▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Canh tân sứ vụ giảng thuyết

Chắc hẳn chúng ta không phải tranh luận gì thêm, giảng thuyết là sứ mạng của cả Hội Thánh; tuy nhiên, đây lại là một đặc sủng riêng của Dòng chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta nhắc lại đặc sủng này với lòng tri ân, và khiêm tốn soi mình dưới tác động của Lời Chúa và những giáo huấn của Hội Thánh và của Dòng.

(Đóng góp cho diễn đàn Tỉnh hội 2023)

Kính thưa quý Cha và toàn thể Anh em,

Chúng ta đang hướng về Tỉnh hội 2023, sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay tại tu viện thánh Martin, Hố Nai, Biên Hòa. Con xin mạo muội góp nhặt những giáo huấn của Hội Thánh, những hướng dẫn của một số vị Tổng Quyền gần đây để chúng ta cùng nhau suy tư về việc thi hành sứ mạng giảng thuyết và góp phần canh tân đặc sủng giảng thuyết của của chúng ta giữa lòng thế giới.

Chắc hẳn chúng ta không phải tranh luận gì thêm, giảng thuyết là sứ mạng của cả Hội Thánh; tuy nhiên, đây lại là một đặc sủng riêng của Dòng chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta nhắc lại đặc sủng này với lòng tri ân, và khiêm tốn soi mình dưới tác động của Lời Chúa và những giáo huấn của Hội Thánh và của Dòng.

Giảng thuyết: một yêu sách của Lời Chúa và Hội Thánh

Lệnh truyền giảng thuyết xuất phát từ chính Chúa Kitô: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20).

Thư Roma (10, 8-17) đã diễn tả rất sống động về mối tương quan giữa Lời Chúa – giảng thuyết – đức tin:

Vậy Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin. Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ… Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng! Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng; chính ngôn sứ Isaia đã nói: Lạy Đức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng? Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô”.

Mọi Kitô hữu đều đón nhận sứ mạng ngôn sứ, sứ mạng loan báo Chúa Kitô cho anh chị em mình. Việc loan báo này trước hết thể hiện bằng chính chứng tá của cuộc sống. Ở đây, lời giáo huấn của thánh Giáo hoàng Phaolô VI thường được nhắc lại cho chúng ta: “Con người thời nay dễ nghe theo chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có nghe theo thầy dạy, là vì thầy dạy cũng chính là thánh nhân”.[1]

Hội Thánh xác tín rằng: “Thần Khí của Đấng Phục Sinh làm cho đời sống chúng ta có khả năng loan báo hữu hiệu Lời khắp nơi trên thế giới” (VD số 91). Thật vậy, kể từ sau Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh đã tái khám phá ra rằng truyền bá đức tin là một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, được thực hiện nhờ Kinh Thánh và Truyền Thống sinh động của Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên, chứng tá đời sống chưa đủ, mà đích thực còn phải diễn tả bằng lời rao giảng nữa. Chẳng vậy, thánh Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại đã nhấn mạnh: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi…?” (Rm 10,14-15). Từ nền tảng này, thánh Giáo hoàng Phaolô VI xác quyết: “Chính Lời được rao giảng mới dẫn đến niềm tin”.[2]

Công đồng Vaticanô II đã khẳng định rằng việc rao giảng là một tác vụ quan trọng nhất của bí tích Truyền Chức. Chúng ta hãy lấy vài thí dụ: Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, số 21, khi nói về giám mục, Công đồng đã khẳng định rằng sự tấn phong giám mục ban cấp nhiệm vụ giảng dạy và cai quản cùng với nhiệm vụ thánh hoá. Sang số 28, khi nói về linh mục, Công đồng cũng nói rằng do bí tích Truyền Chức, các linh mục được thánh hiến để rao truyền Tin Mừng và chăn dắt các tín hữu cũng như để cử hành phụng tự như là tư tế của Tân ước.

Mặt khác, chúng ta cũng nhận thấy rằng trong các thừa tác vụ của giám mục và linh mục, thì Công đồng đặt trước hết là tác vụ giảng dạy, kế đó là thánh hóa và sau cùng là cai quản.[3]

Xét vì Dân Chúa được tụ họp do Lời Thiên Chúa hằng sống, Lời mà các tư tế có nghĩa vụ phải tuyên giảng, cho nên những thừa tác viên có chức thánh hãy quý trọng nhiệm vụ rao giảng; thực vậy, việc công bố Tin Mừng của Chúa cho mọi người là bổn phận chính yếu của họ.

Những điều Công đồng dạy ở trên không chỉ nhắn nhủ các giáo sĩ về nghĩa vụ giảng Lời Chúa, nhưng còn muốn nhấn mạnh tầm quan trọng ấy đối với sự sống còn của Hội Thánh nữa. Thực vậy, Hội Thánh (Dân Chúa) được tụ họp nhờ Lời Chúa: Hội Thánh được hình thành nên bởi những người tiếp nhận Lời Chúa và đáp lại bằng đức tin. Mặt khác, Hội Thánh không những được thành hình nhờ Lời Chúa, nhưng Hội thánh cần được Lời Chúa nuôi dưỡng để tăng trưởng nữa.[4]

Chính vì tầm quan trọng này, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở các giám mục, linh mục và phó tế phải ý thức chu toàn phận vụ giảng lễ với mối quan tâm đặc biệt. Ngài nhắn nhủ các vị mục tử trước tiên có trách nhiệm chủ yếu trong việc giải thích và giúp tất cả mọi người hiểu Thánh Kinh;... phải ý thức sâu sắc về yêu cầu phải làm cho Lời Chúa đi vào đời sống cộng đoàn.[5] Đây không phải là lời nhắc nhở chung chung, chúng ta cần nhận ra những lời này như đang được ngỏ cách cá vị với chúng ta, những người Anh Em Giảng Thuyết.

Giảng thuyết: một đoàn sủng của Dòng

Giảng thuyết là ơn gọi và là căn tính của chúng ta.

Ngay từ thời khai sinh, Dòng chúng ta đã được ghi dấu bằng sứ vụ giảng thuyết. Như chúng ta đã biết, Dòng Anh Em Giảng Thuyết, như chính tên gọi của Dòng, là cộng đoàn các anh em nhận lãnh sứ vụ giảng thuyết – “Công bố Lời Thiên Chúa, loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới.” Để chu toàn nhiệm vụ này, cha thánh Đa Minh đã đề ra cho chúng ta một lối sống, một linh đạo, đó là anh em “ở đâu cũng phải sống chính trực và đạo đức như những người khao khát ơn cứu độ của mình và của những người khác, như những con người của Tin Mừng, theo chân Đấng Cứu độ, chỉ nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa, với mình hoặc cho tha nhân.[6]

Cũng trong Hiến pháp nền tảng §5, chúng ta được Dòng nhắc nhở rằng:

“Được trở nên những cộng tác viên của hàng Giám mục qua việc truyền chức linh mục, chúng ta có phận vụ ngôn sứ là nhiệm vụ riêng. Nhiệm vụ này là loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô khắp nơi bằng lời nói và gương sáng tùy theo hoàn cảnh của con người, thời gian và khôn gian, để đức tin được nảy sinh hoặc thấm nhuần sâu xa hơn vào toàn thể cuộc sống, hầu xây dựng nhiệm thể Đức Kitô, việc xây dựng này được thành toàn nhờ các bí tích đức tin.”

Như vậy, chắc chắn giảng thuyết không chỉ hiểu là giảng lễ, nhưng còn là đặc sủng, là sứ mạng, là đời sống của chúng ta. Để canh tân sứ vụ giảng thuyết này, thiết tưởng mỗi chúng ta cần nhìn lại chính bản thân mình, hầu nhờ ân sủng trợ giúp, chúng ta có thể làm mới lại chính mình mà đáp ứng những đòi hỏi khẩn thiết của sứ mạng giảng thuyết Hội Thánh đã trao phó.

Dẫu đã 34 năm trôi qua, thế nhưng những câu hỏi của cha Bề trên Tổng Quyền Damian Byrne đã đặt ra trong bản văn chuẩn bị Tổng hội Oakland,[7] vẫn còn nguyên giá trị và thức thời đối với chúng ta hôm nay:

  1. Tôi có sống như lời tôi rao giảng không?
  2. Các tu sĩ Đa Minh có được công nhận là nhà giảng thuyết không?
  3. Trong công tác thường huấn, chúng ta có luôn nhắc nhở chính mình là những nhà giảng thuyết, danh hiệu mà ĐGH Hônôriô III và thánh Đa Minh đã đặt cho chúng ta không?
  4. Những kinh nghiệm nhân bản nào đã hình thành ra tôi và lời giảng của tôi? Tôi đã để cho tiếng kêu gào của những người nghèo khổ, những người không có chỗ đứng trong xã hội, những người không được giáo dục, những người không có quyền lợi, ảnh hưởng tới sự lãnh hội Tin Mừng của tôi và việc rao giảng của tôi ra sao?
  5. Phương pháp giảng thuyết của tôi như thế nào? Có đặt nền tảng trên lời cầu nguyện và việc học hỏi không? Tôi có gần gũi với Lời Chúa không? Tôi rao giảng Chúa Giêsu hay rao gảng chính tôi, quan niệm riêng của tôi? Tôi có biết lượng giá những công việc tôi làm, để biết học hỏi nơi người khác không? Tôi có tìm kiếm sự cộng tác của anh em trong Dòng và của giáo dân không?
  6. Làm thế nào để lối sống cộng đoàn đặc biệt của chúng ta trực tiếp động viên được những yếu tố căn bản của thuật giảng thuyết, tức là: cầu nguyện, học hỏi, chia sẻ, ngõ hầu chúng ta được công khai nhìn nhận là những nhà giảng thuyết?

Thiết tưởng, khi chúng ta liêm chính nội tâm mà trả lời những câu hỏi này, chúng ta có nhiều cơ may canh tân được việc giảng thuyết của mình; việc giảng thuyết mà cha Bề trên Tổng Quyền Timothy Radcliffe đã thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta phải liêm sỉ và nhìn nhận rằng đa số các lời giảng thuyết của chúng ta là buồn tẻ, và có phần làm chúng ta dễ ngủ hơn là đánh thức chúng ta dậy”. [8] Chính ĐGH Phanxicô cũng nhận định là nhiều người đang than phiền về việc giảng thuyết của các linh mục ngày nay.[9]

Có thể lời nhận định của cha Timothy Radcliffe nghiêng về việc giảng lễ và có tính chủ quan, nhưng những lời nhắc nhở của ĐGH Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng về tầm quan trọng của việc giảng lễ chúng ta không thể không lưu tâm đến. Trong Tông huấn này, Đức Phanxicô nhấn mạnh bài giảng phải là triển khai Lời Chúa, chứ không phải lời con người. Lời giảng phải đi từ trái tim đến trái tim, đó là những lời đốt cháy lòng người, những lời như người mẹ nói với con mình. Để làm được như vậy, các linh mục cần đầu tư thời gian xứng hợp cho việc chuẩn bị bài giảng của mình.

Giảng thuyết: “ân sủng giảng thuyết” & “giảng thuyết ân sủng”

Chúng ta đã quen lắm với thuật ngữ “ân sủng giảng thuyết” (Gratia praedicationis). Thuật ngữ này có thể hiểu theo hai nghĩa: hoặc như đoàn sủng hay như đặc sủng, một đàng nói đến ơn gọi của Dòng, một đàng nói đến ơn gọi của mỗi phần tử. Đoàn sủng giảng thuyết nhấn mạnh đến đặc trưng của một Dòng mang tên chính thức là “Anh em giảng thuyết” (Ordo Fratrum Praedicatorum); đặc sủng giảng thuyết thì quy chiếu về Chúa Thánh Thần, giảng thuyết là một ân sủng Chúa ban, chứ không phải là một năng khiếu tự nhiên, hay chịu khó tập luyện mà có được. Vì thế, chúng ta phải khiêm tốn và tha thiết cầu khẩn ơn ấy suốt đời: xin cho mình được lòng nhiệt thành cứu rỗi các linh hồn nhờ lời nói và gương sống, xin cho được hăng say mến Chúa cũng như khao khát cho các linh hồn được cứu độ.[10]

Còn “giảng thuyết ân sủng” (praedicatio gratiae) phải hiểu thế nào? Ta sẽ bàn đến đối tượng của lời giảng. Lời giảng của chúng ta phải là những lời về ân sủng, những lời chữa lành, lời đem lại niềm vui, niềm hy vọng và bình an cho anh chị em mình; chứ không thể là những lời tiêu cực, kết án, bi quan, hay chính trị …

Nói khác đi, lời giảng của chúng ta phải như sáp ong tuôn ra mật ngọt, mật ngọt của lòng thương xót, mật ngọt của ơn tha thứ, mật ngọt của tình yêu cứu độ, mật ngọt của niềm vui Tin Mừng.

Thật vậy, trong thư gởi toàn dòng, cha Bề trên Tổng Quyền Carlos A. Azpiroz Costa đã viết:[11]

Là người anh em giảng thuyết, chúng ta nhận thấy nơi thánh Đaminh có một trái tim đầy từ bi trắc ẩn. Tôi nghĩ rằng những lời đẹp nhất về người cha chung của chúng ta là những lời được chân phước Giođanô viết trong quyển sách Libellus: “Cha đón nhận tất cả mọi người vào lòng nhân ái bao la của cha, và bởi vì cha yêu thương hết mọi người, nên mọi người cũng đều yêu mến cha”.

Còn trong văn thư đề ngày 21.9.2015, công bố ngày khai mạc và chương trình năm thánh kỷ niệm 800 năm Dòng được châu phê, cha Bề trên Tổng Quyền Bruno Cadoré mời gọi chúng ta trở thành những nhà giảng thuyết về ân sủng, nhà giảng thuyết về lòng thương xót.[12]

Trong một cuộc phỏng vấn với Vida Nueva, nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày Đấng Sáng lập Dòng là Thánh Đa Minh Guzman qua đời (1221-2021), cha Gerard Timoner, Bề trên Tổng quyền đương nhiệm Dòng Anh em Giảng thuyết đã chia sẻ mong muốn “làm cho toàn thế giới lây nhiễm tích cực bằng niềm vui của Tin Mừng”.[13]

Chúng ta chỉ có thể trở thành những nhà giảng thuyết ân sủng, nhà giảng thuyết của lòng thương xót khi chúng ta mở lòng đón nhận ân sủng, đón nhận lòng xót thương của Chúa trước; cũng vậy, chúng ta chỉ có thể làm cho thế giới “lây nhiễm tích cực bằng niềm vui của Tin Mừng” một khi chính chúng ta đã cảm nghiệm, đã thưởng nếm niềm vui ấy.

Dù mỗi anh em chúng ta có công việc khác nhau, có khả năng khác nhau, chúng ta cần tích cực khơi lên ngọn lửa nhiệt thành giảng thuyết, ngọn lửa tông đồ đã tỏa sáng nơi Dòng từ khi được thành lập, ngọn lửa đam mê ơn cứu độ của tha nhân.

Kết luận

Vào thời Trung cổ, giảng thuyết là đoàn sủng, là đặc sủng, và cũng có thể nói là đặc quyền của Anh Em Giảng Thuyết chúng ta; thế nhưng này nay, Dòng Dòng giảng thuyết, người người giảng thuyết… vậy đâu sẽ là nét độc sáng trong việc giảng thuyết của chúng ta?

Chúng ta vừa nhấn mạnh đến việc “giảng thuyết ân sủng” (praedicatio gratiae), ân sủng như đối tượng lời rao giảng của chúng ta. Tuy nhiên, trong tiếng Latinh, gratia không chỉ có nghĩa là ân sủng, mà còn có nghĩa là nét duyên dáng, dịu dàng, hòa nhã, thanh lịch... Theo nghĩa này, mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở thành những nhà giảng thuyết duyên dáng, dịu dàng: nét duyên dáng, dịu dàng này không chỉ hiểu là những ngôn từ được chắt lọc khéo léo, nay những điệu bộ dễ nhìn khi giảng, mà còn phải hiểu là một lối sống đẹp, lối sống thánh, lối sống diễn tả lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu, trở nên khí cụ ngoan ngoãn dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng phân phát mọi ân ban, trong đó có đặc sủng giảng thuyết mà mỗi chúng ta phải khiêm tốn và tha thiết cầu xin.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, Đấng bảo trợ của Dòng và là gương mẫu của việc giảng thuyết, việc giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, luôn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, hầu chúng ta có thể canh tân sứ vụ giảng thuyết của mình và hân hoan giới thiệu Chúa Giêsu - con của Mẹ, cho thế giới hôm nay.

Giuse Phạm Quốc Văn, op.


[1] Phaolô VI, TH Loan báo Tin Mừng – Evangelii Nuntiandi, số 41.

[2] Ibid., số 42.

[3] Xc. Vat. II, Hiến chế về Hội Thánh, Lumen Gentium, số 25-27; Sắc lệnh về giám mục, Christus Dominus, số 11, Sắc lệnh về linh mục, Presbyterorum Ordinis, số 4-6).

[4] Xc. Vat. II, Hiến chế về Mặc khải, Dei Verbum, số 21.

[5] Xc. ĐGH Phanxicô, Tự sắc Aperuit illis, số 5; Homiletic Directory, số 26.

[6] Hiến pháp tiên khởi, phần II, số 31.

[7] Xc. “Tác vụ giảng thuyết”, tháng 9. 1989 – trích trong Can đảm hướng tới tương lai, tr. 187.

[8]Xc. “Ngợi khen, chúc tụng, giảng thuyết”, trích trong Can đảm hướng tới tương lai, tr. 576.

[9] Xc. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 135.

[10] Xc. Giuse Phan Tấn Thành, OP., Ân sủng giảng thuyết, giảng thuyết ân sủng. Nguồn: https://thinhviendaminh.net/an-sung-giang-thuyet-giang-thuyet-an-sung-cha-giuse-phan-tan-thanh-o-p/

[11] X. “Tất cả anh em đều là anh em với nhau”, 2009 - trích trong Can đảm hướng tới tương lai, tr. 767.

[12] X. “Nhà giảng thuyết của lòng thương xót”, trích trong Can đảm hướng tới tương lai, tr. 887-891.

[13] X. http://daminhthanhtam.org/be-tren-tong-quyen-gerard-timoner---rao-giang-su-that-la-lieu-thuoc-giai-doc-cho-dai-dich-lua-gat-.html

Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url