▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Chiêm niệm và Hoạt động: Tính phổ quát và thời sự của Đặc sủng Đa Minh từ góc nhìn của Luca

Dưới khía cạnh lịch sử, thánh Tổ phụ Đa Minh dường như đã không để lại bút tích nào, ngoài bức thư gửi các nữ đan sĩ Madrid, được Phụng vụ Dòng Đa Minh đọc trong ngày lễ nhớ chân phước Manê (18/8). Ngoài ra, theo tập sách Libellus cùa cha Giôđanô Saxônia, chúng ta được biết thêm vài di nguyện của cha thánh khi Người lâm chung: "anh em hãy sống bác ái, giữ đức khiêm nhường và thực hành khó nghèo tình nguyện." Khi thánh Tôma xem xét Dòng chiêm niệm có tuyệt hảo hơn Dòng hoạt động không, người dùng hình ảnh "chiếu sáng thì tuyệt hảo hơn sở hữu ánh sáng" để dẫn đến kết luận "chia sẻ cho tha nhân điều mình chiêm niệm tuyệt hảo hơn là chỉ chiêm niệm thuần túy." Theo thời gian, Dòng Đa Minh đã vận dụng đúc kết này của thánh Tôma làm châm ngôn: "chiêm niệm và chia sẻ cho tha nhân điều mình chiêm niệm."

1. Chia sẻ cho tha nhân điều đã chiêm niệm


Dưới khía cạnh lịch sử, thánh Tổ phụ Đa Minh dường như đã không để lại bút tích nào, ngoài bức thư gửi các nữ đan sĩ Madrid[1], được Phụng vụ Dòng Đa Minh đọc trong ngày lễ nhớ chân phước Manê (18/8). Ngoài ra, theo tập sách Libellus cùa cha Giôđanô Saxônia, chúng ta được biết thêm vài di nguyện của cha thánh khi Người lâm chung: “anh em hãy sống bác ái, giữ đức khiêm nhường và thực hành khó nghèo tình nguyện.[2] Khi thánh Tôma xem xét Dòng chiêm niệm có tuyệt hảo hơn Dòng hoạt động không, người dùng hình ảnh “chiếu sáng thì tuyệt hảo hơn sở hữu ánh sáng” để dẫn đến kết luận “chia sẻ cho tha nhân điều mình chiêm niệm tuyệt hảo hơn là chỉ chiêm niệm thuần túy.”[3] Theo thời gian, Dòng Đa Minh đã vận dụng đúc kết này của thánh Tôma làm châm ngôn: “chiêm niệm và chia sẻ cho tha nhân điều mình chiêm niệm.”

2. Nói với Chúa hoặc nói về Chúa


Hiến pháp Nền tảng của Dòng xác nhận mục tiêu thánh Tổ phụ thành lập Dòng là để “đặc biệt lo việc giảng thuyết và cứu độ các linh hồn.” Để thực hiện mục tiêu này, Dòng mời gọi anh em hãy “cư xử như những người của Tin mừng, bước theo chân Đấng Cứu độ, chỉ nói với Thiên Chúa hoặc nói về Thiên Chúa, với anh em mình hoặc với người đồng loại.”[4]

3. Tính phổ quát và thời sự của Đặc sủng Đa Minh


Dựa vào thánh Tôma và Hiến pháp Dòng, đặc sủng Đa Minh có thể được diễn tả vắn gọn thành một cụm từ gồm hai khía cạnh của một đời sống: “Chiêm niệm và Hoạt động.” Phải chăng đây là hai nhịp hít vào thở ra của một sinh thể để có thể duy trì và thăng tiến sự sống? Ngoài ra, nếu coi chiêm niệm là chiều kích hướng thần, và hoạt đông là chiều kích hướng tha, phải chăng đặc sủng Đa Minh tương hợp với lời mời gọi “mến Chúa yêu người” mà Đức Giêsu đã trả lời cho người thông luật về phương cách đạt tới sự sống vĩnh cửu? Theo Culpepper, thánh sử Luca đã dùng hai dụ ngôn “song sinh”: ông Samari nhân hậu và bà Maria nghe lời Chúa để minh họa cho giới luật kép: mến Chúa yêu người nhằm giải đáp thắc mắc của người thông luật.[5]

Thật vậy, khi người thông luật hỏi Chúa “"Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc 10,25). Cách trả lời cùa Đức Giêsu là hướng ý người thông luật trở về với nguồn mạch đạo lý Kinh thánh, đó là, “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” (x. Đnl 6,5 & Lv 19,18)) Nói tắt, luật Cựu ước khẳng định sự sống đời đời hệ tại ở việc “mến Chúa, yêu người.” Dường như thánh Luca nhận thấy độc giả chưa hài lòng về câu trả lời này. Liền sau trình thuật giải đáp thắc mắc của người thông luật, thánh sử trưng dẫn thêm hai dụ ngôn đặc thù nhằm minh họa cho hai chiều kích “mến Chúa yêu người”: ông Samaria nhân hậu và bà Maria lắng nghe lời Chúa.

Cũng theo Culpepper, từ hai góc nhìn tương phản, câu chuyện ông Samari nhân hậu (Lc 10: 29-37) và bà Maria lắng nghe lời Chúa (Lc 10: 38-42) đều không hoàn chỉnh nếu tách rời nhau. Đành rằng, mỗi câu chuyện đều có một sứ điệp riêng - người Samari thương người đồng loại, và bà Maria mến Chúa. Tuy nhiên, chính sự nối kết hai câu chuyện này mới làm thành một nếp sống toàn diện của người môn đệ theo Chúa Kitô. Trước hết, để thỏa mãn người thông luật muốn gạn hỏi ai là người thân cận của tôi (Lc 10,29), Chúa trả lời, hãy đi và thực hành giống như ông Samari nhân hậu (Lc 10,37)Tiếp theo, để minh họa cho giới luật mến Chúa hết lòng, Đức Giêsu khen bà Maria đã chọn ngồi “lắng nghe Lời Chúa” là điều thiện hảo không hề mai một (Lc 10,42). Phải chăng đời sống toàn diện của một môn đệ đích thực cần được diễn tả đồng thời hai hình ảnh này?

Thực ra, điểm nổi bật của hai câu chuyện này không chỉ là khuôn mẫu cho người môn đệ thực thi điều răn quan trong nhất (Lc 10:27) mà còn tương phản ở chỗ Chúa Giê-su chọn hai nhân vật nhằm minh họa hai phương diện của một thực tại: tình thương đồng loại và lòng mến Thiên Chúa: một ông Sa-ma-ri nhân hậu và một phụ nữ lắng nghe lời Chúa. Xưa nay cổ nhân vẫn từng nói, “đất có lề, quê có thói.” Các lề thói xã hội vốn luôn là những ranh giới tuy vô hình nhưng bất khả xâm phạm. Thật vậy, đời nào một ông Samari ngoại đạo lại có thể trở thành mẫu mực thương người đồng loại? Và, làm gì một chị thôn nữ mộc mạc lại được phép “đồng sàng đồng hội” với nhóm nam nhân đang chăm chú lắng nghe một vị Tôn sư đàm đạo? Thế nhưng, từ một góc nhìn bao quát, sự kết hợp hai câu chuyện ông Samari nhân hậu (Lc 10, 29-37) và bà Maria nghe lời Chúa (Lc 10, 38-42) cho thấy tính phản biện độc đáo của Đức Giê-su đối với lề thói của nền văn hóa bấy giờ. Một đàng, cả hai câu chuyện đều đề cao khả năng thực hành Lời Chúa (Lc 10,37) và lắng nghe Lời Chúa (Lc 10,39) của người môn đệ như những huấn dụ nhằm xây dựng Nước Chúa. Đàng khác, hai câu chuyện “song sinh” này cũng ngầm tiết lộ thực tế phũ phàng của những rào cản luân lý hòng kiểm soát, khống chế những thành phần cơ nhỡ trong bất kỳ xã hội nào. Họ có thể là người Samari ngoại giáo, là nạn nhân của các hình thức phân biệt đối xử, là phụ nữ, là người bất hạnh, neo đơn…

4. Tạm kết


Thực ra, mến Chúa bằng tất cả tấm lòng và thương người đồng loại như chính mình có nghĩa là người môn đệ mỗi ngày được mời gọi vượt qua những rào cản của thói đời để dấn thân cho những tiêu chuẩn của Nước Chúa - nơi đó không còn đối xử phân biệt giữa người với người. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn của Nước Chúa chỉ có một mà mà thôi, nhưng bao gồm hai khía cạnh tương thuộc: mến Chúa thương người. Khi coi “chiêm niệm và hoạt động” tương đồng với “mến Chúa yêu người,” phải chăng đặc sủng Đa Minh hàm ý tính phổ quát và thời sự mà bất cứ ai cũng có thể diễn tả khi chọn sống theo lời mời gọi của Chúa Kitô? Tiêu chuẩn này chẳng những vượt xa luân thường đạo lý, mà còn giúp cho người môn đệ thanh luyện mình khỏi những hủ tục. Nói tóm, để sống theo tiêu chuẩn của nước Chúa, người môn đệ, và cũng có thể là người Đa Minh, được mời gọi vượt qua những thách thức mỗi ngày, thậm chí có khi còn phải phá vỡ cái mà người thời nay cho là trật tự, để có thể đối đãi với nhau theo phong cách của Đức Giêsu.

[1] Các giờ kinh Phụng vụ Phần riêng Dòng Đa Minh, Bài đọc Kinh sách (Tp. HCM: Đại Kết, 1993), 159-160.
[2] Jordan of Saxony, Libellus, 92.
[3] Tôma Aquinô, Summa Theologica II-II, 188,6
[4] Hiến pháp Nền tảng Dòng Đa Minh, §II.
[5] Alan Culpepper, The New Interpreter’s Bible Vol IX (Nashville, TN:Abingdon Press, 1995), 226-232.
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url