hậu quả sẽ khôn lường. Tuy nhiên, cha thánh thà rằng đánh liều còn hơn là khước từ ý nghĩa nhân bản và Kitô giáo của luật chuẩn chước. Việc đặt luật chuẩn chước thành một nguyên tắc chung là một khám phá hoàn toàn mới của dòng Đa Minh trong thời Trung cổ. Dù chuyên chú vào việc học hành để phục vụ phần rỗi tha nhân hay miệt mài với công tác tông đồ, nghịch lý thay, bạn luôn có thể là một tu sĩ Đa Minh mà không cần ai giám sát.
Điều này giả thiết rằng các anh em đã phải được đào luyện để trở thành những người Đa Minh thực sự. Khi đó, chuẩn chước không được hiểu là đi ra ngoài luật lệ ; trái lại, nó là một khoản luật hiến định của Dòng. Sự rập khuôn là một điều xa lạ với Hiến pháp nguyên thuỷ của Dòng. Thậm chí ngày nay, nguyên tắc khởi thuỷ này của Dòng vẫn mở ngỏ đón nhận mọi thử nghiệm mới, dù cho một số thử nghiệm có thể gây “sốc” cho một số anh em vốn đã quen với một linh đạo “đã được thiết lập”. Tuy nhiên, những cuộc thử nghiệm này luôn cần phải xảy ra từ trong lòng “hồi ức nguy hiểm” về một truyền thống đã kéo dài nhiều thế kỷ. Truyền thống này luôn dự báo những viễn ảnh thường trực đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Chẳng vậy, những thử nghiệm sẽ thất bại về mặt tôn giáo.
Dù có vô số những ví dụ minh hoạ cho đặc trưng này trong văn khố phong phú của gia đình Đa Minh, tôi chỉ muốn trưng dẫn ra đây một sự kiện trong lần đầu tiên soạn thảo Hiến pháp của Dòng. Các chuyên viên về quản trị cho rằng cơ cấu “dân chủ” của Dòng là hiện tượng độc nhất trong các thể chế đan tu Công giáo. Điều này được hiểu chính xác như là kết quả của một nền linh đạo mang tính đột phá tiêu biểu của Dòng (đi đôi với sự kính trọng các thành quả trong truyền thống). Hiến pháp được “rà soát lại” mỗi khi có một luật gia nổi tiếng từ đại học gia nhập Dòng (chẳng hạn cha Raymond de Penafort). Sự tu chính này khởi từ Tổng hội Bologna. Ngay trước và trong thời gian diễn ra Tổng hội, có những sự phản kháng xã hội nổ ra trong trường đại học và thành phố Bologna, thêm vào đó là các cuộc tranh cãi giữa nhóm Ghibelline (bảo thủ) và nhóm Guelphs (cấp tiến). Các tu sĩ Đa Minh, với vai trò cố vấn, đã bị lôi vào những cuộc tranh cãi này. Tinh thần “đồng trách nhiệm” của mọi người mà đảng cấp tiến đòi hỏi có ảnh hưởng lớn trên Hiến pháp của Dòng. “Điều gì ảnh hưởng tới tất cả mọi người, thì phải được mọi người giải quyết”. Vào thời đó, nguyên tắc dân sự này đã thu hút sự chú ý và được các tu sĩ Đa Minh ủng hộ, sau đó được thừa nhận và đưa vào Hiến pháp của Dòng (do ảnh hưởng và là kết quả của kinh nghiệm dân sự ở Bologna). Kinh nghiệm trần thế này đã gây một ảnh hưởng rất lớn trên Hiến pháp tiên khởi của Dòng. Những phong trào giải phóng xã hội này đã ghi đậm trên Hiến pháp của Dòng, hoàn toàn khác với mô hình quản trị truyền thống đang được hình thành thời đó. Theo gương của cha Thánh, các tu sĩ Đa Minh đã không chỉ giơ tay phản đối hoặc quyết tâm gìn giữ những gì có từ thuở ban sơ, nhưng lắng nghe tiếng Chúa từ những phong trào tiến bộ của xã hội dân sự (dù phải chấp nhận những xáo trộn). Từ những kinh nghiệm này, các anh em đã viết lại một cơ chế đan tu Đa Minh, đúng hai mươi năm sau thánh Đa Minh. Đó là một trong muôn ngàn thí dụ cho thấy “sợi chỉ góc” mà câu chuyện gia đình Đa Minh vẫn tiếp tục trình bày như là “chủ đề ruột” của mình trải qua bao thế hệ.
Tôi mới chỉ nêu ra một số rất ít nét đặc trưng của dòng Đa Minh, và còn nhiều điều có thể trình bày nữa. Hơn nữa, thiết tưởng tôi phải khẳng định rõ ràng rằng không phải chỉ những người Đa Minh mới làm như vậy. Trong trường hợp này, linh đạo Đa Minh có thể phấn khởi mà nói rằng : như thế lại càng hay ! Chúng ta chẳng cần phải lo gìn giữ tính độc quyền của linh đạo này. Là tu sĩ Đa Minh, vấn đề đặt ra là lúc này chúng ta phải làm gì trong bất cứ hoàn cảnh nào theo đoàn sủng của Dòng và sự cam kết của lời khấn. Nếu như người khác cũng làm như vậy, thì chúng ta có thể yên tâm khẳng định về tính đúng đắn của linh đạo chúng ta. Nếu một quan niệm đặc thù trở nên phổ biến, thì nó chẳng mất đi giá trị ; ngược lại là đàng khác.
Thánh Đa Minh, một người đã từng sống như một kinh sĩ theo tu luật thánh Âu Tinh, nhưng đang khi vẫn tín nhiệm thiên hướng ban đầu, đã đưa ra một hành trình mới (khởi đầu cho dòng Đa Minh) nhờ việc tiếp xúc sống động với những nhu cầu của con người và Giáo hội, mà trước đó người đã chẳng nhận ra. Chẳng ai có thể trách người Đa Minh là đã phản bội lại với ơn gọi ban đầu. Chuyện thay đổi hành trình của thánh nhân chỉ là đưa ra một lối sống mới (để bắt nhịp được với những gì mà thánh nhân cho là những khả thể tốt đẹp hơn) nhờ đó người vẫn giữ được lòng trung thành với cảm nhận sâu xa về ơn gọi của mình đang khi phải đối diện với những nhu cầu mới. (Theo những nhà sử học, thánh nhân cảm động đến rơi lệ khi thấy những nhu cầu của tha nhân. Thánh nhân đã khao khát, một niềm khao khát kéo dài trong suốt cuộc đời là được đi đến Cumani, một vùng ở Balkans, nơi giao lộ từ Đông sang Tây của lạc giáo theo phái nhị nguyên). Từ sự đổi thay kỳ diệu trong tín thành đó, mà Dòng đã hình thành. Sự đổi thay trong tính thành đó là một yếu tố của đoàn sủng Đa Minh.
Chẳng có một thần học gia, luật gia, tâm lý gia chuyên nghiệp hay nhà xã hội học nào từ bàn giấy của mình có thể đề ra những điều chúng ta phải hành động bây giờ. Điều này phải được dò dẫm bằng những trải nghiệm cụ thể, bằng những ý thức tôn giáo được khơi gợi thông qua những đoàn sủng mới, dù phải luôn nhớ đến yếu tố đan xen đôi khi khá hiểm nghèo – tức sợi chỉ vàng - trong câu chuyện của gia đình Đa Minh chúng ta. Có như vậy, chúng ta mới biết nhận định và xem xét lại những thành quả của quá khứ và làm cho chúng sinh hoa trái trong những chương trình mới. Cùng với thánh Tôma, vị thánh theo sát óc thực tế và khí chất đặc biệt của thánh Đa Minh, chúng ta có thể nói rằng “điều tuyệt hảo của một thể chế tu trì sẽ không hệ tại ở tính chặt chẽ của lề luật, mà hệ tại sự kiện khéo léo này là các luật lệ đó được soạn thảo một cách uyển chuyển nhằm đáp ứng được mục đích của đời sống tu trì”. Trong thời đại hôm nay, điều này đòi hỏi chúng ta phải có một quyết định mới và chín chắn trong đó bất luận là bề trên hay bề dưới có sự liên đới trách nhiệm để cho chính hệ thống cơ cấu luôn mở ngỏ đón tiếp những sợi chỉ mới.
Vấn đề này là trách nhiệm của chúng ta. Vì trong lời khấn, chúng ta đã chọn lựa sống trong một cộng đoàn cụ thể, một cộng đoàn Đa Minh với những lý tưởng riêng. Có thể có những sai phạm, những thiếu sót trong cộng đoàn đó (hoặc do phản bội lại câu chuyện của gia đình Đa Minh, hoặc do câu chuyện đó không có đất sống, hoặc bị lỗi thời, hoặc chết trong cộng đoàn ấy). Những sai phạm và thiếu sót đó có thể sẽ khiến cho những tu sĩ đã khấn, do muốn trung thành với lý tưởng Đa Minh vẫn ôm ấp, đành phải từ bỏ cộng đoàn theo sự thúc đẩy của lương tâm (hoặc đến khi phải buộc phải ra khỏi Dòng) bởi vì cộng đoàn đó đã không mang lại cho họ sự trợ giúp mà họ có quyền được hưởng do hiệu lực của lời khấn. Thật là nguy hiểm và nghịch lý khi mang nhãn hiệu Đa Minh, nhưng lại chẳng sống trong “đoàn sủng Đa Minh”.
Câu chuyện gia đình Đa Minh vẫn gợi cho chúng ta những ý tưởng thích hợp nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa qua những dấu chỉ thời đại hầu làm phong phú và kéo dài câu chuyện đó bằng một chương mới tiếp theo. Nhiều người nghĩ rằng câu chuyện gia đình Đa Minh đang đến giai đoạn kết, chẳng còn mấy ai cảm nhận được vẻ hấp dẫn của nó. Những người Đa Minh hôm nay, nam cũng như nữ, là những người có thể tạo ra một bước chuyển để rồi câu chuyện đó tiếp tục triển nở (chứ không còi cọc), và rồi những người khác đến lượt mình lại tiếp tục gia nhập vào một cộng đoàn Đa Minh và lại tiếp tục câu chuyện này. Chúng ta có thể thoải mái lưu truyền những câu chuyện dân dã mà mỗi Dòng đều có bên cạnh câu chuyện vĩ đại : những câu chuyện dân dã này chỉ đơn giản cho thấy một điều là câu chuyện vĩ đại của gia đình Đa Minh đã được gầy dựng và kể lại bởi những con người hết sức bình dị, mặc dầu họ đã vượt lên trên chính mình nhờ vào sức mạnh của ân sủng nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên sẽ thật tai hại cho câu chuyện của gia đình Đa Minh nếu như câu chuyện vĩ đại cuối cùng lại bị thu hẹp và giảm thiểu thành câu chuyện về những sự tích dân dã gắn liền với những cộng đoàn tu viện.
Tôi e rằng tôi đã nói quá nhiều mà chẳng chuyển tải được bao nhiêu, nhưng cũng có thể quá ít. Có lẽ đây là điều rất phù hợp cho một chương mà lúc này đây chúng ta đang thêm vào câu chuyện của đại gia đình Đa Minh. Tôi hy vọng rằng nó sẽ trở nên câu chuyện nhiều tập sống dai hơn những bộ phim đang trình chiếu trên truyền hình nhưng vô phương làm thay đổi cục diện thế giới. Mong sao những câu chuyện của gia đình Đa Minh sẽ trở nên những dụ ngôn không diễn tả bằng ngôn từ nhưng hấp dẫn và được kết bằng những lời của Chúa Giêsu : “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37)
Vào năm 1206, trước khi có ý định lập Dòng, cha thánh đã thành lập một đan viện ở Prouille. Tuy nhiên, mục đích thành lập thì không khác mục đích của Dòng sau này : cha Đa Minh muốn đưa phong trào tu sĩ sống Tin Mừng (mà có cả người phụ nữ tham gia) thành một phong trào của Giáo hội nghĩa là đưa Tin Mừng vào Giáo hội và đưa Giáo hội đến với những phong trào Tin Mừng của các giáo phái. Rao giảng Tin Mừng mà không có Giáo hội, hoặc Giáo hội mà không có Tin Mừng thì tự bản chất đi ngược lại với tinh thần Đa Minh, đi ngược lại với đặc sủng mà từ đó Dòng được thành lập.
Vào thời đại thánh Đa Minh, những hứng khởi Tin Mừng hầu hết xuất hiện trong những phong trào “lầm lạc”. Vì vậy, thánh Đa Minh đã rao giảng giữa những người lạc giáo. Cha đã tuyển một số chị em theo lạc giáo (trong số họ, những người mệnh danh là ‘người công giáo nghèo’ thì còn theo giáo lý chính thống), quy tụ lại và sống ở Prouille. Người đã đem đến một bầu khí Giáo hội cho Tin Mừng mà trước đó họ đã cảm nghiệm khi ở “ngoài Giáo hội”. Năm 1219, thánh nhân thành lập nữ đan viện ở Madrid, và Roma (thánh Sisto) và đã viết Hiến pháp cho các chị em, về sau Hiến pháp này là cơ sở cho Hiến pháp của Dòng. Sau nhiều trở ngại, tu viện thánh Agnese cũng được thành lập ở Bologna dưới sự yểm trợ về tài chính của cô gái 18 tuổi tên là Diana of Andalo (sau là bạn của Bề trên Tổng quyền thứ hai của Dòng, Jordan), nhưng chỉ sau khi thánh Đa Minh qua đời tu viện này mới được thành lập.
Tuy nhiên, có một điều rất đáng ghi nhận, đó là vào những ngày cuối đời của thánh Đa Minh, nhất là sau khi người qua đời, hầu hết anh em đều chống đối lại chuyện sát nhập các các đan viện mới vào Dòng. Sự phản ứng này đã dẫn đến nhiều bất đồng giữa anh em và các đức Thánh cha mãi cho đến năm 1259. Từ những tư liệu lưu trữ, chúng ta thấy rõ sự phản ứng này nảy sinh từ chính mục đích của Dòng : việc chăm lo cho các chị em sẽ làm cho công việc rao giảng Tin Mừng bị lu mờ đi. Đặc biệt, Tổng hội diễn ra ở Paris năm 1228 cấm tất cả tu sĩ Đa Minh đảm trách việc mục vụ và linh hướng cho các đan viện (trừ bốn đan viện lớn đầu tiên), nếu vi phạm sẽ bị trục xuất khỏi Dòng. Tuy nhiên, miền Bắc Âu, sự phát triển của phong trào Đa Minh đã tiếp cận với nhiều phong trào Tin Mừng lớn mạnh của nữ giới ở đây ; bỗng chốc hầu hết đều trở thành thành viên Đa Minh (một số theo dòng Phanxicô). Chỉ sau một thời gian, có tới hàng trăm tu viện, mỗi tu viện có hơn 100 nữ tu Đa Minh. Trước đó chẳng có ai trù liệu chuyện này, mà đây chỉ là hệ quả ngẫu nhiên của sự gặp gỡ giữa việc giảng thuyết Đa Minh và những phong trào Tin mừng của nữ giới thời đó. Vì vậy, các tu sĩ Đa Minh nam đã phản đối việc phải chăm lo cho các nữ tu, vì việc này sẽ làm lu mờ đi sứ vụ của Dòng. Nhiều sắc lệnh của các đức Thánh cha yêu cầu Dòng cung cấp những trợ giúp cả về tài chính lẫn tinh thần cho các nữ tu. Vào năm 1252, trong tổng hội Bologna, Dòng đã chống lại những sắc lệnh liên tiếp đó (phần lớn các sắc lệnh do lời thỉnh cầu của các nữ tu ở Roma). Trong một sắc lệnh đề ngày 15-7-1252, đức Innôcentê IV đã chịu nhượng bộ đôi chút : Toà thánh sẵn sàng ngừng ban bố sắc lệnh, nhưng các đan viện hiện có phải được các tu sĩ Đa Minh coi sóc. Tuy nhiên, các tu sĩ Đa Minh đã không chấp nhận điều kiện này, và rồi cuối cùng các vị cũng đã khiến đức Thánh cha phải rút lại quyết định trên. Người đã viết cho anh em như sau : Cha tự nghĩ rằng rao giảng Tin Mừng là nghĩa vụ tiên quyết của người Đa Minh. Mục đích này có thể bị phai nhạt đi vì phải chăm lo cho các tu viện nữ. Nên các anh em không phải lo cho các chị nữa…. trừ hai tu viện Prouille và tu viện thánh Sistô.
Tuy nhiên, các tu viện nữ vẫn cứ nài nỉ đức Thánh cha. Bị đặt vào thế kẹt giữa hai mặt trận của Đa Minh : một bên là các anh em với một bên là các chị em. Đức Thánh cha biết các nam tu sĩ phản đối đúng theo nguyên tắc. Ít lâu sau, Bề trên Tổng quyền Jobannes Teutonicus qua đời (1252), đức Hồng y Hugo a Santo Cara, vốn là tu sĩ Đa Minh và rất quan tâm tới phong trào Tin Mừng của nữ giới, đã được Đức Thánh Cha trao quyền đi dàn xếp với Dòng. Trước tiên, người muốn xua tan sự chống đối của các anh em bằng những “giải pháp ngầm” cho tới khi có bề trên Tổng quyền mới (tức Humberto Romans), anh em tu sĩ ít nhất phải có nhiệm vụ chăm lo về tinh thần cho các chị em. Dòng vẫn không chịu chấp nhận, và đến tổng hội nhóm họp tại Milan vào năm 1255, các nghị huynh đã đề ra giải pháp là : phải cần đến ba Tổng hội liên tiếp mới quyết định được về việc liệu một nữ đan viện có được đặt dưới sự hướng dẫn của các anh em hay không. Giải pháp ban đầu được chấp nhận trong Tổng hội Paris (1256) rồi trong tổng hội Florence 1257, và sau đó trở thành luật của anh em. Năm 1259, một giải pháp cuối cùng được thông qua : các tu viện nữ đã được thành lập có quyền được các linh mục Đa Minh săn sóc về phần thiêng liêng. (Sự kết thúc cuộc chống đối này là kết quả của vai trò trung gian của đức Hồng y thuộc dòng Đa Minh, Hugo a Santo Caro. Người đã kết hợp được quan điểm chính thức của Dòng Đa Minh và quan điểm của chính Hội thánh. Trong Dòng, từ thánh Đa Minh trở đi, tính chất đặc trưng của Dòng thường là sự thoả hiệp giữa đức Giáo hoàng và quan điểm của anh em Đa Minh ; cả hai bên đều biết cách đạt được nhiều điểm chính yếu trong lập trường của mình). Sau 30 năm chống đối, anh em Đa Minh đã phải nhượng bộ. Còn giải pháp đối với những tu viện mới thiết lập vẫn giữ nguyên hiệu lực sau khi đã được ba tổng hội liên tiếp phê duyệt. Sự phối hợp giữa Toà thánh và các chị em nữ tu đã thắng thế. Hơn thế nữa, Dòng lại phải soạn thảo Hiến pháp cho các chị em. Tổng hội năm 1259 nhóm họp ở Valencia, Cha Humberto đã phê chuẩn bản Hiến pháp vốn dựa trên Hiến pháp của anh em nhưng đã được sửa đổi cho phù hợp với các chị em. Anh em cũng phải lo lắng cho các chị em về mặt kinh tế, để các chị em có thể chuyên chú vào đời sống học hành và chiêm niệm (vì nếu để họ tự lo thì các chị em sẽ phải thường xuyên sống trong điều kiện quá túng bấn - đó cũng là kết quả của sự quá tải về nhân số). Mối liên hệ chặt chẽ giữa các anh em và các chị em Đa Minh đã tạo ra một phong trào thần bí Đa Minh. Phong trào này nở rộ trong thế kỷ XIV nhờ vào sự hướng dẫn về mặt thần học và tu đức của anh em và nhờ vào sự hưởng ứng từ phía các chị em (1300-1480). Nạn dịch đen cắt đứt đi sự tiến triển này khi cướp đi mạng sống của hơn một ngàn tu sĩ Đa Minh. Hơn nữa cũng trong thời kỳ này, Dòng bị chia rẽ bởi cuộc ly giáo : Avignon và hai Giáo hoàng.
Sau này, đặc biệt vào thế kỷ XIX, nhiều cộng đoàn chị em được thành lập ngoài Dòng, nên Dòng không có trách nhiệm với họ ; vả lại, cũng không có cộng đoàn nào quan tâm đến linh đạo Đa Minh đúng nghĩa, mà thường theo trào lưu của thế kỷ XIX khởi hứng đi từ những hoạt động bác ái.
Với tư cách là người Đa Minh, chúng ta cần nhớ rằng trong thời đại hiện nay có rất nhiều những sự phát triển mà trong đó chúng ta, những người nam nữ đang cùng nhau tìm kiếm một dạng thức mới cho linh đạo Đa Minh trong một cuộc canh tân đời sống hiện đại sao cho phù hợp với Tin Mừng, và đi chung một nhịp với những thao thức của xã hội. Dù vẫn đang trên đường tìm kiếm, nhưng chúng ta không được phép loại bỏ khả năng này của đời tu Đa Minh. Tinh thần cộng đoàn và sự liên kết giữa các anh chị em có lẽ giúp chúng ta hiểu được phong trào thần bí Đa Minh trong thế kỷ XIV (đỉnh cao của linh đạo Đa Minh). Từ bài học lịch sử của Dòng, chúng ta không được để vuột mất những ân điển mới khỏi tay chúng ta. “Những sự lựa chọn” mới của anh em Đa Minh mà thoạt đầu có vẻ gây xáo trộn lại là những triển vọng cho tương lai và chúng không dễ gì tự mai một ; tuy nhiên, chúng ta vẫn phải để ý tới sự nguy hiểm của những đối chiếu với đời tu trong quá khứ.
【Adward Schillebeeckx】