▪ Chủ đề: "Hiệp thông Đa Minh: Thăng tiến Đời sống Huynh đệ Cộng đoàn"
▪ Châm ngôn: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1Cr 12,7)

Giảng thuyết trong nhiệm thể Chúa Kitô

Mục đích việc đào tạo tông đồ của chúng ta mang nhiều tham vọng: không chỉ noi gương Chúa Kitô, nhưng còn chứng nghiệm nơi bản thân mình điều mà thánh Phaolô diễn tả: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Chúng ta tìm cách sống trong Chúa Kitô, và để Chúa Kitô sống trong chúng ta- đó là cách chúng ta trở nên chi thể của Thân Thể Chúa Kitô. Và trong Thân Thể ấy, chúng ta, những con người Đaminh đã được trao một sứ vụ tuyệt vời: không chỉ rao giảng Tin mừng, nhưng – do chúng ta giảng thuyết như là những chi thể của Chúa Kitô- chúng ta để Chúa Kitô giảng thuyết nơi mình (xc ST III.42.4 ad 1). Chúng ta nỗ lực để trở thành “những sứ giả của Chúa Kitô,” nhờ đó chính Thiên Chúa có thể “dùng chúng ta” (2 Cr 5:20).
77. Mục đích việc đào tạo tông đồ của chúng ta mang nhiều tham vọng: không chỉ noi gương Chúa Kitô, nhưng còn chứng nghiệm nơi bản thân mình điều mà thánh Phaolô diễn tả: "Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2:20). Chúng ta tìm cách sống trong Chúa Kitô, và để Chúa Kitô sống trong chúng ta- đó là cách chúng ta trở nên chi thể của Thân Thể Chúa Kitô. Và trong Thân Thể ấy, chúng ta, những con người Đaminh đã được trao một sứ vụ tuyệt vời: không chỉ rao giảng Tin mừng, nhưng – do chúng ta giảng thuyết như là những chi thể của Chúa Kitô- chúng ta để Chúa Kitô giảng thuyết nơi mình (xc ST III.42.4 ad 1). Chúng ta nỗ lực để trở thành "những sứ giả của Chúa Kitô," nhờ đó chính Thiên Chúa có thể "dùng chúng ta" (2 Cr 5:20).

78. Dẫu rằng sứ vụ này đã được trao cho toàn thể Gia đình Đaminh, nhưng mỗi chúng ta đều phải chu toàn, tùy theo vai trò cụ thể của từng người trong Thân Thể Chúa Kitô: người giáo dân giảng thuyết khác với các nữ đan sỹ, các anh em giảng thuyết khác với các nữ tu hoạt động. Và ngay giữa các anh em với nhau, các anh em tu huynh và các anh em linh mục cũng giảng thuyết theo những cách khác biệt. Mỗi một vai trò đều có tính độc đáo; như miệng cần phổi để nói, phổi cũng cần miệng để thở; cũng vậy, mỗi thành phần của Gia đình Đaminh cũng cần lẫn nhau để việc rao giảng của Chúa Kitô được hoàn tất.

79. Vậy, để chúng ta những con người Đaminh có thể rao giảng Tin mừng cách hữu hiệu, chúng ta phải hiệp hành (syn-) trên một Con Đường (odos) là chính Chúa Kitô, Đấng giảng thuyết (xc Ga 14:6). Ở đây, chúng ta nhận thấy sự hiệp hành theo hình thức Đaminh, được diễn tả trong Hiến pháp nền tảng, §VII: "Sự hiệp thông và tính cách phổ quát của Dòng chúng ta cũng làm nên thể thức quản trị của Dòng. Trong đó, điểm nổi bật là sự cộng tác hữu cơ và quân bình của tất cả các thành phần nhằm theo đuổi mục đích của Dòng." Và chúng ta hiệp hành như là những thành phần của "toàn thể Giáo hội," đồng hành và cộng tác với Giáo hội. (Hiến pháp nền tảng §VI; xc LCO 101).

80. Cách hiệp hành này, không chỉ cần thiết cho các thành phần khác nhau của Gia đình Đaminh, nhưng cũng cần thiết cho các anh em. Chẳng hạn, Tổng hội này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cộng tác giữa các tỉnh dòng trên khắp thế giới để hoàn thành sứ vụ đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải nhớ rằng tiên vàn chúng ta "được sáp nhập vào Dòng" (LCO 265)- lưu ý mối liên kết giữa từ sáp nhập (in-corp-oration) và thân thể (corpus) –và chỉ sau đó chúng ta mới được nhập tịch vào một tỉnh dòng cụ thể. Giống như các chi thể của thân thể, mỗi tỉnh dòng có tính tự trị riêng, nhưng tỉnh dòng chỉ có thể sống động nếu được nối kết với các tỉnh dòng khác và do đó là một phần của toàn Dòng. Có những khi, một thành viên cần sự giúp đỡ của thành viên khác để chu toàn chức năng của mình.

81. Chúng ta cũng phải hiệp hành với nhau như những cộng đoàn trong một tỉnh dòng- tựa như một thân thể, mà Hiến pháp nền tảng gọi là "tế bào nền tảng" (cellula fundamentalis) của tỉnh dòng (Hiến pháp nền tảng §VII)- và hiệp hành với nhau trong tư cách là những cá nhân trong một cộng đoàn. Chỉ khi biết nhớ đến những hồng ân của mỗi anh em đã thi hành sứ vụ trước chúng ta, Dòng mới có thể giảng thuyết cách hiệu quả. Trách nhiệm không chỉ thuộc về cộng đoàn, nơi đem đến các hồng ân này, nhưng còn thuộc về mỗi chúng ta là những cá nhân, những người khi khấn đã trao bản thân mình trong tay bề trên và cần trao cách liên lỉ- những hồng ân, những ý kiến, những khao khát, hay những dự định của chúng ta-cho nhu cầu giảng thuyết. Khi tuyên khấn vâng lời, chúng ta từ bỏ tiếng nói chung cuộc và tự nguyện đặt bản thân mình dưới sự quyết định của anh em.

82. Đường hướng hiệp hành này cũng có nghĩa là chúng ta cần kết hợp những suy tư về các anh em tu huynh với suy tư sâu sắc hơn về chức linh mục. Chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng anh em chúng ta có phẩm giá như nhau trước mặt Thiên Chúa và có những vai trò khác biệt nhưng tuyệt vời trong lòng Giáo hội. Về khía cạnh này, một chủ đề được lặp lại thường xuyên trong các cuộc thảo luận của chúng ta chính là nhu cầu tái khám phá sự hiểu biết tích cực hơn về vai trò của các anh em linh mục. Một lịch sử giáo sĩ trị cùng với nhiều lạm dụng khủng khiếp gây ra bởi một số linh mục qua nhiều thế kỷ và đặc biệt trong những thập kỷ gần đây đã khiến việc đưa ra một hình ảnh lạc quan về chức linh mục thật khó khăn, và thậm chí làm hoen ố chức linh mục bằng việc làm hổ thẹn nào đó. Thế nhưng, Chúa Kitô đã muốn có những chi thể đóng vai trò linh mục trong Thân Thể Người, và như thế, những chi thể khác -gồm cả các chi thể của Gia đình Đaminh- cần đến những nhà giảng thuyết linh mục, là những người đã sẵn lòng đón nhận ơn gọi linh mục của mình. Trong các cuộc trao đổi của chúng ta, nổi lên một nẻo đường quan trọng hướng về phía trước, đó là cần có hiểu biết lạc quan về vai trò của người cha tinh thần-rất cần cho một thế giới hoài nghi sâu sắc về vai trò người cha và đang khao khát có những người cha tốt lành.

83. Hơn nữa, vì chúng ta là chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, và các chi thể nương nhờ lẫn nhau, mỗi chúng ta phải trung tín và trả lẽ cho vai trò chúng ta đã được trao phó. Trên hết, Chúa Thánh thần đã đổ tràn trên mỗi chúng ta bằng các ân huệ tùy theo tác vụ của mình, những ân huệ mà chúng ta là người quản lý, và "Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều" (Lc 12:48). Tính khả tín này đặc biệt khẩn thiết với các nhà giảng thuyết, là những người nói lời có khả năng xây dựng hay phá hủy, và do đó, lời họ thốt ra cần được cẩn thận cân nhắc: "Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án" (Mt 12:37).

84. Chủ đề về tính khả tín vẫn luôn là trung tâm trong các công việc của Tổng hội. Chúng ta đã tập trung đặc biệt vào sự trung tín với trách nhiệm của mình trong đời sống Đaminh, và đặc biệt trung tín với điều mà hiến pháp và các tổng hội đòi hỏi nơi chúng ta- bởi nếu chúng ta không đọc và thi hành các điều luật, thử hỏi việc tổ chức tổng hội có ích gì? Trong bản tường trình cho tổng hội này, Bề trên tổng quyền đã ghi nhận: "Chúng ta biết rằng chúng ta không cần 'sáng chế lại' Dòng mỗi lần chúng ta tổ chức tổng hội. Thật vậy, 'hát lên bài ca mới' hẳn là điều thú vị; nhưng đôi khi, có lẽ chúng ta chỉ cần hát lại bài ca cũ với một 'tông khác', hoặc với sự hòa điệu hơn (Bản tường trình, 15). Và thực ra, qua các cuộc thảo luận trong những tuần vừa qua, nhiều lần chúng ta nhận ra rằng những điều mà chúng ta nghĩ Dòng cần hay chúng ta mong muốn đều đã có trong lề luật của chúng ta, có thể là nơi hiến pháp hay trong các công vụ của các tổng hội trước (xc LCO 275, §1). Vì thế, không cần thiết phải 'tái sáng chế' mình qua các khoản luật mới; với chúng ta, điều còn thiếu chỉ đơn giản là thi hành các lề luật sẵn có- những khoản luật mà chúng ta đã cùng nhau thề hứa- và sống tinh thần của lề luật! Có lẽ, điều chúng ta cần chỉ đơn giản là hát lên bài ca có sẵn trước mặt mình, hay hát lên bài ca của chúng ta với chìa khóa là 'sự khả tín' giữa các anh em với nhau.

85. Trong khi sự khả tín và trung thành với lề luật của chúng ta có thể bao hàm một ý nghĩa tiêu cực về tính nệ luật và những hạn chế, thực ra nó mang tính giải phóng, vì nó giúp chúng ta được tự do khỏi việc chăm chú quá mức vào việc nỗ lực tái tạo mình cách thường xuyên, và thay vào đó, cho phép chúng ta tập trung vào Thiên Chúa và tha nhân. Lề luật là một trật tự của lý trí (ordination rationis); vì thế, nó là sự khôn ngoan thực tiễn. Chúng ta phải nhìn 'luật lệ' của chúng ta dưới ánh sáng này: chúng ta là một dòng sống đời sống cộng đoàn, khôn ngoan thực tiễn để sống chung với nhau và giảng thuyết với tư cách một tập thể.
Mới hơnCũ hơn
Chưa có bình luận
    Tham gia bình luận
    comment url